Sáng thứ Tư, ngày 4-8-1964, ngày đầu tiên của tôi với công việc mới ở Lầu Năm Góc, một người đưa thư tới văn phòng đem theo một bức điện khẩn cho cấp trên của tôi. Ông ấy đã đi vắng. Các thư ký nói với anh ta là trợ lý Bộ trưởng John McNaughton đã ra ngoài cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara. Họ chỉ anh ta tới tôi, người trợ lý chuyện trách mới. Người đưa thư trao cho tôi bức điện và đi.
Bức điện đến từ Hạm trưởng John J. Herrick, Phó chuẩn đô đốc Đội tàu khu trục ở Vịnh Bắc Bộ, ngoài khơi miền Bắc Việt Nam tại Biển Đông. Theo bản báo cáo, tàu của ông ta bị các tàu tuần tra của Bắc Việt tấn công khi đang đi trong vùng hải phận quốc tế, trên 60 dặm ngoài khơi Bắc Việt và đã ra lệnh bắn trả.
Một ngư lôi đã va phải trạm thuỷ âm của tàu chỉ huy Maddox, một ngư lôi khác sượt qua tàu khu trục Turner Joy.
Ngay khi đưa cho tôi bức điện, người đưa thư quay trở lại trung tâm điện tín ở Viện An ninh quốc tế Lầu Năm Góc, Văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong 10 phút anh ta quay lại chỗ tôi với một bức điện khác trong cùng một seri: "Tôi bị ngư lôi tấn công liên tiếp"(1)
Một vài phút sau, Herrick báo cáo một ngư lôi khác đã bị ông ta bắn trả, hai ngư lôi khác đã lao xuống nước. Hai tàu khu trục của ông ta bị tấn công và có thể một trong hai chiếc đã bị hư hại. Hai tàu đang bắn trả bằng hệ thống vũ khí điều khiển bằng radar. Cuộc đụng độ diễn ra vào một đêm tối, không trăng không sao, trong nhiều giờ tới gần nửa đêm.
Đây là một sự kiện không bình thường. Chính xác đây là đợt tấn công thứ hai vào tàu Hải quân của Mỹ kể từ Đại chiến thế giới II. Còn đợt đầu chỉ cách trước đó không đầy 3 ngày, ngày chủ nhật, mồng 2 tháng tám, cũng là tàu Maddox của Herrick đang đi tuần trên Vịnh Bắc Bộ. Vào giữa trưa, cách bờ biển 28 dặm, 3 thuyền ngư lôi của Bắc Việt đã tấn công và phóng ngư lôi vào tàu Maddox. Tất cả các quả ngư lôi đều trượt và không làm thiệt hại tới tàu khu trục, ngoại trừ một viên đạn 14,5 ly trúng vào một ống khói. Các thuyền của Bắc Việt đã bị hoả lực từ tàu Maddox, từ các máy bay hải quân trên tàu sân bay gần đó bắn phá huỷ.
Từ đó không có một thương vong hay thiệt hại nào của phía Mỹ, Tổng thống Johnson quyết định không thực hiện thêm hành động nào, trừ việc đưa thêm tàu khu trục Turner Joy vào hoạt động. Hai tàu khu trục được lệnh tiếp tục hoạt động như một đội tuần tra để khẳng định quyền qua lại tự do của Mỹ trong hải phận quốc tế. Tổng thống còn tuyên bố rằng trong trường hợp bị tấn công thêm, các tàu tấn công sẽ bị không chỉ đánh lui mà là tiêu diệt. Ông ta đã gửi một kháng nghị tới Hà Nội, cảnh báo "bất cứ một hành động quân sự nào chống lại các lực lượng của Mỹ mà không phải do khiêu khích đều sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng khó tránh nổi"(2). Tất cả những điều này, trừ những công bố mới nhất, tôi đều đã đọc trên các tờ báo sáng thứ Hai. Trưa hôm đó, đọc những thống kê được giải mật của giai đoạn này, tôi đã học thêm được nhiều điều.
Giờ đây, mỗi khi có bức điện mới tới, tôi thường nhìn vào điểm thời gian ở góc trái của các bức điện. Hai số đầu tiên chỉ ngày trong tháng; 4 số tiếp theo, thời gian quân sự (24 giờ là nửa đêm), thời gian chính xác khi bức điện được chuyển đi. Bức điện đầu tiên được chuyển từ tàu chỉ huy của Herrick lúc 10h42 sáng, giờ Washington (9h42 ở Vịnh Bắc Bộ). Tôi đối chiếu thời gian chuyển với đồng hồ trên tường trong văn phòng của tôi ở Lầu Năm Góc, lúc đó khoảng một tiếng rưỡi sau khi bức điện được chuyển, một khoảng thời gian quá ngắn để một bức điện có thể tới được chỗ tôi. Sự thật tương tự như thế với bức điện thứ hai, được gửi lúc 10h52 sáng giờ Washington và tới tay tôi lúc 11h20 , và với các bức điện khác chỉ mất ít phút. Herrick cho họ quyền cao nhất để chuyện các bức điện bằng tay, vì thế họ có toàn quyền để chuyển và phân phát các bức điện. Nhưng 20 phút hay 30 phút đều là một thời gian dài với một hành động như vậy. Toàn bộ việc trao đổi vào ngày chủ nhật, trên bộ và trên không, đã kéo dài 37 phút. Việc này đã có thể kết thúc ở đầu bên kia của trái đất, vào đúng lúc tôi đọc bức điện đầu tiên hoặc bức điện cuối cùng. Một tàu khu trục bị đâm có thể đã chìm trong khi chúng ta đang xem những buổi diễn tập của nó hoặc sự thành công của nó khi tiêu diệt một kẻ tấn công. Nhưng không có cách nào cho những người ở Washington biết về điều này khi họ đọc nó.
Tiếp đó, CNN cũng không theo dõi được hoạt động trực tiếp của nửa trái đất bên kia, thậm chí còn chẳng có liên lạc trực tiếp giữa Washington và các tàu khu trục ở Thái Bình Dương. Sự liên lạc thường xuyên nhất là đài phát thanh và điện thoại với Đô đốc S.G. Sharp, Tổng Tư lệnh Thái Bình Dương, tại sở chỉ huy của ông ta ở Hawaii. Các bức điện của CINCPAC giờ đang chất đống trên mặt bàn của tôi, nhưng chúng không tới thường xuyên và nhanh chóng như các bức điện từ tàu khu trục. Theo một loạt các điện báo của Hạm trưởng Herrick, chúng tôi thực sự đã không theo dõi được các hoạt động vào đúng thời điểm diễn ra.
Các bức điện báo rất gấp gáp. Herrick chắc chắn đã phải nửa chỉ thị nửa ra lệnh vì hai tàu khu trục đã đột ngột đổi hướng để tránh các quả ngư lôi mà hệ thống định vị âm thanh dưới nước của tàu Maddox đã phát hiện và trong đêm tối đã bắn vào các mục tiêu được vạch ra bằng radar của tàu Turner Joy: "Các quả ngư lôi trượt ra ngoài. Một quả khác đã bắn vào chúng tôi. 4 quả đang dưới nước. 5 quả đang dưới nước… Đã may mắn tránh được ít nhất 6 quả".(3)
9 quả ngư lôi đã bắn vào hai con tàu của Herrick, 14, 26. Nhiều tàu phóng ngư lôi bị trúng hoả lực và ít nhất một chiếc bị chìm. Hoạt động này kéo dài từ 40 phút tới một tiếng đồng hồ. Biển gầm lên dữ dội vì những đợt hoả lực và những chiếc máy bay phóng rocket vào các vị trí do radar của tàu Turner Joy vạch ra.
Một giờ sau đó, bỗng nhiên mọi hoạt động im bặt. Một bức điện tới thông báo không phải toàn bộ sự việc nhưng cũng đủ để nêu vấn đề. Sau một giờ tương đối yên tĩnh, người đưa tin tới với một loạt các bức điện từ CINCPAC, Hạm đội 7 và các bản phân tích từ Bộ Quốc phòng, Cục tình báo Trung ương (CIA) và các bộ phận khác của Lầu Năm Góc. Tôi đang ngồi trong phòng, hồi tưởng lại, cố gắng lắp ghép các thông tin theo thứ tự cho McNaughton, thì người đưa tin ấn vào tay tôi một bức điện khẩn từ Herrick: "Hành động lặp lại đã tạo ra nhiều cuộc đụng độ như đã báo cáo và các quả ngư lôi được phóng ra rất đáng nghi ngờ. Thời tiết bất thường ảnh hưởng tới radar và những người điều khiển hệ thống định vị âm thanh dưới nước quá sốt sắng có thể là lý do giải thích cho việc có nhiều báo cáo. Không có những hình ảnh thực của tàu Maddox. Hãy cho những đánh giá cụ thể trước khi diễn ra bất cứ một hành động nào tiếp theo"(4).
Lúc đó là hơn 2h chiều. Bức điện được gửi đi lúc 1h27 chiều, giờ Washington. Nửa giờ sau một bức điện khác từ Herrick, đánh giá tóm tắt hành động tích cực và tiêu cực đối với một cuộc tấn công, kết luận: "Toàn bộ hành động đã đem lại nhiều sự nghi ngờ, ngoại trừ trận phục kích có chủ định ngay từ ban đầu. Hãy cho máy bay trinh sát kỹ vào ban ngày"(5). Hàng ngày, cứ cách khoảng 3-4 tiếng máy bay lại trinh sát trên vùng vịnh để tìm ra các vết dầu loang và các mảnh tàu bị vỡ có thể do trúng hoả lực, những dấu hiệu của một cuộc tấn công chứ không chỉ là một cuộc va chạm với các mục tiêu mà radar đã vạch ra.
Trong đầu tôi, những bức điện này đã xoá đi hình ảnh một vở kịch được truyền "trực tiếp" trong 2 giờ mà chúng tôi đang dõi theo. Thông tin mới này là một gáo nước lạnh. Tới khoảng 3h, để đáp lại những yêu cầu gấp gáp cần được chứng thực, Herrick đánh điện: "Các hoạt động chi tiết thể hiện một bức tranh lộn xộn cho dù chắc chắn trận phục kích ban đầu là có thật". Nhưng làm sao anh ta có thể chắc chắn về điều đó, hoặc tại sao, trước đó 1 giờ, khi anh ta dường như đã đủ tự tin, thì không còn ai có những báo cáo tiếp theo chuyện về cho tới tận giờ?
Herrick tiếp tục khẳng định, lúc 6 giờ Washington (5h sáng giờ vùng vịnh), chiếc thuyền đầu tiên áp sát tàu Maddox có thể đã bắn một quả ngư lôi vào tàu Maddox (theo âm thanh nghe thấy chứ không phải nhìn thấy). Tất cả các báo cáo về quả ngư lôi bắn vào tàu Maddox đều bị nghi ngờ vì người ta đoán rằng do người điều khiển hệ thống định vị âm thanh dưới nước đã bị nhầm khi nghe thấy tiếng đập chân vịt của tàu. Vì thế sự thừa nhận của anh ta về những báo cáo đã gửi đi đều không đáng tin cậy. Đống bằng chứng tới trong vài ngày dường như đã không có cuộc tấn công nào xảy ra vào ngày 4-8; Năm 1967, các tài liệu dường như đều khẳng định không có cuộc tấn công thứ hai, và năm 1971 tôi buộc phải tin vào sự ngờ vực này. Năm 1966, một bằng chứng đáng tin cậy của các sĩ quan Bắc Việt bị bắt từng tham gia vào cuộc tấn công ngày 2 tháng tám đã bác bỏ bất cứ cuộc tấn công nào vào ngày 4-8. Cuối năm 1970, nhà báo Anthony Austin phát hiện và đưa cho tôi bằng chứng khẳng định, cuộc tấn công ngày 4-8 có lẽ có liên quan tới cuộc tấn công ngày 2 tháng tám. Năm 1981, với những bằng chứng mới trong cuốn nhật ký của mình, nhà báo Robert Scheer đã khẳng định với Herrick rằng báo cáo về quả ngư lôi đầu tiên không được tìm thấy. Dẫu sao, ngày 4-8, từ những báo cáo được bảo đảm chuyện tới cho Herrick, tôi kết luận rằng có thể đã có một cuộc tấn công dưới dạng nào đó. Đúng lúc đó, rõ ràng đã có một cơ hội tốt mà lại không xảy ra. Chính thế mà lời đề nghị tạm ngừng để điều tra trước khi thực hiện hành động của Herrick dường như rất rõ ràng, ông ta nói ngắn gọn: "Quay tàu lại, chấm dứt ẩu đả!". Nhưng đó không phải là những gì được chuyển tải về Washington trưa ngày thứ tư hôm đó.
Các bức điện mới của Herrick đã không làm chậm tiến trình chuẩn bị cho một cuộc không kích trả đũa nhanh chóng ở Washington và ở Thái Bình Dương, cụ thể hơn là Vịnh Bắc Bộ.
Những gì họ đã làm để khuyến khích cho công việc này là một loạt các cuộc điều tra gây xôn xao để tìm bằng chứng, nhân chứng ủng hộ cho những hành động ban đầu của cuộc tấn công hay ít ra để khẳng định một thực tế là đã có một cuộc diễn ra.
Vì những việc này đã tới Washington nên Tổng thống đã triệu tập một cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) cơ bản là để thông báo những hành động đã dự tính. Tiếp đó, ông thông báo với các nhà lãnh đạo quốc hội. Các tàu sân bay đã vào vị trí để thực hiện các chuyến bay càng sớm càng tốt vào sáng hôm đó. Giờ Washington có thể vào khoảng từ 6h tối đến gần nửa đêm. Còn Tổng thống thì quyết định nói với công chúng Mỹ về các cuộc tấn công của Mỹ ít nhiều như chúng đang diễn ra.
Ông ta không muốn họ biết về những cuộc không kích trên các bản tin buổi sáng của ngày hôm sau, mà phải san nhiều giờ khi chúng diễn ra ở phía bên kia của thế giới vào khoảng thời gian sớm hơn.
Hải quân thấy quan ngại, vì không có cảnh báo của Tổng thống với các tay súng phòng không của Việt Nam rằng một cuộc tấn công sẽ xảy ra, trước khi các máy bay rơi vào tần số quét radar của Bắc Việt. Tổng thống nhất quyết không làm như thế. Ông ta yêu cầu giờ bay lúc 7h tối, sau đổi sang 8h rồi đến 9h vì tàu sân bay Constellation vẫn chưa tới được vị trí và chưa thông báo hết cho các phi công. Tổng thống quyết định diễn thuyết trước 11h30 tối. Từ McNamara tới CINCPAC, (đô đốc Sharp ở Hawaii đều đang chú ý xem, liệu Tổng thống có thể phát biểu trước khi các máy bay tập trung ném bom các mục tiêu, hoặc khi những chiếc máy bay đầu tiên bắt đầu thực hiện nhiệm vụ ông ta hỏi liệu chúng có thể bị radar phát hiện ngay lập tức không(6), chính vì thế, sẽ không có lời phát biểu của ông ta sau đó để có thể truyền tin tới Hà Nội? Câu trả lời là đúng thế, tuy nhiên Hà Nội sẽ không biết được nơi các máy bay sẽ tới, nên ông ta có thể cắt bỏ một số mục tiêu.
Lúc này tôi đang ngồi với John McNaughton trong văn phòng cùng với Vụ trưởng Vụ quan hệ Viễn Đông và các thành viên khác, đọc các bức điện từ các tàu sân bay và CINCPAC để cố trả lời các câu hỏi của McNamara hoặc Nhà Trắng. Chiếc ti vi lớn trong văn phòng của McNaughton vẫn mở, âm thanh sẽ được hạ xuống, nếu Tổng thống quyết định tham gia vào chương trình này.
Nhiều người đề nghị Tổng thống phát biểu chậm lại cho tới khi các máy bay vào tầm kiểm soát của radar đối phương, nhưng đã quá muộn. Đô đốc Sharp nói với McNamara lúc 11h20 tối rằng tàu sân bay Ticonderoga đã phóng những chiếc máy bay và Tổng thống vẫn nói trên ti vi lúc 11h37, ông ta thông báo "chiến dịch không quân chính thức bắt đầu"(7) cho dù thực tế Constellation vẫn chưa phóng máy bay đi và chưa có chiếc máy bay nào tới bờ biển Bắc Việt hay vào tầm quét của radar. Vì thế thông báo này đã là lời cảnh báo cho Hà Nội.
McNamara tổ chức một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc ngay sau nửa đêm. Chúng tôi thức trắng cả đêm ở văn phòng cùng với những đợt ném bom, để chuẩn bị cho cuộc họp báo của McNamara vào ngày hôm sau. Ngày đầu tiên của tôi ở Lầu Năm Góc đã kéo dài suốt 24 giờ đồng hồ.
Thông báo của Tổng thống và cuộc họp báo của McNamara vào cuối ngày 4-8 thông báo cho công chúng Mỹ biết rằng Bắc Việt lần thứ hai trong ngày đã tấn công các tàu chiến của Mỹ trên "đường tuần tra thuộc hải phận quốc tế"(8); rằng đây là một hành động cố tình gây chiến mà không có căn cứ; rằng bằng chứng cho lần tấn công thứ hai giống với lần thứ nhất là rõ ràng; rằng cuộc tấn công của Bắc Việt không có nguyên nhân và rằng Mỹ đáp trả lại để ngăn chặn bất cứ sự tái diễn nào và không có ý định mở rộng chiến tranh.
Vào đêm ngày 4 hoặc trong vòng 1 đến 2 ngày, tôi nhận ra rằng mỗi lời thông báo này đều sai sự thật.
"Không rõ ràng?" Trong thông báo đầu tiên của Tổng thống và những lời phát biểu chính thức sau đó đều ám chỉ rằng cuộc tấn công ngày 4-8 vào các tàu của chúng tôi đã gây ra các cuộc không kích trả đũa là một thực tế giản đơn. Không có sự cản trở chính thức nào từ phía Quốc hội, công chúng và ngay cả từ trong tư duy của những nhà hải quân từng trải và các nhà nhân tích tình báo vào thời điểm trả đũa của chúng tôi. Sớm hay muộn thì sự nghi ngờ vẫn đeo bám chặt lấy bằng chứng cho rằng một cuộc tấn công đã xảy ra vào ngày 4-8 trong bất cứ trường hợp nào.
"Một cuộc tuần tra thường ngày thuộc hải phận quốc tế?". Hai tàu khu trục đang làm nhiệm vụ tình báo với mật danh cuộc tuần tra DESOTO, đã thâm nhập vào bên trong nơi mà Bắc Việt coi là hải phận của họ. Chúng tôi khẳng định rằng Bắc Việt đã công bố hải phận của họ giống như các quốc gia Cộng sản khác, 12 dặm tính từ bờ biển và từ các hòn đảo của họ. Mỹ đã không thừa nhận ranh giới bị mở rộng này, nhưng các tàu hải quân của Mỹ cũng đã được chỉ thị rõ ràng phải giữ khoảng cách ít nhất 15 dặm từ các hòn đảo hoặc đất liền của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước sự kiện ngày 2 tháng tám, tàu Maddox đã thường xuyên ở khoảng cách 8 dặm từ đất liền của Bắc Việt và 4 dặm từ các hòn đảo của họ. Mục đích của việc này cho thấy chúng tôi không những đã bác bỏ những lời công bố về ranh giới của Bắc Việt mà còn khiêu khích họ tấn công vào radar phòng thủ bờ biển để các tàu khu trục của chúng tôi có thể đánh dấu được các khu vực phòng thủ của họ và chuẩn bị cho các cuộc tấn công trên không hoặc trên biển. Bởi thế, hoàn toàn đúng khi nói cuộc tấn công ngày 2 tháng tám xảy ra ở khoảng cách 28 dặm ngoài khơi, nhưng do có lời cảnh báo về một cuộc tấn công sắp xảy ra khi tàu Maddox chỉ cách bờ biển Bắc Việt có 10 dặm đã làm chủ tàu phải thay đổi hải trình và quay đầu ra biển để các tàu có ngư lôi bám đuổi theo.
"Vô cớ?(9) Hà Nội công bố: các lực lượng "tay sai" của Mỹ đã nã pháo vào 2 hòn đảo ngoài khơi của họ là Hòn Me và Hòn Niêu đêm 30 và 31 tháng Bảy. Trong các công bố công khai, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phủ nhận mọi cuộc tấn công như thế cũng như McNamara đã phủ nhận trong các cuộc họp báo ngày 4 và 5 tháng tám. Cuộc tiếp kiến hơn hai ngày sau đó, Ngoại trưởng Mỹ, Dean Rusk và McNamara đã thừa nhận các cuộc tấn công trên nhưng vẫn cho rằng đó thực sự không thể coi là những khiêu khích của Mỹ mà chỉ là ý định khích lệ các cuộc phản công của Bắc Việt vì đó hoàn toàn là các hoạt động của "người miền Nam" do hải quân nguỵ tiến hành nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của miền Bắc. Rusk nói rằng Mỹ ủng hộ và đã biết trước hành động nhưng không cụ thể; có rất ít thông tin về vấn đề này ở Washington. Chúng không có mối liên quan nào tới các đội tuần tra tàu khu trục của chúng tôi, không có sự phối hợp nào và thực tế chỉ huy các tàu khu trục đều không biết gì về các hoạt động đó. Điều đó chỉ rõ rằng trong bất cứ trường hợp nào cũng đều không có cuộc oanh tạc như thế diễn ra, trong hoàn cảnh cuộc tấn công thứ hai hoặc từ ngày 31 tháng Bảy. Giải pháp mà Quốc hội đang phải thông qua nhanh chóng và gần như không có sự nhất trí, chẳng khác gì một cử chỉ ủng hộ cho hành động của Tổng thống để thấy sự đoàn kết với Hà Nội và ngăn cản các cuộc tấn công sau này vào các lực lượng của chúng ta. Các nhận định này đều không đúng.
Nhận công việc mới, tôi phải đọc những bản phiên mã hàng ngày, đồng thời rút kinh nghiệm qua các bức điện, các báo cáo, các buổi thảo luận ở Lầu Năm Góc và thấy mọi điều người ta nói với công chúng và Quốc hội đều là những lời nói dối. Trong nhiều ngày, tôi biết rằng chỉ huy của các tàu khu trục không chỉ biết về các cuộc oanh tạc bí mật mà còn yêu cầu đội tuần tra rút về hoặc kết thúc sau đợt tấn công thứ nhất vào ngày 2 tháng tám vì họ đang chờ đợi các đợt tấn công trả đũa. Yêu cầu của họ bị từ chối. Hơn nữa, tôi còn biết không hề có hoạt động nào của quân nguỵ, kể cả các hoạt động chung. Chúng hoàn toàn là các hoạt động của Mỹ với kế hoạch mật danh 34A. Các hoạt động chống thâm nhập của nguỵ quân mà McNamara mô tả với Quốc hội hoàn toàn khác với những gì ông ta biết. Hà Nội cho biết, trong các cuộc oanh tạc chống lại Bắc Việt, Mỹ đã sử dụng các tàu tuần tra nhanh như Nasty (CIA mua từ Nauy), thuê các thuỷ thủ điều khiển mọi hoạt động của kế hoạch. CIA tiến hành huấn luyện với sự giúp đỡ của hải quân Mỹ và tuyển các tân thuỷ thủ; một số tân thuỷ thủ được tuyển từ hải quân Sài Gòn, một số khác là nguồn của CIA từ Đài Loan và một số nơi ở châu Á cùng với các lính đánh thuê trên khắp thế giới. Các hoạt động được tiến hành chủ yếu dưới sự điều khiển của CIA nhưng hiện nay là sự kết hợp giữa CIA và MACV (Bộ Chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam) phối hợp với hải quân. Mặc dù, sử dụng nguồn nhân lực nước ngoài để tạo nên sự tin cậy hơn nếu bị bắt, nhưng kế hoạch 34A thực sự là các hoạt động của Mỹ cũng như cuộc tuần tra DESOTO của các tàu khu trục thuộc hải quân Mỹ. Hơn nữa, Bắc Việt cũng không lầm khi tin rằng 2 kiểu hoạt động của Mỹ đã được phối hợp ở các mức độ khác nhau. Kế hoạch DESOTO ở một lĩnh vực cụ thể thì lợi ích được nhân đôi, nhưng trong kế hoạch radar bờ biển và ngăn chặn thông tin, thì hoạt động tăng cường được tiến hành dọc theo các khu vực phòng thủ bờ biển của Bắc Việt bằng các đọt oanh tạc theo kế hoạch 34A.
Theo nhận thức của Washington, dựa vào những mô tả chi tiết của các hoạt động được định trước, các quan chức cao cấp đã đọc và im lặng trước các kế hoạch đó. Tôi sớm biết điều này, vì đúng tháng đó tôi tới làm người đưa tin và thường xuyên chuyện các kế hoạch tối mật này tới các quan chức cao cấp để lấy chữ ký. Họ gồm: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cyrus Vance, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao L. Thompson và Cố vấn An ninh quốc gia McGeorge Bundy trong Nhà Trắng. Họ đều nằm trong số các thành viên của Uỷ ban 303, đã giám sát và tán thành với tất cả các hoạt động bí mật của Tổng thống. Trong khi họ đọc các tài liệu, tôi ngồi trong văn phòng cùng với một đại tá từ chi nhánh các hoạt động bí mật của Tham mưu trưởng liên quân người đã đưa cho tôi tập hồ sơ này.
Sự mâu thuẫn giữa những gì mà các thư ký của Uỷ ban đối ngoại Thượng viện và nói cho các thượng nghị sỹ và những gì tôi mới được biết trong tuần đần tiên khi làm nhân viên ở Lầu Năm Góc đang là điều rất cuốn hút. Người ta đang thúc giục Thượng nghị sỹ Frank Church phải thừa nhận: "Chính phủ của chúng tôi đã cung cấp các tàu thuyền này mà không hề biết chúng sẽ được sử dụng vào các cuộc tấn công Bắc Việt"(10).
Ngoại trưởng Rusk thì nói: "Theo nghĩa rộng hơn thì như thế, nhưng theo chi tiết cụ thể thì chúng ta đã không theo đuổi việc này ngay từ ở Washington"(11).
Trái ngược với sự phủ nhận này, tôi biết rất rõ rằng chi tiết cụ thể của các hoạt động này đều được các nhà chức trách cao nhất ở Washington (cả quân sự và dân sự) biết đến và tán thành.
Tiếp theo các đợt oanh tạc tháng 8 là kế hoạch cho tháng chín.
Tôi đem kế hoạch này sang cho Bộ Ngoại giao và Thứ trưởng Rusk, sau đó McG. Bundy đã ký, gồm các hoạt động dự tính sẵn:
Bắt hai đội hoạt động trong rừng, chuyển những người bị bắt để thẩm vấn từ 36-48 tiếng, gỡ bỏ bẫy treo với các thiết bị chống ồn và giải thoát những người bị bắt, sau khi thẩm vấn, thời gian phụ thuộc vào điều kiện thời tiết của biển và thông tin tình báo lúc đó, … Phá huỷ tuyến đường I bằng đội thâm nhập cùng với các đội yểm trợ hoả lực đặt mìn nổ chậm để chặn xe moóc, đặt mìn sát thương trên các hướng… Ném bom chòi quan sát Mũi Đao bằng cối 81 và súng 40 ly từ 2 tàu ngư lôi… Phá huỷ đường xe lửa Hà Nội-Vinh, đặt mìn nổ chậm và mìn sát thương quanh khu vực…(12)
Một số các chi tiết hoạt động, như đặt các vũ khí sát thương và các băng đạn cối 81 ly, dường như không đáng để các quan chức quan tâm chú ý tới, nhưng đây là cuộc chiến duy nhất mà chúng ta cần tới những thứ vũ khí đó. Dĩ nhiên đó mới chính xác là bản chất "nhạy cảm" của các hoạt động - sự bất hợp pháp, sự nguy hiểm của việc vạch trần sự thật, leo thang và bí mật… - điều này đòi hỏi các quan chức cao cấp phải lừa dối Thượng nghị viện nếu các vấn đề gia tăng và vì thế, cần phải có sự am hiểu và chỉ đạo những gì mà họ thấy cần phải lừa dối.
Đây cũng chưa phải là điểm kết trong sự phối hợp ở Washington. Cứ sau một kế hoạch tháng giống như thế được chấp thuận tướng Westmoreland, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt Nam lại yêu cầu được phép thực thi từng nhiệm vụ riêng rẽ và tôi lại phải đem kế hoạch đến các nơi để xin ý kiến. Khi một cuộc tấn công dự tính cho tháng sau được đề đệ trình tới Washington - thời gian chính xác sẽ phụ thuộc vào các điều kiện thời tiết và biển - thực tế và kết quả sẽ được báo cáo trở lại Washington trước khi một cuộc tấn công khác được Washington chấp nhận. Ngày 2 tháng tám, trong cuộc họp vào sáng chủ nhật, Tổng thống Johnson nhận được tin báo về cuộc tấn công tàu Maddox ngay ban ngày, một cuộc thảo luận đã diễn ra, nội dung chủ yếu về kết quả của các cuộc tấn công bí mật ngày 31 tháng Bảy vào các hòn đảo Tổng thống với tư cách cá nhân đã chấp nhận các đợt oanh kích bí mật sau đó, vàn các đêm ngày 3 và 5 tháng tám.
Tối ngày 4, tại một cuộc họp của NSC, Tổng thống hỏi: "Có phải họ muốn chiến tranh bằng cách tấn công các tàu của chúng ta ngay giữa Vịnh Bắc Bộ?"(13) Giám đốc Cục Tình báo John McCone trả lời: "Không. Bắc Việt đang phản ứng theo kiểu tự vệ đối với cuộc tấn công của chúng ta vào các hòn đảo ngoài khơi của họ". Ông ta đề cập tới các cuộc oanh kích ngày 31 tháng Bảy, nhưng câu trả lời của ông ta lại hàm ý về cuộc tấn công theo giả định sáng hôm đó, sau đó có thêm một cuộc tấn công khác lần này vào đất liền của Bắc Việt và vào đêm hôm trước.
Nhận định này không ngăn cản được Tổng thống thúc giục Quốc hội phải thông qua nghị quyết ngay ngày hôm sau: "Chúng ta đã đáp lại vụ khiêu khích vô cớ của họ… "
Ngày 7 tháng tám, Quốc hội thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ: "Quốc hội tán thành và ủng hộ quyết định của Tổng thống theo yêu cầu của Tổng Tư lệnh là áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đẩy lùi các đọt tấn công có vũ trang chống lại các lực lượng của Mỹ và còn nhằm ngăn ngừa sự gây chiến tiếp theo… Mỹ… đã chuẩn bị. Theo quyết định của Tổng thống là tiến hành mọi bước cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng lực lượng vũ trang để trợ giúp bất cứ nước thành viên nào theo yêu cầu của Hiệp ước phòng thủ chung Đông Nam Á nhằm bảo vệ nền tự do của nước đó".(14) có một số lo ngại liên quan tới sự không rõ ràng của nghị quyết do chính phủ soạn thảo. Thượng nghị sỹ W. Morse gọi đó là một tuyên bố giật lùi của cuộc chiến tranh. Thượng nghị sỹ G. Nelson đưa ra một ý kiến bổ sung nhằm giải thích cho một ý kiến trong Quốc hội là: "Chính sách tiếp theo là phải hạn chế vai trò của chúng ta trong việc cung cấp viện trợ, huấn luyện và cố vấn quân sự", và "chúng ta sẽ tiếp tục tìm cách tránh một cuộc can thiệp quân sự trực tiếp ở Đông Nam Á". Thượng nghị sỹ Fulbright, người chỉ đạo việc thông qua nghị quyết trong Thượng viện nói: "Tôi tin ý kiến bổ sung này "được chấp nhận" như "một sự phản ánh chính xác những gì tôi tin là chính sách của Tổng thống". Ông ta bác bỏ nó chỉ vì (khi Johnson có căng thẳng với ông ta về chuyện riêng) sự chậm trễ trong việc giải quyết các bất đồng về ngôn ngữ giữa Thượng nghị viện và Hạ nghị viện sẽ làm giảm đi hình ảnh ủng hộ của một quốc gia thống nhất cho các hành động gần đây của Tổng thống. Vào lúc này, có thông báo cho rằng Hạ nghị viện đã thông qua nghị quyết 4 16 ngay sau 40 phút tranh luận. Fulbright hy vọng Thượng viện cũng sẽ có sự nhất trí đó. Ngay sau đó, Thượng viện bỏ phiếu 2/88, nghĩa là chỉ có 2 Thượng nghị sỹ là Morse và Ernest Gruening bỏ phiếu chống lại.
Một số Thượng nghị sỹ là G. McGovern, F. Church, Albert Gore và J. Cooper, đã bày tỏ cùng mối quan tâm như Nelson.
Fulbright thừa nhận rằng riêng vấn đề ngôn ngữ đã đủ rộng lớn để cho phép Tổng thống tiến hành can thiệp trực tiếp trên chiến trường gồm các sư đoàn bộ binh Mỹ đó chính là những gì làm họ phải lo lắng. Nhưng họ chấp nhận những đảm bảo của Fulbright rằng không có sự tính toán nào trong chính phủ về việc sử dụng nghị quyết này như một uỷ quyền để thay đổi vai trò của Mỹ trong cuộc chiến tranh. Ông ta không hề nghi ngờ rằng Tổng thống sẽ tham khảo ý kiến Quốc hội trong trường hợp cần thiết có một thay đổi lớn trong chính sách hiện tại. Phần lớn những người theo Đảng Dân chủ cho rằng nghị quyết này chính là cách để thu hút sự ủng hộ của hai đảng phái chính trị cho hành động mạnh tay của Tổng thống, cắt giảm chiến dịch Goldwater công bố, Johnson không đáng tin trong các mối quan hệ ngoại giao và không quyết đoán về vấn đề Việt Nam, vì vậy, đã giúp đánh bại Goldwater, họ thấy sự ủng hộ của họ cho nghị quyết này như một cách để tránh leo thang ở Việt Nam, mà chỉ có Goldwater là đầy hứa hẹn.
Nhưng tất cả đảm bảo của Fulbright đều không có căn cứ giống như của Johnson, Rusk và McNamara. Chỉ khác một điều là ông ta đã không biết về điều đó. Ông ta bị lừa dối và ngược lại ông ta đã lừa dối lại Thượng viện mà không thành văn. Tất cả những lừa dối này có ý nghĩa quan trọng hơn hẳn.
Chúng ta tìm cách để tránh mở rộng chiến tranh? Chính Tổng thống Mỹ, mùa hè năm đó đã bí mật và thẳng thắn đe doạ Hà Nội bằng một cuộc chiến tranh rộng hơn chống lại chính quyền Bắc Việt nếu các nhà lãnh đạo của Bắc Việt không tiến hành các bước để kết thúc cuộc xung đột mà không ai trong chính quyền nghĩ rằng họ có thể làm như thế. Các bức điện của John cho Hồ Chí Minh thông qua một người trung gian người Canada cũng cho thấy một lời cảnh báo bí mật của Tổng thống Mỹ với các nhà lãnh đạo Hà Nội là sẽ mở rộng chiến tranh nếu họ không chấm dứt được xung đột.
Những lời cảnh báo được chuyển tới Bắc Việt qua Blair Seaborn, người Canada, một thành viên của Uỷ ban Giám sát quốc tế (ICC) tổ chức này được thành lập để giám sát quy tắc của các Hiệp ước Geneva 1954 và 1962. Trong cuộc gặp đầu tiên ở Hà Nội ngày 18 tháng tám, ông ta đã gặp riêng Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Seaborn đã chuyển tiếp lời cảnh báo của các quan chức Mỹ phối hợp với người Canada rằng: "Sự kiên nhẫn của quan chức và công chúng Mỹ đối với sự khiêu khích của Bắc Việt đang dần suy giảm" và nếu cuộc xung đột vẫn tiếp tục leo thang thì "tất nhiên chính Bắc Việt sẽ phải gánh chịu hậu quả to lớn".(15)
Trong số những người ủng hộ những lời cảnh báo này, chủ yếu là các cố vấn dân sự và quân sự của Tổng thống, không ai dám coi đó là những trò bịp bợm. Tham mưu trưởng liên quân được chỉ định trực tiếp chuẩn bị các kế hoạch chi tiết cho các đợt tấn công vào Bắc Việt. Cuối tháng Năm kế hoạch được hoàn thành với 94 mục tiêu. Các mục tiêu trả thù được lựa chọn rất nhanh chóng từ danh sách 94 mục tiêu trên, vào ngày 5 tháng tám. Cả kế hoạch và lời cảnh báo của viên trung gian người Canada đã gây chú ý trong bản thảo chi tiết được thống nhất trong chính phủ kể từ tháng Ba và tháng tư - gần đây nhất là ngày 23 tháng Năm - dẫn tới cuộc tấn công bằng không quân "ngày D" vào Bắc Việt(16), và tiếp tục tới khi chủ nghĩa khủng bố, các cuộc tấn công vũ trang, kháng chiến vũ trang chống lại những nỗ lực bình định của Mỹ ở miền Nam chấm dứt". Yếu tố quan trọng khác là đặt kế hoạch cho 20 ngày trước khi các cuộc tấn công bắt đầu (D-20): "Duy trì được giải pháp chung (từ Quốc hội) tán thành việc thông qua các hành động và uỷ quyền cho bất cứ việc gì cần thiết liên quan tới Việt Nam".
Mặc dù bản thảo chi tiết 30 ngày phải hoãn lại vào cuối tháng Năm vì các cố vấn cao cấp của Tổng thống, nhưng họ đã đệ trình lên ông ta gần như tất cả các khoản mục của bản thảo. Họ còn dự tính một cuộc không kích chống lại Bắc Việt nhằm tăng tầm quan trọng của lời cảnh báo bí mật. Điều này đi kèm với lời đề nghị của Đại sứ Mỹ, H. Lodge tại Sài Gòn, ủng hộ mạnh mẽ các đợt tấn công miền Bắc, người đã sớm đưa ra ý tưởng chuyện lời cảnh báo thông qua người Canada. Ngày 15 tháng Năm, trong một bức điện gửi tới Tổng thống, Lodge cho rằng:
"Nếu trước chuyến đi của người Canada tới Hà Nội mà có một hành động khủng bố về tầm quan trọng đích thực, thì một mục tiêu cụ thể ở Bắc Việt sẽ được coi như sự khởi đầu cho sự có mặt của Tổng thống ở đó… "(17)
Điều này đã không xảy ra trước chuyện thăm đầu tiên của Seaborn tới Hà Nội vào tháng Sáu. Chuyện thăm thứ hai của ông ta được dự tính vào ngày 10 tháng tám. Các sự kiện từ ngày 2 đến ngày 7 tháng tám cho phép Mỹ chỉ ra rằng, trong trường hợp có bất cứ sự nghi ngờ nào ở Hà Nội, lời cảnh báo đó đều có nghĩa theo các điều khoản cụ thể. Hơn nữa, cuộc thảo luận thứ hai cho phép chính quyền hiểu rõ những gì có thể thực thi với giới chức trách mà Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ đã thừa nhận để Hà Nội khỏi bị lừa dối bởi những gì mà Thượng nghị sỹ Fulbright đã giải thích cho các đồng nghiệp phái Dân chủ của ông ta.
Cuối cùng là cấp trên của tôi, John McNaughton, được yêu cầu đưa ra những ý kiến cho chuyến đi ngày 10 tháng tám của Seaborn. Đó cũng là điều vì sao McNaughton quyết định nói với tôi và cho tôi xem tập hồ sơ về tiến trình hăm doạ, mô tả nó như một trong những điều tuyệt mật của chính phủ. Ông ta nói với tôi rằng tôi không được để lộ việc này với ai, kể cả những người cấp dưới thân cận với ông ta. Một lý do về sự bí mật trong thông tin mà McNaughton cho tôi biết là: đó là vai trò rất mập mờ của một thành viên ICC đang khảo sát những nguy cơ của Mỹ đối với Hà Nội. (Và việc có một người trung gian là cần thiết vì Mỹ không hề có một đại diện chính thức hay mối liên lạc nào với chính quyền Hà Nội). Vai trò đó tới các thành viên của ICC, Phần Lan và Ấn Độ, hay tới Nghị viện Canada đều không thể biết, vì thế sẽ không thể chấp nhận nó nhanh như chấp nhận Phó Thủ tướng Canada, Lester Pearson.
Điều nhạy cảm nhất của thông tin này là lời cảnh báo của Tổng thống tới các nhà lãnh đạo phía đối phương đã tới rất gần buộc ông ta phải tham gia vào tiến trình hành động mà đối thủ cộng hoà của ông ta, Thượng nghị sỹ Goldwater đang chủ trương ủng hộ còn Tổng thống Johnson đang phản đối và miêu tả chiến dịch này như một sự liều lĩnh đáng sợ. Mặt khác, nó đặt những ý đồ của chính quyền liên quan tới Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ trong một nguyên tắc hoàn toàn khác với những gì Quốc hội được thông báo. Thực tế, ngày 7 tháng tám, khi Quốc hội đang bỏ phiếu cho Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, J.McNaughton cũng đang nêu ra các ý kiến trong bức thông điệp mà Seaborn sẽ chuyến đi. Ý kiến được chính quyền và những người Canada chấp nhận, yêu cầu Seaborn kết luận những đánh giá của anh ta theo các điểm sau:
1. Các sự kiện trong ít ngày qua sẽ thêm vào lời tuyên bố lần trước rằng: "Sự kiên nhẫn của quan chức và công chúng Mỹ với sự hiếu chiến của Bắc Việt đang ngày càng giảm đi"(18).
2. Nghị quyết Quốc hội được thông qua với hầu hết sự nhất trí khẳng định mạnh mẽ sự thống nhất và quyết tâm của chính phủ và nhân dân Mỹ không chỉ liên quan tới các cuộc tấn công sau này vào các lực lượng quân sự của Mỹ mà còn rộng hơn là kiên quyết dùng mọi biện pháp cần thiết chống lại những nỗ lực phá hoại và xâm chiếm miền Nam Việt Nam và Lào của Bắc Việt.
3. Mỹ đi tới kết luận rằng vai trò của Bắc Việt ở miền Nam Việt Nam và Lào là rất quan trọng. Nếu Bắc Việt vẫn kiên quyết thực hiện ý đồ, Bắc Việt có thể phải gánh chịu những hậu quả.
Phản ứng của ông Phạm Văn Đồng ngày 13 tháng tám, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao là "rất tức giận" và lạnh lùng, không nhượng bộ như trong chuyện thăm đầu tiên. Sau đó, ông Đồng nói triển vọng của Mỹ và quân đồng minh ở miền Nam Việt Nam là "không có"(19): không lối thoát, một kết cục thảm bại. Giờ đây, hậu quả của những trận oanh tạc của Mỹ, ông nói, Mỹ đã nhận thấy "cần thiết phải đưa chiến tranh ra miền Bắc để tìm một lối thoát khỏi tình trạng bế tắc… ở miền Nam"(20).
Ông Đồng đã nhận được bức thông điệp. (Nhưng bức thông điệp đó vẫn còn là một bí mật với cử tri, Quốc hội Mỹ tới tận 8 tháng sau). Một cuộc chiến tranh lớn hơn sắp diễn ra.
Chú thích:
(l) "Tôi bị ngư lôi tấn công liên tiếp" - trích trong cuốn "Trận đánh ảo tưởng dẫn tới cuộc chiến tranh", tr.62.
(2) "Bất cứ một hành động quân sự nào chống lại các lực lượng của Mỹ… " - Austin trích dẫn, tr.27.
9h42 chiều ở Vịnh Bắc Bộ: Những tài liệu khác nhau đưa ra những thời điểm khác nhau cho các bức điện, phản ánh các khu vực thời gian khác nhau ở Đông Nam Á - theo các thuật ngữ bên hải quân là giờ Golf, Hotel và India. Ở đây tôi sử dụng giờ Golf cho tàu chỉ huy của Herrick ngoài khơi Bắc Việt, sớm hơn giờ Washington 11 tiếng. (Sài Gòn là giờ Hotel sớm hơn giờ Washington 12 tiếng; nhiều tài liệu sử dụng như trên để thuận lợi cho việc miêu tả). Về các khu vực thời gian, xem Moise, tr 63-64.
(3) "Các quả ngư lôi trượt ra ngoài" - trích trong cuốn "Trận đánh ảo tưởng dẫn tới cuộc chiến tranh", tr. 62.
(4) "Hành động lặp lại đã tạo ra nhiều cuộc đụng độ như đã báo cáo" - Moise trích dẫn, tr. 143.
(5) "Toàn bộ hành động đã đem lại nhiều sự nghi ngờ": Sách đã dẫn (Sđd).
Herrick đánh điện: Tài liệu Lầu Năm Góc, (sau đây viết tắt là Tài liệu Lầu Năm Góc) Gravel xuất bản, tập 3, tr. 185. Scheer, 22. Xem Moise, tr 177.
(6) Liệu chúng có thể bị radar phát hiện ngay lập tức không? Moise.
(7) "Chiến dịch không quân chính thức bắt đầu" - Austin trích dẫn, tr 47.
(8) "Đường tuần tra thuộc hải phận quốc tế": Siff trích dẫn, tr. 117.
(9) "Vô cớ" Sđd, tr. 119.
(10) "Chính phủ của chúng tôi đã cung cấp các tàu thuyền này", trích trong Tài liệu Lầu Năm Góc, Bantam xuất bản, tr. 266.
(11) "Theo nghĩa rộng hơn thì như thế" - Sđd.
(12) "Bắt 2 đội hoạt động trong rừng": Tài liệu Lầu Năm Góc, Gravel xuất bản, tập 3, tr. 553-54.
(13) (14): Với tư cách cá nhân Tổng thống đã chấp nhận các đợt oanh kích bí mật sau đó: Moise trích dẫn, tr. 104-4.
"Có phải họ muốn chiến tranh bằng cách tấn công các tàu của chúng ta": Kahin trích dẫn, tr.224.
"Quốc hội tán thành và ủng hộ": Siff trích dẫn, tr. 115.