Cung Hạ Thanh núi Lao có cây nại đông cao hai trượng, to mấy mươi chét tay và cây mẫu đơn cao hơn trượng, khi trổ hoa thì rực rỡ như gấm. Hoàng sinh người Mục Châu (tỉnh Sơn Đông) làm nhà ở đó đọc sách. Một hôm ngồi trong cửa sổ nhìn ra thấy một cô gái áo trắng thấp thoáng trong đám hoa, nghi là trong đạo quán sao lại có con gái, bước mau ra thì đã trốn mất. Từ đó thường thấy nàng, bèn núp trong bụi cây rậm để đợi. Chẳng bao lâu cô gái lại cùng một người mặc xiêm hồng tới, từ xa thấy cả hai tuyệt đẹp, tới gần thì nàng mặc xiêm hồng hoảng sợ lui lại nói "Ở đây có người”. Sinh đứng bật dậy, hai nàng sợ hãi bỏ chạy, áo xiêm phấp phới, thoang thoảng mùi thơm. Đuổi theo qua bức tường thấp thì đã biến mất. Sinh vô cùng hâm mộ, nhân đề bài thơ lên thân cây rằng:
Vô hạn tương tư khổ,
Hàm tình đối đoản song.
Khủng quy Sa Trá Lợi,
Hà xứ mịch Vô Song (Tương tư xiết kể bao đau khổ
ôm mối tình riêng ngóng trước song
E phải về tay Sa Trá Lợi
* Nơi nào lại gặp được Vô Song)
*Sa Trá Lợi, Cổ áp Nha: xem hai truyện Phụ lục. Hai câu thơ trên nguyên văn là "Giai nhân dĩ thuộc Sa Trá Lợi, Nghĩa sĩ kim vô Cổ Áp Nha", chưa rõ tác giả.
Về phòng học ngồi mơ tưởng, chợt cô gái bước vào. Sinh giật mình mừng rỡ đón chào, nàng cười nói "Chàng hùng hổ như ăn cướp làm người ta hoảng sợ, không ngờ cũng là người tao nhã, có gần cũng không sao". Sinh hỏi qua thân thế, nàng đáp "Thiếp tiểu tự là Hương Ngọc, người chốn bình khang, bị đạo sĩ nhốt trong núi, thật không phải ý nguyện”. Sinh hỏi “Đạo sĩ tên gì? Ta sẽ rửa hờn cho nàng". Cô gái nói "Không cần, y cũng chưa dám ép buộc gì, cứ mượn nơi này cùng khách phong lưu làm chỗ gặp gỡ kín đáo cũng hay”. Sinh hỏi "Nàng mặc áo hồng là ai?”, nàng đáp “Đó là Giáng Tuyết, chị kết nghĩa của thiếp”, rồi cùng nhau đi ngủ. Tỉnh giấc thì trời đã rạng, cô gái vội trở dậy nói "Ham vui quên cả trời đã sáng". Mặc áo đi giày xong, lại nói “Thiếp xin khẩu chiếm họa lại bài thơ, chàng chớ cười”. Thơ rằng:
Lương dạ canh vị tận
Triều đôn dĩ thượng song.
Nguyện như lương thượng yến,
Thê xứ tự thành song
(Đêm vui vẫn biết canh thường ngắn
Vầng nhật đà lên rọi trước song.
Những ước trên rường làm cặp én
Khi bay lúc đậu cũng song song)
Sinh nắm cổ tay nàng nói "Nàng đã đẹp lại thông minh, khiến người ta yêu quên chết. Một ngày xa nhau như xa cách ngàn dặm, lúc nào nàng rảnh thì tới, đừng đợi đến đêm". Cô gái nhận lời, từ đó sớm tối thường tới, sinh thường bảo mời Giáng Tuyết mà không thấy tới nên lấy làm hận. Nàng nói "Chị Giáng tính rất lạnh lùng, không như thiếp si tình, cứ để thiếp từ từ khuyên nhủ, không cần nóng nảy”. Một đêm nàng buồn rầu bước vào nói "Chàng không giữ được đất Lũng mà còn mong lấy Thục ư? Từ nay thì vĩnh biệt nhau rồi". Sinh hỏi đi đâu, nàng lấy tay áo lau nước mắt nói “Đây là định số, khó nói với chàng được. Câu thơ ngày trước nay thành lời sấm rồi. "Người đẹp đã về Sa Trá Lợi, Nghĩa sĩ nay không Cổ áp Nha” có thể nói là vịnh cảnh ngộ của thiếp đấy". Sinh gạn hỏi thì nàng không đáp, chỉ nức nở khóc, suốt đêm không ngủ, sáng ra đi ngay.
Sinh lấy làm lạ, hôm sau có họ Lam ở Túc Mặc vào cung quán vãn cảnh, thấy cây bạch mẫu đơn thích lắm bèn đào lên mang về. Sinh mới hiểu ra Hương Ngọc là tinh hoa, buồn rầu không thôi. Qua vài hôm nghe nói cây hoa họ Lam đem về nhà trồng ngày càng khô héo, sinh rất hận, làm năm mươi bài thơ khóc hoa, ngày ngày tới chỗ cây bạch mẫu đơn cũ, nước mắt ròng ròng nhỏ xuống cái hố. Một hôm sinh ra đó, từ xa thấy cô gái mặc xiêm hồng đứng khóc cạnh hố, thong thả tới gần nàng cũng không tránh mặt, nhân kéo vạt áo nàng sa nước mắt, kế mời vào nhà.
Nàng cũng theo vào, than rằng "Chị em với nhau từ thuở nhỏ, một sớm chia lìa, thấy chàng thương cảm thiếp cũng mủi lòng, nước mắt rơi xuống suối vàng may ra cảm thấu lòng thành mà tái sinh. Nhưng người chết thần khí đã tan, trong giây lát làm sao có thể cùng nhau cười nói được". Sinh nói "Tiểu sinh phận bạc làm hại người tình, quả không có phúc được cả hai người đẹp. Trước từng nhiều lần nhờ Hương Ngọc bày tỏ lòng thành, sao không chịu tới?". Nàng nói "Thiếp cho rằng bọn học trò trẻ tuổi mười người thì tám chín là kẻ bạc hãnh, không biết chàng là kẻ chí tình. Nhưng thiếp cùng chàng giao hảo vì tình nghĩa chứ không vì chăn gối, nếu đêm ngày ôm ấp thì thiếp không làm được”. Nói xong cáo biệt, sinh nói "Hương Ngọc mất đi làm ta bỏ cả ăn ngủ, muốn cậy nàng ở lại một lúc cho khuây nỗi nhớ, sao lại dứt khoát về như vậy?”. Cô gái bèn ở lại, hết đêm ra về, mấy ngày liền không tới. Một hôm mưa lạnh rả rích ngoài song, sinh nhớ thương Hương Ngọc, trằn trọc trên giường, lệ ướt đẫm gối, xốc áo trở dậy khêu đèn cầm bút theo vần trước viết một bài thơ:
Sơn viện hoàng hôn vũ
Thùy liêm tọa tiểu song
Tương tư nhân bất kiến
Trung dạ lệ song song
(Mưa đêm viện núi nghe lòng lạnh
Buông tấm rèm thưa đứng cạnh song
Tương tư chẳng thấy người thương nhớ
Nửa đêm lệ nhớ nhỏ song song)
Viết xong đọc lên, chợt có tiếng người ngoài cửa sổ nói "Có xướng không thể không có họa”, nghe thì là tiếng Giáng Tuyết. Sinh mở cửa mời vào, nàng xem thơ xong lập tức viết ngay phía sau một bài:
Liên khuyết nhân hà xứ?
Cô đăng chiếu vãn song.
Không sơn nhân nhất cá,
Đối ảnh tự thành song.
(Người xưa chung gối nay đâu tá?
Đèn lạnh cô đơn chiếu cạnh song
Núi thẳm một thân ngùi chuyện cũ
Một mình một bóng cũng song song)
Sinh đọc xong sa nước mắt, nhân trách nàng ít tới. Nàng nói "Thiếp không thể nồng nàn như Hương Ngọc được, chỉ có thể an ủi cho chàng ít nhiều khuây cảnh tịch mịch thôi". Sinh muốn ngủ chung, nàng nói "Gặp nhau là vui, cần gì phải thế". Từ đó lúc nào sinh thấy cô quạnh thì nàng lại tới. Tới thì yến ẩm xướng họa, có khi không ngủ lại, tan tiệc là về, sinh cũng chiều ý, nói với nàng “Hương Ngọc là vợ yêu của ta, Giáng Tuyết là bạn tốt của ta", thường hỏi “Nàng là cây thứ mấy trong viện xin nói cho biết, ta sẽ mang trồng trong nhà, khỏi bị bọn ác cướp đi mất như Hương Ngọc, để hận lại suốt đời”. Nàng đáp “Chốn cũ khó dời, nói cho chàng biết cũng vô ích. Vợ còn chẳng theo nhau trọn đời được, huống là bạn ư”. Sinh không nghe, kéo tay cùng ra, tới mỗi cây mẫu đơn lại hỏi "Có phải là nàng không?", cô gái không nói chỉ che miệng cười.
Gặp lúc sinh về quê ăn tết, qua tháng hai chợt mơ thấy Giáng Tuyết tới buồn rầu nói "Thiếp gặp nạn lớn, chàng tới mau thì may ra còn gặp được nhau, chậm là không kịp đâu”. Sinh tỉnh dậy lấy làm lạ, vội sai người nhà thắng ngựa lên núi ngay, tới nơi thấy đạo sĩ sắp làm nhà, có một cây nại đông vướng chỗ, đám thợ sắp đốn đi. Sinh biết đó là ứng với giấc mơ vội vàng cản lại. Đến đêm Giáng Tuyết tới tạ ơn, sinh cười nói "Trước không nói thật nên gặp nạn này. Từ nay đã biết rõ nàng rồi, nếu không tới ta sẽ lấy ngải cứu đốt cho xem". Nàng đáp "Thiếp vốn biết chàng như thế nên trước kia mới không dám nói". Ngồi một lát, sinh nói "Nay ngồi với bạn tốt lại thêm nhớ vợ đẹp. Lâu không viếng Hương Ngọc, nàng có thể đi với ta không?". Hai người bèn tới hố đất mà khóc, gần hết canh một Giáng Tuyết lau nước mắt khuyên giải sinh rồi ra về.
Vài ngày sau, Sinh đang ngồi một mình buồn bã, Giáng Tuyết tươi cười bước vào nói "Có tin mừng báo cho chàng hay. Thần hoa cảm lòng chí tình của chàng, cho Hương Ngọc tái sinh ở cung này”. Sinh mừng hỏi đến lúc nào, nàng đáp “Không rõ nhưng chắc không bao lâu nữa". Trời sáng trở dậy, sinh nói "Ta vì nàng mà tới đây, đừng để người ta chịu hiu quạnh mãi đấy", nàng cười gật đầu. Hai đêm nàng không tới sinh bèn tới ôm lấy cây, vuốt ve rung lắc gọi tên Giáng Tuyết mấy lần mà không nghe đáp lại. Liền về ngồi dưới đèn vê mồi ngải định tới đốt cây. Cô gái vội chạy vào, giật mồi ngải ném đi, nói "Chàng hay đùa ác khiến người ta bị đau, phải đoạn tuyệt với chàng thôi". Sinh cười ôm lấy nàng, vừa ngồi chưa yên thì Hương Ngọc lững thững bước vào.
Sinh trông thấy vùng sa nước mắt, vội đứng lên đỡ nàng. Hương Ngọc giơ một tay kéo Giáng Tuyết, nhìn nhau sụt sùi, kế cùng ngồi xuống than thở chuyện xa cách. Sinh cầm tay Hương Ngọc thấy trống không như tự nắm tay mình, kinh ngạc cho là khác với ngày trước. Hương Ngọc ứa nước mắt nói "Thiếp trước là thần hoa nên thể chất ngưng tụ, nay là ma hoa nên thể chất hư tán, nay tuy gặp nhau nhưng chàng đừng coi là thật, chỉ là như gặp nhau trong mộng thôi". Giáng Tuyết nói "Em tới hay lắm, chị bị chồng em quấy rối muốn chết", rồi lập tức cáo biệt. Hương Ngọc vẫn âu yếm như xưa, song lúc tựa kề nhau, phảng phất như một mình tựa bóng. Sinh buồn bực không vui, Hương Ngọc cũng áy náy tủi hận, nói "Chàng lấy bột bạch liễm trộn với ít lưu hoàng pha nước mỗi ngày tưới cho thiếp một chén, ngày này sang năm xin đền ơn chàng", rồi cũng từ biệt đi.
Hôm sau sinh ra chỗ cũ thì có mầm cây mẫu đơn mới nảy bèn làm theo lời, hàng ngày chăm bón, lại rào chung quanh để giữ gìn, Hương Ngọc tới rất cảm kích. Sinh bàn dời cây mang về nhà, nàng không chịu, nói "Thiếp vốn thể chất yếu đuối, không chịu nổi việc đào lên trồng xuống. Vả lại mọi vật sinh ra đều có nơi nhất định, thiếp từ trước vốn không định sinh ở nhà chàng, làm trái đi sẽ giảm thọ, chỉ cần yêu thương nhau thì ắt có ngày sum họp thôi".
Sinh hận Giáng Tuyết không tới, Hương Ngọc nói “Nếu muốn ép chị ấy tới thì thiếp có thể làm được”. Bèn cùng sinh thắp đèn ra dưới gốc cây, lấy một cọng cỏ đo vào xiêm mình làm cữ rồi đo gốc cây từ dưới lên trên bốn thước sáu tấc thì đánh dấu vào, bảo sinh lấy hai móng tay gãi. Giây lát Giáng Tuyết từ sau thân cây đi ra, mắng “Con nhãi tới giúp Kiệt làm điều bạo ngược à", rồi dắt tay nhau cùng về.
Hương Ngọc nói "Chị đừng trách, phiền chị tạm làm bạn với chàng, một năm sau em không dám quấy quả nữa", từ đó Giáng Tuyết lại tới thường. Sinh thấy mầm cây ngày càng tươi tốt, cuối xuân đã cao gần hai thước, trước khi về nhà đưa tiền tặng đạo sĩ nhờ tưới bón giúp. Tháng tư năm sau trở lại cung quán thấy có một nụ hoa chưa nở, đang còn tần ngần thì hoa bỗng lay động như muốn gãy, giây lát thì nở, đóa to như cái mâm, có một người đẹp nghiễm nhiên ngồi trong nhụy hoa, chỉ cao ba bốn đốt tay, trong chớp mắt nhẹ nhàng bước xuống, chính là Hương Ngọc. Nàng cười nói "Thiếp chịu gió mưa để đợi chàng, sao chàng tới muộn thế?”. Rồi cùng vào nhà thì Giáng Tuyết đã tới, cười nói "Ngày ngày làm vợ thay người, bây giờ may mắn lại được lui về làm bạn" . Rồi cùng nhau chuyện trò xướng họa, nửa đêm Giáng Tuyết ra về, hai người cùng đi nằm, lại mặn nồng như trước.
Sau vợ Sinh chết, Sinh vào trong núi ở luôn không về nhà nữa, lúc ấy cây mẫu đơn đã to bằng cánh tay. Sinh thường chỉ cây nói "Sau này ta sẽ gửi hồn ở đó, mọc bên trái nàng". Hai cô gái cười nói "Chàng đừng quên đấy". Hơn mười năm sau sinh chợt mắc bệnh, con trai tới thăm, nhìn cha đau xót, sinh cười nói "Đây là ngày ta sinh chứ không phải ngày ta chết, đau xót làm gì?". Rồi nói với đạo sĩ "Sau này dưới gốc mẫu đơn có một mầm đỏ chợt nảy ra, một lúc trổ năm lá chính là ta đấy", rồi không nói gì nữa. Con trai sinh chở về, tới nhà thì Sinh chết. Năm sau quả có cái mầm lớn chợt nảy ra, trổ đủ năm lá, đạo sĩ lấy làm lạ càng năng vun tưới. Ba năm sau thì cao mấy thước, to một ôm nhưng không trổ hoa. Đạo sĩ già mất đi, các đệ tử không biết, thấy cây không trổ hoa nên đốn bỏ. Cây bạch mẫu đơn cũng héo đi rồi chết, không bao lâu cây nại đông cũng chết.
Dị Sử thị nói: Tình đã kết thì có thể thông với quỷ thần, hoa thì có ma theo mà người thì lấy hồn gởi, chẳng phải là kết tình rất sâu sao? Một người mất thì hai kẻ chết, tuy không phải kiên trinh song cũng là chết vì tình vậy. Người ta không thể trinh tiết cũng là chưa hết lòng với tình mà thôi. Trọng Ni đọc thơ Đường đệ mà nói “Chưa nghĩ tới", đáng tin làm sao!
Phụ: Truyện Liễu Thị Của Hứa Nghiêu Thời Đường (Đường Hứa Nghiêu Liễu Thị Truyện)
Hàn Hoằng lúc trẻ nổi tiếng tài giỏi nhưng nhà nghèo, láng giềng có ca kỹ của Lý Tương là nàng họ Liễu, mỗi khi Liễu tới chơi là mời Hàn qua cùng uống rượu. Một hôm Lý nói với Hàn “Tú tài là bậc danh sĩ thời nay, Liễu thị là bậc quốc sắc thời nay, đem quốc sắc đánh đổi với danh sĩ, chẳng cũng hay sao!". Hàn bèn tới ở với Liễu, năm sau thi đỗ, vài năm sau Tiết độ sứ Hoài Thanh Hầu Hy Dật tiến cử làm Tùng sự, Hàn chưa đưa Liễu theo, Liễu bèn xuống tóc làm ni cô vào ở chùa.
Sau Hàn theo Hầu Hy Dật vào kinh tìm không được, té ra nàng đã bị tướng Phiên Sa Tra Lợi có công với triều đình bắt đi. Hàn không làm gì được, kế được bổ làm quan ở Trung thư sảnh. Trên đường gặp chiếc xe bèn đi theo, người trong xe hỏi "Có phải Hàn Viên ngoại không? Thiếp là Liễu thị, sáng mai còn theo đường này về, xin chàng tới từ biệt nhau một lần". Hàn theo lời tới vĩnh quyết. Hôm ấy quân Lâm Tri mừng công, mở tiệc mời Hàn, Hàn buồn bã không vui. Mọi người trong tiệc hỏi han, Hàn kể lại việc Liễu thị, có Ngu hầu tướng Hứa Tuấn đứng lên nói “Xin Viên ngoại viết cho vài chữ, ta sẽ đưa nàng về ngay".
Hàn viết thư đưa Hứa, Hứa bèn cưỡi một con ngựa dắt theo một con khác phi mau tới quân dinh của Sa Tra Lợi. Gặp lúc Sa Tra Lợi đi vắng, liền vào nói “Tướng quân ngã ngựa không cứu được, sai đưa Liễu phu nhân tới”. Liễu ngạc nhiên bước ra, Hứa đưa thư Hàn cho xem rồi đỡ lên ngựa phóng mau trở về, đưa tới chỗ Hàn nói "May mà không nhục mệnh".
Phụ: Truyện Vô Song Của Tiết Điều (Tiết Điều Vô Song Truyện)
Vương Tiên Khách là cháu gọi Thượng thư Lưu Chấn bằng cậu, lúc nhỏ cùng con gái Chấn là Vô Song chơi đùa rất thân thiết. Lưu thị bị bệnh, gọi Chấn tới gởi gắm Tiên Khách mà không dặn gả Vô Song cho người khác. Tiên Khách về chôn cất mẹ xong, sắp xếp hành lý lên kinh, sai bà vú già tới cầu hôn nhưng Chấn không bằng lòng.
Một hôm Chấn vào chầu, chợt phóng ngựa về nhà nói "Quân Kinh Nguyên làm phản, Thiên tử ra Bắc Môn, các quan theo tới hành tại, ta nghĩ tới vợ con nên về qua một lúc". Rồi vội gọi Tiên Khách tới nói "Cháu giúp ta lo toan việc nhà, ta sẽ gả Vô Song cho". Rồi đem vàng bạc gấm vóc ra, bảo Tiên Khách áp tải ra cổng Khai Viễn, nói "Ta và mợ cháu cùng Vô Song ra cổng Khải Hạ". Tiên Khách theo lời, chờ mãi không thấy bèn vòng qua cổng Khải Hạ thì cổng đã đóng. Tiên Khách hỏi người giữ cổng thành "Hôm nay có ai ra không?", người ấy đáp "Sau giờ Ngọ có một người dắt vợ con cùng năm ba người định ra cổng này, người ta đều biết đó là Thượng thư bộ Hộ họ Lưu, quan giữ cổng không dám cho ra, gần tối thì quân kỵ đuổi theo phóng tới, xua cả qua Bắc Môn rồi".
Tiên Khách bèn về Tương Dương, ba năm sau vào kinh hỏi thăm tin tức gặp người đầy tớ cũ của cậu là Tái Hồng mới biết Vô Song đã bị đưa vào Dịch đình, chỉ còn có tỳ nữ cũ của nàng là Thái Tần ở nhà Kim ngô tướng quân Vương Toại Trung. Tiên Khách tới ra mắt Toại Trung xin đưa nhiều tiền để chuộc Thái Tần, Toại Trung ưng thuận. Tiên Khách bèn thuê nhà ở với Tái Hồng, kế được Toại Trung tiến cử làm Huyện lệnh Phú Bình coi trạm Trường Lạc. Chợt có tin quan Trung sứ áp giải ba mươi người trong Dịch đình tới Viên Lăng, phải chuẩn bị dọn dẹp đón tiếp, bèn nói với Hồng "Ta nghe nói trong Dịch đình phần nhiều là con cái các quan, sợ có Vô Song trong số này, người hãy đi thăm dò giúp ta”, Tái Hồng vâng dạ ra đi.
Đến đêm vào trạm dò xét, chợt nghe trong rèm có người nói "Tái Hồng, Vương lang khỏe không?", Hồng đáp "Lang quân đang ở đây, ngờ có nương tử trong trạm nên sai Tái Hồng tới hỏi thăm". Cô gái nói "Sáng mai ngươi ra dưới căn gác phía đông bắc lấy thư ta gởi chàng”. Hồng được thư đem về đưa Tiên Khách, thư rằng "Thường nghe sứ giả nói Cổ áp Nha ở Phú Bình là người có lòng trong thiên hạ, chàng có thể nhờ ông ấy không?". Tiên Khách bèn tìm tới Cổ áp Nha kể thật việc mình, Cổ sinh nói "Chuyện này rất không dễ, không thể một sớm một chiều mà xong được", sau nửa năm gởi thư xin cho Thái Tần tới.
Một đêm Vương nghe tiếng gõ cửa rất gấp, mở ra thì Cổ sinh đeo một cái giỏ lớn bước vào, nói "Vô Song trong này, nay đã chết nhưng mai sẽ sống lại”. Tiên Khách bế nàng vào giường chăm sóc, đến sáng mới hơi ấm lại mở mắt nhìn thấy Tiên Khách thì kêu lớn một tiếng rồi ngất đi, đến đêm mới tỉnh. Cổ sinh bèn tuốt đao chém đứt đầu Tái Hồng, nói "Hôm nay thì ngươi đã báo ơn lang quân đủ rồi. Vốn nghe nói đạo sĩ ở Mao Sơn có thuốc lạ, ai uống vào sẽ chết ngay, ba ngày thì sống lại, ta xin được một viên bèn sai Thái Tần giả làm Trung sứ tới nói Vô Song là con kẻ phản nghịch nên ban cho thuốc ấy bắt tự tử. Kế đem trăm lượng vàng chuộc xác, dọc đường đi qua các trạm dịch đều hối lộ rất hậu, ắt không bị tiết lộ đâu. Lão phu vì chàng, cũng sẽ tự tử". Nói xong vung đao lên, Tiên Khách vội sấn tới cản lại thì đầu Cổ đã rơi xuống đất.