Trần sinh tên Bật Giáo, tự Minh Doãn là người đất Yên (tỉnh Hà Bắc). Nhà nghèo, theo Phó tướng quân Giả Quán làm chức Ký thất, đậu thuyền trên hồ Động Đình, có con thuồng luồng nổi lên mặt nước bị Giả bắn trúng lưng. Có con cá ngậm đuôi thuồng luồng không nhả ra cũng bị bắt, kéo lên thuyền chỉ còn thoi thóp, nhưng con thuồng luồng cứ há miệng ngáp như xin cứu. Sinh động lòng trắc ẩn xin Giả tha ra, sẵn trong túi có thuốc trị thương bèn đùa lấy buộc vào vết thương rồi thả xuống nước, nó lặn hụp giây lát rồi mất tăm. Hơn năm sau sinh về bắc lại qua hồ Động Đình, bị gió lớn lật thuyền, may vớ được một cái ống tre, vật vờ cả đêm mới vướng gốc cây dừng lại, sinh bèn leo lên bờ. Có xác chết trôi theo dạt vào, nhìn xem té ra là đứa tiểu đồng, cố sức kéo lên thì đã chết cứng. Sinh đau xót buồn bã ngồi cạnh cái xác nghỉ mệt, chỉ thấy thấy núi con chồng biếc, liễu nhỏ vờn xanh, chẳng có ai qua lại mà hỏi thăm đường sá.
Từ sáng sớm đến quá giờ Thìn buồn rầu không biết đi đâu, chợt thấy xác đứa tiểu đồng khẽ động đậy, mừng rỡ vỗ gọi, giây lát nó nôn ra mấy đấu nước rồi tỉnh lại. Liền cùng nhau phơi quần áo trên tảng đá, gần trưa thì khô mặc lại được, nhưng trong bụng cồn cào đói không chịu nổi. Bèn dắt nhau vượt mau qua núi mong gặp xóm làng, vừa lên tới lưng núi thì nghe tiếng lục lạc đang lắng tai nghe thì thấy hai thiếu nữ cưỡi ngựa phóng tới vó ngựa khua ran, đều đội khăn hồng bịt trán, búi tóc cắm lông trĩ, mặc áo tía chít tay, thắt lưng gấm xanh, vai mang cung tên. Qua khỏi đỉnh núi thấy mấy mươi kỵ mã đang săn bắn trong đám gai góc, đều là mỹ nữ, ăn mặc như nhau. Sinh không dám đi nữa, chợt có một người đàn ông đi bộ tới, thấy như lính chăn ngựa bèn ra hỏi thăm. Người ấy đáp "Đó là công chúa Tây Hồ lên Thủ Sơn săn bắn”. Sinh kể lại chuyện mình, nói cả việc đang đói, người lính mở túi lấy gói cơm đưa cho rồi dặn "Nên tránh cho xa, phạm giá là chết đấy”.
Sinh sợ hãi vội rảo bước xuống núi, thấy trong đám rừng rậm thấp thoáng có điện gác, cho là chùa chiền, tới gần xem thì thấy tường quét vôi trắng ngoài có khe suối chảy qua, cổng son mở hờ trong có cầu đá đi vào. Sinh vịn cánh cửa nhìn vào thấy đài tạ san sát như vườn Thượng uyển trong cung vua, lại ngờ là vườn nhà quan. Dò dẫm lần vào, thấy dây mây bò ngang, đá lạ chắn lối, mùi hoa thơm ngát. Qua mấy thỗ rẽ lại là một nơi viện gác khác, có vài mươi cây dương liễu cao chạm hiên nhà, chim núi kêu một tiếng thì hoa liễu cùng bay, gió vườn thổi thoáng qua thì lá cây tự rụng, cành vật đẹp mắt thỏa lòng khác hẳn cõi trần. Đi xuyên qua tiểu đình tới một giá đu cao tận mây xanh, nhưng dây buộc đong đưa, vắng vẻ không có ai nên ngờ là gần nơi khuê các, e ngại không dám vào nữa. Chợt nghe tiếng ngựa hí ran ngoài cổng rồi như có tiếng con gái cưỡi nói, sinh và tiểu đồng vội núp vào khóm hoa dày.
Không bao lâu tiếng cười nói tới gần, nghe một nàng nói "Hôm nay đi săn không may, chẳng săn được bao nhiêu”, lại một nàng nói "Nếu không có công chúa bắn rơi một con nhạn thì hôm nay chỉ hao tốn sức người sức ngựa vô ích". Giây lát có mấy nàng áo đỏ đỡ một nữ lang lên ngồi trong tiểu đình, mặc nhung phục chít tay, tuổi khoảng mười bốn mười lăm, tóc mượt lồng mây, lưng thon đảo gió, nhụy ngọc hoa vàng cũng không ví được. Bọn tỳ nữ dâng trà đốt hương, khói cuốn như gấm chất. Giây lát cô gái đứng lên bước xuống thềm, một tỳ nữ nói "Công chúa cưỡi ngựa mệt nhưng còn chơi du được không?", công chúa cười gật đầu, liền có kẻ đỡ vai người xốc nách, kẻ xắn quần người cầm giày đỡ nàng lên đu. Công chúa duỗi hai cánh tay trắng như ngọc nắm dây đu, nhún chân trần nhẹ nhàng như chim én lên tới mây xanh. Kế bọn tỳ nữ lại đỡ nàng xuống, cùng nói "Công chúa thật là nàng tiên", rồi cười nói râm ran đi về.
Sinh nhìn trộm hồi lâu, thần hồn điên đảo, chờ lúc tiếng cười nói đã tắt hẳn bèn bước tới dưới chiếc đu bồi hồi tơ tưởng, chợt thấy cạnh rào có chiếc khăn đỏ, biết là của người đẹp làm rơi mừng rỡ nhặt lấy cho vào tay áo. Bước lên tiểu đình thấy trên bàn có bút mục bèn đề một bài thơ vào khăn rằng "Nhã hý hà nhân nghĩ bán tiên, Phân minh Quỳnh nữ tán kim liên. Quảng Hàn đôi lý ưng tương đố, Mạc tín lăng ba tiện thượng thiên” (Trên đu mỹ lệ tựa tiên nga, Quỳnh nữ Dao đài giỡn rắc hoa, Nguyệt điện Hằng Nga ghen sắc đẹp, Đừng tin gót ngọc tới trời xa). Đề xong ngâm nga rồi đi ra, quay lại lối cũ thì mấy lớp cửa đã đóng chặt. Sinh ngần ngừ không biết tính sao bèn trở vào dạo xem gần hết các nơi lầu gác. Chợt một cô gái tới, ngạc nhiên hỏi sao vào được đây, sinh vái chào nói "Ta là kẻ lạc đường, xin ra ơn cứu cho”. Nàng hỏi có nhặt được chiếc khăn đỏ không, sinh đáp "Thưa có, nhưng đã bôi bẩn vào rồi, làm sao bây giờ?", rồi đưa chiếc khăn ra. Cô gái cả kinh nói "Ngươi chết không có đất chôn rồi. Khăn này là đồ ngự dụng của công chúa, bôi lem luốc vào thế này thì làm sao!". Sinh tái mặt năn nỉ cứu giúp cho, cô gái nói “Cái tội lén vào cung cấm dòm dỏ đã không tha được rồi, ta thấy ngươi là học trò nho nhã cũng có ý chu toàn cho, giờ lại tự gây tai vạ thì ta làm sao giúp nổi", rồi cuống quýt cầm chiếc khăn chạy đi.
Sinh lo sợ nơm nớp, hận là không có cánh mà bay đi, chỉ còn cách vươn cổ chờ chết. Hồi lâu cô gái trở lại khẽ chúc mừng nói "Chàng có cơ được sống rồi. Công chúa xem đi xem lại chiếc khăn mấy lần, không hề tỏ vẻ tức giận, có khi sẽ tha cho chàng đi. Cứ chịu khó chờ ở đây, đừng có vịn cây leo tường nhìn ngó gì, nếu bị bắt gặp sẽ không được tha đâu”. Trời đã xế chiều, lành dữ ra sao sinh không đoán chắc được, mà lửa đói thiêu đốt trong bụng thấy như sắp chết. Không bao lâu cô gái cầm đèn đi tới, có một tỳ nữ bưng hộp thức ăn và bầu rượu dọn ra cho sinh ăn. Sinh vội hỏi tin tức, nàng hỏi "Vừa rồi ta thừa dịp thưa chàng Tú tài trong vườn thả được thì thả, nếu không người ta sẽ chết đói. Công chúa ngẫm nghĩ rồi nói "Đêm hôm khuya khoắt bảo người ta đi đâu”, rồi sai đem cơm ra cho chàng ăn, thế thì không phải là điềm dữ". Sinh suốt đêm nơm nớp không sao yên tâm, đến hết giờ Thìn cô gái lại đem cơm ra cho ăn. Sinh năn nỉ nhờ xin giùm, nàng nói "Công chúa không nói giết cũng không nói tha, ta là kẻ hầu hạ đâu dám thưa gởi lằng nhằng”.
Kế mặt trời ngã về tây, sinh vẫn chờ đợi không thôi, chợt cô gái thở hổn hển chạy tới nói "Chết rồi, có người lắm lời đã nói cho vương phi biết, vương phi mở chiếc khăn xem rồi ném xuống đất, mắng ầm lên là ngông cuồng, tai họa không còn xa đâu”. Sinh cả kinh, mặt không còn sắc máu, quỳ rạp xuống đất van xin. Chợt nghe tiếng người nhao nhao kéo tới, cô gái phẩy tay tránh đi, liền có mấy người cầm dây ào ào kéo vào. Trong bọn có một tỳ nữ nhìn kỹ sinh rồi nói “Tưởng ai, té ra là Trần lang!", rồi ngăn những người cầm dây lại, nói “Hãy khoan, hãy khoan, đợi ta bẩm với vương phi đã!!. Rồi quay người chạy mau đi, giây lát trở lại nói "Vương phi mời Trần lang vào" sinh run rẩy đi theo. Qua mấy mươi lần cửa tới một nơi cung điện, rèm ngọc móc vàng, lập tức có mỹ nữ cuốn rèm xướng Trần lang đã tới. Thấy trên điện có một mỹ phụ ngồi, y phục lộng lẫy, sinh quỳ rạp xuống đất dập đầu nói "Thần lẻ loi từ vạn dặm tới đây, xin tha cho mạng sống". Vương phi vội bước tới đích thân kéo sinh đứng lên, nói "Ta không gặp bậc quân tử thì làm gì còn có ngày hôm nay. Bọn tỳ nữ không biết gì, xúc phạm tớì quý khách, biết lấy gì chuộc tội?".
Lập tức sai dọn tiệc, rót rượu bằng chén ngọc, sinh mờ mịt chẳng hiểu vì sao. Vương phi nói "Cái ơn tái tạo vẫn hận không có gì báo đáp, con gái ta được thương yêu đề thơ vào khăn cho, cũng là duyên trời, đêm nay xin sai nó theo hầu hạ". Sinh không ngờ được hơn cả lòng mong mỏi, trong lòng bàng hoàng không sao nói nên lời. Trời vừa tối, một tỳ nữ bước lên nói “Công chúa đã trang điểm xong đang chờ", rồi dẫn sinh vào trướng. Chợt nghe đàn sáo trỗi inh ỏi, dưới thềm đều rắc hoa giấy, từ nhà ngoài tới phòng trong đều treo đèn lồng, có vài mươi mỹ nữ đỡ công chúa ra làm lễ giao bái, mùi lan xạ sực nức. Kế hai người dắt nhau vào màn tình tự ân ái. Sinh hỏi "Kẻ trôi nổi tha phương bình sinh chưa từng bái kiến, bôi bẩn khăn quý được thoát rìu búa là may rồi, lại còn được ban cho mối duyên lành, thật là ngoài lòng mong mỏi". Công chúa nói "Mẹ thiếp là vương phi của Long quân hồ này, cũng là con gái Giang Dương vương, năm ngoái về thăm nhà tình cờ dạo chơi trên hồ bị tên bắn trúng. Đội ơn chàng giải cứu, lại xoa thuốc cho, cả nhà đều cảm kích, lòng hằng không quên. Chàng đừng vì khác loài mà nghi ngại, thiếp theo Long quân đã học được bí quyết trường sinh, xin cùng chàng chung hưởng".
Sinh lúc ấy mới sực hiểu ra nàng là thần nhân, bèn hỏi sao người tỳ nữ kia biết mình, công chúa đáp "Hôm ấy trong thuyền trên hồ Động Đình, chắc thấy một con cá nhỏ ngậm đuôi thuồng luồng, đó là nó đấy". Sinh lại hỏi lúc bắt được mình đã không giết chết sao lại chần chừ không thả đi, nàng cười nói "Thiếp mến tài chàng nhưng không thể tự chủ nên thao thức cả đêm, người ngoài nào có ai hiểu cho?”. Sinh than “Nàng thật là người tri kỷ của ta, còn người đem cơm cho ta là ai?", nàng đáp "Đó là A Niệm, cũng là người tâm phúc của thiếp", Sinh nói "Lấy gì đền ơn cô ta?” công chúa cười nói "Sẽ có ngày nó hầu hạ chàng, lúc ấy lo đền ơn cũng chưa muộn” Sinh hỏi đại vương đang ở đâu, nàng đáp "Cha theo Quan Thánh đánh giặc Xuy Vưu chưa về". Ở đó vài hôm, sinh lo gia đình thấy bặt tin sốt ruột trông ngóng bèn viết thư báo tin bình yên, sai tiểu đồng về trước. Gia đình sinh nghe tin đắm thuyền ở hồ Động Đình, vợ con để tang đã hơn năm, đến khi tiểu đồng về tới mới biết là sinh còn sống. Nhưng tin tức xa xôi cách trở, người nhà rốt lại vẫn e rằng sinh trôi nổi khó lòng trở về.
Nửa năm sau sinh chợt trở về, áo cừu ngựa tốt, trong túi đầy châu báu. Từ đó giàu có cự vạn, hàng ngày yến ẩm ca hát vô cùng xa hoa, các nhà thế gia cũng không bằng được. Trong bảy tám năm sinh được năm con trai, ngày nào cũng mở tiệc mời khách, nhà cửa đồ dùng tiếp đãi vô cùng sang trọng. Có người hỏi tao ngộ thế nào, sinh nói thật cả không giấu diếm gì. Có người bạn chơi từ nhỏ tên Lương Tử Tuấn làm quan ở Giang Nam hơn mười năm mới về qua ngang hồ Động Đình thấy một chiếc thuyền cửa sổ sơn son, bao lơn thếp vàng, trong có tiếng đàn sáo réo rắt, dập dềnh trong khoảng khói sóng, lúc lúc lại có mỹ nhân mở cửa sổ ngắm cảnh. Lương nhìn vào thấy trong thuyền có một thiếu niên nằm gác đầu lên đùi mỹ nhân, bên cạnh có hai nàng trẻ đẹp tuổi chừng đôi tám hầu hạ đấm bóp, nghĩ chắc là một vị quý quan ở vùng Tương Sở (tỉnh Hồ Bắc) nhưng thấy rất ít tùy tùng đi theo, chú mục nhìn kỹ thì ra là Trần Minh Doãn, bất giác bước ra mạn thuyền gọi ầm lên. Sinh nghe gọi bèn sai dừng chèo, bước ra đầu thuyền mời Lương qua. Lương vào thuyền thấy món ăn thừa đầy trên bàn, mùi rượu còn sực nức. Sinh lập tức sai dẹp hết, giây lát có năm ba tỳ nữ xinh đẹp dâng trà mời rượu, các món sơn hào hải vị đều là các thứ chưa từng trông thấy. Lương kinh ngạc hỏi "Mười năm không gặp, sao ông phú quý đến mức này?", sinh cười đáp "ông cho rằng Tú tài nghèo này không phát tích được à?". Lương hỏi người cùng uống rượu vừa rồi là ai, sinh đáp "Đó là người vợ quê mùa của ta”. Lương càng lấy làm lạ, hỏi đem gia quyến đi đâu, sinh đáp đi về miền tây. Lương định hỏi nữa thì sinh vội sai ca hát chuốc rượu. Một lời vừa buông ra thì trống chiêng vang lên điếc tai, trong có tiếng đàn sáo xen vào, không nghe thấy tiếng cười nói trò chuyện nữa.
Lương thấy gái đẹp đầy trước mắt, nhân lúc say lớn tiếng nói "Ông Minh Doãn có cho ta một phen hưởng thú tiêu hồn không?", sinh cười đáp “Túc hạ say rồi, nhưng có món tiền đủ cưới một người thiếp đẹp có thể tặng cho cố nhân". Rồi sai tỳ nữ dâng lên một viên ngọc minh châu, nói "Bấy nhiêu có mua nàng Lục Châu cũng không khó, để ông hiểu cho là ta không keo cú”. Kế từ biệt, nói "Ta đang gấp chút việc nhỏ, không thể cùng cố nhân trò chuyện lâu hơn”, rồi đưa Lương về thuyền, nhổ neo chèo thuyền đi thẳng. Lương về, qua nhà sinh nghe ngóng thì sinh đang uống rượu với khách, càng thêm ngờ vực liền hỏi "Mới hôm trước còn gặp ông trên hồ Động Đình, làm sao mà về mau như thế?" Sinh đáp "Làm gì có chuyện ấy?”. Lương bèn thuật rõ mọi việc đã gặp, cả tiệc đều khiếp sợ, sinh cười nói "Ông lầm rồi, chẳng lẽ ta có thuật phân thân sao?". Mọi người đều lấy làm lạ nhưng nghĩ mãi không sao hiểu nổi. Sau sinh thọ tới tám mươi mốt tuổi thì chết, người nhà tẩn liệm xong ngạc nhiên vì thấy quan tài quá nhẹ, mở ra xem thì chỉ có quan tài trống không mà thôi.
Dị Sử thị nói: Ống trúc không chìm, khăn hồng đề vịnh, bên trong chuyện ấy đều có quỷ thần, mà cũng đều là một lần động lòng trắc ẩn làm cảm động tới trời mà thôi. Tới như cung thất thê thiếp, một mình hưởng sự thù phụng ở hai nơi thì thật không sao hiểu được. Xưa có kẻ mong được vợ hiền thiếp đẹp, con giỏi cháu hiền, lại thêm trường sinh bất tử, sinh đã được một nửa rồi vậy. Chẳng lẽ trong đám người tiên cũng có loại Phần Dương, Quý Luân* sao? *Phần Dương, Quý Luân: Phần Dương tức Quách Tử Nghi thời Đường, có công lớn được phong là Phần Dương quận vương, giàu có quý hiển nổi tiếng một thời. Quý Luân tức Thạch Sùng thời Tấn, được phong là Vệ úy, cực kỳ giàu có, sinh hoạt rất xa xỉ.
135. Ngũ Thu Nguyệt
(Ngũ Thu Nguyệt)
Vương Đỉnh tự Tiên Hồ người đất Tần Bưu (huyện Cao Bưu tỉnh Giang Tô) tính khảng khái, có sức khỏe, giao du rộng. Năm mười tám tuổi vợ chết, mỗi lần đi chơi xa thường cả năm không về. Anh là Nại, danh sĩ đất Giang Bắc, rất thưong yêu em, thường khuyên em không nên đi xa, muốn hỏi vợ cho. Sinh không nghe, thuê thuyền tới Trấn Giang thăm bạn. Bạn đi vắng, nhân thuê một gian gác nơi quán trọ, nhìn thấy sóng nước êm đềm, núi Kim Sơn ngay trước mắt, trong lòng thích lắm. Hôm sau bạn tới mời về nhà mình ở, sinh từ chối không đi. Được hơn nửa tháng, đêm mơ thấy một nữ lang khoảng mười bốn mười lăm tuổi, dung mạo xinh đẹp lên giường cùng ngủ, tỉnh dậy thì thấy di tinh, lấy làm lạ nhưng cũng cho là ngẫu nhiên.
Đến đêm lại mơ thấy như thế, liền ba bốn đêm, trong lòng rất lạ, không dám tắt đèn, tuy nằm im trên giường mà vẫn nơm nớp đề phòng. Vừa chợp mắt đã mơ thấy cô gái lại tới, đang ôm ấp chợt giật mình tỉnh dậy, vội mở mắt nhìn thì thấy một cô gái đẹp tiên vẫn đang trong vòng tay. Cô gái thấy sinh tỉnh, có vẻ thẹn thùng sợ sệt. Sinh tuy biết nàng không phải là người nhưng trong lòng rất thích, không buồn hỏi han, cứ ra sức vần vò. Cô gái như không chịu nổi, nói "Cuồng bạo như thế chẳng lạ gì người ta không dám nói rõ”. Sinh bấy giờ mới hỏi kỹ, nàng đáp "Thiếp họ Ngũ tên Thu Nguyệt. Thân phụ là bậc danh nho, tinh thông Dịch số, rất thương yêu thiếp nhưng thường nói thiếp không thọ nên không hứa gả cho ai cả. Về sau đến năm thiếp mười lăm tuổi quả chết yểu, ông đào huyệt ở phía đông gian gác này mà chôn, không đắp mộ cũng không có bia, chỉ đặt cạnh quan tài một phiến đá đề "Con gái là Thu Nguyệt, chôn không mồ, ba mươi năm sau gả về Vương Đỉnh". Đến nay đã ba mươi năm thì chàng vừa tới, thiếp rất mừng muốn tự ra mắt nhưng còn thẹn thùng nên phải thác vào giấc mộng đó thôi”.
Vương cũng mừng, lại đòi hành sự tiếp, nàng nói "Thiếp cần một ít khí dương để mong sống lại, thật không ngại gì chuyện gỉó mưa ấy. Sau này duyên lành vô hạn, cần gì phải cứ đêm nay” rồi trở dậy ra đi. Đêm sau lại tới, ngồi đối diện cười đùa vui vẻ như quen nhau từ lâu kế tắt đèn lên giường, thấy không khác gì người sống. Có điều khi nàng trở dậy thì tinh khí chảy ra thấm ướt cả chăn nệm. Một đêm trăng sáng vằng vặc, cùng dạo bước trong sân, sinh hỏi cô gái dưới cõi âm có thành quách không, nàng đáp “Cũng như trên trần thôi. Thành phủ dưới cõi âm không ở đây mà cách độ ba bốn dặm, nhưng lấy đêm làm ngày". Sinh hỏi người sống tới xem được không, nàng đáp "Được” .Sinh xin tới xem, nàng bằng lòng, bèn nhân ánh trăng ra đi.
Cô gái nhẹ nhàng đi như gió, Vương cố sức đuổi theo, giây lát tới một nơi, nàng nói không còn xa nữa. Vương nhướng mắt nhìn mà không thấy gì, cô gái lấy nước bọt bôi lên hai mi mắt, sinh mở ra thấy sáng gấp mấy lần lúc bình thường, nhìn cảnh ban đêm mà rõ như ban ngày. Chợt thấy tường thành ẩn hiện trong mây mù, người trên đường đông đúc như đi chợ. Kế có hai tên lính trói ba bốn người giải ngang, lấy làm lạ vì người đi cuối giống hệt anh, rảo bước tới gần thì đúng là anh. Giật mình hỏi sao anh tới đây, anh thấy sinh ứa nước mắt ướt không biết có việc gì mà bị bắt giải đi. Vương tức giận nói "Anh ta là người quân tử giữ lễ sao lại bị trăng trói như vậy?” rồi xin hai tên lính cởi trói cho. Lính không chịu lại tỏ vẻ rất ngạo nghễ, sinh tức tối toan gây sự, anh ngăn lại nói "Đây là lệnh quan, phải tuân theo để giữ phép. Chỉ hiềm ta thiếu tiền chi dùng, bị họ hạch xách khổ lắm, em về nên lo tính cho".
Sinh nắm tay anh khóc thất thanh, tên lính giận kéo mạnh cái gông, anh ngã ngay xuống. Sinh thấy thế lửa giận đầy bụng không sao nhịn được liền rút ngay thanh bội đao chém đứt đầu y, tên kia thét lên, sinh lại chém luôn. Cô gái cả kinh nói "Giết sai nha của quan là tội không thể tha được, nếu chậm trễ sẽ có tai họa. Xin chàng lập tức tìm thuyền về bắc, về tới nhà đừng hạ lá phướn xuống, đóng chặt cửa không cho ai ra vào, sau bảy ngày thì không lo gì nữa". Vương bèn dắt anh đi, ngay trong đêm thuê một chiếc thuyền nhỏ vội vàng về bắc. Về thấy khách khứa tới viếng tang, biết là anh đã chết thật, liền đóng cổng cài then, vừa vào thì anh đã biến mất, vào tới phòng thì người chết đã tỉnh lại, gọi "Ta đói chết mất, đem mì lại mau!". Lúc đó anh đã chết hai ngày, người nhà đều kinh hãi, sinh bèn kể rõ mọi chuyện. Bảy ngày sau mở cửa bỏ lá phướn, người ta mới biết anh sinh đã sống lại, họ hàng bạn bè kéo tới hỏi thăm chỉ bịa đặt trả lời.
Lại nghĩ tới Thu Nguyệt, càng thêm nhưng nhớ bèn quay xuống nam. Tới gian gác cũ thắp đèn ngồi đợi rất lâu mà cô gái vẫn không tới, thiu thiu sắp ngủ thì thấy một người đàn bà tới nói "Nương tử Thu Nguyệt nhắn với lang quân rằng hôm trước vì hai tên sai nha bị giết, thủ phạm trốn mất, họ bắt dược nương tử hiện đang giam trong ngục, bọn ngục tốt nhìn thấy là hành hạ, ngày ngày trông chờ lang quân, xin nghĩ cách cứu giúp cho". Vương buồn rầu phẫn uất liền đi theo người đàn bà. Tới một tòa thành, theo cửa Tây vào, người đàn bà chỉ một cái cổng nói "Nương tử đang bị giam trong đó". Sinh vào thấy có rất nhiều phòng, tù phạm rất đông nhưng không có Thu Nguyệt. Lại vào một cửa nhỏ, thấy trong gian phòng hẹp có đèn lửa, Vương tới gần cửa sổ nhìn vào thì thấy Thu Nguyệt ngủ trên giường lấy tay áo che mặt kêu khóc, bên cạnh có hai tên ngục tốt đang vuốt má nắm chân nàng trêu chọc. Cô gái kêu khóc càng thảm thiết, một tên ôm cổ nàng nói “Đã là tội phạm mà còn giữ trinh tiết à?," Sinh nổi giận không nói không rằng, rút đao xông vào chém mỗi đứa một nhát như phát cỏ rồi cướp lấy cô gái chạy ra, may là không ai biết.
Vừa tới quán trọ thì sinh chợt tỉnh dậy, đang lạ lùng vì giấc mộng dữ thì thấy Thu Nguyệt chảy nước mắt đứng cạnh. Sinh giật mình trỗi dậy kéo nàng ngồi, kể lại giấc mộng. Cô gái nói "Đó là thật chứ không phải mộng đâu”. Sinh kinh sợ nói "Vậy thì làm sao bây giờ?”, cô gái than "Đây cũng là số phận, chờ đến ngày cuối tháng thì thiếp mới được sống lại, nhưng giờ việc đã gấp thì làm sao chờ được? Xin đào ngay chỗ chôn thiếp rồi đưa thiếp cùng về, hàng ngày cứ gọi tên thiếp thì qua ba ngày có thể sống lại. Nhưng chưa đủ thời hạn, xương mềm chân yếu không thể lo việc nhà giúp chàng thôi". Nói xong vội vàng định đi, chợt quay lại nói "Thiếp suýt nữa thì quên mất, nếu âm ty đuổi theo thì làm thế nào? Khi còn sống cha thiếp có truyền cho một đạo bùa, nói ba mươi năm sau có thể cho hai vợ chồng cùng đeo”. Rồi lấy giấy bút vẽ mau hai lá bùa, nói "Một lá thì chàng đeo, còn một lá thì dán vào lưng thiếp".
Sinh đưa nàng ra, tới chỗ nàng biến mất thì đào lên, khoảng hơn một thước thấy có chiếc quan tài đã mục nát, bên cạnh có tấm bia nhỏ như lời nàng nói. Mở quan tài xem thấy nhan sắc nàng như còn sống bèn bế vào trong phòng, xiêm y theo gió tan hết. Dán bùa xong sinh lấy chăn bọc kín lại, cõng ra bờ sông gọi thuyền ghé vào, nói thác rằng em gái ốm nặng, phải đưa về nhà. May được gió nam thổi mạnh, vừa vừa sáng đã về tới nhà, bế nàng vào đặt nằm đâu đấy xong mới nói với anh chị, cả nhà nhớn ngác nhìn nhau nhưng cũng không ai dám nói thẳng là sự huyễn hoặc. Sinh mở chăn, gọi to Thu Nguyệt, đêm thì ôm xác nàng mà ngủ. Thi thể nàng ngày càng ấm dần, ba ngày thì sống lại, bảy ngày sau thì đi lại được, bèn thay quần áo ra chào chị dâu, lãng đãng không khác gì thần tiên.
Nhưng ngoài mười bước thì phải có người đỡ cho đi, nếu không thì xiêu vẹo theo gió như muốn ngã, người ta nhìn thấy cho rằng nàng mang bệnh như thế lại càng đẹp thêm. Nàng thường khuyên sinh "Oan nghiệt của chàng rất sâu, nên tích đức tụng kinh để sám hối, nếu không sợ không sống lâu được". Sinh vốn không tin Phật, lúc ấy bèn dốc lòng quy y, về sau không việc gì cả.
Dị Sử thị nói: Ta muốn tâu với triều đình xin định luật lệ là phàm giết sai nha thì giảm tội ba bậc so với giết dân thường, vì bọn sai nha thì không ai là không có tội đáng giết cả. Cho nên kẻ giết được bọn sai nha ắt là người tốt, dù phải trừng trị chút ít cũng không nên đối xử tàn ác. Huống chi dưới âm ty không có phép tắc nhất định, giả như trong đó có kẻ xấu thì vạc dầu núi kiếm cũng không phải là tàn ác. Nếu như lòng người lấy làm vui sướng thì Diêm Vương cho là điều lành, chứ há kẻ có tội bị âm ty tróc nã mà may mắn trốn thoát được sao?