Tôi không nhớ chúng tôi đã đứng như vậy ở Đông An mất bao lâu, để sau đó lại bắt đầu bước chân lưu lạc. Ba mẹ tôi dắt tay tôi mỗi người mỗi bên như cái xác không hồn ra khỏi thành phố.
Lúc tuột khỏi lưng ngựa, tôi đánh rơi đôi giày, nhưng còn bụng dạ đâu mà nhớ tới giầy với dép. Ra khỏi thành, bước trên đường đầy xỉ than và đá cuội, đôi bàn chân trần của tôi bị xót đau đến buốt lưng, nhưng tôi đành cắn răng chịu đựng, không hề kêu than. Nhìn ba mẹ tôi thấy xót xa quá, tuy còn nhỏ dại, nhưng tôi đã hiểu thế nào là nỗi quạnh hiu, đau xót và tuyệt vọng của con người. Ngoài thành có một con sông gọi là sông Đông An, chiếc cầu bắc qua đó cũng gọi là cầu Đông An.
Lên đến giữa cầu, mẹ tôi đột ngột dừng lại, tựa mình bên lan can nhìn chăm chăm xuống dòng nước đang chảy xiết. Chưa kịp hiểu mẹ muốn gì, tôi đã thấy ba tôi nhanh như cắt lao tới, ôm chặt lấy mẹ tôi, nghẹn ngào:
- Đừng! Đừng em!
- Còn đường nào đâu mà đừng mình ơi? Mẹ tôi khóc tức tưởi. Hai đứa con đã mất rồi! Toàn bộ hành lý, áo quần mất cả rồi! Phượng Hoàng đến đôi giày cũng không có. Đại đội trưởng Tăng cũng đi rồi, quân Nhật sắp tràn tới nơi rồi. Con mất rồi, lòng tôi thực sự đã chết, giặc Nhật đuổi kịp đằng nào chúng ta cũng chết, nhưng lại là cái chết nhơ nhớp trong tay giặc Nhật, chi bằng chết đàng hoàng chính trong vòng tay của chúng ta!
Ba tôi nhìn trời thở dài.
- Được, thì chết! Ba người cùng chết chung vậy!
Mẹ tôi quỳ xuống, nói với tôi:
- Phượng Hoàng ơi, con có muốn chết chung với ba mẹ không con?
Lúc đó, tôi mới có sáu tuổi, chưa hiểu hết ý nghĩa thật sự của cái chết, tôi đi theo ba mẹ, ba mẹ muốn chết, lý nào tôi lại làm khác. Tôi chỉ cảm thấy xốn xang, nước mắt ràn rụa, tôi nhớ Kỳ Lân, nhớ em trai, tôi biết chúng nó đã mất, cả nhà không thể nào gặp lại.
Tôi trả lời mẹ:
- Con muốn!
Nói xong, tôi khóc.
Mẹ tôi cũng khóc.
Ba tôi cũng khóc.
Chúng tôi vừa khóc, vừa đi xuống cầu, đến chỗ lùm cỏ bên bờ, tôi thấy ba tôi chăm chú nhìn mẹ, tôi, rồi ôm nhau hôn thắm thiết, sau đó hai người chọn một chỗ dốc bên bờ cùng lao xuống sông.
Nước sông có lẽ không sâu lắm, vì tôi thấy ba cứ dìm đầu mẹ xuống nước, tôi không hiểu sao ba tôi lại làm như thế. Mẹ tôi không cựa quậy nữa, ba tôi cũng không cựa quậy nữa, nước sông không nhận chìm ba mẹ được, nhưng ba mẹ cũng đã nằm yên rồi.
Tôi bắt đầu sốt ruột, tôi không biết ba tôi đã chết chưa, tôi đã nói là muốn chết, mà chết là phải thôi, nhưng tôi không biết cách chết như thế nào. Ba mẹ nói muốn chết thế là ôm nhau lao xuống sông, thì ra, muốn chết là phải xuống sông.
Do đó, tôi lần từng bước đi xuống sông. Nước chảy rất xiết, người tôi cứ lắc lư, lảo đảo nhưng tôi cũng không biết tại sao lại còn giữ được thăng bằng. Nước sông dần dần ngập giò, ngay lưng quần, và khi nước lút qua bụng, tôi không sao đứng được nữa, liền ngồi xuống. Vừa mới ngồi, nước sông liền ngập đến cổ, tôi hốt hoảng, kinh sợ vô cùng, bản năng buộc tôi khóc, vừa khóc vừa kêu:
- Mẹ ơi! Ba ơi! Mẹ ơi! Ba ơi!...
Trong nước mắt mơ màng, tôi như mường tượng thấy mẹ tôi đang động đậy, rồi lại cảm thấy tay mẹ tôi mò lấy chân tôi dưới đáy nước.
Thì ra, mẹ tôi chưa chết, chỉ mới bị nước nhấn chìm, thoi thóp, rồi như bị tiếng khóc thét xé lòng của tôi làm cho tỉnh lại. Bản năng người mẹ bảo vệ con, tay mẹ sờ mó dưới đáy nước, may mắn với được chân tôi. Tức khắc, mẹ tôi tỉnh dậy, tỉnh dậy thực sự.
Tôi thấy mẹ tôi giẫy giụa, và chồm dậy khỏi mặt nước, vội kéo ba tôi. Ba tôi cũng không chết, nên lồm cồm ngồi dậy rồi nhìn mẹ tôi trân trối. Mẹ khóc òa lên, nói nghẹn ngào:
- Không thể chết được! Chúng mình chết thì Phượng Hoàng làm sao?
Câu nói làm tôi càng khóc dữ. Rồi ba người ôm chầm lấy nhau, khóc nức nở, hết khóc, ba mẹ quyết định không chết nữa.
Ba người lóp ngóp bò lên bờ, đứng vào thời khắc ngày hôm ấy, nắng lên rất đẹp. Chúng tôi bị ướt sũng nước, nước chảy ròng ròng từ đầu đến áo quần. Bây giờ ngoài quần áo ướt ra, ba người chẳng có một thứ gì trên tay. Từ khi xa quê hương đến giờ, đây là lần đầu tiên chúng tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Đúng là chúng tôi rửa trắng tay từ trong nước. Dưới nắng chói chang, chúng tôi bước vội về phía trước. Vì tôi không có giày, ba tôi thương lắm, thường cõng tôi lên lưng. Tình cảm nồng nàn như lúc đó thật hiếm có đối với tôi, nhất là khi hai đứa em trai thân yêu không còn nữa!
Ba mẹ tôi lặng lẽ bước đi, dáng vẻ trầm lặng nhưng lại thanh thản bởi ba mẹ tôi thật sự chẳng còn chút gánh nặng nào, chẳng còn biết ngại ngùng, sợ hãi là gì. Bất chấp tất cả (sự thực thì, rất nhiều năm sau này, ba mẹ tôi hay nhắc lại cái lần chết đi sống lại đó, coi đó là gợn sóng bất chợt trong biển đời bao la, hình như sự sống và cái chết, cái được và cái mất đều do trời định sẵn tất cả)
Chúng tôi sống lại như vậy đó.