Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trung Hoa >> Liêu Trai Chí Dị II

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 205482 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Liêu Trai Chí Dị II
Bồ Tùng Linh

- 352 - 356 -

Tiến sĩ họ Thiệu tên Sĩ Mai là người huyện Tế Ninh (tỉnh Sơn Đông), lúc đầu làm Giáo thụ phủ Đăng Châu (tỉnh Sơn Đông). Có hai người Tú tài già sai người hầu đưa danh thiếp xin gặp, Thiệu thấy tên họ rất quen, nghĩ ngợi hồi lâu sực nhớ ra kiếp trước của mình, bèn hỏi người hầu có phải hai viên Tú tài ở thôn nọ thôn nọ không, lại hỏi tới phong thái thường ngày của họ, nhất nhất đều đúng. Đến lúc hai người vào gặp, cầm tay trò chuyện thân mật như quen nhau từ lâu. Thiệu hỏi Cao Đông Hải gần đây ra sao, hai người đáp đã chết đói trong ngục hơn hai mươi năm rồì, nay còn một con trai làm dân đen ở làng, nhưng sao Thiệu biết? Thiệu cười nói "Đó là người họ hàng của ta".


Trước kia Cao Đông Hải là kẻ du thủ du thực nhưng tính tình hào sảng, trọng nghĩa khinh tài. Có người thiếu thuế phải bán con gái, Cao dốc túi ra đóng thay. Tới chơi bời ở một kỹ viện, trong kỹ viện che giấu một tên cướp, quan lùng bắt rất gấp, tên cười bèn chạy tới ẩn núp ở nhà Cao. Quan biết được bắt Cao, tra tấn nặng nề, Cao vẫn không khai, kế chết trong ngục. Ngày Cao chết là ngày Thiệu chào đời. Sau Thiệu tới thôn ấy, chu cấp cho vợ con của Cao, xa gần nghe thấy đều cho là chuyện lạ. Chuyện này là quan Thiếu tễ họ Cao kể lại, Thiệu là bạn đồng niên với Công tử Cao Dục Lương.



Phụ: Một Truyện Trong Trì Bắc Ngẫu Đàm


(Trì Bắc Ngẫu Đàm Nhất Tắc)


Bạn đồng niên với ta* là Thiệu Sĩ Mai ở huyện Tế Ninh, tự Dịch Huy, đỗ Cử nhân năm Tân mão đời Thuận Trị (1651), đỗ Tiến sĩ năm Kỷ hợi (1659), nhớ được kiếp trước mình là Cao Đông Hải người huyện Thê Hà (tỉnh Sơn Đông). Vợ ông là Mỗ thị, lúc chết nói rằng "Phải làm vợ chồng với nhau ba kiếp, kiếp sau thiếp sẽ thác sinh vào nhà họ Đổng huyện Quán Đào (tỉnh Sơn Đông), ở ngôi nhà thứ ba chỗ ngoặt cạnh bờ sông Lâm Hà. Sau khi ông bãi quan về, lúc tới ở chùa Tiêu Tự đọc kinh Phật nên tìm thiếp ở đó". Sau Thiệu làm Giáo thụ phủ Đăng Châu, có lần được lệnh kiêm giữ chức Huấn đạo huyện Thê Hà bị khuyết, lúc rảnh rỗi tới hỏi chỗ ở cũ của Cao Đông Hải, tìm được một người cháu nội, bèn mua nhà của ruộng đất cho. Kế được thăng làm Tri huyện Ngô Giang (tỉnh Giang Tô), cáo bệnh về nghỉ, khách khứa đầy nhà.


* Ta: tức Vương Sĩ Trinh, tác giả Trì bắc ngẫu đàm.


Có người bạn đồng niên làm Tri huyện Quán Đào, Thiệu tìm tới thăm hỏi, ra ở chùa Tiêu Tự, trong chùa có một bộ kinh Phật, lúc rảnh rỗi giở ra xem. Chợt nhớ lời vợ, bèn theo bờ sông tìm, quả có họ Đổng ở nhà thứ ba chỗ ngoặt cạnh bờ sông. Trong nhà có người con gái chưa gả chồng, Thiệu kể chuyện cũ rồi xin cưới cô ta. Hơn mười năm sau, Đổng thị lại mắc bệnh, trước khi chết lại dặn Thiệu rằng "Lần này thiếp sẽ thác sinh vào nhà họ Vương ở huyện Tương Dương (tỉnh Hồ Bắc), trước cổng nhà có hai cây liễu. Vài năm nữa chàng tới tìm thiếp ở đó thì sẽ được tái hợp, sinh được hai con trai", Thiệu theo lời quả đúng. Năm Kỷ mùi đời Khang Hy (1679) Thiệu ở kinh thường nhiều lần kể cho ta và bạn đồng niên là Thị ngư họ Phó, Đồng Thần Y, Phan Lại bộ, Trần Phục Dương nghe.


Phụ: Truyện Thiệu Sĩ Mai Của Tiên Sinh Lục Thú Sơn

(Lục Thú Sơn Tiên Sinh Thiệu Sĩ Mai truyện)


Thiệu Sĩ Mai tự Dịch Huy là người châu Tế Ninh tỉnh Sơn Đông. Kiếp trước tên Cao Tiểu Hòe, vốn là người Cao gia trang ở huyện Thê Hà, được sung chức Lý chính trong làng, lo việc chung giữ phép công, không lấy của dân một đồng. Lúc bệnh chết, thấy hai người áo xanh dáng như công sai tới bảo nhắm chặt mắt lại rồi cắp lấy mang đi rất mau, chỉ nghe bên tai gió thổi vù vù. Giây lát tới một gian phòng, hai người áo xanh bỏ đi mất, mở mắt nhìn thấy hai bà mụ đang đỡ đẻ trong màn, thì đã thác sinh vào nhà họ Thiệu rồi. Miệng không nói được nhưng trong bụng nghĩ thầm "Theo như trước mắt nhìn thấy thì nhà cửa vật dùng đều khác hẳn, nhưng chẳng lẽ cả chân tay da tóc cũng chẳng phải là ta như cũ sao?". Đến năm hai ba tuổi biết nói rồi, cứ nói muốn tới Cao gia trang Cao gia trang thôi. Cha mẹ lấy làm lạ quát "Con nói bậy! Cao gia trang ở đâu?".


Đến khi lớn đi học xa nhà, đem chuyện nói với thầy, thầy nói “Chuyện tiền thân ấy nên giữ kín là hơn", từ đó không nói với ai nữa. Năm Kỷ hợi đời Thuận Trị Thiệu đỗ Tiến sĩ, nhận chức Giáo thụ phủ Đăng Châu, gặp lúc vâng lệnh kiêm giữ chức Huấn đạo huyện Thê Hà, trên đường đi ghé ngang Cao gia trang thì nhà cửa xóm làng vẫn còn như cũ, nhân họp người ở đó lại, hỏi rằng “ở đây từng có một người là Cao Tiểu Hòe phải không?". Mọi người đáp "Có, nhưng chết đã lâu rồi". Lại hỏi tới ngày tháng chết thì hoàn toàn khớp với ngày Thiệu sinh, bèn thuật lại mọi chuyện. Tìm tới con trai Cao, thì một đã chết, một đi vắng, chỉ có một con gái đã lấy chồng ở cách đó hơn một dặm. Gọi tới hỏi chuyện, nói những việc lúc con gái còn nhỏ đều đúng cả. Lại hỏi thăm các bậc cố lão trong làng, chỉ có một người còn sống, tóc bạc phơ phơ, đã hơn chín mươi tuổi rồi. Gặp nhau nói chuyện cũ, thân mật như quen biết đã lâu.


Sĩ Mai nhân đó sực hiểu cả mọi việc, mối ngờ vực suốt nửa đời từ đó tiêu tan, nhân vịnh thơ rằng "Hai kiếp mở toang đường sống chết, Một thân biết hết việc xưa nay". Bèn bỏ tiền mua ruộng vườn cho con cái họ Cao. Về sau Thiệu được thăng làm Tri huyện Ngô Giang, nhân sĩ trong huyện rất truyền tụng chuyện của ông, buổi đầu ta* cũng chưa tin. Gặp lúc Cống sinh Đăng Châu Lý Viết Bạch, em ruột bạn đồng niên của ta là Viết Quế đi ngang ghé thăm, ta ngẫu nhiên nhắc tới. Viết Bạch nói "Chẳng lẽ là quan Giáo thụ phủ Đăng Châu ta là Tiên sinh Thiệu Dịch Huy sao? Chuyện đó có thật đấy, ta còn nhớ rõ mà". Nhân kể chuyện lúc Thiệu ở Đăng Châu, thường kể chuyện cho người đồng liêu là Lý Phủ, Phủ kể lại cho Viết Bạch, nhiều lần đều như vậy. Ta bèn sắp xếp lại lời ấy, viết thành tiểu truyện. Cao Tiểu Hòe chỉ là một người Lý chính mà thôi, nhưng làm điều lành nên vẫn chết được yên lành, tái sinh nổi tiếng, huống là người khác sao? Ngày cuối tháng 5 năm Khang Hy thứ 7 (1668), Vân Gian Dã Sử Lục Minh Kha soạn.


* Ta: tức Lục Thứ Sơn tự xưng.


353. Ông Thiệu ở Lâm Tri

(Thiệu Lâm Tri)


Con gái ông Mỗ ở huyện Lâm Tri (tỉnh Sơn Đông) là vợ Thái học Lý sinh. Lúc chưa lấy chồng, có người thuật sĩ xem số, nói chắc chắn phải gặp chuyện hình ngục. Ông Mỗ nổi giận, kế lại cười nói "Nói bậy tới như thế là cùng, đừng nói con gái nhà thế gia ắt không bao giờ phải tới công đình, chẳng lẽ nó chẳng lấy được một anh Giám sinh à?". Đến khi lấy chồng rồi, chị ta rất hung dữ, xỉa xói chửi bới chồng là chuyện thường. Lý chịu không nổi, uất ức kêu lên quan. Tri huyện là ông Thiệu theo lời xin, phát lệnh sai bắt chị ta. Ông Mỗ nghe chuyện cả sợ, dắt con em tới huyện đường năn nỉ xin bỏ qua nhưng không được. Lý cũng hối, xin thôi không kêu ca gì nữa. Ông Thiệu giận nói “Chỗ công đường này đâu phải là nhà của ngươi mà muốn sao thì muốn?", rồi lập tức sai bắt vợ Lý lên, hỏi qua một hai câu rồi nói “Đúng là đàn bà dữ dằn, phạt đánh ba mươi trượng", dập nát cả mông.


Dị Sử thị nói: Ông Thiệu có thương xót đàn bà yếu ớt không? Sao mà giận dữ tới như thế? Nhưng huyện có quan hiền thì làng không có đàn bà dữ, nên ghi lại chuyện này để bổ khuyết vào những chuyện quan lại còn chưa làm được.


354. Quan Huyện Không Con

(Đơn Phụ Tễ)


Người dân ở huyện Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông) là Mỗ, hơn năm mươi tuổi lại lấy người thiếp còn trẻ. Hai đứa con trai sợ ông ta lại sinh con, bèn nhân lúc cha say rượu, ngầm thiến đi rồi băng bó lại. Ông ta biết, thác bệnh không nói gì, lâu sau vết thương đã gần lành. Chợt một hôm gần vợ, vết dao cũ toác ra, máu chảy không cầm được, kế chết. Người thiếp biết, kiện lên quan. Quan bắt hai người con, quả nhiên đều nhận tội. Quan hoảng sợ nói "Nay ta lại làm quan huyện không con* rồi!". Bèn đem giết hai người.


*Quan huyện không con: nguyên văn là "Đơn phụ tễ" (Quan huyện là người cha cô đơn). Ngày xưa quan lại thường được gọi là "dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân), quan huyện này gặp phải việc hai người con thiến cha nên nói như vậy. Chữ Đơn (Đan) còn có một âm là Thiện, "Thiện Phụ”, lại là một huyện cũng trong tỉnh Sơn Đông, nên ba chữ trên còn có nghĩa là "Quan huyện Thiện Phụ”, ở đây có chỗ chơi chữ không dịch được.


Huyện ta có Vương sinh, cưới vợ được hơn tháng thì bỏ vợ, người cha vợ kiện lên quan. Lúc ấy ông Tân làm Tri huyện huyện Truy, hỏi Vương vì sao bỏ vợ, Vương đáp là không thể nói được. Hỏi mãi mới đáp rằng “Cô ta không thể sinh nở". Ông Tân nói "Nói bậy! Mới cưới hơn một tháng, làm sao đã biết là không thể sinh nở". Vương ngượng nghịu hồi lâu mới đáp "Vì chỗ kín của cô ta méo". Ông Tân phì cười nói "Té ra là vì méo mó nên trong gia đình không êm thắm"*. Đây cũng là một chuyện nên chép lại cùng chuyện Quan huyện không con để cười vậy?


* Té ra... êm thắm: nguyên văn là "Thị tắc thiên chi vi hại, nhi gia chi sở dĩ bất tề dã". Tề gia (sắp xếp việc nhà cho êm đẹp) là một trong những nhiệm vụ của người quân tử theo quan niệm Nho giáo, đây quan huyện chơi chữ, đem chữ tề đối với chữ thiên.

 

355. Diêm Vương Chết

(Diêm La Hoăng)


Cha Tuần phủ Mỗ trước là Tổng đốc một tỉnh phía nam, đã chết từ lâu. Một đêm ông nằm mơ thấy cha về, vẻ mặt buồn bã nói "Ta lúc còn sống không làm nhiều tội nghiệt, chỉ có một lần cầm quân ở trấn, không nên điều động mà lại điều động, trên đường đi gặp phải cướp biển, toàn quân chết sạch. Nay họ kiện ta tới Diêm Vương, hình phạt tàn nhẫn rất là đáng sợ. Diêm Vương không phải ai khác, ngày mai có viên Kinh lịch họ Ngụy áp tải lương tới, chính là y đấy. Con nên kêu xin cho ta, nhớ đừng có quên?”. Ông tỉnh dậy lấy làm lạ, cũng không tin lắm. Nằm ngủ lại lại mơ thấy cha trách "Cha đã gặp nạn mà con chưa chịu ghi nhớ lời dặn, lại còn cho là mộng mị hão huyền à?". Ông càng lấy làm lạ. Hôm sau ghi nhớ ra xem văn án, quả có viên Kinh lịch họ Ngụy vừa áp tải lương tới, lập tức cho gọi vào, sai hai người giữ cho ngồi yên rồi bước ra quỳ lạy như triều kiến thiên tử. Lạy xong quỳ khóc, kể lại mọi việc.


Ngụy lúc đầu không chịu nhận, ông cứ quỳ mãi không chịu đứng lên, Ngụy mới nói "Đúng là có chuyện ấy, nhưng âm ty có phép tắc, không phải lôi thôi như ở trần gian, cho dù có thể nương tay, sợ cũng không làm được". Ông càng tha thiết năn nỉ, Ngụy bất đắc dĩ phải nhận lời. Ông lại xin Ngụy xử đoán mau cho, Ngụy ngẫm nghĩ rồi ngại là không có chỗ yên tĩnh, ông xin quét dọn khách sảnh, Ngụy bèn ưng thuận. Ông mới đứng dậy, lại xin cho theo nghe trộm, Ngụy nói là không được, ông năn nỉ mãi, Ngụy mới dặn “Tới đó thì phải im lặng không được lên tiếng, vả lại hình phạt ở âm ty tuy thảm khốc không giống như ở trần gian song chỉ là tạm thời bị giết chứ không phải chết thật, nếu thấy điều gì cũng đừng run sợ”.


Đến đêm, ông ngầm vào núp bên hành lang khách sảnh, thấy dưới thềm la liệt tù nhân, kẻ đứt đầu người cụt tay đông đặc nhốn nháo. Dưới thềm đặt bếp lửa vạc dầu, có mấy người đang cho củi nhen lửa. Chợt thấy Ngụy đội mão thắt đai ra bước lên ngồi, khí tượng uy nghiêm dữ tợn, khác hẳn lúc ban ngày. Đám quỷ cùng nhất tề lạy rạp xuống, đều kêu khóc là oan khổ. Ngụy nói “Các ngươi bị giặc giết, oan có đầu nợ có chủ, sao lại quy tội cho quan trưởng”. Bọn quỷ ồn ào nói "Lẽ ra không đáng điều động, lại bị công văn không hợp lệ gởi tới nên chúng tôi mới gặp nạn, vậy ai đền nỗi oan khổ này”. Ngụy lại giải thích quanh co, đám quỷ gào khóc, ồn ào náo động. Ngụy bèn sai quỷ tốt đem bỏ cha viên quan Mỗ vào vạc dầu luộc qua một lượt, xét về lý thì đúng, nhưng xem ý tứ thì chỉ làm thế để đám quỷ hả dạ mà thôi. Lệnh vừa ban ra, lập tức có bọn quỷ đầu trâu giải cha ông tới rồi lấy đinh ba xóc lên bỏ vào vạc dầu. Ông nhìn thấy trong lòng đau đớn, không kìm được bất giác kêu lên một tiếng thất thanh, thì trong sảnh chợt vắng ngắt không còn gì nữa. Ông than khóc quay về, đến sáng tới tìm Ngụy, thì Ngụy đã chết trong phòng. Chuyện này là Trương Võ Định ở huyện Tùng Giang (tỉnh Giang Tô) kể lại, vì không phải là chuyện hay nên không nói rõ tên người.


356. Đạo Sĩ Điên

(Điên Đạo Nhân)


Có đạo sĩ điên không rõ tên họ ngụ trong chùa trên núi, lúc ca lúc khóc bất thường, người ta không hiểu được, có người thấy đạo sĩ nấu đá làm cơm ăn. Gặp tiết Trùng dương có người hào quý trong huyện mang rượu lên núi chơi, ngồi kiệu che lọng rần rộ kéo đi, yến ẩm xong về ngang chùa. Vừa tới cổng thì thấy đạo sĩ đi chân không mặc áo rách, tự cầm lọng vàng, miệng kêu beng beng làm như tiếng thanh la dẹp đường từ trong đi ra, như có ý nhạo báng. Người hào quý vừa thẹn vừa giận, sai đầy tớ đuổi theo chửi mắng, đạo sĩ cười bỏ chạy. Bọn kia đuổi gấp, đạo sĩ vứt bỏ cái lọng, lại xé tan vải lọng ra, từng mảnh từng mảnh biến thành chim ưng chim cắt bay tứ tán, mọi người mới bắt đầu run sợ. Cái cán lọng biến thành con mãng xà lớn, vẩy đỏ mắt sáng, bọn kia kêu la định bỏ chạy. Có người khách cùng đi ngăn lại nói "Đó chẳng qua chỉ là ảo thuật mà mắt thôi, làm sao nuốt được người?”. Bèn rút đao xông lên, con mãng xà tức giận lướt tới há miệng táp người ấy nuốt chửng. Bọn kia càng hoảng sợ, đỡ người hào quý chạy mau, được ba dặm mới dừng, sai mấy người trở lại dò xét. Vào tới chùa thì chẳng thấy người khách và con mãng xà đâu, đang định về báo thì nghe trong cây hòe lớn có tiếng thở phì phò như con lừa. Họ sợ hãi, lúc đầu không dám bước tới, dần dần mới rón rén tới gần xem, thấy trong gốc cây có cái hốc bằng cái mâm, trèo lên nhìn vào thì người đánh nhau với con mãng xà bị nhét chúc đầu xuống bên trong, nhưng cái lỗ chỉ đủ thò hai bàn tay vào, không có cách nào ra được. Họ vội lấy đao phá gốc cây, cái hốc vỡ ra thì người đã ngất đi. Hồi lâu tỉnh lại, họ bèn vực về, còn đạo sĩ không biết đã đi đâu.


Dị Sử thị nói: Giương lọng đi chơi núi, thật là hợm hĩnh đáng ghét, người tiên đem phép thuật đùa cợt, nghĩ cũng buồn cười. Ân sinh Văn Bình người làng ta là em rể quan Tư nông họ Tất, tính hay nhạo báng không khiêm cung. Huyện Chương Khâu (tỉnh Sơn Đông) có Chu sinh, vốn nhà nghèo hèn mới phất lên, cứ ra khỏi nhà là đi kiệu, cũng là họ hàng với quan Tư nông. Gặp ngày mừng thọ Thái phu nhân mẹ Tư nông, Ân đoán là Chu sẽ tới bèn mang giày da lợn, mặc áo nhà quan, cầm danh thiếp ra đón trên đường. Chờ kiệu Chu tới, khom lưng bên đường nói lớn “Chư sinh huyện Truy Xuyên đón Chư sinh huyện Chương Khâu”. Chu thẹn bước xuống kiệu, nói vài câu rồi từ biệt. Lúc sau cùng họp mặt ở nhà quan Tư nông, áo mão đầy tiệc, nhìn thấy lối ăn mặc của Ân, ai cũng cười thầm. Ân ngạo nghễ chẳng buồn để ý, tiệc xong ra cổng, mọi người đều gọi xe gọi kiệu, Ân cũng lớn tiếng gọi "Xe độc long của Ân lão gia đâu?". Có hai tên đầy tớ vác một cái gậy bước tới, Ân nhảy lên ngồi, cất tiếng chào lớn, rồi hai tên đầy tớ khiêng Ân chạy mau. Ân sinh cũng là bậc sau người tiên vậy.

<< - 346 - 351 - | - 357 - 362 - >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 954

Return to top