Đọc quyển lịch sử Phật giáo Trung Quốc của Thượng toạ Thích Thanh Kiểm (NXB Vạn Hạnh 1963), tôi thấy ngài đưa ra 2 thuyết rất đáng tin cậy để cắt nghĩa sự du nhập của Phật giáo vào Trung Quốc. Thượng toạ cho biết thời Hán Ai đế (-6TrCN), một sứ giả nước Đại Nhục Chi (Indo-Scythe) đưa kinh điển của Phù đồ giáo (Bouddho, tức Phật giáo) truyền miệng cho Trần Cảnh Hihến, một viên quan của Hán Ai đế. Sau đó, vua Hán Minh đế (67) phái 18 người sang Tây Vực để thỉnh tượng và kinh điển Phật giáo về. Giữa đường, gặp hai cao tăng nước Thiên Trúc là Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đang đưa kinh tượng xuống Trung thổ, họ mừng rỡ rước hai cao tăng v62 Trung Quốc. Hán Minh đế cho dựng Bạch Mã tự để xiển dương Phật giáo, làm nơi dịch kinh cho các cao tăng. Bộ kinh Phật đầu tiên được dịch ra Hán văn là Tức thập nhị chương kinh. Đến cuối đời Hậu Hán, Phật giáo gần như đã lan truyền khắp xã hội Trung Quốc.
Có lẽ trong những nhà văn Trung Quốc, Kim Dung là nhà văn thể hiện một cách đều khắp và sâu sắc nhất tinh thần Phật giáo qua các tác phẩm tiểu thuyết của mình. Trong 12 bộ tiểu thuyết, Kim Dung luôn nhắc đến sự tích Đạt Ma sư tổ từ Thiên Trúc sang Đông thổ, lên ngọn Thiếu Thất tỉnh Hồ Nam, diện bích (nhìn vách) chính năm, sáng lập ra phái Thiếu Lâm. Phái Thiếu Lâm được ông gọi là Thái Sơn Bắc Đẩu trong võ lâm Trung Quốc. Hình tượng các nhà sư Thiếu Lâm với tấm tăng bào rộng thùng thình, xuất hiện đúng tình huống tiểu thuyết, Phật lực cao cường. võ công siêu việt, sẵn sàng xả thân tế khổn phò nguy, hàng yêu diệt ma đã quá quen thuộc với bạn đọc tiểu thuyết võ hiệp.
Một số nhân vật tiểu thuyết là tăng sĩ đã trở thành hình tượngg văn học, được tác giả khắc họa một cách tinh tế: Huyền Từ - phương trượng chùa Thiếu Lâm, Trí Quan - trụ trì chùa Chỉ Quán núi Thiên Thai, Hư Trúc - tiểu tăng chùa Thiếu Lâm (Thiên Long bát bộ); Vô Sắc – cao tăng Thiếu Lâm (Ỷ thiên Đồ long ký); Phương Chứng – cao tăng Thiếu Lâm (Tiếu ngạo giang hồ)… Phật giáo du nhập vào Trung Quốc đủ cả mười tông phái; tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung dành niềm ưu ái lớn cho Thiến tông. Tuy nhiên, Thiền tông trong tiểu thuyết Kim Dung không dừng lại ở chỗ những công án, không nặng nề về chủ trương “dĩ tâm truyền tâm, dĩ ý truyền ý”. Thiền tông trong tiểu thuyết Kim Dung là một thú Thiền tông nhập thể và nhập thế: tu học để tinh tường Phật pháp, thấu hiểu cái lẽ huyền vi của cuộc sống; rèn luyện võ công để hành hiệp cứu đời. Phật pháp càng cao, võ công càng siêu viiệt; võ công càng cao, Phật pháp càng tinh tấn. Những nhà sư trong tác phẩm của ông là những nhân vật lý tưởng. Họ là những hiệp khách đích thực trong cuộc chiến đấu chống cái ác và khi cuộc chiến đấu chấm dứt, họ là những triết gia với các triết lý rất gần gũi với cuộc sống.
Ta hãy nghe một bài kệ của nhà sư Trí Quan ứng tác trước khi qua đời, đọc cho Kiều Phong nghe khi Kiều Phong vất vả đi tìm nguồn gốc của mình là người Há hay người Khất Đan (Thiên Long bát bộ):
Khất Đan với Hán nhân
Bất luận giả hay chân
Ân oán cùng vinh nhục
Không hơn đám bụi trần.
Phật giáo trong tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung là một tôn giáo yêu nước, luôn luôn trung thành với sự nghiệp bảo vệ đất nước và giải phóng dân tộc. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, Xạ điêu anh hùng truyện, Thần điêu hiệp lữ, các tăng lữ đã xông trận cùng quần hùng Trung nguyên đánh đuổi quân Mông Cổ. Những cuộc hội họp của hào sĩ giang hồ Trung Quốc bàn kế chống giặc giữ nước, dựng cờ khởi nghĩa thường diễn ra trong khuôn viên chùa Thiếu Lâm. Đoạn tiểu thuyết mà tôi cho là giàu tính anh hùng ca nhất là đoạn toàn thể nhà sư chùa Thiếu Lâm sát cánh cùng quần hùng Minh giáo, phá vòng vây quân Mông Cổ định san bằng chùa Thiếu Lâm (Ỷ thiên Đồ long ký).
Mỗi khi đất nước đối đầu với nguy cơ bị ngoại xâm thì Phật giáo là một chỗ dựa vững chắc nhất cho chính quyền quân chủ và nhà sư là những chiến sĩ đi đầu trong việc phá vỡ âm mưu ngoại xâm đó. Trong Thiên Long bát bộ, Khô Vinh đại sư phải hủy bộ Lục mạch thần kiếm kinh là để người Thổ Phồn không thể chiếm được võ công trấn quốc của nước Đại Lý; quần hùng cùng phái Thiếu Lâm xông pha vào phủ Nam viện của Khất Đan ở Yên Kinh cứu Kiều Phong, đưa quần hùng ra Nhạn Môn quan tập kích người Khất Đan để phá vỡ mầm mống xâm lược Trung Quốc có thể xảy ra. Trong Lộc Đỉnh ký, vua Khang Hy đã dựa vào lực lượng tăng lữ chùa Thiếu Lâm để bảo vệ phụ hoàng Thuận Trị, phá vỡ âm mưu chính trị của liên quân Mông Cổ - Tây Tạng.
Có lẽ Kim Dung là một Phật tử thuần thành, am hiểu Phật giáo một cách sâu sắc. Tiểu thuyết là sản phẩm của sự hư cấu, Kim Dung đã hư cấu cho phái Thiếu Lâm có đến 72 môn công phu huyền diệu gọi là Thất thập nhị huyền công. Mỗi môn công phu đều sử dụng kình lực dương cương, có sức mạnh tan bia vỡ đá. Các môn công phu đều có tên gọi xuất phát từ kinh đểin Phật giáo: Niêm hoa chỉ, Bát Nhã chưởng, Vi Đà chưởng, Vô tướng kiếp chỉ, Đa la diệp chỉ, Đạt Ma kiếm pháp, Sư tử hống, Đồ đề chưởng, Phục ma trượng pháp… Trong cuộc đấu tranh, chính pháp huyền môn luôn luôn thắng ta môn ma đạo. Cái thắng ấy nằm trong ước lệ chính đạo thắng bàng môn.
Có khi Kim Dung sử dụng kinh điển Phật giáo là cái hồn cho toàn bộ tác phẩm. Thiên Long bát bộ là một thí dụ cho nhận định này. Thiên Long là tên một ngôi chùa ở Vân Nam, nước Đại Lý (thời Bắc Tống). Thế nhưng trong Pháp hoa kinh, Thiên Long bát bộ “bao gồm tám loại quỷ thần hay quái vật”. Thiên Long bát bộ gồm: Thiên thần, Long thần, Dạ xoa, Kiền Đạt Bà, A Tu La, Già Lâu La, Khán La Na và Ma Hô La Gia. Trong Thiên Long bát bộ, Kim Dung xây dựng tám nhân vật lớn, tám sự tích; mỗi nhân vật và sự tích ấy tương ứng với một “bộ” của bát bộ.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, tác giả trích luôn Bảo tích kinh và Diệu pháp liên hoa kinh để xây dựng mối tình Nghi Lâm - Lệnh Hồ Xung. Lời kinh cầu cho Lệnh Hồ Xung tai qua nạn khỏi được Nghi Lâm niệm với cả niềm tin, một lòng thành tuyệt vời khiến Lệnh Hồ Xung trong cơn đau đớn vẫn nhận ra nơi người bạn nhỏ hào quang của sự thánh thiện.
Đưa tinh thần Phật giáo vào trong tác phẩm văn học là điều không mới lạ trong lịch sử văn học Trung Quốc. Cái mới lạ là Kim Dung đưa tình thần ấy vào tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp và ông chuyên canh một cách sâu sắc. Chất Từ, Bi, Hỉ, Xả, nhân bản, nhân văn trong tinh thần Phật giáo biến những tác phẩm nặng tính tranh đấu, sát phạt trở thành những bài tình ca ca ngợi phẩm giá con người, ca ngợi cuộc sống hòa bình trung chính.