Chúng tôi sum họp với ông nội ở Hành Dương. Bốn chị em tôi sắp hàng quỳ xuống, bái lạy ông. Em gái út còn nhỏ quá không biết gì, mẹ phải đỡ nó quỳ xuống, cúi đầu chào. Lần trước tạm biệt ông, chưa có út gái, bây giờ út gái đã bi bô học nói. Ông nội kéo chúng tôi xem kỹ mặt từng đứa một, sau cùng, giang tay ôm út gái. Tóc và râu của ông đã bạc như cước. Đôi mắt trước đây sắc sảo, uy nghiêm giờ cũng hiền từ hơn nhiều. Ông ôm út, nhìn chúng tôi cười hể hả:
- Thế gian loạn lạc ông cháu mình còn đoàn tụ được thế này lá tốt lắm, tốt lắm!
Lúc đó ông nội tôi không thể nghĩ rằng cuộc đoàn tụ lần này chỉ là sự mở đầu cho một cuộc biệt ly khác.
Đặt chân đến Hành Dương, mẹ tôi liền nghĩ ngay đến việc học của ba đứa lớn nên đưa chúng tôi vào trường tiểu học Cường Đức của thành phố Hành Dương để học tiếp. Còn mẹ tôi nhận được thư mời dạy ở một trường trung học, trường này cách Hành Dương rất xa, nếu chuyển về đó thì không cách gì sống nổi. Mẹ đành để ba đứa lớn lại, đưa bé út theo, rời Hành Dương đi dạy học.
Đây là lần đầu tiên trong đoạn đời niên thiếu, tôi xa cả cha lẫn mẹ. Song, năm ấy tôi không còn là đứa bé gái bé bỏng lần đầu về quê, tôi đã lớn, lớn đến độ đã có thể săn sóc hai đứa em trai, khi chúng nghịch ngợm thì can ngăn, khi chúng buồn thì an ủi. Nhưng mẹ tôi
không thể yên tâm để ba chị em tự lo liệu cho nhau, mà gửi chúng tôi cho người chị và người anh bà con là Vương Đại Huấn và Vương Đại Kiệt.
Đại Huấn và Đại Kiệt là con của cô tôi. Cô này là con gái của người đàn bà có quan hệ đầu tiên với ông nội tôi. Chị Đại Huấn khi đó mới lấy chồng, anh Đại Kiệt còn trẻ. Chúng tôi thuê mấy căn phòng ở Hành Dương để ở, những phòng này nằm trong khu nhà có tên là "Đài Viên".
Chị Đại Huấn là một người hiền dịu, thanh bạch, chân thành, dáng không cao, ăn nói nhỏ nhẹ, làm việc gì cũng thận trọng. Thời gian đó, mẹ tôi nhờ cậy trông nom ba cháu bé, làm cái việc "chị cả như mẹ hiền", kể cũng gian nan vất vả thật. Vì em trai út nghịch ngợm đã nổi tiếng, còn tính khí Kỳ Lân thì nóng như lửa, không đánh lộn với các bạn học thì cũng đập nhau với trẻ láng giềng. Chỉ có tôi là điềm tĩnh hơn, nhưng cũng có cái phiền là lúc bây giờ tôi mê sách lắm, từ sáng đến tối đòi mua sách, tiền ăn mẹ để lại đâu có nhiều nhặn gì, lấy đâu ra tiền để mà mua sách? Không mua được sách xem, ngày nào tôi cũng khóc đỏ cả mắt.
Ở Đài Viên còn có một chuyện làm tôi nhớ mãi. Đó là chuyện ăn của chúng tôi. Thì ra mẹ tôi dặn chị Huấn, nghèo gì thì nghèo cũng ráng nghĩ cách cho chúng tôi ăn đủ ba bữa. Thế là chị Huấn ngâm một thẩu bự toàn là trứng muối. Sáng dậy chúng tôi ăn cháo với trứng mặn, trưa ăn cơm với trứng mặn, tối đến lại cũng ăn cơm với trứng mặn. Ăn mấy tuần liền như vậy, em trai út hễ bưng bát cơm lên là mặt mày méo xệch, Kỳ Lân thì hét ầm lên không ăn trứng mặn, còn tôi thì xoa xoa bụng nói không đói, bỏ mâm cơm đi đọc sách. Chị Huấn thấy lo quá, vội đi kho một nồi thịt với dưa cải. Nồi mới bưng ra bàn, ba chúng tôi hoan hô dạy trời, cầm đũa lên mới phát hiện chẳng có mấy miếng thịt, toàn dưa với dưa.
Cuộc sống cực như vậy, nhưng khi ông nội thượng thọ tám mươi tuổi thì cỗ bàn lại rất linh đình.
Hồi đó ông nội dạy học trong Hành Dương, để làm lễ mừng thọ, ông về quê cũ Lan Chi Đường. Ba chị em tôi và mẹ đều về Lan Chi Đường. Về đây tôi mới biết ông nội thật là đức cả vọng trọng, thiên hạ kính vì. Bao nhiêu là bạn hữu thân thuộc, có đến trên một trăm, đều từ Hồ Nam và các nơi về Lan Chi Đường chúc thọ ông nội. Lan Chi Đường treo đèn kết hoa, pháo dây nổ liên hồi, chiếu hoa trải dài ra tận cổng, cỗ bàn tuy không thịnh soạn lắm, nhưng cả nhà rất hài lòng. Trước mặt Lan Chi Đường có một hồ cá, cá nuôi khá lâu năm, không ai nỡ ăn, đến lúc đó cũng vớt lên đãi khách hết.
Ngoài ra, Lan Chi Đường còn làm rạp hát, mời gánh hát đến diễn. Ở nhà quê không có gì để giải trí, nên lân cận cả chục dặm cũng kéo đến xem kịch. Tôi cũng chen chân trong đám đông, xem say sưa. Khi ông nội và mẹ mệt quá rồi, định về Tân thất nghỉ, tôi vẫn không chịu đi theo, em trai út và Kỳ Lân đương nhiên cũng không chịu đi, xem cho đến khi mãn kịch. Kịch xong đúng mười hai giờ đêm, người hầu của ông nội là Hoàng Tài Dư dẫn chúng tôi về Tân thất, bác ôm bé út, vừa dắt Kỳ Lân, vừa xách cây đèn bão đi trên bờ ruộng, nên bị té xuống đám ruộng nước, ướt như chuột lột, dính bê bết bùn. Về Tân thất, mẹ tôi nhìn thấy sốt ruột, than vắn thở dài, vì tôi chỉ có bộ đồ một trăm lẻ một này trên người là có thể mặc được để hôm sau còn tiếp tân giúp ông nội! Trong đêm, mẹ tôi phải giặt đồ, nhưng không kịp khô. Hôm sau, tôi đành mặc quần của em trai đi lạy bạn bè của ông nội.
Lạy. Nói đến chuyện lạy, nếp cũ của ông nội vẫn chưa thay đổi. Hễ thấy bề trên là ba chị em tôi phải lạy. Người khác bái ông nội thì chúng tôi cũng phải lạy đáp lễ, lạy, lạy mãi. Đang lúc đó, người em họ của tôi là Đường Chiêu Học xuất hiện. Đường Chiêu Học hồi đó học cấp
ba, khoảng mười bảy mười tám tuổi, là một thanh niên đôn hậu sống có nền nếp, quy củ, nghe đâu học cũng đứng đầu gì đó. Không may cho cậu ta, vì thấp vai hơn chúng tôi một đời họ, dù là tuổi gấp đôi, thành ra là đối tượng để tôi và các em trêu chọc. Thấy bề trên là phải lạy! Em trai út kéo ông nội, nhảy câng câng phấn khởi reo lên:
- Đường Chiêu Học có lạy chúng cháu không? Bảo nó lạy chúng cháu nhanh lên! Chúng cháu lạy nhiều lắm rồi, mới tới lượt có người lạy trả chúng cháu!
Đường Chiêu Học không chịu lạy, cũng không chịu gọi tôi bằng cô, khom người giật đầu một cái rồi ù té chạy. Chúc thọ ông nội xong, chúng tôi về lại Hành Dương đi học, Đường Chiêu Học hễ nghỉ hè là đến Đài Viên chơi, trở thành người bạn tốt nhất của tôi.
Năm ấy, tôi ăn sinh nhật tròn mười tuổi, đã hiểu đời. Sau mười tuổi, là năm cuối cùng tôi lưu lại Hành Dương, (sự thật cũng là năm cuối cùng tôi lưu lại ở Đại Lục). Từng việc, từng việc đã qua cứ sống dậy mạnh mẽ trong đầu tôi, trong đó có cả chuyện ống sáo của Đường Chiêu Học.
Đường Chiêu Học có một ống sáo, đi đâu cũng mang theo bên người, hễ rảnh rỗi là lấy sáo ra thổi. Chú ấy thổi hay lắm. Từ nhỏ tôi vốn rất yêu âm nhạc, kịch, văn học, nghệ thuật. Khi đó, âm nhạc mà tôi được tiếp xúc đầu tiên là ống sáo của Đường Chiêu Học. Chú ấy thổi sao nghe du dương quá, tôi thường đòi chú ấy thổi, mà hễ đòi là chú ấy chịu thổi liền.
Được đàng chân lân đàng đầu, sau đó tôi đòi chú ấy đưa sáo cho tôi, chú ấy nhất quyết không chịu. Nguyên do cây sáo này là của một người bạn thân của chú ấy tự tay khắc tặng rất công phu. Bây giờ, người bạn ấy đã chia tay, để kỷ niệm tình bằng hữu, nên không lúc nào chú ấy chịu rời ống sáo.
Có một dạo, chính nhờ Đường Chiêu Học và tiếng sáo của chú ấy đã giúp đỡ tôi vượt qua những khoảnh khắc cô đơn. Ba ở mãi tận Thượng Hải, mẹ đi dạy học xa, cái năm ấy tôi cảm thấy cô đơn quá. May mà có anh họ, chị họ và Đường Chiêu Học. Tôi còn nhớ, hồi nhỏ tôi có nóng nảy đâu, chiến tranh ly loạn và đói nghèo tôi đã quen từ tấm bé. Nhưng không hiểu sao, có một hôm tôi lại cãi lộn dữ dội với Đường Chiêu Học. Cái sai là do tôi gây ra, nhưng chú ấy không chịu nhượng bộ tôi. Cãi, cãi một hồi, tôi nổi quạu, giựt ống sáo của chú ấy đập mạnh lên bàn. Chú ấy nhảy tới định chặn lại, nhưng không kịp nữa rồi, cái ống sáo đã đập thành nhiều mảnh. Tôi đứng ngây người, chú ấy cũng đứng ngây người.
Thật tình tôi nào biết ống sáo vừa mới gõ một cái là dập tan ra. Khi ống sáo bị đập, tôi sợ đến cả đờ cả miệng chỉ đành trố mắt nhìn, hối hận quá không biết làm cách gì. Đường Chiêu Học thì xanh mặt, vừa nhặt từng mảnh sáo vụn lên, vừa hét ầm ĩ. Bà chị họ bênh tôi, nhảy xổ ra mắng Đường Chiêu Học một trận:
- Cái ống sáo ấy chứ thứ gì mà làm dữ vậỷ? Con trai to đầu thế kia mà đi cãi lộn với con gái! Đồ không biết xấu! Hơn nữa, Phượng Hoàng là cô của mày kia mà!
Đường Chiêu Học giận lắm, cầm ống sáo bể lao ra khỏi nhà. Suốt một thời gian dài, chú ấy không thèm đến thăm tôi.
Cuối cùng thì Đường Chiêu Học đến thăm tôi, cũng là lúc ba tôi vội vàng từ ở Thượng Hải trở về, mẹ tôi cũng bỏ dạy ở Hành Dương chạy về. Cả thành phố Hành Dương, đang loạn xị bát nháo cả lên, trường tiểu học đóng cửa, học trò lục tục kéo về quê. Ba và ông nội lại bắt
đầu thâu đêm bàn luận. Tôi đã quen cái không khí ấy lắm rồi, tuồng như mỗi lần nét mặt người lớn đăm chiêu, sắc lạnh luận bàn với nhau thâu đêm suốt sáng, mỗi lần trường học đóng cửa, mỗi lần trường học đóng cửa, mỗi lần người trong thành phố nháo nhác... tức là báo hiệu đến hồi ly biệt.
Mùa xuân năm 1949, chúng tôi lại xa ông nội một lần nữa. Giờ ly biệt đã đến. Bốn đứa bé và ông nội lần lượt ôm nhau, ông nội dặn đi dặn lại: Bao giờ thời cuộc ổn định, sớm ngày quay về nhé! Chúng tôi đáp xe lửa đến Quảng Châu, rồi lên tàu thủy đi Đài Loan. Ai cũng cho rằng ly biệt lần này không lâu hơn lần trước. Ông nội tuy đã tám mươi, nhưng vẫn còn mạnh khỏe, ngày đoàn tụ chắc chắn là không xa lắm. Nào ngờ, lần biệt ly ấy, chúng tôi mãi mãi xa ông!
Ông nội, anh họ, chị họ, Đường Chiêu Học, đều ra ga xe lửa tiễn chúng tôi. Người anh họ còn leo lên xe, tiễn chúng tôi đến mấy ga liền mới xuống. Tôi tựa cửa sổ nhìn thành phố Hành Dương khuất dần, khuất dần, rồi mất hút, tôi muốn nói một câu xin lỗi với Đường Chiêu Học, tôi muốn ôm chặt lấy cổ ông nội, hôn chòm râu bạc phơ của ông, tôi muốn bảo bà chị họ là tôi thích ăn trứng vịt mặn... nhưng rồi tôi chẳng nói gì được, chỉ đưa hai tay bíu chặt cửa xe, nhìn chằm chằm ông nội người thân và thành phố Hành Dương, mỗi lúc một xa dần, xa dần...
Hồi đó, thật tôi không thể ngờ rằng cuộc chia tay ấy lại dài đến ba mươi chín năm! Cho mãi đến tháng tư năm 1988, tôi mới có cơ hội về thăm Đại Lục, gặp lại anh họ, chị họ và Đường Chiêu Học! Câu "xin lỗi" cách ba mươi chín năm tôi mới nói được với Đường Chiêu Học tại đại khách sạn Trường Giang ở Vũ Hán. Còn trứng mặn của chị họ! Khi tôi gặp lại chị họ, thì tóc chị bạc trắng. Bắt chặt tay tôi, chị khóc nức nở. Sau đó, chị nói đùa:
- Chắc nhờ ăn trứng mặn của chị, em mới có cái đầu thông minh để viết tiểu thuyết!
Chắc vậy quá! Tôi ôm chặt lấy bà chị họ của tôi. Năm 1988, nhỏ Phượng Hoàng đã già rồi, Đường Chiêu Học đã hai màu tóc trên đầu, con của người anh họ đều đã tốt nghiệp đại học... Còn ông nội thì đã qua đời từ lâu.
Đời người ngắn ngủi quá. Sự đời thật khó lường!