Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trung Hoa >> THẤT CHƠN NHƠN QUẢ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 33876 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

THẤT CHƠN NHƠN QUẢ
Huỳnh-Vinh-Lượng

Hồi 27

Nghĩa là:
Khuyên đạo chúng lần lần dạy dỗ,
Luận việc tu hành bực bực nói ra.
Có bài kệ rằng:
Bông nở bông tàn hết mấy năm,
Người đời nào thấy nguyệt thường rằm,
Mở ra danh lợi hai đường khóa,
Trồng lửa trồng sen mới khá ngâm.
Lại nói Khưu chơn-nhơn đi ra ngoài chùa lấy phất trần, bứt một nắm chỉ thổi một hơi chơn khí, quăng lên trên không trung một hồi lâu, tới không biết bao nhiêu đạo chúng theo chơn-nhơn vô chùa, đem thầy chùa đổi hết, còn Bạch-Vân thiền-sư đi lại ở chỗ Tập-Hiền-Quán, mấy thầy chia ra đi các chùa ở đậu. Tại sao mà Khưu chơn-nhơn muốn lấy chùa Bạch-Vân-Tự? Vì chỗ đất Bắc-Kinh chủ khí đương thạnh, biết là đất ấy làm đô thời ở lâu, nên muốn mượn chỗ thạnh địa đặng lập đạo trường khai hóa hiền nhơn. Bởi Bạch-Vân thiền-sư cái phần ở chỗ Nam-Kinh, xứ Tam-Giang, hiển phát phổ độ chỗ đó, nên khiến Khưu chơn-nhơn lấy Bạch-Vân-Tự đặng thiền-sư đi qua phía Nam mở đạo. Ấy là Trời định đâu có phần số đó, hoặc lợi cho người nầy, chẳng lợi cho người khác. Bởi người thượng trí tu chơn hay mượn chỗ tương sanh mà ở, chỗ khắc phải lánh, nên gọi là địa lợi vậy.
Lại nói Khưu chơn-nhơn ở tại Bạch-Vân-Tự, chiêu tập người tu hơn một tháng, đặng mấy mươi người đạo hữu, coi làm các việc trong chùa, sắp đặt có phần đông đảo tấn phát. Khưu chơn-nhơn thấy trong đạo hiền ngu chẳng đồng, ắt phải mở dạy một phen. Khưu chơn-nhơn bèn mời đạo hữu mà nói rằng: Nhơn việc xuất gia nầy là lánh chỗ trần tục, phải trước có ý coi cho thấu việc trần chơn giả, hư thiệt, có lòng học đạo, thiệt chí, thiệt tâm mới gọi là chơn tâm xuất gia. Bằng trong lòng ý còn ham vọng thành Tiên, hoặc vì có việc hờn giận, hoặc tham an-nhàn mà mượn đạo làm cớ đặng yên ổn cái thân, như vậy xuất gia học đạo lòng dõng mãnh chưa có, chí lâu dài khó đặng, lấy đạo làm như việc thường, có không chẳng cần, thì sau cũng mất chỗ huyền diệu.
Còn có người khi tuổi nhỏ không lo tánh mạng, đến già cô độc một mình mới tính xuất gia, đó là mượn cửa đạo mà nương mình, nào có phải coi thấu việc trần là giả! Nói cho hết mà nghe, đã tới đặng cũng tốt, chẳng cần coi thấu hay không, như vậy là tu qua buổi mà thôi. Hễ người đến tại đất Tam-Bảo (vào cửa Phật) thì gọi là người có duyên, vào chùa ta cũng chẳng nghèo, bỏ cửa ta cũng không giàu.
Hễ vào trong cửa ta thì phải y theo lời ta: người thượng-trí thì học tham-thiền công-phu; người trung-trí thì tụng kinh lễ sám; người hạ-trí thì lập công làm việc, cũng đặng tròn phận xuất gia. Như người chẳng đặng, mình phải gắng cho đặng; người chẳng nhẫn, mình phải gắng cho nhẫn. Trai phải giữ chữ Trung; gái phải gìn chữ Tiết, đức hạnh kiêm toàn. Nhẫn là nhẫn cái sân-si tật-đố, tuyệt dứt cái tình-dục, cùng nhẫn chịu đói lạnh khảo trừng chịu nhục, chịu thiệt, ăn mặc kém thua, lời nói phải thấp hạ khiêm nhường. Như vậy mới đặng hơn người, mà phải trong lòng không không, đừng dung một mảy niệm quấy, đừng khởi một điểm lòng tư, đừng coi người khinh hèn, phải ép mình tôn người. Như mình đặng không thì ma nào ứng đặng, phải tại chỗ hư-vô mà cầu đạo, thì công-phu chắc đặng, bằng đem việc ngoài mà công-phu thì phải mất chơn. Phàm việc chi phải lượng sức mà làm, đừng thái quá bất cập, biết đặng lớn thì thành lớn, biết nhỏ thì thành nhỏ. Noi theo đường mực mà đi, giữ phép qui-củ mà tu, tuy chẳng đặng thành Tiên Phật cũng chẳng mất người hảo-nhơn, lại cũng chẳng uổng việc xuất gia học đạo.
Như biết nói để tóc là người đạo, cạo đầu là người tăng, mà ngũ-uẩn chẳng không, tứ tướng chẳng bỏ, ngoài thì sửa soạn trang nghiêm, trong bụng quá hơn người tục, lòng công danh không dứt, tâm phải quấy chẳng trừ, se-sua thường niệm sợ ăn mặc thua người, kiêu-hãnh tưởng hoài, muốn việc làm cho có thường như nguyện, như vậy nói tu hành, thiệt chưa có tu hành; xưng là học đạo, thiệt trọn không có đạo. Tưởng lại người ở tục lấy khổ làm vui, còn ở cửa Phật làm gì? Mượn đạo mà dối đạo, giả tu mà nương thân làm ăn, tạo ra không biết bao nhiêu tội lỗi. Kiếp nầy đã không siêu thăng, kiếp sau còn phải đọa vào biển khổ. ở trong cửa Phật mà không làm bản dạng cho Phật, thì gọi là thế mạng khổ hành chỗ nào? Nên người tu phải xét mình: như có lỗi ai chỉ sửa cho mình, thì phải tỉnh mà tự hối, chẳng khá tự cao, tự đại mà lầm uổng một đời. Vậy xin các người rán nhớ.
Khưu chơn-nhơn đương giảng nói, ngoài cửa đi vô mười mấy người cao lớn. Mấy người nầy khi trước ở núi Tần-Lãnh ăn cướp mà cứu chơn-nhơn sống lại, rồi nhờ chơn-nhơn giảng việc tội phước nhơn quả, nên thức tỉnh cải tà qui chánh, ra chợ mua bán làm ăn mười mấy năm. Nay nghe đồn ở Bạch-Vân-Tự có Khưu chơn-nhơn thiệt người đạo-đức lớn. Năm rồi cầu mưa phổ cứu nhơn dân, lại toán Hoàng-hậu sanh Thái-tử cùng Bạch-Vân đấu kình, ăn đặng chùa Bạch-Vân. Nay ông mở việc dạy tu hành học đạo, hay giảng kinh thuyết pháp nên mấy người nghe nói thảy đều vui mừng. Triệu-Bích nói: Hay là ông ở núi Tần-Lãnh anh em cùng cứu sống đó chăng? Lại thấy bảng đề: “Khưu mỗ phụng hành” thì chắc nay ông tu thành đạo rồi, vậy bạn ta đồng đi đến Bạch-Vân-Tự coi có phải không?
Trương-Kiển nói:
- Bạn ta thường nguyện đi tầm người có đạo đức, nay đặng như nguyện không chừng? Châu-Cửu rằng:
- Mình đến coi như người có đạo-đức, bái ông làm thầy xuất gia tu hành cũng khá đặng. Triệu-Bích tiếp:
- Em nói phải! Rồi đều đi đến Bạch-Vân-Tự, nhằm lúc Khưu chơn-nhơn cùng mấy người đương ngồi tại điện giảng nói việc xuất gia học đạo. Chơn-nhơn thấy mấy người bước vô, đứng dậy hỏi rằng: Mấy anh em bấy lâu mạnh giỏi? Mấy người đều quên ông, đáp rằng:
- Nhờ ơn Trời Phật bảo hộ đặng bình an, vậy không biết thầy ở đâu? Hình như có gặp thầy một lần mà không nhớ chắc, xin thầy nhắc lại. Khưu chơn-nhơn rằng:
- Chẳng nhớ trên Tần-Lãnh người đói trong miễu đó sao? Triệu-Bích hỏi:
- Phải thầy khi đó có chỉ cho bọn tôi tu hành đó chăng? Khưu chơn-nhơn đáp:
- Phải, tôi chớ ai! Mấy người nghe nói đều quì bái thưa rằng:
- Từ ấy đến nay cách biệt mười mấy năm, bọn tôi đều phải suy già, còn thầy hình dung trở nhỏ, thiệt người có đạo. Ngày trước tôi có nói chừng nào thầy đắc đạo anh em tôi sẽ tới thọ giáo, nay xin thầy cho anh em tôi ở đây học đạo. Chơn-nhơn rằng:
- Xưa nhờ ơn cứu mạng, nay nào dám quên tình. Còn anh em nói tôi đắc đạo, thiệt tôi không dám có đặng. Chẳng qua mượn chỗ nầy mà lập trường mở dạy, biện minh việc đạo đó thôi. Than ôi! Khổ hải không bờ trở đầu tới bực. Tôi ngày đó chẳng qua là răn cái ý của tôi, không dè mấy anh em nghe lời ấy mà sửa lòng đổi chí có công cải lỗi theo lành, thiệt gọi là người hảo-nhơn đại-chí. Mười mấy năm giữ lòng bền chặt, đến nay khám phá đặng hồng trần, muốn xuất gia tu thân, thiệt tôi lấy làm mừng lắm!
Người có lòng tu hành là tiền sanh tích nhiều việc phải mới đặng phát cái niệm đó. Đã phát tâm học đạo thì phải giữ luân phép: ngôn-ngữ, từ-bi, hạ-khí, nhẫn-nhịn, hòa-khiêm, cẩn-ngôn cẩn-hạnh, lập bản dạng cho hậu hiền, chẳng đặng lộng tánh buông tình, khởi lòng ganh ghét. Đừng thấy người chẳng bằng mình mà đem ý khinh-khi, trở lòng háo-thắng, sỉ-nhục, nơi người đừng khởi niệm cống-cao kiêu-thái mà hại trong tánh mạng. Còn mình chẳng bằng người là tu tích chưa đủ, công đức chưa đầy; người chẳng bằng mình là thời-vận chưa thông, tiền căn siễn-bạc. Bởi đạo không có lớn nhỏ, người tu đừng gọi thấp cao, chẳng luận giàu sang nghèo khó, cũng không phân lớn nhỏ trẻ già, hễ người có đạo là lớn, có đức thì tôn. Có câu: “Ham học như vàng như ngọc, chẳng ham học như cỏ rác”. Chẳng quí vàng bạc của báu, quí trọng đạo-đức nghĩa-nhơn. Thiên-tử xuất gia chưa đủ quí, ăn mày xuất gia chẳng phải hèn. Ta khi còn nhỏ, cha mẹ mất sớm, nhờ anh chị dẫn dắt nên người, coi biết việc hồng trần các món chẳng thiệt, nào là cha con anh em vợ chồng, tiền bạc đều giả, duy có đạo-đức làm trọng, nên nguyện một lòng phỏng đạo tu chơn. Sau gặp thầy là Vương-Trùng-Dương tiên-sanh chỉ cho chỗ chí đạo, lại nhờ sư huynh là Mã-Đơn-Dương hết lòng chỉ biểu, từ khi tại chỗ Xuyên-Cốc ly biệt đến sau thêm công gắng sức, bị đói lớn 72 lần gần chết, còn đói nhỏ vô số, kể không xiết. Vậy mà lòng ta như sắt đá, thà chết chẳng bỏ lòng xưa, chịu ma-nạn chừng nào chí lại thêm bền chắc, sợ lo có tội còn dư. Rồi sau ở tại Bàn-Khê lập công khó mấy năm, trong việc khốn khổ kể chẳng hết lời. Ta nhớ câu “Khổ tận cam lai”, hết cực tới sướng, hết đắng tới ngọt. Đến ngày rõ biết tỉnh ngộ, nhờ Trời chiếu giúp 2 lần cầu võ đặng giáng cam lâm (mưa lớn) tới thời tiếng động đến Đế-bang, tuy đạo quả chưa thành mà đến bực nầy cũng không phải dễ.
Nay mấy người muốn xuất gia phải làm như vậy, đừng vì giàu sang mà động tâm, đừng thấy nghèo khổ mà dời chí, coi thân mình như chết rồi. Nay trong chỗ chết mà đặng sống phải tưởng là một việc lớn, đặng cầu cái phép chẳng chết mới gọi là người chí nhơn học đạo. Khưu chơn-nhơn nói rồi, mấy người nghe việc tu hành khổ cực của thầy, thảy đều sa nước mắt, thương niệm công khó của chơn-nhơn mấy năm tu hành cực nhọc. Chơn-nhơn thấy mấy người biết hồi tâm lại nói: Nếu chẳng đến cái khổ cho tột, chỗ tánh phàm không dứt thì trí-huệ khó thông! Đến lúc liễu đạo còn phải đầu thai luân-hồi tái-thế thì uổng cho một kiếp.
Nay nguyện chỉ cho mấy trò chỗ khổ đó mà cầu ra, chịu đặng một phen khổ, bớt đặng một lần ma chướng, chịu mười mấy phần thì oan khiên đặng tiêu, nhẫn đặng một việc, cũng như mình sang cái gánh nặng thì đặng nhẹ hết mấy phần. Chơn-nhơn giảng rồi, chọn ngày cùng mấy người đổi áo mão, sắm lễ sám-hối, cho mỗi người đạo danh.
Lại nói qua Hoàng-hậu tưởng sanh Công-chúa bồng ra trước điện trở tay liền biến thành Thái-Tử, làm Bạch-Vân thiền-sư trao hết ngôi chùa cho Khưu-Trường-Xuân, việc cũng tại mình sanh ra sự họa, sợ Bạch-Vân thiền-sư phiền muộn, bèn sai người đi thỉnh vào cung khuyên giải rằng: Vì con tôi làm cho thầy chịu lụy. Thiền-sư đáp:
- Số lý tôi đoán chắc thiệt Phụng thai, chẳng biết Trường-Xuân dụng cái tà thuật chi mà đổi. Tôi sợ chẳng phải cái phước trong nước nhà. Hoàng-hậu nói:
- Vì Hoàng-thượng không hậu, nên tôi cũng không dám nói nhiều, nay Hoàng-thượng đặng hậu Thái-tử, kính trọng Trường-Xuân như Thần Tiên, mỗi ngày tại trong ngự quân giảng đạo đàm huyền, ít vào trong cung điện.
Bạch-Vân thiền-sư tánh hay ố nhơn thắng kỷ, có lòng sâu độc mới nói với Hoàng-hậu rằng:
- Tích xưa đời Đường-Minh-Hoàng ở ngôi, nội triều văn võ bá quan đều xưng Trương-Quả-Lão là Thần Tiên. Đường-Minh-Hoàng muốn thử, lấy thuốc độc bỏ trong rượu, biểu Trương-Quả-Lão uống. Ông biết trước, liền uống ba chén rồi nói rằng: Tửu-hào không tốt. Nói vừa dứt lời, hôn mê nửa khắc, răng trong miệng đen hết. Chừng tỉnh dậy, ông lấy thiết-như-ý nhổ hết răng đen, ông ngậm miệng một hồi mọc răng trắng lại hết. Chừng đó Đường-Minh-Hoàng mới tin ông thiệt là Thần Tiên giáng thế. Nay nương-nương muốn chắc, học theo Đường-Minh-Hoàng, để rượu độc trước án, mời Khưu-Trường-Xuân cho uống. Như y uống rượu đó không chết mới thật là Chơn-Tiên.
Chước là một kế nhỏ,
Thần Tiên cũng khó từ.

<< Hồi 26 | Hồi 28 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 744

Return to top