Năm 1792 vua Quang Trung mất, nhường ngôi báu lại cho con là Quang Toản. Lúc ấy Quang Toản còn quá trẻ, mọi quyền bính của triều đình Tây Sơn đều lọt vào tay Thái Sư Bùi Đắc Tuyên - câu ruột Quang Toản, Bùi không làm việc tại kinh thành Phú Xuân mà lại đem bộ hạ trú đóng tại chùa Thiền Lâm (ở chân đồi Quảng Tế ngày nay). Bá quan văn võ kể cả vua Quang Toản muốn trình tâu gì với quan Thái Sư Bùi thì phải thân hành lên chùa vào ban đêm (ban ngày quan thái sư bận đánh bạc và ngủ). Bùi Đắc Tuyên là người ít học, bất tài, thiếu thực tế mà lại có tính tàn bạo nên đã xúi giục Quang Toản giết hại các công thần - những người đã giúp vua Quang Trung làm nên sự nghiệp lớn. Trần Văn Kỷ (người làng Vân Cù huyện Phong Điền) là một tín thần của vau Quang Trung cũng không thoát khỏi sự kỳ thị của quan thái sư. Dưới triều đại Quang Trung, Trần Văn Kỷ luôn giữ chức trung thử lệnh - một nội thần luôn ở bên cạnh Quang Trung. Thế mà từ sau ngày Quang Trung mất Trần Văn Kỷ bị lột hết chức tước và đày ra làm lính ở trạm Hoàng Giang. Đẩy được kỷ đi rồi, Bùi Đắc Tuyên tiếp tục đẩy Đai Tư Đồ Võ Văn Dũng ra coi binh mã bốn trấn ở miền Bắc.
Trên đường ra Thăng Long Nhận chức, Võ Văn Dũng ghé lại trạm Hoàng Giang ngủ qua đêm với Trần Văn Kỷ. Đêm đó hai vị trung thần của Tây Sơn không chợp mắt được họ đã sa lệ khi nhắc đến công nghiệp vĩ đại của vua Quang Trung đang bị đe dọa sụp đổ. Khi đọc được ý nghĩ buông xuôi theo thời cuộc của bạn,Trần Văn Kỷ đã nói với Võ Văn Dũng: "Quan thái sư Bùi Đắc Tuyên chức vị đã cao tột bực, trong tay nắm quyền làm oai làm phúc, lại đẩy ông ra ngoài, nếu có sự chẳng lợi cho nhà nước, các ông phỏng còn giữ được đầu chăng? Bây giờ chẳng sớm liệu đi sau này ăn năn sao kịp?".
Trần Văn Kỷ là một nội thần được vua Quang Trung rất tín cẩn. Suốt đời làm trung thư lệnh cho Quang Trung, tất cả những lời tâu gửi của Kỷ đều sáng suốt, đúng đắn. Vì thế không những vua Quang Trung tin và trọng Kỷ mà tất cả những trung thần của triều Quang Trung cũng đều yêu kính Kỷ. Vì thế mà sau khi được Kỷ thức tỉnh, Dũng thấy ngay con đường sống của mình. Sáng hôm sau, Dũng không ra Thăng Long nữa, mà bất thần thúc quân bản bộ thần tốc quay ngược về Phú Xuân. Đến nơi Dũng hợp mưu với thái bảo Hoá làm cuộc "đão chánh" bắt toàn bộ phe cánh của Bùi Đắc Tuyên, tống ngục. Để tận diệt tay chân thân tín của Bùi Đắc Tuyên, phe "đảo chính" đã cử người vào Qui Nhơn bắt luôn Đắc Trụ Là con Bùi Đắc Tuyên đem về Phú Xuân thanh toán nốt.
Vua Quang Toản không thể ngăn chặn nổi, đành ôm mặt khóc mà thôi.
Một lời nói đúng lúc làm sụp đổ cả một đám quyền thần.