* "Bên trong cát” là chữ Chu: trong Hán tự, chữ “Chu” có phần bên trong là chữ “Cát” đây ý nói Ngô Phỉ Khanh may mắn gặp được ông Chu Nguyên Lượng.
Dị Sử thị nói: Việc trong thiên hạ nếu biết tới nơi tới chốn, thì từ chỗ không có cũng có thể thành có mà hữu dụng. Văn chương thơ phú là cái làm đẹp cho nước, tiên sinh lấy đó xem xét kẻ sĩ trong thiên hạ, người ta đều ca ngợi, há chẳng phải là tới nơi tới chốn sao. Nhưng chẳng ai nói tới việc đem đạo xem xét kẻ sĩ mà xử án. Kinh Dịch nói “Biết cơ là thần” tiên sinh là người như thế vậy.
419. Mao Đại Phúc
(Mao Đại Phúc)
Mao Đại Phúc ở huyện Thái Hàng (tỉnh Sơn Đông) làm nghề trị bệnh ghẻ lở. Một đêm chữa bệnh về, gặp một con sói ngậm cái bọc vải nhả xuống rồi lui lại ngồi bên đường. Mao nhặt lên xem, thấy trong cái bọc có mấy món đồ trang sức bằng vàng. Đang còn lạ lùng thì con sói đã nhảy cỡn tới trước mặt, cắn nhẹ vào áo kéo rồi lại nhả ra bỏ đi. Mao bước đi thì nó lại cắn áo kéo, thấy ý tứ không có vẻ gì là hung dữ bèn đi theo. Tới cửa hang thì thấy một con sói bệnh nằm, trên đầu có một vết loét to giòi bọ lúc nhúc. Mao hiểu ra, bèn cắt bỏ hết thịt thối, rắc thuốc cho nó rồi về. Trời đã tối, con sói tiễn ra tới ba bốn dặm, chợt thấy có mấy con sói kéo tới gầm thét định cắn xé, Mao sợ lắm. Con sói kia vội xông vào đám sói như kể lại chuyện, đám sói tan đi, Mao bèn trở về. Trước đó trong huyện có người đi buôn bạc là Ninh Thái bị cướp giết trên đường, không sao tìm ra thủ phạm. Gặp lúc Mao bán các vật trang sức, bị vợ Ninh bắt gặp, kêu người trói lại dắt lên quan. Mao kể lại mọi chuyện, quan không tin, sai đóng gông. Mao oan ức mà không biết làm sao giải bày, chỉ xin cho dắt đi để hỏi sói. Quan sai hai người lính áp giải Mao vào núi, tới thẳng chỗ hang sói. Gặp lúc sói chưa về, chờ đến tối cũng không thấy đâu, ba người trở về. Được nửa đường thì gặp hai con sói, một con còn cái sẹo lớn trên đầu.
Mao nhận ra bèn vái khấn rằng "Trước đây được tặng vật quý, nay lại vì thế mà bị bắt bớ, nếu không giải oan cho, thì lần này ta về chỉ có nước chết mà thôi". Sói thấy Mao bị trói, tức giận xông lại, hai người lính rút dao chĩa ra, sói chúi mũi xuống đất hú lên. Hú được hai ba tiếng thì cả trăm con sói trong núi đổ tới vây chặt, hai người lính hoảng sợ. Con sói chen lên nhe răng cắn dây trói, hai người lính hiểu ý vội cởi trói cho Mao, bầy sói mới tan đi. Về huyện bẩm lại mọi chuyện, quan huyện lấy làm lạ nhưng cũng chưa thả Mao ra. Mấy ngày sau, quan vi hành trên đường, thấy một con sói ngậm chiếc giày rách vứt giữa đường. Quan cũng chưa lấy làm lạ, đi qua rồi thì con sói lại ngậm chiếc giày chạy lên phía trước đặt xuống. Quan sai lính hầu nhặt lấy, con sói bèn bỏ đi. Quan về sai người ngầm tìm chủ nhân chiếc giày, có người đồn rằng Tùng Tân ở thôn nọ bị một con sói đuổi riết cướp lấy giày mang đi, quan bèn sai bắt, giải lên nhận giày, thì đúng là giày của Tân. Quan ngờ ràng Tân là kẻ giết Ninh, bèn tra hỏi quả đúng. Đại khái là Tân giết Ninh cướp lấy món tiền lớn, nhưng dưới đáy túi Ninh còn sót mấy món trang sức, bị sói tha đi.
Trước có một bà mụ đi đỡ đẻ về, gặp một con sói chặn đường cắn áo như muốn mời thỉnh, bà ta đi theo. Thấy có một con sói cái đang đẻ chưa được bà ta bèn tới đỡ giúp, xong rồi con sói đực để bà ta về. Sáng hôm sau thấy nó tha một con nai tới đặt ở sân. Mới biết là chuyện như của Mao, từ xưa đã có vậy.
420. Thần Làm Mưa Đá
(Bốc Thần)
Thái sử Đường Tế Vũ qua huyện Nhật Chiêu (tỉnh Sơn Đông) viếng đám tang họ An, trên đường đi ngang đền thờ Thần làm mưa đá Lý Tả Xa, bèn ghé vào chơi. Trước đền có cái ao nước trong leo lẻo, có vài con cá đỏ bơi lội tung tăng, trong có một con vẫy đuôi đớp bọt trên mặt nước, thấy người không hề tỏ vẻ sợ hãi. Thái sử nhặt viên đá nhỏ định ném đùa, đạo sĩ bên cạnh vội ngăn lại bảo đừng ném. Thái sư hỏi vì sao, đạo sĩ đáp “Tôm cá trong ao đều là rồng, xúc phạm sẽ có mưa đá”. Thái sử cười là theo đuôi những người tin nhảm, không nghe lời can, cứ ném đá vào con cá. Đến khi ra xe lên đường, thấy có đám mây đen tròn như cái lọng đuổi theo xe, kế có mưa đá ào ào rơi xuống, to như quả trứng, đi hơn một dặm mới tạnh. Em Thái sử là Lương Vũ đi sau chỉ cách một tầm tên, lát sau lên tới gặp nhau hỏi chuyện, thì chẳng thấy có mưa đá gì cả. Hỏi những người đi trước Thái sử cũng thế. Thái sử cười nói "Chẳng lẽ đó là Quảng Vũ quân* tác quái à?", nhưng cũng chưa lấy làm lạ lắm.
*Quảng Vũ quân: tức Lý Tả Xa, được phong là Quảng Vũ quân của nước Triệu thời Hán Sở tranh hùng.
Ngoài thôn họ An có đền thờ Quan Đế, có người buôn dạo vừa đặt gánh xuống ngoài cửa, vứt bỏ quang gánh rảo bước vào đền, rút thanh đại đao trên giá múa tít, nói "Ta là Lý Tả Xa đây. Sáng mai sẽ xin theo hầu Thái sử họ Đường ở huyện Truy Xuyên đi đưa đám, kính báo cho chủ nhân biết trước”. Nói mấy lượt như thế thì tỉnh lại, không nhớ rằng mình vừa nói gì, cũng không biết Thái sử họ Đường là ai. Nhà họ An nghe chuyện cả sợ, thôn cách đền thần hơn bốn mươi dặm cũng vội vàng sắm sửa lễ vật tới cầu khẩn xin thương cho, không dám làm phiền xa giá. Thái sử lấy làm lạ về việc quá tin tưởng như thế bèn hỏi, chủ nhân đáp rằng Thần làm mưa đá rất linh thiêng, thường mượn người sống để nhắn lời, điều gì cũng ứng nghiệm. Nếu không tới cầu khấn để xin thần bỏ qua, sáng mai đám tang sẽ gặp mưa đá ngay.
Dị Sử thị nói: Quảng Vũ quân lúc sinh thời cũng là hạng người quen tính việc lớn. Dù là làm Thần làm mưa đá ở Sơn Đông cũng có lẽ không chịu ẩn nhẫn, nên mới nhận mệnh ở trời. Nhưng đã làm thần rồi, thì cần gì phải tỏ ra linh dị chứ? Có lẽ Thái sử là người văn chương đạo nghĩa, trời người cùng khâm phục đã lâu, nên quỷ thần vì vậy muốn được bậc quân tử tin tưởng chăng?
421. Ông Lý Tám Vò
(Lý Bát Hàng)
Giám sinh Lý Nguyệt Sinh là con thứ của ông Lý. Ông rất giàu, dùng vò để đựng vàng, người làng gọi là Bát hàng (Tám vò). Lúc ông bệnh nặng gọi con tới chia gia tài, con trưởng được tám phần, con thứ được hai phần, Nguyệt Sinh không giấu được vẻ thất vọng. Ông nói “Ta không phải là thương đứa này ghét đứa khác đâu, còn có vàng chôn chỗ khác, chờ lúc nào không có nhiều người sẽ nói cho con biết, đừng nóng ruột”. Qua vài hôm, ông chỉ còn thoi thóp, Nguyệt Sinh sợ ông qua đời lúc nào không biết, bèn chờ lúc vắng người tới cạnh giường hỏi khẽ. Ông đáp “Đời người ta sung sướng hay khổ cực đều có số cả rồi, ngươi có phúc có được vợ hiền, thì không nên cho thêm nhiều vàng, chỉ thêm hoạn nạn thôi". Đại khái Nguyệt Sinh có vợ họ Xa, rất hiền thục, có đức độ như Hoàn Thiếu quân, Mạnh Quang* nên ông mới nói thế. Nguyệt Sinh cứ nài nỉ hỏi mãi, ông tức giận nói "Ngươi còn phải vất vả hai mươi năm nữa, dù có cho ngàn vàng cũng sẽ hết sạch, nếu chưa đến lúc cùng đường thì đừng trông mong ta sẽ cho thêm”. Nguyệt Sinh là người hiếu đễ thuần hậu nên cũng không dám nói gì nữa, chỉ mong cho cha khỏe lại thì có lúc sẽ nói ra.
*Hoàn Thiếu quân, Mạnh Quang: Hoàn Thiếu quân là vợ Bào Tuyên, Mạnh Quang là vợ Lương Hồng, cùng là người thời Hán, đều nổi tiếng là vợ hiền.
Không bao lâu, ông Lý bệnh càng nặng, kế chết. May là người anh hiền, nên việc chôn cất không hề so đo với Nguyệt Sinh. Nhưng Nguyệt Sinh tính tình phóng khoáng, không tính toán lặt vặt, lại hiếu khách hay rượu. Có ngày bắt vợ làm cơm dọn rượu ba bốn lần đãi khách, lại không biết coi sóc người nhà làm ăn. Bọn vô lại trong làng thấy hiền lành nhu nhược cứ xúm vào bòn rút, được vài năm dần dần sa sút, song những lúc ngặt nghèo lại sang nhờ vả anh nên cũng không tới nỗi cùng khốn. Không bao lâu người anh già bệnh chết, không còn ai để nương tựa, tới nỗi trong nhà hết cả thóc ăn, cứ mùa xuân vay mùa thu trả, gặt xong trả nợ là hết sạch, từ đó cứ bán ruộng ăn dần. Được vài năm thì con trai lớn và vợ nối nhau chết, lại càng cực khổ. Kế tục huyền vói vợ người buôn dê họ Từ nên được nhờ vả đôi chút, song tính Từ cứng rắn nóng nảy, hàng ngày vẫn xỉa xói làm nhục, Nguyệt Sinh vì vậy thậm chí không dám đi lại thăm hỏi với bè bạn.
Chợt một đêm nằm mơ thấy cha về nói "Nay thì ngươi đã đến lúc có thể nói là cùng đường rồi, trước ta có nói sẽ cho ngươi số vàng còn chôn, bây giờ thì được rồi”. Nguyệt Sinh hỏi chỗ, ông Lý đáp "Sáng mai ta chỉ cho". Nguyệt Sinh tỉnh dậy lấy làm lạ, còn nghĩ rằng vì mình nghèo mong muốn có tiền nên sinh ra mộng mị hão huyền. Hôm sau giẫy cỏ ở chân tường, cuốc được hủ vàng lớn, mới sực hiểu ra rằng trước kia ông Lý nói chờ lúc không có nhiều người, là ý nói chờ lúc người thân đã chết một nửa vậy.
Dị Sử thị nói: Nguyệt Sinh là bạn nghèo với ta, tính tình thành thực chất phác không có chút nào là giả trá, anh em ta giao du với ông rất thân, chuyện vui buồn đều có nhau. Mấy năm nay chỉ ở cách nhau hơn mười dặm mà không được tin sống chết ra sao, mỗi lần ta đi ngang cũng không dám ghé thăm, thì đủ biết Nguyệt Sinh rơi vào hoàn cảnh khổ cực tới mức nào rồi. Chợt nghe ông bất ngờ có được ngàn vàng, bất giác vỗ tay reo mừng cho ông. Than ôi! ông Lý lúc lâm chung nói mệnh, trước đây vẫn được nghe kể, nhưng vẫn không nghĩ rằng đó là lời sấm báo trước, hay ông là thần chăng?