Vua Hàm Nghi rời Kinh thành Huế được ba ngày thì có hai người học trò tên là Nguyễn Văn Mai và Hoàng Thông tìm ra Quãng Trị đi theo vua. Đến Quãng Trị mới rõ Tôn Thất Thuyết đã phò vua lên Tân Sở rồi. Lại nghe ngày mai quân Pháp lại cho tàu thủy ra ngược sông Vĩnh Định đóng đồn chặn đường hoạt động của quân Cần vương. Hai anh học trò thất vọng phải lui về. Khi đi ngang qua Trạm Diên Sanh trời đã đứng bóng hai anh học trò gặp một ông lão, tay cầm gậy tre, mình mặc áo đà, đầu đội nón sơn, vai mang một cái ruột tượng cùng vài ba người phụ nữ vừa đi vừa nói chuyện. Hai người nhìn kỹ thì được biết ông lão là phò mã Thân Văn Di, chồng bà công chúa Lại Đức - một nhà thơ nổi tiếng xứ Thần Kinh. Hoàng Thông chạy ra vái chào và hỏi:
- "Thưa bác, bác đi đâu mà trưa nắng dữ vậy? mời bác vào quán nghỉ chân một chút!"
Ông lão cáo từ mấy người đồng hành rồi vào quán. Vừa ngồi xuống ghế ông đã hỏi:
- "Hai anh cũng đi mô mà nắng non rứa?"
- "Nghe vua ra Quãng Trị chúng cháu đi theo, không ngờ ông tướng đã đưa vua lên Thượng du rồi! buồn quá!"
Ông liền bảo:
- "Hai anh buồn cũng phải. Nhưng không sao. Hai anh còn trẻ tuổi, chưa mang ơn nước ở nhà lại có mẹ già. Người ta lập thân duy trung với hiếu, không được hết đạo làm tôi thì hay hết đạo làm con. Nhà ta mấy đời mang ơn nước, không phải như các anh. Nay vua đi ra mà không một ai đi theo thì lấy gì bảo ban thiên hạ. Ta là gia trưởng, tuổi đã 56 rồi, không còn ư ớc vọng gì nữa. Sở dĩ trì hội đến nay là vì có hai con dại, lo gởi cho nhà ngoại nuôi nấng, sau khôn lớn đi làm ruộng mà ăn. Ta không còn mong chi nữa nên ta đi!"
Hai anh học trò cảm động rơi nước mắt. Một anh nói giọng lo lắng:
- "Vua đã lên Thượng du rồi, sợ bác tuổi già đi không kịp!"
Ông khoát tay nói dứt khoát:
- "Thân già há còn bôn tẩu được sao. Sự thể ngày nay há có thể hiệu triệu người trung nghĩa mà mưu khôi phục sao? Mất cả 13 tỉnh, há có thể lấy lại được một thành, một tỉnh mà phụng sự xã tắc sao"? Ta cứ từ từ đi, để cho khỏi phải phụ lương tâm ta, tìm một cái chết có ý nghĩa là đủ. Hai anh cứ lui về chớ có nghĩ sai lầm".
Nói xong ông từ biệt ra đi. Hai anh học trò chạy theo đưa ông lên đường và hỏi "Trong ruột tượng đựng gì?" Ông nói "Vài ba cái áo cũ", "Trong ống tre đựng gì" Ông nói: "Muối rang".
Một trong hia người học trò ấy sau này trở thành nhà văn. Viết lại chuyện xưa ông đã kết luận: "Những bậc trung thần nghĩa sĩ thuở xưa ta thường nghe nói mà chưa thấy người. Nay mới thấy một.