Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trung Hoa >> THẤT CHƠN NHƠN QUẢ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 33913 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

THẤT CHƠN NHƠN QUẢ
Huỳnh-Vinh-Lượng

Hồi 7

Nghĩa là:
Lo tiền cho tộc trưởng, Mã-Ngọc lập tờ xá ước,
Giảng huyền-công, Trùng-Dương truyền pháp toàn chơn.
Có bài kệ rằng:
Quang-âm mau lẹ chớ dần dà,
Danh lợi buộc ràng tợ lưới sa,
Muôn trượng từng sâu dời chơn bước,
Một tơ chẳng dính mới không ma.
Lại nói Mã-viên-ngoại y theo lời bà Tôn-Huyên-Trinh lo tiền cho mấy người đương quyền trong tộc rồi thì việc chi cũng phải xong. Khi đó Mã-Văn-Khôi liền sai người đi nói cho trong tộc biết việc viên-ngoại xá gia tài đó chẳng qua là làm kế giả. Mấy người trong tộc hỏi:
- Sao gọi là kế giả?
Đáp rằng: Lưu hổ thủ sơn chi kế!
Lại hỏi: Sao gọi là “Lưu hổ thủ sơn chi kế”?
Đáp rằng: Nghĩa là bắt hùm giữ núi. Vì viên-ngoại muốn vui việc thanh nhàn thong thả, nên cầm ông già ở đó đặng làm người tớ giữ của chớ chi lạ. Mấy người hỏi:
- Sao biết đặng cầm ông làm tớ giữ của?
Đáp: Viên-ngoại vì thấy ông người trung hậu, nên muốn cầm coi sóc cửa nhà mà sợ ông không lòng cần mẫn nên mượn thế xá gia tài cho ông. Ông nhận tưởng là sự thiệt nên buộc phải làm tờ xá ước. Viên-ngoại nghĩ không lập tờ cho ông, sợ ông không hết lòng gìn giữ, nên thỉnh bạn mình làm chứng cho ông vui, chẳng phải cầm cọp giữ núi hay sao?
Mấy người trong tộc nói: Xá cho ông thì như của ông rồi, ông làm sao không đặng quyền coi giữ?
Đáp: Phân hào cũng không dời đặng sao gọi của ông?
Mấy người hỏi: Sao biết phân hào không dời đặng?
Đáp: Ông là người phương xa, thân cô-lão, không có thân quyến, tuổi đã già, ăn đặng bao nhiêu? Chừng hai con mắt nhắm rồi thì cũng tay không, của quí về mình, chẳng phải mọi giữ của hay sao?
Mấy người nghe đặng cười lớn nói rằng:
- Ông ấy chết rồi gia tài của viên-ngoại, phần không con, lo gì chẳng về anh em mình. Nay làm như nước thả ghe, lấy nghĩa đưa tình cho vui lòng viên-ngoại cùng ông già; hoặc ngày sau có thiếu chút ít cũng dễ mượn chác. Nên lời tục có nói:
”Đương diện lưu nhứt tiếng, hóa hậu dị tương kiến”
Nghĩa là:
”Mình làm mặt chút tình, ngày sau dễ thấy nhau”
Mấy người nghe Mã-Khôi nói thảy đều vui chịu hết.
Có bài kệ rằng:
Lời hay chớ dụng nói ra nhiều,
Một tiếng đều nghi sóng gió tiêu,
Bằng chẳng chịu đưa đồ bửu-bối,
Lời hay có nói cũng không siêu.
Khi đó Mã-Khôi thấy mấy người chịu hết, nhứt định ngày hôm sau tề tựu. Bữa sau, trong tộc đều tới thấy Mã-Khôi cùng Mã-Long ngồi với Trùng-Dương tiên-sanh tại nhà giữa vừa nói vừa cười. Mã-Khôi biểu viên-ngoại làm thêm đồ tiệc đặng đãi anh em trong tộc. Hội đến đủ mặt ăn uống hồi lâu rồi Mã-Khôi nói: Nay viên-ngoại đem gia tài giao cho Trùng-Dương tiên sanh, vậy trong tộc có ai không chịu hay không?
Nói vừa dứt lời, thảy đều ứng thinh rằng:
- Anh em tôi y lời không có trở cách việc chi. Mã-Khôi biểu viên-ngoại đem tờ đọc cho trong tộc nghe. Viên-ngoại đem giao cho Mã-Khôi đọc rằng:
Tờ Xá Ước
“ Người lập tờ xá ước là Mã-Viên-Ngoại. Nay đem gia tài điền sản, bạc tiền vật kiện của tổ-phụ để lại, cùng gia nhơn tôi tớ trong nhà, đành lòng xá giao cho Trùng-Dương tiên-sanh làm chủ quản xuất, đặng phép tự do. Trong bổn tộc họ Mã, lớn nhỏ không đặng trái lời. Mã-Viên-Ngoại từ xá gia tài đến sau cũng chẳng đặng đòi lại, e nói miệng không bằng, phải lập tờ làm cớ, như ngày sau có ai tranh tụng thì Trùng-Dương tiên-sanh đặng phép thỉnh làng phân xử.”
Người trưởng tộc: Mã-Long, Mã-Khôi, Mã-Hiền, Mã-Đức, Mã-Dương.
Người làm chứng: Mã-Chiêu, Mã-Miên, Mã-Giám, Mã-Trấn
Người lập tờ xá ước: Mã-Viên-Ngoại thị thiệt.”
Mã-Khôi đọc rồi giao cho viên-ngoại mời Trùng-Dương tiên-sanh tiếp lấy, rồi biểu khai tiệc đãi ăn một lần nữa. Khi mãn tiệc rồi thảy đều về hết. Người sau coi tới chỗ nầy có làm một bài khen viên-ngoại xá gia-nghiệp dõng mãnh nên thành đạo cũng mau.
Bài thi tặng rằng:
Gia-tài xá hết mộ tu hành,
Một vật không còn, dục khó sanh,
Ngày nọ sớm đem lòng niệm hết,
Năm sau học Đạo rất mau thành.
Lại nói Mã-viên-ngoại thấy người trong tộc về hết, bèn mới tạ ơn khen bà Tôn-Huyên-Trinh rằng: Nếu không có bà chỉ bảo chắc khó đặng thành sự. Huyên-Trinh cười rằng:
- Phàm việc chi phải lẽ làm theo thì chắc đặng nên, gọi là tùy cơ ứng biến. Viên-ngoại hỏi:
- Việc đã thành rồi, còn học Đạo làm sao đi cầu? Huyên-Trinh nói:
- Việc học Đạo phải để chậm rãi, đợi thầy an dưỡng ít ngày, bọn mình đồng đến lạy thầy cầu Đạo.
Viên-ngoại cười nói:
- Phải, như vậy thì ta rán làm phương tiện.
Lại nói qua Trùng-Dương tiên-sanh một lòng muốn rước trong thiên hạ tu hành, đến đây tu chơn dưỡng tánh, sợ e xóm làng đàm tiếu thị phi. Vậy trước phải thí làm ân huệ cho người vui phục mới đặng yên ổn. Rồi từ đó đến sau, ông ra tiền bạc giúp người nghèo khổ, côi góa tật nguyền. Trong bổn tộc họ Mã có việc khiếm khuyết nhiều ít, ông thường trợ giúp: hoặc trai không tiền cưới vợ, kẻ góa không chồng, bịnh hoạn, ông đều cấp dưỡng cho mượn không đòi. Thiệt ông người có nhơn nghĩa, trong ngoài đều đặng an tịnh, trên dưới đều nhờ, trộm cướp không có một người, ông muốn làm việc chi thì trong họ Mã không ai dám cãi; lại chiêu tập người ở đó học Đạo giảng huyền, cũng không ai dám thị phi. Vì ông làm việc có lý, trọn trước trọn sau, ai cũng đều nhờ ông mà nên việc, bởi vậy không có một người bày việc chẳng phải với ông, hết lòng kính phục.
Nay trong thiên hạ những người có phước, hoặc giàu sang đừng ở khắc bạc, phải mở lòng rộng lượng mà thi ân bố đức cho người, thì cũng như ông đặng trọn lành, chẳng nên tham tiếc. Người coi đến đây, dẫu kiên-lẫn bực nào cũng phải thể theo chút ít.
Có bài kệ rằng:
Khắc bạc làm sao việc đặng thành,
Thị-phi bày nói chắc liền sanh,
Bằng không Vương-lão thi ân sớm,
Sao đặng nhiều năm hưởng thái bình.
Lại nói Trùng-Dương tiên-sanh đã thi ân rồi lại còn sửa soạn ở trong, lập 12 cái mao-am (nhà tranh) ở sau huê viên cho người tu tịnh dưỡng, mọi việc đều xong. Tiên-sanh dời ở tại mao-am công phu luyện đạo. Bữa nọ Mã viên-ngoại cùng Tôn-Huyên-Trinh đến mao-am cầu tiên-sanh học Đạo. Tiên-sanh nói: Đạo là đường giác tỉnh, dẫn người qui về chỗ chánh mà ra khỏi đường mê. Nhưng mà phải do cạn tới sâu, do thấp mới đến cao, y theo thứ tự, sau mới đặng thành công. Phàm học Đạo trước phải luyện Tánh tập sửa cho thuần hậu, vì cái Tánh gốc ở Tiên-Thiên, nên phải luyện cho tròn sáng mới có chỗ diệu dụng.
Nhơn cái Tánh nó liền với cái Tình. Tánh Tình động ra như cọp giao chiến, bằng chẳng luyện cho nó giáng phục, làm sao trừ đặng Tánh dữ mà qui về chỗ “Hư Không”? Người muốn luyện Tánh phải để cho lặng lẽ tự nhiên chẳng biết chẳng hay, không người không mình; tuy ngồi chớ không hiểu là ngồi tại đâu, cứ lo chăm-nom “Chủ-Nhơn-Ông” mà thôi, làm như vậy mới đặng vào chánh pháp.
Còn luyện giáng long phục hổ, thì phải khóa con Tâm-Viên, buộc con Ý-Mã; thường giữ không cho nó chạy ra, đem về chỗ thanh tịnh, đặng mà đoạt máy tạo hóa của Trời Đất, lẽ diệu khí của âm dương. Hễ tịnh đặng thì các việc lo phiền đều tiêu, các mối trần phải dứt: một niệm chẳng sai. Nếu tùy ý nó thuận hành làm theo thì làm phàm; còn noi theo Thiên-lý lấy lẽ tự nhiên của Trời Đất mà đoạt đặng khí âm dương, đem vào hiệp với thân mình, kêu là nghịch lý mà đặng thành Tiên thành Phật. Nên có câu:
”Sát sanh thăng thiên-đường, phóng sanh sa địa ngục”.
Nghĩa: sát sanh là sát cái phàm tâm, chẳng cho vọng các điều quấy thì siêu về Thiên-đường. Còn phóng sanh là để cho cái phàm tâm làm chủ sai khiến, dẫn vào nẽo bất lương; sử tánh tung hoành bỏ đường đạo-đức, thì tự nhiên phải sa địa ngục, nên người tu phải sửa trong lòng không một mảy tạp niệm, đừng có một điểm ma chướng, chẳng dính một vật hư tệ, mờ mờ sáng, không có một chút bụi trần, gọi là nói đại lược chỗ Đạo. Còn chỗ sâu nữa chẳng khá bày tên trạng, duy có: Tâm lãnh Thần hội mà thôi (chẳng khá tiết lậu), đợi hai người tấn bộ tôi sẽ chỉ điểm cho.
Bữa nọ hai người sắm lễ xin cầu Đạo, viên-ngoại được đặt pháp danh là Đơn-Dương; Tôn-Huyên-Trinh là Bất-Nhị, đều lạy tạ ơn thầy, rồi đồng trở về. Tôn-Bất-Nhị nói cùng Mã-Đơn-Dương rằng:
- Khi trước chưa cầu thầy học Đạo thì mình là vợ chồng, nay đã đồng một thầy, học một Đạo thì như anh em đạo hữu. Để tôi kỉnh anh bằng sư huynh, anh kêu tôi bằng đạo-hữu, cũng như em. Bổn phận người học Đạo phải tuyệt tình dục ân ái, phân phòng ở riêng, sư huynh chẳng đến phòng tôi, tôi cũng chẳng vào phòng sư huynh hoặc có việc chi thương lượng phải sai tôi tớ đến thỉnh, hội tại công đường mà minh biện.
Mã-Đơn-Dương nói rằng:
- Y lời đạo hữu,tôi nào chẳng nghe, đạo hữu có lòng chơn tôi cũng có ý thiệt. Hồi không biết, mê muội thì thôi, nay đã đến Phật-tiền đồng lập nguyện qui-y, là linh-sơn cốt nhục rồi, đâu còn dám vọng lòng tà. Tôi đặng nghe thầy nói: Mình hồi trước là thập-nhị lão-mẫu mà xuống đây, vì niệm tính sai lầm, sanh nam dục nữ, thiệt nhắc đến thôi càng hổ thẹn cho thân! Xin đạo hữu an lòng.
Đơn-Dương nói dứt lời kêu Mã-Hưng dọn mùng mền trước phòng Tây-lang. Mã-Đơn-Dương từ Tôn-Bất-Nhị ra trước an nghỉ. Người sau có bài kệ khen hai ông bà phân phòng dõng mãnh nên sau thành Đạo cũng mau. Kệ rằng:
Đại-Đạo nguyên lai chẳng luyến tình,
Luyến tình đâu đặng Đạo là minh,
Chỉnh coi Mã-Tổ đương khi đó,
Chồng vợ phân phòng ý phải tin.
Khi đó bà Tôn-Bất-Nhị cùng ông Mã-Đơn-Dương đã phân phòng được hơn nữa tháng. Bữa nọ bà kêu tớ nữ thỉnh Mã-Đơn Dương đồng đến mao-am học Đạo. Đơn-Dương nghe nói cùng Tôn-Bất-Nhị đến mao-am đồng xin cầu hỏi tiên-sanh rằng: Bữa trước thầy nói: Cái Tánh là gốc tại Tiên-thiên, xin thầy dạy cho trồng tại chỗ nào? Trùng-Dương đáp:
- Tiên-thiên là khí hổn-độn chưa mở, không có Trời Đất, người vật, không sắc, không thinh, chẳng hay chẳng biết. Có chỗ nào mà trồng đặng! Như nói trồng đó là chẳng phải Tiên-thiên việc có trồng thì nó mất chỗ mối hay, bằng nói Tiên-thiên có chỗ trồng là chỗ tướng về việc hữu hình, hễ theo tướng thì phải mất Tiên-thiên. Người nói Tiên thiên tại chỗ đó là không phải. Chỗ Tiên-thiên xét đi nghĩ lại thiệt không có vật chi hết. Nếu đem chữ nhứt mà nghĩ nghị đừng nói chữ nhứt là Tiên-thiên. Chữ nhứt nguyên cũng chẳng phải. Trò muốn biết lẽ Tiên-thiên, đem cây viết cùng ta biện rõ ràng. Tiên sanh lấy viết bày rõ mối Tiên-thiên.
Tánh là Tiên-Thiên vật rất linh,
Biết luyện Chơn-Tánh là Tiên-Thiên.

<< Hồi 6 | Hồi 8 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 811

Return to top