Hôm khánh thành chín cái đỉnh trước Thế Miếu, vua Minh Mạng nói với hoàng tử thứ mười là Miên Thẩm rằng:
- Chín chữ Hán ghi trên chín cái đỉnh này là miêu hiệu của chín vị vua. Cái đỉnh chữ Cao để ngay gian giữa, còn tám cái kia (tức Nhơn, Chương Anh, Nghị, Thuần, Duyên, Dụ, Huyền) để tả hữu tám gian. Vị vua nào ở ngôi mà băng (chết), nhà nước thờ vào một gian (trong Thế Miếu), ngày ấy đời của vua mới được hoàn toàn kết liễu.
Miên Thẩm thưa rằng:
- Tâu, còn làm tôi hy sinh với vua với nước, con thấy bên Tàu, có họa hình vào Kỳ - lân - các; sao Việt Nam chỉ làm miếu để thờ vua?
Minh Mạng giảng giải với con:
- Nhà nước ta không họa hình, chỉ tạm tên những người có công, nhà nước vẫn có bài vị để tại tả hữu tùng tự:
Miên Thẩm lại thưa:
- Tâu, nhân dân bách tính ngoài dân cũng hy sinh cho vua, cho nước thì thế nào? Nhà nước nên lập đài kỷ công để cho còn sự tích.
Minh Mạng lại giải thích:
- Sự tích đã biên vào liệt truyện, dầu là một người đàn bà có tiết hạnh, nhà nước cũng không quên tên, huống hồ là những người đã vì vua, vì nước mà quyên sinh thì nhà nước thờ vào Trung nghĩa tử hoặc cho bảng vàng để nêu tên trong cả xứ.
Miên Thẩm vẫn không vui:
- Tâu như thế vẫn còn chưa thỏa!
- Con còn muốn chi nữa kia?
- Tâu, nhà nước còn nên nuôi cả quả phụ, cô nhi của những người này nữa kia.
- Lấy của ở đâu cho đủ?
- Tâu, lấy của nước của dân:
Vua Minh Mạng cười:
- Ta tưởng lấy của con kia, còn như lấy của nước của dân, thì quả phụ cô nhi vẫn có khẩu phần, những làng có công điền, đã có quân cấp cho các hạng ấy!
Nhân ngày khánh thành Cữu Đỉnh, phủ Thừa Thiên dâng lúa thổ sản của làng An Cựu, vua Minh Mạng cắn một hột rồi khen:
- Nhờ trời lúa đã chắc lại ngọt!
Vua ban cho các quan mỗi người một hạt. Ai cũng chép miệng lựa lời khen cho vừa ý vua. Có người khúm núm tâu:
- Nhờ ơn Hoàng đế năm nay được mùa hơn cả mấy năm!
Miên Thẩm lúc ấy mới mười bảy tuổi tính tình cương trực đã biết ghét bọn nịnh thần, cho nên ông dám tâu những điều là cho niềm vui của vua cha tiêu tan:
- Tâu. Người ta nói năm nay được mùa, mà ngoài dân chúng con thấy có người không áo, có kẻ không cơm? Hay là họ không có khẩu phần chăng?
Vua Minh Mạng châu mày không them nhìn lại Tùng Thiện (lúc đó còn là một hoàng tử chưa xuất phủ) vùa cười gằn,bảo:
- "Mày tưởng có ruộng đất là có cơm áo hay sao? Cơm áo là ở nơi hai tay, có phải ở đâu ruộng đất?
Lời quở mắng ấy của Minh Mạng đã ảnh hưởng nhiều đến Tùng Thiện, dù chỉ là cách nói áp đảo của ông vua cha. Sau khi xuất phủ, Tùng Thiện đến là nhà bên bờ sông Lợi Nông. Bản thân ông đã rất trọng nghề nông. Thơ Tùng Thiện mấy ngàn bài đều chan chứa tình yêu đồng ruộng và nỗi thông cảm sâu sắc với số phận khổ ải của nhân dân lao động.