Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trung Hoa >> Hậu Thủy Hử

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 76272 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hậu Thủy Hử
Thi Nại Am

Hồi 74

Đang nói chuyện lúc ấy Yến Thanh nói với Tống Giang:
- Tiểu đệ từ nhỏ theo hầu Lư viên ngoại, học đòi được ít miếng võ tay, chưa từng chịu thua ai trong bọn giang hồ . Đến ngày 28 tháng 3 sắp tới, xin huynh trưởng cho tiểu đệ đến đó thử đấu sức với Nhậm Nguyên xem sao . Nếu thua cuộc, chết bởi tay hắn đệ cũng không dám oán trách . Nếu như đệ thắng hắn thì danh tiếng của huynh trưởng càng thêm vẻ vang . Hôm ấy ở châu Thái An tất xảy ra náo động, xin huynh trưởng cho người đến cứu ứng .
Tống Giang nói:
- Ta nghe nói gã kia thân cao hơn trượng, to béo như tượng Kim Cương, sức vóc nghìn cân khôn địch . Hiền đệ thì mảnh mai nhỏ nhắn, dẫu có tài nghệ cũng khó địch nổi hắn ta .
Yến Thanh đáp:
- Không sợ hắn cao lớn, chỉ lo hắn không chịu vào cuộc thôi . Người ta thường nói: có sức thì đấu sức, không sức thì đấu trí . Tiểu nhân không dám khoe khoang, sẽ tuỳ cơ ứng biến bắt gã kia phải một phen trắng bụng!
Lư Tuấn Nghĩa tiếp lời:
- Đúng là Tiểu Ấp giỏi vật từ hồi còn nhỏ, xin đại huynh cứ để cho đi . Tuấn Nghĩa tôi sẽ đi tiếp ứng .
Tống Giang hỏi:
- Định bao giờ đi ?
Yến Thanh đáp:
- Hôm nay đã là 54 rồi, ngày mai xin cho tiểu đệ xuống núi . Đi đường mất một đêm, đến nơi là đúng ngày hăm sáu . Ngày hăm bảy tiểu đệ nghe ngóng, hôm sau nữa sẽ đọ sức với Nhậm Nguyên .
Hôm sau Tống Giang sai dọn rượu tiễn Yến Thanh lên đường . Yến Thanh ăn mặc giản dị, áo dài khoác ngoài che kín vết chàm hoa trên mình . Thấy Yến Thanh đóng giả người buôn Sơn Đông, bên đai lưng giắt chiếc trống bỏi, quảy một gánh hàng tạp hoá đầy ắp, mọi người bật cười . Tống Giang hỏi:
- Hiền đệ đóng giả làm lái buôn Sơn Đông, hãy hát thử một bài của bọn lái buôn miền ấy xem sao ?
Yến Thanh một tay lắc trống bỏi, một tay gõ phách cất giọng Sơn Đông hát "bài ca thái bình" quen thuộc của bọn khách buôn Sơn Đông . Mọi người đều vui cười tán thưởng . Rượu đã ngà say, Yến Thanh cáo từ các đầu lĩnh rồi xuống núi, qua bãi Kim Sa nhằm đường sang châu Thái An .
Có thơ làm chứng như sau:
- Kiêu dũng Yến Thanh bất khả bạt,
Đương trường thiết bổ hữu cơ quan .
Dục tầm địch thủ tương luân giảo,
Đặc địa khu trì thượng Thái Sơn .
Gan dạ Yến Thanh tiếng nổi cồn,
Đua tài đấu vật có ai hơn .
Muốn tìm địch thủ so cao thấp,
Ruổi ngựa băng ngàn đến Thái Sơn .
Chiều muộn hôm ấy, Yến Thanh định tìm quán trọ nghỉ ngơi, bỗng nghe phía sau có người gọi:
- Yến Tiểu Ất chờ ta với!
Yến Thanh đặt gánh quay lại nhìn thì ra Hắc toàn phong Lý Quỳ . Yến Thanh hỏi:
- Đại ca có việc gì mà đuổi theo ?
Lý Quỳ đáp:
- Hiền đệ đã hai lần đi với ta đến trấn Kinh Môn . Chuyến này hiền đệ đi một mình, ta không yên lòng nên trốn huynh trưởng để theo giúp!
Yến Thanh nói:
- Việc này chẳng phải phiền đến đại ca . Đại ca nên trở về là hơn .
Lý Quỳ nổi cáu nói:
- Ngươi lên mặt gớm! ta có ý tốt muốn theo giúp nhưng ngươi kiêu kỳ thì ta cũng chẳng cần .
Yến Thanh sợ mất tình nghĩa bèn hạ giọng nói:
- Đại ca muốn đi với đệ nhưng ở hội tế thánh đản dân bốn phương tụ tập rất đông, thế nào cũng có người biết mặt đại ca . Muốn đi đại ca phải chịu theo ba điều .
Lý Quỳ nói:
- Được, cứ nói xem!
Yến Thanh nói:
- Từ bây giờ hai người bọn ta cứ kẻ trước người sau mà đi, khi đã vào quán trọ thì đại ca không được lén ra ngoài, đấy là một . Điều thứ hai là khi vào quán trọ ở gần Thánh miếu, đại ca phải giả vờ ốm, kéo chăn trùm kín đầu, ngáy khò khò, không được nói năng gì cả . Thứ ba là đến hôm đệ thi vật, đại ca đến xem nhất thiết không được gây lộn xộn . Ba điều ấy đại ca có chịu được không ?
Lý Quỳ đáp:
- Chẳng có gì khó . Ta chịu tất .
Tối hôm ấy hai người vào nghỉ trong quán trọ . Canh năm hôm sau dậy sớm trả tiền rồi nhóm bếp thổi cơm ăn . Yến Thanh nói:
- Sáng nay đại ca đi trước, đệ sẽ theo sau cách chừng nửa dặm .
Trên đường đi, Lý Quỳ và Yến Thanh gặp từng đoàn người lũ lượt đi lễ . Người ta trầm trồ kháo nhau tài nghệ của Nhậm Nguyên "đã hai năm nay không ai địch nổi đô vật này, năm nay nữa là ba" . Yến Thnh im lặng lắng nghe . Chiều hôm ấy, ở thôn Thánh miếu người trẩy hội đứng chật vòng trong vòng ngoài, kiễng chân nghển cổ mà nhìn . Yến Thanh đặt gánh xuống nghỉ rồi rẽ đám đông chen vào xem . Trên hai cột tiêu dán giấy hồng làm cổng chính của hội lễ căng tấm vải đề chữ trắng : "đô vật Thái Nguyên Kình thiên trụ Nhậm Nguyên". Mỗi cột tiêu treo một vế đối liên: "quyền đả Nam Sơn mãnh hổ, Cước thi Bắc hải thương long". (Chân đá rồng xanh Bắc Hải, tay đấm hổ dữ Nam Sơn). Yến Thanh xem xong bèn giơ đòn gánh đập mạnh làm rách tấm vải thách vật, chẳng nói chẳng rằng gảy gánh đi vào miếu . Bọn hiếu sự vội đi báo cho Nhậm Nguyên biết năm nay sẽ có địch thủ ngang tài .
Một lúc sau Yến Thanh đi ra thì gặp Lý Quỳ . Hai người cùng đi tìm quán trọ . Xung quanh Thánh miếu ồn ào náo nhiệt, mấy trăm hàng quán chen chúc, dân mở quán trọ đến nghìn tư, nghìn rưởi nhà tranh nhau đón khách thập phương trẩy hội . Chưa đến ngày khánh tiết mà các nhà trọ đã chật ních không còn chỗ nghỉ . Yến Thanh và LÝ Quỳ phải đi mãi đến đầu chợ mới tìm được chỗ trọ . Yến Thanh vào hỏi thuê giường và chăn cho Lý Quỳ . Tiểu nhị hỏi:
- Đại ca từ Sơn Đông lên bán hàng cho dân trẩy hội, liệu có kiếm đủ tiền trọ không ?
Yến Thanh nói giọng Sơn Đông:
- Ngươi giỏi coi khinh bọn ta! một gian buồng trọ đắt rẻ bao nhiêu ? cứ cho ta thuê cả một buồng to, người khác trả bao nhiêu, ta trả đủ bằng ấy ?
Tiểu nhị nói:
- Đại ca đừng giận, đang lúc khách đông buồng ít, xin thưa rõ trước để đai ca biết .
Yến Thanh nói:
- Ta đến đây bán hàng thì nghỉ ở đâu cũng được . Nhưng gặp người bà con cùng làng bị cảm mạo nên phải đi vào đây cho tiện . Tạm đưa trước cho ngươi nửa quan, nhớ cơm nước giúp cho . Khi đi sẽ trả nốt .
Tiểu nhị nhận tiền đi nấu cơm cho hai người .
Một lúc sau bỗng nghe bên ngoài rộ lên tiếng ồn ào huyên náo rồi một bọn hai ba chục tên cao lớn xộc vào hỏi tiểu nhị:
- Kẻ quật rách tấm biển thách đấu trọ ở phòng nào ?
Tiểu nhị đáp:
- Không rõ .
Bọn kia nói:
- Người ta nói hảo hán ấy vào trọ ở đây .
Tiểu nhị đáp:
- Quán trọ của tiểu nhân chỉ có hai buồng, một buồng bỏ không, một buồng thì người khách buôn Sơn Đông cùng đi với một người bị ốm vừa đến hỏi thuê .
Bọn kia nói:
- Đúng là người lái buôn đó đập rách biển thách đấu đấy!
Tiểu nhị đáp:
- Đừng nói thế người ta cười cho . Ông khách buôn ấy người nhỏ bé mà lại còn trẻ, chắc không có chuyện ấy đâu!
Bọn người kia cùng nói:
- Thì ngươi cứ cho bọn ta vào xem hảo hán ấy thế nào .
Tiểu nhị đành chỉ buồng Yến Thanh, nói:
- Ở góc đằng kia!
Đám đông kéo đến thấy cửa buồng đóng chặt, liền vòng ra ngoài cửa sổ nhìn vào . Lúc ấy Yến Thanh và Lý Quỳ đang gác chân lên nhau nằm ngủ . Trong bọn có người nói:
- Dám đập rách tấm biển, tất phải là tay đô vật có danh tiếng chứ chẳng phải thường . Hắn là hảo hán ấy sợ người ta thăm dò mình nên vờ ốm .
Mấy người khác nói:
- Đúng đấy! không phải đoán nữa, khi vào cuộc sẽ biết .
Rồi cả bọn kéo nhau đi ra . Từ lúc ấy cho đến tối, còn nhiều bọn khác nữa đến xem mặt đô vật mới đến, tiểu nhị phải trả lời mỏi miệng . Tối hôm ấy khi tiểu nhị bưng cơm vào, Lý Quỳ kéo chăn chui ra . Tiểu nhị trông thấy giật bắn người, kêu lên:"Á dà! chính ông hùm này đến tranh giải vật đây!" . Yến Thanh nói:
- Đại ca đây đang bị ốm, chính ta mới là người đến tranh vật với Nhậm Nguyên .
Tiểu nhị nói:
- Đại ca đừng nói đùa! cứ như đại ca thì hẳng bị Nhậm Nguyên nuốt chửng .
Yến Thanh nói:
- Để rồi xem! ta đã có cách làm cho bọn ngươi được một trận cười vỡ bụng . Đọat được giải, ta sẽ thưởng cho ngươi .
Tiểu nhị chờ hai người ăn uống xong, thu dọn bát đĩa đem xuống bếp, trong bụng vẫn nghi ngờ chưa tin .
Sáng hôm sau ăn uống xong, Yến Thanh bảo Lý Quỳ:
- Bây giờ đại ca cứ đóng chặt cửa buồng nằm ngủ cho khoẻ .
Nói đoạn Yến Thanh ra cửa nhập vào đoàn người đi xem lễ ở Thánh miếu .
Yến Thanh đi dạo một vòng quanh đám hội rồi đến nhà lễ của khách thập phương cúi đầu lạy bốn lạy . Yến Thanh hỏi thăm chỗ ở của võ sư Nhậm Nguyên, mấy người hiếu sự nhanh nhảu trả lời:
- Võ sư ở nhà trọ lớn gần cầu Nghênh An kia! có đến hai ba trăm người nhận làm đồ đệ xin ông ta dạy võ .
Yến Thanh ra khỏi nhà lễ đi về phía cầu Nghênh An . Đến nơi thấy một bọn chừng hai ba chục người đang ngồi trên thành cầu . Phía trước cầu cắm nhiều cờ vàng đuôi nheo và căng một tấm trướng lớn bằng gấm . Yến Thanh lách nhìn chen vào thấy Nhậm Nguyên ngồi chễm chệ trên ghế dựa đặt giữa nhà xem bọn đồ đệ luyện tập, uy nghi như bậc bá vương có thế lực bạt núi, bộ mặt to bè dương dương tự đắc, ngực áo phanh trần như muốn phô sức mạnh nuốt hùm . Trong bọn đồ đệ có kẻ nhận ra Yến Thanh là người đã đập rách tấm biển thách vật, bèn lén đến báo với Nhậm Nguyên . Nhậm Nguyên vụt đứng dậy giang hai tay nói trống không:
- Năm nay kẻ nào muốn chết cứ dẫn xác đến đọ sức với ta!
Yến Thanh cúi đầu bước đi, đi khỏi quán trọ còn nghe tiếng thầy trò Nhậm Nguyên cười theo giễu cợt . Về đến nhà trọ, Yến Thanh gọi tiểu nhị dọn rượu thịt cùng ăn với Lý Quỳ .
Lý Quỳ hỏi:
- Ngươi đi một mình, bắt ta nằm khoèo, buồn chết đi được!
Yến Thanh nói:
- Chỉ còn một tối nay nữa, ngày mai đệ phải đọ sức với gã Nhậm Nguyên kia rồi .
Hai người nói chuyện phiếm một lúc rồi nằm ngủ, việc không có gì đáng nói .
Vào khoảng canh ba, một hồi trống nổi vang báo hiệu bắt đầu lễ dâng hương ở Thánh miếu . Đầu canh tư Yến Thanh và Lý Quỳ thức dậy, gọi tiểu nhị lấy nước nóng rửa mặt . Yến Thanh chải đầu, cởi áo cánh rồi quấn xa cạp, vận quần lụa ngắn rộng ống, đi giày gai, mặc áo chẽn hở nách, quấn đai lưng . Ăn xong, Yến Thanh dặn tiểu nhị:
- Hành lý của bọn ta để trong phòng, nhờ ngươi trông giúp .
Tiểu nhị đáp:
- Xin hảo hán cứ yên lòng, tiểu nhân không để một thứ gì suy suyển! chúc hảo hán thắng cuộc .
Hai ba chục người khách cùng trọ trong quán đều nói với Yến Thanh:
- Hảo hán phải lượng sức mình, chớ liều lĩnh uổng mạng .
Yến Thanh đáp:
- Khi nào tiểu nhân được cuộc nhờ các vị nhanh tay giật lấy chỗ tiền thưởng cho tiểu nhân .
Mọi người ồn ào chen nhau ra trước . Lý Quỳ nói:
- Ta cứ mang theo cả đôi búa có lẽ cũng hay!
Yến Thanh nói:
- Đại ca hãy cất đi ngay! của nợ ấy hôm nay không cần dùng đến . Đem đi lỡ có ai trông thấy thì hỏng việc lớn .
Nói đoạn hai người chen lẫn vào đám đông . Bên hành lang của Thánh miếu, người đến dự lễ dâng hương chen vai thích cánh đứng kín vòng trong vòng ngoài; có bọn còn trèo cả lên quầy hàng cọc làm rào chắn, trên các cọc rào treo các đồ thưởng vàng bạc vóc lụa . Ngoài cửa có buộc năm con tuấn mã yên cương sẵn sàng . Viên quan thừa lệnh tri châu chủ trì hội lễ, đích thân đến giám sát cuộc đấu vật dâng thánh . Quan chủ tế đã có tuổi chống gậy trúc bước lên vũ đài, truyền cho những người ứng vật năm nay lên tiếng . Chưa dứt lời bỗng thấy đám đông dập dờn như sóng rồi một đoàn hơn chục đôi trai tráng vác gậy đi vào . Tốp đi đầu cầm bốn lá cờ thêu, tốp sau khiêng kiệu Ngậm Nguyên, vài ba chục đôi trai tráng mặc áo hở vai tay xăm chàm đi tiền hô hậu ủng . Quan chủ tế truyền cho Nhậm Nguyên xuống kiệu rồi ôn tồn thăm hỏi .
Nhậm Nguyên đáp:
- Tiểu nhân đã hai năm liền đứng đầu bảng, được thưởng nhiều vàng lụa . Năm nay chắc phần thưởng hẳn cũng vào tay tiểu nhân .
Lúc ấy có một người bưng thùng nước lên đặt ở sân đấu . Bọn đồ đệ của Nhậm Nguyên đứng thành dãy sát võ đài . Nhậm Nguyên bỏ khăn, cởi đai lưng để phanh vạt áo gấm, bước lên chắp tay cúi đầu lạy thánh, nhận hai bát nước uống cạn, rồi cởi áo để sang một bên . Hàng vạn người dự lễ trầm trồ khen ngợi .
Viên chủ tế nói to:
- Nhậm võ sư đã hai năm nay đoạt giải vật, không ai dám đọ sức . Năm nay có muốn nói gì với dân chúng trẩy hội không ?
Nhậm Nguyên nói:
- Nhờ ơn thánh đế phù hộ, chư vị thập phương ban cho nhiều đồ thưởng quý báu đã hai năm liền . Năm nay Nhậm Nguyên tôi định từ tạ thánh đế để về làng . Vậy xin kín cáo với bàn dân thiên hạ; phía đông đến chốn mặt trời mọc, phía tây đến nơi mặt trời lặn, hai vầng nhật nguyệt hợp đủ càn khôn; phía nam đến đất Nam man, phía bắc đến đất Tề, đất U, đất Yên, có ai dám cùng Nhậm Nguyên tôi tranh giải thưởng đô vật thì xin cho biết .
Nhậm Nguyên chưa dứt lời, Yến Thanh rẽ đám đông đi tới, cất tiếng đáp to:
- Có ta đây!
Yến Thanh vừa nói vừa đi vùn vụt về phía võ đài . Đám dông hò reo vang dội . Viên chủ tế hỏi:
- Hảo hán từ đâu tới, xin cho biết họ tên quê quán .
Yến Thanh đáp:
- Tiểu nhân là Trương hóa lang ở Sơn Đông, chuyến này lên đây để tranh giải vật với Nhậm Nguyên .
Viên chủ tế nói:
- Đây là chuyện quan hệ đến tính mạng, hảo hán đã nghĩ kỹ chưa ? có thân chủ đi theo làm bảo chứng không ?
Yến Thanh đáp:
- Tiểu nhân tự làm bảo chứng! chết cũng không đòi đến mạng!
Viên chủ tế nói:
- Ngươi hãy cởi áo để ta xem .
Yến Thanh bèn cởi khăn chít đầu, quấn tóc buộc túm, cởi giày ghếch chân tháo xa cạp rồi nhảy lên võ đài, cởi áo lót giơ lên rũ . Người xem trầm trồ khen ngợi, tiếng xôn xao nổi lên như sóng . Nhậm Nguyên có phần nao núng khi thấy chàng trai chắc nịch mình xăm chàm hoa bước lên võ đài .
Trên đài xem đấu, tri phủ châu Thái An ung dung ngồi ghế bảy tám chục công sai mặc áo đen chầu chực hai bên . Yến Thanh bước xuống đến trước khán đài . Thấy Yến Thanh chắc khoẻ như cây ngọc xăm hoa, tri phủ cả mừng, hỏi:
- Hảo hán người ở đâu ? lên đây có việc gì ?
Yến Thanh đáp:
- Tiểu nhân là con trưởng nhà họ Trương ở phủ Lai Châu tỉnh Sơn Đông, nghe nói Nhậm Nguyên thách vật với người khắp thiên hạ nên tiểu nhân đánh đường lên đây tranh giải với người ấy .
Tri phủ Thái An nói:
- Ngoài cổng có tuấn mã đã thắng đủ yên cương, đó là tặng vật của ta thuởng cho Nhậm Nguyên, còn vóc lụa và các đồ trang sức vàng bạc treo trên hàng rào kia, ta có ý định cho ngươi một nửa . Hai người tự chia với nhau . Ta sẽ cất nhắc cho ngươi làm việc dưới quyền ta . Yến Thanh đáp:
- Thưa tướng công, phần thưởng cũng quý nhưng tiểu nhân chỉ muốn vật gã Nhậm Nguyên để hắn khỏi khoác lác và mọi người được trận cười thoả thích thôi .
Tri phủ nói:
- Nhậm Nguyên to lớn như hộ pháp, ngươi không đụng vào được đâu ?
Yến Thanh nói:
- Dù chết tiểu nhân cũng không dám oán trách!
Nói đoạn Yến Thanh quay lại trèo lên võ đài đối mặt với Nhậm Nguyên . Viên chủ tế rút trong ngực áo ra một bản điều lệ thi vật đã viết sẵn, đọc to lên một lượt, rồi hỏi Yến Thanh:
- Người đã nghe rõ chưa ? nhớ là không được phép giở trò mờ ám đấy!
Yến Thanh cười nhạt đáp:
- Người kia sửa soạn đủ thứ như thế, tiểu nhân chỉ một manh quần cột này, liệu còn có trò ngầm gì nữa ?
Tri phủ gọi viên chủ tế đến căn dặn:
- Hảo hán kia đáng kể là bậc tuấn tú, xẩy sự không hay thì đáng tiếc lắm . Ngươi thử dàn xếp lần nữa xem bọn họ có chịu nhau không ?
Viên chủ tế trèo lên võ đài bảo Yến Thanh:
- Hảo hán hãy lo giữ mạng mà về quê, ta sẽ dàn xếp cho ngươi cuộc đấu này .
Yến Thanh đáp:
- Ngươi không hiểu gì cả! đã biết ta thua hay thắng mà bảo thế ?
Mọi người ào ào xô tới, hàng vạn người nhấp nhô như sóng chuyển, người xem trèo cả lên nóc nhà, ai cũng sợ bị che không nhìn rõ đôi đô vật nổi tiếng . Lúc ấy Nhậm Nguyên tức bực chỉ muốn co chân đáp phốc Yến Thanh lên tận mây xanh . Viên chủ tế nói:
- Hai ngươi đã bằng lòng thi đấu vật thì lễ hội năm nay sẽ dâng cuộc đấu của các ngươi . Các ngươi phải hết sức cẩn thận!
Xung quanh im phăng phắc, trên võ đài chỉ còn có Nhậm Nguyên, Yến Thanh và viên chủ tế đứng giám sát .
Lúc ấy mây mù vừa tạnh, mặt trời nhô lên ở phía đằng đông . Viên chủ tế cầm gậy trúc, căn dặn hai người rồi hô lớn:
- Bắt đầu!
Hai người xông vào vờn nhau, kẻ qua người lại, khó nói rõ ai tiến ai lui . Nói thì chậm, việc xảy ra thì nhanh như chớp . Bấy giờ Yến Thanh khom lưng, xoãi chân đứng về phía bên phải . Nhậm Nguyên cũng xuống tấn ở phía bên trái, mỗi người chiếm một nửa võ đài . Thấy Yến Thanh hồi lâu vẫn không nhúc nhích, Nhậm Nguyên từ từ bước lấn tới . Yến Thanh chỉ chú mực nhìn khoảng thân dưới của Nhậm Nguyên nghĩ thầm:"Chắc hắn sẽ đánh đúng vào phần bụng mình đây! để cho ngươi biết ta không cần động tay, chỉ hất một cái là ngươi lăn xuống võ đài". Có thơ làm chứng như sau:
Bách vận nhân trung giáo nghệ trường,
Khinh sinh quyên mệnh đẳng tầm thường .
Thí khan lưỡng hổ tương thốn đạm
Tất định trung gian hữu nhất thương .
Ức vạn người xem giữa đấu trường,
Liều thân quên chết há tầm thường .
Thử xem hai hổ tranh thắng bại,
Ắt hẳn một hùm bị trúng thương!
Xem chừng đã áp đến vừa tầm, Nhậm Nguyên bèn đưa chân dứ trước về bên trái . Yến Thanh quát lớn:
- xem!
Lúc ấy Nhậm Nguyên đang chờ YẾn Thanh bước tránh, không ngờ Yến Thanh nhanh như cắt luồn qua nách Nhậm Nguyên nhảy ra phía sau, Nhậm Nguyên nóng mặt định quay lại vít vai Yến Thanh . Yến Thanh liền co chân nhảy dứ rồi luồn nhanh qua nách phải Nhậm Nguyên . Nhậm Nguyên to béo phục phịch nên xoay trở có phần khó khăn, ba lần xáp vào đều bị hụt, bước chân Nhậm Nguyên bắt đầu chệch choạng . Đúng lúc đó Yến Thanh lao vào, tay phải vít cổ Nhậm Nguyên, tay trái móc vào háng, dùng bả vai độn ngực hất bổng lên, Nhậm Nguyên hẫng chân, bị Yến Thanh dùng hết sức xoay mấy vòng . Yến Thanh reo lên:
- Ngã này!
Rồi nghiêng vai hất mạnh Nhậm Nguyên rơi xuống võ đài đầu chúi xuống đất, chân chổng lên trời . Miếng vật ấy gọi là "chim gáy xoè cánh". Hàng vạn người xem reo hò thán phục . Bọn đồ tể của Nhậm Nguyên thấy sư phụ bị quật ngã liền ùa đến hàng rào vơ đấy đồ thưởng . Trong lúc mọi người lộn xộn quát thét thì bọn đồ đệ chạy đến định xông lên võ đài . Tri phủ Thái An hò hét quát nạt cũng không ngăn nổi .
Hung thần Hắc toàn phong Lý Quỳ nổi giận quắc mắt, tóc tai dựng đứng, vội hai tay nhổ giật hai cọc rào vót nhọn bằng gỗ để xông đến đánh tới tấp . Có người nhận ra Lý Quỳ, họ tên Hắc toàn phong mau chóng lan truyền khắp đám hội . Bọn công sai sợ hãi xô nhau chạy vào phía trong, vừa chạy vừa kêu:
- Chớ cho Hắc toàn phong Lý Quỳ chạy thoát!
Nghe tiếng Hắc toàn phong Lý Quỳ, tri phủ châu Thái An ba hồn bảy vía lên tận mây xanh, vội đứng vụt dậy, lủi nhanh ra sau điện . Người xung quanh đổ xô vào xem, người làm lễ trong miếu thì tìm đường trốn tránh . Lý Quỳ thấy Nhậm Nguyên ngất xỉu chỉ còn thở thoi thóp, bèn vác tảng đá đến đập cho chết luôn . Yến Thanh, Lý Quỳ vừa đánh vừa rút chạy ra ngoài . Quân cung nỏ ngoài cổng bắn tên theo tới tấp . Hai người phải trèo lên nóc nhà dỡ ngói ném xuống . Một lúc sau ngoài cửa miếu có tiếng hò reo vang trời, rồi một đội quân tiến lên như vũ bão . Vị đầu lĩnh dẫn đầu đội quân ấy đội nón Phạm Dương, mặc chiến bào lụa trắng, lưng giắt đoản đao, tay vung mã tấu . Người ấy chẳng phải ai xa lạ mà chính là Ngọc kỳ lân Lư Tuấn Nghĩa . Theo sau là các hảo hán dẫn hơn một nghìn quân đánh thẳng vào cổng miếu để cứu ứng cho Yến Thanh, Lý Quỳ . Hai người thấy Lưu đầu lĩnh đem quân đến, vội từ trên nóc nhà nhẩy xuống, rút chạy theo . Lý Quỳ quay về quán trọ lấy đôi búa, rồi vừa chạy vừa đánh vung lên . Khi tri phủ Thái An điểm đủ quân sĩ thì hai hảo hán đã đi xa rồi . Quan quân biết là không địch nổi quân Lương Sơn Bạc nên không dám đuổi theo .
Lại nói Lư Tuấn Nghĩa đem quân đi cứu Yến Thanh, Lý Quỳ trở về, đi được non nửa buổi, ngoái lại không thấy Lý Quỳ đâu nữa . Lư Tuấn Nghĩa cười nói:
- Lại gã Hắc toàn phong gieo tai chuốc hoạ! đành phải cho người đi tìm lôi hắn về sơn trại .
Mục Hoằng xin Lư Tuấ Nghĩa cho mình đi tìm Lý Quỳ .
Tạm gác chuyện Lư Tuấn Nghĩa đem quân về sơn trại . Kể tiếp chuyện Lý Quỳ hai tay hai búa rẽ đường ghé vào huyện Thọ Trương . Trưa hôm ấy viên tri huyện xong việc nghỉ sớm . Lý Quỳ đến trước cửa huyện, gọi to:
- Ta là Hắc toàn phong ở Lương Sơn Bạc đây!
Nghe đến tên Hắc toàn phong, nha lại và lính huyện sợ hãi rụng rời, không biết đối phó ra sao . Nguyên do là huyện Thọ Trương này ở gần Lương Sơn Bạc, năm tiếng "Hắc toàn phong Lý Quỳ" cũng tựa như con ngáo ộp mà thầy thuốc đem doạ trẻ con khóc đêm . Nay lại chính là Lý Quỳ đích thân đến thì làm gì chẳng sợ!
Không thấy ai lên tiếng, Lý Quỳ đi thẳng vào huyện đường, thấy ghế tri huyện bỏ không, Lý Quỳ bèn ngồi vào rồi lớn tiếng gọi:
- Có ai hãy ra đây nói chuyện với ta! không chịu ra ta sẽ cho mồi lửa thiêu trụi cả!
Bọn nha lại nấp trong phòng dưới hành lang thấy vậy chỉ còn cách để cho mấy người lên đối đáp với Lý Quỳ cho yên chuyện . Hai viên thư lại đánh bạo lên trước công đường lạy chào Lý Quỳ bốn lạy, rồi quỳ xuống thưa:
- Đầu lĩnh đến đây ắt có điều gì chỉ bảo ?
Lý Quỳ nói:
- Ta đến đây không phải để đánh các ngươi, tiện chân đi qua thử ghé vào chơi cho vui thôi . Bọn các ngươi hãy vào mời tri huyện ra đây gặp ta .
Hai người thư lại đi xuống dưới nhà, một lúc sau quay lại nói:
- Quan huyện thấy đầu lĩnh đến đã mở cửa đi ra ngòai, không rõ đi đâu .
Lý Quỳ không tin, bèn ra sau hậu trường tìm kiếm, chỉ thấy chiếc khăn đóng và tráp quần áo của tri huyện để ở đó . Lý Quỳ bèn lấy khăn đóng chụp lên đầu, mở khoá lấy áo thụng xanh mặc vào người, thắt lưng . Tìm quanh một lúc, thấy đôi giày mỏ cong của tri huyện, Lý Quỳ bèn thay cả giày rồi cầm dùi gỗ hòe ung dung bước ra sảnh đường, hỏi to:
- Ta ăn mặc thế này trông có đẹp không ?
Hai viên thư lại đáp:
- Thưa đẹp lắm ạ .
Lý Quỳ nói:
- Các ngươi đi gọi hết thuộc viên, quân lính trong huyện ra đây xếp hàng để hầu việc, không nghe lời ta thì ta phá tan cả khu nha huyện này!
Hai viên thư lại sợ cuống, vội chạy đi gọi hết công sai, lại dịch lên chính sảnh, rồi gióng ba hồi trống lớn . Mọi người xếp hàng tề chỉnh bước lên vái chào Lý Quỳ . Lý Quỳ thích thú cười vang .
Lý Quỳ nói:
- Trong bọn các ngươi ai có kiện cáo gì cho thưa bầy để ta xét xử ?
Viên thư lại đáp:
- Có hảo hán đang ngồi ở đây, không ai dám bới chuyện kiện cáo .
Lý Quỳ nói:
- Nếu không ai kiện thật thì hai người trong số các ngươi giả làm kẻ kiện nhau cũng được . Ta không làm hại ai, chỉ làm thế cho vui thôi .
Mọi người bàn nhau xuống nhà giam chọn lấy hai tên tù phạm, bảo chúng giả cách kêu kiện vì chuyện đánh nhau . Dân chúng ngoài cửa huyện thấy việc lạ kéo nhau vào xem rất đông . Hai tên tù phạm quỳ trước sảnh . Một tên nói:
- Thưa tướng công, xin tướng công xét cho: tiểu nhân bị tên kia đánh .
Tên kia nói:
- Vì tên ấy chửi tiểu nhân, nên tiểu nhân mới đánh hắn .
Lý Quỳ hỏi:
- Kẻ nào bị đánh ?
Tên giả làm nguyên cáo đáp:
- Thưa, tiểu nhân bị đánh ạ .
Tên giả cách làm bị cáo đáp:
- Tên kia chửi trước nên tiểu nhân mới đánh hắn .
Lý Quỳ nói:
- Tên này dám đánh tên kia, thế là hảo hán, ta tha cho . Còn tên kia, sao ương hèn không dám đánh lại ? bọn bay đâu, đóng gông vào cổ hắn, đem ra ngoài cửa huyện bêu cho dân chúng biết .
Nói đọan Lý Quỳ vén ngược áo thụng, giắt dùi gui gỗ hòe vào thắt lưng, tay cầm búa đứng đốc suất lại dịch đóng gông tên nguyên cáo . Chờ cho bọn chúng đóng gông giải tên nguyên cáo ra cổng, Lý Quỳ mới rảo bước đi ra, vẫn ung dung với bộ áo giày của tri huyện . Dân chúng thấy vậy chẳng ai nhịn được cười . Lý Quỳ cứ thế đi qua đi lại trước cổng huyện . Một lúc sau nghe tiếng đọc sách trong nhà học, Lý Quỳ bèn đi đến, vén rèm bước vào . Thầy giáo thấy Lý Quỳ thì hoảng sợ nhảy qua cửa sổ chạy trốn . Bọn học trò sợ hãi khóc thét lên, đứa bỏ chạy, đứa tìm chỗ chui nấp trong xó nhà . Lý Quỳ cười vang một trận rồi bỏ đi . Vừa ra cửa, Lý Quỳ chạm trán với Mục Hoằng lúc ấy đang đi tìm Lý Quỳ .
Mục Hoằng nói:
- Mọi người lo lắng cho đại ca, thế mà đại ca lại nhởn nhơ ở đây! mau về thôi .
Không đợi nói hết câu, Mục Hoằng bèn ngoắc tay Lý Quỳ kéo đi . Lý Quỳ đành phải đi theo Mục Hoằng ra khỏi huyện Thọ Trương trở về Lương Sơn Bạc . Có thơ làm chứng như sau:
Mục dân huyện lệnh cổ hiền lương,
Tưởng thi yên trâm một chủ trương .
Quái sát Lý Quỳ vô đạo lý,
Cầm đường náo liễu, náo thư đường .
Chân dân huyện lệnh vốn hiền lương,
Lại tưởng tham quan ghét thấu xương .
Quái lạ Lý Quỳ vô lý thật,
Vừa ra khỏi huyện, hét thăm trường .
Mục Hoằng ra Lý Quỳ xuống thuyền qua bến Kim Sa trở về sơn trại . Các đầu lĩnh thấy Lý Quỳ ăn mặc dị dạng ai nấy được mẻ cười no . Lúc ấy, ở Trung Nghĩa đường, Tống Giang đang chúc mừng thành công của Yến Thanh . Lý Quỳ cởi áo thụng xanh, quăng đôi búa xuống sân, ngất ngưởng cầm dùi hòe bước đến lạy chào . Tống Giang không chờ Lý Quỳ lạy xong, vội đứng vụt dậy, giằng lấy chiếc áo thụng đạp xé nhát tan rồi mắng rằng:
- Ngươi thật to gan, không xin phép ta mà dám tự tiện xuống núi! tội ngươi đáng chết! ngươi đi đến đâu là gây chuyện đến đó . Ta đã nói với các anh em, lần sau ngươi tái phạm thì không tha thứ nữa .
Lý Quỳ "dạ" liền mấy tiếng rồi lui ra . Lương Sơn Bạc từ đó đuợc bình yên vô sự . Hàng ngày các đầu lĩnh chăm lo rèn tập võ nghệ, thao luyện quân sĩ, ai quen sông nước thì cho lên thuyền học phép thuỷ chiến . Các trại quân đều rèn luyện thương đao đai giáp, làm nhiều cung nỏ, may thêm chiến phục và các lọai cờ lệnh dùng trong quân, việc không có gì phải kể đến .
Lại nói, sau khi sự việc xảy ra, tri phủ châu Thái An liền viết văn thư tâu về Đông Kinh . Viện tiến tấu còn nhận được biểu văn của nhiều châu huyện khác cáo cấp việc Tống Giang khởi loạn quấy động trong vùng . Quan đại khanh sắp xếp các biểu văn ấy tâu lên thiên tử . Hôm ấy, sau hồi chuông ở lầu Cảnh Dương, các quan đại thần đến đền Đãi lậu viện chờ trời sáng để vào chầu . Đã một tháng nay đạo quân hoàng đế không ra ngự triều . Buổi chầu sáng hôm ấy đúng là:
Ba hồi roi thét vang gác tía,
Hai hàng văn võ chật thềm vàng .
Đạo quân hoàng đến ra ngự triều, các quan văn võ phủ phục lạy mừng . Quan điện đầu quát vang:
- Ai có việc cho ra tâu, không có việc thì cuón rèm bãi chầu .
Quan đại khanh đứng đầu việc tiến tấu bước ra khỏi hàng quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, viện của hạ thần nhận nhiều biểu văn của nhiều nơi tâu việc Tống Giang khởi loạn, đem quân tiến đánh các châu huyện, cướp kho tàng, phá nhà lao, giết hại quân dân . Bọn chúng đến đâu quan quân đều không địch nổi . Nếu triều đình không sớm đem quân tiễu trừ, ngày sau ắt sẽ sinh hoạ lớn . Cúi mong bệ hạ soi xét .
Đạo quân hoàng đến truyền rằng:
- Rằm tháng giêng năm ngóai bọn ấy đã đến gây chuyện náo động ở kinh đô, năm nay lại đánh phá các phủ huyện, đâu phải chỉ mấy châu quận quanh vùng ? trẫm đã nhiều lần sai khu mật viện đem quân đi đánh dẹp, sao đến nay vẫn chưa thấy hồi tấu ?
Ngự sử đại phu Thôi Tĩnh bước ra khỏi hàng, tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ, thần nghe nói bọn Tống Giang ở Lương Sơn Bạc dựng lá cờ lớn đề chữ "thế thiên hành đạo" (thay trời hành đạo). Đó là mưu chước loè bịp dân chúng, lòng dân đã phục thì triều đình khó đánh dẹp được . HIện nay quân Liêu đang xâm phạc bờ cõi nước ta, quân mã các nơi chống giữ không nổi . Nếu triều đình cất quân đi đánh dẹp bọn Tống Giang thì tình thế rất bất tiện . Cứ như ngụ ý của thần thì bọn ấy đều là những kẻ vong mệnh, trót phạm tội không bề trốn tránh nên phải tụ tập nhau ở chốn núi rừng làm những chuyện phản nghịch vô đạo . Chi bằng bệ hạ nên giáng chiếu chiêu an, cho quan lộc ngự tử và đồ châu báu, rồi sai một viên đại thần mang đến Lương Sơn Bạc an ủi vỗ về khiến cho bọn họ chịu nhận chiêu an về hàng . Sau đo, nếu mượn tay bọn họ đánh lui được quân Liêu thì quả là công tư hai đằng đều lợi . Cúi mong bệ hạ soi xét .
Đạo quân hoàng đế nói:
- Lời khanh nói rất phải, chính hợp với ý trẫm .
Rồi thiên tử sai điện tiền thái uý Trần Tông Thiện làm sứ giả, mang chiếu thư và ngự tửu đến chiêu an mọi người lớn nhỏ ở Lương Sơn Bạc . Tan buổi chầu sớm hôm ấy, Trần Thái uý lĩnh chiếu sắc, về nhà thu xếp để lên đường .
Chưa nói chuyện Trần thái úy mang chiếu thư đi chiêu an, chỉ biết rằng:
Rợp đầu non, trùng trùng đao thương chiến mã
Che mặt nước, lớp lớp thuyền chiến mông xung .
Đúng là:
Rượu qúy ngờ đâu thành mồi lửa
Chiếu son phút chốc hoá chiến thư
Chưa biết Trần thái uý đi chiêu an bọn Tống Giang ra sao, xem hồi sau sẽ rõ .

<< Hồi 73(b) | Hồi 75 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 965

Return to top