Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> Những bí mật về chiến tranh Việt Nam

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 58375 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những bí mật về chiến tranh Việt Nam
Daniel Ellsberg

Chương 20

Sáng sớm ngày 1-10-1969, tôi mở két sắt bí mật trong góc phòng làm việc và bắt đầu chọn ra những tập trong tài liệu của McNamara để nhân bản đêm hôm đó. 47 tập chất đầy hai ngăn kéo, cao khoảng 8 feet. Tôi nghĩ nên bắt đầu từ những nghiên cứu được ưu tiên hàng đầu. Tôi không biết mất bao lâu mới photocopy xong một tập và cũng không biết là có thể photocopy hết được không trước khi đến giờ phải công bố tài liệu này. Tôi muốn công bố trước ngày 15-10 và từ nay đến lúc đó cũng không còn nhiều thời gian nữa.

"Tôi có thể bị phát hiện trước khi làm được điều đó. Thực ra có khi chỉ 10 phút nữa thôi tôi cũng sẽ bị phát hiện. Tôi không nghĩ rằng điều đó rất dễ xảy ra. Tôi không còn nhớ là bảo vệ có yêu cầu kiểm tra cặp sách của tôi khi tôi rời nhiệm sở hay không. Và tôi cũng không nhớ là chính mình đã từng nhìn thấy bảo vệ làm điều đó với ai hay là trên thực tế họ không bao giờ làm cả: Tôi chưa bao giờ có cơ hội nghĩ hoặc để ý đến điều đó. Tôi chưa bao giờ mang tài liệu mật của Rand về nhà. Ở Washington thì lại khác. Ngay cả ở đó tôi cũng chưa bao giờ mang tài liệu mật về nhà, nhưng tôi thường xuyên ra vào Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ với các bức điện tín mật. Khi tôi rời phòng làm việc về các vấn đề an ninh quốc tế, cửa phòng làm việc luôn mở, trên bàn để những chồng tài liệu mật cao. Luôn có một, hai người thư ký ngồi phía bên ngoài, nhưng không phải lúc nào cũng vậy và cửa các phòng làm việc của khu vực các vấn đề an ninh quốc tế cũng không khoá.

Nhưng Công ty Rand thì khác. Rất hiếm khi người ta đi ra sảnh lớn với tập tài liệu mật trên tay, trừ phi ra vào Phòng kiểm soát tối mật. Bạn không thể để tài liệu mật trên bàn hoặc thậm chí để trong két sắt khoá lại khi bạn rời khỏi phòng làm việc.

Bạn không được phép rời mắt khỏi nó một lúc nào trừ phi bạn có một két sắt tối mật khoá lại, nhưng không phải nhiều người có két sắt như vậy. Những ai không có sẽ phải đọc nhờ tài liệu tối mật ở phòng kiểm soát tối mật hoặc trả tài liệu về đó khi rời cơ quan. Điều đó hơi bất tiện nếu như bạn thường xuyên muốn đọc tài liệu mật đó, nhưng đa phần mọi người không thưòng xuyên làm việc với tài liệu mật nhiều đến như vậy. Nếu họ cần, họ sẽ cố gắng có két sắt tối mật cho riêng mình. Những két sắt này nặng hơn két sắt bảo mật thông thường và khoá cũng khác.

Một két sắt tối mật rất dễ nhận ra trong phòng bởi vì nó màu đen, chứ không phải màu ghi. Phần lớn các két sắt có hai ngăn kéo. Một số có 4 ngăn, tất cả đều để kín tài liệu.

Tôi bắt đầu với tập tài liệu về giai đoạn 1964- 1965. Giai đoạn này phù hợp nhất với thời điểm hiện tại. Đó là giai đoạn lịch sử mà tôi cố gắng không muốn lập lại: một vị Tổng thống đe doạ leo thang chiến tranh, và có những kế hoạch bí mật để thực hiện điều đó; một cuộc chiến đang ngày càng mở rộng và kéo dài hơn, mà dư luận hoàn toàn không hề biết đến. Bản thân những tập tài liệu đó sẽ kể những câu chuyện cần được kể, như là những thông tin cơ bản cho những lập luận của tôi về chính sách của Nixon. Ít nhất điều đó sẽ chứng minh tất cả những gì đã xảy ra từ trước đến nay. Sự thật là điều đó đã lập đi lập lại trong vòng 24 năm. Bằng chứng của việc làm đó hiện cũng đang nằm trong két sắt của tôi: đó là toàn bộ nghiên cứu, nhưng mất nhiều thời gian để nhân bản. Tôi hy vọng chỉ trong một vài đêm tôi sẽ nhân bản được tài liệu nói về giai đoạn 1964- 1965 để tôi có thể phát tán, thậm chí nếu tôi có bị bắt trước khi kịp nhân bản số tài liệu còn lại.

Những tập tài liệu này rất dày. Tài liệu tôi có trong két sắt bảo mật bao gồm những tập mà tôi chưa bao giờ nhập vào hệ thống. Tài liệu đó có bìa các tông màu xanh. Cả bìa trước và sau đều ghi "Tối mật" bằng chữ đen và to cả ở phía trên và phía dưới trang bìa. Tôi đút những tập tài liệu này vào cặp sách da màu nâu của mình và đi xuống dưới nhà. Tôi biết rất rõ về những gì mình đang mang trong cặp sách. Chưa bao giờ tôi đi qua bảo vệ dưới nhà với tài liệu mật trong cặp cả.

Tôi mở cửa đi ra sảnh lớn dưới nhà. Như thường lệ có hai bảo vệ ngồi ở bàn. Tôi đeo thẻ ra vào nhưng chỉ cần nhìn là họ biết ai là ai ngay. Họ nói: "Tạm biệt, Dan", rất thân thiện như mọi ngày và tôi cũng vẫy tay chào họ khi tôi đi ngang qua bàn.

Một bảo vệ tìm tên tôi trong danh sách và ghi lại thời điểm tôi rời cơ quan. Tôi đẩy cửa kính và bước ra bãi đỗ xe.

Tôi đi thẳng về căn hộ của Tony Russo. Lúc đó có cả Lynda Sinay ở đó nữa. Cô ấy rất xinh, khoảng ngoài 20 tuổi và cũng rất thông minh nữa. Cô ta còn trẻ để điều hành một công ty quảng cáo. Chúng tôi lái xe đến văn phòng công ty cô ta ở góc đường Melrose và Crescent. Văn phòng nằm ở tầng 2, trên một cửa hàng hoa. Lynda hướng dẫn chúng tôi cách tắt hệ thống chuông báo động bằng một chìa khoá đặc biệt.

Máy photocopy nằm trong phòng khách. Ngoài ra còn có hai phòng nữa, rộng hơn, có bàn làm việc, một bếp nhỏ và một nhà tắm. Lynda hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng máy photocopy. Đó là một máy photocopy to, rất hiện đại so với thời đó, nhưng rất chậm so với tiêu chuẩn ngày nay. Mỗi lần chỉ chụp được một trang và phải mất vài giây mới xong. Tôi cố gắng ấn quyển sách xuống mặt kính, hy vọng mỗi lần chụp được 2 trang nhưng phần ở gáy sách chụp rất mờ. May sao, những tập tài liệu này được đóng gáy xoắn nên có thể dỡ tung ra. Tôi cố gắng tháo gáy xoắn thật cẩn thận để không bị phát hiện. Lúc đầu tôi dự định sao chụp thành hai bản, mặc dù sẽ mất thời gian hơn. Máy photocopy này không tự sắp xếp theo đúng trật tự được. Tony và Lynda đang ngồi nói chuyện ở phòng bên cạnh. Tôi đưa một tập tài liệu cho Tony và bảo anh ấy sắp xếp theo đúng thứ tự. Tôi quay trở lại máy photocopy và tiếp tục công việc của mình.

Có tiếng gõ cửa trên cửa kính phía bên trái tôi. Hai cảnh sát mặc đồng phục xuất hiện. Một người vừa dùng gậy gõ vào cửa kính. Anh ta ra hiệu cho tôi mở cửa. Tôi đậy nắp máy photocopy lại, đè lên trang có đề dòng chữ tuyệt mật. Khi tôi quay ra để mở cửa thì tôi vô tình đánh rơi một tờ giấy trắng lên trên tập tài liệu có hàng chữ tuyệt mật. Tôi nghĩ: Lạy chúa! Tôi hỏi họ: "Có việc gì không, thưa các ông?"

Một người cảnh sát nói: "Hệ thống báo động của ông đã tắt".

Tôi gọi với vào phòng bên cạnh: "Lynda, có ai cần gặp cô đây này". Tôi hy vọng Tony sẽ che những tờ giấy đó đi. Anh ta đã làm điều đó khi cảnh sát bước vào.

Một người cảnh sát nói: "Chào Lynda. Cô lại quên không bật hệ thống báo động".

Lynda nói: "Ôi, lạy chúa, tôi xin lỗi. Tôi hoàn toàn không biết sử dụng cái chìa khoá chết tiệt này".

Người cảnh sát nói: "Ồ, không sao. Cô nên rút kinh nghiệm về chuyện này".

Lynda nói: "Vâng, tôi sẽ rút kinh nghiệm". Họ chào tạm biệt. Chúng tôi nhìn nhau, thở phào nhẹ nhõm rồi tiếp tục làm công việc của mình.

Tony thay tôi photocopy tài liệu, còn tôi thì sắp xếp theo thứ tự. Một lúc sau, Tony và Lynda về nhà. Tôi muốn photocopy được càng nhiều càng tốt. Tôi làm việc suốt đêm.

Để cho nhanh, tôi cố gắng phối hợp các hoạt động thật nhịp nhàng. Một tay cầm tờ giấy lên, một tay đặt xuống máy, bấm nút, đợi, nhấc tờ giấy ra, để sang bên phải và đặt tờ giấy khác vào máy. Ngày nay quy trình này nghe rất quen thuộc nhưng lúc đó là cả một công nghệ mới. Hơi mất thời gian khi phải nâng nắp máy lên rồi đậy xuống và tôi không hiểu tại sao lại phải làm như vậy. Đó là để cho bản photocopy được đẹp hay là muốn bảo vệ mắt? Ánh sáng có sáng quá không nhỉ? Máy móc hoạt động ra sao? Ánh sáng màu xanh lá cây đó có gây phóng xạ không? Để tiết kiệm thời gian, tôi bắt đầu photocopy từ trên xuống - những bản sao trông rất đẹp - hy vọng rằng tôi sẽ không bị đau đầu hay mù mắt. Tôi cố gắng không nhìn thẳng vào ánh sáng, hoặc là tôi nhắm mắt lại. Nhưng thị lực của tôi thấy vẫn bình thường và tôi không còn lo lắng nữa.

Tới 5h30 , trời đã sáng và tôi muốn nghỉ. Tôi đóng gáy xoắn lại cho tập tài liệu, rất cẩn thận để người khác không phát hiện ra là tôi đã tháo ra. Tôi hoàn thành xong việc sắp xếp các trang theo đúng trật tự vốn có. Tôi để riêng những trang photocopy mờ hay bị hỏng. Tất cả mọi trang đều đề "Tối mật" và văn phòng của Lynda không có máy huỷ giấy. Tôi cho chúng vào cặp để về huỷ tại Công ty Rand. Ở Lầu Năm Góc, người ta cho giấy tờ bí mật vào những chiếc túi lớn, cuối ngày gom các túi này lại và đem đi đốt. Tại Công ty Rand, tài liệu mật đi theo một cái máng vào trong thùng rác to ở dưới tầng hầm và được huỷ tại đó.

Lúc đó còn quá sớm để đến cơ quan. Tôi thường làm việc rất muộn và bảo vệ không bao giờ thấy tôi đến cơ quan trước 8 giờ sáng. Trên đường về nhà, tôi dừng lại ở Zucky và ăn một bữa sáng. Tôi đợi đến 8 giờ, sau đó đi vào sảnh lớn với cặp tài liệu của mình, đi ngang qua bảo vệ, họ chào, kiểm tra và cho tôi vào. Không có vấn đề gì. Tôi cho tài liệu vào trong két sắt, khoá két lại, rời cơ quan theo một cửa khác và đi qua những người bảo vệ khác. Tôi về nhà và ngủ một lúc. Nhà tôi năm trên đường cao tốc Pacific Coast đi Malibu. Tôi không quen lái xe trên con đường đó vào giờ đó. Ánh nắng xuyên xuống từ một hướng khác, mặt trời đang mọc phía bên tay phải tôi, thay vì tay trái. Buổi sáng trời rất quang đãng, bầu trời trong xanh.

Trước khi đi ngủ, tôi đi bơi một lúc. Tôi không biết mình còn có bao nhiêu buổi sáng được đi bơi như vậy nữa.

Buổi chiều, sau khi tôi đã ngủ được một vài tiếng, tôi quay trở lại Công ty Rand và giải quyết tiếp công việc. Có một cuộc họp trong nhóm làm việc của chúng tôi để quyết định về bản thảo bức thư. Khoảng 7 giờ tối ngày hôm đó, tôi đút tài liệu tối mật vào cặp sách và đi qua bảo vệ an toàn. Tôi tới văn phòng của Lynda và photocopy cả đêm ở đó. Việc làm này đã thành thông lệ trong những ngày tiếp theo. Tôi không được ngủ đủ.

Đó là một công việc mệt mỏi triền miên. Nhưng cũng có những việc khác nữa khiến cho công việc đó không đơn điệu.

Dòng chữ đánh dấu tuyệt mật trên phía đầu và phía dưới mỗi trang ngay lập tức khiến tôi nhớ lại những hiểm nguy. Tôi chưa biết làm thế nào để tiết lộ những thông tin bí mật này trước công chúng. Nhưng dù điều đó có xảy ra như thế nào thì nó cũng sẽ làm thay đổi cuộc sống của tôi rất nhiều và nhanh chóng. Điều đó sẽ sớm xảy ra, có thể chỉ trong hai tuần nữa - vào ngày 15-10 hoặc một tháng sau đó, ngày 15-11. Khoảng một tháng nữa, tôi sẽ bị tống giam, có lẽ là đến hết đời.

Tôi cho rằng điều hiển nhiên là tôi đang phạm luật. Trong sự nghiệp của mình, kể từ khi gia nhập Hải quân Mỹ, tôi đã ký khoảng 12 thoả thuận cam kết giữ bí mật khác nhau. Mỗi lần ký, tôi thường liếc nhìn những dòng chữ cảnh báo quy định những đạo luật của liên bang mà theo đó tôi sẽ phải chịu sự truy tố và tống giam nếu tôi "tiết lộ thông tin có liên quan tới an ninh quốc gia" cho những ai không có phận sự. Tôi chưa bao giờ đọc những lời cảnh báo đó thật cẩn thận bởi vì tôi chưa bao giờ nghĩ mình có ý định làm gì để phải chịu sự trừng phạt đó cả. Do vậy tôi không bao giờ tìm hiểu xem là những đạo luật như vậy sẽ được áp dụng như thế nào. Nhưng người ta không cần phải đọc những lời cảnh báo đó mà phải tự biết rằng công bố các tài liệu tuyệt mật không được phép là một tội ác nghiêm trọng. Điều đó quá hiển nhiên.

Đồng thời, tôi hơi mường tượng ra rằng những vụ tiết lộ thông tin cllo báo chí, cứ cách ngày lại xảy ra một lần, không bị truy tố thường xuyên. Thực ra tôi không còn nhớ là mình đã từng biết đến một vụ truy tố nào như vậy chưa, mặc dù nhiều vụ tiết lộ thông tin đã khiến cho ngành hành pháp phát điên lên và nghe đâu là họ đã tập trung tiến hành điều tra rất sát sao: ít nhất trong một vài trường hợp như vậy, việc điều tra phải xác định được nguồn thông tin rõ ràng. Kể cả nếu các trường hợp đó không dẫn đến việc truy tố đi chăng nữa thì tôi phỏng đoán là chắc chắn phải có lý đo chính trị hay quan liêu - không quá khó để có thể hình dung ra một số lý do - mà có thể dẫn tới quyết định cố tình không truy tố. Dường như có khả năng điều đó sẽ xảy ra trong trường hợp này. Đối với tôi không sao cả. Nhưng cơ may dường như khá nhỏ, chỉ một hoặc hai phần trăm. Trong chừng mực tôi được biết, từ trước đến nay chưa có ai công bố hàng ngàn trang tài liệu tối mật cả.

Tôi không biết làm thế nào mà các cấp chính quyền có thể bỏ qua sự thách thức đối với một hệ thống như vậy nếu họ tìm thấy nguồn thông tin. Và trong trường hợp này, điều đó không khó khăn gì. Trong các trường hợp trước đây, có thể trở ngại đối với việc truy tố là ở chỗ khó xác định thông tin bị rò rỉ từ đâu để có thể tiến hành khởi tố. Thường là có rất nhiều mối nghi vấn tiềm tàng, tất cả đều phủ nhận đã làm rò rỉ thông tin và các nhà báo sẽ không cung cấp thông tin gì cả. Nhưng lần này tình hình lại không như vậy. Trừ phi vì một lý do nào đó tôi không thể đoán trước được rằng chính quyền quyết tâm không khởi tố vụ việc, còn nếu không chắc chắn người ta sẽ tiến hành điều tra hình sự. Ngay khi việc điều tra được tiến hành, chính quyền sẽ biết được nguồn rò rỉ thông tin, tôi dám chắc như vậy.

Chỉ có khoảng 12 người sở hữu tài liệu nghiên cứu của McNamara bên ngoài Lầu Năm Góc và rất ít người khác được tiếp cận với nó. Trên thực tế, mỗi người trong số họ đã bị chính quyền coi là những phần tử phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam và do vậy họ bị tình nghi. Nhưng đồng thời mỗi người trong số họ là cấp trên hoặc đồng nghiệp cũ của tôi; tôi quý trọng họ và trong đó có cả những người là bạn thân nhất của tôi. Tôi không muốn họ bị tình nghi nếu tôi có thể giúp được họ. Đem hết sức mình, tôi muốn bảo vệ họ khỏi liên luỵ về pháp luật hoặc hậu quả của cuộc điều tra. Điều đó có nghĩa là khi có những dấu hiện đầu tiên của cuộc điều tra hình sự đó, tôi sẽ tuyên bố rằng tôi là nguồn công bố thông tin duy nhất (tôi sẽ không làm điều này sớm, tôi sẽ không làm điều này để bị truy tố). Tôi sẽ nói rằng tôi hành động một mình, không những không nhận được sự hợp tác giúp đỡ của những con người cụ thể nêu trên mà còn không cho họ biết lý do nào để họ nghi ngờ rằng tôi sẽ làm một việc tày trời như vậy. Tôi muốn họ có thể qua được bài kiểm tra trên máy phát hiện nói dối. Tôi không tự lừa phỉnh bản thân rằng họ sẽ mang ơn tôi về điều đó. Một khi bản thân tôi đã quyết tâm làm việc này, tất cả họ sẽ phải trả giá cho việc trước đây họ có liên quan đến tôi và do vậy tôi mới được tiếp cận với tài liệu này. Đối với những người mà tôi thân cận nhất, gánh nặng có thể thật nặng nề. Tôi không biết cách làm thế nào để tránh được điều đó và cũng không biết cần phải làm thêm điều gì. Tất cả những gì tôi có thể làm cho họ là cố gắng hết sức giúp họ thoát khỏi vòng lao lý.

Nếu tôi không tiên đoán rằng những gì tôi đang làm có lẽ sẽ khiến tôi vào tù và rằng tình hình đã làm cho điều đó dễ chấp nhận hơn thì có lẽ tôi đã lo lắng hơn về sự nghiệp của các bạn đồng nghiệp. Nhưng một khi tôi đã quyết định rằng, tôi xác định làm công việc này thì tôi sẽ tập trung vào làm cho thật tốt.

Tôi không biết tương lai sẽ ra sao đối với tôi, hay đối với những người khác. Những người đang thực sự giúp đỡ tôi, bắt đầu với Tony và Lynda hiển nhiên là đang chịu những nguy hiểm nhưng họ đã tình nguyện làm điều đó. Tôi không nghĩ rằng mối hiểm nguy lớn đang chờ đón họ (tôi đã lầm). Họ không biết gì về nội dung của tập tài liệu đã photocopy. Ít nhất tôi khuyên họ không nên đọc tài liệu này, mặc dù điều đó không ngăn Tony. Thậm chí cả Lynda cũng đọc một ít.

Những gì tôi thực sự lo ngại là các con tôi sẽ biết về những gì tôi đã làm. Chúng đã quen với việc tôi đi xa, đến Washington hay Việt Nam. Nhưng lần này tôi sẽ ra đi mãi mãi.

Chúng có thể được vào thăm tôi trong thời gian ngắn nhưng tôi luôn hình dung ra hình ảnh những phòng thăm thân nhân trong một nhà tù an ninh nghiêm ngặt khi từ nay đến cuối đời, tôi chỉ còn được nhìn thấy chúng qua lớp kính và nói chuyện với chúng thông qua microphone luôn bị kiểm duyệt. Tôi chưa bao giờ phải ngồi tù. Khái niệm của tôi về nhà tù là có từ phim ảnh.

Tôi biết có những nhà tù giống như những câu lạc bộ ở vùng đồng quê nhưng tôi không nghĩ đó là nơi dành cho những ai đã nhân bản 7.000 trang tài liệu tối mật. Thực ra tôi cũng không nghĩ là tôi có thể trả tiền bảo lãnh để được tại ngoại trước khi tôi bị đưa ra xét xử. Do vậy trong một vài tuần nữa, tôi sẽ vĩnh viễn mất cơ hội được nói chuyện trực tiếp với các con tôi, trừ phi qua một lớp kính. Chúng sẽ nhìn thấy tôi tay bị khoá số 8, bị dẫn vào phòng thăm thân nhân, mặc quần áo tù nhân.

Ngay lập tức, vô tuyến truyền hình sẽ đưa tin rằng cha chúng là một kẻ phản bội, rằng cha chúng đã bị điên và làm chuyện kỳ quặc. Tôi muốn chúng nhớ tới những gì trái ngược hẳn lại việc làm đó. Nếu chúng ở cùng với chúng tôi một tối khi chúng tõi đang nhân bản tài liệu, chúng sẽ thấy rằng tôi không điên và công việc tôi đang làm không có gì kỳ quặc cả.

Tôi đang làm việc với các bạn của mình, làm những gì mà tôi tin rằng cần phải làm. Chúng có thể chưa đủ lớn để tự phán xét việc tôi làm là đúng hay sai, nhưng cùng với thời gian, chúng sẽ hiểu và nhớ rằng tôi đang hành động rất bình tĩnh, đang làm những gì mà tôi tin là đúng và cần thiết.

Điều cốt lõi là như vậy. Nhưng cũng còn một điều khác nữa. Từ nay đến cuối đời, tôi không còn giúp gì được cho chúng nhiều nữa, thậm chí không giúp chúng học hết được đại học; nhưng tôi có thể mang lại cho chúng một tri thức mà không dễ gì có được. Đó là những gì tôi nhận được từ Bob Eaton và Randy Keller; tôi rất biết ơn vì đã nhận được điều đó và có lẽ đó là thứ duy nhất tôi có thể dành cho các con tôi.

Chúng sẽ biết rằng tới một ngày nào đó bản thân chúng sẽ phải làm những điều giống như tôi đã làm. Nhớ lại tâm trạng hàng ngày của tôi khi chúng tôi làm việc và hồi tưởng lại toàn bộ câu chuyện khi bọn trẻ lớn lên và có lẽ tự chúng đọc lại toàn bộ nghiên cứu của McNamara, chúng sẽ biết rằng những gì tôi đang làm là đúng, là cần thiết, trong hoàn cảnh khi hành động có thể khiến chúng phải đi tù. Khi tình huống đó xuất hiện, chúng sẽ nhận ra, nhận ra nhanh hơn tôi. Chúng sẽ không cần phải gặp một Randy thứ hai nữa.

Tôi muốn điều này cho cả hai đứa con tôi, nhưng tôi biết mẹ chúng sẽ điên tiết lên nếu cô ấy biết việc làm của tôi liên luỵ tới Mary. Cô ấy cũng sẽ có cùng tâm trạng với Robert, nhưng Robert đã gần 14 tuổi rồi (trong khi Mary chưa đến 11 tuổi); và tôi quyết tâm tạo cho nó một cơ hội can dự vào việc này nếu như nó muốn. Tôi tin rằng tôi đã báo trước với vợ cũ, thu nhập của tôi và tiền cấp dưỡng nuôi con sẽ bị cắt giảm, nhưng tôi muốn nói chuyện với Robert trước.

Ngày thứ bảy, 4-10-69, ba ngày sau khi tôi bắt đầu nhân bản tài liệu, tôi đưa Robert đi ăn trưa tại chợ Brentwood.

Đó là nơi bọn trẻ con thích nhất (và là nơi mọi người ở Công ty Rand hay ra đó ăn trưa). Khi bọn trẻ con còn nhỏ, chúng tôi thường đạp xe từ San Vicente xuống đó, cách nhà chúng tôi một dặm, Robert tự lái xe, Mary ngồi sau xe tôi. Ở đó có một khoảng sân rộng, xung quanh có cửa hàng và có những chiếc bàn picnic làm bằng gỗ. Chúng tôi thường ăn thịt gà nướng, khoai tây chiến và uống nước dứa và nước dừa, nước táo và nho ở quầy bar.

Trong bữa trưa, tôi nói với Robert về nghiên cứu của McNamara. Tôi nói rằng tài liệu này công bố sự thật về những gì các vị Tổng thống dự định làm ở Việt Nam, trái ngược hoàn toàn so với những gì họ làm cho công chúng tin. Tôi nói với nó rằng điều đó sẽ lại xảy ra và cuộc chiến tranh sẽ có tiếp tục leo thang nhưng sẽ có tác dụng nếu chúng ta ngăn chặn trước không để nó xảy ra nếu như mọi người biết rằng trước đây họ đã bị lừa dối. Do vậy bằng cách nào đó ba sẽ công bố những thông tin đó. Nhưng vì là thông tin bí mật, ba sẽ phải ngồi tù, giống như những người trốn quân dịch vậy. Tôi kể cho con trai nghe về Bob Eaton và Randy Kehler. Tôi sẽ phải ngồi tù trong thời gian dài hơn.

Trước đó một tháng, tôi đã mang về từ hội nghị quốc tế của những người phản đối chiến tranh tại đại học Haverford một số truyền đơn, bao gồm cả truyền đơn "Về nghĩa vụ không tuân thủ công dân" của Thoreau và "Cách mạng và công bằng" của Barbara Deưùng. Con trai tôi đã đọc tờ truyền đơn của Thoreau và chúng tôi đã trao đổi về nội dung của tờ truyền đơn đó. Tôi nói với nó rằng đó là hành động không tuân thủ công dân. Tôi hỏi nó có muốn giúp tôi không. Nó nói nó sẽ giúp tôi. Tôi đã chọn ra một số tập tài liệu trong két sắt của Rand sáng ngày hôm đó và buổi chiều chúng tôi tới văn phòng làm việc của Lynda. Lynda đang làm việc ở đó, nhưng cô ấy nói nhân viên của cô sẽ không đến cơ quan trong hai ngày nghỉ cuối tuần. Tôi chỉ cho Robert biết cách sử dụng máy photocopy và để nó nhân bản trong khi tôi sắp xếp theo đúng thứ tự. Tất cả chúng tôi cùng đi ăn tối, sớm hơn thường lệ. Sau đó chúng tôi quay lại và làm tiếp.

Robert đang photocopy thì cảnh sát lại đến. Nó mời họ vào. Lần này có 3 cảnh sát, bất thần xuất hiện trong phòng làm việc của Lynda, nơi tôi đang ngồi trên sàn nhà cắt những dòng chữ "tối mật" khỏi phía trên và phía dưới trang giấy. Không có đủ thời gian để che đậy mọi thứ lại và đáng nhẽ ra 3 viên cảnh sát đã phải chú ý tới những mẩu giấy vụn có dòng chữ "tối mật" nằm vương vãi trên sàn nhà. Nhưng điều đó không xảy ra. Tôi đoán rằng khung cảnh lúc đó rất hợp lý: Lynda thì đang ngồi ở bàn làm việc và một đứa trẻ khoảng 12-13 tuổi gì đó đang lúi húi bên máy photocopy, một khung cảnh gia đình vào chiều thứ bảy. Ba viên cảnh sát rời đi ngay. Sau này Robert nhớ lại là hôm đó cảnh sát đến hai lần khi nó có mặt. Có thể nó nói đúng.

Tôi nhớ mang máng là có hai nhóm cảnh sát đến để hỏi về hệ thống báo động. Hai năm sau, khi Lynda xuất hiện trước bồi thẩm đoàn, uỷ viên công tố khăng khăng hỏi cô ta ngày chính xác cô ta có mặt khi tôi đang nhân bản tài liệu. Cô ta nói "Ông có thể biết được điều đó từ hồ sơ của đồn cảnh sát về số lần hệ thống báo động ngừng hoạt động". Uỷ viên công tố nói:

"Lynda, cô có nhớ là cô bật hệ thống báo động bao nhiêu lần trong năm đó?". "Khoảng 17 lần".

Chính lần đầu tiên cảnh sát đến một vài đêm trước đã khiến tôi nảy ra ý định cắt các dòng chữ tối mật trên các trang giấy.

Những dòng chữ này được in đậm bằng mực phía trên và phía dưới trang giấy. Từ phía bên kia phòng bạn cũng có thể nhìn thấy dòng chữ đó. Tôi biết đối với những ai không quen nhìn những dòng chữ đó thì hiệu quả thật đáng giật mình. Tôi còn nhớ cảm giác lần đầu tiên nhìn thấy dòng chữ "tối mật" mà đáng nhẽ ra tôi không được nhìn thấy, một bản kế hoạch chiến tranh mà một đại tá đã đưa cho tôi dưới tầng hầm của Lầu Năm Góc. Tim tôi đập nhanh, hơi thở gấp, cảm giác như có ai đang theo dõi tôi. Bây giờ, mặc dù tôi đã che dòng chữ "tuyệt mật" đi kịp thời không để cảnh sát nhìn thấy, nhưng sau khi họ đi, tôi nhìn lại nó từ nơi họ đã đứng.

Sự cố này khiến tôi nhận thức được một điều rằng toàn bộ quá trình nhân bản tài liệu có thể bị cảnh sát hay FBI phát hiện bất kỳ lúc nào trước khi tôi kịp công bố tài liệu. Họ sẽ tịch thu tất cả các trang tài liệu mà họ tìm thấy với tôi và bất kỳ trang tài liệu nào mà họ tìm thấy. Do vậy điều quan trọng là phải sao chụp đủ số bản cần thiết và giấu chúng tại những nơi khác nhau, để cho họ không thể tìm thấy tất cả các bản. Sau đó từ trong tù, bằng cách nào đó tôi sẽ nhắn tin ra. Người này sẽ thu thập đủ các bản tài liệu và đem đi xuất bản. Nhưng điều đó có nghĩa là đến một lúc nào tôi sẽ phải nhân bản tài liệu theo kiểu chuyên nghiệp; tôi không thể sao chụp đủ số bản bằng máy photocopy chậm như thế này được. Và tôi cũng không thể ra ngoài phố và đưa tập tài liệu có dấu "tuyệt mật" cho một nhân viên ở đó để nhân bản. Tôi phải làm cho nó giống như một tập tài liệu bình thường. Đó là lý do tại sao tôi muốn làm cho tập tài liệu không còn dấu "tối mật" nữa.

Tất nhiên những trang giấy bị cắt ngắn ở phần trên và dưới thì trông cũng không ổn lắm. Do đó tôi photocopy lại toàn bộ trang giấy để trông cho bình thường. Có lúc Tony Russo gợi ý với tôi cải tiến quy trình. Anh ta đo những mẩu các tông để khớp vào phần phía trên và phía dưới của trang giấy nơi dòng chữ "tối mật" bị đóng dấu vào. Anh ta dán những miếng các tông đó lên trên mặt kính của máy photocopy vào đúng vị trí và tôi chỉ việc đặt trang giấy của bản gốc lên trên, bấm nút và… xong! Ngay lập tức tài liệu không còn bí mật nữa. Đó là một tiến bộ lớn. Tôi sẽ không phải dùng kéo cắt nữa. Đó là công đoạn lâu nhất trong cả quy trình. Không phải là người khéo tay, tôi rất ấn tượng với tiến bộ này.

Nhưng thật không may, làm theo cách này không ổn. Một lúc lâu tôi không để ý nhưng hoá ra là những dấu "tối mật" vốn dĩ được đóng bằng tay, không phải lúc nào cũng nằm ở cùng một vị trí như nhau trên các trang giấy. Một số nằm ngang hoặc nằm dưới số trang. Trên một số trang, tấm bìa các tông của Tony bị chệch mất. Nếu nhân viên tại cửa hàng photocopy tinh ý - ngày đó, các máy photocopy chưa có ngăn nạp giấy tự động - anh ta sẽ phát hiện ra là cứ khoảng 20 đến 30 trang lại thấy có một trang có dòng chữ "tuyệt mật". Không ổn rồi. Lại phải quay lại cách dùng kéo cắt.

Đêm đầu tiên nhân bản, tôi mang các bản photocopy về nhà, nhưng tôi muốn thay đổi điều đó nhanh chóng. Nhà của tôi có thể là nơi đầu tiên mà FBI sẽ lục soát, cùng với nhà của Tony và Linda. Tôi qua nhà một người bạn có một căn hộ cách chỗ tôi ở một dặm về phía nam trên đường cao tốc Pacific Coast. (Đã lâu lắm tôi không gọi điện cho cô bạn này và sau đó tôi cũng không gọi lại). Tôi nói với cô ấy tôi có một số tài liệu cần cất giữ, không để ở nhà tôi được và sẽ có thêm các tài liệu khác nữa. Những tài liệu này có liên quan đến chiến tranh, liên quan đến làm thế nào để chấm dứt chiến tranh và sẽ có những nguy hiểm nhất định nếu cô ấy định cất giữ tài liệu dùm tôi. Cô ấy vốn dĩ không phải là người quan tâm đến chính trị nhưng khi tôi nói đến chấm dứt chiến tranh thì cô ấy tỏ ra khá quan tâm.

Điều đó cũng đúng đối với nhiều người thời bấy giờ, đúng với hầu như tất cả những ai tôi nhờ giúp đỡ. Cô ấy đồng ý giúp tôi ngay. Cô ấy có chỗ trống trên giá sách trong phòng ngủ, cạnh cửa sổ nhìn ra biển. Hàng sáng, trên đường lái xe về, tôi sẽ mang theo một ít tài liệu cho cô ấy cất giữ hộ.

Tôi phải đối diện với người vợ cũ. Tôi nghĩ tôi phải báo trước với cô ta càng nhiều càng tốt - có lẽ không lâu, chỉ vài ngày hay vài tuần - rằng thu nhập của cô ta sẽ đột ngột bị cắt giảm. Như tôi đã nhận định, bàn bạc việc này với vợ tôi thật khó khăn Chúng tôi đã rất hoà thuận với nhau kể từ sau khi tôi từ Việt Nam trở về. Ngay từ đầu cô ta đã tỏ ra nghi ngờ về cuộc chiến tranh này. Robert chưa kể cho cô ta nghe những gì tôi và nó làm vào hôm thứ bảy. Nhưng vào chiều chủ nhật, tôi đã kể và nói rõ lý do tại sao tôi lại làm như vậy và hậu quả có thể xảy ra. Cô ta hỏi tôi ngay là những việc tôi đang làm sẽ có ý nghĩa gì đối với nghĩa vụ của tôi trước gia đình. Tôi nói tôi sẽ bị tống giam ngay khi tài liệu này được công bố rộng rãi và tôi hy vọng tài liệu sẽ được công bố sau một vài tuần nữa. Tôi sẽ không có thu nhập ngay khi tôi bị truy tố và có thể sẽ không có thu nhập đến hết đời. Và cũng có thể tôi sẽ không bị truy tố. Tôi nói với cô ấy rằng tôi biết có trường hợp để rò rỉ thông tin nhưng không bị truy tố, mặc dù điều đó không chắc chắn sẽ xảy ra đối với trường hợp của tôi. Ngay cả khi không bị truy tố đi chăng nữa, hoặc sau khi tôi hết hạn ra tù thì thu nhập của tôi từ việc đi dạy học cũng không nhiều. Tôi có thể đưa cho cô ta tiền tiết kiệm của tôi, nhưng chỉ được vài ngàn đô la. Cô ấy và hai đứa con tôi sẽ không có tiền cấp dưỡng hay khoản trợ cấp nào khác.

Cô ấy nói thẳng: "Anh không thể làm như vậy. Anh phải có nghĩa vụ làm theo phán quyết của toà án?". Tôi nói tôi không thể tuân thủ theo phán quyết của toà án được. Tôi sẽ vào tù. Tôi không muốn điều đó, đây là những vấn đề lớn, lớn hơn bản thân tôi, lớn hơn gia đình tôi. Đơn giản là tôi thấy mình không thể làm gì cho họ được. Cô ấy cũng hỏi về việc học hành của con cái. Tôi nói chúng sẽ tự lo việc đó. Rất may là hai đứa con tôi đều rất thông minh và tôi tin rằng chúng sẽ giành được học bổng. Có lẽ họ sẽ phải chuyển đến sống ở nơi khác, trong một ngôi nhà thuê rẻ hơn. Có lẽ cô ấy nên nghĩ về điều đó ngay bay giờ; đó là lý do tại sao tôi cần nói chuyện với cô ấy. Tôi hy vọng hai đứa con tôi sẽ hiểu việc làm này. Tôi nói cho cô ấy biết Robert đã giúp tôi nhân bản tài liệu và tôi đã bảo nó đừng nói gì cho đến khi tôi có cơ hội nói chuyện riêng với cô ấy. Cô ấy rất tức giận khi biết tôi đã lôi kéo nó vào việc sao chụp tài liệu và không thèm nghe lời giải thích của tôi. Cô ấy không muốn nó làm điều đó nữa.

Rồi tôi tới Công ty Rand để lấy thêm tài liệu và lái xe tới Melrose. Nhưng buổi tối tôi không làm việc muộn. Nhóm viết thư cho tờ Thời báo New York sẽ gặp nhau vào đầu giờ sáng ngày thứ hai để xem xét bản thảo đầu tiên của bức thư.

<< Chương 19 | Chương 21 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 254

Return to top