Nghĩa là:
Tôn-Bất-Nhị ở Lạc-Dương hiển phép thuật,
Mã-Đơn-Dương ở Quảng-Tây gặp người đạo hữu.
Có bài kệ rằng:
Chớ cho sáu giặc phá rồi công,
Sắc sắc, hình hình thiệt thảy không,
Biết đặng bổn lai không một vật,
Linh-đài chỉnh ở tại trong lòng.
Lại nói việc bà Tôn-Bất-Nhị đem hai nhánh cây hóa làm người trai, người gái giống như bà, mỗi ngày lại chợ, cập kê chơi giỡn, đánh không chạy, mắng không đi, người trong chợ không biết làm sao, thương-nghị làm một lá đơn vô thưa quan, xin trị chánh phong-hóa, đặng an trong chợ.
Tờ bẩm như vầy:
“…Cúi bẩm quan lớn đặng rõ: Nguyên mấy năm trước có một đàn-bà hình như bị bịnh phong, ở xứ xa đến, gởi thân ngoài thành ở trong lò gạch bể xin ăn. Chúng tôi thương người bịnh hoạn không đành bỏ đói, cho ăn uống đặng sống. Nay người ấy cùng một người trai thường cập kè chơi giỡn trong chợ nhiều lần, đánh đuổi không đi, thiệt không thành sự thể. Bởi xứ Lạc-Dương là chỗ phong đô ấp lớn, nam bắc hội đường, không nên để nó làm việc nhơ cho người cười chê xóm ấp như vậy. Cúi xin quan trong làm chủ, giết tuyệt yêu nam yêu nữ. ”
Nay bẩm.
Quan huyện Lạc-Dương coi tờ bẩm, ngẫm nghĩ một hồi rồi phê rằng:
“ Nếu thiệt kẻ phong điên, quả người mất trí không hiểu việc nhơn-tình thì tội kia còn chỗ dung. Kỳ thật, theo lời bẩm này nó là người bổn tánh không muội mà giả phong điên, trai gái đồng giữa chợ giỡn chơi làm những việc tồi phong bại tục. Ban ngày còn dám vậy, ban đêm tăm tối thế nào? Chợ không phải nơi làm tác tệ, lò gạch nào phải chỗ buôn dâm! Đã đánh đuổi không đi phải giết cho tiêu hình biệt tích. Các người chờ nó vào lò gạch, chất củi khô châm lửa đốt thiêu. Tội trừng chẳng khá để lâu, các ngươi hãy thi hành cần kíp.”
Nay phê.
Quan huyện phê rồi truyền ra, cả chợ bá tánh nghe, mỗi người đem một bó củi lại lò gạch. Chẳng bao lâu, hai người nắm tay dắt vô trong lò. Mấy người đều la:
- Nó vô rồi! Mau quăng củi vào lò! Một lát chất thành như núi châm lửa đốt rần rần, khói bay mù mịt, liền thấy một cụm khói trong lò bay lên hóa ra ngũ-sắc tường-vân. Trên mây ngồi ba vị Tiên-nhơn:
- Người ngồi giữa là bà phong điên kêu nói với mấy người trong chợ rằng:
- Tôi thiệt người tu hành, nhà tôi tại tỉnh Sơn-Đông, tôi họ Tôn, tên Bất-Nhị, giả bịnh phong điên mà ẩn mình ở đây tu luyện được 12 năm. Nay tu thành rồi, tôi muốn mượn lửa mà phi thăng cho mau, nên lấy hai nhánh cây hóa ra một trai một gái, đặng dẫn mấy ông đưa dùm tôi đi. Tôi nhờ trong bá tánh nuôi dưỡng mấy năm mà đặng thành, không biết làm sao trả ơn, tôi nguyện từ đây đến sau trong bá tánh bình an mạnh giỏi, phong điều vũ thuận, quốc thới dân an. Rất đội ơn ngàn thuở.
Nói rồi bà đem hai người xô xuống cho thiên hạ làm tin. Người người đều thấy trên mây rớt xuống hai người, lật đật chạy đỡ lên, thì thấy 2 nhánh cây khô rõ ràng. Ai nấy tức cười, ngó lên thấy Phong-Bà đã lên mây cao, rồi lần lần nhỏ cho đến mất, thảy đều cúi lạy giữa thinh không. Quả thiệt mấy năm phong điều võ thuận, mùa-màng đặng tốt, quốc thái dân an. Ai nấy đều cảm đức của bà, lập ra một cái miễu tên là “Tam-Tiên-Tự”. Hễ có việc chi đến cầu vái đều đặng cảm ứng.
Nói về bà Tôn-Bất-Nhị về đến Sơn-Đông, huyện Ninh-Hải, vừa tới nhà gặp Mã-Hưng chạy ra nghinh tiếp, bà thẳng vào nhà giữa nghỉ. Mã-Hưng liền báo cho Mã-viên-ngoại hay. Viên ngoại lật đật ra thấy mừng rằng:
- Tôn đạo-hữu bấy lâu cực khổ? Bà đáp rằng:
- Sư huynh sao gọi tôi cực khổ? Hai chữ cực khổ là bạn tu hành phải chịu khổ khảo mới đặng chứng quả! Chịu khổ không đặng làm sao tu hành?
Hai đàng đang nói chuyện, mấy đứa tớ đều chạy ra mừng bà. Bà lấy làm vui-vẻ, khuyên dạy chúng nó như mẹ dạy con. Đêm đó, Tôn-Bất-Nhị và Mã-viên-ngoại ngồi công-phu. Viên-ngoại một đêm đi xuống mấy lần. Tôn-Bất-Nhị ngồi hoài tới sáng không dời động. Viên-ngoại nói:
- Tôi coi Tôn đạo-hữu công-phu khá hơn tôi nhiều! Bất-Nhị nói:
- Chẳng phải có một việc công-phu mà thôi, cái đạo còn có nhiều việc huyền-diệu hơn mười phần.
Viên-ngoại nói:
- Đạo-hữu đừng có ý cười tôi, tôi biết điểm đá thành bạc. Tôn-Bất-Nhị cười rằng:
- Sư-huynh chỉ đá thành bạc, tôi biết chỉ đá thành vàng; mà vàng bạc ấy không khỏi đặng việc sống thác. Thành mà chẳng đặng Thần Tiên thì không chỗ dùng đặng.
Tích xưa Thuần-Dương Lữ-Tổ theo thầy là Chung-Ly Lão-Tổ học đạo. Ngài lấy vải gói theo một cục đá nặng hơn mười cân, biểu Thuần-Dương mang theo ba năm, hai vai đều chai hết. Ông không một lời phiền trách. Bữa nọ Chung-Ly biểu Thuần-Dương mở gói ra thấy cục đá, tự nhiên không buồn hỏi rằng: Thưa thầy, đá đó làm chi? Lão-Tổ nói:
- Tuy là cục đá mà chỉ đặng thành vàng, chẳng uổng công ngươi mang hết ba năm. Ông nói rồi liền lấy tay chỉ cục đá thành vàng, nói với Thuần-Dương rằng: Ta đem phép đó truyền dạy ngươi, ngươi chịu không?
Thuần-Dương hỏi: Đá hóa thành vàng khá đặng còn hoài, không cải biến chăng?
Đáp rằng: Đá thành vàng cùng vàng thiệt chẳng như nhau. Vàng thì trước sau như một, không cải biến. Còn đá mà chỉ thành vàng thì 500 năm sau trở biến thành đá.
Thuần-Dương thưa: Như vậy tôi nguyện chẳng chịu học phép đó!
Lão-Tổ hỏi: Sao không học?
Thuần-Dương thưa: Vì lợi cho người 500 năm trước, mà để hại cho người 500 năm sau, cũng không xài đặng, nên tôi nguyện chẳng chịu học.
Lão-Tổ khen rằng: Đạo niệm của người thiệt hơn ta, như vậy ắt sau đặng thành chánh-quả.
Nên luận qua cái phép chỉ đá thành vàng nầy, còn để hại cho người sau thì với đạo có ích chi đâu?
Mã-Đơn-Dương nghe nói không chỗ trả lời. Bữa sau Tôn-Bất-Nhị nấu một chảo nước sôi, đem vào nhà tắm, thỉnh Mã viên-ngoại đi tắm. Khi đó nhằm tháng 8, trời nóng nực thấy nước lên hơi nghi ngút rờ tay không đặng. Đơn-Dương thăm coi nước nóng phỏng tay liền nói rằng:
- Không đặng! Không đặng! Tôn-Bất-Nhị cười:
- Sư huynh tu hết mấy năm mà một chút như vậy cũng không đặng, để tôi tắm thử.
Bà nói rồi bước vô tắm, nước lên hơi nghi ngút mà bà không nói nóng chút nào. Tắm rồi bước ra.
Mã-Đơn-Dương nói:
- Tôi với đạo-hữu cũng học một thầy, công-phu một thế mà sao việc diệu pháp đạo-hữu giỏi hơn tôi?
Bất-Nhị đáp:
- Thầy truyền đạo một cách mà chỗ tu luyện tại mình. Vì tôi ở tại Lạc-Dương khổ tu 12 năm mới đặng chút huyền-công. Còn sư huynh ở nhà vui hưởng an nhàn, giữ mấy căn nhà, ràng buộc thường thường tấc bước không khỏi, chẳng chịu khổ tu, sợ lìa bỏ mất chỗ ở thì làm sao đặng huyền-công diệu pháp?
Đơn-Dương rằng:
- Khi thầy thăng thiên rồi không ai coi giữ trong nhà, nên không đi đặng. Nay nhờ đạo-hữu về đây, xin giao việc, tôi nguyện ra luyện đạo.
Bữa đó viên-ngoại sửa soạn đợi gần sáng mấy người mê ngủ lén đi không ai hay. Bà thấy viên-ngoại lập chí tâm đạo như vậy, việc chắc đặng thành, tiền để lại nào có dùng hết, bà đem ra làm phước, sửa cầu, đắp lộ, cứu giúp người nghèo, lại xin một thằng con của Mã-Miên làm con nuôi đặng tiếp nối tông chi cho Mã-Đơn-Dương. Trót mấy năm, sắp đặt công việc xong rồi, bà vào núi Thái-Sơn (chỗ Ngọc-Nữ-Phong) tu dưỡng mấy năm nữa. Đến ngày 19 tháng 2, bà thành đạo.
Lại nói việc Mã-Đơn-Dương đi khỏi huyện Ninh-Hải chẳng biết đi đâu mà tu, lại nhớ mộ của thầy ở tại Xiểm-Tây. Khi tới Trường-An thấy phía trước có hai người đi, một người giống Khưu-Trường-Xuân mà chẳng biết phải không, bèn kêu thử: Khưu đạo-hữu! Khưu-Trường-Xuân nghe kêu chạy lại, hai người gặp nhau vui mừng làm lễ ngồi tại bên đường. Mã-Đơn-Dương hỏi:
- Đạo hữu bấy lâu đi đặng mấy xứ? Việc công phu tu luyện thể nào? Trường-Xuân đáp:
- Vì mộ thầy ở đây nên không đành lìa xa, việc tu chẳng dám quên ơn. Mã-Đơn-Dương cười rằng:
- Thầy mình đạo thành rồi nào phải chết! Nhơn giả nói chết là ý thầy muốn dứt mấy người tu sau đừng vọng tưởng thành Tiên, chớ có chết đâu! Còn việc tu tấn là nội-công của mình, đức hạnh là ngoại-công, thầy có nói trong ngoài cũng phải tu hết mới đặng chỗ huyền-diệu. Nay đạo hữu nói không dám vong ơn là lầm rồi. Khưu-Trường-Xuân nghe nói liền nhớ tỉnh lật đật lạy Mã-Đơn-Dương thưa rằng:
- Vì tôi xa lìa sư huynh nên còn ám muội, nay nhờ sư huynh mở tỉnh, thiệt rất may. Nói rồi nhắc việc hồi đưa linh-cữu của thầy về Tây, đặng thấy mặt thầy cho Mã-Đơn-Dương nghe v.v... Đơn-Dương nói:
- Đạo huynh chẳng đặng ẩn giấu, hay đem mình khoe nên không thành đạo, phải sau mấy người. Nay đạo huynh phải răn cái tánh, muốn giữ mình xét tỉnh thì phải giấu cái trí xảo, làm việc chơn thiệt, tôi đem mấy đường công phu của thầy truyền tôi truyền hết cho đạo huynh.
Khưu-Trường-Xuân nghe nói vui mừng liền tạ ơn.
Kế đó dẫn Mã-Đơn-Dương tới Đại-Ngụy-Thôn bái yết miễu thầy. Qua đến tỉnh Tứ-Xuyên, Trường-Xuân biết việc lỗi hồi tâm cải sửa tánh hạnh, giấu việc động xảo chẳng dám khoe tài nữa. Mã-Đơn-Dương thấy quả thiệt tình, mới đem việc huyền công diệu đạo chỉ cho Khưu-Trường-Xuân. Chừng đó Trường-Xuân cần học diệu lý chẳng dám dãi đãi. Mã-Đơn-Dương thấy bên đất Sở phong cảnh hân hoan mà chẳng bằng Xiểm-Tây phước địa. Rồi cùng Trường-Xuân tại sông Nhơn-Hà qua đến hố Xuyên-Cốc. Bữa đó trời mưa tuyết lớn, hai người ở trong miễu lạnh đi không đặng ngồi chung một tấm bồ-đoàn. Nhơn khi Khưu-Trường-Xuân đến học đạo, không có đem bồ-đoàn theo. Sau theo thầy qua tới Giang-Nam, Mã-Đơn-Dương đem bồ đoàn các món cho Khưu-Trường-Xuân. Đến lúc đưa linh-cữu thầy qua Xiểm-Tây, Trường-Xuân cũng đem bồ-đoàn nạp-y theo. Áo nạp-y mấy năm mặc rách hết còn bồ-đoàn chưa hư.
Còn Mã-Đơn-Dương lúc ở nhà ngồi tu có nệm, nên chẳng sắm bồ-đoàn. Khi ra đi lật đật đem theo có một cái áo thay đổi và mấy lượng bạc. Chừng gặp Khưu-Trường-Xuân bạc xài đã hết, bây giờ theo Trường-Xuân xin ăn qua ngày, không tiền mua bồ-đoàn. Nên hai người phải ngồi chung một cái, đâu lưng mà an nghỉ, vì tu hành không cần thong thả, muốn lập công khổ chí cho tu thành mà thôi.
Hai người ngồi trong miễu tu mấy bữa bị mưa tuyết đặc cao hơn 3 thước. Từ Xuyên-Cốc đến núi, cách tiệm cũng xa không đi xin đặng, hai người chịu đói ba ngày. Trường-Xuân trong lòng niệm tưởng muốn đi xin ăn mà bị tuyết đặc, nên đi không đặng.
Đói lạnh gian-nan không than khổ,
Nào chẳng kém người vọng niệm sanh.