Tiểu thuyết thứ ba của Thuận, sau Made in Vietnam và Chinatown, được gợi hứng từ trận nóng năm 2003 mà điểm đỉnh là ngày 11 tháng 8, đã giết chết gần mười lăm ngàn người Pháp. Paris 11 tháng 8 vì vậy là niềm hổ thẹn sâu kín của một xã hội hậu-tư-bản viên mãn.
Đó còn là Paris của những số phận tha hương Việt Nam, Cu Ba, Tiệp Khắc, Li Băng,… Paris của hai nhân vật nữ, Mai Lan và Liên, cùng tuổi cùng gốc Hà nội, nhưng một kiều diễm một xấu xí, một cựu hoa hậu một cựu cán bộ công đoàn, một dạn dĩ một nhút nhát, một khéo léo một vụng về, một kiếm sống bằng tình dục một chưa nếm mùi tình yêu, một lãng mạn một không tin vào phép lạ. Nhưng tiểu thuyết của Thuận sẽ chẳng biến Mai Lan thành cô Kiều và cho Liên thành Thị Nở.
Hai mươi hai chương miên man thực giả lẫn lộn, ngồn ngộn Paris và Hà Nội, lôi cuốn chúng ta bằng một vận tốc chóng mặt, một cấu trúc hiện đại, một giọng điệu tinh tế, duyên dáng, chua xót, hài hước.
Vừa thẹn thùng vừa khiêu khích, Paris 11 tháng 8 chạm vào nỗi đau của nhân vật, của nhân loại.
Thuận hiện sống tại Paris, là một trong rất ít nhà văn nước ngoài viết về xã hội Pháp đương đại.
Đoàn Cầm Thi
"Paris 11 tháng 8" là tiểu thuyết thứ 3 của Thuận, một nữ nhà văn đang sinh sống tại Pháp. Lấy cảm hứng từ trận nóng vào năm 2003 (mà điểm đỉnh là ngày 11 tháng 8), đã giết chết gần mười lăm ngàn người Pháp, câu chuyện là cái nhìn sắc sảo thâm thúy của tác giả với cuộc sống của dân nhập cư tại Pháp thông qua số phận của Liên (nhân vật chính) và những người sống quanh cô. Với lối hành văn độc đáo (thậm chí là hơi kỳ lạ so với những cuốn tiểu thuyết khác), "Paris 11 tháng 8" cho người đọc cảm giác như đang đọc trộm nhật ký của một người xa lạ.