Một người thợ săn đêm vào trong núi, thấy một người lùn cao khoảng hai thước nhảy nhót đi dưới khe. Lúc sau lại một người nữa tới, cũng cao như thế, gặp nhau cùng trò chuyện, hỏi nhau đi đâu. Người tới trước nói "Ta định đi xem mắt Dương sẹo, lần trước gặp thấy khí sắc tối tăm, dữ nhiều lành ít". Người tới sau nói "Ta cũng nghĩ thế, ngươi nói không sai". Người thợ săn biết không phải là người bèn quát lớn, hai người lập tức biến mất. Đêm ấy săn được một con chồn, mắt bên trái có một cái sẹo lớn, to bằng đồng tiền.
186. Rồng Giả Nhện
(Long Hý Thù)
Từ công làm Huyện lệnh Tế Đông (tỉnh Sơn Đông), trong công thự có ngôi lầu, dùng để chứa thức ăn, liên tiếp bị ăn vụng, vung vãi cả ra trên đất, bọn gia nhân nhiều lần bị quở trách, bèn rình bắt. Thấy một con nhện to bằng cái đấu, sợ hãi chạy đi báo với ông, ông lấy làm lạ, bèn sai bọn thị tỳ hàng ngày vứt mồi cho ăn. Con nhện quen dần, lúc đói thì ra tìm người, ăn no thì bỏ đi. Hơn mấy năm, ông ngẫu nhiên đang duyệt văn án, con nhện chợt đến nằm mọp dưới bàn. ông cho rằng nó đói, vừa mới sai người nhà mang mồi cho ăn, đã thấy hai con rắn nhỏ bằng chiếc đũa nằm cạnh con nhện, con nhện co chân rút bụng, dáng vẻ rất sợ hãi. Trong chớp mắt rắn to ra bằng quả trứng ông sợ hãi bỏ chạy. Chợt một tiếng sấm lớn vang lên, cửa nẻo đổ sập, ông ngất đi, phu nhân và tôi tớ hoảng sợ chết mất bảy người, ông cũng bệnh hơn tháng thì chết. Ông là người liêm chính thương dân, ngày chôn cất, nhân dân tới phúng điếu khóc than đầy đường.
Dị Sử thị nói: Rồng giả làm nhện, thường nghĩ rằng là lời đồn đại ngoa truyền trong dân gian, chẳng lẽ lại có thật sao? Nghe nói sấm sét nổ vang là để đánh kẻ hung dữ, sao lại đánh vào người làm quan thanh liêm, thảm độc tới mức ấy, trời kia sao quá huyền bí như thế?
187. Sai Khiến Ma Quỷ
(Dịch Quỷ)
Thầy thuốc họ Dương ở Sơn Tây giỏi thuật châm cứu, lại có thể sai khiến ma quỷ, mỗi lần ra khỏi nhà thì cưỡi lừa cầm roi, đều là ma quỷ. Một đêm cùng bạn đi từ nơi khác về, trên đường gặp hai người to lớn dị thường, bạn cả kinh. Dương hỏi ai, hai người nói là Vương chân dài, Lý đầu to ra đón chủ nhân. Dương nói "Đi lên trước dẫn đường!", hai người cung cúc đi lên trước, Dương đi chậm thì đứng lại chờ, như là nô lệ vậy.
188. Nguyên 1ão Ba Triều
(Tam Triều Nguyên Lão)
I.
Quan Tể tướng nọ vốn làm quan triều Minh, từng hàng giặc, sĩ phu đều chê cười. Lúc già về nhà, dựng miếu thờ tổ tiên, có mấy người ghé vào ngủ đêm ở đó. Sáng ra, thấy trong miếu có một tấm biển đề “Nguyên lão ba triều” và một đôi câu đối viết "Một hai ba bốn năm sáu bảy, Hiếu đễ trung tín lễ nghĩa liêm", không biết treo lúc nào, lấy làm lạ nhưng không hiểu ý nghĩa. Có người đoán rằng "Vế đầu ngầm ý là Vương Bát. vế sau ngầm nói là vô sỉ"*, có lẽ đúng thế.
* Vế đầu vô sĩ: Ở đây có chỗ chơi chữ, vì vế đầu chỉ đếm tới số bảy, vế sau còn thiếu chữ "sỉ" (Hiếu đễ trung tín lễ nghĩa liêm sỉ). Vương Bát nguyên văn là “vong bát", nhưng trong Hán ngữ chữ "vong" (quên) được coi là đồng âm với chữ "vương" (họ Vương). Người Trung Quốc xưa hay dùng từ Vương Bát với ý nghĩa như quân khốn khiếp.
II.
Quan Kinh lược họ Hồng đánh phương nam khải hoàn, về ngang Kim Lăng, lập đàn tế tướng sĩ chết trận. Có người môn nhân cũ tới yết kiến, lạy xong xin trình bài văn tế. Hồng vốn ghét văn chương, lấy cớ mắt kém từ chối. Người ấy nói vậy xin cảm phiền cố nghe cho ta được đọc qua một lượt. Rồi rút bài văn tế trong tay áo ra cất giọng sang sảng đọc lớn, thì ra là bài văn của vua Sùng Trinh triều Minh cũ ngự chế tế Kinh lược họ Hồng*. Đọc xong khóc lớn bỏ đi.
*Kinh lược họ Hồng: tức Hồng Thừa Trù, cuối đời vua Sùng Trinh nhà Minh làm Tổng đốc Hà Bắc Liêu Dưong, đánh nhau với quân Thanh ở Tùng Sơn thua trận đầu hàng, sau giúp nhà Thanh đàn áp phong trào phản Thanh phục Minh, làm tới chức Vũ Anh điện Đại học sĩ của triểu Thanh. Sau trận Tùng Sơn có lời ngoa truyền Hồng đã tử trận nên vua Sùng Trinh đích thân làm bài văn tế Hồng.
189. Ánh Sáng Nửa Khuya
(Dạ Minh)
Có người khách buôn đi buôn ở Nam Hải, nửa đêm trong thuyền chợt sáng rực, trở dậy xem thì thấy có một con vật to lớn, nửa người nhô lên khỏi mặt nước sừng sững như núi, mắt như hai vầng dương mới mọc, ánh sáng soi khắp bốn phía, cả một vùng rộng lớn sáng như ban ngày. Y hoảng sợ hỏi nhà thuyền, không ai biết là gì, đều nằm rạp xuống nhìn trộm. Giây lát con vật ấy từ từ lặn xuống nước. Về sau y tới Mân Trung (vùng Phúc Kiến) người ở đó nói đêm ấy trời chợt sáng bừng rồi tối lại ai cũng cho là lạ lùng, tính lại thì đúng vào đêm y thấy sự quái lạ trên thuyền.
190. Tiếng Chim
(Điểu Ngữ)
Ở Trung Châu có đạo sĩ đi xin ăn trong làng xóm, ăn no rồi nghe tiếng quạ kêu, bèn nói với chủ nhân coi chừng cháy nhà. Chủ nhân hỏi duyên do, đáp “Chim vừa nói Cháy nhà khó cứu, sợ lắm!”. Mọi người đều cười, không ai đề phòng. Hôm sau, quả nhiên bị cháy, lan ra luôn mấy nhà, mới phục ông ta là thần. Có người hiếu sự theo hỏi, gọi ông ta là tiên. Đạo sĩ nói "Ta bất quá là nghe hiểu được tiếng chim thôi, đâu phải là tiên”. Lúc ấy có con chim sẻ kêu trên cây, mọi người hỏi nó nói gì, đạo sĩ đáp "Chim sẻ nói: Mừng sáu nuôi mừng sáu nuôi, mười bốn mười sáu thì chôn. Chắc là nhà nào có con sinh đôi, hôm nay là mùng mười, không quá năm sáu ngày nữa thì đều chết". Hỏi ra quả có hai đứa bé tự nhiên mà chết, ngày tháng đều đúng. Quan huyện nghe chuyện lạ, gọi đạo sĩ tới, đãi làm khách.
Gặp lúc có bầy vịt đi ngang sân, quan hỏi chúng nói gì, đạo sĩ đáp "Nội thất của minh công ắt đang có chuyện tranh cãi, vịt nói Bãi bãi, hỏi ông ta, hỏi ông ta". Quan huyện rất phục, đại khái vì thê thiếp cãi nhau, ông ta bực mình nên bỏ ra ngoài. Một hôm khác đang ngồi, bầy vịt lại đi ngang, quan huyện lại hỏi. Đạo sĩ đáp "Lời nói hôm nay khác với hôm trước, đại khái là chuyện minh công đang tính toán thôi". Hỏi tính toán chuyện gì, đáp “Chúng nói Sáp một trăm tám, tiền một ngàn tám”. Quan huyện thẹn, ngờ là đạo sĩ nói mỉa, đạo sĩ xin đi, quan huyện không cho. Qua mấy ngày, quan huyện tiếp khách chợt nghe tiếng chim cuốc kêu, khách hỏi, đạo sĩ đáp "Nó nói là Bãi quan về bãi quan về". Mọi người đều ngạc nhiên biến sắc, quan huyện cả giận, đuổi đạo sĩ đi. Không bao lâu, quả nhiên việc quan huyện ăn hối lộ bị phát giác. Than ôi, vị tiên kia đã răn trước rồi, mà tiếc cho người tham lam không chịu tỉnh ngộ!
Tục đất Tế (tỉnh Sơn Đông) gọi ve là “Sảo thiên", loại màu xanh là "Đô liễu”.Trong huyện ta có hai cha con, cùng là học trò hạng thanh xã* đi khảo khóa hàng năm. Chợt có con ve bay tới đậu vào áo, người cha mừng nói "Sảo thiên là điềm tốt". Một đứa nhỏ thấy thế cãi "Sảo thiên đâu mà sảo thiên, đô liễu đấy". Hai cha con không vui, kế quả nhiên đều thi rớt, bị truất về làm dân**.
* Hạng thanh xã: Học chính toàn thư chép thời Thanh có lệ khảo khóa học trò hàng năm, chia làm sáu hạng mà thăng giáng, hạng thứ năm và thứ sáu gọi là thanh và xã, nếu lại thi rớt sẽ bị truất làm dân.
** Quả nhiên... làm dân: ở đây có chỗ chơi chữ. “Sảo thiên” nghĩa đen là hơi khác đi, nên người cha mới mừng, cho là điềm thi đỗ, sẽ được lên hạng, nhưng “Đô liễu” nghĩa đen là đều thôi rồi, đây ý nói đó là điềm báo cả hai cha con cùng bị truất.