Đang nói chuyện năm ấy vua nước Liêu cho quân đánh qua biên giới Cửu Châu .
Quân Liêu chia bốn đường kéo vào tàn phá cướp bóc các tỉnh Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Hà Bắc . Châu huyện các nơi gửi biểu văn về xin quân cứu viện triều đình trước hết phải chuyển đến khu mật viện rồi khu mật viện mới trình lên nhà vua . Nhưng quan chưởng viện khu mật là Đồng Quán cùng với thái sư Sái Kinh, thái uý Cao Cầu, thái uý Dương Tiễn bàn nhau ỉm các tờ biểu ấy đi, chỉ sai người đến đốc thúc các phủ châu lân cận cho quân mã đi cứu ứng, rốt cuộc cũng chẳng thấy thám tháp vào đâu . Việc ấy ai cũng biết, chẳng qua chỉ bịt được mắt thiên tử mà thôi . Mới đây bốn tên gian thần ấy bàn mưu với nhau rồi giao cho quan khu mật Đồng Quán tâu với thiên tử để hãm hại anh em Tống Giang . Chẳng ngờ từ sau bức bình phong lại có viên đại thần buớc ra quát lớn, người ấy chính là quan điện tiền đô thái uý Túc Nguyên Cảnh . Khi ấy Túc thái úy tâu với thiên tử .
- Thưa bệ hạ, anh em Tống Giang là hạng hảo hán, nay mới về nhận chiếu chiêu an, cả trăm linh tám người chịu ơn nghĩa lẫn nhau như chân với tay, ý chí cùng nhau như anh em ruột thịt . Bọn họ quyết không khi nào chịu rời nhau, thà chết chứ không nỡ chia lìa . Giờ đây bởi duyên cớ gì mà rắp tâm hãm hại bọn họ ? đám hảo hán ấy trí mưu dũng cảm đều không phải hạng vừa . Nếu chẳng may xẩy việc biến loạn trong thành thì biết lấy gì cưu giữ ? nay nước Liêu đưa mười vạn quân tràn xuống xâm chiếm châu huyện nước ta . Các nơi ấy đã gửi biểu văn về cầu cứu, triều đình có điều quân đi đánh dẹp, nhưng giao phong mấy trận chẳng qua cũng như nước đổ tổ kiến mà thôi . Thế giặc rất lớn mà quan quân sai đi thì không có kế sách gì hay, trận nào cũng bị hao binh tổn tướng nên phải che giấu không dám tâu trình lên bệ hạ . Cứ như ngu ý của thần thì tốt nhất là nên sai tất cả lương tướng bọn anh em Tống Giang đưa toàn bộ quân tướng người ngựa dưới quyền lên biên giới dẹp yên giặc Liêu, truyền lệnh cho đám hảo hán ấy lập công để được triều đình bổ dụng, như thế thật là vừa thụân tiện lại vừa hữu ích . Hạ thần không dám định đọat, cúi xin bệ hạ soi xét .
Nghe lời tâu của Túc thái uý, thiên tử rất vui lòng, đem việc ấy ra hỏi các quan thì ai cũng cho là phải . Thiên tử quát mắng Đồng Quán cùng bọn các quan ở viện khu mật .
- Bọn dối trá gian nịnh các ngươi làm lỡ hết việc nước, ghen ghét người tài đức, rào đường rấp lối kẻ hiền, đơm lời đặt chuyện làm hư nát cả việc đại sự của triều đình . Ta hãy tạm tha chưa hỏi tội .
Thiên tử tự tay viết chiêu sắc phong cho Tống Giang chức Phá Liêu đô tiên phong, Lư Tuấn Nghĩa chức phó tiên phong, còn các tướng khác thì đợi sau khi lập công sẽ phong quan ban tước . Tiếp đó thiên tử sai thái uý Túc lĩnh chiếu săc đưa đến tuyên đọc trước hành doanh quân Tống Giang . Rồi thiên tử bãi triều, các quan ai nấy đều lui về .
Nói tiếp Túc thái uý lĩnh thánh chỉ ra khỏi triều liền đi ngay đến hành doanh quân Tống Giang làm lễ tuyên đọc . Tống Giang và các tướng sĩ vội bày hương án nghênh tiếp, mọi người đều quỳ nghe đọc chiếu sắc . Xong lễ ai nấy đều vui . Tống Giang vái tạ Túc thái uý, nói:
- Anh em chúng tôi đều đang mong được ra sức giúp nước, dựng nghiệp lập công để xứng đáng làm kẻ trung thần . Nay được ân tướng thái uý hết lòng tâu bày giúp cho, ơn đức thật như cha mẹ . Có điều hiện nay linh vị Tiều thiên vương của anh em tôi ở Lương Sơn Bạc chưa có nơi thờ phụng yên ổn, già trẻ gia quyến quân sĩ chưa kịp cho đưa về quê, bao nhiêu thành lũy trên sơn trại đều chưa phá huỷ, đội chiến thuyền cũng chưa kịp đưa về . Vì vậy xin phiền ân tướng thái uý giúp tâu lên thiên tử xin cho nới hạn một tuần để anh em chúng tôi về trại cũ thu xếp cho xong mấy việc ấy, nhân tiện cũng cần phải sửa sang thương đao, giáp mã cùng các thứ binh khí khác để sau đó được dốc lòng trung báo đền ơn nước .
Túc thái uý nghe xong cả mừng, về cung tâu ngay lên thiên tử . Thiên tử mở kho lấy một ngàn lạng vàng, năm ngàn lạng bạc, năm ngàn tấm lụa màu, đem ban thưởng cho các tướng; lại sai Túc thái uý đưa sổ cấp lương đến doanh trại ghi tên phát cho các tướng: những ai có bố mẹ già con nhỏ thì cấp sổ cho gia đình được hưởng để nuôi sống cả đời, những ai không có gia đình thì cấp cho bản thân được lĩnh để chi dùng . Tống Giang vâng lĩnh chiếu sắc, đáp lễ tạ ơn Túc thái uý . Xong lễ liền đem các thứ ban thưởng phân phát cho mọi người . Túc thái uý sắp sửa về triều, căn dặn Tống Giang:
- Tướng quân về sơn trại mau chóng trở lại kinh, hễ về đến nơi thì sai người báo tin ngay cho hạ quan biết, chớ nên chậm trễ!
Lại nói chuyện Tống Giang triệu tập các tướng cùng nhau bàn bạc xem nên cắt cử những ai đưa quân về sơn trại: Tống Giang, cùng quân sư Ngô Dụng, Công Tôn Thắng, Lâm Xung, Lưu Đừơng, Đỗ Thiên, Tống Vạn, Chu Quý, Tống Thanh, ba anh em họ Nguyễn dẫn hơn một vạn vừa quân mã, quân bộ, quân thuỷ trở về, còn đại quân người ngựa thì đặt dưới quyền Lư Túân Nghĩa đóng tại kinh sư .
Tống Giang cùng bọn Ngô Dụng, Công Tôn Thắng lên đường, chuyện quân đi đường không phải nói . Về đến Lương Sơn Bạc, các tướng đều lên cả Trung Nghĩa đường . Tống Giang truyền lệnh cho phép các nhà thu xếp hành lý để đưa gia quyến già trẻ về quê . Một mặt sai giết dê, mổ lợn, thắp hương, đốt nến hoá vàng làm lễ tế Tiều thiên vương, rồi hoả thiêu linh vị . Kế đó cho đưa gia quyến các nhà trở về nguyên quán . Xe đã sắp sẵn, ngựa cũng đóng xong, ai nấy ra đi . Rồi Tống Giang sai riêng những người khi trước là gia nhân của mình đưa Tống thái công cùng lớn bé trong nhà về Tống gia thôn ở huyện Vận Thành, trở lại làm kẻ lương dân . Lại giao cho ba anh em họ Nguyễn lựa chọn đủ số thuyền cần dùng, những thuyền nhỏ còn lại không cần đến thì cho dân chúng địa phương đem về . Tất cả nhà cửa lán trại trên núi cũng cho dân dỡ lấy, Thành tam quan, nhà Trung Nghĩa đường, v..v.. cũng đều phá dỡ hết . Việc nào việc ấy thu dọn đã xong, Tống Giang lại lập hợp người ngựa lên đường cấp tốc trở về kinh .
Việc đi đường không có gì phải nói . Chẳng bao lâu quân mã của Tống Giang về đến Đông Kinh . Lư Tuấn Nghĩa và các đầu lĩnh khác ra đón tiếp vào doanh trại . Trước hết sai Yến Thanh vào thành báo tin với Túc thái uý, xin cáo từ thiên tử để đưa đại quân lên đường . Túc thái uý được tin báo liền vào nội cung tâu lên thiên tử .
Ngày hôm sau Túc thái uý dẫn Tống Giang đến điện Vũ Anh yết kiến thiên tử . Thiên tử rất mừng, ban rượu ngự cho Tống Giang rồi nói:
- Khanh vào cáo từ như thế là đủ, cho quân lên đường đánh tan giặc Liêu, chóng ca khúc khải hoàn, trẫm sẽ ghi công lớn để trọng dụng khanh, các tướng sĩ khác cũng sẽ được xét công để thăng gia quan tước . Khanh chớ nên biếng trễ!
Tống Giang cúi đầu tạ ơn, tay nâng chiếc hốt tâu rằng:
- Thần vốn là một tiểu lại hèn kém, trót phạm tội hình, bị phạt lưu đến đất Giang Châu . Rượu vào quá chén, nói năng ngông cuồng, sắp bị bêu đầu giữa chợ, được bọn anh em ra sức cứu thoát không biết trốn tránh vào đâu, đành náu thân nơi bờ lau bến nước cố sống thêm kiếp hèn . Cứ như tội của thần thì không thóat muôn lần tội chết . May đội ơn thánh thượng có lòng thương xót khoan dung mà thu dụng, lại rủ ơn đức rộng lớn tha thứ cho mọi điều tội lỗi; dẫu thần có phải phơi ruột bày gan cũng chưa thể gọi là báo đền ơn lớn . Nay được phụng lĩnh chiếu sắc của hoàng thượng, thần dám đâu không dốc hết lòng trung, thà chết không dám tiếc thân mình!
Thiên tử cả mừng, lại thưởng cho rượu ngự, rồi truyền lấy một bộ cung tên có hình chim Thước nạm vàng, một con ngựa nòi, một bộ yên cương và thanh đao quý ban cho Tống Giang . Tống Giang cúi đầu tạ ơn rồi cáo từ lui ra, mang theo các thứ vua ban trở về doanh trại, truyền lệnh cho tướng sĩ ba quân chuẩn bị lên đường .
Sáng hôm sau vua Tống Huy Tông sai Túc thái uý truyền lệnh cho Viện trung thư phái hai viên quan đến trạm Trần Kiều cùng Tống tiên phong khao thưởng ba quân . Mỗi tên quân sĩ được phát một nậm rượu, một cân thịt, theo đúng số quân mà phân phát cho đủ . Viện trung thư tiếp được thánh chỉ liền thâu đêm suốt sáng lo sửa soạn rượu thịt rồi cắt cử hai viên quan đem đến trạm Trần Kiều phân phát .
Lại nói Tống Giang truyền lệnh cho ba quân rồi cùng quân sư Ngô Dụng bàn chia quân hai đường cùng tiến: năm viên hổ tướng và tám viên bưu tướng đưa quân bộ đi trước; mười viên tướng phiêu kỵ dẫn quân mã đi sau; Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa, Ngô Dụng, Công Tôn Thắng thống lĩnh đội trung quân . Cánh quân đi đường sông thì do các đầu lĩnh thuỷ quân là ba anh em họ Nguyễn, Lý Tuấn, Trương Hoành, Trương Thuận cùng bọn Đồng Uy, Đồng Mãnh, Mạnh Khang, Vương Định Lục cùng các đầu mục thuỷ thủ chỉ huy đội chiến thuyền theo sông Sái Hà ra sông Hoàng Hà, tiến lên phía bắc .
Tống Giang đốc thúc ba quân tiến theo con đường lớn đi qua trạm Trần Kiều, ra lệnh cho tướng sĩ và quân lính không được làm phiền nhiễu dân chúng các làng . Việc ấy có đoạn thơ làm chứng như sau:
Chiêu dao tinh bái xuất thiên kinh,
Thụ mệnh truyền sư sự viễn chinh .
Thỉnh khán Lương Sơn quân kỷ luật,
Hà như thái uý ngự doanh binh .
Cờ mao phấp phới quân rời kinh
Vâng mệnh triều đình đi viễn chinh .
Hãy xem kỷ luật Lương Sơn Bạc,
Đâu phải như là bọn ngự binh .Nói tiếp, Viện trung thư cử hai viên quan ở phủ thành Đông Kinh đưa rượu thịt đến trạm Trần Kiều khao thưởng ba quân . Chẳng ngờ bọn chúng lòng dạ tham lam, lợi dụng việc ấy xoay sở kiếm riêng, tự ý cắt bớt phần rượu thịt của quân sĩ . Bọn gian nịnh ấy xưa nay vẫn tham ăn của đút . Lần này rượu quan đã phát, mỗi nậm chúng bớt chỉ còn một nửa, thịt thì mỗi cân xẻo mất sáu lạng . Tiền quân nhận phần đã xong, đang phát đến đội hậu quân đội mũ đen, mặc giáp phục đen, đó là giáp sĩ dưới quyền của Hạng Sung, Lý Cổn . Trong đội quân ấy có một viên hiệu uý sau khi nhận được phần rượu thịt liền giơ lên xem, thấy rượu chỉ còn nửa nậm, thịt còn chừng mười lạng, người ấy liền chỉ vào mặt tên quan phát khao mà mắng:
- Chỉ vì bọn chúng bay tham lam mà làm phí cả ân thưởng của triều đình!
Tên quan phát khao quát lại:
- Sao người dám bảo ta là bọn gian tham ?
Viên hiệu uý đáp:
- Hoàng đế đã ban cho bọn ta mỗi người rượu một nậm, thịt một cân, bọn bay bớt xén hết . Không phải chúng ông vì miếng ăn, chỉ căm tức bọn bay là quân vô đạo nên phải vạch trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa cho mà biết đó thôi .
Tên quan phát khao chửi lớn:
- Thằng giặc chết chém mọc đầu kia dám to gan! Thói phản nghịch Lương Sơn Bạc vẫn không chừa!
Viên hiệu uý tức giận vác rượu thịt ném ngay vào mặt tên quan phát khao . Tên quan hô hoán: "Bắt trói ngay thằng giặc kia" . Viên hiệu uý liền rút thanh đao đang cầm kèm bên chiếc thuẫn . Tên quan chỉ tay nói:
- Thằng giặc nhơ bẩn kia cầm đao định giết ai ?
Viên hiệu uý đáp:
- Khi trước ở Lương Sơn Bạc, những đứa như ngươi ta chém đầu kể có hàng ngàn hàng vạn! liệu ngươi có chịu nổi một nhát không ?
Tên quan hét to:
- Ngươi dám giết ta chăng ?
Viên hiệu uý xáp lên một bước, vung đao trúng giữa mặt, hất tên quan ngã ngay ra đất . Dân chúng kêu la rồi lảng đi cả . Viên hiệu uý bước đến gần phạt thêm mấy nhát nữa, thấy chết hẳn mới thôi . Quân lính đứng xúm quanh lúng túnng không biết xử trí ra sao .
Khi ấy Hạng Sung, Lý Cổn lập tức phi báo cho Tống Giang biết. Tống Giang nghe nói cả sợ, liền bàn ngay với Ngô Dụng để tìm cách tính liệu việc này . Ngô Dụng nói:
- Bọn các quan ở sảnh viện vốn đã không ưa gì anh em ta, nay xảy ra việc thế này, thế nào bọn chúng cũng thừa cơ mượn dịp. Chỉ còn một cách trước hết phải chém đầu viên hiệu uý để thị uy, một mặt sai người về trình với sảnh viện, xin dừng quân đợi tội. Lại cần sai Đái Tôn, Yến Thanh đi gấp trở về, lặng lẽ vào thành, đến thưa đầu đuôi câu chuyện để Túc thái uý biết, nhờ thái uý tâu giúp để thiên tử biết trước nỗi oan ức, như thế dù cho viện trung thư có thổi chuyện tâu lên thì cũng không làm hại được anh em mình . Chỉ có cách ấy mới mong bảo toàn mọi việc .
Bàn bạc vừa xong, Tống Giang liền lên ngựa phi nhanh đến trạm Trần Kiều . Viên hiệu uý vẫn đứng yên ở chỗ tên quan phát khao bị giết . Tống Giang ra lệnh vào nhà trạm lấy rượu thịt ra tiếp tục khao quân, rồi cứ cho lên đường . Mặt khác gọi viên hiệu uý vào trạm hỏi rõ đầu đuôi sự việc . Viên hiệu uý thưa:
- Tên quan ấy nhiều lần nhiếc móc quân phản nghịch Lương Sơn Bạc, chửi rủa bọn tiểu nhân là giặc mọc đầu, vì thế trong lúc tức giận, tiểu nhân trót chém chết hắn, tiểu nhân xin chịu tội, chờ huynh trưởng xét xử .
Tống Giang nói:
- Người ấy là quan thừa lệnh của triều đình, ngay đến ta cũng phải vì nể, thế mà ngươi dám giết chết! việc này rồi hết thảy chúng ta đều phải chịu liên luỵ! nay ta vừa mới vâng chiếu đi đánh giặc Liêu, công lao chưa mảy may lập được đã gây chuyện rắc rối này . Biết tính sao bây giờ ?
Viên hiệu uý cúi đầu xin chịu tội chết .
Tống Giang khóc nói:
- Ta từ lúc lên Lương Sơn Bạc, anh em lớn nhỏ chưa phải bỏ một ai . Nay thân ta phải chịu quan trên cai quản, dù chỉ một bước cũng không thể theo ý muốn của mình . Dẫu rằng ngươi chưa bỏ hết được tính nóng nảy, nhưng xử sự bây giờ không thể như cách trước đây .
Viên hiệu uý nói:
- Tiểu nhân xin chịu tội chết!
Tống Giang sai dọn cơm rượu cho viên hiệu uý ăn uống thật no say rồi bảo trèo lên cây thắt cổ . Xong đó sai chặt đầu thị uy . Lại sai thu nhặt thủ cấp, thi thể của tên quan phát khao khâm niệm nhập quan quách cẩn thận, sau đó viết văn thư trình về viện trung thư, việc ấy không nói nữa .
Lại nói Đái Tôn, Yến Thanh bí mật về thành, đi đừơng tắt đến phủ gặp Túc thái uý kể lại đầu đuôi sự tình . Ngay đêm ấy, Túc thái uý vào nội cung tâu lên để thiên tử biết chuyện . Sáng hôm sau, hoàng thượng ngự triều ở điện Văn Đức, quan trung thư bước lên tâu:
- Binh lính bộ hạ của tướng mới về chịu chiếu chiêu an là Tống Giang vừa giết chết một viên quan do sảnh viện sai đi trông nom việc phân phát rượu thịt, cúi xin thánh chỉ cho phép bắt về để hỏi tội .
Thiên tử nói:
- Quả nhân thật không còn trông cậy được vào sảnh viện của các ngươi, chuyện rắc rối cũng do nơi các ngươi mà ra . Bọn ngươi không biết chọn người mà sai việc cho nên mới xảy ra chuyện lôi thôi . Rượu thịt ban khao lĩnh nhiều chia ít, quân lính có tiếng được hưởng mà không được ăn mới nên chuyện!
Quan trung thư lại thưa:
- Ngự tửu có ai dám bớt xén đâu ?
Thiên tử nổi giận quát lớn:
- Trẫm ngầm sai người đi dò xét, hư thực ra sao trẫm đã biết rõ, bọn ngươi còn định giả dối khéo mồm để bưng bít trẫm sao ? rượu ngự của trẫm ban, mỗi nậm bị bớt mất một nửa, thịt mỗi suất một cân chỉ còn năm lạng, vì thế kẻ tráng sĩ kia mới nổi giận, gây chuyện đổ máu!
Thiên tử lại quát hỏi:
- Thủ phạm hiện giờ ở đâu ?
Quan trung thư tâu:
- Tống Giang đã chém đầu thị chúng và trình lên bản viện xin dừng quân đợi tội .
Thiên tử nói:
- Thủ phạm đã bị chém đầu, như thế là Tống Giang biết nghiêm trị kẻ có tội . Nay hãy tạm ghi việc ấy lại, đợi khi đánh giặc Liêu xong trở về sẽ xét công mà xử lý .
Quan trung thư đành lặng thinh lui ra . Liền đó thiên tử sai quân truyền lệnh đi đốc thúc Tống Giang cho quân lên đừơng, còn tên hiệu uý đã bị chém thì đưa bêu đầu trước trạm Trần Kiều để thị uy cho dân chúng biết .
Lại nói Tống Giang đang dừng quân ở trạm Trần Kiều chờ triều đình hỏi tội tì có quan trung sứ đến truyền đạt mệnh chỉ của thiên tử cho phép Tống Giang tiến quân đi đánh giặc Liêu, còn tên hiệu uý phạm tội thì đưa bêu đầu thị chúng . Tống Giang tạ ơn xong bèn đưa thủ cấp viên hiệu uý treo trước trạm Trần Kiều, còn thi thể thì cho chôn cất . Tống Giang khóc lớn hồi lâu rồi gạt nước mắt lên ngựa, dẫn quân tiến về phía bắc . Quân đi cứ mỗi ngày sáu mươi lăm dặm lại đóng trại nghỉ ngơi, không mảy may xâm phạm quấy nhiễu dân chúng các châu huyện bên đường . Chuyện đi đường không có gì phải nói . Một ngày kia người ngựa đã đến đóng quân gân biên giới nước Liêu, Tống Giang cho mời quân sư Ngô Dụng đến bàn bạc, Tống Giang nói:
- Nay quân Liêu chia bốn đường sang xâm phạm, ta cũng nên chia quân tiến đánh các ngả, hay nên đánh thẳng vào thành trì của chúng ?
Ngô Dụng đáp:
- Nếu chia quân tiến đánh các ngả thì sợ miền này đất rộng người thưa, đầu đuôi không tiếp ứng được nhau . Chi bằng cứ đánh thẳng vào thành trì của chúng rồi sau sẽ liệu . Nếu ta đánh mạnh bọn chúng chắc phải lui quân .
Tống Giang nói:
- Quân sư nghĩ kế ấy thật cao tay!
Nó đoạn Tống Giang cho gọi Đoàn Cảnh Trụ đến căn dặn:
- Đường sá ở miền bắc này ngươi đi lại đã quen, nay giao cho ngươi dẫn quân mã tiến trước . Gần đây là châu huyện nào ?
Đoàn Cảnh Trụ thưa:
- Phía trước là Đàn Châu, một cửa ải hiểm yếu của nước Liêu . Thành ấy có con sông Lộ Thuỷ bao quanh, nơi ngả ba dòng chảy rất sâu . Sông Lộ Thủy ăn thẳng ra sông Vị Hà, có thể cho chiến thuyền tiến đánh được . Nếu đốc thúc các đầu lĩnh thuỷ quân đưa chiến thuyền đến, sau đó thuỷ lục cùng tiến, thuyền ngựa tiếp ứng cho nhau thì chắc lấy được Đàn Châu .
Tống Giang liền sai Đái Tôn đi truyền lệnh cho các đầu lĩnh thuỷ quân là bọn Lý Tuấn ngày đêm đốc thúc chiến thuyền tiến gấp đến tập trung ở sông Lộ Thuỷ .
Tống Giang cho chỉnh đốn kiểm điểm người ngựa, thuỷ thủ, chiến thuyền, định ngày cho thuỷ lục cùng tiến đến thành Đàn Châu . Trong thành Đàn Châu, quan trấn thủ là Động Tiên thị lang, dưới quyền có bốn viên mãnh tướng là: A Lý Kỳ, Giảo Nhi Duy Khang, Sở Minh Ngọc, Tào Minh Tế . Cả bốn viên mãnh tướng ấy đều có sức địch nổi vạn người . Nghe tin nhà Tống sai bọn Tống Giang đưa quân đến đánh, Động Tiên thị lang liền gửi biểu văn tâu lên vua Liêu, một mặt sai người báo tin cho các châu lân cận là Kế Châu, Bá Châu, Trác Châu, Hùng Châu để cùng cứu ứng, một mặt sai hai tướng là A Lý Kỳ và Sở Minh Ngọc đưa quân ra ngoài thành nghênh chiến .
Nói tiếp, Đại đao Quan Thắng giữ chức tiên phong của đội tiền quân dẫn người ngựa tiến đến gần huyện Mật Vân thuộc phủ Đàn Châu . Quan huyện Mật Vân được tin liền phi báo cho hai tướng A Lý Kỳ và Sở Minh Ngọc: "Người ngựa quân Tống trương cờ hiệu lớn, chính là bọn Tống Giang ở Lương Sơn Bạc mới về hàng".
A Lý Kỳ nghe xong cười nói:
- Bọn giặc cỏ ấy không đáng nói đến!
Rồi truyền lệnh cho quân lính đóng trại để hôm sau ra ngoài huyện Mật Vân giao chiến với quân Tống Giang .
Ngày hôm sau, nghe tin báo quân Liêu đã đến gần, Tống Giang liền hạ lệnh cho tướng sĩ trong khi giao chiến phải xem xét tình thế để khỏi bị quân giặc chia cắt bao vây . Các tướng được lệnh lập tức khoác giáp lên ngựa, Tống Giang và Lư Tuấn Nghĩa cũng mặc giáp đeo đai, thân hành ra trước quân đốc chiến .
Từ xa đã thấy quân Liêu kéo đến chật đất, bóng cờ đen che kín một góc trời . Hai bên dàn ngay quân cung nỏ làm thành trận tuyến . Đứng giữa môn kỳ bên quân cờ đen là một viên tướng cưỡi con ngựa Thát đang tung vó . Cờ hiệu của viên tướng ấy đề rõ chữ: "Đại Liêu thượng tướng A Lý Kỳ". Tống Giang thấy vậy nói với tả hữu:
- Không nên xem thường viên tướng này!
Nói chưa dứt lời đã thấy Kim thương thủ Từ Ninh cắp ngang ngọn thương móc câu nhảy phắt lên yên, thúc ngựa ra trước trận . Tướng Liêu là A Lý Kỳ trông thấy liền mắng:
- Nhà Tống các ngươi thua to, nay lại sai tên giặc cỏ cầm quân xâm phạm nươc ta, sao chưa biết tội chết!
Từ Ninh nói:
- Tên tướng nhãi ranh làm nhục quốc thể kia, sao dám nói năng khinh mạn ?
Quân hai bên hò reo . Từ Ninh và A Lý Kỳ đấu nhau giữa trận . Hai ngựa chạm đầu, đôi thương cùng múa . Hai tướng đánh chừng hơn ba mươi hiệp . Từ Ninh không địch nổi A Lý Kỳ, liền quay ngựa chạy về trận nhà . Hoa Vinh vội lấy cung tên cầm tay, sẵn sàng đối phó với tên tướng Liêu đang đuổi tới . Trương Thanh từ nãy đã vịn chặt yên ngựa, lúc này liền thọc tay vào túc gấm lấy một viên đá, chờ cho tướng Liêu đến gần liền vung tay nhằm đúng giữa mặt mà ném . Viên đá trúng ngay vào mắt trái, A Lý Kỳ lăn nhào xuống đất . Lập tức bốn tướng Vinh Hoa, Lâm Xung, Tần Minh, Sách Siêu phóng ngựa xông ra, trước hết đọat lấy con ngựa tốt rồi bắt sống A Lý Kỳ đưa về bản trận . Phó tướng Sở Minh Ngọc thấy A Lý Kỳ bị bắt vội xông tới cứu . Đại quân của Tống Giang ào tới đánh riết quá, Sở Minh Ngọc đành phải bỏ huyện Mật Vân, chịu một phen đại bại chạy về Đàn Châu .
Tống Giang tạm thời không đuổi theo, lệnh cho quân sĩ vào huyện Mật Vân đóng trại . Ngó tới A Lý Kỳ mới biết y bị vỡ hố mắt, rơi mất một tròng nên đau đớn quá sức mà chết . Tống Giang ra lệnh cho hoả thiêu thi hài tên tướng Liêu ấy . Trong quyển sổ ghi công, Trương Thanh được ghi lên đầu . Tống Giang lấy các thứ như bộ giáp sắt liên hoàn, ngọn thương hoa lê, đai lưng sư tử nạm ngọc, ngựa bạch lông xoắn cùng cung tên, giày trận, chiến bào thu được của A Lý Kỳ thưởng cho Trương Thanh . Ngày hôm ấy ở huyện Mật Vân tướng sĩ đều vui, bày tiệc rượu chúc mừng thắng trận, việc không có gì phải nói .
Hôm sau, Tống Giang vào trướng quan truyền lệnh lên đường, tất cả rời khỏi huyện Mật Vân thẳng tiến đến Đàn Châu . Lại nói trấn thủ Đàn Châu là Động Tiên thị lang nghe tin quân mình bị mất một viên chánh tướng, liền ra lệnh đóng chặt cổng thành không ra nghênh chiến . Tiếp đó có tin đội thuỷ quân chiến thuyền tiến sát dưới thành, Động Tiên thị lang bèn dẫn các tướng lên mặt thành quan sát, thấy bên trận Tống Giang các viên mãnh tướng đang múa cờ quát thét, diễu võ dương oai khiêu chiến . Động Tiên thị lang thấy vậy nói:
- Bọn chúng như thế, trách gì tiểu tướng quân A Lý Kỳ chẳng bị thua!
Phó tướng Sở Minh Ngọc đáp:
- Tiểu tướng quân A Lý Kỳ đâu chịu thua ? quân Tống thua trước, tiểu tướng đuổi theo, chẳng may bị một tên mặc áo bào xanh ném đá trúng mặt nên mới ngã ngựa . Bọn chúng bốn tên cầm bốn ngọn thương xông ra chặn bắt; bên ta trở tay không kịp đành phải bó tay .
Động Tiên thị lang nói:
- Tên Tống ném đá ấy hình thù ra sao ?
Trong số tả hữu có kẻ nhận mặt được liền chỉ tay nói:
- Tên chít khăn xanh kia, hiện đang mặc áo giáp, cưỡi ngựa của tướng quân, chính là tên ném đá .
Động Tiên thị lang vịn tay nem xuống bậc tường thấp để nhìn cho rõ . Chẳng ngờ Trương Thanh đã nhìn thấy trước liền thúc ngựa đến gần vung đá ném lên . Quân tướng tuỳ tùng hoảng hốt chỉ kịp hét to "nằm xuống", viên đá bay sạt qua đầu Động Tiên thị lang, xé rách một mảnh tai . Động Tiên thị lang đau đớn kêu lên:
- Tên giặc ấy thật lợi hại!
Rồi Động Tiên thị lang xuống thành trở về; một mặt viết biểu văn tâu lên vua Liêu, một mặt sai người đi báo tin cho các phủ châu lân cận biết để phòng bị .
Lại nói đến Tống Giang đưa quân đến dưới thành đốc chiến bốn năm ngày không thắng, tạm cho người ngựa trở về đóng trại ở huyện Mật Vân rồi cùng các tướng vào trong trướng quân bàn tính kế hoạch phá thành . Đái Tôn báo tin các đầu lĩnh thuỷ quân đã đem chiến thuyền đến sông Lộ Thuỷ . Tống Giang cho mời bọn Lý Tuấn đến dự bàn . Lý Tuấn và các đầu lĩnh thuỷ đến dưới trướng yết kiến Tống Giang . Tống Giang nói:
- Chuyến này ra quân không giống như hồi còn ở Lương Sơn Bạc . Trước hết phải dò xét xem thế nước sông sâu thế nào rồi mới tiến quân . Cứ như ta xem thì sông Lộ Thuỷ nước chảy rất xiết, chẳng may thất lợi thì khó bề cứu ứng . Các người phải thăm dò cho kỹ không được xét đoán qua loa . Chiến thuyền phải che đậy cho kín, khiến bọn chúng tưởng lầm là thuyền chở lương . Anh em đầu lĩnh các ngươi giắt sẵn vũ khí nấp trong các thuyền . Mỗi thuyền chỉ để bốn năm tên quân chèo chống, thêm hai tên quân kéo dây đi trên bờ, cứ từ từ mà tiến đến sát thành, cho đậu thuyền hai bên bờ sông, đợi ta ở đây dẫn quân tiến đến . Trong thành bọn chúng nghe báo tin sẽ mở cửa sông cho quân ra cướp thuyền lương . Phục binh trong các thuyền nhất tề nổi dậy đọat lấy cửa khẩu, như thế thì công lớn chắc hẳn sẽ thành .
Bọn Lý Tuấn vâng lệnh đi ra . Vừa lúc ấy có viên hiệu uý đi dò xét đường thuỷ về báo: "phía tây bắc có một đội kỵ mã ước hơn một vạn quân, trương cờ hiệu thêu hình chim diều hâu đen, đang tiến về Đàn Châu".
Ngô Dụng nói:
- Đây ắt là quân cứu viện do vua Liêu sai đến . Ta nên cử các tướng đưa quân chặn đường đánh tan, chớ để cho bọn trong thành được tiếp thêm dũng khí .
Tống Giang bèn sai Trương Thanh, Đổng Bình, Quan Thắng, Lâm Xung mỗi người đem theo hơn bốn chục tiểu đầu lĩnh cùng năm ngàn quân mã cấp tốc đi chặn đánh .
Nguyên là được tin báo bọn hảo hán Tống Giang ở Lương Sơn Bạc đưa quân đến vây hãm Đàn Châu, vua Liêu bèn đặc cách sai hai hoàng điệt là Da Luật Quốc Trân và Da Luật Quốc Bảo dẫn quân đi cứu ứng . Hai người ấy là thượng tướng của nước Liêu, lại đều là cháu nhà vua . Lúc này hai tướng đang dẫn hơn một vạn quân đến cứu viện cho Đàn Châu . Quân Liêu đến gần, quân Tống đón chặn . Quân Liêu tản ra hai bên dàn trận, hai tướng cùng lúc phóng ngựa lên .
Hai tướng ấy là anh em ruột, ăn mặc như nhau, hai chiếc thương cũng giống hệt . Quân Tống đón tới, bầy trận cũng vừa xong . Song thương tướng Đổng Bình thúc ngựa ra, cất tiếng quát to:
- Quân giặc kia từ đâu tới ?
Da Luật Quốc Trân cả giận quát lại:
- Bọn giặc cỏ đến xâm phạm đại quốc ta, lại còn dám hỏi chúgn ta từ đâu tới ?
Đổng Bình chẳng thèm đáp lại, xách thương thúc ngựa lao vào đánh Da Luật Quốc Trân . Viên tướng Liêu trẻ tuổi, tính khí đang hăng đâu có chịu nhường một bước, thấy vậy liền vác thương đón đánh . Hai ngựa giao nhau, ba thương cùng cất . Giữa đám bụi tung mịt mù, hai tướng hầm hầm sát khí, quần lộn giao tranh: tướng đánh hai thương có cách đánh lạ, tướng một thương lại biết lợi dụng rất đúng thời cơ . Hai người đánh năm mươi hiệp vẫn không phân thắng bại .
Da Luật Quốc Bảo thấy giao chiến quá lâu, sợ anh mình đuối sức, sai nổi hiệu chiêng . Da Luật Quốc Trân đang lúc đánh hăng, nghe hiệu chiêng vội quay ngựa về . Đổng Bình múa hai thương chặn ngay không bỏ lỡ . Da Luật Quốc Trân núng thế, đường thương đỡ gạt vụng về . Đổng Bình liền vung tay phải gạt ngọn Lục trầm thương, tiếp liền nâng thương tay trái đâm trúng ngay sau gáy . Thương thay Da Luật Quốc Trân mũ trụ chúi đất, hai chân đạp trời, lăn nhào xuống ngựa! Da Luật Quốc Bảo thấy anh bị đâm ngã, một mình một ngựa xông ra cứu . Bên trận quân Tống, Một vũ tiễn Trương Thanh thấy Da Luật Quốc Bảo phóng ngựa đến, đâu chịu bỏ qua, lúc này đã chống ngọn thương hoa lê ngồi vững trên yên ngựa, thọc tay vào túi gấm lấy sẵn một hòn đá rồi vỗ ngựa phóng như bay ra trước trận . Da Luật Quốc Bảo cũng đang lao đến . Trương Thanh ngẩng đầu thúc ngựa chồm tới . Hai ngựa cách nhau không đầy mười trượng, Da Luật Quốc Bảo không đề phòng vì nghĩ rằng viên tướng kia sẽ đến giao chiến . Bất ngờ Trương Thanh vung tay thét lớn: "xem!" Hòn đá vụt tới trúng giữa mặt tên tướng Liêu; Da Luật Quốc Bảo vỡ đầu, lăn nhào xuống đất . Quan Thắng, Lâm Xung khua quân ào tới giáp chiến . Quân Liêu mất chủ tướng thì hoảng sợ tìm đường chạy tháo thân . Chỉ một trận ấy, quân Tống đánh tan hơn một vạn người ngựa quân Liêu, giết hai tướng, chặt lấy thủ cấp, thu toàn bộ yên cương giáp trụ và hai tấm kim bài . Ngựa chiến bắt được cũng đến hơn nghìn con, đều cho dắt về huyện Mật Vân giao nộp cho Tống tiên phong . Tống Giang cả mừng, cho khao thưởng ba quân, ghi công trận thứ hai cho Đổng Bình và Trương Thanh, chờ khi lấy được Đàn Châu sẽ viết biểu văn tâu lên triều đình luôn thể .
Tống Giang cùng bàn với Ngô Dụng: đến chập tối viết quân thiếp sai người đưa đi hạ lệnh cho Lâm Xung, Quan Thắng, dẫn một đội quân mã và đánh Đàn Châu từ hướng tây bắc, lại điều Hô Diên Chước, Đổng Bình đưa quân mã đánh vào hướng đông bắc, Lư Tuấn Nghĩa từ hướng tây nam . Tống Giang nói:
- Còn ta dẫn đội trung quân đánh từ phía đông nam, hễ nghe một tiếng súng lệnh tất cả cùng lúc lên đường .
Lại sai pháo thủ Lăng Chấn cùng các tứớng Lý Quỳ, Phàn Thuỵ, Bao Húc hợp sức với Hạng Sung, Lý Cổn chỉ huy đội giáp sĩ hơn một nghìn quân tiến thẳng đến chân thành, bắn súng lệnh báo hiệu . Đã định giờ vào lúc canh hai, thuỷ lục hai đường cùng tiến; các cánh quân đều phải sẵn sàng tiếp ứng cho nhau . Lệnh truyền đã xong, các tướng ai nấy chuẩn bị đi đánh thành .
Lại nói Động Tiên thị lang ra sức cố thủ thành Đàn Châu trông chờ viện binh . Bỗng có tàn quân người ngựa liều chết chạy được vào thành, kể lại việc hai hoàng điệt Da Luật Quốc Trân bị viên tướng đánh hai thương đâm chết; Da Luật Quốc Bảo thì bị tên chít khăn xanh ném đá trúng đầu ngã ngựa rồi bị bắt . Động Tiên thị lang giẫm chân kêu lên:
- Lại vẫn tên chít khăn xanh! chưa đánh chác ra sao mà đã mất hai hoàng điệt, ta còn mặt mũi nào về yết kiến quốc vương ? bắt được tên chít khăn xanh ấy phải băm nát ra từng mảnh .
Tối hôm ấy quân lính đến báo với Động Tiên thị lang: "ngoài sông Lộ Thuỷ có chừng năm bảy trăm chiếc thuyền lương đậu hai bên bờ, phía sau có quân mã đang tiến đến". Động Tiên thị lang nghe xong nói:
- Bọn giặc ấy không biết đường thuỷ ở đây nên mới dại dột đưa thuyền lương đến tận chỗ ấy . Còn người ngựa trên bờ thì chắc hẳn là đội quân đi đón thuyền lương .
Nói đoạn bèn gọi ba tướng là Sở Minh Ngọc, Tào Minh Tế, Giảo Nhi Duy Khang đến căn dặn:
- Bọn Tống Giang ngu ngốc đêm nay lại đưa nhiều người ngựa đến đánh, nhưng có đoàn thuyền lương lại đậu cả ở bờ sông của ta . Ta giao cho Giảo Nhi Duy Khang đưa một ngàn quân kỵ ra đánh ngoài thành, còn Sở Minh Ngọc và Tào Minh Tế thì mở cửa sông thả thuyền qua chỗ nước xoáy . Số thuyền lương của chúng chia ba, đánh đắm cho được hai phần, thế đã là công to của các ngươi rồi đó!
Chưa rõ thắng bại ra sao, chỉ biết có thơ làm chứng như sau:
Diệu toán tòng lai hồi bất đồng,
Đàn Châu thành hạ liệt mông xung .
Thị lang bất thức binh gia ý,
Phản tự khai môn bả lộ thông .
Mưu lược xưa rày thật khác nhau
Chiến thuyền kéo đến đánh Đàn Châu .
Thị lang thấp kế không tính trước
Trót mở đường sông đón địch vào .Lại nói người ngựa bên quân Tống Giang, chập tối hôm ấy Lý Qùy, Phàn Thuỵ dẫn đội quân bộ kéo đến chân thành mắng chửi ầm ĩ . Động Tiên thị lang gọi Giảo Nhi Duy Khang đưa kỵ binh ra đánh . Cổng thành mở toang, cầu treo hạ xuống cho quân Liêu tiến ra . Nhưng năm hảo hán Lý Quỳ, Phàn Thuỵ, Bao Húc, Hạng Sung, Lý Cổn chỉ huy đội quân bộ hơn một nghìn ngươi, thảy đều là quân giáp sĩ gan dạ vác đao mang thuẫn, lập tức xông đến chiếm giữ phía đầu cầu, quân Liêu không thể nào ra đuợc . Trong khi đó, Lăng Chấn cho dựng giá súng, đợi đúng lúc là bắn . Quân trên thành bắn tên xuống thì đã có quân giáp sĩ đứng hai bên giơ thuẫn đỡ gạt hết, còn quân Bao Húc thì đứng phía sau hò reo không ngớt . Tuy chỉ hơn nghìn người nhưng khí thế ầm ầm như quân đông hàng vạn . Động Tiên thị lang đứng trong thành thấy quân kỵ không xông ra được, vội gọi Sở Minh Ngọc và Tào Minh Tế mở cửa sông đưa quân thuỷ đi cướp thuyền lương . Lúc ấy các đầu lĩnh thuỷ quân của Tống Giang nấp trong các thuyền đã chuẩn bị sẵn nhưng giữ yên không động cựa . Thấy quân Liêu ra mở cửa sông, ai nấy đều bật dậy hất tung mái che, chèo thuyền lao tới . Lăng Chấn được tin lập tức châm ngòi lửa . Tiếng pháo lệnh nổ vang, chiến thuyền hai bên bờ cùng lúc lướt tới đón đánh chíên thuyền quân Liêu . Bên trái là Lý Tuấn, Trương Hoành, Trương Thuận, phía bên phải là ba anh em họ Nguyễn, tất cả đều nhảy lên mui đốc thúc chiến thuyền lao thẳng vào giữa đội thuyền quân Liêu . Tướng Liêu là Sở Minh Ngọc và Tào Minh Tế thấy chiến thuyền của địch ào ào lướt tới, biết không chống cự nổi, lại sợ có bộ binh mai phục trên bờ, vội cho quay thuyền chạy về . Nhưng thuyền quân Tống đã đuổi kịp, thuỷ thủ ào ạt nhảy sang, Sở Minh Ngọc và Tào Minh Tế phải nhảy lên bờ chạy trốn . Sáu đầu lĩnh thuỷ quân của Tống Giang liền chiếm ngay cửa sông, quân tướng canh giữ phần thì bị chém chết, số còn lại đều tìm đường chạy trốn . Sở Minh Ngọc và Tào Minh Tế liều thân chạy thoát . Như đã định trước, đội thuỷ quân đốt lửa hiệu trên cửa sông, Lăng Chấn liền bắn súng đáp lại . Phát đạn lửa bay vọt lên nổ vang lưng trời .
Động Tiên thị lang liên tiếp nghe tiếng hoả pháo rung trời, hỏang sợ phách lạc hồn xiêu . Lý Qùy, Phàn Thuỵ, Bao Húc dẫn quân giáp sĩ của Hạng Sung, Lý Cổn áp đánh vào thành . Động Tiên thị lang và Giảo Nhi Duy Khang thấy cổng thành đã bị chiếm, quân Tống bốn bề đều nhất loạt đánh tới, chỉ kịp lên ngựa, bỏ thành chạy ra phía cửa bắc thoát thân . Chưa đầy hai dặm chúng lại gặp Đại đao Quan Thắng và Báo tử đầu Lâm Xung xông ra chặn đường . Thật là:
Lưới trời buông thấp khôn lối thoát,
Võng đất giơ cao thật khó luồn .
Chưa biết Động Tiên thị lang có chạy thoát hay không, xem hồi sau sẽ rõ .