Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Chuyện Đời Tôi

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 49977 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chuyện Đời Tôi
QUỲNH DAO

Chương 6

Những việc xẩy ra ở hai nơi từ khe núi đến chòi củi, cách nhau mấy ngày hay một tuần lễ,  tôi hoàn toàn không nhớ rõ. Trí nhớ của trẻ con thường là chấp vá từng mặt chứ không theo  một mạch rõ ràng. Tôi chỉ nhớ những ngày ấy, lính Nhật suốt ngày ruồng bố, cướp bóc, giết  người, đốt phá khắp làng quê.
 Gia đình tôi hết chạy đàng đông lại sang đàng tây để tránh tai mắt của lính Nhật, vì chúng  có thể thả nông dân nhưng sẽ giết sạch những trí thức như ba mẹ tôi.
 Mới ra khỏi khe núi chưa được mấy ngày, gia đình tôi gặp lại gia đình người chú. Chú là  em của ba, còn trẻ, thím rất đẹp, lanh lợi, hoạt bát. Chú thím mới có đứa con trai một tuổi còn  ẵm trong chăn, bụ bẫm, da dẻ hồng hào, mặt mày thanh tú, đáng yêu. Em là cục cưng của chú  thím. Những ngày cùng đi, chú thím chăm chút cho em từng li từng tí. Hôm ấy, chúng tôi ở nhà của một lão nông trước đây từng làm cho ông nội tôi. Bác có ruộng đất, có nông trại, có  tấm lòng đôn hậu, chất phác, lương thiện... Địa hình ở đây rất tốt, nhà nằm sâu trong rừng  trúc, người ngoài rất khó phát hiện. Hơn nữa, sau lưng nhà bác có cả khu rừng bịt bùng chưa  khai phá. Nếu quân Nhật phát hiện thì chạy trốn vô rừng sâu, đố chúng tìm thấy.
Đến nhà bác, chúng tôi mới biết đây là nơi lánh nạn của nhiều trí thức ở gần đó và bà con  trong làng. Bác rất nhiệt tình, lại giàu lòng thương người nên không từ chối ai cả. Trong nhà  toàn người là người. Đây là điều ba mẹ không lường trước, và bất ngờ hơn là chỗ lánh nạn  này đã bị giặc Nhật phát hiện.
 Bác nói:
 - Suốt ngày hôm qua, có ba tốp quỷ đến. Tôi đã sớm cắt người gác ở ngoài rừng nên bọn  quỷ chưa đến gần, tôi đã cấp báo cho mọi người trốn vào núi, bọn quỷ chẳng bắt được người  nào!
 Bọn quỷ là "danh hiệu" mà người Hồ Nam giành cho bọn lính Nhật.
 Vợ bác là một bà già đảm đang, trung hậu. Hai vợ chồng bác tiếp ông nội và chúng tôi ân  cần niềm nở, bày vẽ chi li cho chúng tôi cách tránh né, cách đi vào núi, cách tìm hang đá và  bộng cây v. v... Chúng tôi biết rõ hai bác đã cứu được vô số người, và những người đi lánh  nạn khác cũng đã sớm quen thuộc cách tìm đường vào núi.
 Hôm ấy đã quá trưa, chúng tôi đi bộ rất lâu mới đến được nhà bác, vừa đói, vừa mệt. Nói  chuyện với chúng tôi xong, bác dọn một mâm cơm đầy thức ăn, đon đả mời chúng tôi. Chúng  tôi đói đến chóng mặt, ngồi xuống là ra tay liền, nào ngờ, mới cầm đũa thì đã nghe bên ngoài  từng tốp người qua lại, la lối ầm ĩ, nháo nhào. Chúng tôi chưa rõ đầu đuôi, bác gái đã lao vô  nhà, xua tay, hối thúc:
 - Lẹ, lẹ! Vào núi! Bọn quỷ đến! Lẹ lên, lẹ lên!
 Ba mẹ bỏ đũa, vội vàng vàng ẵm chúng tôi. Kỳ Lân thì tựa sát vào bàn ăn không chịu  xuống, em trai út thì nhét trứng gà rán đầy miệng. Chú thím tôi cũng chạy lại bế xốc em trai tí  xíu đang ngủ say định lao ra. Đang khi lộn xộn, ông chủ nhà lại chạy vội vào, nói líu cả lưỡi:
 - Không kịp rồi, không kịp lánh vào núi rồi! Bọn quỷ đến nhanh quá! Tìm chỗ trốn ngay.
 Nói nghe dễ quá, nhà bác nhìn đâu cũng trống tuyềnh toàng, nhà tôi lớn bé trẻ già cả thảy  chín người, trốn vào chỗ nào cho đủ? Đang do dự thì bác gái lại hớt ha hớt hải lao vào:
 - Bọn quỷ tới rồi! Lần này chúng nó hung hăng quá, coi chừng chúng đánh hơi biết nhà  mình giấu người! Ai nấy đều đã vào núi cả, chỉ còn nhà họ Trần...
 Không để nhỡ thời gian, bà quyết định đưa chúng tôi vòng ra phía sau nông trại, nhét tất  cả vào trong chòi củi. Bà dặn dò:
 - Nhớ đừng để có tiếng động!
 Nói xong, bà đóng cửa chòi lại, vội vã bước đi.
 Chúng tôi dồn ép nhau trong gian chòi nhỏ, ai nấy nhìn nhau, không dám thở mạnh. Tôi  nhớ rõ lúc đó trong tay Kỳ Lân còn cầm chặt đôi đũa, miệng lầu bà lầu bầu:
 - Con đói, con muốn ăn cơm!
 Mẹ đưa tay bụm miệng Kỳ Lân. Ba định gài cửa thì mới biết chẳng có cửa nẻo gì ra hồn.  Hơn nữa, phần trên cửa có một kẽ hở, nhìn từ trong ra có thể thấy rõ cả khoảng trống của  trang trại, và nếu từ ngoài trông vào, thì cũng không khó gì mà trông thấy người ở bên trong.  Chỗ ẩn thân của chúng tôi đúng là trống lốc! Ba khoát tay ra hiệu mọi người đứng xa cánh  cửa, nhưng trời đất! Dồn ép cả hai gia đình trong căn nhà tối tăm này, gió thổi cũng không lọt,  còn chỗ nào để mà lùi nữa.
 Chúng tôi đứng tựa sát vào đống củi, trẻ con đều rúc vào lòng mẹ. Chúng tôi đã bắt đầu  nghe rõ tiếng lính Nhật trong vườn. Sau tiếng hô lớn và đanh, đám lính lập tức phân tán ra  khắp nơi xục xạo, tìm kiếm. Tiếng ghế bàn, tiếng rương tủ đổ nhào, tiếng lính Nhật gầm thét  và tiếng ông già gào la chen lẫn tiếng gà bay, chó chạy, người kêu, ngựa hí vang dậy đất trời.
 Bọn Nhật đã sục sạo gần tới chòi củị... Chúng tôi nghe rõ mồn một tiếng gót giày gõ lộp  cộp trên sân phơi lúa, và cả tiếng kêu cứu của bà chủ nhà:
 - Chẳng còn gì nữa mà lùng sục. Gà bị giết hết rồi, chó cũng bị giết hết gì các ông, còn  muốn gì nữa...
 Bên ngoài rất chộn rộn, nhưng trong chòi củi thì im lặng đến ngột ngạt. Mẹ giữ chặt lấy  Kỳ Lân, vì trong chúng tôi, Kỳ Lân là đứa bé hay quật nhất. Nhưng thật bất ngờ, đứa em trai  tí hon, con chú thím tôi được quấn trong chăn, bỗng dưng khóc thét lên.
 Tiếng khóc của bé làm mọi người hết hồn. Thím tôi không biết làm sao, liền mở nút áo  cho em bú, để bịt tiếng khóc lại, nào ngờ, bé không chịu bú lại càng khóc dữ dội hơi. Hoảng  quá thím lấy tay bụm miệng bé, nhưng khổ nỗi làm sao bụm được tiếng khóc. Mặt bé đỏ nhừ,  tiếng khóc càng to. Ông nội lắc đầu thở dài:
 - Số trời đã định, cái gì đến thì nó phải đến.
 Mặt chú tôi tái nhợt, chú nhìn nhanh khắp người nhà một lượt, cái nhìn ấy bao hàm nhiều  ý nghĩa (mãi rất nhiều năm sau này, tôi mới hiểu hết ý nghĩa sâu sắc của cái nhìn ấy). Rồi,  nhanh như cắt, chú giằng bé ra khỏi vòng tay mẹ, đưa tay thít chặt cổ bé, bé không thở được,  mặt biến sắc. Thím tôi vồ tới giành lại bé, khóc thảm thiết:
 - Anh định làm gì? Anh giết chết con sao?
 - Phải. Anh phải giết nó! Chú nghẹn ngào. Có thể chết mình nó, không để chết cả nhà  được!
 - Anh điên rồi! Anh điên rồi! Anh điên rồi! Thím thều thào, nước mắt ràn rụa nhào lại  giằng lấy bé. Muốn giết nó, anh giết tôi trước đi!
 - Em phải rõ chuyện hệ trọng! Chú nghiêm giọng. Anh không thể để con mình làm thiệt  mạng của cả hai gia đình! Nhất là làm liên lụy đến cả nhà anh...
 - Anh muốn giết nó thì giết tôi trước! Hãy giết tôi trước đi! Thím phát điên lên, đầu tóc rối  bời, nước mắt đầm đìa, cổ họng khàn đặc, liều mạng xông vào cướp lấy con, trong lúc chú cứ giằng co giữ em bé cho được. Em bé còn thở, nên tiếng khóc của nó càng to hơn.
 Ba nói như nghẹn lại:
 - Đủ rồi! Nếu quân Nhật cố tìm chúng ta thì ầm ĩ lên thế này, chúng đã phát hiện ra rồi,  chú có thể giết cháu cũng chẳng có tác dụng gì!
Đột nhiên, em bé nín bặt, chòi củi lặng thinh như tờ. Rồi tiếng giày ủng nện lộp cộp ngay  trước chòi củi. Mở cửa! Tiếng lính Nhật vang lên. Liền theo đó là tiếng la lớn của bà chủ nhà:
 - Trời đất quỷ thần ơi! Nhà xí cũng phải kiểm tra à!
 Dứt lời, bà dùng tay đẩy mạnh cửa, nói như thách:
 - Kiểm tra đi! Cửa nẻo không cài then thế này mà nào trốn? (đến giờ thì tôi đã hiểu ra, bà  đóng kịch hệt như một diễn viên thực thụ).
 Cửa đã hé ra một khe lớn, tim chúng tôi đập thình thịch, nhưng lạ thay, bọn lính Nhật nói  một tràng gì đó, rồi quay đầu bỏ đi. Chúng tôi cũng không thể tin là toán lính Nhật kia bỏ đi  thật. Lẽ nào tiếng khóc la của chúng tôi huyên náo là vậy mà bọn chúng không nghe thấy?  Quả là điều không thể tin được.
 Ba, ông nội rồi chú thím, đều trố mắt nhìn nhau như không tin với cả chính mình! Sau đó  lại vang lên tiếng gà bay, chó sủa, rất may nhờ có lệnh của viên sĩ quan, những tên lính Nhật  kia đành bỏ cuộc, lếch thếch cuốn đi.
 Mãi hồi lâu, khi bên ngoài hoàn toàn yên lặng, bà chủ nhà lại đẩy cửa bước vào. Bà hồi  hộp nói:
 - Trời đất ơi! Các anh các chị làm cái giống gì vậy chứ! Trẻ con thì khóc, người lớn thì cãi  lộn, tôi thả hết cả một lồng gà to đùng, đuổi cho chúng bay lung tung để át tiếng ồn ào của  mấy người đó!
 Chúng tôi lại nhìn nhau trân trân rồi nhìn bà, thầm cảm ơn bà. Một tai nạn nữa đã vượt  qua, thật hú vía! Tôi còn nhỏ quá không hiểu hết ý nghĩa từ cõi chết trở về là như thế nào.  Nhưng khi chú tôi biết chắc hiểm nguy đã qua, liền ôm chặt lấy thím tôi, hôn thím tôi như điên như dại, bất chấp mọi người xung quanh rồi nước mắt giàn giụa, chú ôm hôn em bé, đứa  bé suýt nữa bị chết oan uổng. Lại cũng lần đầu tiên tôi hiểu tình yêu thương đồng loại thật  phức tạp và quí báu biết chừng nào! Nếu bảo tôi là một đứa bé lỏi đời sớm, thì có lẽ là do  chính mắt tôi đã từng trải quá nhiều từ khi còn thơ dại.

<< Chương 5 | Chương 7 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 464

Return to top