Tuy nhiên Eberhard chạy theo người đầy tớ. Đến góc phố Peter Madsen anh dừng lại ngập ngừng, nhưng trong khoảnh khắc một giây anh thấy lại cái áo choàng ngắn màu xanh và vội vàng chạy đuổi theo. Anh dừng lại cách người đầy tớ một quãng đứng dưới bóng những bức tường. Thế là hai người đến một phố lớn ít có ngọn đèn đường chiếu ánh sáng yếu ớt xuống những mặt tiền lộng lẫy và những cửa sổ cao.
Đó là khu lịch sự của thành phố, tĩnh mịch và trang nghiêm. Bước chân của những đầy tớ vang lên trên gạch lát và Eberhard phải đi chậm lại. Bỗng nhiên những đầy tớ đi ngang qua giữa hai chiếc đèn lồng bằng đá treo bằng những sợi dây. Một cánh cửa nhỏ mở ra ở một cổng lớn rồi đóng lại phát tiếng vang ra ngoài phố. Eberhard vội vàng bước ra khỏi bóng tối và đọc trên phù hiệu ở tường thành, dưới cái mũ miện bá tước, một cái tên mà tôi buộc phải giữ kín, ông bác sĩ ạ, một cái tên mà môi tôi chưa đọc lên bao giờ mà cũng sẽ không bao giờ đọc lên. Nó được mang bởi một trong những dòng họ quan trọng nhất và lâu đời nhất nước. Đó là tên của bố tôi. Nó lẽ ra cũng là họ của mẹ tôi và của tôi nếu...Nhưng chỉ có Chúa mới biết được đường đi tốt hơn.
Không lưỡng lự một giây nào, Eberhard giơ tay kéo cái vòng sắt nặng. Vang lên những bước chân ở bên kia cổng và người ta mở một lỗ nhìn. Eberhard nhận thấy một khuôn mặt chiếu sáng bởi ngọn đèn cầm ở tay. Đó là mặt của người gác cổng đội mũ cát két, có hàng ria mép đen bé. Eberhard xin nói chuyện với bá tước.
- Nói chuyện với bá tước – Người gác cổng càu nhàu trong khi giơ cao chiếc đèn để ánh sáng rơi vào Eberhard – với ai trong hai bá tước?
- Với bá tước trẻ - Eberhard đáp.
- Anh không thể gặp ông ấy như thế này được, anh bạn ạ, cần phải báo trước.
Và người gác cổng định đóng lỗ nhìn.
Nhưng Eberhard đã đặt bàn tay ở đó và đòi đưa vào chỗ bá tước trẻ ngay lập tức. Người gác cổng nhìn anh ngần ngại. Khuôn mặt và giọng nói của Eberhard bộc lộ một uy quyền khiến người kia phải cân nhắc hành động, và sau khi xem xét lại anh một lần nữa qua ánh đèn, liền kéo thanh sắt chốt bên trong cánh cửa nhỏ. Cửa mở ra. Eberhard bước vào dưới một vòm cao trắng, nền lát đá. Trước mặt anh bóng râm bao trùm những toà nhà, người ta chỉ thấy một góc của chuồng ngựa quét vôi!
- Bartholin – người gác cổng gọi – nên làm thế nào với người này? Anh ta muốn nói chuyện với bá tước trẻ.
Người đầy tớ xuất hiện ở cầu thang danh dự và nhìn Eberhard.
- Trời ơi, lại là anh! Sao anh lại có thể nghĩ, người ta đã bảo anh rằng…
Eberhard bình tĩnh bước lên cầu thang. Anh đẩy người kia ra một bên và tiếp tục leo lên các bậc đá cẩm thạch trắng. Hai người đầy tớ há miệng nhìn nhau.
- Anh ta điên – Bartholin kêu lên – khốn nạn rồi , bá tước già sẽ nói sao đây? Nếu mày biết là hôm nay tao đã ở đâu! Người ta sẽ đuổi cà hai chúng ta vì đã để cho anh ta vào – Và anh ta leo bốn bậc một đuổi theo người khách không mời mà đến.
Nhưng khách đã ở trong tiền sảnh, giữa những cây cột và những pho tượng và khi Barhtholin chạy đến để ngăn anh lại, anh đã giơ hai cánh tay dài ra đẩy ép người hầu phòng vào tường. Bartholin trông thấy anh điT đến cái cửa đỏ lớn ở bên phải đã cố sức ngăn lại. Họ đánh nhau trong im lặng một lúc rồi người đầy tớ ngã quỳ xuống vừa buột ra một tiếng kêu đau rất ngắn. Màn cửa đẩy ra và một ánh sáng gay gắt soi sáng gian phòng tiền sảnh tối tắm. một người bé nhỏ tóc bạc hiện ra chỗ hé mở. Ông có bộ mặt nhọn hoắt, cạo nhẵn và mặc trang phục thị thần quy lốt và gươm ngắn.
- Ai kêu ở đâu vậy? Tôi đang trông thấy gì thế này?
- Tôi tên là Eberhard Sébastien Baden – Eberhard nói, vừa tiến lên một bước – Đầy tớ của ông muốn ngăn tôi đến tìm con trai ông. Tôi tìm anh ấy chứ không phải ông.
- Cái gì? Sao anh dám? – Bá tước già nổi giận, nhìn Eberhard từ đầu đến chân – Anh dám xưng hô với tôi như thế hả?
- Tôi dùng tiếng "ông" để nói với tất cả mọi người trừ Chúa. Chỉ có đối với Người tôi mới gọi là Chúa Trời – Eberhard nhìn bá tước với vẻ nghiêm khắc khiến ông quay nhìn sang bên – Đừng khiêu khích tôi nếu ông không muốn công bố cho mọi nhà trong thành phố này biết một hành động sai trái phải trong bí mật. Chính là tôi muốn nói chuyện với con ông.
Giữa lúc ấy một tiếng nói yếu ớt cất lên trong phòng.
- Cái gì vậy bố?
Bá tước lúng túng lùi lại một bước, nên Eberhard có thể vào trong phòng khách sáng choang. Cái nhìn của anh lướt qua một cách thờ ơ những cửa sổ lớn phủ màn, cái đèn chùm pha lê, những tấm gương bọc vàng, những công xon, những bức tranh, trang trí tường và trần. Anh đứng lại giừa cảnh huy hoàng này, trước một một người trẻ tuổi nằm gần bàn, trên một cái giường nghỉ có rải thảm Đông Phương. Ông giở một cuốn sách nhỏ đóng bìa da dê. Vừa nhìn thấy Eberhard ông chống khuỷu tay nghển lên, bộ mặt tái nhợt của ông càng tái hơn và sững sờ trong lúc những ngón tay gầy guộc để rơi cuốn sách.
- Tôi thấy ông đoán biết tôi là ai, bá tước Hermann ạ - Eberhard nói to – và tôi thấy rằng ông biết tôi từ đâu đến. Tôi đến từ ngôi nhà ở phố Pistolet, cái nhà thổ mà vợ ông đã cho ra đời đứa con trai thừa kế tên ông, địa vị của ông, lâu đài này. Tôi đến để hỏi ông vì sao mãi đến hôm nay, mười ba năm sau ngày sinh của con và ngày chết của mẹ nó, ông mới cho biết tin tức của ông. Ông đã trốn đi, ông đã bỏ cô ấy, vợ ông chết vì nhục nhã và khốn cùng, con trai ông sinh ra ở nhà chúng tôi, ở chỗ các cô gái mại dâm phô Pistolet. Tại sao ông ruồng bỏ đứa con, không cứu giúp, không nâng đỡ?
Một sự yên lặng nặng nề. Chỉ nghe những cây nến cháy lách tách, tiếng thì thầm của tia nước trong vườn, và tiếng lửa bập bùng. Eberhard tiếp tục:
- Đừng nghĩ rằng tôi đến đòi hỏi ông nhiều tiền hơn số ông đã hứa cho trong văn bản này – Anh chỉ bức thư – Đừng nghĩ rằng tôi đòi hỏi ông phải nhận lại con trai của ông và cho nó tên ông, địa vị của ông và cho phép nó ở phòng khách này. Tôi đã dạy cho nó biết đánh giá và vứt bỏ xã hội thượng lưu này, của cải, vàng bạc, những phòng khách đẹp đẽ sang trọng và tôi sẽ dạy nó khinh bỉ bố nó và những kẻ giống thế. Tôi đã nuôi nó thành cây gậy của Chúa Trời để trừng phạt ông và những người giống như ông. Chúng tôi chỉ đòi có thế - Anh vung vung bức thư cấp tiền cho nó đi học – rồi đây nó sẽ trở thành một tôi tớ chân chính không phải của cái Giáo hội của các ông, vốn là công trình của Bélial, mà là của nhà thờ của những trái tim. Nó sẽ được trang bị để một ngày kia sẽ chế ngự ông, bố nó. Nó sẽ đủ mạnh để nắm giữ những cột trụ kia và đạp đổ mái nhà của ông xuống đầu ông và những người của ông. Ông viết rằng thằng bé phải ở lại trong nước, nó sẽ ở lại, mặc dù tôi đã có những kế hoạch khác. Nhưng ông hãy hiểu rằng nó phải dưới sự bảo vệ của tôi như từ trước đến giờ. Tôi không tha thứ bất kỳ sự can dự nào của ông. Mong sao ý chí của Chúa phòng giữ cho nó khỏi ông và người của ông. Tôi đến đây chỉ duy nhất để báo cho ông biết một lần cuối cùng. Hãy thay đổi cách sống, hãy trở về với mình, hãy quỳ xuống chân Chúa. Cuộc phán xét đã gần rồi. Cái rìu đã gần với gốc rễ của tim ông. Đừng quên lời tôi vì Chúa nói qua miệng tôi.
Eberhard cầm tài liệu trên tay, quay sang phía ông bá tước già. Ông này tái xanh như xác chết, run rẩy chân tay, đã kéo ra một nửa cái kiếm để phô trương, trong khi thân mình yếu ớt của con trai, chấn động bởi cơn co giật, ngả lại vào đống chăn và từ các quyển sách nhỏ bung ra một trận mưa những hoa khô, thư và thiếp ướp nước thơm.
- Bỏ kiếm vào bao đi, ông già tội lỗi và chai đá kia. Với cái tạt trái của bàn tay, tôi có thể bẻ gãy sự chống cự của ông và ném ông ra khỏi cửa sổ này. Nhưng bàn tay của Chúa sẽ quật ông chắc hơn. Nó sẽ biến ông thành bụi cũng như vua mà ông phụng sự và nhà nước mà ông đại diện.
Anh quay trở lại, bình thản đi ra qua trước mặt người hầu phòng hoảng sợ và những đầy tớ khác nghe động chạy đến. Đàng sau anh người ta nghe ông bá tước già kêu lên: Đồ điên rồ! Mày đã làm gì? Ồ, ngông cuồng, mơ mộng! Rồi một tiếng kêu thé lên tiếp theo là tiếng than của bọn đầy tớ: bá tước Hermann lại lên cơn co giật!
Eberhard xuống cầu thang, bình yên và trở về nhà, thằng bé đã ngủ trong căn phòng vắng vẻ. Eberhard bế nó lên tay, áp đầu nó vào ngực mình, bọc nó trong áo choàng và im lặng, mắt mở to, ngồi suốt đêm trên chiếc hòm với gánh nặng của anh. Chắc là anh nhìn thấy trong bóng đêm, những khu rừng xanh muôn thuở của tổ quốc anh, cái nhà nhỏ mà anh sẽ không bao giờ bước khỏi ngưỡng cửa nữa nếu anh không muốn làm cho đứa bé tuột khỏi số phận của nó, đứa bé anh đang giữ trên cánh tay mà anh chính là Saint-Christophe của nó. Một ngày kia – anh đã nói – đứa bé này sẽ được trang bị sẽ đứng lên trước mặt bố nó và ông nó, trước con rắn hai đầu là Giáo hội và Nhà nước. Than ôi! Những vũ khí của Eberhard đã bị gỉ từ lâu rồi. Anh đã phải rời Halle trước khi tốt nghiệp và mười hai năm lao động vất vả trong Khu Rừng Đen, hai mươi ba năm kiệt sức trong việc đi dạy kèm và liên lạc thu tín thương mại đã làm anh quên hết những kiến thức đã học. Nhưng lẽ nào anh lại không như thánh Chirstophe chỉ có sức mạnh thôi cùng đủ khoẻ để bế Christ?
Trong đêm, Eberhard đã cám ơn Chúa đã lấy đi của anh không những tham vọng thời tuổi trẻ mà lấy đi cả hy vọng cuối cùng của anh, như thế là cho phép anh chỉ còn là một công cụ dễ bảo.
- Ồ, bà Guyon, ồ, Fénelon, thiên nga của cambrai, chúc mừng sự giáo dục mà các vị đã cho tôi. Sung sướng thay, tôi đã được nghe tiếng nói của các vị từ hồi tôi còn trẻ!
Eberhard suy nghĩ rất lâu về tương lai của họ và thừa nhận rằng họ phải ở lại trong xã hội này để Bénédict có thể hiểu được những nguy hiểm của nó và để học nhìn thẳng vào mặt kẻ thù. Anh nhớ đến một quảng cáo trong tờ báo Berlingske Tidende liên quan đến một chỗ làm trực cửa trong một trường học lớn gần Norrenport. Anh xin làm việc đó. Người ta sẽ không từ chối công việc đó với một sinh viên đã bán phần tú tài thần học. Bénédict có thể theo học các lớp và thường xuyên dưới sự trông nom của anh. Một trăm rixdanle của bố Bénédict đóng hàng sáu tháng một lần không đặt vào khoảng trợ cấp hàng tháng mà được gửi vào nơi chắc chắn để làm học phí cho đứa trẻ nhỡ khi Chúa gọi Eberhard về trước khi nó chưa học xong. Tiền lương làm trực cửa sẽ nuôi sống cả hai. Eberhard áp mái đầu bạc của anh vào tường xám và ngủ say sưa. Anh nghe tiếng thì thào của khu rừng lớn. Phải chăng là những silvae nigrae hoặc là những silvaealbae, những khu rừng hoa huệ trên bầu trời giữa biển pha lê?