Nghĩa là:
Giả nói mãn phần, thầy qui ẩn,
Đưa linh cửu học trò chịu nhọc. (thử môn nhơn)
Có bài kệ rằng:
Gió phan thổi động chẳng phải chơn,
Bổn tánh sáng tròn thiệt pháp thân,
Giải đặng cầm bông hơi cười ý,
Xưa nay không có dính bụi trần.
Lại nói Trùng-Dương tiên-sanh thấy mấy người học Đạo tựu lại, xét ra trong mấy người không có tưởng Đạo, chẳng qua là giả danh học Đạo, lấy Đạo làm cớ, muốn cho người biết mình tu hành, chớ không một chút tưởng Đạo. Như chẳng dời đi chắc sau nó lấy giả làm chơn, khiến cho trong pháp môn chẳng đặng thanh tịnh. Thầy tưởng rồi thầm nói: Phải làm như vầy, như vầy... Liền la lên một tiếng lớn rằng:
- “Chẳng khá, chẳng khá”. Mấy người kinh hải xúm lại hỏi thăm. Thầy nói: Ta chẳng nên đi du phương vì ta đi đường cảm hơi thấp khí, bịnh ta kiết-uất, trên mình nổi ghẻ.
Liền cởi áo cho mấy người coi. Quả thiệt nổi mục cùng mình. Mã-Đơn-Dương cùng mấy ông lật đật rước thầy kiếm thuốc, tầm hết danh-y uống đủ mà không hết. Cách hai ngày mấy mục đều lở, máu chảy dầm dề, hôi hám khó chịu. Mấy người đến học Đạo bàn luận nói lén:
- Thầy chắc người không có Đạo, nên bịnh hoạn như vậy. Thân mình bảo toàn không đặng làm sao độ người? Bịnh mình trừ không đặng làm sao đặng thành Thần Tiên? Mình phải tính trở về kẻo để lầm việc.
Nói rồi nay một người, mai một người, ít bữa đều về hết, còn lại Khưu, Lưu, Xích, Mã và Vương, sáu người ngày đêm phục sự. Thầy thấy mấy người về hết liền kêu sáu người lại trước dạy rằng: Ngày mai, giờ Ngọ, ta chắc qui Tây, vì ta đến đây lấy tiền bạc của Mã-Ngọc châu-tế cho người nghèo khổ, giúp cho người chôn táng cưới gã tổn phí rất nhiều, lại cấp dưỡng cho người học Đạo mấy năm nay, tiền bạc xài hết. Nay trong rương kho đều không, ta có qui Tây, sắm sửa việc tang ắt phải cầm ruộng bán đất. Mấy người phải y lời ta dặn, đừng có xài phí bạc tiền, đừng có thương khóc, cũng đừng cúng tế để tang. Lấy bốn miếng bảng mỏng khép cho kín thân mà thôi. Khưu, Lưu, Vương, Đàm và Xích, năm người thay phiên nhau khiêng về đến tỉnh Xiểm Tây, dưới chân núi Chung-Nam, hễ khiêng đến chỗ nào đứt dây rớt xuống, đó là chỗ chôn ta, chẳng đặng sai lời. Như trái ý ta thì ta không an, các ngươi phải nhớ.
Khưu, Lưu mấy ông nghe thầy dạy thảy đều than khóc. Trùng-Dương tiên-sanh nói:
- Đừng bắt chước theo trẻ nhỏ. Mấy ông nghe thầy quở trong lòng cảm thương chảy nước mắt, chớ không dám lộ sắc buồn.
Bữa sau giờ Ngọ, thầy mặc áo bào ngồi kiết-dà trên bồ đoàn. Kêu sáu người lại một bên giảng nói dặn dò cặn kẻ rằng: Phép tánh mạng song tu, thảy trong ngoài đều có đủ. Như không lập công ngoài thời đức hạnh chẳng toàn. Còn khuyết công trong thời bổn-nguyên cũng chẳng thành. Việc công ngoài là bình sanh lòng mình, đừng cho khiếm khuyết, một lời giữ trọn không nói quấy, là lời nói đó có công. Còn việc hạnh phải gìn giữ các việc vuông tròn là việc hạnh có công đó! Mỗi việc thảy đều kiên cố: chẳng phải công có chứa sẵn, tại nơi mình lập. Thường phải giác tỉnh chớ cho hôn muội, phòng cái ý cũng như giữ cái thành, không cho một vật dính đặng. Còn giữ cái lòng, lại phải hơn giữ cái thân. Đó là Trời người đồng hạng, Tiên phàm cách có một bực như hội giao-chiến; hễ đặng thì thành Tiên, không đặng thì thành quỉ rõ ràng. (Tại sao vậy? Hễ cái tâm thần đặng thanh tịnh, ân-ái tạp niệm các việc đều không tức là thành Tiên hiện rồi, còn mình để cái tâm nó dục động tạp niệm, nó tật đố tham lam ái-ân không dứt, tài sắc không quên, chẳng có một chỗ tịnh, thì tức là ma quỉ đó rồi, cho nên phải tìm chỗ thân tâm thì đặng thành, ai muốn phải tầm mới đặng.)
Ta nay đem nội-công dạy thêm cho mấy trò nghe, vì việc nội-công chẳng khá lấy chỗ sắc kiến, chẳng khá lấy chỗ tướng mà cầu, chẳng khá làm kiêu hãnh, cũng không đặng làm biếng, quét trừ một mảy sắc tướng chẳng còn, một mảy khí nộ chẳng sanh, quét trừ sắc tướng không rồi thời số dương không sanh. Như đem mấy việc đó trừ hết thời ắt thể đặng thuần dương.
Có người học Đạo trong lòng cũng quyết mà vì tại muốn cho mau thành, công-phu chưa đến lại muốn chứng quả. Còn có người tập theo đạo của ta cũng quyết việc tu luyện, lại muốn an nhàn, ngày ngày dật dựa ham ngủ. Ma-âm khí thạnh giờ giờ buồn bực chẳng vui. Ma-dương khí suy, tinh thần chẳng phát, khó nổi công phu. Đó là tại ham an-nhàn, thong-thả, nên tu hành không đặng.
Phàm việc chi cũng phải dùng hết tâm-chí mới làm đặng việc; huống chi là học làm Thần Tiên, không lo tập luyện dồi mài học theo qui luật; cứ lo danh lợi đua chen ham điều vui ngủ, mà thành Đạo bao giờ?
Trùng-Dương tiên-sanh nói rồi lại lấy cuốn sách tên là “Thao-Quan-Tập” của thầy làm ra, trong đó có giảng Đạo, sự tích phép ẩn dật mầu diệu rất hay, đưa cho Mã-Đơn-Dương dặn rằng: Ngươi cùng 5 người phải coi xét cho chí lý, thấu rồi chẳng phải khó; như làm đó có khó phải rán sức làm theo, mới không phụ lòng ta. Tôn đạo-hữu của ngươi, đạo quả gần đủ, đừng có nhớ tưởng; duy có Khưu-Trường-Xuân công quả còn ít, ngươi phải chỉ dạy thêm cho y. Còn Lưu-Trường-Sanh sắc tướng trừ chưa hết, phải có một lần tai nạn sóng gió nữa.
Từ ấy Xích-Thái-Cổ đông qua tây lại công-phu đắc ý thấy chỗ vừa lòng là chỗ liễu đạo. Đàm-Trường-Chơn gặp đặng máy thông huyền. Vương-Ngọc-Dương đặng thấy nghe huyền diệu. Khưu-Trường-Xuân bên thạch bàn khê đặng biết khổ căn, trên cửa rồng bay đại đơn đã thành. Thầy Trùng-Dương nói dứt lời cười một tiếng rồi thành đạo. Khưu, Lưu mấy ông nghe theo lời thầy dạy chẳng dám lên tiếng, y phép nhập liệm, lấy dây buộc quan tài, cây đòn sắm sẵn đợi đến sáng ngày Khưu, Vương, Đàm, Xích bốn ông khiêng linh cữu ra đi. Lưu-Trường-Sanh gánh đồ theo sau. Mã-Đơn-Dương đưa cách 20 dặm lấy ra một gói bạc ước 40 lượng giao cho Lưu Trường-Sanh nói rằng:
- Tiền bạc trong nhà thầy châu-tế việc lành xài hết, nay còn có bao nhiêu đem làm sở phí, rán tiện tặn cho đủ xài, chôn rồi trở về anh em đồng nhau lo việc tu hành. Nói rồi đưa cho Lưu-Trường-Sanh tiếp giữ, rồi anh em tạ ơn, lu biệt. Đi đặng mấy dặm đường, thấy có người đem nhang đèn cúng tế, Lưu-Trường-Sanh thấy mấy người lạy cúng cũng là đệ tử của thầy.
Những kẻ giả tu học đạo khi trước thấy Lưu-Trường-Sanh thảy đều xưng tạ. Vì Trùng-Dương khi bình sanh chẳng chịu những người giả tu, ngày nay qui Tây chơn linh chẳng quên, nên trong quan tài xì hơi ra thúi người người đều chịu không nổi, bụm miệng nín mũi muốn mửa, đứng gần không đặng, lật đật cúi đầu lạy ít lạy đều chạy về hết. Mấy người đi rồi, hơi thúi liền dứt. Trường-Xuân cùng mấy ông khiêng linh-cữu qua Xiểm-Tây chừng hơn 10 dặm, có người đem cơm cho ăn, ai nấy tưởng là người quen với thầy, nay nghe thầy qui thiên nên đem cho ăn, nghĩ là nhơn tình lẽ thường nên cứ việc ăn. Khi ăn rồi tạ ơn kế khiêng đi nữa.
Chừng vừa tối, thấy bên đường có cái miễu thời khiêng không nổi nữa, liền đem linh-cữu để trong miễu nghỉ chơn. Sáng ngày khiêng đi, đến bữa mơi cũng có người đón đường dưng cơm, bữa trưa cũng vậy. Chừng vừa tối cũng có cổ-miếu an nghỉ. Đi hơn một tháng trường cũng vậy hoài. Gần đến đất Xiểm-Tây, Khưu-Trường-Xuân tưởng thầm:
- Thiệt việc rất lạ, trong trời đất nào có ai mà đặng việc may hoài như vậy?
ở chỗ gần thì nói rằng quen với thầy mình, nay nghe thầy mãn phần đem linh-cữu về xứ nên niệm tình làm nghĩa cho ăn, cũng có lẽ được. Nay đi đã xa mà cũng còn người cho ăn, thiệt lấy làm lạ, để mình hỏi thăm người đem cơm coi duyên cớ sao vậy? Đến trưa có người đem cơm cho ăn. Lưu, Xích mấy ông cám ơn, rồi lấy chén ăn cơm. Trường-Xuân kêu người đem cơm hỏi rằng:
- Sao anh biết anh em tôi đến đây mà đem cơm cho ăn?
Đáp rằng: Sớm mơi có một ông thầy mặc áo vàng đến xóm tôi xin, nói có năm người đệ-tử ở Sơn-Đông đưa linh-cữu lên đây xin một bữa cơm. Ông chủ tôi làm việc lành, nghe nói nên biểu tôi đem cơm đến đây. Trường-Xuân nghe nói sanh nghi. Ngày sau đến bữa cơm sớm, giả nói đau bụng muốn vô trong xóm xin nước nóng uống, cầu Lưu-Trường-Sanh khiêng thế, Trường-Sanh chịu khiêng, đưa gánh đồ giao cho ông Khưu rồi đi khiêng. Ông Khưu gánh đồ đi trước mấy dặm, quả thấy có một ông thầy mặc áo vàng giống in thầy mình. Khưu-Trường Xuân chạy theo tới nắm áo quì xuống thưa rằng:
- Có đệ tử lại hầu. Trùng-Dương tiên-sanh ngó lại thấy Trường-Xuân giận trách rằng: Ngươi thiệt là tạo nghiệt, chẳng biết việc trời đất dinh hư tiêu trưởng, chỗ đạo cần giấu, hay làm hơi lanh giỏi, tiết lậu Thiên-cơ, như vậy ngày sau phải bị 3 năm ma khảo, việc đó thiệt tại mình làm tội. Nói rồi hóa trận thanh-phong biến mất.
Trường-Xuân lấy làm hối ngộ, rồi thấy linh-cữu khiêng tới lật đật lại khiêng, giao gánh đồ cho Lưu-Trường-Sanh. Từ đó đến sau không ai đem cơm cho ăn nữa. May nhờ có Mã-Đơn-Dương cho tiền sở phí, không thôi phải chịu đói. Rồi đi thêm nửa tháng mới tới Trường-An, tại núi Chung-Nam, khi không dây đứt, linh-cữu rớt xuống đất. Khưu Trường-Xuân thấy xóm trước có một ông già đứng ngó, lật đật chạy lại bái lễ, chưa kịp mở miệng, ông già liền hỏi rằng: Mấy người phải ở Sơn-Đông khiêng linh-cữu đến đây chăng? Trường-Xuân đáp:
- Phải, sao ông biết? Ông già rằng:
- Hồi hôm tôi nằm chiêm-bao thấy Vương-Hiếu Liêm nói ông chết rồi, có năm người học trò đưa linh-cữu ở Sơn Đông đem về đây, nói với tôi xin một chỗ huyệt mã đặng chôn ông. Tôi nhớ tình anh em khi xưa giao kết tại tỉnh thành thi cử thương nhau; nghe ông nói xin tôi chịu cho, hỏi chừng nào chôn, ông nói ngày mai, giờ Ngọ. Tôi tỉnh dậy mới biết chiêm bao, nửa tin nửa nghi, ra coi mấy lần thấy mấy ông khiêng linh cữu rớt xuống đất tôi.
Trường-Xuân đem việc thầy dặn khiêng đến chỗ nào dây đứt là chỗ chôn thầy, thuật hết cho ông nghe. Ông già nghe nói rất mừng, liền vô kêu mấy người trong nhà đem cuốc xuổng đến trước linh-cữu, khiêng dời quan tài để một bên đào huyệt tại chỗ đó an-táng, đắp lên thành cái mộ lớn. Khưu-Trường-Xuân mấy ông lạy tạ ông chủ cùng mấy người chôn. Ông già thỉnh mấy ông về ăn cơm chay. Khưu, Lưu mấy ông đi ăn rồi đến tạ ơn chủ nhà, lại hỏi thăm đường đi Đại-Ngụy Thôn. Mấy người đều làm lễ ra đi.
Đưa Thầy về Tây là việc phải,
Tầm Đạo qua Đông đặng thành chơn.