Tự Đức là một ông vua hay chữ, giỏi thơ và tự cho mình là giỏi hơn thiên hạ. Không hiểu thế nào, trong một buổi họp các quan, nhà vuavui cười kể lại rằng:
- Đêm qua Trẫm nằm chiêm bao thấy mình bật ngâm hai câu thơ, thơ là chữ Hán nhưng cứ mỗi câu lại chen vào hai chữ tiếng nôm thật lạ lùng. Nhà vua ngâm:
"Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ,
Dã ngoại đào hoa lấm tấm rơi".Nghĩa là:
Trong vườn tiếng oanh hót khề khà,
ngoài đồng hoa đào nở lấm tấm.Các quan bàn tán khen ngợi hai câu thơ ấy lạ thật, Chu Thần Cao Bá Quát thấy đó là một dịp trêu vua Tự Đức chơi, ông bèn tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, hai câu thơ ấy không có gì lạ. Đó là hai câu tam tứ trong một bài thơ mà hạ thần đã được nghe. Vua Tự Đức hỏi toàn bài thơ như thế nào. Chu Thần liền ứng khẩu đọc ngay:
"Bảo mã tây phong huếch hoác lạt,
Huênh hoang nhân tự thác đề hồi.
Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ,
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai.
Xuân nhập bất văn sương lộp bộp,
Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhà.
Khù khờ thi tứ đa nhân thức,
Khệnh khạng tương lai vấn lú tài".Nghĩa là:
"Ngựa báu theo gió tây huếch hoác lại,
Huênh hoang người tự theo về.
Trong vườn tiếng oanh hót khề khà,
Ngoài đồng hoa đào nở lấm tấm.
Ngày xuân chẳng thấy sương xuân rơi lộp bộp,
Trời thu chỉ thấy mưa bài nhài.
Khù khờ câu thơ đã nhiều người biết,
Còn khệng khạng đem hỏi các nhà văn học".Quả thật Chu Thần đã bịa ra bài thơ này để trêu chọc vua Tự Đức chơi, nhất là hai câu cuối, cái ý ngạo mạn của ông bộc lộ không cần che giấu. Nhà vua biết mình bị trêu chọc ức lắm, nhưng ông không có bằng chứng gì để quở phạt Chu Thần được, ngược lại ông cũng phải băm bụng khen cái tài biện bác của Chu Thần.