Nghĩa là:
Tán đạo tràng, người học về nhà hết,
Thầy trò đổi áo đạo, qua tới phía Nam.
Có bài kệ rằng:
Than tiếc người phàm chẳng tỉnh cùng,
Mê hoa ham tửu sính anh hùng,
Đêm xuân tổn khí lao thần lệ,
Năm tháng lâu dài chết chẳng dung.
Lộng xảo thường như mèo bắt chuột,
Ngày giờ mau tợ tiễn ly cung,
Đêm hay khiến hết tinh thần sạch,
Chôn bỏ thân mình tại đất Trung.
Nói về Khưu-Khải-Phát, thấy trong đạo không có ai ở nhà trước, chắc ra mao-am nghe giảng Đạo; lật đật chạy đến mao am, thấy thầy ngồi giảng Đạo, đạo hữu đứng hai bên. Khải-Phát không dám vô trong, núp ở ngoài cửa lóng nghe thầy nói:
- Việc tu hành chỗ niệm, phải đừng có một vọng tư, trong lòng không có chút cặn. Như có một chút lòng dục thì trong lòng thêm việc ma chướng, như mà tư dục khởi ra ắt Tiên-thiên phải mất. Nên người tu phải khử trừ việc niệm tưởng thì Tiên-thiên mới còn. Vì Tiên-thiên là một khí Vô-Cực, hễ tư dục muốn ra thì hỏa phát động rồi khí tán nào có Tiên-thiên, làm sao xét đặng hỏa hầu?
Còn hễ tưởng nhiều thì khí hư, nào đặng phục chỗ linh cơ? Lòng dục nhiều thì khí khô, làm sao có huyền diệu? Nghĩ cơ quan như vậy, việc tư dục đáng trừ hay không trừ? Việc vọng tưởng đáng bỏ hay không bỏ? Như người có lòng tu niệm mà quyết thoát chỗ biển mê, thì nghe lời ta trước đó mau phải giới trừ, ý vọng tưởng phải tuyệt, dưỡng cho đặng lặng lẽ không động. Rồi sau cái niệm mới dứt. Hễ niệm dứt thì việc tư dục tiêu hết, tư dục tiêu hết thì các mối đều sạch, khí dương đặng thuần, khí dương thuần thì khí âm phải tiêu. Nên từ xưa đến nay, các vị Tiên Phật lớn cũng đều do nơi đó mà thành. Nay các ngươi muốn theo bực Tiên Phật, thì phải gìn giữ chỗ niệm tưởng làm đầu, siêu đọa tại chỗ con mắt, lỗ tai, cái ý, chẳng khá coi việc đó là thường. Trùng-Dương giảng nói tới chỗ diệu mầu, Khải-Phát núp ngoài cửa nghe mấy lời hay của thầy dường như quên hết việc nhà, việc quở, la lớn rằng:
- “Hay lắm! Hay lắm!” Tiên-sanh ngó mấy người đệ tử nói rằng: Trong nhà thuyết pháp, ngoài cửa người nghe, hỏi thử mấy người vậy có ai là người tri âm ở ngoài chăng? Thầy nói dứt lời, Mã-Đơn-Dương ra ngoài thấy Khải Phát liền kêu vô trong. Trùng-Dương thấy trách Đơn-Dương rằng:
- Ta đã dặn, biểu nó đi về, sao còn để ở đây? Ông nói vừa rồi, có Lưu-Trường-Sanh, Xích-Thái-Cổ, Vương-Ngọc-Dương, Đàm-Trường-Chơn thưa rằng: Xin thầy từ bi, vì Khải-Phát tuổi nhỏ mà không mến việc trần. Nhiều khi nói về đạo đức có chỗ hậu nghĩa, hoặc anh em quở trách cũng không giận, thầy đuổi nhiều lúc cũng không buồn. Vậy cũng là một việc nhẫn. Nay anh em tôi xin thầy cho y cầu Đạo, lo việc Phật-môn, có bọn tôi dìu dắt. Tiên-sanh nói:
- Không phải ta ghét nó, vì sợ nó còn nhỏ tánh chưa đặng chơn thiệt, gặp lúc ma khảo, chịu không nổi trở lòng thối chí, chừng đó Đạo cũng chẳng thành, lại bị tội lỗi. Để nó lập công đắp nền cho chắc, sau sẽ cầu không muộn.
Mấy ông nghe nói than thiết ai cầu, còn Khải-Phát lạy hoài không dậy. Trùng-Dương nói:
- Mấy người nhiều lần tiến dẫn, nào ta chẳng an tâm. Theo phép thì lấy luật công bình! Thôi vậy, Khưu-Khải-Phát quỳ nghe ta dạy: Bởi người từ ngày đến đây tới nay, ăn chay đã lâu mà tánh chưa thuần hậu, ta lại thấy tướng người có nhiều chỗ xấu, ta sợ ngày sau chịu khảo không đặng mà bỏ Đạo. Nay ta thấy ý ngươi có chỗ cần quyết tu, vậy ngươi muốn tu thành Tiên hay là muốn tu đặng sau làm người giàu có?
Khải-Phát thưa:
- Tôi muốn tu thành Tiên.
Tiên-sanh nghe nói biết người có căn sâu, lại hỏi rằng:
- Hễ ngươi muốn thành Tiên thì chẳng sợ đau sợ chết. Chớ ta coi tướng ngươi chắc phải gặp các việc ấy. Vậy bây giờ ngươi chịu đau đặng không? Khải-Phát thưa:
- Miễn cho thành Tiên thì thôi, đau thế nào tôi cũng chịu đặng. Trùng-Dương liền lấy cây nhang lớn trên bàn châm vào mặt Khải-Phát ba lần, tự nhiên không nhúc nhích. Khải-Phát đứng dậy làm lễ thầy thưa rằng:
- Bấy lâu tôi theo Đạo mà không hiểu việc Đạo, nay nhờ thầy thiệt công hơn sanh thành!
Tiên-sanh nghe Khải-Phát nói như vậy, hỏi rằng:
- Thế trong ý ngươi giận ta châm lửa vào mặt ngươi nên ngươi nói ta công hơn sanh thành?
Khải-Phát thưa:
- Tôi không dám hờn giận thầy, vì tôi muốn học Tiên mà thầy lấy chỗ tiên chỉ tôi, cho nên tôi không giận vì là thầy thương tôi.
Trùng-Dương nghe Khải-Phát nói biết ý ngộ đặng phép mầu, vỗ tay cười ngất. Rồi đó Khải-Phát cầu thầy cho đạo danh. Trùng-Dương nói:
- Để ta đặt pháp danh ngươi là Khưu-Trường-Xuân. Khải-Phát thưa:
- Thưa thầy, đặt tên tôi là Trường-Xuân xin thầy tỏ nghĩa hai chữ cho tôi hiểu. Trùng-Dương nói:
- Chữ Trường là “Trường-Cửu”, chẳng sanh chẳng diệt. Còn Xuân là “Xuân bất lão”, nghĩa là cái Đạo ta sống hoài không chết. Khải-Phát nghe rồi đành lòng như nguyện, liền lạy thầy rồi mời mấy ông tiếp dẫn tạ ơn, thầy trò đều an nghỉ.
Cách hơn một tháng, Trùng-Dương kêu hết trong đạo đến Giảng-Kinh-Sở (nhà giảng Kinh) nghe thuyết pháp. Mấy người đồng đến thỉnh thầy lên đàn thuyết pháp, các đệ tử bày bàn ngay thẳng. Trùng-Dương nói: Đạo ta dạy lấy việc Tịnh làm chủ. Chữ Tịnh, trên khá lấy xét tỏ việc sanh hóa dưỡng dục, dưới cũng khá lấy bao hàm vạn vật. Nay ta đem việc Tịnh giảng nói cho các trò nghe. Chẳng luận là người tu hành biết Đạo mới khá dùng mà thôi, hoặc cho tề gia trị quốc cũng chẳng bỏ đặng. Bởi việc Tịnh nghĩa lý mầu diệu vô cùng, có khi người nói Tịnh thì nhiều, còn biết Tịnh thì ít. Hoặc muốn Tịnh mà Tịnh không đặng, vì chưa tìm đặng nguyên căn, nên chẳng rõ nguồn gốc tại đâu mà Tịnh.
Vậy ta chỉ chỗ căn Tịnh, trước phải coi thấu việc đời muôn việc đều Không. Trong việc Tịnh phải tùng chỗ chẳng Tịnh mà lập chí, hoặc ở tại chỗ sắc, tài, lợi, ân-ái, thì mình biết chỗ ấy là chỗ hại cho thân, dắt dẫn vào đường tối mà chôn mất tánh linh của ta. Phải coi các việc ấy như thù nghịch thì sao lại dứt mối ấy không đặng? Người tu phải coi chỗ động như không không. Chừng lúc Tịnh phải giữ chỗ phép; hễ niệm muốn khởi liền phải dứt tuyệt, hoặc dứt đó, sanh đó, mình đừng cho nó sanh, thì cái sanh ấy dứt liền. Thí như một ông giám-sát kia, muốn giết kẻ tội ác, thì chém không kịp nháy mắt, như vậy mình giết cái tâm phàm mới đặng. Chừng ấy, làm đặng rồi, không Tịnh cũng như Tịnh, tự nhiên như nhiên. Tuy không nói Tịnh, nhưng mà ở trong có Tịnh, đến chừng Tịnh thấu chỗ chí thiện, dẫu núi Thái Sơn rã trước mặt cũng không sợ. Thiệt chẳng phải không sợ, nhưng mà nó rã trước mắt ta cũng coi như không có. Còn Nữ Sắc đứng gần bên ta mà chẳng động. Thiệt chẳng phải chẳng động, song nó đứng gần ta mà ta coi như không có vậy. Đến khi đi đứng mà động, thì ta cũng lấy giới luật của ta mà trừ. Ấy là người tu phải có oai-khí hết sức giận dữ, như vậy mới gọi đại hùng đại lực (nên người tu phải giận phải ghét, phải có hỉ nộ là nghĩa đó).
Còn nói mỗi việc chi làm ra, thường giữ cho Tịnh thì Ý tự nhiên, tuy làm mà chẳng cố, hoặc cha mẹ thấy vậy nói ngu chẳng chịu, đặng cảm bề trên; anh em có dứt cũng hòa thuận, mà dạy dưới; vợ con chẳng chịu cũng xuôi, đặng mà sửa trị ở trong. Bạn hữu chê bai cũng vui, mà dạy ở ngoài. Người tục chê khờ cũng đành; người Nho bày biếm phải giấu đặng giữ mình, đạo thường làm, chí thường giữ, chẳng nói Tịnh mà Tịnh, không động mà động, dẫu động, Tịnh gì cũng Tịnh, thì Đạo mới thành. Đó là biểu giờ nào cũng Tịnh. Nên Phật nói: “Minh Tâm kiến Tánh”. Chẳng Tịnh thì chẳng đặng minh kiến, sáng tỏ. Nho nói: “Cùng lý tận tánh”. Chẳng Tịnh thì không đặng cùng tận thấu hết. Đạo nói: “Tu chơn dưỡng tánh”. Chẳng Tịnh thì không đặng tu dưỡng (trau sửa bề trong).
Vì việc Tịnh là mối của Tam-Giáo, chẳng phải bao nhiêu mà thôi. Tỷ coi trong một ngày kia, hễ ban ngày động thì ban đêm phải Tịnh. Còn mùa Đông Tịnh thì mùa Xuân mới phát sanh. Nên gốc Tịnh của Đạo là lẽ tự nhiên như vậy. Nếu người tu bỏ việc Tịnh, thì tùng đâu mà vào cửa?Trùng-Dương tiên-sanh giảng nói việc Tịnh, thiệt là trong Tam-Giáo chẳng lìa chỗ công phu. Đến người Sĩ, Nông, Công, Thương, Vương-hầu khanh-tướng phải do chỗ Tịnh làm trước, sau mới đặng an bài. Đặng an bài thì phải lo xét, lo xét mới đặng việc. Cha mẹ hay Tịnh con mới đặng hiếu; Vua hay Tịnh tôi mới biết trung; anh em hay Tịnh việc đặng hòa mục; bạn hữu hay Tịnh mới đặng tin thiệt; vợ chồng hay Tịnh thì được thuận hòa.
Thầy đem việc Tịnh nói cho đệ tử nghe. Duy có Khưu, Lưu, Vương, Đàm, Mã, Xích biết lời thầy nói chỗ Đạo huyền diệu, còn mấy người kia, ban đầu cần, sau làm biếng, hữu thỉ vô chung, chẳng quyết chí tu hành. Từ đó đến sau lại tính việc danh lợi, người thì tật đố sân si, tham lam trộm cướp. Ông cũng biết mấy người ấy chẳng đặng bền lòng, mà việc Đạo phải nói, nên đem các điều Tịnh bày tỏ cho mấy người nghe, muốn cho người người đặng chỗ công-phu, tiêu bớt việc tráo trở, ai quyết chí thi hành, tuy không đặng siêu phàm nhập thánh, cũng lấy chỗ tu thấu tề gia, chẳng mất căn lành, không uổng người đến đây học Đạo.
Khi đó Khưu-Trường-Xuân nghe thầy giảng việc Tịnh, hiểu thấu vui mừng, ngồi đứng chẳng yên, thường hay vỗ tay dậm chơn, bị thầy thấy, kêu nói rằng: Ngươi là người nghe Đạo chẳng thấu, biết lý chẳng tỉnh, gọi mình thông minh, bày lộ cái danh lợi, không biết ẩn mình lấy xảo làm tệ, chẳng phải người học Đạo. Ta mấy lần thuyết pháp cũng bị ngươi mà phạm trong điều luật. Ta phải xa ngươi lánh ngươi trốn qua Đông-Nam, đặng khỏi ngươi khuấy loạn. Nói dứt lời liền kêu Mã-Đơn-Dương nói rằng: Ngày mai ta qua Giang-Nam giảng đạo. Lưu-Trường-Sanh, Đàm-Trường-Chơn, Xích-Thái-Cổ và Vương-Ngọc-Dương bốn người theo ta. Khưu-Trường-Xuân thì ở lại coi sóc nhà cửa. Còn mấy người kia muốn về hay ở tự ý, ta đi kỳ nầy mau cũng một năm.
Tiên-sanh nói, làm náo động mấy người giả tu, rồi người thì nhớ nhà, kẻ muốn về thăm cha mẹ, có người nhớ con cháu nhà cửa, lại có người tính buôn bán làm ăn. Đêm ấy soạn quần áo vật kiện, đợi sáng nói cùng Đơn-Dương đặng về. Đơn-Dương thấy vậy cũng muốn đưa đi cho rồi. Lúc nọ mấy mươi người cung tay từ biệt, coi bộ hân hoan. Còn Mã-Đơn Dương trở về mao-am lấy ra năm cái áo bào, năm cái bồ đoàn và tiền bạc thảo hài, bầu cơm các việc đều đủ.
Trùng-Dương tiên-sanh cùng bốn người thay mặc áo đạo, đợi trời sáng đi ra khỏi nhà. Đơn-Dương đưa thầy đi rồi lại bỗng thấy Khưu-Trường-Xuân bèn hỏi đi đâu thì Trường-Xuân nói:
- Tôi đi theo thầy. Đơn-Dương nói:
- Thầy đã không chịu ông mới lánh mà đi, bằng ông đi theo chắc bị khảo nữa. Khưu-Trường-Xuân nói:
- Thầy đâu có giận tôi, vì thầy nguyện cho tôi học phải, mới chỉ chỗ Thần Tiên cho tôi; như tôi không theo thầy, chẳng là bỏ thầy. Sư huynh để tôi đi, dẫu thầy có khảo trừng thế nào cũng như cha dạy con thì phải đánh. Nói rồi liền chạy theo, Đơn-Dương kéo biểu trở lại cho tôi dặn.
Thảy người nhớ nhà đều về hết,
Trường-Xuân thương thầy chạy theo sau.