Phải cần bao nhiêu nghìn tử vong để chính phủ và xã hội Pháp phát hiện cảnh cô chiếc tuyệt vọng của rất nhiều người cao tuổi. Chính phủ hứa sẽ trả lại những phúc lợi trước đây vẫn được dành cho họ. Nhưng chính phủ vẫn cương quyết thực hiện kế hoạch hạ lương hưu - nguồn thu nhập duy nhất của người cao tuổi, cũng như giảm bớt kinh phí giành cho các hệ thống vệ sinh y tế, mặc dù các hệ thống này không còn khả năng đáp ứng các nhu cầu đặc thù của ngành lão học và các hậu quả của thiên tai nói chung... Trong các bệnh viện công, vào lúc mà tỷ lệ thất nghiệp còn rất cao, vào dịp nhân viên nghỉ phép và nghỉ hè, ban giám đốc vẫn nhất định chỉ tìm người thay thế làm việc 35 giờ một tuần để đỡ phải trả thêm lương. ở một số cơ sở có các bệnh nhân nằm trường kì, một y tá và một hộ lý phục vụ mấy chục phòng bệnh, ngay việc tiếp nước uống cho bệnh nhân cũng khó có thể được bảo đảm, nhất là những phòng ở xa, nơi cái nóng có thể tăng lên 40 độ. (tạp chí Le Monde diplomatique 09/2003)
Hết sáu tháng trợ cấp thất nghiệp, Liên thực hiện lời hứa với thư kí ANPE, lên đường đi tìm việc. Mai Lan hôm ấy đeo kính râm, diện vét và juýp trắng, khăn quàng cổ trắng, đôi giày cao gót trắng, chiếc túi đeo ở vai cũng trắng. Liên nhìn thấy Mai Lan ngay từ cửa siêu thị. Siêu thị Tang Frères ngày chủ nhật như một tổ kiến khổng lồ, một tổ kiến ùn ùn tha mồi về tổ, một tổ kiến có niềm vui lớn nhất là đáp ứng các đòi hỏi của dạ dày. Một đôi vợ chồng tay giữ chặt xe đẩy, thay nhau điều khiển bác hàng thịt. Liên nghe loáng thoáng chân giò, tim gan, dạ dày, xương gà, bắp bò, tỏi vịt, lườn ngỗng, rọi xay. Bác hàng thịt tay phải quấn băng, tay trái chặt thịt, dao vung loang loáng, xong xuôi lấy tạp dề lau mồ hôi ở mặt, thở ra một cái mới bảo: tiệm lớn lắm hả. Bà vợ trả lời: năm thằng con trai. Ông chồng thêm: thằng út cũng sắp phải đi thắt dạ dày. Hai vợ chồng lạch bạch đẩy xe. Trên đường ra quầy trả tiền, ông chồng vác trên vai túi gạo Thái năm mươi cân, bà vợ hai tay hai thùng mì Đại Hàn. Mai Lan không mua gì. Mai Lan chỉ vừa đi vừa ngó, như dạo chợ hoa tết. Liên dừng lại ngắm Mai Lan. Cảm giác đầu tiên là thương hại. Người đâu mà đẹp thế, vừa đẹp vừa cô đơn, có lẽ tại màu trắng, hay tại cái dáng cao cao nhưng đùi đã hơi chảy và ngực đã hơi xệ, hay tại cái bụng mà tuy áo vét cắt rất khéo cũng không ngăn được mấy nếp gấp, rất nhẹ, vừa đủ nhẹ để tạo cảm giác cô đơn. Liên lại gần. Liên cầm lấy một cái giỏ để hàng, nhưng lại bỏ xuống. Liên không biết bắt chuyện thế nào. Liên tiếc mấy năm ở Pháp không tiếp xúc với ai ngoài các cụ già, chẳng học được phép lịch thiệp nào ngoài vài cách trả thù rất trẻ con. Liên tiếc tự dưng Pát biến mất để ngày trở nên vô vị. Liên đứng một góc tiêng tiếc thì Mai Lan quay mặt lại, gần đến nỗi thấy cả hai vệt mờ ở khóe mắt: người Việt phải không? Liên không kịp gật đầu thì Mai Lan đã phá lên cười: Hà Nội phải không, nhìn cái mặt thộn thộn là biết ngay. Thế là đưa cho Liên cái giỏ. Rồi vừa đi vừa chọn hàng thoăn thoắt, vừa hỏi có thích ăn cái này, có thích ăn cái kia. Từ lúc ấy, chẳng biết mấy giờ mấy phút mấy giây, bắt đầu đoạn đời mới của Liên. Mỗi khi theo Mai Lan đi chợ, cầm cái giỏ để hàng, Liên không khỏi nhớ lại lần đầu tiên hai đứa gặp nhau. Mai Lan cười luôn miệng, dẫn Liên ra quầy trả tiền, cho hàng vào túi ni-lông, bấm mã số thẻ visa, xách hàng xuống tầng hầm gửi xe, mở cốp để hàng vào, rồi chẳng hỏi câu nào, ném túi xách tay ra ghế sau, đẩy Liên ngồi xuống ghế trước, đưa cho dây bảo hiểm, cười phá lên khi thấy Liên không biết cài. Hà Nội ơi, nhanh lên còn về nhà nấu cơm, đói bụng lắm rồi. Xe chạy bon bon. Có cảm tưởng từ siêu thị đến nhà Mai Lan là một đường thẳng tắp, không đèn xanh đèn đỏ, không cảnh sát giao thông. Liên không bao giờ quên khuôn mặt Mai Lan lúc đấy. Cả cái khăn quàng cổ màu trắng tung bay. Bữa cơm sau đó vui như tết. Mở cửa bước vào nhà, vứt giày cao gót vào một góc, Mai Lan dẫn Liên ra sa lông, rót cho cốc nước cam, rồi bảo ngồi chơi nhé, tí nữa được ăn cỗ. Liên loay hoay trên đệm, uống hết nửa cốc nước cam, đứng dậy vào bếp, bị dẫn ngược ra ghế. Ngày mai Hà Nội muốn làm gì thì làm, hôm nay thì được làm khách. Mai Lan cười phá lên. Liên nghĩ Mai Lan có hàm răng trắng nên mới cười nhiều thế. Rồi bình tĩnh ngắm phòng khách bừa bộn. Giá sách bày đúng bộ danh bạ điện thoại còn lại là son, bút chì kẻ mắt, kem bôi mặt, điện thoại di động, máy sấy tóc và cơ man chìa khóa các loại. Bàn uống nước bày hai cái cốc không, một bình hồng nhung đã héo, một bộ bài tú lơ khơ con át cơ đỏ chói nằm trên cùng, một cái cặp mai gắn bông hoa trà bằng lụa, bên cạnh yên vị cặp kính râm. Đi văng bọc da đen đã sờn, mấy cái gối màu sắc mọi rợ, lẫn lộn giữa hoa văn dân tộc thiểu số Việt Nam và Mỹ La-tinh. Lại nghĩ tới Pát. Giường nó cũng chất một đống sáu cái gối kiểu này. Trong buồng tắm cũng sáu cái khăn. Trên bàn cũng một bộ sáu cốc uống rượu vang, sáu bát uống sữa buổi sáng, sáu đĩa, sáu thìa, sáu dao, sáu nĩa. Pát bảo năm thằng cộng với nó vừa đúng một bộ nửa tá. Mua gì cũng tiện. Hóa ra con số 5 mà bản năng chọn hộ nó cũng không đến nỗi nào. Pát bảo tỉnh dậy thấy trên giường có năm thằng ngủ lăn lóc vui lắm. Rồi cùng nhau rửa mặt, rót sữa, nướng bánh mì, quết bơ, bôi mứt. Chí chóe như năm anh trai với một cô em gái. Ăn sáng xong ra về, mặt mày đứa nào cũng tươi tỉnh. Ngày hôm đó có phải làm việc như trâu như bò vẫn thấy nhẹ nhàng. Pát bảo được một dịp như vậy khó ghê gớm. Kiếm đâu được năm thằng khoẻ mạnh, đẹp đẽ, lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ. Thời buổi này, con trai không khập khiễng, không méo mồm, ra đường bị túm ngay. Đàn bà con gái hiện đại thính như mèo. Tán tỉnh giỏi. Giương bẫy khắp nơi. Lại được mấy trăm văn phòng luật sư bảo vệ. Những thằng bồ của nó đau đầu tìm cách trốn vợ, trốn người yêu. Nhiều lần đang lúc gây cấn, điện thoại di động réo như phá nhà. Thế mà vẫn phải trả lời. Cục cưng của anh ở đâu đấy, có nhớ anh không. Không bao giờ dám tắt. Tự dưng tắt rất dễ bị nghi. Pát bảo làm tình nhân thiệt thòi nhiều lẽ nhưng được cái kích thích. Kích thích là điều quan trọng nhất. Yêu nhau mà không kích thích thì trệu trạo hơn bánh mì khô. Nó lại được kích thích gấp năm lần người khác. Nó bảo hoan hô con số 5 tuyệt vời. Liên nghĩ có chuyện đấy thôi mà mắt nó long lanh. Sau lại nghĩ dù sao Pát vẫn là đứa bạn duy nhất. Từ hồi nó biến mất, cuộc sống chao đao. Căn hộ của Liên trước đây cái gì cũng một. Một cái nồi to bằng gang, một cái nồi nhỏ bằng nhôm, đều của người thuê nhà trước để lại. Một cái đĩa to Liên mua ở siêu thị Auchan. Mua xong mới biết được thưởng thêm một cái đĩa nhỏ. Một cái bát vừa để uống sữa vừa để ăn cơm, công ty tặng nhân viên nhân dịp Noel. Đôi đũa gỗ và chiếc thìa sứ là quà khuyến mại của siêu thị Tang Frères. Liên xếp tất cả vào nồi gang to và cất xuống gậm bàn. Mỗi khi dùng đến lại cặm cụi nhấc ra từng cái một. Một năm sau, đống của nả ấy được vứt ra sọt rác nhờ một con bé bác sĩ bệnh viện Lao Trung Ương. Bảy giờ sáng, nó gõ cạch cạch rồi không đợi trả lời cứ thế đẩy cửa. Nó khỏe đến nỗi chốt bật tung. Đặt một va ly rõ to xuống sàn, nó hất hàm bảo Liên: chị xuống nhà lấy hộ em cái túi. Liên lồm cồm ra la-va-bo. Chưa kịp cầm bàn chải đánh răng đã nghe nó gắt: không xuống lấy ngay, mất túi chị chịu trách nhiệm nhé. Cái mà nó gọi là túi thực chất là một bao tải ny lông cao gần một mét. Liên phải mất hai mươi phút vừa kéo, vừa lê, vừa ôm, vừa cõng mới mang được lên tầng bảy. Nó đứng chống nạng ở hành lang bảo: cứ tưởng toi rồi. Nó đặt lên bàn một gói ruốc và một phong thư. Chị dâu Liên nhờ Liên giúp nó những ngày chân ướt chân ráo đến Paris. Bố nó cũng là bác sĩ lao, từng chữa bệnh cho bố mẹ chị, đòi phong bì ít hơn bệnh nhân khác. Nó bảo Liên giọng nghiêm nghị: em ở nhà chị một tuần. Em mang đầy đủ đồ khô cho hai người hai mươi mốt bữa. Chị có nhiệm vụ đi chợ mua thêm đồ tươi. Cái giường chia đôi. Nằm xoay đầu. Em là bác sĩ lao, vấn đề vệ sinh khác người thường. Hôm nó lên tàu về tỉnh thực tập, Liên vác cho nó cái bao tải ra ga, vẫn cao gần một mét, không hiểu để những gì bên trong. Tàu chuyển bánh, nó bảo Liên: chị tài thật, nhà cửa thế mà cũng chịu được. Bẵng đi vài tháng. Một buổi sáng tinh mơ. Nó đẩy cửa bước vào. Chốt cửa tung lần nữa. Nó bảo: em biết chị ngủ một mình nên không gõ. Nó đặt cái va li rõ to xuống sàn, rồi hất hàm bảo Liên: chị xuống nhà lấy hộ em cái túi. Liên bủn rủn nhận ra bao tải ny-lông, nguyên vẹn một mét chiều cao, nhưng nặng gấp đôi lần trước, nên không phải hai mươi phút mà bốn mươi phút vật vã mới cho được lên nhà. Nó nhìn bao tải hãnh diện như bộ đội nhìn chiến lợi phẩm. Rồi hất hàm bảo Liên: chị cho em mượn cái kéo. Nó cắt từng mũi, không làm đứt một sợi ny lông nào, động tác của bác sĩ chuyên nghiệp. Nó lấy từ trong bao tải ra một đôi áo gối, một bộ ga giường, một vỏ chăn đơn và một xấp khăn tắm. Tất cả đều trắng tinh và đóng dấu bệnh viện Mác-xây, khoa Tim-Phổi. Liên chưa hiểu chuyện gì thì nó bày tiếp lên bàn hai đĩa to, hai đĩa nhỏ, hai bát con, hai dao, hai dĩa, hai thìa, hai cốc. Xoa hai tay vào nhau nó bảo: em lấy trộm ở bệnh viện. Mỗi ngày một thứ. Chọn những thứ tử tế nhất. Liên hoảng sợ nhìn nó. Nó cười: bệnh viện tuần nào cũng thải vài xe. Không ai phát hiện ra đâu. Chỉ mất công vận chuyển từ Mác-xây lên đây, nặng ơi là nặng. Nói xong, nó quay ra vứt đống nồi xoong bát đĩa cũ của Liên vào sọt rác. Nó bảo: cho đỡ tốn diện tích. Sau đâu đấy, nó quay ra nhìn Liên không chớp mắt: em ở nhà chị một tuần. Em mang theo mọi thứ không những đủ bảy bữa sáng mà còn cho cả năm liền. Em cũng mang theo rất nhiều đồ hộp, thịt có, rau có. Chị có nhiệm vụ mua thêm đồ tươi. Giường chia đôi. Nằm xoay đầu. Bữa ăn sáng hôm ấy, Liên phải chạy ra toa lét hai lần vì buồn nôn. Còn nó thì thản nhiên phết bơ, quệt mứt vào bánh bít cốt, rót sữa ra cốc, đổ đường vào lọ. Tất cả đều quá hạn từ hai tháng. Nó bảo: sợ quái gì. Chín tháng nay, em ăn thế mà có sao đâu, thử máu chẳng có triệu chứng ung thư là được. Chị không biết chứ siêu thị Hà Nội chữa lại đát hết. Những đồ hộp, rau có, thịt có, mà nó khệ nệ khuân từ Mác-xây lên cũng đặc biệt ấn tượng. Nếu không có tờ giấy dán bên ngoài thì người ta có thể nhầm với mỡ vòng bi xe đạp vì chúng đều trưng ra một chất sền sệt, không rõ màu, không rõ vị, mùi vừa khen khét vừa um ủm. Nó bảo: cần quái gì. Thịt rau xay lẫn. Quan trọng nhất là lượng pờ-rô-tít. Hôm tiễn nó ra sân bay về Hà Nội, Liên lại vác cho nó cái bao tải ny lông ra ga, vẫn cao một mét, nội dung bí hiểm. Trước khi lên máy bay, nó bảo: em về Hà Nội cũng yên tâm, giúp được chị ngần ấy thứ dùng cho đỡ khổ nơi đất khách quê người. Về tới nhà, Liên xếp đồ hộp và một năm bữa sáng của nó vào một cái túi to rồi mang ra góc phố cho đám ăn mày. Hôm sau đi qua thấy đồ hộp lăn lóc khắp nơi, hai con chim bồ câu đang rỉa bít cốt và mứt dâu. Có lẽ ăn mày cũng không thèm. Những thứ còn lại gồm hai bộ đồ ăn, áo gối, vỏ chăn, ga giường, khăn tắm Liên giữ lại. Mới đầu nhìn dấu bệnh viện đỏ chói cũng hãi nhưng vài ngày thì quen. Tặc lưỡi, đỡ mất tiền mua. Đồ dùng bệnh viện, thẩm mỹ và chất lượng bù trừ, mấy năm sau vẫn còn tốt.
Trong nhà Mai Lan bát đĩa la liệt, không biết thành bộ ba, bộ sáu hay bộ mười hai, không biết có mấy tình nhân một lúc, không biết được kích thích gấp bao nhiêu lần một phụ nữ đoan trang. Mai Lan hình như không quan tâm đến các câu hỏi ấy. Mai Lan hát Em ơi Hà Nội phố, ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông. Đũa lạch cạch. Mỡ xèo xèo. Nước xối xả. Liên đứng dậy đi vào bếp. Lần này, không bị đuổi ra sa lông. Mai Lan bảo: bê âu canh này ra bàn ăn. Liên quay vào, Mai Lan bảo: bê đĩa xào này ra bàn ăn. Liên quay vào, Mai Lan bảo: bê bát thịt này ra bàn ăn. Liên quay vào, Mai Lan bảo: bê nồi cơm điện ra bàn ăn. Liên quay vào, Mai Lan bảo: mở ngăn kéo, lấy hai đôi đũa, hai cái bát ăn cơm, một cái muôi múc canh, một cái thìa con múc thịt. Liên quay vào, Mai Lan bảo: mở tủ lạnh lấy lọ tương ớt với một quả chanh. Liên quay vào, Mai Lan bảo: mở hộp đựng gia vị lấy lọ hạt tiêu. Liên quay vào, Mai Lan bảo: chết không, quên cả hành lẫn mùi. Rồi cứ cuống cả lên như thể chuẩn bị ra mắt nhà chồng. Liên tìm được gói ni-lông đựng hành mùi trong thùng rác, nhặt mỗi thứ nửa bó đưa cho Mai Lan. Bữa cơm cuối cùng cũng hoàn thiện. Mai Lan đẩy Liên ngồi xuống ghế cạnh bàn ăn. Nhìn nhé, chân giò hầm măng này, thịt bò xào cần tỏi tây này, gà nấu đông này, nước mắm chanh ớt này. Đã đúng cỗ Hà Nội chưa? Liên trợn tròn mắt. Liên cũng không ngờ Mai Lan nấu nhanh thế. Liên muốn khen một câu, một câu không sáo sao khó tìm, tiếng Việt không thể, tiếng Pháp không thể. Trong đầu Liên từ ngày đi học lớp vi tính đầy ắp những câu lịch sự: xin quí ông, quí bà, hãy nhận ở tôi lòng tôn trọng đặc biệt. Tôi xin gửi đến quí ông, quí bà, những tình cảm tận tụy nhất. Liên ngồi ngắm các món được bày biện rất khéo. Chân giò hầm măng có thêm mấy cọng hành trần. Thịt bò xào cần tỏi tây phủ một cành mùi ở giữa. Gà nấu đông chen lẫn cà rốt tỉa hoa năm cánh. Cái này mới đặc biệt cơ, Mai Lan nói xong chìa ra trước mặt Liên một đĩa bày những lát mỏng vàng ươm, thìa là từng cọng tươi rói làm nền, ớt tỉa hoa lủng lẳng bên trên. Liên lại được dịp trợn tròn mắt. Mai Lan bảo cỗ Hà Nội không có món này đâu. Rồi chẳng để cho Liên phản ứng, nói một câu dõng dạc: chả cá thác lác Sài Gòn. Đúng là Liên không biết thật. Lần đầu tiên nghe tên thác lác. Hai đứa ngồi vào bàn. Mai Lan xới cho Liên một bát cơm đầy, để vào đấy khúc gà đông ngon nhất. Liên cười ngượng nghịu. Cắn một miếng thấy ngọt lịm. Mai Lan bảo có ngon bằng gà đông Hà Nội không. Liên không nói gì. Hồi bé, Liên rất ít khi được đi ăn cỗ. Mỗi năm một lần đến nhà bà ngoại giỗ cụ đúng rằm tháng bảy. Hai con gà làm thành ba mâm. Bọn cháu chắt như Liên được dọn cho những thứ thừa trong nồi, ngồi ăn ngay trong bếp. Một bát canh miến xót hai miếng tiết. Một nắm xôi cháy. Một góc cánh gà. Một ít cơm chan với nước xào, đứa nào may gắp được một miếng mề, may hơn nữa được một miếng gan. Sau này, cỗ bàn đầy đủ, cũng được nếm thêm một vài món gà. Gà hấp cải bẹ. Gà hầm thuốc bắc. Gà xối mỡ. Gà nhồi xôi. Người ta bảo gà nấu đông cho vào bảo tàng rồi. Mai Lan ra hiệu há mồm rồi gắp cho một miếng chả cá. Liên nhai thử thấy vừa mềm vừa giòn vừa thơm vừa ngậy. Rất khó tả. Bỗng Mai Lan nhìn vòng quanh bàn rồi hét to: chết không, quên lấy khăn ăn, quên cả chai nước suối. Liên nhả miếng chả cá, chạy đi tìm. Năm phút sau nhìn thấy hai cái khăn giấy cuối cùng trong một ngăn tủ, còn chai nước suối đã cạn một nửa đứng ngay cạnh giường ngủ của Mai Lan. Hai đứa ngồi vào bàn ăn tiếp. Mai Lan đặt vào bát Liên một miếng chân giò rất nạc, trịnh trọng bảo: phụ nữ không phải có sắc đẹp là có tất cả nhưng mất sắc đẹp là mất hết. Liên chẳng hiểu gì, thấy còn phức tạp hơn định nghĩa toán học. Mai Lan nhìn Liên loay hoay lại phá lên cười. Ngày nào cũng mì ăn liền có đúng không. Liên ngượng ngịu, không nói gì. Ăn xong hai bát cơm chan canh măng, Mai Lan đặt đũa xuống bảo: vô tư nhé. Rồi vớ túi xách tay, tìm bao thuốc lá, châm lửa hút, tác phong rất điệu nghệ. Một lúc sau tàn rơi khắp sàn. Liên bỏ đũa bát đứng bật dậy. Mai Lan nhả một hồi khói ra đằng mũi, mắt lim dim: đố tìm được đấy, tìm được có thưởng. Liên loanh quanh mười lăm phút, tay không quay về bàn. Mai Lan bảo: con My dấu cả thuốc lá lẫn gạt tàn, dọa ung thư phổi. Cái mặt của Liên chắc là thộn lắm nên Mai Lan lại phá lên cười: con gái hiểu chưa, con gái mười bốn tuổi, xinh lắm. Cái mặt của Liên vẫn ngây ngây, Mai Lan lại bảo: phòng ngủ, đầu giường, ngăn trên cùng. Nửa phút sau Liên khệ nệ khuân ra một quyển album vĩ đại, vừa đi ảnh vừa rơi từng tập. Mai Lan bảo: giở trang thứ năm. Trước mặt Liên là một đứa trẻ gày gò, tóc lưa thưa, không hiểu trai hay gái, bên dưới có dòng chữ viết ngoáy: con Mi ngày thắng kiện. Mai Lan bảo tiếp: giở ba trang nữa. Một thiếu nữ đang mỉm cười trước mặt Liên, áo hở rốn, váy mi-ni, hồng cánh sen, tóc đã dài tới vai, đen nhánh. Nhìn xuống bên dưới không thấy ghi chú gì. Mai Lan dụi thuốc lá vào một chén ăn cơm: sau này tha hồ xem. Liên đứng dậy, dọn bàn, xếp được một chồng bát đĩa bẩn. Đồ ăn thừa không biết làm thế nào. Mai Lan hốt hoảng: chết không, nhà hết sạch giấy bóng kính, hay là chạy ra cửa hàng ả-rập đầu phố. Liên vội vàng khoác áo măng tô. Mai Lan bảo: ví trong túi ấy, đừng quên cốt cửa. Liên ra đến ngoài, ngay trước nhà là một ngã tư, không hiểu cửa hàng ả-rập ở góc nào, bỗng thấy cổ và đầu lạnh cóng. Khăn quàng để quên trên nhà. Cẩn thận quá, mải ghi mã số cửa và cố giữ cái ví của Mai Lan. Run rẩy giữa ngã tư. Hơi thở bốc thành từng đám khói trắng. Từ xa một bà già đi lại. A, Mút-xta-pha cách đây năm trăm mét, qua đường, rẽ tay phải, hết đường, rẽ tay trái, khoảng mười lăm phút thì đến nơi. Thế là lên đường, đúng theo lời bà già chỉ. Không phải mười lăm phút. Không phải năm trăm mét. Bà già trông thế mà khỏe, có khỏe mới qua được ngày 11 tháng 8. Ba mươi lăm phút sau, Liên đứng thở trước một cửa hàng nho nhỏ. Ông bán hàng gốc Bắc Phi nhìn Liên bảo: nỉ hảo. Liên không chữa lại, cứ thế bước. Vòng đầu, chỉ thấy mấy sọt khoai tây và rất nhiều đồ hộp. Vòng thứ hai, phát hiện thêm giấy vệ sinh và khăn ăn. Vòng thứ ba, ngó lên hai góc trên cùng, suýt bị nước rửa bát và xà phòng giặt rơi vào đầu. Ông bán hàng lại gần bảo: hết giấy bóng kính rồi. Liên ngẩn ngơ. Ông bán hàng bảo tiếp: mua giấy bạc gói cũng hay lắm. Liên nghĩ đến Mai Lan, không biết quyết định thế nào, rồi lấy hết dũng cảm chỉ vào máy điện thoại. Ông bán hàng nhìn Liên nghi ngờ, rồi hất hàm: số bao nhiêu? Liên ớ người. Ông bán hàng hùng hổ: đừng có chơi cái trò láu cá, vài phút về Bắc Kinh là toi nửa ngày chợ của người ta. Liên đẩy cửa. Ông bán hàng không chào, mặt quay ra phố, gò má vênh vênh. May mà đường về ngắn hơn đường đi. Mã số cửa cũng sẵn trong túi. Liên chui ra khỏi thang máy, giơ tay bấm chuông. Rồi dụi mắt. Một thiếu nữ hiện ra trước mặt, áo hở rốn, váy mi-ni, hồng cánh sen, tóc xõa ngang vai, đen nhánh. Liên nhận ra con My, muốn chào nhưng lưỡi cứng quá. Con My cũng im lặng. Nhà yên ắng. Đồ ăn thừa đã cất hết vào tủ lạnh. Trên bàn bày một bộ tách cà phê. Con My ngồi xuống sa lông đọc Paris Match. Thấy Liên đi qua, bảo: cà phê nhé, đầu vẫn cúi, vẻ mặt chăm chú. Tom Cruise cầm tay Catherine Jeta-Jones. Liên không trả lời, chạy ra ngoài rồi lao vào thang máy. Thang máy mở từ cách đây năm phút. Tấm gương phản chiếu một khuôn mặt thồn thộn, hai mắt xưng tấy không còn phân biệt được mí và nếp nhăn, những chấm đen mờ của mụn đã thành sẹo. Liên bật khóc. Thang máy đang đi bỗng dừng. Liên cứ thế khóc, nước mắt không hiểu ở đâu chảy ra khắp mặt. Có tiếng người từ dưới gọi lên. Liên không động đậy. Nước mắt lênh láng. Trong lưỡi có vị mặn. Ai đó nói: sao đấy, thang máy mất điện à? Liên vẫn không động đậy. Mồm đầy nước mắt. Ai đó nói tiếp: bấm vào nút báo động đi. Liên không biết làm thế nào cho nước mắt dừng lại. Mũi tắc tịt. Ai đó lại nói tiếp: gọi xe cấp cứu nhé, cố chờ một chút. Liên hấp tấp tìm trong túi tập khăn mùi xoa bằng giấy. Thế rồi xịt mũi, lau mắt, đưa tay cào tóc. Như có phép màu, thang máy lại từ từ chuyển động. Liên ra khỏi cửa, đi một đoạn mới hiểu lúc nãy mải khóc, dựa lưng vào nút stop. Co cẳng chạy, vừa chạy vừa ngoái lại xem có ai đuổi đằng sau.