Sau khi gặp lại các em tại thành phố Quế Lâm, chúng tôi lưu lại chẳng bao lâu. Ngọn lửa chiến tranh đã bao phủ miền đất nước, quân đội đóng đầy thành phố Quế Lâm, còn quân Nhật thì bao vây tứ phía, sớm muộn gì, Quế Lâm cũng thành bãi chiến trường đẫm máu.
Mấy hôm ấy, ba mẹ và đại đội trưởng Tăng nói với nhau bao nhiêu là chuyện, còn tôi, hai em đều quì lạy trước mặt đại đội trưởng Tăng, chính thức nhận ông làm cha đỡ đầu. Lẽ ra, gặp đại đội trưởng Tăng, chúng tôi được cùng đi như trước và được đại đội trưởng chở che. Nào ngờ đại đội trưởng Tăng đã nhận mệnh lệnh "tử thủ Quế Lâm". Hai chữ tử thủ cũng có nghĩa là cùng sống chết với Quế Lâm. Đại đội trưởng Tăng vừa bố trí đội ngũ của mình, vừa sắp đặt đường đi nước bước cho cả nhà chúng tôi. Ông nói với chúng tôi đầy vẻ tự tin và hy vọng:
- Anh chị về hậu phương trước, chúng tôi đuổi xong giặc Nhật, thắng lợi rồi chúng ta sẽ đoàn tụ! Lúc đó chúng ta sẽ cùng nhau uống vài ly rượu và nhắc lại những kỷ niệm đã qua!
Tôi không biết ba mẹ tôi nghĩ gì lúc đó, còn tôi thì lúc nào cũng quấn quít bên cạnh đại đội trưởng Tăng, nhớ lại những ngày cùng ông cưỡi ngựa vượt qua Đại Phong Ảo, nhớ lại lúc uống nước trong bi đông của ông, nhớ lại kỳ công ông đã tìm ra hai đứa em trai tôi! Nhưng cuối cùng, rồi cũng đến lúc chúng tôi phải từ biệt đại đội trưởng Tăng!
Chúng tôi đáp xe lửa chở dân lánh nạn rời thành phố Quế Lâm. Nói thêm một điều lý thú. Khi đại đội trưởng Tăng tìm được hai em thì cũng đồng thời tìm lại được cả hành lý hai người gánh đồ vụt lại. Hành lý lại trở về với chúng tôi. Đại đội trưởng Tăng đã cử binh sĩ của mình ra xe lửa chở người lánh nạn dành cho chúng tôi một chỗ không đến nỗi nhỏ lắm. Tờ mờ sáng, chúng tôi lên xe lửa, ló đầu ra cửa sổ, đột ngột lại thấy ông đứng trên sân ga. Chúng tôi vẫy tay chào từ biệt ông mà không cầm được nước mắt.
Xe lăn bánh, đại đội trưởng Tăng vẫn đứng yên tại chỗ, uy nghi trong bộ quân phục sĩ quan. Ông vẫy tay về phía chúng tôi, chúng tôi cũng vẫy tay liên hồi đáp lại, xe càng chạy càng nhanh, mỗi lúc một xa, bóng của đại đội trưởng Tăng cũng nhỏ dần, rồi mất hút.
Đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp đại đội trưởng Tăng. Trong cuộc đời lưu lạc sau này, chúng tôi luôn luôn hỏi thăm tin tức Quế Lâm, được biết Quế Lâm rốt cuộc thất thủ. Nhưng chúng tôi luôn tin rằng, sẽ có một ngày kia, đại đội trưởng Tăng chờ chúng tôi cùng nâng cốc chúc mừng ngày mới. (Sau ngày thắng lợi, chúng tôi đi tìm tông tích đại đội trưởng Tăng khắp nơi, tiếc là không gặp, đó là điều luôn luôn làm cho cả nhà tôi nhức nhối).
Chia tay đại đội trưởng Tăng, chúng tôi đáp xe chở dân lánh nạn đi Quí Châu trước, rồi mới về Tứ Xuyên. Theo lời dặn của đại đội trưởng Tăng trước đó, phải đi một con đường nhỏ vào núi rồi từ Quế Lâm rẽ về phía Tây.
Trong ký ức tôi, đoạn đường này khá mơ hồ. Xe lửa chở dân lánh nạn chỉ đi một đoạn rồi không biết sao chúng tôi phải đi bộ. Không có người gánh đồ, lũ nhóc chúng tôi đều đi bộ,
riêng tôi, mới sáu tuổi đầu đã phải vác một bao đồ trên vai, bước thấp bước cao, mỗi ngày cuốc bộ ba mươi dặm.
Chỉ còn nhớ là trên con đường ấy, hang cùng ngõ hẻm nào cũng có dân lánh nạn, người dắt con dẫn cái, người đỡ già nương trẻ, rõ là một cuộc lưu vong "vĩ đại". Cho đến giờ, mỗi lần nhắm mắt lại, tôi thấy hiện lên mồn một cảnh đám dân lánh nạn buồn bã xa quê, nặng nề lê bước trên đường núi gập ghềnh... Chúng tôi đi vất vả vô cùng, em trai khóc rồi lại khóc, nhưng dẫu sao cũng là cả nhà đoàn tụ! Tiếng khóc của đứa em cũng trở nên đáng yêu, tôi nghĩ, trong đoàn người ly hương đó, có lẽ duy nhất nhà tôi là có được cái niềm vui hồi sinh thật sự. Nhưng, những phút giây êm đềm này phỏng được bao lâu? Trong thời chiến loạn ly, biết lấy gì đảm bảo, để có được cảnh "sáng đi, chiều gặp", ly biệt rồi lại trùng phùng!