Công trình nghiên cứu "Những bài học về Việt Nam" mà tôi tiếp tục tiến hành sau khi tôi đến Washington vào mùa xuân năm 1969, ngoài những vấn đề khác ra, còn đề cập tới những "tiêu chí không can thiệp", cảnh báo những dấu hiệu can thiệp mà chúng ta cần tránh hoặc cần loại bỏ. Đa phần người Mỹ từ lâu đều biết rằng Việt Nam nằm trong số những tiêu chí này, căn cứ vào cách chúng ta có thể hành động, cách chúng ta đã hành động và khả năng không thể giành thắng lợi. Tuy nhiên, mãi đến mùa hè năm đó, câu hỏi "Làm thế nào để chúng ta có thể chiến thắng tại Việt Nam?" vẫn rất hấp dẫn tôi. Và cả những câu hỏi đại loại như vậy nữa: nước Mỹ đáng nhẽ ra nên làm gì để nâng cao khả năng thành công? Nếu một số mục tiêu đặt ra không khả thi - ít nhất sau một thời điểm nào đó - thì Tổng thống sẽ đặt ra những mục tiêu nào khác khả thi hơn?
Đó là những gì nằm trong số những câu hỏi mà tôi đề cập đến trong tài liệu nghiên cứu tôi viết tháng bảy và tháng 8-1969, tài liệu thứ chín trong một loạt các tài liệu nội bộ của Rand mà tôi tham gia viết, có tựa đề là "Những mục tiêu không khả thi và nền chính trị bế tắc"(91). Những câu hỏi này thiên về học thuật; rõ ràng là những câu hỏi này ảnh hưởng tới chính sách đang phát huy hiệu quả tại các khu vực khác, nơi mà các chương trình chống biệt kích xâm nhập có lẽ phù hợp hơn.
Tôi cho rằng vào thời điểm đó, những câu hỏi này khiến tôi nhớ lại những gì mà Richard Bames đã miêu tả là mối bận tâm của nước Mỹ: "Mục tiêu quốc gia của toàn nước Mỹ là phải chiến thắng". Quan điểm của tôi thay đổi rất nhiều - một phần là vì lúc đó tôi sắp đọc (đúng ra là vào tháng chín) những chương đầu tiên của Hồ sơ Lầu Năm Góc - do vậy những quan ngại thể hiện trong tập tài liệu dự thảo này kết thúc một giai đoạn đối với tôi. Chính trong tháng cuối cùng của giai đoạn đó, những gì tôi viết đã thể hiện được mối quan ngại về việc làm thế nào chúng ta có thể chiến thắng ở Việt Nam.
Một vài năm sau, khi đọc lại những phân tích tôi viết trước thời điểm giữa năm 1969, tôi rất ngạc nhiên về niềm tin kiên định rằng chúng ta có quyền chiến thắng, cái quyền mà chúng ta tự định nghĩa theo cách của riêng mình (tức là theo cách của Tổng thống). Hầu như tất cả các nhà phân tích chiến lược khác cũng như các chính khách của chính phủ đều viết như vậy. Giả thuyết ngầm đó làm cơ sở cho một giả thuyết ngầm khác của một nhóm rất nhiều các quan chức, các cựu quan chức và những thành viên tự do không còn tin vào khả năng thực tiễn giành được chiến thắng bằng bất kỳ giá nào. Tuy nhiên đây là giả thuyết để chúng ta có thể kéo dài cuộc chiến bất thành nhằm trì hoãn thất bại hoặc trong trường hợp xấu nhất thì sẽ thua cuộc trong danh dự với mạng sống của không biết bao nhiêu người châu Á, một tổn thất mà họ và chính sách của chúng ta không đặt ra giới hạn.
Tới cuối mùa xuân năm 1969, tôi đã loại trừ giả thuyết thứ hai khi tôi bắt đầu hoài nghi về sự phù hợp trong đánh giá chính trị giải thích cho cảm giác của đa phần các quan chức Mỹ, trong đó có cả tôi, rằng việc can thiệp vào Việt Nam lúc ban đầu và sau này tiếp tục can thiệp là hợp pháp. Tôi bắt đầu suy nghĩ lại ngay sau khi tôi giảng bài về nền chính trị Nam Việt Nam cho một lớp ở đại học Ohio vào tháng 5-1969. Bằng cách đặt câu hỏi cho sinh viên, tôi phân biệt sự khác nhau giữa các ý kiến. Tôi có cảm giác một số sinh viên hồ nghi về quan điểm của tôi. Tôi đề nghị cả lớp giơ tay biểu quyết xem ai tin rằng đa số người dân Nam Việt Nam ủng hộ thắng lợi của Mặt trận dân tộc giải phóng. Đúng như tôi nghĩ, hầu hết sinh viên đều giơ tay. Tôi nói họ có thể đúng nhưng trong thâm tâm tôi lại không nghĩ như vậy. Tôi tin rằng bản chất của tình hình không phải là những gì trái ngược với những điều họ nghĩ, mà bản chất đó hơi khác một chút. Bằng cách đưa ra sự phân biệt quen thuộc với người dân Việt Nam, mặc dù không quen thuộc với người dân Mỹ, tôi nhận xét rằng đa phần người dân Nam Việt Nam là phi cộng sản, chứ không phải chống Cộng sản. Điều này có nghĩa rằng, không giống địa chủ, người theo đạo Thiên Chúa, công chức và chiến sĩ, những người hết lòng ủng hộ chính phủ Việt Nam - có lẽ chiếm khoảng 10-15% dân số - thì đa phần người phi cộng sản không nhiệt tình tham gia hay tự nguyện ủng hộ một chiến dịch sử dụng vũ lực để truất quyền của người cộng sản hoặc trừ khử họ như một lực lượng chính trị, chứ đừng nói gì tới tiêu diệt họ. Tuy nhiên đa phần mọi người càng không muốn đất nước mình diệt vong dưới đạn bom của Mỹ khi theo đuổi những mục đích như vậy.
Tôi nói tiếp: "Ngay bây giờ, nguyện vọng chính trị chính của nhóm đa số này là muốn thấy chiến tranh kết thúc. Tôi không dám chắc là lâu nay phần lớn người dân Nam Việt Nam mong muốn chiến tranh kết thúc - dù bên nào thắng cũng được - hơn là chiến tranh cứ tiếp diễn với quy mô như hiện nay.
Tối hôm đó, tôi chợt nảy ra một ý tưởng mới khi tôi ngồi nghĩ lại những gì hiển hiện trong đầu khi đang giảng bài. Trái ngược lại với niềm tin của phần lớn thanh niên trong phong trào phản chiến - bao gồm đa phần sinh viên trong lớp học hôm đó - phần lớn người dân Nam Việt Nam không nhiệt tình ủng hộ Việt Cộng hay ban lãnh đạo của họ (trừ Chủ tịch Hồ Chí Minh). Nếu hiểu theo cách đó thì chúng ta không tham chiến bất hợp pháp chống lại phần đông ý kiến của người dân Nam Việt Nam.
Không. Phải theo cách hiểu đó. Nhưng liệu còn cách đánh giá khác mà tôi đã trình bày khi cố gắng định nghĩa chính kiến của người Việt Nam? Tác động của việc cho rằng đa phần người dân Nam Việt Nam muốn chiến tranh kết thúc cho dù bất kỳ bên nào thắng? Điều đó sẽ có ý nghĩa gì về tính hợp pháp khi chúng ta áp đặt ý định muốn tiếp tục cuộc chiến?
Đêm hôm đó tôi cứ trăn trở mãi với những câu hỏi đó. Sáng hôm sau, trước khi tôi đáp máy bay về nhà ở bang California, tôi gọi điện cho Mort Halperin, lúc đó đang làm việc cho Henry Kissinger trong Nhà Trắng, phụ trách về Việt Nam.
Tôi nói: "Mort, tôi muốn hỏi anh một câu. Anh dự đoán thế nào về tỷ lệ người Việt Nam, tính cho đến thời điểm này, muốn chiến tranh kết thúc, dù bất kỳ bên nào thắng?"
Mort đưa ra câu trả lời khiến tôi không hề ngạc nhiên: "Khoảng 80 đến 90%".
"Thế còn sếp của anh?", ý tôi muốn nói đến Kissinger.
"Tôi chưa bao giờ nói với sếp. Nhưng tôi nghĩ ông ta cũng sẽ nói như vậy".
Tôi nói: "Con số dự đoán đó nghe rất có lý. Nhưng tôi mới có thêm một câu hỏi khiến tôi bận tâm nhiều hơn. Nếu đúng là đa phần người dân Nam Việt Nam muốn chiến tranh kết thúc, dù phe Cộng sản hay chính quyền Nam Việt Nam chiến thắng thì làm sao chúng ta có đầy đủ lý do chính đáng để kéo dài cuộc chiến tại đất nước họ? Tại sao chúng ta có quyền kéo dài cuộc chiến đó dù chỉ thêm một ngày?"
Mort im lặng hồi lâu rồi nói: "Đó là một câu hỏi rất hay. Tôi chưa có ngay câu trả lời. Tôi sẽ suy nghĩ thêm".
Khi đáp máy bay về nhà và sau đó, tôi cảm thấy kết quả không hoàn toàn logic. Kết quả có được từ một tầm nhìn khác, từ những cân nhắc khác nhau. Tôi không hoàn toàn đồng ý với các bạn sinh viên - thể hiện bằng việc giơ tay biểu quyết trong lớp - rằng đa phần người dân nam Việt Nam nhiệt tình và ngầm ủng hộ Mặt trận dân tộc giải phóng. Tôi dần dần mường tượng ra rằng những gì tôi thực sự tin về việc Nam Việt Nam thiếu hậu thuẫn trong cuộc chiến này không có nghĩa rằng chính sách của chúng ta ít tàn bạo và vô nhân đạo hơn là lớp sinh viên tôi dạy đã nghĩ. Tôi hiểu theo một cách khác về mối hoài nghi của các bạn sinh viên tôi cảm nhận được khi giảng bài cho họ, cảm giác xa cách của họ đối với thái độ của tôi. Cảm giác xa cách đó cũng bắt đầu xâm chiếm tôi.
Để phục vụ cho nền chính trị trong và ngoài nước, chúng ta đang tiến hành chiến tranh tại xứ người, một đất nước không hề tấn công chúng ta hay một nước nào khác. Tiếp tục cuộc chiến chống lại ý nguyện của nhân dân quốc gia đó bắt đầu khiến tôi thấy mặc cảm tội lỗi.
Cảm giác đó càng ngày càng lớn mạnh trong tôi vào những tháng tiếp sau khi cuối cùng tôi quay sang đọc về nguồn gốc của cuộc chiến tranh này. Gần một năm trước đó, tôi đã bắt đầu đọc những báo cáo lịch sử chính thống, một số được viết bằng tiếng Pháp. Đến lượt mình, những bản báo cáo này đã khiến tôi mang từ Washington về Rand vào cuối tháng tám những phần đầu tiên của Hồ sơ Lầu Năm Góc viết về giai đoạn 1945-1960.
Niềm tin rằng chúng ta có quyền chiến thắng tại Việt Nam, áp đặt ý nguyện chính trị của chúng ta bằng biện pháp quân sự đã biến mất trong tôi khi tôi đọc những phần đầu tiên này.
Mùa xuân năm 1969, ông Hoàng Văn Chí, bây giờ là một nhà tư vấn cho Công ty Rand, nói với tôi: "Ông phải hiểu rằng trong con mắt của tất cả người Việt Nam, chúng tôi giành được độc lập vào tháng 3-1945, và gần hai năm sau đó, người Pháp bắt đầu quay lại xâm lược miền Bắc Việt Nam". Lúc đó tôi hầu như không hiểu những gì ông ta nói và tôi cũng không nghi ngờ bất kỳ quan chức Mỹ nào mà tôi làm việc cùng. Ông ta muốn nói tới sự thật là người Nhật đã giam giữ lực lượng chiếm đóng của Pháp vào ngày 9-3-1945, tuyên bố Việt Nam độc lập từ tay người Pháp và Hoàng đế Bảo Đại một lần nữa khẳng định nền độc lập, và sau đó 5 tháng chính thức thoái vị, nhường chỗ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ lúc đó đến tháng 11, 12-1946 khi quân Pháp bắt đầu chiến dịch sử dụng vũ lực hòng tái chiếm lại thuộc địa cũ của mình thì người Pháp có ý muốn coi ít nhất là khu vực Bắc Bộ, một phần ba lãnh thổ Việt Nam ở phía bắc, là nhà nước độc lập và chủ tịch nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc đó lời đề nghị khẩn thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới nước Mỹ yêu cầu công nhận cả Việt Nam là một nhà nước độc lập đã bị Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Truman bác bỏ.
Tài liệu nội bộ nêu rõ rằng việc bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cộng sản - không hề liên quan đến việc năm 1945 Mỹ quyết định không đáp lại lời đề nghị nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng ra, việc chúng ta lặng thinh như vậy phản ánh một quyết sách hơi do dự nhưng chắc chắn của Tổng thống Roosevelt để người Pháp thấy rằng chúng ta công nhận "quyền sở hữu" thuộc địa của người Pháp đối với Việt Nam, mặc dù trong chiến tranh đã có thời gian bị ngắt quãng và bất chấp việc đòi độc lập sau chiến tranh. Quyết định đó, được tiếp tục dưới thời Tổng thống Truman, mâu thuẫn với truyền thống chống thực dân hoá của nước Mỹ (và cảm giác của Tổng thống Roosevelt rằng người Pháp đã bóc lột và lợi dụng thuộc địa này) và lời hứa về quyền tự quyết ghi trong Hiến chương Đại Tây Dương. Cả hai điều này đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến trong những bức thư gửi Tổng thống Truman. Bản Hiến chương này được thông qua hoàn toàn vì lợi ích mong muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp với Pháp cũng như với Anh. Mặc dù Anh có tham gia vào Hiến chương Đại Tây Dương nhưng Anh không muốn và cũng không có ý định áp dụng bản Hiến chương này vào các thuộc địa của mình ở Ấn Độ và Malaysia.
Tại Pháp, vào mùa xuân và mùa hè năm 1946, trong những cuộc hội đàm về tương lai của khu vực nam Trung Hoa, bao gồm cả Sài Gòn, tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh được trọng vọng như một nguyên thủ quốc gia và sử dụng tư cách đó để đàm phán với Pháp. Jean Sainteny, viên toàn quyền trước đây của Pháp tại Việt Nam, vào tháng 3 đã ký một bản thoả thuận rằng việc có đưa Sài Gòn vào nhà nước độc lập ở Bắc Việt Nam hay không sẽ được quyết định thông qua trưng cầu dân ý. Nhưng chính phủ Pháp không có ý định thực hiện bản thoả thuận đó. Việc làm này cùng với ý đồ rõ ràng của Pháp muốn dùng vũ lực biến Bắc Việt Nam một lần nữa thành thuộc địa đã khiến cho hai bên nổ súng giao chiến vào cuối năm 1946. Trong năm năm làm quan chức và tư vấn phụ trách về Việt Nam, tôi không hay biết gì về giai đoạn lịch sử này hoặc ít nhất là về tầm quan trọng của nó. Tới cuối mùa hè, tôi biết về câu chuyện kể trên thông qua những tài liệu mà tôi đã trích dẫn, những tài liệu mà cho đến nay tôi vẫn khuyên người Mỹ nên đọc. Điều làm tôi ấn tượng hơn là ở chỗ tình hình cũng được đánh giá tương tự trong tài liệu tối mật của nghiên cứu McNamara về giai đoạn đó.
Từ những gì tôi làm cho nghiên cứu McNamara về giai đoạn 1950- 1961, tôi biết rằng trong thập kỷ 50, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cộng sự của ông có đủ mọi lý do để Mỹ, Pháp, cộng đồng quốc tế và trên hết là các nước đồng minh cộng sản, Liên Xô và Trung Quốc, phản bội lại vì họ đã không thực hiện được chính xác thoả thuận trong Hiệp định Geneva ký năm 1954. Hiệp định này quy định rõ khu vực phi quân sự không phải là biên giới quốc tế chia cắt hai nhà nước độc lập. Năm 1956, họ kêu gọi tổng tuyển cử với sự giám sát quốc tế để quyết định về chính phủ của nhà nước Việt Nam thống nhất. Khi còn là quan chức Lầu Năm Góc, tôi không hề hay biết gì về việc này. Lúc đó tôi tin vào lý lẽ nguỵ biện của Bộ Ngoại giao Mỹ mà tôi được đọc, thậm chí trong những công văn giấy tờ tối mật về hiệp định Geneva và việc không tổ chức tổng tuyển cử được.
Dù nội bộ hay công khai, Ngoại trưởng Mỹ, Rusk và cấp dưới nhiều lần tuyên bố rằng "tất cả những gì chúng tôi yêu cầu là Bắc Việt Nam hãy để cho người láng giềng của mình được yên" và tuân thủ các điều khoản của hiệp định Geneva năm 1954.
Giả thuyết hiểu ngầm và nhiều khi tuyên bố công khai thể hiện ở chỗ hiệp định này đã sinh ra hai nhà nước tách biệt, độc lập và có chủ quyền, hai "người láng giềng", Bắc và Nam Việt Nam. Cuối cùng khi tôi đọc hiệp định, tôi phát hiện ra rằng điều đó hoàn toàn trái ngược với tinh thần của hiệp định như nó vốn có trên giấy trắng mực đen. Trái ngược đến mức trơ trẽn.
Và cũng trơ trẽn không kém là việc trong suốt thập kỷ 60 Mỹ thường xuyên yêu cầu "phải quay lại tuân thủ những điều khoản của hiệp định" trong khi Mỹ chưa bao giờ có ý định ủng hộ và cho phép tuân thủ những điều khoản chính trị cốt lõi của hiệp định, kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Nhưng điều đó được phản ánh rất rõ trong các tài liệu tôi đọc được năm 1967 tại Lầu Năm Góc. Tháng 3-1964, Bộ trưởng McNamara đã báo cáo với Tổng thống Johnson rằng kiến nghị của De Gaulle "trung lập hoá Nam Việt Nam" bao gồm việc Mỹ rút quân hoàn toàn và rằng: "Đàm phán trên cơ sở này có nghĩa là Cộng sản sẽ tiếp quản toàn bộ Nam Việt Nam. Chỉ có sự hiện diện của Mỹ sau năm 1954 mới thống nhất được Nam Việt Nam trong những hoàn cảnh thuận lợi hơn và cho phép Ngô Đình Diệm từ chối tuân thủ những điều khoản của hiệp định năm 1954 kêu gọi tổng tuyển cử "tự do" toàn quốc năm 1956. Những gì tôi đọc được năm 1969 là một bản hiệp định khác giống hiệp định năm 1954 nhưng đã bị Pháp vi phạm 8 năm trước đó, năm 1946. Tôi phát hiện ra rằng hậu quả của việc vi phạm đó được cả hai bên nhìn nhận rất rõ.
Khi tôi đọc, tôi thấy một câu trích đã tóm tắt được cả câu chuyện. Đó là lời đề nghị buồn bã gửi tới Jean Sainteny vào tháng 9-1946 tại Pháp khi kết thúc hội đàm thất bại, "Tôi không muốn ra đi như thế này. Hãy cho tôi vũ khí để chống lại những kẻ muốn khuất phục tôi". (Tại Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh bị các đồng nghiệp chỉ trích gay gắt vì đã ông đã nhượng bộ để tránh giải quyết mâu thuẫn bằng một cuộc chiến tranh). "Ông sẽ không hối tiếc về điều đó. Nếu chúng tôi phải chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu. Ông giết được mười lính của tôi thì tôi sẽ giết được một lính của ông, và cuối cùng chính ông sẽ mệt mỏi và chán chường".
Tính lo xa kỳ lạ trong lời cảnh báo này không chỉ có ở nhà lãnh đạo Việt Nam. Kể từ tháng 9-1969 khi lần đầu tiên tôi đọc tập đầu tiên của Hồ sơ Lầu Năm Góc, tôi luôn bị ám ảnh bởi một công văn nội bộ của Mỹ viết một vài tháng sau khi ông Hồ đưa ra lời cảnh báo. Ngày 19-12-1946, một tháng sau "sự cố" tàu ngầm, máy bay và pháo binh dội bom trừng phạt xuống khu dân cư ở Hải Phòng, cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 dân thường, chiến sự đã nổ ra tại Hà Nội. Pháp thực hiện dã tâm - có lẽ là có một không hai trong số các cường quốc thực dân sau chiến tranh thế giới lần thứ hai - dùng vũ lực chiếm lại thuộc địa cũ của mình. Bốn ngày sau đó, vào ngày 23-12-1946, John Carter Vincent, Trưởng phòng các vấn đề Viễn Đông gửi một công văn cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Dean Acheson đánh giá tình hình như sau:
"Mặc dù người Pháp tại Đông Dương đã có những nhân nhượng trước nguyện vọng tự trị của người Việt Nam, nhưng hành động gây hấn của Pháp là nhằm giảm bớt quyền lực và thu hẹp phạm vi lãnh thổ của "nhà nước độc lập"(92) Việt Nam. Người Việt Nam tiếp tục chống lại quá trình này. Đồng thời bản thân người Pháp cũng phải thừa nhận rằng họ thiếu sức mạnh quân sự để tái chiếm Việt Nam. Nói tóm lại, khi không có đủ lực lượng, bị dư luận chỉ trích, chính phủ hoạt động không hiệu quả vì chia rẽ nội bộ, mưu toan người Pháp tại Đông Dương cũng giống như mưu toan xuẩn ngốc của nước Anh hùng mạnh và đoàn kết tại Miến Điện vậy. Với tình hình hiện nay, chiến tranh du kích sẽ tiếp diễn lâu dài".
Tại Rand, tháng 9-1969, khi đọc tiếp những tập đầu tiên mà tôi mang từ Washington về, tôi thấy những đánh giá ban đầu của Vincent về tình hình luôn nhất quán với đánh giá trong những năm tiếp theo đó. Và những cuộc thảo luận cũng không thiếu những sự kiện chính trị làm cơ sở cho những đánh giá này, thậm chí cả những sự thật không mấy dễ chịu.
Cụm từ "sự thật không mấy dễ chịu" đó xuất hiện nổi bật trong tuyên bố bí mật vì chính sách tại Đông Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27 tháng 9-1948, một năm rưỡi trước khi chúng tôi đề cập tới những gì tuyên bố này gọi là "trách nhiệm can thiệp".
"Chúng ta không hối thúc người Pháp đàm phán với ông Hồ Chí Minh mặc dù hiện nay có lẽ ông Hồ đang được đa số người Việt Nam ủng hộ vì ông là người Cộng sản và nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong chính phủ của ông Hồ cũng là người cộng sản.
Khó khăn lớn nhất của chúng ta khi nói chuyện với người Pháp và nhấn mạnh những gì nên và không nên làm là việc chúng ta không thể đưa ra một giải pháp thực tiễn nào đối với vấn đề Đông Dương bởi vì tất cả chúng ta đều nhận thức được một sự thật không mấy dễ chịu là nhà Cộng sản Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo tài ba và có năng lực nhất ở Đông Dương và bất kỳ một thủ đoạn nào muốn loại bỏ ông Hồ đều mang lại hậu quả khôn lường. Chúng ta ngại ngần không muốn thúc ép người Pháp quá nhiều hay can thiệp quá sâu chừng nào mà chúng ta không ở vị thế có thể đưa ra một giải pháp hoặc cho đến khi chúng ta sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm can thiệp"(93).
Nếu chúng ta muốn trực tiếp ủng hộ người Pháp (như chúng ta đã sẵn sàng làm một năm sau đó khi Trung Quốc đang "phân rã"), chúng ta sẽ chống lại một phong trào dân tộc mà lãnh tụ của phong trào được đa số người Việt Nam ủng hộ.
Nhận thức về điều này giúp tôi nhìn nhận rõ hơn về sự cao cả "lòng vị tha" của việc chúng ta đã và đang can thiệp vào Việt Nam. Đánh giá lâu dài của Vincent đề cập tới sự thiếu quyết đoán trong chiến dịch thực dân hoá của Pháp mà chúng ta sắp tham gia. Tuyên bố chính sách này đi quá xa trong việc vứt bỏ tính hợp pháp, theo chuẩn mực của nước Mỹ, về việc chúng ta can thiệp gián tiếp hoặc trực tiếp. Những hàm ý đạo đức trong sự lựa chọn của một vị Tổng thống được thể hiện rõ ràng nhất trong tài liệu viết về thời kỳ đầu từ năm 1945 đến năm 1950, khi người Việt Nam vừa mới bắt đầu đấu tranh để duy trì nền độc lập non trẻ của mình. Nhưng trong những năm tiếp theo, tôi thấy chính sách của Mỹ luôn đi theo hình vòng cung, trong đó phương diện đạo đức và thực tiễn không thực sự thay đổi.
Cuối năm 1949, với chiến thắng của Cộng sản tại Trung Quốc, chính quyền Mỹ đột nhiên coi việc ngăn chặn lực lượng Cộng sản kiểm soát Đông Dương như lợi ích của nước Mỹ.
Đúng ra, chính quyền Mỹ coi việc cứu đảng Dân chủ khỏi những lời cáo buộc cho rằng đảng này đã làm mất "sân" cho Cộng sản là cực kỳ quan trọng, giải thích cho việc viện trợ và hỗ trợ trực tiếp cho quá trình thực dân hoá của Pháp.
Khi lực lượng Cộng sản tới được biên giới Việt Nam vào cuối năm 1949, biên giới mở cửa để Cộng sản Trung Quốc giúp phong trào độc lập của Việt Minh. Như ông Vũ Văn Thái tại Rand nói: "Từ lúc đó trở đi, người Pháp không thể đánh bại lực lượng Việt Minh". Người Pháp đã nhụt chí về triển vọng chiến thắng và muốn rút lui. Điều này rất thực tế. Nhưng cùng thời điểm đó, với lý do tương tự - phản ánh thông qua nền chính trị trong nước của Mỹ - chính quyền Mỹ, về mặt chính trị mà nói, không thể cho phép Pháp thất bại hay rút lui (vì Mỹ không muốn gửi quân tham chiến cùng với Pháp). Đó là khởi đầu của những gì sau này tôi gọi là "bộ máy bế tắc". Kể từ đó, người Pháp là công cụ của người Mỹ trong cuộc chiến này hơn là người bạn đồng minh, với việc Mỹ thúc ép và tiếp tục cung cấp viện trợ, cuối cùng lên tới 85%. Nước Mỹ, trong nước và ngoài nước thường bị buộc tội là vô tình bán "những giá trị" của mình, thì ở đây Mỹ không bán "dân chủ, tự quyết, độc lập, tự do". Những giá trị của Mỹ áp đặt lên Việt Nam là: thà là Pháp còn hơn là Cộng sản. Một số người Việt Nam tán thành với điều đó nhưng đa phần thì không, và Mỹ đang cấp tiền cho Pháp để tống giam hoặc thủ tiêu những ai không tán thành. Do vậy bằng nguồn viện trợ của mình, Mỹ đang thể hiện giá trị của mình đối với Việt Nam: thà là chiến tranh, hay chết còn hơn là Cộng sản. Khẩu hiệu này rất quen thuộc ở nước Mỹ vào thời điểm đó nhưng không quen thuộc tại một đất nước nơi mà người Cộng sản đang lãnh đạo phong trào độc lập dân tộc.
Sau này tôi biết, các quan chức Mỹ luôn tin tưởng rằng những giá trị này thực sự là tốt nhất cho người dân Việt Nam, cũng như cho Mỹ. Người Pháp, chế độ Ngô Đình Diệm, các tướng tá người Pháp tốt cho Việt Nam hơn là Cộng sản. Có cơ sở để người ta tin rằng nhiều người Việt Nam rất ngây thơ và bị lừa phỉnh về những gì mà chiến thắng của Cộng sản sẽ mang lại cho họ. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng đến lượt chúng ta, những quan chức Mỹ cũng không hay biết gì về bản chất của người Pháp hay của các chế độ Sài Gòn khác nhau mà chúng ta hậu thuẫn hoặc động cơ khiến người dân Việt Nam cầm súng đứng lên, chống lại các thế lực siêu phàm hơn - và trên hết là gánh nặng của một cuộc chiến tranh đối với người dân nông thôn. Dù thế nào, đánh giá những gì tốt đẹp nhất cho họ, khi cuộc sống và sinh mạng bị đe doạ, là đỉnh cao của tính ngạo mạn đế quốc, "ngạo mạn về quyền lực" như thượng nghị sỹ Fulbright đã gọi.
Trước đây tôi mới chỉ đọc những ước tính tình báo cho thập kỷ trước năm 1961 thì giờ đây tôi được đọc toàn bộ phân tích trong nghiên cứu của McNamara với tài liệu viết về những quyết định trong thập kỷ 50, cả trong cuộc "chiến tranh Pháp" và những năm sau đó khi Mỹ "ủng hộ" cuộc chiến chính trị và chiến tranh vũ trang tại Nam Việt Nam. Tôi quyết định đọc những tài liệu này cuối cùng vì tôi cho rằng những tài liệu đó ít liên quan nhất đến việc tìm hiểu thập kỷ 60. Tôi đã nhầm.
Đây là những gì tôi hiểu, mà mới chỉ vài tháng trước đó tôi không hiểu, khi đọc xong toàn bộ Hồ sơ Lầu Năm Góc tới cuối tháng 9-1969.
- Không có chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và lần thứ hai; chỉ có một cuộc xung đột liên tục kéo dài gần một phần tư thế kỷ.
- Trên thực tế, đó luôn luôn là cuộc chiến của người Mỹ ngay từ đầu: lúc đầu là giữa Pháp và Mỹ, cuối cùng là toàn bộ Mỹ. Trong cả hai trường hợp, đó là cuộc chiến đấu của người dân Việt Nam - không phải tất cả người Việt Nam nhưng số lượng đủ lớn - để chống lại chính sách và tài trợ của Mỹ, kỹ thuật viên, súng đạn và cuối cùng là binh lính và phi công.
- Ít nhất là từ cuối thập kỷ 40, không có một năm nào mà bạo lực chính trị tại Việt Nam có thể đạt tới quy mô của một "cuộc chiến" nếu như Tổng thống Mỹ, Nghị viện Mỹ hay người dân Mỹ không đổ tiền của, vũ khí và cuối cùng là sức người: đầu tiên thông qua người Pháp, sau đó qua nguỵ quyền Sài Gòn và cuối cùng là rót trực tiếp. Thực ra sẽ không có cuộc chiến nào sau năm 1954 nếu Mỹ và tay chân nguỵ quyền tại Việt Nam được Mỹ tài trợ không quyết tâm đi ngược lại và phá hoại quá trình giải quyết chính trị bằng tổng tuyển cử như đã đàm phán ở Geneva.
Sau năm 1955 hoặc 1960, cuộc chiến ở Việt Nam không hơn gì một cuộc nội chiến so với thời kỳ Pháp mưu toan tái chiếm Việt Nam và được Mỹ hậu thuẫn. Một cuộc chiến tranh mà một bên được cường quốc nước ngoài hoàn toàn trang bị và đổ tiền của vào thì không thể coi là nội chiến. Nói rằng chúng ta đang "can thiệp" vào việc định nghĩa "thế nào là nội chiến", như phần lớn các học giả và thậm chí các nhà phê bình tự do ngày nay vẫn làm, chỉ càng làm cho thực tiễn thêm đau đớn hơn. Theo như những điều khoản của Hiến chương Liên Hợp quốc và lý tưởng được công nhận thì đó là một cuộc chiến tranh xâm lược, cuộc chiến tranh xâm lược của người Mỹ.
Không phải dễ gì mà tôi có được đánh giá cuối cùng nêu trên. Đó là đánh giá mà tôi liên tưởng với những cuộc tụ tập phản chiến. Tôi chưa bao giờ tham dự lại một cuộc tụ tập kiểu như thế (sau lần đầu tiên đi cùng Patriacia năm 1965), nhưng trước đây tôi đã đọc những luận điểm tương tự như vậy và coi đó chỉ là lối nói phô trương quá mức, giống như các đồng nghiệp của tôi vậy. Đó là những gì các nhà phê bình "cực đoan", các nhà cấp tiến, và phần lớn các luật sư nước ngoài đã nhiều năm nay nói về sự dính líu của chúng ta vào Việt Nam.
Trước đây tôi không tin họ. Bây giờ tôi phải tin.
5 năm trước, vào tháng 12-1964, sếp của tôi là John McNaughton đã nhận xét với các nhà nghiên cứu của Randkhi họ báo cáo với ông về "Động cơ và chí khí của người Cộng sản": "Nếu những gì các bạn nói là đúng (về động cơ chủ nghĩa dân tộc, lòng yêu nước, kỷ luật và không tham nhũng, thái độ của Việt Cộng đối với nông dân), thì chúng ta đã sai lầm khi tham chiến. Chúng ta thực sự đã sai".
Cuối cùng, không phải luật quốc tế, những định nghĩa không bao giờ được thực hiện chống lại các cường quốc thực sự làm tôi quan tâm; mà là cảm giác rằng sự can thiệp của chúng ta vào Việt Nam là không hợp pháp. Chúng ta không có cơ sở nào để đòi hỏi quyền lực đối với bất kỳ chế độ nào mà chúng ta hậu thuẫn. Không phải trong con mắt của người Việt Nam; và cũng không phải trong con mắt của chúng ta nếu chúng ta biết rõ và thực tiễn hơn về vai trò của chúng ta trong quá khứ và hiện tại. Nếu nhìn nhận thực tiễn thì đó chưa bao giờ là một "sự nghiệp chính nghĩa cả".
Trong một vài năm trước đó, tôi luôn coi cuộc chiến tranh này như một sự dính líu, can dự cần kết thúc và trên hết, nó không được phép leo thang. Trong chừng mực tôi biết, tôi có cùng cảm giác đó với phần lớn các ban đồng nghiệp trong chính phủ với kinh nghiệm của cuộc chiến tranh ở Washington hay Sài Gòn. Nhưng bắt đầu vào mùa hè năm 1969 và chắc chắn là cuối tháng chín năm đó, khi tôi bắt đầu đọc những chương đầu tiên của tập Hồ sơ, tôi không còn cho rằng cuộc chiến này là một nỗ lực đã sai lầm hay đi quá xa, cuộc chiến này là những dự định tốt nhưng không thực hiện được những mục tiêu hợp pháp. Tôi đã đọc về quãng thời gian 9 năm chúng ta ủng hộ về mặt ngoại giao đối với những yêu sách của Pháp đòi sở hữu có chủ quyền với thuộc địa trước đây của họ, một thuộc địa đã tuyên bố độc lập với sự ủng hộ rộng rãi của người dân; trên hết, năm năm cuối cùng Pháp nỗ lực tái chiếm thuộc địa bằng cách sử dụng vũ lực, trong đó chúng ta đã thúc ép Pháp tiếp tục đấu tranh quân sự chống lại phong trào độc lập và hầu như tài trợ cho việc làm đó. Bản chất của cuộc xung đột cũng không thay đổi vào năm 1954 khi các ông chủ Mỹ quản lý chính quyền và quân đội thực dân ngừng cung cấp viện trợ thông qua người Pháp và viện trợ trực tiếp cho tay chân của họ. Sau đó, tình hình về cơ bản cũng không có gì thay đổi.
Đối với tôi một người Mỹ được đọc tài liệu bí mật quốc gia về nguồn gốc của cuộc xung đột và sự tham gia của người Mỹ vào cuộc xung đột đó, tôi nhìn thấy sự dính líu của người Mỹ - và sự chết chóc chúng ta đã và đang gây ra - là một sự thật trần trụi không có một chút hợp pháp nào trong đó cả. Điều đó càng củng cố và cùng với thời gian càng mở rộng hơn nữa kết luận tôi đã có từ hồi tháng 5 ở Ohio: thật vô đạo đức khi chúng ta cố tình kéo dài sự chết chóc và bom đạn thêm một ngày nữa.
Mùa hè năm đó, kể từ khi tôi giảng bài ở đại học Ohio, tôi dần dần nhận thức được việc kéo dài cuộc chiến chống lại ý nguyện của người dân Việt Nam, những con người sẵn sàng chấp nhận những điều khoản để kết thúc cuộc chiến mà chúng ta đã chối từ không cân nhắc đến. Bây giờ tôi nhận ra rằng đó không chỉ là sự tiếp tục một cuộc chiến tàn phá và bế tắc tuyệt vọng, một cuộc chiến phi nghĩa, một sai lầm ngay từ đầu.
Trong tình hình đó thì việc chúng ta tiếp tục cuộc chiến là một sai lầm lớn nhất. Một tội ác.
Nếu cuộc chiến là phi lý, như tôi nhìn nhận bây giờ, thì điều đó có nghĩa rằng bất kỳ người Việt Nam nào bị lính Mỹ hoặc lính đánh thuê mà chúng ta tài trợ kể từ năm 1950 giết hại có thể coi là đã bị chúng ta giết mà không cần sự giải thích, phân minh nào. Tôi không thể nghĩ ra một từ nào khác ngoài hai chữ "giết người". Giết người hàng loạt. Liệu có quá hấp tấp nếu chúng ta chấm dứt chính sách giết người?
Đó không phải là quan điểm tôi muốn áp đặt lên các bạn đồng nghiệp hoặc công chúng. Tôi không thể hy vọng họ sẽ đồng ý với tôi, hoặc làm cho họ tin về điều đó, khi họ hoàn toàn không biết gì đến quãng thời gian lịch sử trong những tài liệu mà tôi được đọc. Tôi không hề phê phán các quan chức cũng như công chúng khi họ không biết về quãng thời gian đó.
Tôi biết nhưng giữ kín trong lòng mình những gì tôi biết về Việt Nam sau năm năm phụ trách về Việt Nam. Giống như tôi, họ chấp nhận các báo cáo chính thức của chính phủ, vừa là tài liệu được công bố công khai, vừa là tài liệu mật. Tôi biết rằng sự thật lịch sử đang được che giấu kỹ lưỡng trong những hồ sơ bí mật rất dài của chính phủ. Tôi cũng không hy vọng gì nhiều người trong số họ sẽ sớm đọc hàng trăm trong hàng ngàn trang hồ sơ này, những trang hồ sơ đã làm thay đổi tư duy của tôi, cho dù họ có được tiếp cận với hồ sơ đó đi chăng nữa.
Sự khác nhau mà những khái niệm này tạo ra đối với tôi nằm trong tinh thần trách nhiệm và sự cấp bách, đòi hỏi về đạo đức nhằm kết thúc chiến tranh, chứ không phải chỉ ngăn chặn không cho chiến tranh leo thang. Giờ đây tôi coi sự can thiệp không phải là cái gì cần loại bỏ ngay khi nó được làm thật "khéo léo" không gây phương hại gì tới các mục tiêu quan trọng khác của nước Mỹ, như tôi đã từng nghĩ trong vòng hai, ba năm qua, mà đúng ra sự can thiệp đó là những gì chúng ta cần phải chấm dứt, càng sớm càng tốt.
Đó là những gì tôi đã kết luận vào giữa tháng 9-1969. Nhưng một tháng trước đó, vừa giữa tháng tám, khi tôi sắp kết luận điều này thì tôi biết rằng sự can thiệp không dễ có thể nhanh chóng kết thúc.
Nói chuyện với tôi trên điện thoại vào giữa mùa hè, Morton Halperin nói: "Nixon tiếp tục làm Tổng thống". Điều đó cỏ nghĩa rằng cuối cùng cuộc chiến sẽ ngày càng lan rộng. Đó là tin xấu, thực ra là một tin khủng khiếp. Tuy nhiên đối với tôi, một người, tới thời điểm này, đã đọc phần lớn nghiên cứu của McNamara, thì tin tức đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Nó chỉ đơn thuần có nghĩa rằng một vị Tổng thống mới sẽ tiếp bước bốn vị Tổng thống tiền nhiệm của ông ta. Khi nói chuyện tôi không gặng hỏi Mort vì tôi không hy vọng anh ta sẽ nói thêm điều gì trên điện thoại. Khi tôi nghỉ ở nhà anh ta vào cuối mùa hè năm đó, anh ta kể cho tôi thêm nhiều chi tiết nữa.
Nixon không hề muốn thấy Sài Gòn dưới cờ Việt Cộng sau một thời gian cách quãng hai, ba năm. Ít nhất là ông ta không muốn thấy điều đó xảy ra khi còn đang đương nhiệm, có nghĩa là ông ta không muốn điều đó trong suốt năm 1976, nếu như ông ta có thể xoay xở và ông ta tin là có thể xoay xở được.
Điều đó không có nghĩa là ông ta trông đợi Việt Cộng hay Việt Nam dân chủ cộng hoà từ bỏ vĩnh viễn mục đích thống nhất Việt Nam dưới sự kiểm soát của mình. Và điều đó cũng có nghĩa là về cơ bản, cuộc chiến tranh sẽ không bao giờ kết thúc. Lời hứa khi vận động tranh cử của Nixon sẽ chấm dứt chiến tranh chỉ là hứa hão. Nhưng ông ta tin rằng cuối cùng công chúng Mỹ sẽ thấy và chấp nhận sự kết thúc của vai trò đánh bộ của Mỹ cũng không hơn gì một lời hứa hão khác. Liệu có thể làm được điều đó mà không mất Sài Gòn không? Nixon tin là có thể làm được, bằng một trong hai cách. Cách thứ nhất được ông ta thích hơn là cuối cùng miền Bắc Việt Nam đồng ý rút quân cùng với Mỹ. Trong trường hợp đó thì Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ cho chính phủ Nam Việt Nam và không lực Cộng hoà Việt Nam. Ngoài ra, sự hỗ trợ về không lực cho chính quyền Nam Việt Nam sẽ tiếp tục lâu dài, với lời đe doạ và ý định phản công tổng lực trả đũa vào miền Bắc nếu miền Bắc tấn công.
Với sự hỗ trợ về không lực, không quân của nguỵ quyền được tăng cường và mở rộng sẽ có thể tự mình đối phó được với lực lượng của Mặt trận dân tộc giải phóng, mà không cần bộ binh của Mỹ. Đó là hy vọng của Nixon.
Trong khi đó, Nixon tiếp tục theo đuổi một hướng khác.
Trong tình huống thứ hai này, Mỹ sẽ đơn phương giảm quân số, nhưng giảm chậm, mỗi lần giảm khá ít, miễn sao số lượng lớn quân của Mỹ vẫn tiếp tục ở lại Nam Việt Nam trong một vài năm tới trong khi quá trình Việt Nam hoá chiến tranh sẽ tăng cường cho lực lượng không quân của nguỵ quyền. Nhưng sẽ không có kế hoạch rút hết quân Mỹ nếu Hà Nội cũng từ chối rút quân. Mỹ tiếp tục duy trì một số lượng quân tối thiểu tương đối lớn tại Nam Việt Nam chừng nào mà lực lượng Bắc Việt Nam vẫn còn ở lại, có lẽ khoảng 200.000 lính hơn (chắc chắn không ít hơn từ 50.000 đến 100.000 lính) sẽ đóng quân lâu dài tại Nam Việt Nam. John Vann cũng có nói cho tôi biết về phần kế hoạch này của Nixon, khi ông ta về thăm nhà cuối mùa hè năm đó. Ông ta biết được điều này qua một người bạn là tướng Bruce Palmer, lúc đó là phó Tổng Tham mưu trưởng. Vann từ lâu đã nói, hiện giờ có nhiều lính Mỹ tại Nam Việt Nam hơn mức cần thiết để kiểm soát các khu vực dân cư đông đúc và thậm chí ngăn không cho những khu vực "tranh chấp" không bị Mặt trận dân tộc giải phóng kiểm soát hoàn toàn, thậm chí khi lực lượng của bắc Việt Nam vẫn còn ở miền Nam. Dần dần, Nixon có thể gửi về nước hàng trăm ngàn lính Mỹ (Vann nghĩ, có thể gửi ngay lập tức, nhưng đó là trường hợp bất thường đối với bộ phận hỗ trợ quân đội tại Việt Nam), mà vẫn có thể kiểm soát Sài Gòn, các thành phố lớn khác và các khu vực đông dân trong suốt năm 1976 và sau đó.
Làm thế nào để công chúng Mỹ chấp nhận được điều này - hoặc là tốc độ rút quân chậm, hoặc là lực lượng lớn tiếp tục đóng quân ở lại. Bằng cách bảo đảm rằng tỷ lệ lính Mỹ thương vong sẽ giảm nhanh, hầu như không có trường hợp thương vong; điều này đạt được bằng cách đe doạ miền Bắc rằng nếu không miền Bắc sẽ bị thiêu trụi. Mort nói với tôi rằng đồng minh Liên Xô đã nói với chính phủ ở Hà Nội rằng miền Bắc sẽ chịu số phận như vậy không chỉ khi Hà Nội mở cuộc phản công mới mà ngay cả khi Hà Nội không tuân thủ theo những điều khoản hợp lý nhằm giải quyết xung đột - có nghĩa là Hà Nội không nhanh chóng đồng ý cả hai bên sẽ rút quân. Nhưng sau khi Hà Nội từ chối rút quân, Mort không tin rằng Nixon sẽ rút lại lời đe doạ.
Nhưng Mort không tin rằng Nixon bịp bợm khi ông ta doạ sẽ một lần nữa mở rộng quy mô cuộc chiến trong tnlờng hợp miền Bắc Việt Nam và Mặt trận dân tộc giải phóng tiến hành tấn công chống lại lực lượng còn sót lại của Mỹ và thậm chí còn đe doạ sẽ ngăn chặn và răn đe các cuộc tấn công ồ ạt vào Không lực Nam Việt Nam và lực lượng Mỹ còn sót lại. Ông ta coi Nixon đang dự định và hy vọng lời đe doạ của mình sẽ bảo vệ Nam Việt Nam an toàn khi số lượng lớn quân Mỹ còn đang có mặt vô thời hạn tại Nam Việt Nam - ít nhất là 50.000 cho tới 200.000 quân - trong một cuộc xung đột kéo dài, một cuộc chiến bế tắc với mức chi phí thấp dành cho người dân Mỹ đóng thuế và gây rất ít thương vong cho người lính Mỹ. Ngoài ra Nixon còn hy vọng, khi chính phủ Bắc Việt Nam nhận ra rằng nó không thể sử dụng các đơn vị quân của bắc Việt Nam tại Nam Việt Nam mà không bị tổn thất quá mức tại miền Bắc, điều này có thể thay đổi lập trường của họ về việc cả hai bên cùng rút quân và sẽ tìm kiếm một giải pháp chính thức theo điều kiện của phía Mỹ. Cho dù thế nào, việc Mỹ rút quân toàn bộ luôn gắn liền với điều kiện rằng Bắc Việt Nam cũng phải rút quân. Nếu điều đó không xảy ra, Nixon dự tính sẽ duy trì lâu dài số lượng quân tương đối lớn tại Nam Việt Nam, giống như tại Triều Tiên. Và mặc dù nếu cả hai bên cùng rút quân đánh bộ thì Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ cho không lực Nam Việt Nam nếu cần.
Mort cho tôi biết, ngoài việc cảnh báo, Nixon dự định nhấn mạnh lời đe doạ rằng ông ta sẵn sàng tấn công tổng lực vào Bắc Việt Nam mà Johnson trước kia luôn tránh: cảng biển, tấn công vào hệ thống đê điều, ném bom vào các khu đông dân cư, thậm chí sử dụng vũ khí hạt nhân. Tám tháng trước, tôi đã đặt câu hỏi cho Schelling, có liên quan tới chiến lược đe doạ: "Tại sao lời đe doạ leo thang lại phát huy tác dụng trong khi việc thực sự ném bom miền Bắc lại không?". Mort giải thích với tôi rằng câu trả lời của Nixon trước thách thức này vẫn còn giá trị: "Nếu cần tôi sẽ huỷ diệt miền Bắc nặng nề hơn là những gì miền Bắc đã từng hứng chịu. Và tôi sẽ chứng minh được điều đó bằng cách leo thang chiến tranh mà trước đây Lyndon Johnson không dám làm". Mort nói, đó là ý nghĩa của chiến dịch ném bom bí mật đang được tiến hành tại Campuchia mà Nixon bắt đầu hồi tháng hai. Chiến dịch đó vẫn "bí mật" mặc dù trang nhất của tờ Thời báo New York đã đăng tải một bài viết vào tháng 5, bởi vì cùng ngày hôm đó Lầu Năm Góc đã chối bỏ điều này và không một nhà báo nào tiếp tục theo dõi sự việc đó nữa. Mort đã khiến tôi biết yề sự việc đó đơn giản bằng cách gợi tôi nhớ lại câu chuyện William Beecher trên tờ Thời báo New York và nói với tôi: "Sự thật đúng như vậy". (Ông ta không phải là nguồn cung cấp thông tin; ông ta tin rằng thông tin rò rỉ ra từ Lầu Năm Góc).
Mort nói mục đính chính của cuộc ném bom là chứng tỏ cho miền Bắc thấy rằng Nixon không bị bó buộc giống như Johnson. Nếu Cộng sản thách thức sự có mặt lâu dài của Mỹ tại Nam Việt Nam bằng những cuộc tấn công gây tổn thất lớn cho Mỹ, Nixon cũng sẵn sàng chứng minh như vậy. Những toán biệt kích bằng đường sông cũng đã bí mật thâm nhập vào Lào (chiến dịch Dewey Canyon).
Những gì mà tôi nghe thấy không chỉ là cuộc chiến đang tiếp diễn lâu dài, mà cuộc chiến đang lan rộng. Rõ ràng đó không phải là những gì Nixon muốn hay hy vọng. Halperin nói ông ta hy vọng rằng những lời đe doạ của mình sẽ phát huy tác dụng. Với việc chứng tỏ uy thế như đã nói ở trên, Hà Nội sẽ phải lùi bước, giảm quy mô chiến sự lâu dài, đồng ý rút quân và giải quyết xung đột. Nhưng tôi không tin điều đó và Halperin cũng vậy. Tôi biết đó là những gì Nixon tin vì tôi đã đọc nghiên cứu của McNamara. Đó cũng là những gì mà Eisenhower tin trong suốt thập kỷ 50; là những gì mà Nixon, McNamara và Wat Rostow đã tin hoặc làm ra vẻ tin vào năm 1965.
Nếu như tôi không hiểu giai đoạn lịch sử đó thì có lẽ tôi đã phản ứng trước câu chuyện của Mort giống như những người khác khi họ được nghe câu chuyện đó. Họ nói: "Nixon không thể tin vào điều đó, ông sai rồi". Nhưng tới thời điểm này Mort đã đọc về giai đoạn lịch sử đó và ông ta tin chắc rằng tính liên tục trong báo cáo của McNamara không kết thúc vào tháng 3-1968. Là người hiểu ông ấy, tôi thấy hài lòng với những gì Ông ta nói với tôi. Ông ấy không kể cho tôi biết làm thế nào ông ấy biết được điều này và tôi cũng không nài nỉ ông ấy phải nói cho mãi đến mùa thu năm đó. Nhưng những gì ông ấy kể cho tôi đã rất chi tiết rồi. Vào tháng 9-1969, ông ấy nói: "Chính phủ hiện nay sẽ không ra tranh cử năm 1972 mà lại không đặt mìn ở Hải Phòng hay ném bom Hà Nội (ông ấy đã nhầm về trường hợp của Hà Nội). Mãi 6 tuần sau khi tranh cử, Hà Nội mới bị ném bom.
Dự đoán đó giả thuyết rằng lời lẽ đe doạ có thể không phát huy tác dụng và rằng Nixon, thay về mất mặt, sẽ tiến hành những gì ông ta đã hù doạ. Cả hai chúng tôi đều tin vào giả thuyết thứ nhất, từ kinh nghiệm trong vòng 5 năm qua (và những gì chúng tôi đọc được về quãng thời gian 24 năm qua).
Halperin tin vào giả thuyết thứ hai, từ kinh nghiệm của ông về Nixon trong vòng 6 tháng qua. Thuyết phục tôi rằng điều đó đúng cũng không khó, một khi Tổng thống đã cam kết vào những hành động này, một khi ông ta thấy uy tín và danh dự của mình bị tổn hại. Nhưng tôi vẫn nghĩ có lẽ không quá muộn để cho ông ta thoát ra khỏi những hành động ngu xuẩn đó.
Không một cam kết nào là cuối cùng cho đến khi người ta công khai thực hiện cam kết đó. Những gì Halperin kể cho tôi nghe là một quyết định bí mật. Đó không hề là những gì dư luận mong đợi từ ông ta, mà chính là điều ngược lại. Nếu Nixon suy nghĩ lại, trì hoãn quyết định hoặc thậm chí tuyên bố một chính sách khác thì cũng chẳng ai biết đấy là đâu. Halperin không nghĩ rằng có khả năng làm được điều này từ nội bộ Hội đồng An ninh quốc gia (ông ấy cũng sắp thôi việc ở đó, và đó là một trong những lý do) và ông ta không đưa ra một phương án khác.
Nhưng đó là những gì chợt nảy ra trong đầu tôi vì tôi phải rời Washington đi họp ở Haverford, Pennsylvania.
Chú thích:
(91) Chúng nằm trong… một loạt các tài liệu lưu hành trong nội bộ Rand: Ellsberg, Các mục tiêu và sức mạnh của Mỹ ở Việt Nam, tháng 6, 1969; Các động thái quyết định tới quá trình ra quyết định của Mỹ về Việt Nam, tháng 6, 1969; Vũ Văn Thái nói về các mục tiêu và can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, tháng 7, 1969; Nho sĩ và Cộng sản, tháng 7, 1969; Sự ủng hộ của Mỹ cho Diệm, tháng 7, 1969; Về quá trình bình định, tháng 7, 1969; Chính sách của Mỹ và nền chính trị các nước, tháng 7, 1969; Các mục tiêu bất khả thì và nền chính trị ngưng đọng, tháng 8, 1969; Cộng sản và người Việt Nam, tháng 8, 1969; Nhu đạo cách mạng, tháng 7, 1970, tài liệu không xuất bản; "Việc thương lượng trên cơ sở này" - Hồ sơ Lầu Năm Góc, Gravel biên tập, quyển số 3, trang 502; "Đừng để tôi phải rời khỏi đây theo cách này" - trích trong Sainteny, trang 210.
(92) "Mặc dù là người Pháp" - Hồ sơ Lầu Năm Góc, Gravel biên tập, quyển số 1, trang 29.
(93) "Chúng ta không hối thúc" - Hồ sơ Lầu Năm Góc, GPO biên tập, quyển số 8, trang 143-49.