Những tháng ngày ở Kiếm Hà, có lẽ là quãng thời gian chúng tôi sống được an bình nhất trong cuộc đời lưu lạc. Thời gian này, mẹ tôi học được cách đan giày nên ba chị em tôi đều có giày mới để mang. Còn ba, vẫn bận rộn như thường lệ, có hôm, ba ôm về cả cái sừng trâu từ nhà láng giềng, chẳng là ba mới học được nghề khắc dấu.
Ba tôi khắc hàng lô hàng lốc con dấu bằng sừng trâu. Một hôm, nguồn cảm hứng đến ba lấy một ống trúc, dùng trúc làm quản bút, trên quản bút khắc tỉ mỉ hai chữ lớn:
"Kính tiết"
Hai chữ lớn ấy có ý nghĩa là "đốt tre cứng cáp" đã làm xúc động ba tôi. Những ngày ấy, ba tôi buồn buồn ít nói, dầu bác Cù có trêu chọc chăng nữa, ba cũng chẳng cười. Mẹ tôi hiểu ra, mẹ nói:
- Mình lại muốn đi Tứ Xuyên rồi!
- Vâng! Ba thở dài: - Một trăm dặm đã đi được chín mươi dặm, bây giờ dừng chân thật chẳng đặng!
- Nhưng mà chúng ta lấy đâu ra tiền?
- Cái hồi từ dưới lòng sông Đông An trồi lên, chúng ta có tiền đâu? Ba hỏi so với hồi đó, bây giờ ta đỡ hơn nhiều chứ!
Thực ra, ở Kiếm Hà, ba tôi kiếm được chút đỉnh tiền.
Thế là mấy ngày, bàn lui bàn tới, cuối cùng ba quyết định: Chúng ta tiếp tục đi, đi cho đến Tứ Xuyên, đi cho tới Trùng Khánh. Lần này, bác Cù không chịu đi cùng chúng tôi, bác nhất quyết bắt cho được bọn cướp rồi mới đi. Nhưng bác cầu phúc lành cho chúng tôi. Ngày cả nhà tôi lên đường, bác lưu luyến tiễn chân đến tận cổng làng, và đọc kinh chúc chúng tôi thượng lộ bình an.
Chúng tôi, lại ra đi!
Đường xa tăm tắp, hết qua đồi núi này lại leo tiếp đồi núi khác.
Cuối cùng, chúng tôi đặt chân lên đất Tứ Xuyên. Tôi còn nhớ, sau khi vào Tứ Xuyên, chúng tôi vẫn tiếp tục trèo đèo vượt núi.
Đi đường núi thật gian nan, núi đã vắng lại hay gặp thổ phỉ. Lại còn một nỗi sợ nữa là rắn độc và dã thú. Trên người tuy chẳng có tài sản gì, nhưng nếu cũng y như lần trước, chẳng may bị thổ phỉ cướp cả áo quần lần nữa thì thật là thảm hại!
Chúng tôi lầm lũi đi trong núi. Có hôm bỗng dưng có hai tráng đinh xuất hiện trước mặt. Họ khiêng cáng, tấm ra trắng phủ kín người nằm trên đó. Họ lặng lẽ đi qua rồi mất hút vào núi sâu. Ba mẹ hơi nghi hoặc, không dám hỏi. Đi được một lát, lại xuất hiện hai người khiêng cáng nữa cũng phủ kín bằng ra trắng, cũng đi vào núi sâu. Một loáng sau, lại chiếc cáng thứ ba xuất hiện...
Gió núi thổi mạnh, trời trở lạnh. Nhưng chúng tôi thấy ớn lạnh hơn khi nhìn ngưới khiêng cáng thầm lặng đi qua, những tấm ra trắng, những chiếc cáng...
Lại một chiếc cáng nữa xuất hiện, ba tôi đánh bạo hỏi:
- Làm sao vậy, có người bịnh à?
- Bịnh à? Người khiêng cáng trố mắt nhìn ba tôi. Chết rồi! Chết cả rồi! Khiêng vào núi chôn đó!
Thì ra đó là những xác chết. Hỏi thêm mới rõ đầu đuôi. Cả khu núi này đang bị bệnh dịch, ngày nào cũng có người chết, nhiều người đổ bệnh. Dân nghèo xác xơ, thời kháng chiến thuốc men thiếu thốn, đành nhìn tử thần cướp đi từng mạng sống!
Hôm qua khiêng người ta đi, hôm nay cũng có thể đến lượt người khác khiêng mình!
Ba mẹ nghe lạnh tóc gáy, cẩn thận dẫn chúng tôi né xa những xác chết. Suốt ngày, chúng tôi gặp toàn người khiêng xác người, tôi và các em, vì tuổi nhỏ, nhìn riết rồi cũng không sợ nữa.
Hoàng hôn xuống, ba tôi cõng em bé, còn tôi và Kỳ Lân dắt tay nhau chạy băng băng xuống núi. Ba tôi tụt lại sau. Đến nửa rừng, hai chúng tôi đang đói cồn cào, chợt thấy một quán nhỏ ven đường, trong quán hai người khiêng cáng đang ngồi ăn mì, mùi mì bốc lên thơm phức, tôi và Kỳ Lân không nhịn được, liền đi tới, rồi ngồi bệt xuống nền đất đòi ăn mỗi đứa một tô mì. Tôi còn nhanh miệng nói với chủ quán, mẹ tôi đi ở đằng sau, sẽ đến trả tiền ngay.
Thế rồi tôi và Kỳ Lân ăn ngấu ăn nghiến, bất chấp đây là vùng dịch bệnh, cũng bất chấp cả cái xác chết đặt trên cáng ở bên cạnh quán. Đến khi mẹ tới kịp, mẹ hớt hải la oai oải:
- Ối dào, hỏng hết! Hỏng hết! Các con quá lắm! Lỡ bị bệnh truyền nhiễm làm sao cứu kịp!
Mẹ tôi đi tới, kéo tôi ra cho một cái tát, rồi cho Kỳ Lân một cái tát. Kỳ Lân hễ bị đánh là khóc, há mồm ra khóc càng lúc càng dữ. Ngay lúc đó, tiếng nổ đoàng, đoàng, vang liên hồi như pháo làm rung động cả một vùng núi.
- Thổ phỉ đến! Mẹ tôi la lên, rồi theo bản năng, ôm chặt lấy Kỳ Lân.
- Súng bắn! Ba nói: Lẽ nào giặc Nhật tấn công đến Tứ Xuyên? Không lẽ!
Nói chưa hết lời, lại một loạt đoàng, đoàng, nữa vang lên. Chủ quán sợ quá ngồi xuống, dùng tiếng Tứ Xuyên hò hét mấy người khiêng cáng, họ đứng lên chạy thẳng xuống xóm dưới núi... Chúng tôi đứng ngây người, không dám nhúc nhích.
Một hồi lâu, có tốp người từ trong xóm chạy ùa ra, họ cười cười, nói nói, tay phất cao lá quốc kỳ, tay đốt pháo nổ ran. Thì ra những tiếng nổ vừa rồi là tiếng pháo dây! Đám đông đi tới vừa đốt pháo, vừa hô lớn:
- Kháng chiến thắng lợi rồi! Chúng ta thắng lợi rồì Người Nhật đầu hàng vô điều kiện! Đầu hàng vô điều kiện!
Ba mẹ quá đỗi kinh ngạc, không dám tin là sự thật.
Lát sau, ba cầm chặt tay một bạn trẻ, hỏi khẽ. Bạn đon đả trả lời:
- Thật mà. Đài phát thanh đã loan tin rồi, kháng chiến thắng lợi rồi, thật mà!
Ba tôi la lớn, ôm chầm mẹ tôi nhảy câng câng, mẹ thì vừa khóc vừa cười, trẻ con chúng tôi quấn quít quanh chân ba mẹ, cũng cười la động trời... Giây phút phấn khởi đó nhấn chìm tất cả, đến cái bệnh dịch đáng sợ kia cũng như không, cả nhà ôm nhau, sướng như điên, rồi khóc, rồi cười, rồi la lớn:
- Thắng lợi rồi! Thắng lợi rồi! Thắng lợi rồi!
Đúng thế, chúng tôi đã đến Tứ Xuyên, chúng tôi đã đi đến thắng lợi!
Tôi không sao lột tả hết niềm hân hoan lúc ấy.
Đỗ Phủ co bài thơ thất luật, nhan đề: "Nghe tin quân ta giành lại Hà Nam Hà Bắc".
Quân ta giành được đất Tô Bắc
Thoạt nghe áo thấm đầy nước mắt!
Nét sầu mặt vợ đâu còn thấy
Trang sách dạt dào bao ý thơ.
Bạch nhật tiếng ca pha rượu chúc
Thanh xuân kết bạn về cố hương.
Từ thưở vượt đèo xuyên núi hiểm
Nay lại Nang Dương về Lạc Dương.
Biết còn câu chữ nào hợp hơn những dòng trên để hình dung nỗi lòng ba mẹ tôi lúc ấy? Đúng là "Quân ta giành lại đất Tô Bắc, thoạt nghe áo thấm đầy nước mắt! " Và cũng thật đúng là "bạch nhật tiếng ca pha rượu chúc, thanh xuân kết bạn về cố hương! ".
Trở về cố hương ư? Không! Tuy kháng chiến đã thắng lợi, tuy những ngày lánh nạn của chúng tôi đã qua rồi, tuy cả nhà chúng tôi hân hoan vui vẻ đấy, nhưng khoảng cách từ đây đến ngày chúng tôi về lại cố hương hãy còn xa lắm lắm!