Những ngày đi với đại đội trưởng Tăng là những chuỗi kỷ niệm mãi mãi không bao giờ quên.
Đại đội trưởng Tăng thấy chân mẹ tôi lở loét, bước chân bà cũng đã quàng xiên, ông ta liền ra lệnh cho một trung đội trưởng dưới quyền nhường con ngựa của chú ấy cho mẹ tôi. Trung đội trưởng họ Vương, ngoan ngoãn phục tùng. Chú ấy dắt ngựa đến, nhìn thấy con ngựa vừa cao vừa to, hễ nó lắc đầu là hơi ở lỗ mũi phun phì phì, móng chân đã bị hư, mẹ tôi lắc đầu nguây nguẩy, nói:
- Tôi đi bộ! Tôi đi bộ thôi mà!
- Không được! Đại trưởng Tăng nhíu mày, nói như ra lệnh, coi mẹ tôi hệt như một quân nhân dưới quyền. Không cưỡi ngựa không được! Lên ngựa!
Mẹ tôi không dám chống lệnh, đành dằn lòng ngoan ngoãn trèo lên lưng ngựa. Mẹ mới chạm đến yên ngựa, con ngựa kia nhìn ra chủ, hí lớn, làm mẹ tôi sợ quá quay đầu bỏ chạy. Bộ đội thấy vậy không nhịn được cười, đại đội trưởng Tăng không cười, nghiêm khắc nhìn mẹ tôi, thế là bà lại ngoan ngoãn bước tới bên cạnh ngựa, được trung đội trưởng Vương đỡ một tay, khó khăn lắm mới trèo được lên yên ngựa. Nhưng mới vừa ngồi thẳng lưng, con ngựa kia lại hí lên một hồi dài, bờm dựng ngược, chân trước đứng thẳng, mẹ sợ quá thét lớn, ôm chặt cổ ngựa, không chịu buông tay. Lúc đó, đại trưởng Tăng cũng không nhịn cười được. Ông ta lắc đầu bảo trung đội trưởng Vương đỡ mẹ tôi xuống khỏi lưng ngựa, rồi tự ông ta dắt con ngựa của mình lại, nói gọn trơn:
- Đổi ngựa!
Thì ra ngựa của ông rất thuần, mẹ tôi ngồi lên, nó không hề trở chứng. Nhưng bà vẫn phòng ngừa, mặt trắng bệch, thế rồi đại đội trưởng phải cử một binh sĩ đến dắt ngựa và "phụ trách bảo vệ an toàn cho bà Trần! ". Còn ông thì cưỡi con ngựa của trung đội trưởng Vương. Về sau, chúng tôi mới biết, đại đội trưởng Tăng rất yêu quí con ngựa của mình, không bao giờ nhường cho ai.
Cứ như vậy, chúng tôi theo đại đội trưởng Tăng. Hai người gánh đồ vẫn tiếp tục gánh chúng tôi và hành lý. Mỗi lần lên lộ, chúng tôi mới phát hiện ra sự cách biệt rất xa giữa tốc độ hành quân và bước đi chậm chạp của mình, quân đội có thể đi một mạch mấy tiếng đồng hồ không nghỉ, kể cả hành quân đêm. Nửa đêm, bất chợt có thể lên đường. Cứ thế đi được hai hôm, hai người gánh đồ bắt đầu than thở, họ nói với ba tôi là không làm nữa. Ba tôi chỉ biết năn nỉ, hy vọng họ nhẫn nại, gánh tiếp chúng tôi đi, nhưng hai người bắt đầu từ chối quyết liệt. Họ bảo:
- Chúng tôi không đi nữa, chúng tôi phải về nhà! Món tiền này khó nhá lắm, chúng tôi không làm!
Ba tôi nói ngon nói ngọt gì họ cũng không nghe. Đang lúc giằng co, đại đội trưởng Tăng vội bước tới, nói như hét lớn:
- Không làm hả? Ai cho phép mấy người không làm. Đã thỏa thuận đi đến Quảng Tây, chưa đến Quảng Tây, mấy người muốn đổi ý hả?
Hai người gánh đồ thấy đại đội trưởng Tăng dữ dằn phát sợ, không dám nói thêm gì, một trong hai người còn lầu bầu kêu khổ, đại đội trưởng Tăng đưa tay vỗ bốp một tiếng lên khẩu súng lục đeo bên hông, nhướng mày hỏi:
- Người nào không muốn làm?
Hai người gánh đồ chẳng ai dám hó hé nửa lời. Ngày hôm đó, chúng tôi vẫn đi tiếp. Chiều tối, dừng lại ăn cơm. Quân đội thì có anh nuôi, chuyên lo cơm nước, bất cứ lúc nào cũng có thể đặt lò làm cơm. Lúc ăn, một người gánh đồ đã để lộ u vai của mình, ba tôi nhìn mới biết trên vai người đó bị bong đi một mảng da lớn và đang rỉ máu. Ba tôi hốt hoảng. Đại đội trưởng Tăng đứng bên cũng nhìn thấy. Khi bộ đội sắp sửa hành quân, đại đội trưởng Tăng dắt lại một con ngựa, nói với ba tôi:
- Ông Trần, ông cho mấy cháu cưỡi ngựa, để bớt nặng cho mấy người kia!
Ba tôi tuân lệnh, không phải vì mình mà là vì mấy người gánh đồ. Thế rồi ba tôi cũng lên lưng ngựa, tôi ngẩng đầu nhìn ba, không mấy tin tưởng ở cái tư thế cưỡi ngựa của ông. Ông ngồi vắt vẻo, trông chẳng oai vệ tí nào. Đại đội trưởng Tăng ẵm tôi ngồi vào lòng ba, rồi hỏi:
- Được chưa? Ông Trần, ông có biết cưỡi ngựa không đó?
- Yên trí, ba vui vẻ nói: Tôi đâu có như bà xã nhà tôi...
Nói chưa dứt lời, con ngựa nguẩy đầu, hích mông, tôi chỉ còn kịp nghe ba tôi kêu "ối a" và ôm tôi lăn từ trên lưng ngựa xuống, tôi ré lên, văng ra mặt đất. Sợ quá tôi khóc rống lên, mẹ tôi hốt hoảng ôm chặt tôi, xem tôi bị thương ở chỗ nào. Cũng may, tôi không bị thương, chỉ trầy sơ sơ, ba tôi cũng không việc gì, ba nói như chữa thẹn với đại đội trưởng Tăng:
- Coi bộ con ngựa này nó không có cảm tình với tôi!
Đại đội trưởng Tăng cười ha hả:
- Ông Trần, học hành thì ông giỏi, cưỡi ngựa thì ông chẳng ra gì!
Nói xong, ông quay mình, lên ngựa, nói với tôi:
- Cháu ngồi lên đây với chú!
Tôi lắc đầu lia lịa, quấn chặt vào lòng mẹ. Đại đội trưởng Tăng an ủi:
- Chú không như ba con, chú không để con bị ngã đâu mà lo!
Nói xong ông xuống ngựa, chẳng nói chẳng rằng ôm chặt lấy tôi, rồi nhảy lên lưng ngựa, tôi không còn biết mình lên như thế nào thì đã ngồi lọt thỏm vào lòng ông ta. Ông vòng tay đỡ tôi và hỏi: Thế nào? Chắc chắn chứ?
Tôi chẳng nói chẳng rằng. Ở tuổi ấu thơ, ấn tượng của tôi về ông Tăng khá đậm nét. Đó là một nhân vật đáng kính trọng nhưng cũng đáng sợ, ông ta oai vệ, dũng cảm, thô kệch, táo bạo... Không hỏi tôi gì nữa, ông kéo dây cương, hô lớn:
- Chuẩn bị, xuất phát!
Cả đoàn người ngựa tiến về phía trước. Tôi ngồi vậy, gió núi thổi mát rượi, lưng ngựa nhún từng nhịp một, hai chân duỗi thẳng, so với ngồi bó chân trong thúng thoải mái hơn nhiều. Tại sao Kỳ Lân và bé Tam đều muốn cưỡi ngựa mà ông lại chọn tôi, tôi không hiểu hết ý, và cũng gần như quên mất chuyện ngã ngựa vừa rồi. Tôi ngoảnh đầu nhìn đại đội trưởng Tăng, liền gắt gặp ánh mắt ông, thì ra ông đang cười với tôi!
- Chú có hai đứa con. Ông nói nhỏ nhẹ, chú không có con gái! Chú thích con gái lắm!
Tôi cười, nhưng chẳng nói gì. Tánh tôi lúc nhỏ là vậy, trầm lặng và hay mắc cở.
Từ hôm đó trở đi, tôi không ngồi thúng nữa, thật tội nghiệp cho bé Tam và Kỳ Lân! Ai mà biết được chính sự sắp đặt đó đã tạo ra bao nhiêu biến cố giữa tôi và hai em trai tôi.