Nhà năm người giờ chỉ còn ba. Cổ họng tôi như nghẹn lại, không dám khóc, chỉ sợ hễ khóc là ba mẹ tôi lại chết.
Cuộc hành trình đầy kinh hoàng, có lúc tưởng chừng như ngàn cân treo sợi tóc, dù sao cũng qua đi, nhưng trong cảnh đồng sanh đồng tử của cả gia đình trọn vẹn. Bây giờ, mất hai đứa em trai, cái gì cũng khác. Kỳ Lân thì ưa quậy, em nhỏ thì tinh nghịch, không có chúng nó đi cùng, suốt dọc đường đâm buồn tẻ, buồn tẻ đến phát khóc lên được.
Chúng tôi nuốt nước mắt, thờ thẫn bước đi, lạ một điều là chẳng gặp một ai trên đường, cả tốp lính Nhật mà trung đội trưởng Vương tao ngộ kia cũng chẳng thấy đuổi theo.
Ngoại thành Đông An phong cảnh tuyệt vời, có chim hót líu lo, có cỏ hoa đưa hương ngan ngát, đúng là cuộc sống yên bình của một vùng quê. Nào có ai ngờ đằng sau vẻ yên bình ấy ẩn chứa bao cơn mưa dập gió vùi, mẹ con ly biệt! Chúng tôi bước đi trong nỗi niềm càng thương nhớ khôn cùng các em tôi, lại càng căm hờn sâu sắc lũ giặc Nhật.
Thường ngày trước đây tôi hay cãi vã và đánh lộn với các em để giành quyền nam nữ bình đẳng (người Hồ Nam rất trong nam khinh nữ). Bây giờ, tôi toàn nghĩ tốt về các em. Tôi thề rằng nếu gặp lại được các em trên đời này, tôi sẽ mãi mãi nhường nhịn, thương yêu, chở che
chúng nó... Nhưng trong thời buổi loạn ly này, một khi đã xa nhau thì biết đến bao giờ mới gặp lại? Không biết chúng nó còn sống hay đã chết, lưu lạc nơi nào?
Suốt ngày hôm ấy, chúng tôi đi, đi mãi. Mẹ tôi có lúc đột ngột dừng chân lại, khe khẽ gọi tên các con, thế là tôi và ba tôi cùng dừng lại, ba người chụm lại ôm nhau khóc. Khóc xong, lại lê bước về phía trước. Trong đời tôi, chưa có ngày nào thê lương ảm đạm như hôm ấy. Ngoại thành mà hoang vắng quá, không một mái nhà còn sót lại, quốc quân đã rút hết, giặc Nhật chưa xuất hiện, cả thế giới này hầu như chỉ còn lại có ba người!
Chúng tôi đi qua một cây cầu gỗ nhỏ, một quả núi hoang sơ, thì hoàng hôn ập đến. Hình như nghe thoáng trong gió, có tiếng gà kêu, chó sủa, có lẽ chúng tôi đang đi vào thế giới của loài người. Rảo bước đi tới, chúng tôi nhận ra một ngôi làng khá lớn.
Làng này nhà liền nhà như một thị trấn nhỏ, (rất tiếc là tôi quên tên cái làng ấy). Ở cổng chính đi vào làng, có mấy thanh niên vạm vỡ đang đứng gác. Đi suốt ngày đường xa, vừa mệt vừa đói, lại thêm dọc đường không gặp một bóng người, giờ đây, nhìn thấy đồng bào mình, lòng chúng tôi nao nao sung sướng, muốn ôm chầm lấy từng người một. Chúng tôi đánh bạo đi vào, ai ngờ, mới bước gần tới cổng, những thanh niên đứng gác kia bỗng rút súng lục giơ lên, hô lớn:
- Đứng yên, kiểm tra!
Chúng tôi kinh ngạc đứng sựng lại. Ba tôi đau khổ nhìn trời than van thở dài, đáp một thôi một hồi:
- Dạ! Dạ! Dạ! Suốt đường đi chúng tôi đã nghe giặc Nhật nói hai tiếng ấy, bây giờ lại còn bị người Trung Quốc cũng nói hai tiếng ấy. Chỉ vì không cam tâm làm người dân trong vùng giặc chiếm nên mới ra đi để chịu cảnh cha mẹ chia lìa con cái. Kiểm tra ư! Chúng tôi có còn gì nữa đâu để mà kiểm tra!
Ba tôi nói lên mấy câu đầy xót xa, xúc động. Vừa nói xong, một cụ già tóc bạc phơ, dáng hiền lành, từ sau đám thanh niên bước ra, nói với ba tôi thật thân thiết:
- Xin lỗi, chúng tôi tập họp thanh niên trai tráng trong làng lại, chuẩn bị liều một phen với giặc Nhật. Kiểm tra người qua đường là để đề phòng bọn Hán gian cải trang vào dò la tin tức. Lão nghe mấy câu của anh, biết anh không phải là người lánh nạn bình thường. Tôi là thôn trưởng ở đây, nếu anh không từ chối, mời vào trong dùng cơm, chúng tôi còn nhiều phòng trống có thể đón cả nhà anh nghỉ qua đêm!
Thái độ chân thành và lịch thiệp của thôn trưởng, khiến ba tôi tin cậy và có cảm tình ngay với ông. Đêm hôm ấy, chúng tôi đến nhà vị thôn trưởng già được ông mổ gà, giết vịt chiêu đãi chúng tôi một bữa thịnh soạn. Trong bữa ăn, ông hỏi lai lịch chúng tôi và tình cảnh chạy loạn, ba tôi nghẹn ngào kể lại đầu đuôi cảnh ngộ đã gặp trên đường. Người thôn trưởng già nghe rơi cả nước mắt. Sau cùng, ông đột ngột nói với ba tôi:
- Ông Trần, ông muốn đi hậu phương cố nhiên là tốt thôi, nhưng ông có suy nghĩ gì đối với người dân sống trong vùng tạm chiếm không?
Ba không hiểu hết ý. Người thôn trưởng già xúc động nói tiếp:
- Ông Trần, ông xem đó. Chiến tranh Trung - Nhật đánh nhau đã bảy năm, còn đánh bao lâu nữa, ai mà biết được. Quân Nhật đã đánh vào Đông An thì việc chúng đánh đến làng chúng tôi là điều khó tránh, sớm muộn gì làng này cũng bị chiếm như những thành phố, thị trấn khác ở Hồ Nam. Tôi đã tính toán kỹ rồi....
Đến lúc này, ông đã thu hút được sự chú ý của ba tôi, ông nói thẳng thắn:
- Tôi đã bàn với các làng kế cận, cùng nhau tổ chức thanh thiếu niên thành đội du kích để đánh quân Nhật đến cùng. Người già yếu và phụ nữ sơ tán vào trong núi sau, chúng tôi đã bố trí đâu đó xong xuôi cả rồi. Hễ giặc Nhật đến, thì cả làng vào núi để khỏi bị giặc Nhật tàn sát. Núi sâu hiểm trở, lại có đội du kích bảo vệ, nhất định dân làng không thể rơi vào tay giặc Nhật được. Nhưng ông Trần này, điều làm tôi băn khoăn nhất là trẻ con trong làng cần phải được giáo dục, nếu như kháng chiến còn kéo dài, tám năm, mười năm, thì ai là người dạy cho con cháu chúng ta? Ai là người sẽ dạy văn hóa và lịch sử Trung Quốc cho chúng? Ai sẽ vun bồi ý thức dân tộc cho chúng? Ông Trần, ông là một nhà giáo dục lẽ nào ông không nghĩ tới vấn đề này?
Ba nhìn người thôn trưởng già, với lòng xúc động và cảm phục. Ông chồm tới vỗ vai ba tôi, giọng nói của ông tha thiết, nhiệt tình.
- Ông Trần, ông ở lại đây với chúng tôi. Chúng tôi cần ông! Ông nghĩ xem, đi Tứ Xuyên đường dài dằng dặc, lại hết sức nguy hiểm, chi bằng ông ở lại đây dạy bọn trẻ, là lớp người của ngày mai, đừng để chúng nó làm vong quốc nô!
Người thôn trưởng già nói rất có lý, nhưng ba cũng có lý của ba.
- Để thoát khỏi vùng tạm chiếm, tôi phải trả cái giá quá đắt, lẽ nào lại bỏ dở nửa đường thì còn ra gì! Không được đâu! Tôi phải đi thôi!
- Ở lại mà! Thôn trưởng già xúc động nói: Ở lại có ý nghĩa hơn là đi!
- Không được đâu. Tôi thấy đi có ý nghĩa hơn là ở lại!
Đêm ấy, tôi ngủ rất sớm, vì đã thấm mệt. Nhưng tôi vẫn mơ màng nghe thấy thôn trưởng già và ba tôi còn mải tranh luận, đến tận đêm khuya...
Sáng ra, khi thôn trưởng già buồn bã tiễn chân chúng tôi ra khỏi làng, tôi mới biết ba tôi vẫn không thay đổi mục tiêu của mình. Ba và thôn trưởng già lưu luyến chia tay nhau, ông tặng chúng tôi một ít quà, còn vợ ông thì cho tôi một đôi giày, nguyên là giày bó chân của bà. Vì đi không vừa nên sau đó, tôi đành vứt đôi giày đó. Tôi còn nhớ như in mái tóc bạc phơ và đức tính chân thành khẳng khái của ông. Sau này lớn lên, tôi thường nghĩ, ở một làng nhỏ bé như vậy lại có một cụ già yêu nước và sáng suốt đến vậy, đó mới là sức mạnh vĩ đại và bất hữu của dân tộc Trung Hoa!
Tôi ghi lại đoạn văn này về người thông trưởng già, bởi lẽ ông ta có ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến số phận sau này của chúng tôi. Biết đâu, lúc nào đó, cũng chính ông đã góp phần quyết định tương lai của chúng tôi đấy!
Sau khi chia tay người thôn trưởng già, chúng tôi tiếp tục hành trình, qua đèo lội suối, đúng trưa, chúng tôi đến một làng khác, người ở khá đông đúc. Vừa đến rìa làng, chúng tôi đã thấy một nam thanh niên trạc ngoài ba mươi tuổi, trông dáng vẻ như đang đứng chờ ai đó. Vừa chạm mặt, anh ta bước tới, chào ba tôi rất lễ phép:
- Xin hỏi, ông có phải là ông Trần không?
Ba tôi ngạc nhiên đến mức giật nẩy người. Ở cái làng nhỏ xa lạ nơi đất Quảng Tây này, sao lại có người nhận ra mình mà còn chờ sẵn? Anh thanh niên nọ vui vẻ, cười nói rất tự nhiên:
- Ba tôi chính là ông thôn trưởng ở cái làng mà thầy đã nghỉ lại đêm qua, ba tôi cử người đi suốt đêm đem thư cho tôi, dặn tôi ra ngoài đầu làng đón tiếp thầy. Làm sao cũng mời thầy ở lại bằng được vì con em của chúng ta!
Thì ra con trai của ông thôn trưởng mở cửa hàng tạp hóa ở cái làng này, tuy ông bố thả chúng tôi đi, nhưng lại viết thư nhờ người đem cho con trai để bằng mọi cách giữ chúng tôi ở lại. Ba mẹ tôi cảm động vô cùng, cảm động đến mức không nói được lời nào. Thế là chúng tôi theo chú thanh niên vào nhà.
Ở gia đình chú, chúng tôi được khoản đãi như khách quí, chú cũng có một đứa con gái ngang tuổi với tôi, nên rất mến tôi, sắm sửa cho tôi áo quần, dày dép mới. Người thanh niên nói luôn miệng với ba tôi:
- Ba tôi nói, không giữ được thầy là điều bất hạnh cho cả làng chúng tôi!
Ba mẹ nhìn nhau hồi lâu, không nói câu nào. Đột nhiên ba đập mạnh tay xuống bàn, nói như dao chém thớt:
- Được rồi! Các anh đã thuyết phục được tôi! Chúng tôi đồng ý ở lại! Không đi nữa!
Thế là chúng tôi lưu lại cái làng mà đến giờ tôi không còn nhớ tên nó là gì.
Sự việc này cũng buộc chúng tôi phải viết lại trang sử gia đình. Giả dụ chúng tôi ở lại luôn, không biết rồi sự việc sẽ đi đến đâu? Giả dụ như dứt khoát ra đi, thì sự việc sẽ như thế nào. Rốt cuộc, chúng tôi ở lại, nhưng chẳng được lâu, chỉ ở vẻn vẹn ba ngày! Tại sao chỉ ở vẻn vẹn co ba ngày? Tôi cũng không hiểu rõ. Chỉ biết rằng, sau ba ngày đó, ba tôi lại nóng lòng, lại nung nấu quyết tâm tiếp tục cuộc hành trình, không muốn ở lại nữa, không muốn bỏ cuộc giữa đường. Dẫu rằng con trai ông thôn trưởng già ra sức giữ lại, nhưng đến tinh mơ ngày thứ tư, chúng tôi rời làng nọ, tiếp tục lên đường.
Ba ngày lưu lại chẳng là định mệnh đã an bài? Nào ai biết được?