Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Paris 11 tháng 8

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 15539 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Paris 11 tháng 8
Thuận

Chương 17
      Ngay khi các hậu quả của trận nắng nóng 2003 được thông báo, chính phủ Pháp đã dự định bắt người lao động hàng năm phải đi làm thêm một ngày để góp tiền trợ giúp các nhà dưỡng lão. Ngày ấy (ngày lễ Hạ Trần tháng 6 hàng năm) được chính phủ gọi là ngày "đoàn kết quốc gia" đã bị dân chúng phản đối bởi ba sự khập khiễng sau:
- 15 000 tử vong bởi thiếu nhân lực và phương tiện y tế? hay vì các nhà dưỡng lão bị quản lý kém? hay vì chính quyền không làm chủ tình hình? hay vì sự kết hợp nguy hiểm của sức nóng, của ô nhiễm môi trường và của những viên thuốc an thần mà rất nhiều cụ già Pháp sử dụng? Trao đảo bởi nhiều đòn phê bình, chính phủ đã không đợi kết quả của các cuộc điều tra dịch tễ mà vội vã nhận định cần phải giúp đỡ tài chính các cơ sở trông nom người cao tuổi.
- Chính phủ quên rằng trong thời kì dân chủ hiện nay, đoàn kết quốc gia phải dựa vào tiền thuế chứ không phải tiền cống nộp hay tiền thu được từ lao động cưỡng bức. Thêm vào sự khập khiễng này là việc tổng thống Chirac đã hạ lệnh hạ bớt 3 tỉ euro thuế thu nhập trong khi thủ tướng Raffarin lại tung ra sáng kiến rút 2 tỉ euro trong tiền lương của ngày lễ Hạ Trần.
- Nhưng sự khập khiễng đáng ngại nhất là việc dự án của chính phủ đã được lập luận trên nguyên tắc "lao động/của cải" đưa ra bởi nhà nghiên cứu kinh tế cổ điển David Ricardo (1772-1823) sau đó được sử dụng lại bởi Karl Marx (1818-1883). Theo lập luận này, sản lượng của xí nghiệp tỷ lệ với thời gian làm việc của công nhân viên, nghĩa là tổng thu nhập của xí nghiệp cũng sẽ tỷ lệ với thời gian làm việc. Chính phủ không biết rằng sản lượng và thời gian chỉ tỷ lệ với nhau trong trường hợp của các công nhân sản xuất dây chuyền hay công nhân lao động theo sản phẩm chứ không thể áp dụng cho những người làm việc văn phòng, những người làm việc trí óc, hay những người trong ngành thương mại đang chiếm đại đa số nền kinh tế ngày nay. Còn một điều nữa mà chính phủ cũng không hay là một sản phẩm chỉ mang lại của cải khi nó được bán đi. Ví dụ, một xí nghiệp sản xuất ô tô vào ngày Hạ Trần có thể sản xuất thêm được một số ô tô nữa ngoài dự định nhưng không vì thế mà bán hay xuất khẩu thêm được số ô-tô đó.
Đã biết cánh tả luôn lấy nguyên tắc "lao động/của cải" làm cứu cánh, nhưng cánh hữu mà cũng dựa vào đấy thì thật đáng kinh ngạc. Các nhà chính trị rất thông minh của chúng ta mở miệng ra là nói về kinh tế thị trường nhưng bên trong lại thấm nhuần một nguyên tắc của chủ nghĩa Karl Marx lỗi thời. (báo Liberation 10/05/2005)
Bà gác cổng đợi sẵn ngoài đường thì thào: cô Liên có khách nhé. Liên im lặng. Bảy tầng thang gác đang chờ trước mặt. Hành lang tối như bưng. Bóng đèn công cộng cháy cả tuần nay mà chẳng ai buồn đến thay. Cắm chìa vào ổ, chưa kịp xoay thì cửa mở. Con gấu ngồi chồm chỗm trên giường, nhìn Liên nhăn nhở: đi vắng mà không khóa cửa. Một mình chiếm hai phần ba căn phòng. Măng tô lông vắt hết nửa cái giường. Trên người mặc áo len nâu đất có sọc trắng chạy ngang ngực. Giọng đỡ khàn nhưng giày đã cởi, chân đi tất xù, hai đùi ních trong hai ống quần tây. Liên phải dựa lưng vào tường mới khỏi ngã. Con gấu bảo: mệt lắm à? Rồi không đợi Liên trả lời, lôi từ gậm giường ra một túi du lịch căng phồng. Liên vẫn chưa hiểu chuyện gì, con gấu lại nói: ăn đi, bánh đang nóng. Vừa nói vừa bày lên bàn hai chai Coca Cola và một hộp Pizza Hut. Bẻ một phần tư đưa cho Liên. Liên cầm lấy rồi ngồi xuống ghế. Con gấu bảo: ăn đi, cho đỡ mệt. Liên lắc đầu. Con gấu bảo: hôm trước say rượu trông kinh lắm hả? Liên gật đầu. Con gấu bảo: hôm trước làm một lít whisky. Hồi này hay uống quá. Bác sĩ dọa ung thư gan. Nhưng không uống không chịu được. Liên im lặng. Con gấu bảo tiếp: hôm trước ra tòa ly dị, vợ bỏ hẳn rồi, theo một thằng bạn thân, bao nhiêu năm lăng quăng với nhau mà không biết tẹo nào. Chó má thật. Liên thở dài. Con gấu đứng dậy, thọc chân vào giầy, khoác áo măng tô, tay chỉ ra ngoài: đi dạo một chút không. Liên ngần ngừ. Con gấu bảo: ra bờ sông thoáng lắm. Liên vẫn ngần ngừ. Con gấu im lặng, bước thẳng ra hành lang, chân nện thình thình trên cầu thang gỗ. Liên đến bên cửa sổ, nhìn xuống đường, thấy con gấu hùng hục lao đi, măng-tô lông kì quái lọt vào đám đông. Cái lạnh vẫn đang ở giai đoạn sung sức. Năm giờ chiều đèn đường đã bật. Người ta vẫn đi lại mải miết. Chẳng hiểu để làm gì. Có gặp được ai không. Chốc chốc lại nhìn đồng hồ. Như thể chậm vài giây là trái đất bùng nổ. Giường lõm một miếng to chỗ con gấu ngồi lúc nãy. Liên thở dài nhớ lại bài báo Béo phải chăng là dấu hiệu của bất lực? Một cái thở dài cũng bắt đầu một buổi tối. Một buổi tối vừa nhai pizza nguội vừa xem vô tuyến. TF1 chiếu phim truyện Pháp, hai phụ nữ quần áo lịch sự ngồi ở đi văng bọc nỉ đỏ, bên cạnh là lọ hoa hướng dương, sau lưng treo bức tranh phong cảnh lồng khung trạm trổ. Bà áo vét xanh bảo: Bernadette ơi, chị với tôi thật may mắn có những ông chồng lo chuyện kinh tế. Bà áo vét đỏ bảo: nói thật với Rosalie, tôi không biết một tẹo nào về chuyện ấy, nó không hấp dẫn nổi tôi thì đúng hơn. Bà áo vét xanh tiếp lời: chị có thấy thời buổi bây giờ đảo lộn không Bernadette, bọn con gái sẵn lòng đánh đổi tất cả vì những cái phiếu trả lương. Con cháu họ tôi ă n hỏi rồi mà còn hủy đám cưới, chỉ vì nhà chồng muốn nó thôi cái nghề không hay ho của nó. Bà áo vét đỏ hốt hoảng: nó làm gái nhảy hay sao Rosalie? Bà áo vét xanh xua tay: chưa đến mức độ ấy, nhưng nó lái xe buýt tuyến Châtelet-Montreuil mà không khủng khiếp à. Bà áo vét đỏ lắc đầu: Rosalie, thẳng thắn mà nói, tôi chưa bao giờ đặt chân đến vùng 93, nghe bảo ngày nào cũng có vài vụ trọng tội. Bà áo vét xanh cũng lắc đầu: con bé cháu họ tôi ấy, nhà chồng nó cũng có cái ý của người ta, Bernadette thử xem ngay cả tiếng Pháp của chúng ta cũng không chấp nhận phụ nữ làm cái nghề ấy, chúng ta chỉ có từ tài xế giống đực mà thôi. Bà áo vét đỏ hào hứng: Rosalie đúng đấy, chúng ta còn bao nhiêu nghề nghiệp không thể nào đổi sang giống cái, cái nghề mà tôi cho là nhố nhăng nhất như họa sĩ chẳng hạn. Liên ăn hết miếng Pizza nguội, uể oải bật sang kênh khác. TF2 đang ở phút thứ ba mươi lăm một phim hình sự, cũng của Pháp. Hai thanh tra cảnh sát điều khiển ba nhân viên vớt một xe ô-tô từ đáy hồ lên. Phá cửa xe, lôi ra ngoài một thân thể phụ nữ trần truồng căng nước, mắt mở trừng trừng, ở ngực có một vệt dài đậm màu. Hai thanh tra xem xét, mở sổ ghi chép, xong quay ra tranh luận về nguyên nhân dẫn đến vụ án. Thanh tra già bảo: tôi không tin là chồng cô ta có thể đâm vợ, một nhân chứng đã cam đoan nhìn thấy anh ta ở quầy giải khát khách sạn lúc một giờ khuya, tôi đã cho người đến kiểm tra sổ sách khách sạn, đúng là anh ta đã trả tiền phòng đêm hôm đấy. Thanh tra trẻ bảo: anh ta rất có thể đã uống một cốc rượu ở quầy giải khát rồi phóng xe với tốc độ hai trăm cây số giờ về nhà đâm vợ, xét về mặt tâm lý học thì anh ta ghen khủng khiếp vì nhân tình của vợ lại chính là người bạn thân nhất của anh ta, người kém anh ta mọi mặt nhưng lại bô trai và làm tình giỏi. Thanh tra già nhún vai, ngồi xuống tiếp tục khám nghiệm tử thi. Thanh tra trẻ cất sổ ghi chép vào cặp, leo lên xe phóng đi. Năm phút liền chỉ thấy mỗi cái Peugeot màu cam lúc ẩn lúc hiện trên con đường rừng quanh co. Hết chương trình quảng cáo, xe vẫn ở trong rừng. Liên đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, tắt đèn, leo lên giường, phim vào phút thứ tám hai, hai thanh tra cảnh sát đang ở một cuộc tranh luận khác. Trong phòng làm việc, điện thoại reo liên tục mà không ai buồn cầm máy. Kết quả là thanh tra già nhún vai ngồi xuống, thanh tra trẻ lại lao ra xe. Đường rừng quanh co. Có vẻ như không bao giờ hết. Peugeot màu cam lang thang. Liên thiếp đi, không kịp tắt cả vô tuyến. Sáng hôm sau, đi làm muộn mười lăm phút. Thang máy vừa dừng đã thấy Mai Lan mở cửa chạy ra: Con My về rồi, thằng bồ quận Mười Sáu đèo xe máy đi chơi hơn một ngày. Rồi không để cho Liên kịp cởi áo tháo khăn, sập cửa vào thì thào: Thằng bồ hơn con My tám tuổi, hết năm thứ ba đại học, đi Sài Gòn thực tập sáu tháng, bây giờ về thi tốt nghiệp. Thằng bồ chê Châu Âu lão hóa, động đến bộ phận nào cũng thấy rệu rạo. Thằng bồ còng lưng ra học không phải để đầu tháng lo mua vé tầu điện ngầm, cuối tháng lo trả góp bất động sản, buổi sáng lo cặp lồng cơm cho bữa trưa, bữa trưa lo bánh mì và đồ hộp cho bữa tối. Thằng bồ tuyên bố lấy bằng xong, nhất định không ở lại Pháp thêm một ngày. Bố mẹ thằng bồ Gô-loa quận Mười Sáu, nghe thế cú lắm, dọa sẽ truất quyền thừa kế. Thằng bồ cười khẩy. Các cụ bô mới năm sọi, hàng ngày tập thể dục hình thể, hàng tháng đắp bùn tắm nước khoáng, mùa hè lướt sóng, mùa đông trượt tuyết, khéo mình chẳng nghoẻo trước tiên. Liên im lặng thở dài. Mai Lan cũng thở dài, vẻ nghĩ ngợi, một lúc sau bảo: vào sa lông ngồi nghỉ, tao kiếm cái gì uống cho đỡ sầu đời. Phòng khách như trong cơn chạy loạn. Quần áo ướt giăng khắp nơi. Nước nhỏ thành từng vũng trên sàn gỗ. Mai Lan không biết sử dụng máy giặt, Liên dậy bao lần vẫn quên, vẫn lôi quần áo ra vắt bằng tay, rồi bấm điện thoại gọi thợ Trung Quốc đến sửa. Con My lừng lững đứng giữa phòng, nhìn Liên nhếch mép cười. Mới có mấy ngày mà ngực mông ngồn ngộn, cứ như lớn thêm mấy tuổi. Liên im lặng mang quần áo ra ban công phơi. Phơi xong lại lấy khăn lau sàn. Con My nằm yên trên đi văng, Paris Match che kín mặt. Mai Lan cười từ cửa: chú Tầu Chợ Lớn hào phóng quá, biếu không hẳn một cái đùi vịt. Rồi bỏ từ trong túi ra một chai whisky, rót vào hai cốc đầy, đẩy về phía Liên: tao với mày thử xỉn một hôm xem sao. Liên lắc đầu. Con My ngồi dậy bảo: mới sáng ra đã uống rượu mạnh. Mai Lan cười cười: mày có muốn làm một cốc không? cái này giải sầu tốt lắm. Con My bảo: sao mẹ biết con sầu. Mai Lan bảo: tao là mẹ mày, cái gì của mày tao chả biết. Con My bảo: nó chẳng thèm rủ con đi Việt Nam với nó. Mai Lan bảo: mày chưa đến tuổi vị thành niên, nó động vào mày tao kiện cho sạt nghiệp. Con My bảo: mẹ biết thừa là con với nó ngủ với nhau. Mai Lan không nói gì. Con My bảo tiếp: mẹ cứ yên tâm, con uống thuốc tránh thai nghiêm. Mai Lan hỏi: mày đi khám bác sĩ à? Con My lắc đầu: con lấy trong tủ của mẹ. Mai Lan hỏi tiếp: mày có xem hạn không đấy? Con My gật đầu, một lúc sau bảo: nó ở Sài Gòn sáu tháng, ngón nào cũng biết, nó kể từng chơi cả bọn con gái mười hai tuổi, gầy trơ xương, chưa có cả hành kinh. Mai Lan cau mày quay mặt đi. Cả ba ngồi xung quanh đĩa thịt. Con My rót một cốc rượu, uống hai ngụm liền hết sạch, lảo đảo vào phòng. Mai Lan nhìn theo lắc đầu: con này hỏng rồi. Lúc nãy giáo viên chủ nhiệm gọi điện, cả tháng trốn học liên tục, chưa chắc đã đủ điểm lên cấp ba. Liên gắp một miếng đùi cho vào bát Mai Lan, xong lấy miếng bé hơn để vào bát trước mặt. Mai Lan nói tiếp: nhưng tao không sợ, tao hỏi luật sư rồi, bộ Giáo Dục không có quyền đuổi học sinh dưới mười tám tuổi. Con My không đủ điểm thì học lại, trường này không nhận thì trường khác phải nhận. Mày uống đi chứ. Thử xỉn một hôm xem sao. Thế rồi ngồi uống tì tì, một lúc hết nửa chai rượu, nhìn miếng thịt trong bát xua tay: lúc đi qua tiệm ăn đầu phố, chú Tầu Chợ Lớn chặn lại đòi mua mở hàng, bỏ đi cũng ngại. Liên cất chai rượu sang một bên, rót cho một cốc đầy nước lọc, đứng lên thu dọn bát đũa. Vào đến bếp còn bị Mai Lan chạy theo, phả vào mặt một đống hơi rượu: chú Tầu Chợ Lớn cứ tưởng tao nhiều tiền, chỉ cái nhẫn thủy tinh bảo chắc phải năm ca ra là ít, nhìn bộ váy đũi Hàng Bông, bảo đồ hiệu có khác ôm người thật. Chú Tầu Chợ Lớn không biết tài khoản của tao âm hai tháng nay, ngân hàng đang dọa phạt, không có tiền trợ cấp của bố con My thì ra khỏi nhà từ lâu. Chú Tầu Chợ Lớn không biết thằng Tôm com-lê trắng, Mercedes cứng cựa, ngày lễ nào cũng mang hoa mang kẹo, nhưng tiền tao đi chơi tuần Noel vừa rồi vẫn chưa trả, hôm qua gọi điện đòi mượn năm trăm, tao cúp máy luôn. Chú Tầu Chợ Lớn không biết tao chỉ lo bốn năm nữa, bốn năm nữa là cái hạn của tao, con My mười tám tuổi, bố nó có quyền cắt trợ cấp, bộ Giáo Dục cũng có quyền đuổi học. Bốn năm nữa, tao hơn bốn chục, tăng lên bốn cân, có được rủ đi trượt tuyết hay lướt ván thÊ giá chỉ bằng một nửa bây giờ. Nói đến đây, gục đầu vào vai Liên rền rĩ: Liên ơi, tao còn mỗi mày là bạn. Liên thở dài, nghĩ tới vở cải lương từng xem ở vô tuyến Hà Nội, lâu ngày quá không nhớ nổi tên. Mai Lan lại rền rĩ: hóa ra chẳng ai hào phóng như đại ca Vinh, có lẽ nó yêu tao thật mày nhỉ. Liên im lặng. Giá mà biết thế nào là tình yêu.

<< Chương 16 | Chương 18 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 458

Return to top