Nghĩa là:
Đại-Ngụy-Thôn có ông Tam-lão nói việc trước,
Cầu Tấn-Thành, một lời chỉ đường mê.
Có bài kệ rằng:
Muôn chuyển thân như chẳng động châu,
Gió đưa sóng dập khó nên thâu,
Nước trôi cầm chặt chèo cùng bánh,
Đường thẳng nhẹ buồm đến ngạn đầu.
Lại nói Khưu-Trường-Xuân cùng mấy anh em tới chỗ Hàm Dương Đại-Ngụy-Thôn, thấy nhà cửa tan hoang, có ông Vương Tam-Lão ngồi trước cửa miễu. Trường-Xuân bước lại làm lễ, hỏi thăm nhà ông Vương-Hiếu-Liêm. Ông đáp rằng:
- Mấy người hỏi nhà Hiếu-Liêm bộ cũng có bà con cùng ông chăng? Trường-Xuân nói:
- Có, ông là thầy của anh em tôi ở tại Sơn Đông dạy Đạo. Nay thầy tôi qui Tây, anh em tôi đưa linh-cữu về đây xin đất chôn tại nơi chơn núi Chung-Nam. Nay muốn trở về Sơn-Đông, nên lại đây hỏi thăm nhà thầy tôi và bà con mạnh giỏi. Ông già nghe nói than một tiếng:
- Hỡi ôi! Anh Hiếu-Liêm là anh bà con của tôi. Tôi thứ ba, nên người kêu tôi là Vương-Tam Lão. Từ ảnh đi tu đến nay, vợ là Châu-Thị bị lo mà thành bịnh nên mãn phần rồi. Con ảnh tên Thu-Lan đi theo bên chồng chừng một năm mới về một lần. Nhà ảnh bây giờ không có ai. Trường-Xuân lại hỏi:
- Trong xóm nầy sao mà coi hư tệ dữ vậy? Vương-Tam-Lão than rằng:
- Từ anh tôi đi rồi thì trong thôn không ai làm đầu, nhà ai nấy lo, có việc không người ra làm đầu tính liệu, nên phận ai nấy giữ, bỏ lâu phải hư. Sau lại nghe Hiếu Liêm thành Tiên rồi, người người đều nói phong thủy đường long bị ảnh lấy đi, đem các việc tội đổ về cho ảnh. Khưu-Trường-Xuân hỏi:
- Sao biết ổng thành Tiên? Vương-Tam-Lão chỉ cái miếu nói rằng:
- Miễu đó Nam Bắc hai thôn người ta làm cho ảnh. Mấy ông vô coi thì biết. Nói rồi mấy ông đi vào miễu, quả thấy trên bàn để ngồi cốt tượng của thầy y như người sống, đều đến trước làm lễ. Thấy trên khuôn biển biên bốn chữ: “Đinh hồ nhơn hào”, hai bên có treo đôi liễn đề:
Hiển đạo thuật ư Hàm-Dương, phúng tửu diệt hỏa,
Thi ân quan du cố lý, thi phù khu ôn.
Khưu, Lưu mấy ông coi rồi chẳng biết duyên cớ làm sao liền hỏi Vương-Tam-Lão
- “diệt hỏa khu ôn” không biết ý chi? Vương-Tam-Lão nói:
- Năm đó tại đây bị ôn dịch truyền nhiễm nhiều người, may có ông đạo mặc áo vàng vẽ bùa son thí cho trong xóm không lấy tiền. Ai đặng bùa linh dán trước cửa thì khỏi bị ôn dịch.
Sau nghe người nói chợ Hàm-Dương bị lửa cháy dữ không tắt, rồi thấy có một người đạo-sĩ mặc áo vàng ở trong tiệm rượu đi ra, tay bưng chén rượu hớp trong miệng, phun trên lửa tắt liền. Người trong chợ cảm ông có ơn cứu lửa khỏi tai nạn, đều lại hỏi ông tên họ chi? Ông nói:
- 3 ngang một sổ là họ, 3 sĩ có khẩu là tên. Nói rồi liền đi mất.
Sau lại có mấy người bàn ra hai chữ đó, 3 ngang 1 sổ là chữ Vương, 3 sĩ có khẩu là chữ Hỷ, chắc là Vương-Hỷ. Nói rồi truyền ra trong xóm, tôi mới biết là ông thành Thần Tiên rồi.
Trong họ tôi, có chị Vương-Má-Má, hồi mãn phần có nói rằng:
- Chú Hiếu-Liêm mặc áo vàng đến rước tôi đi.
Nên Nam Bắc hai thôn cám ơn ông cứu hộ, chung tiền làm một cái miễu đặng trả đức cho ông. Trên vách có treo tấm bảng nói việc đó, mấy ông coi thì biết. Khưu, Lưu mấy người lại coi, thấy đề rằng: “Tỏ nghe việc người có công nơi Nhà nước cùng có đức với dân nên phải thờ đó.
Xóm tôi có ông Vương-Công tên Hỷ thiệt người dị nhơn, tuổi còn nhỏ đọc thơ, lớn lên tập võ thi đậu làm chức Hiếu-Liêm sau giả bịnh phong điên chẳng nói, người chưa hiểu việc động tịnh của ông, dưỡng bịnh 12 năm không ra khỏi cửa. Bữa nọ ẩn mất chẳng biết là đi đâu, bốn phía kiếm tầm không rõ tông tích. Rồi sau trong thôn khởi bịnh ôn-dịch, ông thí bùa cứu hết bảo toàn tánh mạng cho thiên hạ rất nhiều. Trong xóm người người đều nhờ ân huệ. Còn chợ Hàm-Dương lửa cháy phun rượu tắt liền, giấu tiếng để tên, độ chị dâu lên trời, hộ hương nhơn nhờ phước. Ông vì không quên xóm làng mà người trong xóm làng nào dám quên ơn ông; lẽ nào lại không cúng tế, nên anh em tôi hội nghị làm cái miễu lên cốt tượng thờ ông, thường năm chiêm ngưỡng đặng trả ơn huệ ấy của ông.”
Khưu, Lưu mấy người xem rồi than rằng:
- Thầy thiệt là thần cơ khó hiểu, biến hóa vô cùng, bạn ta không biết đặng.
Rồi thấy Vương-Tam-Lão kêu một người nhỏ nói chi không biết, người nhỏ gật đầu, kế một hồi thấy có một người xách cái giỏ đem đồ ăn lại, mời quí thầy đạo hữu dùng cơm. Vương-Tam-Lão nói:
- Nhờ quí thầy đưa linh-cữu anh tôi về xứ, lại tới thăm nhà nữa, không có chi trọng đãi, xin vui lòng đa thiểu.
Mấy người thấy vậy liền ngồi lại ăn. Bữa đó ngủ tại trong miễu, nhiều người tới hỏi thăm. Bữa sau trời gần sáng có bảy tám người đem cơm cho mấy ông ăn, mà ăn sao cho hết! Rồi mỗi nhà đem lại dùng một chút lấy thảo. Lưu-Trường-Sanh nói cùng anh em rằng:
- Nay tiền sở phí của Mã sư-huynh cho còn dư lại mười mấy lượng giao cho Vương-Lão đặng bồi sửa miễu thầy. Mấy anh em đều vui lòng giao cho ông, xin ông ở đó bồi sửa giùm. Khưu, Lưu mấy ông giao rồi thưa đi, hồi lâu khỏi Đại Ngụy thôn hơn mười mấy dặm, tới gốc cây lớn ngồi nghỉ. Đàm-Trường-Chơn nói: -
- Bạn mình đưa thầy về Tây việc lớn đã rồi, bằng trở lại Sơn-Đông nữa cũng ăn xài tiền bạc của Mã sư huynh không nên. Lời tục thường nói: “Nào có tiệc rượu tựu rồi không tan. Đạo chẳng luyến tình, luyến tình chẳng phải Đạo”. ở lâu chắc thiên hạ sanh nghi, chẳng bằng một người đi một xứ, đặng vui riêng tự toại. Vương, Xích mấy ông cười nói rằng:
- Sư huynh luận phải. Nói rồi Lưu-Trường-Sanh đi phía Đông-Nam, Vương-Ngọc Dương đi phía Tây-Nam, Đàm-Trường-Chơn qua phía Bắc, Xích-Thái-Cổ qua phía Đông.
Khưu-Trường-Xuân thấy mấy ông đi hết rồi nói thầm, thôi mình ở lại Xiểm-Tây xin ăn, vì mình phước mọn đức ít thì phải khổ tâm, khổ chí tu hành mới đặng việc.
Lại nói qua Xích-Thái-Cổ đi tới đất Tấn, thấy một cái cầu đá, dưới chơn cầu có tám chín cái động cũng là Trời sanh đá như vậy. Mỗi năm đến mùa Thu, Đông, nước dưới sông cạn, thường có mấy người nghèo tị nạn vào động mà ở. Xích-Thái-Cổ thấy dưới cầu sạch sẽ, khi đó nước cạn, ông vào dưới cầu ngồi tu, trước không ai biết, thiệt cũng thanh tịnh, sau lần lần có người biết mới gây ra việc khiên triền, cảm động mấy người ở gần, thấy ông thường thường ngồi hoài nên biết là người tu hành, họ hay đem cho đồ ăn. Ông ăn dư thường để lại trước mặt, bị chim cò tha đi rớt cùng đường, hoặc dưới nước. Trẻ nhỏ thấy lượm ăn rồi kiếm lần tới chơn cầu đến trước chỗ Thái-Cổ ngồi mà giỡn hớt. Thấy ông ngồi hoài chẳng động cũng như cốt cây hình đất, chúng nó lại tưởng ông như một vị Bồ-Tát, muốn làm miễu thờ ông, mới lấy đá sắp hai bên làm tường, cây lá che kín thành cái miễu. Mỗi ngày chúng nó ăn cơm rồi tới miễu bái lạy chơi giỡn, bữa nào cũng vậy. Xích-Thái-Cổ là người tu đặng tịnh dưỡng cũng không nói động, để chúng nó mặc tình, thiệt là có ít người như vậy!
Cách ít ngày, xóm trước làm chay, hội Quan-Âm, mấy đứa trẻ đi coi hội hết, thiệt là thanh tịnh. Rồi Xích-Thái-Cổ thấy một người ngồi dưới cầu lấy cục đá mài hoài; mài một hồi lâu lấy lên coi, hơn mấy chục lần tiêu hết miếng nầy tới miếng khác, mà không thấy làm việc chi. Mài ra như bùn rồi lại lấy miếng khác mài nữa. Ông thấy vậy sợ uổng phí công phu của y, ông muốn chỉ dạy việc lành nên kêu hỏi: Ông mài đá muốn làm việc chi?
Đáp rằng: Muốn làm đồ. Xích-Thái-Cổ nói:
- Như muốn làm cái chi trước phải định chắc, hoặc chỗ cao sửa bằng, chỗ tròn sửa vuông, phải có phép tắc mới là nên đồ tốt. Ông nay chẳng dụng cái qui-củ, cứ ngồi mài hoài như vậy sao cho đặng thành công?
Người ấy đáp: Tôi muốn mài đá ấy cho sáng mà làm cái kiếng thường ngày soi mặt.
Xích-Thái-Cổ cười rằng:
- Đá là đồ đất, làm sao mà mài cho thành kiếng soi đặng? Há chẳng uổng phí công-phu?
Người ấy cười lớn rằng:
- Như lời ông nói tôi mài không thành kiếng, còn ông ngồi hoài như vậy đặng thành Tiên hay sao? Tưởng lại một việc ngồi hoài nào khác tôi mài đá mà thành kiếng!
Xích-Thái-Cổ nghe nói giựt mình thức tỉnh, lật đật đến trước mặt người, ý muốn xin cầu dạy. Người đó liền đi, không hỏi chi đặng. Xích-Thái-Cổ biết là người dị nhơn đến đây chỉ điểm cho mình, như mình ngồi khổ tọa thiệt không ích. Nghĩ rồi sửa soạn lấy đồ đi liền, đi khỏi cầu Tân-An qua xứ U-Yên.
Có bài kệ rằng:
Mài gạch làm gương phí công-phu,
Ngồi thoàn khống tọa khí tiêu khô,
Hai việc đều là không đặng sức,
Một lời nói tỉnh phá mê đồ.
Chẳng nói việc Xích-Thái-Cổ du Bắc, lại nói việc Đàm Trường-Chơn qua Nam, bữa đó đi tới đất Bắc-Tỳ-Châu, trời gần tối không có đình miễu chi hết, lại không có ngủ, thấy có một sở nhà lớn, ý muốn lại nghỉ nhờ đặng xin cơm ăn. Đi gần tới cửa thấy một người đi ra, chắc là chủ nhà, người đó họ Cổ, tự Trúc Thành, hiệu Dủ-Phong, khi trước cũng người ham Đạo, vì bị mấy người đạo chẳng lành giả hình tướng làm như người Thần Tiên, lường gạt tiền bạc của ông hết mấy lần, nên ông thấy mấy người đạo tới ông ghét lắm; vì bị kẻ trước làm quấy mà lụy đến người sau. Dủ-Phong thấy Đàm-Trường-Chơn đi lại liền la một tiếng lớn rằng:
- Đạo-sĩ đừng tới xóm tôi nữa, tôi với người tăng đạo không có duyên. Đàm-Trường-Chơn nghe nói trong ý lại muốn độ ông.
Ý muốn người ta tin phục mình,
Phải đem việc mình mà phục người.