Họ có sáu người cả thảy : Ông bà Phạm Văn Phú, Nguyễn Ngọc Dung cùng con dâu trưởng, hai cháu nội và cậu con trai út vừa làm một cuộc hành hương trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
- Để em đi gọi điện thoại cho anh Hai.
Làm xong thủ tục Hải Quan, Minh Phúc, cậu con trai út, nói với cha mẹ. Ông Phú đưa mắt nhìn quanh:
- Hay là... để ra ngoài rồi hãy gọi ? Ba không thấy telephone đâu cả.
- Con sẽ xin gọi nhờ ở chỗ mấy ông cán bộ. Ba mẹ và chị Hai chờ một chút.
Nói xong, Phúc đi ngaỵ Không đầy một phút sau đã quay trở lại.
- Nhân viên trực văn phòng bảo rằng anh Hai đã ra phi trường từ lúc bốn giờ. Ta đi thôi.
Họ lục tục đưa nhau rời khỏi phòng kính. Thanh Mai dìu mẹ chồng trên chiếc xe lăn. Anh bảo vệ thấy vậy, vội mở cổng phụ cho bà đi ra được dễ dàng.
Diệu Phươnghương đã trông thấy những người thân của mình ngay từ lúc họ còn trong phòng kính. Anh sung sướng gọi to:
- Mẹ ! Con ở đây này !
Bà Dung cũng đã trông thấy con trai. Mắt bà rưng rưng nhưng môi bà lại nở một nụ cười.
- Con có khỏe không ?
Chính lúc đó, cánh cổng phụ được mở ra. Phương ngồi sụp xuống nắm lấy tay mẹ.
- Mẹ đi đường có mệt lắm không ? Rồi anh ngước lên nhìn cha - Ba khỏe không ba ?
Ông Phú vỗ nhẹ vai con:
- Tốt lắm con à !
Đến lúc này, Diệu Phương mới đưa mắt tìm vợ con. Nãy giờ Thanh Mai và hai con vẫn kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình. Họ luôn tôn trọng những qui tắc trên dưới, trước sau trong gia đình nên không hề buồn lòng vì sự chậm rãi của anh.
Phương dang tay ôm hai đứa con vào lòng và hôn chúng. Hai đứa trẻ cùng cuống quýt hôn lại cha:
- Nhớ ba muốn chết luôn - Cát Phượng, đứa con gái lớn mếu máo nói.
- Ba đi đâu mà lâu quá vậy ? Đức Minh, thằng nhỏ ghì chặt lấy ba.
Phương không trả lời các con mà quay sang nhìn vợ. Đã hơn hai năm rồi, họ không được gặp nhau.
- Anh nhớ em và các con lắm. Ba má có khỏe không em ?
TM chỉ gật đầu chứ không nói được thành lời. Nước mắt đã chảy tràn trên mặt nàng. Trước đây họ chưa bao giờ phải xa nhau quá một ngày. Vậy mà lần này đã phải vắng nhau suốt ngần ấy năm trời. Thử thách ấy đè nặng đôi vai nàng đến nỗi có lúc tưởng chừng không thể nào tiếp tục được nữa.
- Anh cảm ơn em ! - Phương nhìn sâu vào mắt vợ.
Lời cám ơn ấy, mọi người đều hiểu rõ bao hàm những gì. Đến lúc này, Minh Phúc mới lên tiếng:
- Công việc làm ăn có khả quan không anh Hai ?
Đó là câu chào của "cánh" đàn ông với nhau. Phương vỗ mạnh vai em tươi cười:
- Rồi em sẽ thấy...
Anh quay sang cha mẹ:
- Có mấy người bạn của con cùng đi.
Đến lúc này, những người đứng sau lưng Phương mới được anh giới thiệu với gia đình. Nãy giờ mọi người cũng đã gật đầu chào nhau, nhưng tính danh thì chưa được nói đến.
- Ba mẹ và chú Út có nhận ra ai đây không ? - Phương kéo tay Khoa, tủm tỉm cười.
Đôi mày ông Phú khẽ cau lại... rồi ông bật kêu lên:
- Cháu là con chị Tư Ánh phải không ?
- Dạ, cháu là thằng Khoa đây ! Cậu mợ trông không khác gì mấy so với lúc ra đi - Khoa bước đến gần để chào bà Dung.
Trong lúc đó, Diệu Phương tiếp tục giới thiệu Hải Yến và Phương Tâm, đoạn quay sang hỏi vợ:
- Em có mang đầy đủ các quyển album hình của gia đình về không ?
TM gật đầu : Nàng không hiểu vì sao chồng mình lại cứ dặn đi dặn lại về các quyển album ấy...
Anh tài xế đã đánh xe đến chỗ họ. Phương Tâm giúp TM đỡ bà Dung lên xe. Nàng thích thú nhớ lại những lời Diệu Phương đã kể về người phụ nữ này. Trông chị đẹp và hiền dịu quá.
Lên xe, vô tình Phương Tâm lại ngồi cạnh bà Dung. Đột nhiên nàng thấy bà nắm tay mình thân mật hỏi:
- Cháu quê quán ở đâu ?
Phương Tâm hơi ngớ người ra một chút:
- Dạ, cháu ở... Bến Tre !
Nàng đã trả lời theo tờ khai sinh của mình. Bà Dung từ từ thả tay nàng ra, giọng xa xăm:
- Dưới ấy, nhiều dừa lắm !
Phương Tâm cười:
- Mấy huyện phía dưới mới có nhiều dừa, chứ chỗ cháu ở gần Chợ Lách, trái cây nhiều hơn.
- Cháu làm công việc gì ở chỗ anh Phương ? - Bà Dung lại hỏi.
- Cháu làm kế toán.
- Lương có đủ sống không ?
Nghe bà hỏi đến đây, Phương Tâm lại cười:
- Dạ cũng... đỡ đỡ...
Ngồi ngay phía trên mình là Minh Khoa và HỴ Hẳn anh chàng đã nghe hết câu chuyện và đang cười thầm trong bụng. Mỗi lần lãnh lương về, Phương Tâm đưa hết cho mẹ chàng, chỉ giữ lại đủ tiền đi xe buýt. Vậy mà số tiền đó, nàng xài còn... "dư dã" bởi thỉnh thoảng lại có người đưa giùm về hoặc nếu buổi chiều nào mát mẻ nàng lại cuốc bộ. Tiền học thì công ty ứng trước với điều kiện nếu học xuất sắc thì sau này sẽ không bị trừ vào lương. Phương Tâm biết mình nghèo lắm, nhưng nàng không hề lo lắng hay sợ hãi, bởi vì nếu cuộc đời được sáu mươi năm thì nàng còn đến gần bốn mươi năm để mà gầy dựng.... Biết đâu được, mai mốt nàng sẽ trở thành giàu có thì sao ?
Mãi suy nghĩ lan man, nên Phương Tâm không biết về tới nhà. Cho đến khi chiếc xe thắng gấp khiến nàng va trán vào lưng ghế trên thì nàng mới giật mình.
Từ chỗ ngồi cạnh anh tài xế, Diệu Phương quay xuống nhìn "ông anh họ" và cô kế toán bằng một cái nhìn đầy ngụ ý ! Lát nữa đây "công trình hợp tác" của hai người sẽ chính thức được đánh giá ! Bỗng dưng Phương Tâm thấy hồi hộp chi lạ !
Ngồi cạnh nàng, bà Dung đang khóc. Vô tình Phương Tâm ôm lấy cánh tay bà, lắc nhè nhẹ như một lời an ủi.
Xe đã ngừng lại ngay trước thềm nhà. Đứng dưới đất, dì Út đã sụt sịt giọt ngắn giọt dài:
- Ông bà đi lâu quá !
- Nghe cháu Phương bảo tìm được dì, tôi mừng lắm - Bà Dung cảm động nắm lấy tay người giúp việc cũ của mình.
Cánh đàn ông giỏi che đậy cảm xúc hơn nên không có ai rớt nước mắt. Hai đứa nhỏ cũng vậy. Đối với chúng, chuyến đi này giống như một cuộc viễn du đặc biệt. Ra đi mà cũng là trở về !
Dì Út đã nhờ thêm mấy người tới phụ việc bếp núc. Trong khi dì lăng xăng bày dọn thì tất cả các thành viên trong nhà được dẫn đi "tham quan" một vòng và được "bàn giao" chỗ ở mới của mình.
Khi đứng trước căn phòng mà có lần Phương Tâm đã nghe anh Phương bảo "Phòng của trẻ con", bà Dung định ghé vào nhưng đã bị cậu trai Út ngăn lại:
- Mẹ ! Con sẽ ở phòng này.
Nói rồi, MP định đẩy chiếc xe lăn đi tiếp, nhưng mẹ chàng đã kéo tay con:
- Mẹ không sao đâu ! Con cứ để mẹ vào.
Chiều ý bà, mọi người cũng vào theo. Phương Tâm lờ mờ đoán ra rằng căn phòng này gắn liền với một sự việc gì đó rất đặc biệt. Nàng nhớ hôm trước đã hỏi Phương:
- Các con của anh bao lớn ?
- Cát Phượng lên tám, còn Đức Minh lên sáu.
- Vậy thì để cho chúng nó ở phòng này, được không anh ?
Nàng chỉ nghĩ đơn giản rằng nếu hai đứa bé ở đây thì sẽ không phải sửa sang gì nhiều, bởi căn phòng vốn đã được thiết kế cho trẻ con. Cái gì cũng nhỏ và thấp.
Nhưng Diệu Phương đã gạt đi:
- Em đừng tưởng chúng nó còn nhỏ như những đứa trẻ lên tám ở bên này. Hôm nào anh cho em xem ảnh của Cát Phượng. Con bé đã cao từng này... - Anh đưa tay ra dấu.
- Vậy thì... ai sẽ ở phòng này ?
- Có thể sẽ không có ai ở đây cả. Phương nói nhanh - Nhưng vẫn phải bày trí.
Nói xong, anh bỏ đi ngaỵ Mặc dù rất ngạc nhiên nhưng Phương Tâm không dám hỏi. Nàng cứ đinh ninh một trong hai đứa con của anh sẽ ở căn phòng này. Có thể là Đức Minh vì thằng bé còn nhỏ...
Thế nhưng bây giờ, điều dự đoán của Phương Tâm đã bị đảo ngược, không phải Đức Minh mà là Minh Phúc sẽ ở căn phòng "của trẻ con" này, dù anh chàng đã hai mươi bảy tuổi đầu ! Rõ ràng có điều gì đó khuất lấp mà nàng không tiện hỏi han...
Ngay lúc đó, có tiếng Diệu Phương hỏi mẹ:
- Con sửa sang như vậy, ba mẹ có vừa ý không ?
Ông Phú đáp thay vợ:
- Hôm trước nói chuyện qua điện thoại, con đã mô tả rất kỹ lưỡng, nhưng ba không hình dung mọi thứ lại tuyệt vời như thế này.
- Chắc là tốn nhiều tiền lắm phải không con ? Bà Dung lên tiếng - Mẹ không ngờ tất cả lại giống hệt như ngày xưa... lúc còn em con.
MP cắt ngang lời mẹ:
- Tay thợ nào trang trí căn nhà, hẳn là phải có một trình độ thẩm mỹ rất cao, phải không anh Hai ? Chính em còn phải ngạc nhiên nữa là... Đúng là kiểu bài trí mang đậm nét Á Đông mà ba mẹ rất thích.
Minh Khoa tủm tỉm cười, trong khi Phương Tâm thoáng đỏ mặt. Chính lúc ấy, Diệu Phương kéo tay hai người đến trước mặt cha mẹ và em trai:
- Đây là "công trình hợp tác" của họ đấy, ba mẹ ạ ! Minh Khoa lo "vòng ngoài" còn bên trong là do một tay Phương Tâm định liệu.
Trước vẻ ngạc nhiên của mọi người, Phương Tâm bẽn lẽn cúi đầu. Nàng "ngán" cái kiểu nói "gộp chung" của Diệu Phương quá đi mất.
- Thật à con ? - Ông Phú không giấu được vẻ thán phục - Con học ở trường mỹ thuật ra phải không ?
- Dạ không ! - Phương Tâm bối rối - Con học toán.
- À, thế cũng tốt - Ông gật gù.
Nãy giờ Hải Yến lo xếp đồ đạc với Thanh Mai trong phòng, vừa xong, vội bước ra:
- Cháu không hiểu tại sao bây giờ người ta trang trí nội thất toàn bằng đồ "môđden" vậy mà anh Phương lại biến ngôi nhà này thành viện bảo tàng - Giọng nàng có vẻ bất bình.
Ông Phú cười dàn hòa:
- Mỗi người có mỗi sở thích riêng cháu à ! Cũng giống như cháu thích bò bít- tếch còn Phương Tâm thì thích mắm kho vậy mà !
Câu ví dụ của ông không làm HY hài lòng. Nàng đưa mắt nhìn Phương Tâm đang đứng giữa người chủ của ngôi nhà và bên kia là Minh Khoa với vẻ ganh tỵ không giấu giếm:
- Cháu chịu, không hiểu nổi !
Phương Tâm yên lặng. Nàng còn bận suy nghĩ về những điều bí mật trong ngôi biệt thự này nên chẳng nghe thấy gì. Mãi đến khi có tiếng dì Út mời mọi người vào bàn ăn, nàng mới sực tỉnh.
Bữa cơm thân mật chỉ có những người trong gia đình. TM tất bật chạy tới chạy lui lo cho mọi người. Thấy vậy, Phương Tâm giành phần chăm sóc bà Dung thay nàng. Bữa ăn trôi qua trong không khí thật đầm ấm, chan hòa khiến Phương Tâm bỗng có cảm giác rằng mình đang được sống giữa những người thân yêu, ruột thịt. Tự dưng nàng thấy nao nao trong lòng.
Đến cuối bữa ăn, Phương Tâm mới phát hiện ra một điều rất lạ : ở cạnh MP có một chiếc ghế trống và trên bàn có một chén cơm, một cái muỗng rất nhỏ, thứ muỗng chỉ dành cho trẻ con ! Dường như điều đó đã trở thành thông lệ nên không ai bận tâm gì đến cái chỗ trống vô hình đó !
Chỉ có mỗi một mình Phương Tâm chú ý nhưng nàng đành phải cất giấu những điều tò mò vào trong suy nghĩ, bởi một điều rất giản đơn : Nàng là người lạ ! Mà một người lạ thì không có quyền suồng sã trong buổi sơ giao như thế này !