Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> Những bí mật về chiến tranh Việt Nam

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 58967 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những bí mật về chiến tranh Việt Nam
Daniel Ellsberg

Chương 22

 Khi Nhà Trắng thông báo Tổng thống sẽ có bài phát biểu quan trọng về Việt Nam vào ngày 3-11-1969, Fulbright đã hoãn buổi điều trần theo dự kiến để chờ xem nội dung và phản ứng của công chúng đối với bài phát biểu. Tôi vẫn chờ để trình bày trước Quốc hội và đêm đêm tiếp tục sao chụp Bản nghiên cứu McNamara để chuẩn bị trước. Ngày 15-10, cuộc biểu tình chống nhập ngũ, chống chiến tranh đã diễn ra với quy mô lớn chưa từng có. Ngày 15-10, biểu tình sẽ còn lan rộng cả ở Washington dù cho Tổng thống tuyên bố ông không bận tâm tới những cuộc biểu tình như thế.

Sau ba năm xa cách, Patricia và tôi đã có khoảng thời gian ngắn ngủi bên nhau, một lần vào tháng Năm và lần nữa vào mùa hè. Chúng tôi đã sắp xếp tới với nhau một tuần tại nhà tôi ở Malibu, bắt đầu từ mồng 2 -11. Chiều muộn hôm đó khi tôi đang đợi cô ấy tới thì chuông điện thoại reo. Đó là Sam Brown gọi từ Washington. Anh là một trong bốn người điều phối Hội đình hoãn nhập ngũ. Chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện với nhau. Anh muốn tôi tới Washington vào tối hoặc sáng sớm hôm sau để tham gia với Ban chấp hành của Hội, bàn thảo đưa ra phản ứng đối với bài phát biểu của Nixon vào tối hôm đó, rồi sẽ vận động quốc hội về vấn đề này. Họ sẽ chi trả tiền đi lại và ăn ở cho tôi. Khi chúng tôi đang nói thì có tiếng gõ cửa. Patricia đi tắc-xi từ sân bay tới. Tôi ra hiệu cho cô ấy là tôi đang có điện thoại rồi để cô ấy tự vào. Khi Patricia trả tiền tắc-xi và mang túi vào thì tôi nói tiếp với Brown. Những gì anh nói có vẻ quan trọng. Tôi nói tôi sẽ tới.

Thật là một tình huống tế nhị. Có lẽ lần này chúng tôi được ở gần nhau lâu nhất trong suốt ba năm, nhưng chúng tôi lại sắp xếp trước khi tôi sao chụp đống tài liệu. Tôi vẫn muốn Patrcia đến, nhưng vẫn muốn tiếp tục công việc của mình, cũng chẳng thích từ chối đề nghị của Brown. Ngoài ra, tôi nghĩ đó sẽ là cơ hội để tôi gửi những tài liệu được cho Fulbright.

Khi tôi gác máy, tôi kể với Patricia và nói sáng hôm sau phải đi Washington. Tôi e nói vậy thật chẳng khác gì, năm 1966 khi tôi nói với cô ấy tôi đã tình nguyện sang Việt Nam. Ít nhất thì lần này tôi đã nói tôi sẽ rất sung sướng nếu cô ấy cùng tôi tới Washington. Thật ngạc nhiên là Patricia đã rất bình thản và còn đồng ý ngay lập tức. Sáng sớm hôm sau chúng tôi ra sân bay, Patricia mang theo cái vali còn chưa kịp mở, tôi thì mang một nghìn trang đầu của tập Nghiên cứu McNamara để ở đáy vali, dưới đống áo sơ mi.

Theo kế hoạch, Nixon sẽ phát biểu về Việt Nam vào bảy giờ tối hôm đó, và do máy bay mãi hơn năm giờ mới tới nên chúng tôi quyết định từ Dulles đi thẳng tới trụ sở của Hội đình hoãn nhập ngũ. Tổng thống chuẩn bị bắt đầu khi chúng tôi chạy vào văn phòng, đồ đạc vẫn trên tay. Chúng tôi bắt tay mọi người rồỉ tất cả cùng ngồi trước tivi. Mọi người đều cho là đứng trước số lượng người khổng lồ tham gia biểu tình tháng mười, Nixon sẽ tìm cách hạ thấp cuộc biểu tình vào ngày 15-11 của chúng tôi. Mọi người trong phòng cá với nhau xem ông ta sẽ tuyên bố rút bao nhiêu quân. Hai mươi lăm nghìn? Thế có lẽ quá ít. Năm mươi nghìn? Một trăm nghìn?

Chúng tôi chăm chú nghe ông ta thông báo. Nhưng khi bài phát biểu kết thúc, chúng tôi không thể tin vào tai mình. Ông ta không hề thông báo sẽ rút thêm quân!

Chúng tôi chẳng hy vọng ông ta sẽ tuyên bố rút quân, nhưng ông ta thậm chí còn không tuyên bố (giả vờ) rút quân chiếu lệ vào lúc này. Ngược lại, ông ta đưa ra những điều kiện xương xẩu trước khi nước Mỹ có thể rút hoàn toàn. Hoặc là Hà Nội phải từ bỏ mục tiêu thống nhất Việt Nam và các lực lượng nước ngoài phải rút quân và từ bỏ quyền kiểm soát, hoặc chế độ Sài Gòn phải có khả năng tự mình đương đầu với những thách thức. Một thực tế tương đối rõ ràng là cả hai khả năng này chẳng bao giờ trở thành sự thực. Trước phong trào phản chiến lớn nhất mà chưa Tổng thống Mỹ nào phải đối mặt, ông ta đã lựa chọn giải pháp là tiếp tục đối đầu với những yêu sách của những người biểu tình.

Tổng thống đã liều lĩnh một cách khó hiểu. Ông ta không có vẻ gì là quan tâm tới tâm trạng của người dân, và điều đó tạo cho chúng tôi thêm nhiều cơ hội để kêu gọi phản đối chính sách của Tổng thống. Chúng tôi nghĩ, chính Nixon đã làm số người tới đây tham gia biểu tình tăng gấp đôi.

Sáng hôm sau, theo sắp xếp tôi tới gặp mười nghị sỹ có tư tưởng cấp tiến, đứng đầu là ba nghị sỹ Abner Mikva, Robert Kastenmaier và Don Edwards, những người đã làm việc cùng nhau và tự gọi là Nhóm. Họ đã xem bản ghi nhớ của Rand, và tôi đưa họ bản sao chụp tài liệu. Sau khi tôi trình bày về bài phát biểu của Nixon, Mikva đề nghị tôi thảo cho họ một tuyên bố theo những ý bình luận của mình. Tôi có một văn phòng, một cái máy chữ và bắt đầu công việc. Đầu giờ chiều tôi chuyển cho trợ lý của Mikva một giác thư bốn trang có tiêu đề "Cuộc chiến tranh của Nixon". Bức thư bắt đầu như sau: "Tối thứ hai Tổng thống đã sử dụng một tiêu chuẩn sai lệch và tuyên bố cuộc chiến tranh của Nixon. Nhìn kỹ hơn, cuộc chiến mà ông ta tiếp tục theo đuổi đáng buồn thay lại tương tự với cuộc chiến của Johnson: cam kết theo đuổi ở Việt Nam những mục tiêu không thể đạt được, một cuộc chiến không hồi kết cả về thời gian, cả về tiền bạc và hoả lực Mỹ để chống lại người Việt Nam".

Ngày hôm sau, mồng 5-11, Hạ nghị sỹ Don Fraser đã lấy toàn bộ bức giác thư của tôi để làm bài phát biểu trước Hạ viện. Trong lúc đó, cả mười thành viên của Nhóm đã ký chung một bức thư gửi "Đồng nghiệp thân mến" kêu gọi đồng bảo trợ cho một nghị quyết sẽ được giới thiệu trong thời gian ngắn nhất. Tuyên bố đi kèm với nghị quyết mở đầu bằng phần đầu tiên trong giác thư của tôi, có chỉnh sửa chút ít:

"Thiếu sót cơ bản nằm ở việc hạn chế lựa chọn một trong hai khả năng: "thúc đẩy" rút quân hoặc cam kết làm chỗ dựa vô thời hạn về quân sự cho chính quyền Sài Gòn hiện tại (với một hy vọng hão huyền là cuối cùng sẽ chuyển giao chiến tranh trên bộ cho quân đội Nam Việt Nam). Chúng tôi không đề nghị cả hai khả năng này, và chúng tôi thấy chính sách Việt Nam của Tổng thống đã bị nhận thức sai lầm một cách bi thảm vì ba lý do chủ yếu".

Ba đoạn tiếp theo được lấy nguyên xi từ bản ghi nhớ của Rand. Tuyên bố kết thúc như sau: "Vì những lý do chúng tôi đã nêu trên", cần phải "kiên quyết rằng theo Quốc hội, quân lực Mỹ ở Nam Việt Nam cần phải được rút một cách có hệ thống theo một lịch trình trật tự và cố định - không thúc đẩy hoặc phụ thuộc vào những yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta - sao cho có đủ thời gian cần thiết để (a) bảo đảm sự an toàn của binh lính Mỹ, (b) bảo đảm tù nhân Mỹ sẽ được trả tự do, (c) hỗ trợ bất kỳ người Việt Nam nào mong muốn được tị nạn, và (d) tạo điều kiện để Mỹ có thể bố trí có trật tự các trang thiết bị ở Nam Việt Nam".

Đây là lần đầu tiên trong đởi, tôi trao đổi với các nghị sỹ về một phần dự luật và đã giúp thảo ra dự luật đó. Một tuần trước cũng là lần đầu, tôi thực sự được chuẩn bị một bài phát biểu cho một nghị sỹ. Các nhân viên của Rand thỉnh thoảng cũng làm vậy với những dự án mà họ có được sự bảo trợ của ít nhất một vài quan chức cao cấp trong không quân. Nhưng đây thực sự là phá lệ khi làm việc trực tiếp với những nghị sỹ phản đối chính sách của Tổng thống, công khai chỉ trích và thách thức chính sách đó, mà không có sự ủng hộ ngầm của bất kỳ ai trong nhánh hành pháp.

Chiều hôm sau, tôi gặp Jim Lowenstein, trợ lý của Fulbright, người đã mời tôi tới dự buổi điều trần trước khi nó bị hoãn, và Norvil Jones, trự lý pháp lý của Fulbrightt. Lần đầu tiên tôi kể cho họ Bản nghiên cứu McNamara là gì và làm thế nào để sử dụng nó làm cơ sở cho buổi điều trần. Họ quyết định là tốt hơn hết Fulbright nên trực tiếp nghe tôi nóỉ.

Lúc đó là chiều muộn, văn phòng của Fulbright đã tối om, vài ánh đèn leo lét. Tôi đem theo Hồ sơ Lầu Năm Góc, tất cả tôi đã sao chụp và lôi từ va li rồi cho vào hai cặp tài liệu. Tôi ngồi trên ghế sofa, đặt cặp tài liệu bên cạnh. Tôi nói với họ những điều cơ bản về Bản nghiên cứu McNamara và tại sao tôi cho rằng Quốc hội và công chúng cần phải có được Bản nghiên cứu này. Hầu hết thông tin đã bị giấu kín với Quốc hội dù chúng liên quan chặt chẽ với những gì đang diễn ra. Tôi trình bày cách hiểu của tôi về chính sách của Nixon và tác động của nó - chiến tranh sẽ tiếp tục và ngày càng lan rộng. Fulbright đồng ý với tôi, nhưng ông nói phản ứng ban đầu đối với bài phát biểu của Nixon cho thấy rằng rất nhiều người, kể cả những người trong Uỷ ban của ông, đang ngờ nghệch tin vào những thứ họ muốn tin, rằng Nixon đang rút khỏi Việt Nam.

Tôi nói với họ rằng tôi không có tài liệu chứng minh điều ngược lại, nhưng câu chuyện này cho thấy vẫn một kiểu lừa như thế, vẫn những kế hoạch và mối đe doạ bí mật hòng leo thang chiến tranh, vẫn những dự đoán nội bộ đầy bi quan, và vẫn những hứa hẹn trước công chúng như suốt thời kỳ của bốn Tổng thống trước. Đưa những điều đó ra ánh sáng với những bằng chứng nội bộ sẽ giúp công chúng hiểu được vị Tổng thống thứ năm dính líu đến cuộc chiến Việt Nam đang làm gì. Thay vì coi việc leo thang chiến tranh là việc đã rồi, Quốc hội sẽ có thể kịp thời có biện pháp ngăn chặn.

Tôi nói tôi đã nghĩ tới việc đưa những tài liệu này đăng tải qua báo chí và đã chuẩn bị trước, nhưng với tôi, có lẽ tốt nhất là nên báo cáo những điều này trong các buổi điều trần của quốc hội. Dù sao đi nữa thì những tài liệu này cũng không thể nói lên tất cả. Có những khía cạnh quan trọng của chính sách này không bao giờ được ghi chép lại, và chỉ có những người trong cuộc mới có thể làm sáng tỏ. Quốc hội có thể triệu tập các nhân chứng cả ở các phiên kín và các phiên công khai và yêu cầu họ giải thích về những khác biệt giữa những tài liệu và những gì họ tuyên bố trước công luận. Trong quá trình đó, các thượng nghị sỹ và đội ngũ trợ lý của họ có thể tìm ra được sự thật từ các nhân chứng, điều mà chẳng ai dám mơ tới nếu không có bằng chứng từ những tài liệu này, những tài liệu mà có thể sử dụng làm nền tảng cho một kiểu chất vấn độc nhất vô nhị.

Tôi kể với ông về kinh nghiệm của bản thân, khi đó là vào năm 1964, chính Fulbright cũng đã bị lừa dối khi xử lý Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ. Tôi nói, mãi cho đến tháng hai, khi kết thúc điều trần về vụ việc đó, ông vẫn đinh ninh tin vào báo cáo của McNamara. Fulbright ngắt lời tôi, nói rằng họ đã nghe nói tới nghiên cứu của Joseph Ponturo về Sự kiện Vịnh Bắc Bộ viết cho Cơ quan tác chiến chiến dịch của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, nhưng Bộ Quốc phòng đã từ chối cho họ tiếp cận tài liệu này. Tôi nói tôi đã sao nguyên văn hầu hết những ghi chép của mình từ nghiên cứu đó và có mang theo.

Fulbright có vẻ rất hứng khởi khi nghe những gì tôi nói.

Ông nói tôi nên đưa tài liệu cho Jones và họ sẽ tiếp tục chuẩn bị cho buổi điều trần. Tôi cũng nóỉ rõ ràng là việc tôi sao chụp những tài liệu này khiến tôi có nguy cơ bị truy tố. Chẳng hay ho gì khi phải vào tù, nên tôi hỏi liệu có thể sử dụng tài liệu mà không tiết lộ tôi là người cung cấp hay triệu tôi tới để điều trần.

Tôi thích thế hơn, nhưng vấn đề quan trọng là làm thế nào sử dụng tốt nhất những tài liệu đó. Tôi sẵn sàng trước mọi điều có thể xảy ra. Ví dụ như, nếu họ gọi tôi tới điều trần về tính xác thực của nghiên cứu này, hoặc giả nếu cần chuẩn bị tài liệu và gửi tới Uỷ ban thì cứ gọi tôi.

Fulbright nói: "Tôi không nghĩ cần thiết phải làm như thế. Chúng ta có thể xử lý bằng nhiều cách. Tôi không nghĩ chúng tôi phải nêu ra là nhờ anh chúng tôi mới có được những tài liệu này. Chỉ có điều, chúng ta nên sẵn sàng đưa ra chính thức trước chính quyền nếu cần thiết. Nếu họ ỉm tài liệu này đi, chúng ta có thể yêu cầu những tài liệu chi tiết. Giờ thì chúng tôi biết cần gì rồi, sẽ không phải phiền anh tí nào đâu".

Tôi nói với tôi thế thì ổn quá. Tôi chỉ muốn mọi người hiểu rằng tôi không muốn họ phải quá lo lắng về những thứ có thể xảy ra với tôi khiến ảnh hưởng tới công việc này. Không phải là không quan trọng, nhưng kể cả thế đi nữa thì đó cũng không phải là điều đáng bận tâm nhất. Tôi đã đâm lao rồi. Điều gì làm cho công việc được trôi chảy nhất thì phải làm cho bằng được.

Tôi sẵn sàng ngồi tù, vì dù sao đó cũng là điều tôi đã dự liệu khi bắt đầu sao chụp tài liệu một tháng trước. Fulbright nói ông ngưỡng mộ tinh thần của tôi và rất biết ơn vì những gì tôi đã làm. Nhưng ông nghĩ là không đến mức phải như thế. Quốc hội có quyền biết thông tin này, và lẽ ra phải được biết sớm hơn nhiều, ông không nghĩ rằng một cựu quan chức có thể bị tống vào tù vì đã dũng cảm báo cáo tài liệu này cho Quốc hội.

Ông đứng lên, chúng tôi cũng đứng lên theo và chuẩn bị đi ra. Nhưng tôi còn một thứ phải làm. Dù có thế nào chăng nữa, tôi muốn nói rằng tôi đã nỗ lực để đưa tài liệu này cho Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại của Thượng viện. Tôi muốn trực tiếp đưa cho ông ít nhất một phần trong nghiên cứu này, và trước sự chứng kiến của những người khác.

Tôi đã chụp thêm một bản tập tài liệu về Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, cùng với những ghi chú của tôi về Nghiên cứu Pontoro. Tôi hỏi liệu ông có muốn xem qua không. Ông đáp: "Tôi thực sự muốn". Miệng ông cười thật tươi, rộng như giọng miền Nam kéo dài của ông vậy. Ông vươn tay nhận tập tài liệu tôi đang cầm trước mặt những người trong phòng. Ông nói ông sẽ đọc ngay lập tức và tôi có thể tin ông sẽ làm đúng như thế.

Tôi biết rằng tập tài liệu này không nêu thẳng thắn bằng các tập còn lại, nhưng lại gây ấn tượng hơn nhiều. Một sĩ quan không quân làm việc cho McNamara theo nghiên cứu này đã viết trong vài ngày sau khi diễn ra cuộc điều trần của nghị sỹ Fulbright về cùng nội dung trên. Anh này đã rất cẩn thận không tiết lộ những chi tiết mâu thuẫn trong phân tích về tường trình của McNamara trong những phiên điều trần đồng thời. Theo như tôi biết thì đó là tập duy nhất phụ thuộc vào một mức độ tự kiểm duyệt nhất định. Nhưng tôi biết rằng thế cũng đủ gợi mở để khiến Fulbright nổi xung lên rồi.

Chúng tôi để Fulbright ở lại trong văn phòng. Vào phòng bên cạnh, tôi dốc hết cặp xách trên bàn của Norvil Jones và hứa rằng tôi sẽ gửi cho anh ấy số tài liệu còn lại ngay khi tôi sao chụp xong.

Sau khi chúng tôi từ Washington trở về vào ngày 6-11, Patricia tới Seattle vài ngày với một người bạn thân đang chuẩn bị lập gia đình. Tôi trở lại với thói quen đêm đêm nhét đầy cặp Bản nghiên cứu McNamara và lái xe tới văn phòng của Lynda Sinay ở Hollywood để sao chụp. Tôi vẫn ngủ ít. Vẫn như trước, tôi lên giường đi ngủ vào khoảng chín mười giờ sáng và ngủ tới ba bốn giờ chiều, rồi làm ở Rand tới tám chín giờ, rồi ra về để hoàn thành công việc ban đêm ở Đại lộ Melrose. Tôi vẫn hy vọng Fulbright sẽ điều trần trước Uỷ ban đối ngoại của Thượng viện về vấn đề rút khỏi Việt Nam, dù cho ông vẫn chưa sắp xếp lại lịch cho vấn đề này. Tôi muốn sao chụp càng nhiều tài liệu càng tốt, trước khi diễn ra buổi điều trần, cũng như tranh thủ lúc Patricia còn chưa quay về. Tôi chưa hề nói gì với cô ấy về những gì tôi đang làm với đống tài liệu này. Tôi không muốn cô ấy hay ai đó giúp tôi sao chụp phải dính líu vào vụ này. Tôi chỉ nói với Janaki, và là qua điện thoại. Cũng vì thế, tôi cũng đã có ý nói với Randy Kehler trước tháng mười hai, khi anh phải vào tù. Tôi muốn cho họ biết rằng họ đã ảnh hưởng đến tôi nhiều đến thế nào. Tôi muốn họ biết rằng tôi đã đi theo cái cách mà họ đã sống.

Đến giờ công việc thật là cực nhọc, nhưng tôi vẫn làm một mình. Lynda và Tony không đến nữa. Tôi làm cả đêm, sao chụp và so sánh đối chiếu, rồi lại có mặt ở Rand vào khoảng tám giờ.

Trước đó tôi để các bản sao ở nhà một người bạn. Tôi lái xe về nhà theo xa lộ Pacific, ngược đường buổi sáng, tắm biển trước khi lên giường đi ngủ. Tôi bắt đầu thấy lạnh và không thể ở dưới nước quá lâu, nhưng lướt vài con sóng thật quá mê ly và tôi chẳng biết mình có thể lướt tiếp bao lâu nữa. Vì thế, trên thế giới này với tôi chẳng có nơi nào dễ chịu hơn bãi biển Las Tunas ở Malibu. Đó là một bãi biển hẹp, vào mùa đông, những con sóng khi triều lên có thể tràn tới cả những mái nhà tranh ven bờ, cùng những con sóng cao thật thích hợp để lướt ván thì chỉ cách nhà có vài mét. Suốt từ tháng mười đến giữa tháng mười một, khi thời gian để tôi công bố những tài liệu chỉ tính bằng ngày, bằng tuần, sau một đêm sao chụp tài liệu tôi thường ra ngắm nhìn những con sóng nối đuôi nhau tràn vào bờ ngay trước hiên nhà, ngước nhìn bầu trời, chiêm ngưỡng những ngọn đồi nằm về một bên, và nghĩ rằng, làm sao mình có thể từ bỏ công việc này được.

<< Chương 21 | Chương 23 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 734

Return to top