Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Paris 11 tháng 8

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 15502 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Paris 11 tháng 8
Thuận

Chương 20
    Nhìn từ bên ngoài, tầm quan trọng của vấn đề và những lời bình luận đã gây nên vài sự bối rối. Trước hết là bản tường thuật sự kiện. Sau đó là nỗi ngạc nhiên: làm sao điều ấy có thể xảy ra ở một quốc gia hùng mạnh, một chính quyền có tổ chức ?...Cuối tháng, xuất hiện những lời bình luận chua chát và những bức tranh biếm họa. Bức tranh trong một tuần báo ở Thụy Sĩ có vẻ là điển hình bởi vì nó kết hợp trực tiếp sự phê bình mang tính chính trị với sự phản kháng mang tính đạo đức: người ta nhìn thấy thủ tướng Raffarin đi nghỉ hè vội vã bỏ lại một bà già cằn cọc và đau khổ ngồi trên xe lăn... ở bên ngoài nước Pháp, điều đập vào mắt người ta nhất, rất tương phản với cuộc tổng động viên nhanh chóng và tập trung của các tổ chức chuyên nghiệp và các tổ chức vô chính phủ, đó là sự phối hợp yếu ớt của các cơ sở nhà nước, tính không năng động của chúng, và trên hết là sự thiếu thốn của các đài thiên văn cũng như các cơ quan truyền thông công cộng trung ương... Phải nói rằng hoàn cảnh rất thuận lợi cho những phe đối lập. Thủ tướng nghỉ trên núi, bộ trưởng y tế bị phỏng vấn khi đang mặc áo thun, sau lưng là màu xanh của cây lá, tổng thống thì nghỉ mát cách đất nước vài nghìn cây số. Rồi vô tuyến liên tục truyền đi những hình ảnh khủng khiếp với những vị giám đốc nhà dưỡng lão ngán ngẩm, những bệnh viện tắc nghẽn, những nhà xác dựng tạm trong kho chợ, trong lều và xe tải gắn điều hòa. Việc tố cáo cánh hữu thất đức và coi thường người dân thì quá dễ dàng (mà quên rằng chính thị trưởng Paris thuộc về cánh tả cũng chưa đi nghỉ hè về). Họ hét toáng lên: Chính phủ làm quái gì thế ? Việc qui tội cho chính quyền và lên án sự bất lực của nhà nước có thể có nhiều ẩn ý. Tính cách rất Pháp này, chúng ta ngày càng trở nên thận trọng vì nó hay bị mang ra châm biếm quá mức. Thế nhưng giờ đây nó lại được củng cố nhờ kết hợp với hoàn cảnh đặc biệt: các cụ già và các người bệnh của chúng ta đau khổ và bị bỏ rơi. Chính phủ làm quái gì thế ? Theo tôi, đó chỉ là một cách làm chính trị sặc mùi tình cảm. (tạp chí Cybergeo, 24/11/2003)
Bà gác cổng đợi sẵn ngoài đường thì thào: cô Liên có khách nhé. Liên im lặng. Bà gác cổng lại bảo: cô Liên cẩn thận đấy. Liên thở dài. Cầu thang vắng tanh. Hành lang đen đủi. Ai đó đã thay bóng đèn công cộng. Cửa phòng Liên bị nhấc khỏi khung, đặt dựa vào tường. Sư tử đứng giữa nhà hút thuốc. Mèo ốm chống cằm bên cửa sổ. Dưới sàn, một chiếc va li mỗi chiều một mét. Em bái phục chị, ngày nào cũng leo bộ hai lần bẩy tầng. Sư tử hôm nay mặc sơ mi trắng, quần tây tím than, gọi Liên bằng chị, xưng em. Liên phải dựa vào tường mới khỏi ngã. Em thay bóng đèn hành lang đấy. Tháo cả cửa ra mới cho được va li vào. Liên im lặng. Em và con này đến chị ở tạm vài hôm. Chị có gì ăn không? Nói xong đẩy mèo ốm ra mở tủ lạnh. Cơm bày lên bàn, Liên và mèo ốm ngồi trên giường, sư tử ngồi trên ghế. Liên ăn vào đĩa, nhường bát cho khách. Sư tử bảo: chị tâm lý thật, em cóc biết dùng đồ Tây. Vèo một cái hết năm lần xới, đứng lên ra hành lang hút thuốc. Đệm bị lôi khỏi giường rồi đặt lên sàn, chiếm vừa đúng lối ra vào. Sư tử nhún nhún mấy cái bảo: chị để em và con này nằm đất cho. Chỗ của đệm bây giờ là một cái chăn đơn gập đôi. Liên quay lưng thế nào cũng không thoát khỏi hai thanh sắt lạnh buốt, thiếp đi lúc ba giờ sáng trong tiếng ngáy vô tư của sư tử. Nát hỏi: mày mất ngủ à? Liên gật đầu. Có đồng hương đến ở nhờ đúng không? Liên ngạc nhiên nhìn nó. Tao từng bị nạn này, hỏi ra mới biết dân nước ngoài không ai thoát, bọn Ba Lan viết thư về nước còn không ghi địa chỉ người gửi trên phong bì, nhân viên bưu điện dám bán nó cho những ai muốn tìm nhà trọ miễn phí ở Paris. Liên im lặng. Nát lại hỏi: một cặp à? Liên gật đầu. Mày cẩn thận nhé. Theo kinh nghiệm, thế là lâu đấy. Mày có muốn xem bói tú lơ khơ không? Liên ngần ngừ. Tao xem cho mày một quẻ nhé. Không đợi Liên trả lời, nó mở túi lấy ra một bộ bài, tráo tanh tách bảo Liên rút lấy một con. Hai dãy quân bài bày trước mặt, toàn bích là bích. Nát vẻ mặt đăm chiêu. Liên ơi, mày cẩn thận nhé, một cặp sẽ làm khổ mày đấy, một cặp quái chưa từng thấy. Liên im lặng. Mày có biết là hai tháng nữa mày mới có tiền lương không? Liên lắc đầu. Đợi được tiền của nhà nước cũng chóng mặt. Tao là kế toán, tao báo trước cho mày. Hai đứa đi ăn trưa. Phòng ăn vắng vẻ. Mỗi ông phục vụ đứng khoanh tay kêu buồn, con dao hôm nay ít được dịp sử dụng. Nát ngó nghiêng, chỉ vào cái đùi vịt to nhất. Ông phục vụ khen mắt tinh rồi dẻo tay cắt thêm cho một miếng lườn, bảo mừng lễ Phục Sinh, ai ở lại làm việc xứng đáng được thưởng. Nát đang ăn, bỗng đá chân Liên. Tony bưng khay thức ăn đi vào, áo mút và quần thun đen tuyền, dây chuyền vàng lấp lánh giữa ngực. Liên giơ tay vẫy. Tony không đáp cứ thế đi thẳng. Mặt lạnh băng. Vừa nhai vừa nhìn ra cửa sổ. Làm một hơi hết cốc rượu vang, đứng lên lấy thêm cốc nữa. Liên cúi đầu ăn, cổ họng đắng ngắt. Nát bảo: thôi đừng lo quá. Liên nhìn xuống bàn thấy đĩa trống không. Bánh mì cũng được quệt với nước sốt đến mẩu cuối cùng, chui vào dạ dày từ lúc nào, chắc đang ngả ngốn cạnh nỗi sợ. Trên bàn làm việc đặt một tờ giấy A4, chữ như gà bới, không ghi tên nguời nhận, không giải thích lý do. Túi xách tay và hai mươi tập hồ sơ đã chuyển sang phòng khác, cạnh toa lét. Liên cầm tờ giấy ngần ngừ trước hai đầu hành lang, đầu nào cũng có một toa lét. Cuối cùng quyết định đẩy cửa phòng bé hơn. Hoá ra bên trong còn bé hơn nữa. Có một bàn, một ghế, một máy vi tính và một tủ đựng tài liệu, máy vi tính phải có pass word mới vào được còn tủ đựng tài liệu khóa cả ổ trên lẫn ổ dưới. Túi xách tay và chồng hồ sơ nằm dưới sàn. Trên tường, bóng đèn nê-ông chập chờn, mấy phút sau lịm luôn. Sư tử đẩy mèo ốm xuống đệm. Bờm sư tử căng như buồm gặp gió. Tóc mèo ốm tỏa như sóng biển đêm. Bốn cái đùi vật nhau đạp đổ tường. Con chuột bẩn thỉu đứng giữa hành lang chu chéo. Bốn cái đùi vật nhau chọc thủng sàn. Con chuột sạch đẹp tầng sáu chạy lên vò đầu bứt tai. Chùm nho mạ vàng và bộ đèn pha lê vỡ tan tành dưới nền gạch đá hoa cương. Văn phòng bảo hiểm gửi đến thợ nề tay nghề bậc tám. Thợ nề ngồi nghiên cứu nửa ngày, mở sổ ghi chép. Trước khi về còn xin mấy mảnh mẫu. Nửa ngày sau, văn phòng bảo hiểm gọi điện, đồng ý bồi thường năm chục euro cho chùm nho và ba chục euro cho bộ đèn. Con chuột sạch đẹp tầng sáu giận điên, liên lạc với luật sư. Luật sư đàm phán với văn phòng bảo hiểm, một tiếng sau thông báo chùm nho và bộ đèn đều đồ giả cổ, made in China, tuổi thọ cùng lắm là dăm năm. Con chuột sạch đẹp tầng sáu dọa kiện văn phòng bảo hiểm. Ông bà nó quí tộc mấy chục thế hệ, lẽ nào gỡ của gia bảo đem bán. Con chuột sạch đẹp tầng sáu thuê chuyên gia đồ cổ đến nhà xem xét một loạt, để làm bằng chứng đưa tòa án. Chuyên gia sờ đến đâu lắc đầu đến đấy. Trong số năm mươi hiện vật hai vị họ Đờ để lại chỉ có hai hiện vật tương đối lâu đời, niên đại chiến tranh thế giới thứ nhất, là cái bô và cái ống nhổ, nhưng chín mươi năm làm đồ nhật dụng, chất liệu đồng bị nước tiểu và đờm giãi huỷ hoại gần hết, giá trị tình cảm thì có thể còn nhưng giá trị vật chất là con số không tròn trịa. Ngủ ngon quá nhỉ. Liên giật mình mở mắt. Bà thư kí đứng ở ngưỡng cửa. Hai tay hai cốc cà phê. Tony về rồi đấy, hôm nay làm mình làm mẩy. Liên im lặng. Bà thư kí uống hết cốc cà phê bảo: mày tháo ảnh con trai nuôi nó ra à? Liên lắc đầu. Nó bảo docteur Mignon không nhận, chỉ có mày chứ ai đặt chân vào đấy. Liên nhướn mắt. Nó tìm khắp nơi không thấy. Nó đòi tao gạch tên mày đi. Tao không gạch. Nó lại đòi tao làm chứng để báo cáo lên ban giám đốc. Tao không làm. Nhưng mày cẩn thận nhé. Liên tiễn bà thư kí ra cửa, quay vào uống một ngụm cà phê. Cà phê loãng như nước lọc. Từ hôm đi làm ở Viện, chưa nhận đồng lương nào mà tốn vài vốc xu lẻ. ốc đảo của các nhà nghiên cứu khoa học hoá ra rất cần cà phê. Mỗi tầng, hai máy tự động mà không đáp ứng đủ nhu cầu. Viện mở thêm một quầy ngay cạnh căng tin, cô phục vụ không lúc nào ngơi tay, hết giờ làm việc cầm hai bao tải đầy vỏ cốc nhựa đi đổ. Liên nhấc cà phê giót lên bệ cửa sổ. Rồi ngó xuống nhìn. Không giọt nào bám tường quá một giây. Cửa sổ sáu tầng khép chặt. Lễ Phục Sinh, các nhà nghiên cứu nghỉ thông ba ngày, để chạy bộ trong rừng, đi ủng làm vườn, đốt than nướng thịt, dưới nắng đầu mùa vừa gặm dẻ cừu non vừa suy ngẫm về đất nước và con người thế giới thứ ba. Tony bảo thế là phong cách trí thức tiểu tư sản đặc Pháp. Tony một năm vài lần vác cặp đi thực tế. Vé máy bay, phí khách sạn, tiền tiêu vặt được các dự án khoa học trang trải. Đến Việt Nam có con trai nuôi Hà Nội. Đến Thái Lan có con trai nuôi Cheng Mai. Đến Senegal có con trai nuôi Dakar. Đến châu Mỹ La Tinh có con trai nuôi Peru, Nicaragua, Paraguay, Venezuela, Honduras. Thế kỉ 21, người dân thế giới thứ ba vẫn cảm động tặng con đẻ cho các bố nuôi tư bản; giới chuyên gia của thế giới thứ ba còn bận làm báo cáo tâm sinh lý phụ nữ nội địa, thời gian đâu mà đầu tư nghiên cứu tâm sinh lý đàn ông nước ngoài; giới ngôn ngữ học của thế giới thứ ba mải cãi nhau về mười ba cách dịch triết học Khai Sáng nên bỏ quên hoàn toàn từ pedophile. Tony không có con trai nuôi người Pháp, cảnh sát Pháp không cho Tony vào sổ đen. Tony không có con trai nuôi các nước G8, Interpol cũng không cho Tony vào danh sách tội phạm cần truy lùng. Tony thỉnh thoảng làm mình làm mẩy, thỉnh thoảng bỏ đi đâu cả tuần liền, cấp trên tặc lưỡi: công nhân viên chức nhà nước cũng phải có quyền văn nghệ sĩ một chút… 
…Liên về nhà sớm hơn nửa tiếng. Sư tử bảo: chị đưa em vài trăm mua dụng cụ. Liên nhướng mắt. Tuần sau em bắt đầu đục tường. Cả ba ngồi xuống ăn tối. Em báo chị biết nhà đã hết gạo. Trưa nay em và con này phải xơi đống đồ hộp dưới gậm giường. Trông chẳng khác gì mỡ vòng bi ô tô, nhưng được cái nhiều pờ-rô-tít. Liên hoảng hốt nhớ lại những túi ny lông liên tục được đặt trước của phòng bà thường trực, suốt tháng hai vừa rồi. Đến bây giờ vẫn không biết chủ nhân là ai. Sư tử xới cho Liên một bát cơm, ấn vào một miếng cánh gà. Chị làm em áy náy quá. Nói xong đổ các thứ còn lại vào xoong cơm, dùng thìa xúc nhồm nhoàm, hình như nuốt hết cả xương, xong bữa thì cán thìa vừa vặn gãy. Bàn được dọn lấy chỗ đặt vô tuyến. Đệm được chuyển xuống sàn, sư tử nằm dạng chân, một tay vành mồm xỉa răng, một tay ôm mèo ốm. Liên ngồi trên giường. TF2 chiếu hình sự nhiều tập, hai thanh tra cảnh sát đang tranh luận, mặt đỏ bừng. Sư tử bảo: chị chuyển kênh khác cho em nhờ, tìm thì đéo tìm cứ đứng nói ra rả. M6 truyền lại trung kết cuộc thi Những hạt giống âm nhạc. Một nữ thí sinh váy ngắn, tóc xù, song ca với một nam thí sinh quần bò áo chẽn. Anh ốm, anh ốm thật rồi. Cả hai vừa hát vừa đong đưa tình tứ. Sư tử bảo: giả vờ giả vịt, lôi nhau ra huỵch mẹ nó cho xong. Mèo ốm liếc nhìn Liên rồi thọc tay vào quần đùi sư tử. Liên quay mặt đi. Con gấu chắc cũng đang nghe Anh ốm thật rồi, khéo đang hát váng cả buồng tắm cũng nên, khéo đang trần như nhộng cũng nên. Quái đản số ba trăm linh mốt. Sư tử hổn hển: chị tắt đèn cho đỡ tốn điện. Rồi không đợi Liên phản ứng, bật dậy vật mèo ốm xuống đệm. Liên trợn mắt, nhớ lại giấc mơ giữa giờ làm việc. Ra đến hành lang vẫn thấy sàn nhà quằn quại dưới chân. Bà gác cổng đón ở sân, lắc đầu: cô Liên cẩn thận, mọi người mới đâm đơn lên đồn cảnh sát, từ hôm cặp ấy về đây, cả khu mất ngủ. Liên im lặng bỏ đi. Bà gác cổng chạy theo đưa cho mấy phong bì: cặp ấy xuống hỏi, nhưng ai mà dám đưa. Đường không một bóng người. Trời lất phất mưa. Hai rặng cây im lìm. Những giọt nước chen chúc dưới ánh đèn cao áp. Chọn một bậc thềm khô ráo để đọc thư. Chị dâu Liên chữ nghuệch ngoạc như trẻ con, câu văn ngắn ngủn, có vẻ bốn chục năm gõ máy chữ văn kiện bộ Ngoại Giao không để lại một dấu vết nào. Chị thông báo anh trai Liên từ mấy tháng nay bị chứng bệnh lạ, nhắm mắt cả ngày mà không ngủ được, bác sĩ cho thuốc an thần, liều gấp đôi người thường, vẫn không kết quả. Tóc bạc hết thái dương. Không sút cân nhưng ăn uống ngày càng khó tính. Chị chăm sóc rất vất vả. Ô-sin lấy chồng rồi. Một hôm bảo đi mua ốc luộc, thế là tếch theo một thằng thợ nề vô gia cư. Hai đứa leo lên xe máy, phóng một mạch về Thái Bình, chẳng buồn nhắn tin. Nửa tháng sau, bưu điện mang đến một tấm ảnh màu. Cô dâu khăn vành dây, áo dài hoàng hậu Nam Phương. Chú rể khăn đống, áo dài hoàng đế Bảo Đại. Chị dâu Liên nhìn mãi không biết là ai, hàng xóm cũng chịu. Cách đây một tuần, ô-sin ghé qua nhà, bụng chửa vượt mặt, cười cười chỉ chồng bảo: tay này khen cháu dai sức, thợ nề mà còn chào thua, thỉnh thoảng cháu giở mấy võ học mót của cô Linh, tay này sướng rủn tỉ. Một tiếng liền chỉ nói chuyện láo lếu. Không nhắc gì đến cái xe máy. Bây giờ thuê nhà cấp bốn ở gần cầu Long Biên, chồng lái xe ôm, vợ bán nước và đại lý xổ số, ngoài ra còn cho thuê truyện, bảo Mạc Ngôn vẫn đắt khách nhất. Chị dâu Liên hỏi có nhớ bánh ngọt Pháp không. Ô-sin bảo lúc nào nhớ thì lôi nhau ra vật, vật xong nằm trên giường ăn bánh lá, uống nước vối, lâu ngày cũng quen. Xong chỉ mặt chị dâu Liên hỏi: sao cô không treo ảnh cưới bọn cháu lên. Lúc ấy chị dâu Liên mới ớ cả người. May mà tấm ảnh vẫn để trong ngăn kéo bếp. Cuối thư chị hỏi bao giờ cô Liên cho cả nhà ăn kẹo, nếu có tin mừng phải gọi điện báo, có khi anh khỏi bệnh cũng nên. Chữ kí to như gà mái ghẹ. Dấu mũ là mỏ, dấu hỏi là mào, dấu chấm chữ i là mắt. Nhìn một lúc tưởng con gà đang cựa quậy chuẩn bị vươn cổ cục tác. Hơn mười năm làm công việc hành chính, đọc biết bao lá đơn, Liên chưa thấy chữ kí nào như thế bao giờ. Nếu không đi Pháp chắc chẳng có dịp biết chữ kí chị dâu. Anh trai Liên không bao giờ viết thư. Chị dâu bảo anh mệt. Bố mẹ Liên thì chẳng nói làm gì, cả đời hình như chưa gửi thư đi đâu, chị dâu bảo bố mẹ già rồi ngại cầm bút. Chị gái Liên tết đầu tiên gửi cho một cái thiếp chúc mừng năm mới đúng ba dòng, đứa con gái út viết, chị kí bên dưới, chữ kí cũng to xù, đầy đủ ba dấu, nhưng tuyệt nhiên không khiến Liên nghĩ tới một con gì, chỉ thấy bè bè và vô duyên khủng khiếp, vô duyên hơn cả câu: thôi thư đã dài chị chúc em chóng tìm được chồng đỡ phụ công sinh thành cha mẹ. Cuối cùng, chị dâu lại là người chăm viết thư nhất. Phong bì của chị có một không hai, đến bà gác cổng còn biết, có lần đợi Liên đến 11 giờ đêm để xin con tem của bưu chính Hà Nội in đôi hạc cuối cùng bay tới Đông Nam-á. Phong bì ngân hàng, không bao giờ có tem, chỉ mỗi cái dấu đỏ ngoằn ngoèo, nhưng cũng nhận ra ngay, bỏ sang một bên cho đỡ cao huyết áp. Phong bì ANPE, lại một dấu đỏ ngoằn ngoèo khác, Liên vẫn viết thành Leng, để ngày mai đến văn phòng sẽ đọc, đỡ tốn mấy cốc cà phê. Một phong bì dán tem rất to, vẽ đoàn thuyền buồm màu trắng. Mở ra thấy một lá thư ngắn ngủn, không có chữ kí: 
Paris, 11 tháng 8 năm 2003
Cô Liên ơi, tôi đã gặp cái nóng thiêu đốt này cách đây năm mươi năm, ở làng Ninh Phục, châu thổ Sông Hồng. Cô Liên ở lại. Tôi đi đây.
Liên đọc thêm lần nữa, chẳng hiểu gì, cũng không biết người viết là ai, lý do nào mà tám tháng sau thư mới được gửi. Trong năm chục cụ già Liên từng tắm, có ba cụ cứ đợi tay Liên xoa đến bụng dưới là mang bầu kỉ niệm Đông Dương ra trút, đến độ Liên thuộc lòng, có khả năng vặn vẹo mỗi khi các cụ nhầm một chi tiết nào đấy, cô Diễm Lan thành cô Minh Nguyệt, áo lụa Hà Đông thành áo gấm Thượng Hải, ông giám đốc nhà in Tân Dân thành ngài tuần phủ Đắp Cầu, mùa thu năm Quí Hợi thành mùa đông năm Đinh Thìn, đánh tổ tôm thành xoa mạt chược, chế mà phù thành chè đậu xanh, chọi gà thành húc trâu, du thuyền hồ Tây thành nghe hát quan họ, đánh giáp lá cà thị trấn Đông Triều thành bao vây không bộ huyện ủy Sơn La. Không có cụ nào nhắc đến làng Ninh Phục và tháng tám năm 1953. Không có cụ nào nhắc tới Điện Biên và mùa xuân năm 1954. Một ô-tô xịch ngay trước mặt, đèn chiếu trúng mắt, còn kịp thấy hai cái đầu đàn ông. Đầu tóc dài hỏi: bao nhiêu một giờ. Liên chưa kịp phản ứng, đầu húi cua hỏi tiếp: làm tới đi, bọn tao cưa đôi. Liên co chân chạy. Xấp thư trên tay gió thổi phần phật. Mưa như trút. Bức thư của cụ già vô danh bỗng dưng tuột khỏi tay, chỉ còn lại cái phong bì, mấy giây sau cũng bay nốt. Ô-tô bám theo. Một trong hai cái đầu bảo: cửa mở đấy, lên luôn đây cho tiện. Liên ngoái lại, mắt gườm gườm. Hai cái đầu cười phá lên. Đầu tóc dài bảo: em này xấu kinh nhưng lên giường là ác đấy. Đầu húi cua bảo: chưa chắc, khéo lại thẳng đuôn đuỗn. Đầu tóc dài bảo: nhìn hai cái đùi nó kìa, xiết chặt phải biết. Đầu húi cua bảo: tao lạy mày, đừng nói nữa. Liên quay đầu chạy tiếp. Ô-tô cách người có vài mét. Một trong hai cái đầu bảo: nhanh lên, bọn tao cứng lắm rồi. Cốt cửa bỗng dưng có vấn đề. Liên bấm đi bấm lại, hai cánh cửa vẫn im phăng phắc. Tiếng ô-tô phanh két. Hơi rượu nồng nặc phả vào gáy: lên đây, bọn tao chơi đẹp lắm, sẽ chẳng nhảy cẫng lên ấy chứ. Liên quay phắt lại, mắt gườm gườm. Hai cái miệng ngoác ra cười sằng sặc. Một bóng đen lù lù tiến lại. Rồi cán chổi từ đâu lao tới. Hai cái đầu rối rít thụt vào. Ô-tô lạng một vòng xong biến thẳng. Con chuột bẩn thỉu nhìn Liên lắc đầu. ánh đèn cao áp soi rõ một đôi mắt trợn trừng, lòng đen bé như hạt đỗ. Vừa leo cầu thang, vừa thở hổn hển. Đến trước cửa phòng, con chuột bẩn thỉu dừng lại bảo: cứ để cặp ấy làm cho bọn tầng năm phát điên phát đảo. Tôi với cô Liên cùng lắm là ra ngồi bậc thềm mấy tiếng. Đêm về đỡ phải uống thuốc ngủ. Liên vào trong nhà mới thấy cánh cửa bên kia mở ra rồi đóng lại, tổng cộng chưa đầy một giây...

<< Chương 19 | Chương 21 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 720

Return to top