Anh Mỗ ở Sơn Đông sống bằng nghề diễn trò rắn, dạy được hai con rất thuần, đều màu xanh. Con lớn thì đặt tên là Đại Thanh, còn nhỏ gọi là Nhị Thanh. Con Nhị Thanh trên đầu có một cái chấm đỏ, đặc biệt khôn ngoan, lúc diễn trò bảo gì là làm nấy, người diễn trò rắn yêu quý khác hẳn với những con khác. Một năm nọ con Đại Thanh chết, y định tìm con khác thay nhưng chưa gặp dịp rảnh rỗi. Một đêm trọ lại ở chùa trong núi, sáng ra mở giỏ thì con Nhị Thanh cũng đâu mất, y lo buồn muốn chết, tìm tòi kêu gọi mà không thấy tăm hơi, lùm cây bụi cỏ nào cũng sục vào tìm, nghĩ rằng trước nay nó luôn trở về, vì vậy cứ ngồi đợi nó tự về. Mặt trời đã lên cao, cũng đã tuyệt vọng, bèn thất thểu lên đường. Đi được vài bước, nghe trong bụi cây có tiếng sột soạt, ngạc nhiên quay lại nhìn, thì thấy con Nhị Thanh bò tới. Y mừng như bắt được ngọc báu, đứng lại ở bên đường đợi, con rắn cũng dừng lại. Nhìn về phía sau thì thấy một con rắn nhỏ đi theo nó, bèn vỗ về nói “Ta cứ tưởng ngươi đi luôn rồi. Bạn nhỏ này là ngươi dắt về phải không?”. Bèn lấy thức ăn ra cho ăn, cho cả con rắn nhỏ ăn nữa, con rắn nhỏ tuy không bỏ đi nhưng có có vẻ sợ sệt không dám ăn. Nhị Thanh ngậm thức ăn cho nó, dáng như chủ nhà mời khách. Người nuôi rắn cũng đút cho, nó bèn ăn. Ăn xong nó theo Nhị Thanh chui vào giỏ, y vác về, dạy cho làm trò. Dần dà nó cũng vào khuôn phép không khác gì Nhị Thanh, y đặt tên là Tiểu Thanh, mang đi diễn trò khắp nơi, thu được rất nhiều tiền.
Đại để những người diễn trò rắn chỉ dùng những con dài hai thước là thôi, dài hơn thì quá nặng phải thay bằng con khác, nhưng vì con Nhị Thanh quá hay nên y chưa bỏ. Hai ba năm sau, nó đã dài hơn ba thước, nằm chật cả cái giỏ, y bèn quyết thả nó đi. Một hôm, đi tới Đông Sơn ở huyện Truy, bèn cho nó ăn thức ăn ngon, khấn thầm rồi thả ra. Nó đi rồi nhưng giây lát lại quay lại, cứ ngoằn ngòeo bò quanh cái giỏ. Người diễn trò rắn xua tay nói “Đi đi thôi, trên đời không có tiệc vui trăm năm không tan, từ nay ngươi náu thân nơi hang lớn, ắt sẽ thành thần long, đâu có thể ở trong giỏ được?". Rắn bèn đi, y đưa mắt nhìn theo, lại thấy nó quay trở lại, xua cũng không chịu đi, cứ lấy đầu cọ cọ vào cái giỏ, con Tiểu Thanh ở trong cũng quẫy lộn soàn soạt. Y chợt hiểu, nói "Ngươi muốn từ biệt Tiểu Thanh phải không?” Bèn mở giỏ, Tiểu Thanh bò ra, hai con gác đầu thè lưỡi như nói chuyện dặn dò với nhau, rồi cùng bò đi. Y đang nghĩ rằng chắc con Tiểu Thanh cũng không về, thì thấy nó lặng lẽ trở lại một mình bò vào nằm trong giỏ.
Từ đó theo hoàn cảnh mà tìm, nhưng không được con nào ưng ý, mà con Tiểu Thanh cũng lớn dần, không thể diễn trò được nữa. Về sau được một con cũng hơi thuần nhưng không bằng con Tiểu Thanh, mà con Tiểu Thanh đã to bằng cánh tay đứa trẻ con rồi. Trước là con Nhị Thanh ở trong núi, những người đốn củi thường trông thấy, vài năm sau lại dài thêm mấy thước to bằng cái tô, thường hay ra đuổi người, nên người đi đường e dè ít dám qua lại nơi ấy. Một hôm người diễn trò đi ngang, con rắn lao ra như gió, y hoảng sợ bỏ chạy, rắn đuổi theo càng gấp, quay lại thì thấy nó đã gần sát tới nơi rồi. Nhìn thấy chấm đỏ trên đầu mới nhận ra là con Nhị Thanh, bèn buông giỏ xuống kêu “Nhị Thanh, Nhị Thanh!". Rắn dừng lại, ngẩng đầu nhìn một lúc rồi phóng tới quấn lấy y như lúc còn diễn trò ngày trước. Y biết nó không có ý hại mình, nhưng nó quá to nặng, y đứng không vững ngã lăn xuống đất kêu lên, nó bèn buông ra. Lại lấy đầu cọ cọ vào cái giỏ, y hiểu ý, mở giỏ thả Tiểu Thanh ra. Hai con rắn gặp nhau quấn chặt lấy nhau một lúc lâu mới rời. Người nuôi rắn bèn nói với Tiểu Thanh "Ta đã muốn thả ngươi từ lâu, nay thế là có bạn rồi đấy", rồi nói với Nhị Thanh “Nguyên là ngươi dắt nó về, nay cứ dẫn nó đi. Nhưng dặn các ngươi một câu, là núi sâu chẳng thiếu cái ăn, đừng ra quấy nhiễu người đi đường mà phạm tội với trời”. Hai con rắn cúi đầu như hứa vâng lời rồi cất mình đi, con lớn trước con nhỏ sau, qua khỏi rừng cây là nơi chia tay, người diễn trò rắn đứng nhìn theo cho đến khi chúng khuất dạng mới rời đi. Từ đó người qua lại trên đường lại được yên ổn, không rõ chúng đi đâu.
Dị Sử thị nói: Rắn là một loài vật ngu xuẫn mà có ý quyến luyến người xưa, lại còn có thể theo sự dạy bảo, như là đủ cả trí khôn. Chỉ quái lạ cho những kẻ rõ ràng là người, mà đi với bằng hữu mười năm ân nhân mấy đời lại nghĩ tới chuyện quăng xuống giếng, ném đá lên, nếu không như thế thì lúc đau ốm cần thuốc thang lại nghênh ngang không đoái hoài gì tới mà còn giận dữ thù hằn, cũng thẹn với rắn kia lắm vậy. 246. Thần Mưa Đá
(Bộc Thần)
Ông Vương Quân Thương đi nhậm chức ở Sở Trung (tỉnh Hồ Nam), định lên núi Long Hổ để làm lễ ở đền Thiên sư*. Tới hồ, vừa lên thuyền, lập tức có một người đi chiếc thuyền nhỏ tới, sai người trong thuyền báo xin gặp. Ông nhìn thấy người ấy tướng mạo khôi vĩ, rút trong bọc ra một tấm bài lệnh của Thiên sư nói "Thiên sư nghe nói ông sắp tới thăm, sai ta mang cung nỏ đi trước dẹp đường". Ông ngạc nhiên về việc biết trước chuyện chưa xảy ra, càng cho là thần kỳ, bèn thành tâm lên núi, Thiên sư bày tiệc khoản đãi. Những kẻ phục dịch thì áo mão râu tóc phần lớn khác với người thường, người xuống đón ông thì đứng hầu một bên. Giây lát, người ấy nói nhỏ với Thiên sư, Thiên sư nói với ông rằng "Đây là người cùng quê với tiên sinh, tiên sinh không nhận ra sao?". Ông hỏi là ai, Thiên sư đáp "Đây là người mà thế nhân vẫn gọi là Bộc thần (thần làm mưa đá) Lý Tả Xa đấy". Ông ngạc nhiên đổi cả sắc mặt. Thiên sư nói “Vừa được chỉ của Thượng đế sai đi làm mưa đá, nên xin chào ông đấy".
*Thiên Sư: tức Trương Đạo Lăng thời Hán, được Đạo giáo tôn làm Thiên sư, con cháu ông về sau cũng được tôn là Thiên sư.
Ông hỏi làm mưa đá ở đâu, người ấy đáp “Ở huyện Chương Khâu (tỉnh Sơn Đông)”. Ông thấy đất ấy sát nơi mình trấn nhậm, bèn rời ghế đứng dậy xin tha cho. Thiên sư nói “Đây là sắc lệnh của Thượng đế, mưa đá có số mục cả, làm sao tha miễn gì được". Ông nài nỉ không thôi, Thiên sư cúi đầu ngẫm nghĩ hồi lâu rồi quay dặn người ấy rằng "Cứ làm mưa đá ở nơi rừng núi, đừng để thiệt hại hoa màu của dân là được", lại nói “Khách quý đang ngồi đây, lên đường dùng văn không được dùng võ”. Vị thần bước đi, ra tới giữa sân chợt dưới chân sinh mây, hơi mù nghi ngút cuốn trên đất. Khoảng một khắc sau hết sức nhảy lên, mới chỉ cao hơn cây cối ở sân, lại nhảy lên, cao hơn lầu gác, ầm một tiếng sét nổ, bay luôn về phía bắc, nhà cửa lung lay, mâm bát xô lệch. Ông kinh hãi hỏi "Cứ thần ra đi là làm sấm sét à?". Thiên sư đáp "Vừa dặn trước nên y mới đi từ từ, nếu không thì đất bằng chợt dậy sét, đi luôn ngay rồi đấy”. Ông cáo biệt về, ghi lại ngày tháng, sai người qua Chương Khâu hỏi, quả hôm ấy có mưa đá rất lớn, đầy cả suối khe, nhưng hoa màu ngoài ruộng chỉ hư hại một ít.
247. Tội Nghiệt Nhà Sư
(Tăng Nghiệt)
Trương sinh chết bất ngờ, hồn đi theo quỷ sứ tới gặp Diêm Vương. Diêm Vương tra lại sổ, thấy quỷ sứ bắt lầm bèn nổi giận trách mắng, bắt phải đưa về. Trương xuống khỏi điện, xin riêng với quỷ sứ cho được đi xem địa ngục, quỷ dắt đi khắp nơi ngục Cửu U, núi kiếm vạc dầu cho xem, tới đâu cũng giải thích tường tận. Sau cùng tới một chỗ, thấy có nhà sư bị buộc vào đùi treo ngược lên, đau đớn kêu gào muốn đứt hơi, tới gần nhìn thì ra là anh mình. Trương hoảng sợ, hỏi vì tội gì mà đến nông nổi này, quỷ sứ đáp "Người này làm sư, đi khuyến hóa tiền bạc các nơi lại đem đánh bạc chơi đĩ ráo cả, nên phạt như thế. Muốn thoát tai ách phải sám hối thôi". Trương được sống lại, nghĩ là anh mình đã chết. Lúc ấy người anh tu ở chùa Hưng Phúc, bèn tìm tới xem. Vào tới cổng đã nghe tiếng anh đau đớn kêu la, vào tới phòng thì thấy trên đùi nổi mụn nhọt to vỡ ra, máu chảy dầm dề, đang nằm buộc chân treo lên vách, từa tựa như cảnh mình đã thấy bị treo ngược dưới âm phủ vậy. Sinh hoảng sợ hỏi, người anh làm sư đáp "Treo lên còn đỡ, nếu không thì đau thấu tim gan". Trương nhân đó thuật lại chuyện mình mắt thấy tai nghe, nhà sư cả sợ, bỏ hết rượu chè, kính cẩn tụng kinh, được nửa tháng thì khỏi, sau trở thành một nhà sư thanh tu.
Dị Sử thị nói : Âm phủ xa xôi, kẻ ác cứ lấy đó để tự trấn an, mà không biết cái họa sờ sờ chính là sự trừng phạt của cõi u minh, có thể không cẩn thận sao!
248. Ba Kiếp
(Tam Sinh)
Hiếu liêm họ Lưu nhớ được chuyện kiếp trước, là bạn đồng khoa với tiên huynh là Văn Phấn công, thường kể lại rất rõ ràng. Một kiếp ông là con nhà sĩ hoạn nhưng làm nhiều điều xấu xa, chết năm sáu mươi hai tuổi. Lúc ông vừa vào gặp, được Diêm Vương tiếp đãi theo lễ đối với người lớn tuổi, cho ngồi, mời uống trà. Nhìn thấy nước trà trong veo, tới giữa chén lại đục như keo, ông thầm nghi là thuốc lú, nhưng làm sao từ chối không uống được? Bèn nhân lúc Diêm Vương ngoảnh qua chỗ khác, lén đổ xuống góc bàn rồi làm như đã uống cạn. Lát sau bản tội lỗi kiếp trước của ông được kê ra, Diêm Vương nổi giận, sai quỷ sứ lôi xuống, phạt đầu thai làm ngựa, liền bị quỷ sứ trói lại dẫn di.
Tới một nhà nọ, bậc cửa rất cao không leo qua được, ông đang loay hoay, quỷ đã ra sức đánh mạnh, ông đau quá nhảy luôn lên, nhìn lại thì thấy mình đã đứng trong chuồng ngựa. Nghe tiếng người nói “ngựa đen sinh được ngựa đực con", biết rằng mình đã đầu thai làm ngựa, nhưng không sao nói được. Thấy đói quá, bất đắc dĩ phải tới bú ngựa mẹ. Được bốn năm năm thì trở nên to lớn nhưng rất sợ bị đánh đập, thấy roi là chạy. Người chủ cưỡi bao giờ cũng bỏ đinh thúc ngựa nên không khổ lắm, nhưng tên mã phu thì cứ siết chặt đai da mà cưỡi, hai gót cùng thúc, đau không chịu nổi. Vì thế ông uất ức, bỏ ăn ba ngày rồi chết.
Xuống tới âm phủ, Diêm Vương tra sổ thấy ông chưa hết hạn bị đày, trách phạt về tội trốn tránh, lột hết da, bắt làm chó. Ông buồn bã không muốn đi, lũ quỷ xúm lại đánh túi bụi, đau quá chạy tuông ra đồng, tự nghĩ thà chết còn hơn, phẫn uất nhảy xuống vực sâu, không sao lên được. Nhìn lại thì thấy mình đã nằm trong ổ chó, đang dược chó mẹ liếm láp, biết là đã đầu thai rồi. Lúc hơi lớn thấy phân người biết là nhơ bẩn, có điều ngửi thì thấy thơm, nhưng quyết không ăn. Được hơn một năm, uất ức muốn chết nhưng lại sợ bị trách phạt về tội trốn tránh, chủ lại cho ăn cơm mà không làm thịt. ông bèn cắn vào bắp chân chủ rứt đứt cả thịt ra, bị chủ tức giận đập chết.
Diêm Vương tra hỏi biết chuyện, giận tội cắn bậy, đánh cho ông mấy trăm gậy, đày làm rắn, nhốt vào hầm tối không cho nhìn thấy mặt trời. Ông rất buồn bã, bám vách leo lên trổ hầm chui ra, nhìn lại thì thấy mình đã nằm giữa đám cỏ, biến thành rắn rồi. Bèn quyết chí không giết các sinh vật, đói thì ăn trái cây. Được hơn năm, vẫn nghĩ rằng tự tử thì không được, cắn người để bị giết cũng không được, muốn tìm một cái chết yên lành nhưng chưa có dịp. Một hôm nằm trong đám cỏ, nghe tiếng xe chạy, bèn bò ra nằm giữa đường, bị cán đứt làm hai khúc. Diêm Vương ngạc nhiên vì thấy trở lại mau quá, ông kể lại mọi chuyện. Diêm Vương cho rằng vô tội mà chết nên tha, cho được hết hạn, được trở lại làm người, đó là ông Lưu. Lưu sinh ra đã biết nói, kinh sử đọc qua là thuộc lòng, đỗ Hiếu liêm năm Tân dậu, thường khuyên người ta là cưỡi ngựa nên nới lỏng dây cương, bỏ đinh thúc ngựa, thì còn hơn cả roi vọt.
Dị Sử thị nói: Trong đám thú vật có kẻ là bậc vương công đại nhân, xem đó đủ biết trong những bậc vương công đại nhân cũng chưa chắc là không có thú vật. Cho nên kẻ hèn làm điều lành thì như muốn có hoa mà trồng cây, kẻ sang làm điều lành thì như đã có hoa mà vun gốc. Trồng thì cây lớn, vun thì cây vững. Nếu không, thì phải kéo xe muối, bị thắng cương, làm thân ngựa, không thì phải ăn cứt đái, bị giết thịt, làm thân chó, không thì cũng phải thân mọc vẩy, bị ưng bắt, làm thân rắn.
249. Chàng Cảnh Thứ Mười Tám (Cảnh Thập Bát)
Chàng Cảnh thứ mười tám người huyện Tân Thành (tỉnh Sơn Đông) bị bệnh nặng, biết không sống được, nói với vợ rằng "Sắp vĩnh biệt nhau rồi. Sau khi ta chết, thủ tiết hay lấy chồng khác đều tùy nàng, nhưng xin cứ nói rõ”. Vợ im lặng không đáp, Cảnh cứ hỏi riết, lại nói “Thủ tiết thì tốt, lấy chồng khác là thường tình, cứ nói rõ có gì phải ngại? Ta sắp cùng nàng vĩnh biệt, nàng mà thủ tiết thì ta được an ủi, nàng mà lấy chồng khác thì ta cũng dứt được tình!”. Vợ rầu rĩ nói "Nhà không có đấu thóc thừa, chàng còn sống đã không đủ ăn, lấy gì mà thủ tiết”. Cảnh nghe thấy chụp lấy vai vợ, uất ức nói "Nhẫn tâm quá!”, dứt lời thì chết, tay vẫn nắm cứng vai vợ không buông. Vợ kêu ầm lên, người nhà đổ tới, phải hai người bẻ ngón tay, ra sức giật mạnh mới gỡ ra được. Cảnh không biết là mình đã chết, ra khỏi cửa thấy có hơn mười chiếc xe nhỏ, mỗi chiếc có mười người, đều có danh sách dán trên thùng xe. Người đánh xe thấy Cảnh, giục lên xe mau. Cảnh thấy trên xe đã có chín người, mình là người thứ mười, lại nhìn tới danh sách thì thấy tên mình ở cuối cùng.
Xe chạy rầm rập, tiếng bánh xe khua vang chẳng nghe thấy gì khác, cũng chẳng biết là đi đâu. Lát sau tới một chỗ, nghe tiếng người nói rằng “Đây là đất Nhớ quê”. Cảnh nghe thấy lấy làm ngờ, lại nghe đám đánh xe nói với nhau rằng "Hôm nay chém ba người", lại càng hoảng sợ. Đến khi nghe họ trò chuyện, đều là chuyện dưới âm phủ, mới sực nghĩ ra "Chẳng lẽ mình đã thành ma rồi sao?” Nhớ lại gia đình chẳng thấy luyến tiếc gì, duy còn mẹ già tuổi đã cao, vợ đi lấy chồng khác sẽ không có người săn sóc, nghĩ tới đó bất giác nước mắt vòng quanh. Đi một lúc nữa, thấy có đài cao mấy nhận, rất nhiều người lên xuống, kẻ bị gông người bị xiềng, kêu khóc rầm rĩ, nghe người ta nói là đài Nhìn quê. Mọi người tới đó đều nhao nhao nhảy xuống xe, người đánh xe hoặc đánh đập hoặc giữ lại, chỉ tới Cảnh thì giục lên dài. Cảnh đi hơn mười bước thì tới tầng trên cùng, nghểnh đầu nhìn thấy rõ cả nhà cửa cổng nẻo, nhưng phòng ốc như bị mây mù che kín, ngậm ngùi khôn xiết.
Ngoảnh nhìn bốn phía, thấy có một người mặc áo ngắn màu xanh kề vai cùng đứng. Người ấy hỏi tên họ Cảnh, Cảnh nói rõ, người ấy cũng tự xưng là thợ mộc ở Đông Hải. Thấy Cảnh buồn rầu, hỏi có chuyện gì, Cảnh lại nói rõ, người ấy bàn với Cảnh xuống đài bỏ trốn. Cảnh sợ bị đuổi bắt, người ấy nói không sao, Cảnh lại sợ đài cao xuống không được, người ấy nói cứ theo mình, rồi nhảy xuống trước. Cảnh cũng nhảy theo, tới đất không hề hấn gì, mừng là không có ai biết. Nhìn thấy chiếc xe vẫn còn ở dưới đài, hai người vội bỏ chạy. Được mấy chặng, chợt nghĩ rằng tên họ vẫn còn trong danh sách dán trên xe, sợ bị đuổi theo bèn quay trở lại, nhấm nước bọt vào tay xóa tên mình, rồi lại bỏ chạy, thở không ra hơi vẫn không dám dừng chân.
Một lúc sau về tới cổng, người ấy đưa Cảnh vào phòng, chợt thấy xác mình, Cảnh bèn nhập vào sống lại. Thấy mệt mỏi khát nước, bèn gọi lấy nước, người nhà hoảng sợ đưa nước tới. Cảnh uống hơn một thạch rồi ngồi dậy chắp tay như lạy tạ, kế đó lại ra cửa như tiễn khách rồi trở vào nằm vật xuống không động đậy. Người nhà thấy hành động kỳ quái, ngờ là không phải sống lại thật, nhưng nhìn kỹ thấy không có gì khác lạ, bèn tới gần hỏi han, Cảnh mới thuật lại rõ ràng mọi chuyện. Người nhà hỏi ra cửa làm gì, Cảnh đáp "Chào người thợ mộc". Lại hỏi sao uống nước nhiều thế, Cảnh đáp "Ban đầu là uống cho ta, kế là uống cho người thợ mộc". Người nhà đổ cháo cho ăn, mấy ngày thì khỏi, từ đó rất ghét vợ, không bao giờ ngủ chung.