Tống Giang quát:
- Ngươi hãy nghe ta nói đã. Ta đem ba nghìn quân mã trở về, nếu dẫn theo một người rẽ ngựa đi lối khác ắt là không giấu nổi mọi nguời. Lại còn người đàn bà kia nữa, cứ như ngươi nói thì ắt phải ở trong trại này. Vậy ngươi cứ vào trong phòng ta lục soát xem có thấy không?
Lý Quỳ nói:
- Huynh trưởng đừng nói thế! Người trong sơn trại này đều là thủ hạ của huynh trưởng, tất họ sẽ bênh che cho huynh trưởng, làm gì mà chẳng giấu được? Từ trước Lý Quỳ này vẫn kính trọng huynh trưởng vì thấy huynh trưởng là bậc hảo hán không hám sắc. Ai ngờ huynh trưởng cũng chỉ là hạng ham rượu mê gái! Giết con Diêm Bà Tích chỉ là việc nhỏ, khi đến Đông kinh huynh trưởng đem vàng bạc cho ả ca kỹ Lý Sư Sư mói là chuyện lớn! Ngươi chớ lừa dối ta nữa, mau đem đứa con gái kia trả cho Lưu thái công. Chuyện anh em ta ra sao sẽ bàn sau. Nếu ngươi không chịu trả cho con người ta về thì bất kể sớm muộn ta cũng phải giết ngươi!
Tống Giang nói:
- Ngươi dừng vội làm ầm ỉ. Lưu thái công còn sống đó, bọn trang khách cũng chẳng đi đâu, ta với ngươi hãy đến đó đối chất xem có đúng không? Nếu quả đúng thế, ta thề sẽ vươn cổ nhận lưỡi búa của ngươi. Nếu không phải vậy thì cái tội bất kính của ngươi đáng xử thế nào?
Lý Quỳ nói:
- Nếu không bắt tội được ngươi thì Lý Quỳ này sẽ đưa đầu ra đền tội.
Tống Giang nói:
- Hay lắm! Các anh em ở đây đều chứng kiến đủ cả, ngươi hãy nhớ lấy!
Nói đoạn Tống Giang sai Thiết diện Khổng Mục viết hai tờ “quân lệnh trạng”, hai người tự tay ký tên vào. Tờ của Tống Giang giao cho Lý Quỳ giữ, tờ của Lý Quỳ thì Tống Giag giữ.
Lý Quỳ lại nói:
- Cái gã trẻ tuổi đi theo huynh trưởng ấy chắc là Sài Tiến chứ chẳng phải ai khác!
Sài Tiến nói:
- Vậy ta sẽ cùng đi cho họ nhận mặt xem sao?
Lý Quỳ nói:
- Được, ngươi cứ đi. Đến đấy ba mặt một lời, dù ngươi là Sài đại quan nhân hay Mễ đại quan nhân(1) cũng phải cho xơi dăm búa.
Sài Tiến nói:
- Cái đó không ngại! Ngươi cứ đi trước đến chờ ở đó. Nếu bọn ta đi trước ngươi lại nghi ngờ.
Lý Quỳ nói:
- Đúng thế!
Nói đoạn bảo Yến Thanh:
- Anh em ta cứ theo đường cũ mà đi. Nếu huynh trưởng không dám đến là có ý gian, khi trở về tất không xong với ta.
Yến Thanh và Lý Quỳ lại đến trang viện của Lưu thái công. Thái công đón tiếp rồi hỏi:
- Hai hảo hán quay lại có việc gì?
Lý Quỳ nói:
- Hôm nay người tên là Tống Giang chỗ bọn ta đến đây cho vợ chồng thái công và bọn trang khách nhận mặt. Nếu đúng gã ta thì cứ nói thật, không phải sợ. Có ta ở đây thì không ai dám động đến thái công.
Vừa lúc ấy trang khách vào báo: “Có hơn mười người đang cỡi ngựa đến trang viện”.
Lý Quỳ nói:
- Bọn họ đến rồi đấy.
Nói đoạn Lý Quỳ bảo Lưu thái công chỉ để cho Tống Giang và Sài Tiến vào, còn người và ngựa đi theo đều phải chờ ở ngoài cổng. Tống Giang và Sài Tiến đi vào, lên ngồi trên thảo đường. Lý Quỳ cầm búa đứng một bên, chỉ chờ Lưu thái công kêu lên một tiếng là lập tức hạ thủ. Lưu thái công đến gần sụp lạy Tống Giang. Lý Quỳ vội hỏi:
- Có phải người này cướp con gái thái công không?
Lưu thái công dụi mắt, nhìn kỹ rồi nói:
- Thưa không phải.
Tống Giang hỏi Lý Quỳ:
- Thế nào?
Lý Quỳ nói:
- Ta còn lạ gì hai người vừa nháy mắt ra hiệu với nhau! Lão này sợ ngươi nên không dám nói thật.
Tống Giang nói:
- Ngươi cứ gọi cả bọn trang khách đến xem có phải ta không?
Lý Quỳ liền cho gọi tất cả mọi người trong trang viện đến nhận mặt Tống Giang. Họ đều nói không phải.
Tống Giang nói:
- Này Lưu thái công, ta chính là Tống Giang ở Lương sơn bạc còn người này là Sài Tiến. Con gái của thái công bị bọn bất lương giả danh ta lừa dối cướp đi rồi. Nếu nghe ngóng biết bọn chúng ở đâu thì cho người lên sơn trại báo tin. Ta sẽ phân xử cho.
Tống Giang quay sang bảo Lý Quỳ:
- Ở đây không tiện nói chuyện, ngươi về sơn trại, ta đã có cách khu xử với ngươi.
Tống Giang, Sài Tiến và quân sĩ đi theo đều lên ngựa trở về sơn trại.
Yến Thanh bảo Lý Quỳ:
- Bây giờ Lý đại ca tính thế nào?
Lý Quỳ đáp:
- Chỉ vì ta nóng vội chưa nghĩ kỹ nên mới xảy ra việc này. Ta chịu thua cuộc, đành phải chịu mất đầu thôi! Chi bằng tự tay ta cắt lấy, ngươi đưa về nộp huynh trưởng là xong.
Yến Thanh nói:
- Chết làm gì cho uổng! Đệ bày cho đại ca một cách gọi là “Phụ kinh thỉnh tội” (vác gai xin chịu tội).
Lý Quỳ hỏi:
- “Vác gai” là thế nào?
Yến Thanh đáp:
- Đại ca phải cởi áo, tìm dây thừng tự trói mình rồi khom người vác một bó gai trên lưng, đến trước trung nghĩa đường sụp lạy mà nói: “Xin huynh trưởng cứ đánh phạt bao nhiêu cũng được”. Huynh trưởng thương tình tất không nỡ giết. Kế ấy gọi là “Vác gai chịu tội”.
Lý Quỳ nói:
- Kể ra kế ấy cũng hay! Chỉ sợ vác gai đau không chịu nổi, chi bằng ta tự chặt đầu đi là xong.
Yến Thanh nói:
- Mọi người trên sơn trại đều là anh em cả, ai nỡ chê cười đại ca?
Lý Quỳ không còn cách nào, đành nghe theo lời Yến Thanh về sơn trại “ vác gai chịu tội”. Có thơ làm chứng như sau:
Tam gia đối chứng dĩ phân minh
Phương hiển công bình chính đại tình.
Thử nhật phụ kinh cam thỉnh tội,
Khả lân tôn tôn pháp quý dư sinh.
Ba người đối mặt đã phân minh
Toàn vẹn thanh danh trọng nghĩa tình.
Chịu nhục vác gai xin chịu tội,
Đáng thương hảo hán tự khom mình.
Lại nói chuyện Tống Giang và Sài Tiến về đến trung nghĩa đường, đang thuật chuyện cho an hem nghe thì thấy Hắc toàn phong mình trần trùng trục, trên lưng vác một bó gậy gai đến quỳ dưới thềm. Lý Quỳ cú đầu hồi lâu vẫn không nói được câu nào. Tống Giang cười bảo:
- Thằng quỷ đen kia vác roi gai làm gì? Không có chuyện tha tội cho ngươi đâu?
Lý Quỳ nói:
- Tiểu đệ sai rồi. Xin huynh trưởng chọn chiếc gậy gai thật to mà đánh, mấy chục gậy tiểu đệ cũng xin cam chịu!
Tống Giang nói:
- Ta với ngươi đem đầu ra đánh cuộc, vác gai đến đây làm gì?
Lý Quỳ đáp:
- Nếu huynh trưởng không tha, xin cứ chặt đầu, đệ cũng cam chịu.
Mọi người đều xúm lại xin Tống Giang tha cho Lý Quỳ. Tống Giang nói:
- Nếu muốn tha tội, ngươi phải bắt cho được hai tên giả mạo Tống Giang, trả con gái cho Lưu thái công.
Lý Quỳ vui mừng vùng dậy nói:
- Tiểu đệ xin đi ngay! Bắt bọn chúng thì dễ như thò tay vào túi!
Tống Giang nói:
- Bọn chúng có hai người, lại đi ngựa, ngươi chỉ có một mình đối phí sao được? Lại phải cho Yến Thanh đi cùng mới xong.
Yến Thanh nói:
- Huynh trưởng đã bảo thì tiểu đệ xin đi.
Yến Thanh liền về phòng lấy cung nỏ và cây gậy tề mi rồi theo Lý Quỳ đi đến trang viện của Lưu thái công.
Yến Thanh hỏi đầu đuôi sự việc, Lưu thái công nói:
- Bọn họ đến đây lúc xế chiều, khoảng canh ba thì đi. Người nhà không ai dám theo nên không biết họ đi về hướng nào. Người xưng là Tống Giang dáng thấp nhỏ, gầy đen. Còn người kia cao lớn, mắt to, râu ngắn.
Hỏi tỉ mỉ mọi chuyện xong, Yến Thanh nói:
- Thái công cứ yên long, thế nào bọn chúng tôi cũng cứu được con gái cho thái công. Huynh trưởng Tống công Minh chúng tôi ra lệnh phải bắt cho được hai tên giả danh ấy.
Lưu thái công liền sai người lấy thịt khô, hấp bánh cho hai người đem đi đường. Rời trang trại của Lưu thái công, Yến Thanh, Lý Quỳ đi về hướng bắc, suốt hai ngày phải đi qua một vùng núi đồi hoang vắng, chẳng gặp ai để hỏi han. Hai người đành vòng lại hướng đông đi hai ngày nữa đến địa giơsi huyện Cao đường phủ Lăng châu cũng không dò hỏi được tin gì. Lý Quỳ sốt ruột giục Yến Thanh đi về phía tây, lại mất hai nữa cũng không thấy động tĩnh.
Một buổi tối hai người ghé vào ngôi miếu cổ dưới chân núi, nằm nghỉ trên bệ thờ. Lý Quỳ không thể nào chợp mắt được bèn ngồi dậy. Chợt lúc ấy có tiếng chân người đi ngoài miếu. Lý Quỳ bèn vụt dậy mở cửa nhìn ra, thấy một gã to lớn xách mã tấu đi về phía gò đất sau miếu. Lý Quỳ liền nhón gót đi theo. Yến Thanh thấy động cũng nhỏm dậy xách cung, cầm gậy bám sát Lý Quỳ, nói khẽ:
- Đại ca đừng đuổi hắn, đệ đã có cách!
Đêm về trăng sáng lờ mờ, Yến Thanh đưa gậy cho Lý Quỳ cầm rồi nhẹ nhàng đi theo gã cao lớn. Vừa cách một tầm tên, Yến Thanh kéo căng dây cung nhắm thật chuẩn, nhẩm khấn: “Thánh Như Ý, xin đừng để trượt”. Chỉ nghe một tiếng “phựt”, mũi tên bay vút đi. Gã cao lớn bị bắn trúng vào chân phải khuỵu xuống. Lý Quỳ chạy đến túm cổ áo, xềnh xệt lôi hắn vào trong miếu rồi quát hỏi*
- Mi cướp con gái Lưu thái công về dấu ở đâu?
Gã cao lớn nói:
- Thưa hảo hán, tiểu nhân không dính liếu gì đến việc ấy! Tiểu nhân chỉ đón đường, chờ người qua lại để kiếm chát chút ít chứ không dám cướp con gái người ta.
Lý Quỳ trói hắn lại, giơ búa lên quát:
- Mi không khai thật thì ta bằm nát!
Gã to lớn nói:
- Xin cho đứng dậy rồi tiểu nhân sẽ thưa.
Yến Thanh cuối xuống nhổ mũi tên cho hắn rồi nói:
- Hãy tạm rút cho ngươi mũi tên này. Ngưoi phải khai ngay, kẻ nào cướp con gái Lưu thái công? Ngươi làm nghề chặn đường ở đây, há lại không biết chuyện hay sao?
Gã cao lớn nói:
- Tiểu nhân chỉ phỏng đoán, chưa chắc đã đúng: Về phía tây bắc cách đây khoảng mười lăm dặm có ngọn núi gọi là ngọn núi Đầu trâu, trên núi có ngôi quán đạo giáo, gần đây bị hai tên cường đạo đến chiếm. Một tên là Vương Giang, tên kia là Đổng Hải. Bọn chúng giết hết các đạo sĩ, tiểu đồng rồi cùng sáu bảy tên lâu la chiếm lấy đạo quán. Thường ngày bọn chúng đi cướp bóc các nơi, đến đâu cũng xưng là Tống Giang. Chuyện cướp người con gái kia chắc là do hai kẻ đó.
Có Thơ làm chứng:
Tầm tặc tiềm cư cổ miếu đường,
Phong hàn nguyệt lãnh chuyển thê lương.
Dạ thâm ngẫu hoạch sơn lâm khách,
Thuyết xuất cường đồ thị Đổng, Vương.
Tìm giặc đêm nằm miếu cạnh đường
Trăng suông gió buốt cảnh thê lương.
Canh khuya tóm gọn khách thảo khấu
Khai rõ hung đồ bọn Đổng, Vương.
Yến Thanh nói:
- Có thể đúng như vậy. Ta bảo thật nhưng ngươi đừng sợ. Ta chính là Lãng tử Yến Thanh ở Lương sơn bạc, còn đại ca đây là Hắc toàn phong Lý Quỳ. Bây giờ ta buộc vết thương cho ngươi, ngươi phải dẫn bọn ta đến núi đó.
Gã cao lớn nói:
- Xin vâng lệnh hai đại ca.
Yến Thanh tìm mã tấu trả lại rồi đắp thuốc buộc vết thương cho hắn. Dưới ánh trăng lờ mờ, Yến Thanh và Lý Quỳ thay nhau cõng hắn đi hơn mười lăm dặm đường. Ngọn núi ấy không cao lắm, hình dáng giống như con trâu đang quỳ. Khi ba người lên tới nơi trời vẫn chưa sáng hẳn. Trên đỉnh núi có khu nhà lá, tường đất lồi lõm bao quanh. Lý Quỳ nói:
- Để ta nhảy vào trước xem sao đã.
Yến Thanh nói:
- Nên đợi trời sáng hẳn hãy hay.
Lý Quỳ không chịu được, sốt ruột bám tường nhảy vào. Lúc ấy bên trong nghe tiếng người đang quát tháo. Yến Thanh sợ Lý Quỳ làm hỏng việc cũng chống gậy nhẩy qua tường mà vào, chỉ kịp thấy Lý Quỳ bị mấy tên xách mã tấu đuổi theo. Gã cao lớn bị bắn lúc nãy vội tìm đường lẫn trốn. Yến Thanh nấp kính một chỗ nhẩy rap hang cho một gậy vào giũa mặt tên lạ mặt đuổi theo Lý Quỳ làm hắn ngã dụi. Lý Quỳ liền vung búa chém đứt làm hai đoạn. Thấy xung quanh vắng vẻ, Yến Thanh bảo Lý Quỳ:
- Có lẽ bọn này có lối thoát ở phía sau. Bây giờ đại ca đứng chặn ở đây đừng đi liều vào trong, đệ sẽ vòng ra sau xem sao.
Yến Thanh đi ra cửa sau nấp vào xó tối, một lúc sau thấy có người cầm chìa khoá ra mở cổng sau. Yến Thanh quay lại thì hắn cũng vừa nhìn thấy liền bỏ chạy ra phía cửa trước. Yến Thanh gọi to:
- Lý đại ca có một tên chạy ra cổng trước!
Lý Quỳ quay lại vừa kịp vung búa phạt đúng giữa ngực hắn. Lý Quỳ buộc hai thủ cấp thành một túm, rồi giận dữ chạy vào trong nhà vung búa chém giết, bọn lâu la ngã lăn như tượng đất. Mấy tên nấp trong bếp cũng bị Lý Quỳ cho mỗi đứa một búa chết hết.
Yến Thanh, Lý Quỳ vào trong buồng quả nhiên thấy một thiếu nữ tóc mây da phấn xinh đẹp đang ngồi khóc.
Yến Thanh hỏi:
- Nương tử có phải là con gái của Lưu thái công không?
Người con gái đáp:
- Thưa, đúng là tiện nữ. Hơn mười hôm trước tiện nữ bị hai kẻ cường bạo bắt về đây. Mỗi đêm một đứa thay nhau bắt tiện nữ hầu hạ. Tiện nữ nhớ nhà khóc sưng cả mắt, chỉ muốn chết cho xong. Nhưng vì bọn chúng trông giữ rất gắt nên không làm gì được. Nay được tướng quân cứu giúp cho, ơn lớn khác nào cha mẹ.
Yến Thanh hỏi:
- Bọn chúng có hai con ngựa nhốt ở đâu?
Người con gái đáp:
- Ngựa nhốt ở dãy nhà phía đông kia.
Yến Thanh tìm đủ yên cương, đến mở cửa dắt hai con ngựa ra cổng rồi quay lại lục soát trong phòng lấy hết tư trang vàng bạc. Tất cả được đến bốn năm nghìn lạng. Yến Thanh bảo con gái Lưu thái công lên ngựa, cho vàng bạc vào tay nải, buộc hai đầu lâu vào sau lưng con ngựa kia. Lý Quỳ bện hai nùi rươm, đến chỗ ngọn đèn leo lét bên cửa sổ, châm mồi lửa rồi cầm đi đốt khắp bốn phía. Hai người mở cổng dắt ngựa đưa con gái Lưu thái công về nhà. Vợ chồng Lưu thái công vui mừng khôn xiết, gọi mọi người đến lạy tạ hai vị đầu lĩnh. Yến Thanh nói:
- Thái công nên lên sơn trại cám ơn huynh trưởng Tống Công Minh của chúng tôi thì hơn.
Yến Thanh và Lý Quỳ không kịp ăn uống vội lên ngựa phóng nhanh trở về sơn trại. Đến nơi tì trời vừa sáng. Các đầu lĩnh đều đã xuống chờ đón ở cửa tam quan. Hai người dắt con ngựa chở vàng bạc và thủ cấp hai tên cướp vào thẳng trung nghĩa đường yết kiến Tống Giang. Yến Thanh kể lại sự viêc cho mọi người nghe. Tống Giang cả mừng, sai quân sĩ đem chôn hai thủ cấp, vàng bạc thì cất vào kho, ngựa thì sai dắt ra nuôi ngoài trại ngựa. Hôm sau, Tống Giang cho mở tiệc mừng công Yến Thanh, Lý Quỳ. Lưu thái công cũng đem vàng bạc lên sơn trại tạ ơn. Tống Giang một mực từ chối, sai dọn rượu khoản đãi, rồi sai người đưa thái công trở về, chuyện không có gì phải nói. Lương sơn bạc từ đó cũng không xảy ra chuyện gì.
Thời gian thấm thoát qua nhanh, chẳng mấy chốc đông qua xuân tới. Một hôm vào khoảng tháng ba, quân sĩ giải mấy người lạ mặt lên sơn trại, thưa với Tống Giang:
- Bọn chúng tôi bắt được mấy kẻ này và bảy tám cổ xe trong có mấy bó thương bổng.
Mấy người bị bắt đều cao to dũng mãnh, bọn họ bảo nhau quỳ dưới sân rồi thưa rằng:
- Bọn tiểu nhân chúng tôi từ phủ Phượng tường đi dự hội tế tề thiên đại thánh ở châu Thái an. Lễ chính vào ngày hai mươi chín tháng ba. Bọn tiểu nhân đến đó để biểu diễn võ nghệ. Suốt ba ngày hội, hảo hán các nơi kéo đến tỉ thí rất đông. Có một tay đô vật họ tên là Nhậm Nguyên người phủ Thái nguyên, cậy có sức vóc cao to khỏe mạnh, tự xưng là “Kình thiên trụ” vẫn thường khoác lác: “Thế gian đô vật không đối thủ, thiên hạ tranh tài chẳng kém ai”. Nghe nói hai năm nay, vào dịp lễ hội, gã ta đến đấy làm ăn chưa từng bị đối thủ nào đánh gục, nghiễm nhiên đoạt thưởng không biết bao nhiêu mà kể. Năm nay hắn lại đến đó treo biển thách đấu. Bọn tiểu nhân chúng tôi đến đấy một là để đốt hương lễ thánh, hai là xem tài nghệ của Nhậm Nguyên thế nào, ba là cũng để học đòi vài đường thương bổng. Cuối trông đại vương mở lượng từ bi tha cho!
Tống Giang nghe xong liền bảo viên tiểu hiệu:
- Mau đưa mấy người này xuống núi, không được xâm phạm mảy may. từ nay gặp người đi lễ thì phải cho đi, không dược động đến.
Bọn mãi võ vái tạ rồi xuống núi. Bấy giờ Yến Thanh chợt nghĩ ra điều gì liền đứng dậy nói với Tống Giang. Chỉ biết rằng rồi đây:
Châu Thái an một phen náo động,
Huyện Tường phù tiếng nghĩa đồn xa.
Đúng là:
Hai hổ đua tài đền Đông ngạc,
Đôi rồng tranh thắng điện Gia ninh.
Chưa biết Yến Thanh nói với Tống Giang những gì, xem hồi sau sẽ rõ.
--------------
(1)Cách nói xách mé. Sài có nghĩa là củi, đối ý với Mễ là gạo.