Quế Lâm! Quế Lâm! Quế Lâm!
Tôi nghĩ, ba mẹ và tôi chưa bao giờ chạy thục mạng như lần ấy, chạy đến nỗi thở không ra hơi mới chịu dừng lại vài phút rồi lại tiếp tục chạy nữa. Cứ thế, chúng tôi chạy liền mấy tiếng đồng hồ.
Chạy từ sáng sớm đến mãi trưa, chúng tôi đến được thành phố Quế Lâm trong khi chiếc xe lửa chở người lánh nạn vẫn chưa đến.
Đến được Quế Lâm, có trời mới biết chúng tôi sốt ruột, sung sướng, lo âu đến dường nào! Vừa vào cổng thành, chúng tôi đứng thừ người!
Cũng giống như thành Đông An ngày ấy, khắp Quế Lâm đều có quân đội đồn trú, lính đóng bên đường, lính trong nhà dân, không tìm ra một ai là dân, chỉ thấy khắp thành phố toàn là lính. Quế Lâm lớn hơn Đông An nhiều. Trong một thành phố lớn thế này, có tới hàng ngàn hàng vạn lính, làm sao tìm ra đại đội trưởng Tăng bây giờ? Ba tôi sốt ruột quá, gặp vị sĩ quan nào cũng hỏi:
- Xin hỏi thăm, ông có biết ông Tăng Bưu, đại đội trưởng đại đội hậu cần trung đoàn 27 đóng quân ở đâu không?
- Không rõ!
- Không biết! Không biết! Không biết! Không ai biết cả!
Ba càng hỏi càng quýnh, nguồn tin này rõ ràng là có chỗ ngờ ngợ, có thật là đại đội trưởng Tăng có mặt ở thành phố Quế Lâm không? Ba tôi đi sục khắp phố, gặp ai cũng hỏi:
- Ông có biết đại đội trưởng Tăng không?
- Ông có biết đại đội trưởng đại đội hầu cận trung đoàn 27 không?
Một sĩ quan chặn ba tôi lại:
- Nhân dân tại sao hỏi dò quân đội? Ông ta hoài nghi gặng hỏi ba tôi: Ông là ai?
Ba tôi hốt hoảng định giải thích, may sao, đang lúc đó có tiếng gọi lớn, chất giọng quen thuộc:
- Ông Trần ơi! Ông Trần! Ông Trần ơi!
Chúng tôi ngẩng đầu nhìn, người đang bước vội về phía chúng tôi không ai khác, đúng là đại đội trưởng Tăng Bưu! Ba tôi mừng quýnh thốt lên:
- Đại đội trưởng Tăng!
Hai người lao tới ôm chầm lấy nhau, nước mắt ba tôi ràn rụa. Đại đội trưởng Tăng nói dồn:
- Hay lắm! Hay lắm! Thế này thì hay lắm! Tôi đang chuẩn bị chiều nay đem gửi hai đứa con anh chị về quê tôi, giao cho bà xã tôi trông nom. Nếu như anh chị đến chậm một ngày, thì anh chị không gặp hai cháu bé rồi!
- Chúng nó mạnh giỏi không? Mẹ tôi sụt sùi, hỏi.
- Làm sao mà anh tìm được chúng nó? Chúng nó không bị thương chứ? Ba hỏi rối rít.
- Hai thằng nhóc vừa khỏe vừa chắc! Đại đội trưởng Tăng cười: Tìm bằng cách nào à? Chuyện thì dài lắm! Chúng tôi cứ tưởng hai người gánh đồ tụt lại sau, nào ngờ họ ra thành
Đông An sớm hơn, rồi đi về phía trước. Khi hai người gánh đồ nọ đã đoán chắc là lạc đơn vị, họ liền dở trò quái ác, bàn nhau bỏ hai cháu bé lại, bên một con đường nhỏ! Cũng may mắn là, khi ra khỏi thành Đông An, tôi lại chọn đi con đường nhỏ này, trung đội trưởng Vương nghe có tiếng trẻ con khóc, tỏa ra đi tìm, thì thấy hai cháu bé đang bò trên miệng một cái giếng hoang khóc lóc thảm thiết! Chúng trách ba mẹ không cần chúng nó nữa!
Mẹ tôi muốn cười nhưng lại khóc, con ba thì nước mắt đầm đìa. Đại đội trưởng Tăng đưa chúng tôi đến chỗ đóng quân vừa đi vừa kể:
- Tôi đã cử hai người về Đông An tìm anh chi, nhưng không gặp. Tôi nghĩ bụng, chiến tranh rồi sẽ có ngày kết thúc, đến ngày đó, chúng tôi sẽ đăng tin lên các báo ở Tứ Xuyên, Hồ Nam tìm anh chị, giao lại cho anh chị, nếu như không tìm được, thì hai đứa nhỏ đó coi như con của tôi vậy!
Thật không lời nào tả hết sự cảm kích của chúng tôi đối với đại đội trưởng Tăng. Khi ấy, tuy còn nhỏ tuổi, nhưng tôi đã sớm nhận ra lòng biết ơn và sự xúc động mạnh liệt, sâu sắc của ba mẹ tôi đối với người đại đội trưởng tuyệt vời này.
Thế là, chúng tôi gặp lại hai đứa em trai đã thất lạc bao ngày, trong ngôi nhà mái bằng nho nhỏ ấy!
Em trai nhỏ vừa nhìn thấy mẹ, liền bò nhào tới ôm chặt lấy mẹ tôi, vùi đầu vào lòng mẹ, khóc tức tưởi. Kỳ Lân cầm một súng lục bằng nhựa (chắc là của đại đội trưởng Tăng tặng cho nó) mếu máo khóc, khi gặp chúng tôi. Nó vừa khóc, vừa giương súng, nhắm chúng tôi:
- Bằng bằng bằng! Bắn ba mẹ, ba mẹ hư lắm, tại sao ba mẹ không cần chúng con?
Ba tôi chạy lại, ôm chặt nó vào lòng, rồi như nó cũng khóc. Tôi chạy lại, ôm em cũng khóc theo.
Cả nhà chúng tôi ôm chầm lấy nhau, khóc cạn khô nước mắt, chính trong giây phút ấy, tôi mới hiểu hết ý nghĩa thế nào là cười ra nước mắt, là buồn vui lẫn lộn!
Chúng tôi khóc một hơi lâu, rồi ba mẹ kéo ba chị em tôi đến quì trước mặt đại đội trưởng Tăng. Đây cũng là lần đầu tôi thấy ba mẹ tôi thành tâm thành ý quì xuống trước mặt vị ân nhân của mình.
Chúng tôi và các em xa nhau vừa đúng bảy ngày. Trong chiến tranh ly loạn, chia lìa bảy ngày rồi gặp lại quả là chuyện lạ lùng, chẳng khác nào thần thoại, một câu chuyện khó tin! Sau đó, nói chuyện với đại đội trưởng Tăng, chúng tôi mới biết ngày hôm ấy ông mới tới Quế Lâm, nếu như chúng tôi đến Quế Lâm sớm hơn một ngày thì không gặp, còn như đến chậm một ngày thì các em đã bị đưa đến một nơi xa tít tắp rồi!
Ai đã sắp đặt cho tôi và ba mẹ gặp người thôn trưởng già nhân hậu và rồi, ai đã sắp xếp cho chúng tôi chỉ ở lại cái làng không biết tên là gì ấy chỉ có ba hôm? Tại sao lại ba hôm mà không là bốn hôm? Ai đã bảo tôi, phải khóc thảm thiết làm ba mẹ từng lòng sông của tử thần bò dậy trở về với cuộc sống? Ai đã bày chúng tôi đáp chiếc xe lửa chở đầy những người đi lánh nạn? Và gặp rất đúng lúc người lính dưới quyền của đại đội trưởng Tăng? Chuyện đời, sai một ly đi một dặm! Từ đó, tuy là kẻ vô thần nhưng tôi lại tin vào hai chữ "số mệnh"! Câu chuyện của tôi và các em tôi xảy ra, tôi chỉ nói được một điều là số mệnh thiệt diệu kỳ.
Cũng vì vậy mà tôi thường nói, chuyện đời người do bao nhiêu cái ngẫu nhiên tạo thành, bạn có tin như vậy không?