Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trung Hoa >> Liêu Trai Chí Dị II

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 195206 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Liêu Trai Chí Dị II
Bồ Tùng Linh

- 250 - 252 -

Trong loạn Tạ Thiên* phủ đệ các quan đều bị giặc chiếm, nhà quan Đốc học Vương Tương có rất nhiều giặc ở. Lúc thành bị phá, quan binh tràn vào chém giết thẳng tay, thây chất đầy sân, máu chảy ngập cửa. Ông Vương vào thành, dọn dẹp sạch sẽ để ở, thường giữa ban ngày cũng nhìn thấy ma, ban đêm thì ma trơi lập lòe quanh giường, trong góc tường có tiếng ma khóc. Một hôm thư sinh Vương Hạo Địch tới ngủ nhờ, nghe dưới gầm giường có tiếng kêu nho nhỏ "Hạo Địch, Hạo Địch" liên tiếp, rồi kêu to dần, nói "Ta chết khổ lắm". Kế đó tiếng khóc vang lên khắp sân. Ông Vương nghe thấy, cầm kiếm xông vào lớn tiếng quát “Các ngươi không biết ta là Vương Học viện à?". Chỉ nghe tiếng nhổ, tiếng cười, tiếng khịt mũi rộn lên. Ông Vương vì thế lập đàn tràng, tụng kinh siêu độ, tối đem cơm ra cúng, thì thấy ma trơi lập lòe khắp mặt đất bay ra.


*Tạ Thiên: người Cao Uyển tỉnh Sơn Đông, nổi dậy chống nhà Thanh năm Thuận Trị thứ 3 (1646).


Trước đó người gác cửa nhà ông là họ Vương mắc bệnh, hôn mê đã mấy ngày, đêm ấy chợt tỉnh lại. Vợ đưa cơm tới, Vương nói "Chẳng biết chủ nhân có chuyện gì lại bày cơm ở sân cho ăn, ta cũng theo mọi người vào ăn, no rồi mới về, nên không thấy đói”. Từ đó ma quỷ tuyệt tích, hoặc giả chuông trống nạo bạt của đạo Thích cũng có ích chăng!


Dị Sử thị nói: Ma tà quỷ quái chỉ có đức mới ngăn cản được. Lúc thành bị hãm, quan binh kéo vào, người đều hoảng sợ, nhưng ma quỷ lại coi thường, hay đó là những ma quỷ chết phi mạng chăng? Muốn nói với tất cả các bậc đại nhân tiên sinh trong thiên hạ, là đem bộ mặt người ra còn không đủ để dọa ma quỷ, mong rằng đừng đem bộ mặt ma quỷ ra để dọa người vậy.


251. Bốn Mươi Ngàn Đồng

(Tứ Thập Thiên)


Đại Tư mã họ Vương người huyện Tân Thành (thuộc tỉnh Sơn Đông) có người quản gia, gia tư cũng vào loại khá. Một đêm mơ thấy một người tới nói “Ngươi thiếu bốn mươi ngàn đồng, nay phải trả lại”. Y hỏi, người ấy không đáp, cứ đi thẳng vào nhà trong. Lúc y tỉnh dậy, vợ đã sinh được một con trai, biết là oan nghiệt kiếp trước, bèn lấy ra bốn mươi ngàn đồng để riêng vào một phòng, mọi chi phí quần áo, thức ăn, thuốc men cho con đều lấy ở đó. Được ba bốn năm, tiền trong phòng chỉ còn bảy trăm đồng, nhìn thấy người vú ôm đứa con tới cho đùa giõn bên cạnh, y bèn nói với nó rằng “Bốn mươi ngàn đồng sắp hết, ngươi chuẩn bị đi đi thôi". Y vừa dứt lời, đứa con chợt biến sắc mặt, nghẹn cổ trợn mắt, bế lên vỗ về thì đã đứt hơi chết rồi. Bèn lấy số tiền còn lại để chôn cất thì vừa đủ, chuyện này quả đủ để răn kẻ mắc nợ vậy.
Trước đây có người đã già mà không có con, hỏi một nhà sư, nhà sư nói "Ngươi không mắc nợ người khác, người khác cũng không mắc nợ ngươi, làm sao mà có con được”. Đại khái sinh con hiền, đó là báo đáp cái duyên của ta, sinh con không hiền, đó là đòi nợ ta, con sống cũng chớ mừng, con chết cũng chớ buồn thương vậy.


252. Cửu Sơn Vương

(Cửu Sơn Vương)


Họ Lý ở huyện Tào Châu (tỉnh Sơn Đông) là Chư sinh ở huyện, gia cảnh khá giả nhưng nhà cửa không rộng rãi lắm, phía sau nhà có mấy mẫu vườn vẫn bỏ hoang. Một hôm có ông già tới thuê, đưa ra trăm đồng vàng, Lý vì chỉ có đất không nên từ chối. ông già nói "Xin cứ nhận cho, đừng nghĩ ngợi gì". Lý không nỡ phật ý, bèn nhận tiền, chờ xem chuyện lạ. Hôm sau, người trong thôn thấy xe ngựa rầm rộ chở người tới nhà Lý, đều cho rằng nhà Lý không lấy đâu đủ chỗ ở. Hỏi thăm thì Lý hoàn toàn không hay biết, vội về xem xét nhưng chẳng nghe thấy trong vườn có gì lạ. Mấy ngày sau ông già chợt tới thăm, lại nói “Được nương nhờ dưới mái đã mấy hôm, nhưng mọi việc đều phải bắt đầu, đào lò đắp bếp bận rộn nên chưa rảnh để trọn lễ làm khách. Hôm nay có sai đám trẻ làm cơm, mong được hạ cố qua chơi”.
Lý đi theo, vào tới vườn sau thấy nhà cửa đẹp đẽ, rõ ràng vừa xây cất xong. Vào tới bên trong thì thấy bày biện sang trọng, vò rượu sôi bên tường, ấm trà reo dưới bếp. Kế đó cơm rượu dọn lên, đủ cả món ngon vật lạ, nhìn thấy trước sân có nhiều người trẻ tuổi qua lại, lại nghe sau rèm cửa có tiếng đàn bà con gái thì thào cười nói, hầu trai tớ gái như là có tới hàng ngàn người. Lý biết là hồ, hết tiệc ra về, ngầm muốn giết hại. Từ đó lần nào ra chợ cũng mua lưu hoàng diêm tiêu, dần dần tích lại được mấy trăm cân, bèn ngầm rắc khắp trong vườn rồi phóng hỏa. Lửa khói bốc lên tận trời cuồn cuộn như cái nấm đen, mùi vị khét lẹt, tro bụi mù mịt không sao tới gần, chỉ nghe tiếng kêu khóc vang dậy điếc tai. Đến khi lửa tắt vào xem, thấy hồ chết đầy vườn, cháy đầu sém trán không biết bao nhiêu mà kể.
Đang còn nhìn ngó, ông già chợt từ ngoài đi vào, vẻ mặt đau đớn nói “Vốn không có thù oán gì với nhau, thuê mảnh vườn bỏ hoang thì mỗi năm trả trăm đồng vàng cũng chẳng phải ít, sao lại nhẫn tâm giết sạch cả nhà nhau thế. Mối thù vô cùng thê thảm này thế nào cũng phải trả", rồi biến mất. Lý ngờ rằng sẽ bị ném đá liệng ngói phá phách, nhưng hơn một năm vẫn không thấy có chuyện gì khác lạ. Lúc ấy vào đầu đời Thuận Trị (1644-1661), bọn cướp ẩn náu trong núi, tụ họp hàng vạn người, quan quân không sao dẹp được. Lý vì gia đình có nhiều người, thường lo cảnh loạn lạc. Chợt có một người thầy bói tới thôn, tự xưng là Nam Sơn ông, nói chuyện họa phúc của người đều đúng như chính mắt nhìn thấy, rất nổi tiếng.
Lý gọi tới nhà nhờ bói vận mạng, ông ta kinh ngạc đứng dậy cung kính nói "Thật đúng là chân mệnh Thiên tử”. Lý nghe thế hoảng sợ, cho là nói bậy, ông ta nghiêm sắc mặt thuyết phục. Lý nửa tin nửa ngờ, bèn hỏi “Lại có hạng người tay trắng mà nhận mệnh trời làm Thiên tử à?". Ông ta đáp "Không phải thế. Đế vương xưa nay có nhiều người vốn là thất phu, đâu phải sinh ra đã làm Thiên tử”. Lý động tâm, dời ghế tới trước mặt hỏi, ông ta quả quyết xin gánh vác quân sư, xin cứ chuẩn bị trước vài ngàn bộ giáp trụ cung tên. Lý lo người ta không chịu theo, ông ta nói "Thần xin vì đại vương đi liên kết các núi, đính ước với họ, cứ nói rằng đại vương có chân mệnh Thiên tử, sĩ tốt trong núi chắc chắn sẽ hưởng ứng”. Lý mừng rỡ sai ông ta đi, rồi đào tiền chôn lên, chế tạo binh giáp. Ông già đi mấy hôm mới về, nói "Nhờ uy phúc của đại vương, thêm ba tấc lưỡi của thần, các núi đều xin cầm roi theo dưới cờ", quả có mấy ngàn người theo về.
Lý bèn phong ông ta làm Quân sư, dựng cờ dấy quân, cờ xí san sát như rừng, chiếm cứ núi non xây dựng trại sách, thanh thế rất lớn. Quan huyện được tin dẫn quân tới đánh, bị ông ta chỉ huy đám giặc đánh bại. Quan huyện sợ, cấp báo cho phủ Duyện Châu (tỉnh Sơn Đông), quân Duyện Châu từ xa kéo tới, bị ông ta đem đám giặc mai phục đánh tan, tướng sĩ bị giết rất nhiều. Thanh thế của Lý càng lớn, có tới hàng vạn quân, bèn tự xưng là Cửu Sơn vương. ông ta sợ thiếu ngựa chiến, gặp lúc trong kinh đô đưa ngựa chiến xuống Giang Nam, bèn phái một cánh quân chặn đường cướp hết, từ đó danh tiếng Cửu Sơn vương càng lừng lẫy. Lý bèn gia phong ông ta là Hộ quốc đại tướng quân, mình thì nằm khểnh trên núi, nghênh ngang tự đắc, cho rằng chẳng bao lâu sẽ khoác long bào trị vì thiên hạ.
Quan tỉnh Sơn Đông vì chuyện ngựa bị cướp đang định đem quân đánh dẹp, lại được tin báo của phủ Duyện Châu, bèn phát vài ngàn tinh binh chia làm sáu đường tiến đánh, quân mã cờ xí đông đặc dưới núi. Cửu Sơn vương cả sợ, gọi ông ta tới bàn kế sách, thì không biết ông ta đã bỏ đi đâu rồi. Cửu Sơn vương túng thế không còn cách nào, lên núi nhìn xuống nói “Nay mới biết quân thế của triều đình lớn mạnh như vậy!". Kế đó quân thua bị bắt, vợ con đều bị giết, mới tỉnh ngộ rằng Nam Sơn ông là con hồ già ngày trước báo thù cho Lý bị diệt tộc.


Dị Sử thị nói: Phàm người ta lo cho vợ con, nhón chân cúi đầu thì lấy đâu ra tội mà giết, mà giả như có giết được cũng không sao giết cả họ được. Mưu của con hồ khéo thật. Nhưng muốn phá cái cây không sao trồng thì dẫu có tưới cũng không mọc được. Kẻ kia giết hồ tàn ác như thế thì trong lòng đã có mầm mống làm giặc cướp, nên hồ mới nuôi cho cái mầm ấy lớn lên mà báo thù. Ví như nay ra đường giữ người ta lại nói rằng “Ông là Thiên tử" thì không ai không hoảng sợ bỏ chạy. Đã biết rõ rằng đó là cái việc diệt tộc mà còn vui thích nghe theo, thì cả vợ con đều bị giết đã thấm vào đâu! Những kẻ nghe thấy lời quấy, vừa nghe thì nổi giận, kế lại nửa tin nửa ngờ, nghe nữa thì tin theo, đến khi thân danh rơi rụng mới biết là lầm, đại khái cũng đều như thế cả.

<< - 245 - | - 253 - 257 - >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 270

Return to top