Quách sinh là người kinh đô, tuổi ngoài hai mươi, dung mạo đẹp đẽ. Một buổi chiều có bà già mang cho một bình rượu, lấy làm lạ vì không biết duyên cớ. Bà già cười nói "Không cần hỏi, cứ uống vào sẽ có chuyện hay", rồi bỏ đi. Sinh mở bình ngửi thử, thấy thơm lừng bèn uống. Chọt say lịm không biết gì nữa, khi tỉnh dậy thì thấy đang nằm chung với một người, sờ thấy da thịt mềm mại, mùi hương sực nức, té ra là con gái, hỏi thì không đáp, Quách, bèn làm luôn. Kế lấy tay mò lên vách thấy toàn bằng đá, không khí ẩm thấp đầy hơi đất như trong mồ, cả sợ ngờ là bị ma dụ. Nhân hỏi cô gái “Nàng là thần gì?", nàng đáp “Ta không phải là thần mà là tiên, đây là động phủ. Ta cùng ngươi vốn có túc duyên, xin chớ ngờ vực, cứ ở lại đây. Qua một lần cửa nữa, chỗ có ánh sáng lọt vào là nơi đại tiểu tiện". Nói rồi trở dậy đóng cửa đi mất. Hồi lâu Quách thấy đói, có nữ đồng mang bánh bao, miến vịt vào, cứ cho ăn mò trong bóng tối, tối đen như mục không biết ngày hay đêm. Không bao lâu cô gái vào ngủ mới biết đã là đêm, Quách nói "Ngày không ánh mặt trời, đêm không ánh đèn lửa, ăn uống không biết mồm ở đâu nếu cứ thế này thì Hằng Nga khác gì La Sát, thiên đường khác gì địa ngục?". Cô gái cười nói "Vì ngươi là người trần tục, nhiều lời dễ lộ nên ta không muốn ra mặt gặp nhau. Vả lại mò mẫm trong bóng tối thì xấu đẹp cũng có thể biết, cần gì đèn đuốc?".
Ở vài hôm, Quách vô cùng buồn chán, mấy lần xin về. Cô gái nói “Đêm mai cùng chàng lên Thiên cung chơi một lần rồi sẽ chia tay". Hôm sau chợt có a hoàn nhỏ cầm đèn lồng vào nóí "Nương tử chờ chàng đã lâu”. Quách theo ra, dưới ánh sao đêm vằng vặc chỉ thấy vô số lầu gác. Qua mấy đoạn hành lang chạm vẽ tới một nơi trên thềm treo rèm châu, đèn đuốc sáng rực như ban ngày. Bước vào thì thấy một mỹ nhân trang điểm lộng lẫy ngồi quay mặt về hướng nam, tuổi khoảng hai mươi, áo gấm lóa mắt, đầu đính minh châu rủ xuống bốn phía, dưới đất bày đầy đuốc ngắn soi rõ cả gấu quần, đúng là người trời. Quách hoang mang váng vất, bất giác quỳ xuống, cô gái sai tỳ nữ đỡ dậy dìu vào ghế. Phút chốc các món bát trân bày lên la liệt cô gái rót rượu nói "Uống chén này để đưa chàng về”. Quách khom người thưa “Trước giáp mặt mà không biết người tiên, thật rất thẹn thùng, nếu cho chuộc lỗi, xin làm kẻ bầy tôi trung thành suốt đời". Cô gái quay nhìn tỳ nữ mỉm cười rồi sai dọn tiệc vào phòng ngủ. Trong phòng cũng màn gấm tua thêu, chăn là thơm phức, nàng bảo Quách ngồi lên giường. Uống thêm một lúc, mấy lần nói "Chàng xa nhà đã lâu, nay tạm về cũng không sao". Hết canh một Quách vẫn chưa cáo từ, cô gái gọi tỳ nữ cầm đèn lổng tiễn ra. Quách im lặng, giả say lăn ra giường, lay gọi gì cũng không động, nàng bèn sai các tỳ nữ đỡ dậy cỡi quần áo ra, một nàng vuốt chỗ kín của Quách nói “Gã trai này mặt mũi ôn nhã mà sao cái này chẳng có chút gì văn vẻ!", đặt Quách xuống giường rồi cùng cười rộ đi ra.
Cô gái cũng lên nằm, Quách trở mình, nàng hỏi "Say lắm không?", Quách đáp "Tiểu sinh có say đâu! Chỉ là mới nhìn thấy người tiên tâm thần đã điên đảo đó thôi”. Cô gái nói "Đây là Thiên cung, trời chưa sáng đã phải ra, nếu vào động phủ thấy buồn chán thì chẳng bằng sớm từ biệt”, Quách nói “Nay có người ban đêm nhặt được đóa hoa, mò cánh ngửi mùi mà không có đèn đuốc, tình cảnh ấy làm sao chịu được?". Nàng cười, sai lấy thêm đèn đuốc. Vừa sang canh tư đã gọi tỳ nữ cầm đèn ôm áo đưa Quách ra. Vào động phủ thấy trần thiết tinh xảo, chỗ ngủ lót nệm da, trải thảm lông dày cả tấc. Quách đã cởi giày khoác chăn mà người tỳ nữ còn bịn rịn chưa đi, để ý nhìn kỹ thấy dung mạo xinh xắn bèn đùa hỏi "Người chê ta không văn vẻ là nàng phải không?". Cô ta cười đá vào cái gối nói "Chàng cứ nằm uỡn ra đi, đừng có lắm lời" Nhìn chiếc giày của cô ta thấy đính viên ngọc trai to bằng hạt đậu lớn, Quách nắm lấy kéo cô ta vào lòng, ôm ấp vuốt ve, cô ta không kìm được cứ rên lên. Quách hỏi bao nhiêu tuổi, đáp mười bảy. Hỏi "Xử nữ cũng biết tình sao?”, đáp “Thiếp không còn là xử nữ, nhưng hoang vắng đã ba năm rồi". Quách hỏi dò tên họ quê quán thứ bậc người tiên, cô ta nói "Đừng hỏi! Đây dù không phải thượng giới cũng là cõi trần hiếm có, nếu cứ muốn biết rõ e không có đất mà chôn đâu”, Quách nghe thế không dám hỏi nữa.
Đêm sau cô gái quả mang đèn tới cùng nhau ăn ngủ, ngày nào cũng vậy. Một đêm nàng vào nói “Vẫn mong cùng nhau vui vầy mãi mãi, không ngờ tình người ngăn trở, nay phải quét dọn thiên cung, không thể lưu chàng ở đây được nữa, xin cùng chuốc chén từ biệt”. Quách rơi nước mắt, xin cho chiếc áo lót làm kỷ vật. Cô gái không cho, chỉ tặng một cân vàng ròng, trăm hạt ngọc châu. Uống cạn ba chén, Quách bỗng say lịm. Khi tỉnh dậy thấy tay chân như bị trói chặt, không duỗi chân được, cũng không ngóc đầu lên được. Gắng sức lăn lộn thì nhào xuống giường, mò mẫm thấy mình bị nhét vào cái túi gấm, ngoài có dây buộc chặt. Ngồi lên ngẫm nghĩ, thấy cái giường mờ mờ mới biết đang trong phòng sách nhà mình. Lúc ấy Quách rời nhà đã ba tháng, người nhà đều cho là đã chết. Quách lúc đầu không dám kể rõ chuyện, sợ bị tiên trừng phạt, nhưng lòng vẫn lạ lùng ngờ vực, thỉnh thoảng lại lén kể cho bạn bè, nhưng không ai biết duyên cớ do đâu. Cái túi chăn vẫn để ở đầu giường, mùi hương ngát phòng, xem kỹ thì là loại vải Hồ Châu tẩm hương liệu, trân trọng cất đi.
Sau có quan lớn Mỗ nghe chuyện, hỏi kỹ rồi cười nói "Đó là người quen của Giả hậu
*, chứ người tiên nào lại làm thế. Nhưng nên giữ kín chuyện này, lộ ra thì chết cả họ đấy". Có người thầy đồng vẫn ra vào các nhà quyền quý nói rằng hình dáng lầu gác như thế thì rất giống dinh Nghiêm Đông
**. Quách nghe thế khiếp đảm, đưa cả gia đình đi biệt xứ, không bao lâu Nghiêm bị giết mới trỡ về.
*Người quen của Gia hậu: Tấn thư chép vợ Tấn Huệ đế 1à Giả thị hoang dâm, thường bắt cóc đàn ông con trai đẹp trai khỏe mạnh trong dân gian về để hành lạc, nói với họ rằng mình là thần tiên.
** Nghiêm Đông: tức Nghiêm Thế Phồn, quyền thần triều Minh, nổi tiếng độc ác xa hoa.
Dị Sử thị nói: Gác cao sáng rỡ, hương nức màn thêu, tỳ nữ trẻ đẹp, giày đính minh châu, nếu không phải nhà quyền gian phóng túng, hào quý kiêu xa thì sao được như vậy? Thẻ tính dâm vừa ném, nhà vàng biến thành lãnh cung, ống nhổ thơm chưa khô, ruộng tình đã tràn cỏ dại*. Giường không não ruột, đuốc tắt tiêu hồn, mày cau trước đài vàng, mắt mờ trong trướng gấm. Khiến cho kẻ kia nhân nhờ chén rượu, thẳng lối cung tiên, giữa làng ôn nhu, ngỡ người tiên tử. Mắng kẻ sang dâm loạn, chẳng đủ thẹn người nhưng ruộng tốt bỏ hoang**, cũng đủ tự răn vậy.
* Thẻ tính dâm... cỏ dại: thẻ tính dâm dịch chữ "dâm trù”, ống nhổ thơm dịch chữ "thóa hồ" tức "hương thóa hồ". Sử chép Nghiêm Thế Phồn mỗi lần ngủ với đám tỳ thiếp xong thì lấy khăn lau mồ hôi bằng the trắng lau chùi rồi xếp lại cất ở đầu giường, cuối năm mang ra đếm, gọi là "thẻ tính dâm". Lại khi khạc nhổ thì bắt các tỳ nữ lấy miệng hứng, cứ ho hắng thì đám tỳ thiếp xinh đẹp xúm lại há miệng ra chờ, nhân gọi đó là “ống nhổ thơm". Cả câu ý nói được người giàu sang yêu thương không bao lâu đã bị bỏ rơi không đoái hoài tới nữa.
** Ruộng tốt bỏ hoang: chỉ người đàn bà đẹp phải lẻ loi một mình. Câu này ý nói mỹ nhân bắt Quách là một nàng hầu xinh đẹp bị bỏ rơi.
158. Bản Án Oan Khuất
(Oan Ngục)
Chu sinh người huyện Dương Cốc (tỉnh Sơn Đông), tuổi trẻ tính hời hợt, ưa đùa cợt. Vì vợ chết nên tới gặp bà mối, nhân thấy vợ người láng giềng của bà ta xinh đẹp bèn nói đùa “Quý hàng xóm đẹp quá, nếu ta cưới được thì hay lắm”. Bà mối cũng đùa rằng "Cứ giết chồng người ta đi, thì ta sẽ tính giùm cho". Sinh cười nói "Được thôi”. Hơn tháng sau, chồng người ấy đi đòi nợ bị giết ngoài đồng. Quan huyện sai bắt chức dịch trong làng, đánh đập tóe máu nhưng rốt lại vẫn không có manh mối gì. Chỉ có bà mối kể lại chuyện sinh nói đùa, quan vì thế nghi là Chu sinh, sai bắt tới hỏi thì nhất quyết không nhận. Quan huyện lại ngờ rằng người đàn bà tư thông với sinh, sai bắt luôn, tra tấn rất tàn khốc, người đàn bà không chịu nổi bèn nhận bừa. Quan lại tra hỏi Chu, Chu nói "Đàn bà yếu ớt không chịu đau nổi nên nhận bừa, có điều đã chết oan còn mang thêm tiếng xấu bất trinh, giả như quỷ thần vô tri thì ta cũng không nỡ. Thôi để ta khai thật, đúng đấy, ta muốn giết chồng để lấy người vợ, chuyện này đều do ta làm, nàng ta không biết gì đâu”.
Hỏi có chứng cớ gì không, sinh đáp là có chiếc áo vấy máu làm bằng. Quan sai tới nhà lục soát thì không thấy, lại tra tấn, Chu chết đi sống lại mấy lần bèn nói "Đây là vì mẹ ta không nỡ đưa ra để ta phải chết thôi, để ta tự đi lấy". Quan cho giải về nhà, sinh nói với mẹ "Đưa áo con ra thì con phải chết, mà không đưa ra thì con cũng chết. Đàng nào con cũng chết, thôi mẹ đưa ngay ra đây đi". Bà mẹ khóc đi vào phòng, lát sau cầm tấm áo đưa ra. Quan khám nghiệm thấy đúng là có vết máu, kết án xử chém sinh, bàn đi xét lại nhiều lần không ai nói gì khác, được hơn một năm thì định ngày hành quyết. Hôm ấy quan huyện vừa mới điểm danh phạm nhân chợt có một người đi thẳng vào công đường, trợn mắt nhìn quan huyện mắng lớn "Ngươi mù mờ như thế làm sao coi việc dân?”. Bọn nha dịch mấy mươi người xúm vào bắt, người ấy gạt tay một cái, cả đám ngã dúi dụi. Quan huyện khiếp sợ toan chạy, người ấy nói lớn "Ta là Chu Tướng quân dưới trướng Quan Đế* đây! Tên quan ngu xuẩn kia mà nhúc nhích thì ta giết chết tươi đấy!". Quan huyện run sợ đứng im, người ấy nói "Kẻ giết người là Cung Tiêu, chứ họ Chu có dính líu gì tới?". Nói xong ngã lăn xuống đất ngất đi, lát sau tỉnh lại, mặt không còn chút máu, hỏi tên họ thì là Cung Tiêu.
*Chu tướng quân... Quan Đế. tức Chu Thương, cận tướng của Quan Vũ nhà Thục Hán, khi Quan Vũ bị Đông Ngô giết thì tự tử chết theo, về sau cũng được thờ cúng chung với Quan Vũ, là người mặt đen cầm thanh long đao đứng hầu vẫn thường được vẽ trong các bức tranh Quan Vũ đọc kinh Xuân thu trước nay.
Bắt lấy tra hỏi thì y nhận hết tội. Té ra Cung vốn là kẻ liều lĩnh, biết là người kia đi đòi nợ về, cho rằng có mang nhiều tiền trong người bèn giết chết, nhưng chẳng được đồng nào. Nghe Chu sinh nhận tội bừa, trong lòng ngầm lấy làm may mắn, nhưng hôm ấy bỗng tự đi vào công đường mà không biết gì cả. Quan huyện hỏi Chu lấy chiếc áo vấy máu ở đâu ra, Chu cũng không rõ, gọi mẹ Chu lên hỏi, thì ra là bà cắt cánh tay lấy máu bôi vào, khám tới cánh tay trái của bà thì thấy có vết dao cắt vào còn chưa lành hẳn. Quan huyện cũng kinh ngạc, sau đó bị hặc tội vì vụ này, kế bị cách chức giam cầm rồi chết. Hơn năm sau mẹ người đàn bà muốn gả chồng cho con, nàng cảm nghĩa của Chu, bèn lấy Chu.
Dị Sử thị nói: Xét án là phận sự hàng đầu của kẻ làm quan, vun bồi âm đức hay vùi lấp lẽ trời đều là ở đó nên không thể không cẩn thận vậy. Nóng nảy dữ tợn, làm trái đức hòa thì không những làm việc xét án kéo dài mà còn khiến cho sinh dân thương tổn. Một kẻ đi kiện thì mấy người bỏ ruộng nương, một vụ xử xong thì mười nhà tan cơ nghiệp, há lại coi là chuyện nhỏ sao! Ta thường nói kẻ làm quan không nhận xử kiện nhiều tức là có đức tốt mà không phải chuyện trọng đại thì chẳng cần tra xét, không phải việc khó khăn thì bất tất lưu tâm. Như có bọn dân quê trên núi trong làng, vì ngẫu nhiên tranh nhau con vịt con gà mà đi thưa đi kiện, thì chẳng qua chỉ cần một câu nói của quan trên là đủ thu xếp yên chuyện thôi. Thế mà không chịu chu toàn cho người ta, đòi cả bên nguyên bên bị tới, lập tức đánh đập tra khảo, tới nỗi roi hèo gãy hết, như vậy đâu phải là quan huyện thần minh? Vẫn thấy có ông quan huyện xử kiện vừa phát trát đòi đi thì hầu như đã quên bẵng, mà kẻ sai dịch đi bắt người túi chưa đầy thì không cho thấy trát quan, kẻ thư lại xếp lịch xử tiền chưa cầm thì không chịu trình án kiện, che giấu dằng dai, kéo dài ngày tháng, dân đen chưa kịp ra tới công đường thì xương thịt đã tan nát cả rồi.
Thế mà kẻ nghiễm nhiên làm cha mẹ dân cứ ngủ kỹ trên giường như là vô sự, nào biết rằng trong chốn ngục tù nguy ngập có vô số oan hồn đang thoi thóp dài cổ trông chờ được cứu ra đâu? Nếu đúng kẻ gian ác bất lương, thật không đáng tiếc, nhưng là người thiện lương vô tội, chịu vậy sao kham? Huống chi trong những kẻ bị liên can thì thường kẻ gian ác ít, người lương thiện nhiều, mà người lương thiện lại thường bị hại nhiều gấp bội kẻ gian ác. Tại sao lại như thế? Vì kẻ gian ác thì khó hành hạ, mà người lương thiện thì dễ khinh khi vậy. Cho nên sai dịch chửi mắng, thư lại vòi tiền, đều nhằm vào người lương thiện mà trút lòng tham bạo. Thường dân đen bước vào cửa công như đi trên lửa đỏ, xử án sớm được một ngày là sống yên sớm được một ngày, nên có chuyện gì lớn thì nhìn lên công đường thẫn thờ như người chết rồi, chỉ lo không đủ tiền để lấp đầy túi tham, đành nghĩ muốn yên thân còn phải nhiều ngày tháng. Như thế thì tuy quan trên không tàn bạo nhưng thật ra cũng có tội ngang bọn sai dịch thư lại vậy. Thường thấy trong các đơn kiện thì kẻ cần phải đòi tới chẳng qua chỉ có vài ba người, còn lại đều là dân đen vô tội bị thêu dệt vu cáo mà thôi. Có khi vì ngày thường hiềm khích nên thành oán thù, có khi là trong nhà có của nên bị ghen ghét, bên nguyên đối với kẻ bị kiện chính thì mới ra sức làm sao cho bị khép tội, chứ đối với số còn lại thì chỉ là để trả thù vặt. Nhưng người bị thưa kiện thì tựa hồ bị ung nhọt trong xương, chịu đủ tội ở cửa công cũng phải muôn ngàn đau đớn, người ta quỳ cũng quỳ, tựa chim theo lũ, người ta bước cũng bước, như khỉ bị xiềng. Nhưng xét lại thì quan trên không hỏi, thư lại không tra, thật ra đều hoàn toàn vô dụng trong việc xét xử, có điều bấy nhiêu cũng đủ khuynh gia bại sản mà nuôi béo lũ thư lại tham lam, bán vợ đợ con để thỏa dạ bọn tiểu nhân thù vặt rồi. Rất mong nhũng người làm quan gặp việc kiện tụng thì xét sơ qua một lượt đã, kẻ cần bắt thì ra lệnh bắt, kẻ không cần bắt thì thôi. Chẳng qua chỉ rung quản bút, động cổ tay mà đã là bảo toàn cho ít nhiều gia đình, bồi bổ vào ít nhiều nguyên khí trong thiên hạ rồi. Người làm chính sự đã không nghĩ tới việc ấy, lại còn chăm chăm dùng gông cùm đao kiếm, để giết người sao?