Tần sinh ở huyện Lai Châu (tỉnh Sơn Đông), pha rượu thuốc lỡ tay bỏ lầm thuốc độc vào, nhưng tiếc không nỡ đổ bỏ, bèn nút lại để đấy. Hơn một năm, đang đêm thèm rượn nhưng không mua đâu được, chợt nhớ tới hũ rượu còn cất, mở nút ngửi thấythơm phức, thèm chảy nước miếng, không nhịn được bèn lấy chén rót uống. Vợ năn nỉ can, sinh cười nói “Uống cho đã rồi chết, còn hơn là thèm rượu mà chết". Rồi uống cạn chén, lại rót nữa, vợ đứng dậy hất đổ cái hũ, rượu chảy tràn ra sàn, sinh bò xuống liếm như chó. Giây lát, sinh đau bụng cấm khẩu, đến nửa đêm thì chết. Vợ gào khóc, mua quan tài gọi người tẫn liệm. Đêm sau, chợt thấy một mỹ nhân bước vào, thân hình chỉ cao có ba thước, đi quanh quan tài, lấy nước rưới lên mặt sinh, giây lát sống lại. Sinh quỳ mọp hỏi, mỹ nhân đáp "Ta là hồ tiên, chồng ta vào trộm rượu nhà họ Trần uống bị say chết nên ta tới cứu về ngang đây thì thấy ông, thương kẻ đồng bệnh nên sai ta lấy thuốc thừa vào cứu. Nói xong thì biến mất.
Bạn ta là Cống sĩ Khâu Hành Tố, nghiện rượu, một đêm lên cơn thèm mà không biết mua ở đâu, trằn trọc mãi nhịn không được, tính lấy giấm uống đỡ. Bèn nói với vợ, vợ gạt ngang, Khâu cứ lấy ra làm bừa, cũng rót giấm vào bầu, đặt lên lò hâm, uống cạn rồi cũng say, phanh áo lăn ra ngủ. Hôm sau, vợ thấy bầu rượu khô queo bèn sai đầy tớ đi mua, trên đường gặp em ông ta là Tương Thần hỏi thăm, ngờ rằng chị dâu không chịu mua rượu cho anh uống. Người đầy tớ nói "Phu nhân nói nhà không có nhiều giấm, đêm qua đã hết một nửa, nếu ông uống lần nữa thì sạch cả con giấm”, người ta nghe thấy đều cười. Không biết là đã lên con thèm thì rượu độc cũng ngon, huống chi là giấm? Chuyện này cũng nên chép lại vậy.
Trước đây ta ở kinh, cùng người bạn đồng niên tới ăn tiệc ở nhà ông Mỗ. Chủ nhân không biết uống rượu nên rượu đưa ra mời khách rất dở, người bạn ta lại uống liên tiếp mấy chén lớn. Khi về tới nhà, ta hỏi "Thứ rượu ấy chua như giấm, mà ông nuốt được à?” Bạn ta đáp “Lúc đó cổ ráo miệng khô, cho dù là giấm cũng uống, huống chi là thứ còn được gọi là rượu sao?". Ta nghe thế bật cười, không ngờ rằng có người uống giấm thay rượu thật.
271. Lường Gạt
(Cục Trá)
I.
Gia nhân nhà quan Ngự sử nọ tình cờ đứng trong chợ, có một người áo mũ đẹp đẽ sang trọng tới cạnh bắt chuyện, dần dà hỏi tới họ tên và quan chức của chủ nhân, người gia nhân cứ sự thật trả lời. Người kia tự xưng mình họ Vương, làm Nội sử của một Công chúa. Chuyện trò dần dần thân mật, y nói "Đường làm quan nguy hiểm đáng sợ, người được vinh hiển đều phải nương dựa vào bậc quý thích, quý chủ nhân cậy nhờ ai?". Người gia nhân cười, đáp không nương dựa ai cả. Vương nói “Thế thì đúng như người ta vẫn nói là Tiếc phí tổn nhỏ mà quên tai họa lớn đấy?". Người gia nhân hỏi "Nhưng biết nương tựa vào ai cho được?”. Vương đáp "Công chúa lấy lễ đãi người, lại có thể bảo bọc cho người. Quan Thị lang Mỗ cũng do ta tiến dẫn đấy. Nếu không tiếc ngàn vàng làm lễ ra mắt, thì muốn gặp công chúa cũng không khó lắm". Người gia nhân mừng lắm, hỏi chỗ ở của người ấy. Người ấy chỉ cửa nhà, lại nói “Hàng ngày qua lại cùng ngõ mà không biết sao?". Người gia nhân về bẩm lại, viên Ngự sử mừng rỡ, lập tức bày tiệc, sai người gia nhân sang mời Vương.
Vương vui vẻ tới, trong bữa tiệc nói rõ từ tính tình tới thói quen của công chúa rất rành rẽ, lại nói nếu chẳng phải chỗ cùng ngõ gần gũi thì phải thưởng y trăm đồng vàng chứ không có chuyện làm giùm không công, viên Ngự sử càng tỏ lòng biết ơn. Khi ra về y hẹn "Quan lớn cứ sắp sẵn lễ vật, ta sẽ cố tìm dịp bẩm với Công chúa, chỉ trong sớm chiều là có tin tới ông". Vài ngày sau y mới tới, cưỡi một con ngựa cực đẹp, nói với Ngự sử rằng “Xin mau sắp xếp vào hầu. Công chúa bận rộn lắm, người tới xin ra mắt nối nhau từ sớm đến tối không lúc nào ngớt. Hôm nay có một lúc rỗi, phải đi ngay, để lỡ thì không biết lúc nào mới có dịp nữa”. Viên Ngự sử vội đem vàng ròng lụa tốt theo y, đi quanh co hơn mười dặm mới tới phủ đệ công chúa, bèn xuống ngựa đứng chờ. Vương đem lễ vật vào trước, hồi lâu trở ra lớn tiếng gọi Công chúa triệu quan Thị ngự Mỗ, kế có mấy người nối nhau xướng lời tuyên triệu. Viên Ngự sử khép nép đi vào, thấy một mỹ nhân ngồi trên thềm cao, phong thái dung mạo như tiên, ăn mặc lộng lẫy, thị nữ đều mặc áo gấm dàn hàng la liệt. Viên Ngự sử phủ phục làm lễ bái yết, rất mực cung kính. Công chúa truyền lệnh cho phép ngồi, ban trà bằng chén vàng, nói vài câu khen ngợi. Thị ngự kính cẩn lui ra, trong nội điện lại truyền ban cho mũ lông điêu và tất bằng đoạn. Về tới nhà, viên Ngự sử rất biết ơn Vương, đích thân qua nhà y đưa thiếp xin gặp để cảm tạ, nhưng cửa đóng im ỉm, nghĩ rằng y đi hầu Công chúa chưa về, nhưng qua ba ngày liền vẫn không gặp. Bèn sai người đến cổng phủ Công chúa hỏi thăm, thì cũng thấy cổng đóng then gài. Hỏi người chung quanh, họ đều nói “ở đây không có Công chúa nào cả, hôm trước có mấy người đến thuê ở tạm, đã đi ba ngày rồi". Người kia về báo lại, chủ tớ chỉ còn biết ngậm đắng nuốt cay mà thôi.
II.
Phó tướng quân Mỗ mang tiền lên kinh để cầu cạnh được thăng chức nhưng khổ nỗi không có ai tiến dẫn. Một hôm có một người sang trọng tới chơi, tự nói anh vợ mình là người hầu cận thiên tử. Trà nước xong, y xin vào chỗ kín trò chuyện, nói "Hiện nay ở xứ ấy còn khuyết một chức Tướng quân, nếu chịu tốn kém thì ta sẽ dặn anh ta ca ngợi ông trước mặt Thánh chúa, việc mà xong thì kẻ có thế lực bao nhiêu cũng không tranh được". Mỗ vì người ấy đột nhiên tới tìm, ngờ là lừa dối, người ấy nói "Chuyện này không nên chần chừ, ta chẳng qua chỉ muốn kiếm chác chút đỉnh ở ông anh vợ chứ với tướng quân thì một xu cũng không đòi hỏi. Giờ chỉ cần thỏa thuận rõ số tiền thù lao, làm giấy giao kèo, khi nào ông được thiên tử triệu kiến rồi mới phải chồng tiền. Nếu không có kết quả gì thì tiền của ông còn trong túi chứ đã ai móc mất?", Mỗ mới mừng rỡ bằng lòng.
Hôm sau y tới đưa Mỗ đi gặp người anh vợ, nói là họ Điền, hách dịch như bậc công hầu, Mỗ vào gặp thì tiếp đãi rất ngạo mạn vô lễ. Người kia đưa tờ giao kèo cho Mỗ, nói “Ta vừa bàn với ông anh, chuyện này không đủ bạc vạn không được, xin ông ký xuống dưới này”. Mỗ theo lời, Điền nói "Lòng dạ người ta khó lường, chỉ ngại việc xong rồi, lại lật lọng". Người kia cười nói "Anh quá lo, đã có thể cho chẳng lẽ không đoạt lại được à? Vả lại các quan trong triều có người tình nguyện nộp tiền mà còn không được đường công danh sắp tới của tướng quân đây còn xa rộng lắm, chắc không tới nỗi như thế đâu. Mỗ cũng ra sức thề thốt rồi về, người kia tiễn chân, dặn "Ba ngày nữa, xin trả lời ông". Qua hai ngày, trời vừa sẩm tối, có mấy người chạy tới báo "Thánh thượng đang đợi”. Mỗ cả kinh vội vàng vào chầu, thấy thiên tử ngồi trên điện, quân nanh vuốt dày đặc chung quanh. Mỗ phủ phục làm lễ bái kiến xong, Hoàng thượng cho ngồi, thăm hỏi ân cần rồi ngoảnh lại nói với tả hữu “Trẫm nghe danh Mỗ vũ dũng phi thường, nay thấy mặt, quả thật có tài Tướng quân". Nhân đó lại nói “Xứ ấy là đất hiểm yếu, nay ủy thác cho khanh, khanh chớ phụ lòng trẫm, nay mai sẽ có sắc phong chính thức". Mỗ bái tạ lui ra, lập tức có người kia theo về nơi trọ, theo đúng giao kèo nhận tiền.
Rồi đó Mỗ cứ nằm khểnh đợi sắc phong, hàng ngày đã khoe khoang với bè bạn. Qua mấy ngày, hỏi dò mới biết chức Tướng quân khuyết kia đã có người được bổ rồi. Mỗ cả giận, tới thẳng bộ Binh chất vấn "Mỗ đây đã nhận mệnh của Hoàng đế, sao người khác lại được bổ?". Quan Tư mã ngạc nhiên, Mỗ kể lại mọi việc, có tới một nửa như cảnh trong mộng. Tư mã nổi giận bắt đưa qua quan Đình úy xét xử, lúc ấy Mỗ mới cung khai tên họ người tiến dẫn, nhưng trong triều không có ai như thế, lại phải tốn kém bạc vạn nữa để chạy chọt mới chỉ bị cách chức đuổi về.
Lạ thay! Hạng võ biền tuy ngu ngơ nhưng chốn triều đường lại có thể đóng giả được sao? Ngờ rằng bên trong có trò ảo thuật gì đây, như lời người ta thường nói là Hạng trộm cướp lớn không cần phải vung đao múa gậy.
III.
Lý sinh người huyện Gia Tường (tỉnh Sơn Đông) giỏi đánh đàn cầm. Tình cờ đi chơi trên đồng phía đông huyện thành, thấy thợ thổ đào được được một chiếc đàn cầm cổ, bỏ ít tiền ra mua. Lau chùi thấy thân đàn có ánh sáng lạ, so dây gảy thử thì tiếng trong vang lạ thường. Sinh mừng như bắt được ngọc quý, cất vào túi gấm, giấu trong phòng kín, dẫu họ hàng rất thân thiết cũng không cho xem. Có quan huyện họ Trình mới về nhậm chức đưa danh thiếp tới chào Lý. Lý vốn ít giao du song vì ông ta tới chào trước nên đành qua đáp lễ. Vài ngày sau ông ta mời qua uống rượu, nài nỉ quá nên Lý phải tới. Trình là người phong nhã hơn đời, nghị luận sâu rộng nên Lý cũng thích. Hôm sau, Lý gửi thư mời lại, chuyện trò càng thấy hợp. Từ đó, sớm ngắm hoa, đêm thưởng nguyệt không mấy khi không có nhau.
Được hơn năm, một hôm Lý vào huyện đường, tình cờ nhìn thấy một cái túi gấm đựng đàn cầm đặt trên ghế, bèn mở ra xem. Quan huyện hỏi có am hiểu nghề này không? Lý đáp không rành lắm nhưng thường ngày cũng thích. Quan huyện ngạc nhiên nói "Biết nhau không phải mới một ngày, sao lại không cho nhau được nghe tiếng đàn tuyệt kỹ? Xin đốt lò trầm, mong ông dạo vài khúc nhỏ". Lý vâng lời đánh đàn, Trình khen "Thật là bậc thầy! Ta cũng xin múa rìu qua mắt thợ, mong ông chớ cười”. Nói rồi gảy khúc Ngự phong, thanh âm lạnh lẽo, quả có cái ý xuất trần dứt tục. Lý vô cùng kính phục, xin tôn làm thầy, từ đó hai người giao du ngày càng thân thiết.
Được hơn một năm, Trình truyền lại cho Lý hết mọi ngón đàn, nhưng mỗi khi Trình tới nhà, Lý chỉ đem đàn thường ra chơi, chưa từng để lộ ra là có cây đàn quý. Một đêm uống rượu ngà ngà say, quan huyện nói “Ta mới soạn được một khúc đàn, ông nghe thử xem thế nào?”. Rồi gảy một khúc Tương phi vô cùng ai oán, Lý hết lời ca ngợi. Quan huyện nhân nói “Chỉ tiếc không có đàn tốt, nếu có thì âm điệu còn hay hơn nhiều. Lý vui vẻ nói “Ta có một cây đàn khác hẳn loại thường. Nay đã gặp tri âm đâu dám giữ kín mãi". Bèn mở hòm, xách túi gấm đựng đàn ra. Quan huyện lấy đàn ra, kéo Vạt áo lau ghế, đặt đàn lên gảy lại khúc nhạc, lúc khoan lúc nhặt theo đúng âm luật, xảo diệu nhập thần, Lý nghe mà tay bất giác cũng đánh nhịp theo.
Đàn xong, Trình nói "Chút ít tài mọn làm phụ cả cây đàn quý. Nếu cho tiện nội tấu một khúc thì còn có một hai tiếng nghe lọt tai". Lý kinh ngạc hỏi "Quý phu nhân cũng giỏi đàn sao?". Quan huyện cười nói "Những ngón đàn ông thấy trước nay đều do tiện nội truyền cho”. Lý nói “Tiếc rằng tiểu sinh không sao được nghe tiếng đàn nơi khuê các!". Quan huyện nói “Chúng ta giao du với nhau thân thiết, cần gì phải kiêng kỵ hình tích lặt vặt. Ngày mai xin mang đàn qua, tiện nội có thể cách rèm đàn cho ông nghe". Lý mừng rỡ, hôm sau ôm đàn qua, Trình lập tức sai bày tiệc, lúc sau mang cây đàn vào nhà trong rồi trở ra. Vừa ngồi vào bàn thì sau rèm đã thấp thoáng bóng giai nhân, kế đó mùi hương lan ngào ngạt tỏa ra tới của. Giây lát tiếng đàn khe khẽ trỗi lên, Lý lắng tai nghe không rõ là khúc gì, chỉ thấy tâm thần xao xuyến, thân xác chơi vơi hồn phách bay bổng.
Tiếng đàn ngưng, Lý liếc mắt qua rèm thấy một giai nhân khoảng ngoài hai chục xuân xanh, sắc đẹp tuyệt thế. Quan huyện lấy chén lớn chuốc rượu, tiếng đàn bên trong đổi sang khúc Nhàn tình. Lý cả thân xác tâm thần đều thấy rung động phiêu diêu, uống hơi quá chén thấy đã say, đứng dậy cáo biệt, lên tiếng xin lại cây đàn. Quan huyện nói "ông đang say, coi chừng ngã. Mời ngày mai lại qua chơi cho tiện nội được trổ hết tài nghệ", Lý bèn ra về. Hôm sau qua thì nhà cửa vắng tanh, chỉ có một người lính già gác cổng. Lý hỏi thăm, người lính nói “Lúc canh năm quan huyện đã đưa hết cả gia đình đi, không biết làm gì, chỉ hẹn ba ngày quay lại”. Đến ngày hẹn, Lý lại qua chờ, đến tối mịt vẫn không thấy âm hao. Các lại dịch ở huyện đều nghi ngờ, lấy cớ có việc phải bẩm phá cửa vào tìm, thấy trong nhà trống không, chỉ còn có mấy món bàn ghế, bèn đem chuyện bẩm lên quan trên, quan trên cũng không rõ vì sao.
Lý mất cây đàn, mất ăn mất ngủ, lặn lội suốt mấy ngàn dặm, hỏi thăm khắp nơi mới biết Trình sinh vốn người đất Sở, ba năm trước đây nhờ quyên tiền được bổ làm Tri huyện Gia Tường. Lý theo tên họ, quê quán đi tìm thì đất Sở hoàn toàn không có người ấy. Có người nói có một đạo sĩ họ Trình, giỏi đàn cầm, nghe đồn biết thuật điểm kim, ba năm trước bỗng đi đâu mất không thấy trở về, có lẽ là người ấy. So lại tuổi tác, hình dáng thì quả đúng không sai, lúc ấy mới biết đạo sĩ quyên tiền mua chức quan đều vì cây đàn. Kết giao hơn một năm không nói gì tới âm luật rồi mới đưa đàn ra, dạy đánh đàn, kế dùng sắc đẹp để làm xiêu lòng, dần dà suốt ba năm, lừa lấy được cây đàn là đi ngay, cái bệnh mê đàn của đạo sĩ so ra lại còn hơn cả Lý sinh. Cách lường gạt trong thiên hạ thì nhiều vô kể, nhưng như đạo sĩ thì còn là một kẻ phong nhã trong bọn lường gạt.