Trận nắng nóng mùa hè 2003 đã không gây nên một tử vong nào ở Đức nhưng mang lại cái chết cho 15 000 người ở Pháp. Tại sao lại có sự khác biệt đến như vậy? Nguyên nhân chủ yếu nằm trong cách tổ chức hệ thống bệnh viện và y tế. Chúng ta biết rằng ngay từ tháng 7 năm 2003, các bác sĩ cứu thương đã yêu cầu được cung cấp thêm phương tiện để có thể đối mặt với trận nắng nóng...
Bạn tưởng là các giám đốc bệnh viện chỉ cần trưng dụng nhân viên rồi đẩy đến những nơi cần thiết. Không phải đơn giản thế đâu. Chúng ta đang ở trên lãnh thổ lục lăng của nước Pháp nên bất cứ cái gì cũng phải qua tay Nhà Nước. Kế hoạch cứu thương tháng 8 vừa rồi, có tên gọi là kế hoạch Màu Trắng, chỉ có thể được phát động từ chính phủ, sau đó mới dội đến các tỉnh trưởng, từng tỉnh một. Vậy mà ông Raffarin lại còn phát động nó vào ngày 13 tháng 8 khi mà cơn nắng nóng đã gần kết thúc, và cũng chỉ phát động trong vùng ngoại ô Paris. Đấy, sự thật đáng buồn này hầu như chưa báo nào nói tới.
Chính kiểu tổ chức hết sức tập trung của nền y tế đã là nguyên nhân của thảm họa. Việc bắt giam vào mùa thu 2003 một giám đốc nhà dưỡng lão và gán cho ông ta tội giết người không chủ ý thì đúng là một sì căng đan. Tháng 8 năm 2003, ông Patrick Allemand - phó chủ tịch vùng Provence-Alpes-Côte d Azur, người của đảng Xã Hội, đã đã nghị thực hiện kế hoạch Màu Trắng trong vùng này nhưng không được chấp nhận. Ông ta cũng không có ý định đòi cho vùng quyền đồng quản lý các bệnh viện công. Tại sao vậy? Bởi vì các nhà lãnh đạo cả tả lẫn hữu đều không muốn cải tổ hệ thống hiện nay. Qui trình "chính phủ - tỉnh trưởng - giám đốc bệnh viện" sẽ chẳng bao giờ được đem ra bàn luận. Các bệnh viện công ở Thụy Sĩ phụ thuộc vào tỉnh, còn ở Đức thì các tiểu bang. Nhưng ở Pháp, chính phủ thống trị toàn bộ đất nước không chia cho địa phương một chút quyền hạn nào. (báo Alsace d abord, 10/2003)
Mai Lan bảo: tháng này mày cho tao chịu nhé. Hôm nào thằng Tom thanh toán, tao trả mày ngay. Liên im lặng. Mai Lan bảo tiếp: tao bắt nó viết một tờ cam kết đúng mười lăm tháng này thanh toán đầy đủ, chậm một ngày phạt mười phần trăm. Xong phá lên cười: tao cũng khiếp thật, nó bảo tao còn sòng phẳng hơn Tây. Liên im lặng. Mai Lan hỏi: mày vẫn lo cái mạng điện à? Liên gật đầu. Mai Lan nghĩ ngợi một lúc bảo: hay mày đi làm trợ lí hội nghị 2005. Docteur Mignon mới gọi. Hóa ra phải chuẩn bị sớm hơn dự kiến. Được bao nhiêu, mày lấy hết, không cần chia cho tao. Ông thường trực bảo: giám đốc dự án đi công tác, gặp phó giám đốc nhé. Liên gật đầu. Ông thường trực chỉ thang máy: tầng bảy, phòng năm. Liên chưa kịp gõ, cửa đã mở. Một thằng tre trẻ, áo mút quần thun đen tuyền, nhào ra bắt tay. Bạn của Mai Lan hả, tên là gì nhỉ, mình là Tony, cứ gọi là Toto nhé, Mimi đi tỉnh họp, tuần sau về. Giời ơi, làm bọn này đợi mãi, hội nghị đến nơi rồi, quan trọng cực kì đấy. Nói được tiếng Pháp chứ? Liên gật đầu. Gõ được vi tính chứ? Liên gật đầu. Tuyệt vời. Nhìn này, cái ảnh này chụp ở Hà Nội năm ngoái, con trai nuôi đấy, mỗi tháng gửi cho hai mươi lăm đô, xinh trai không, ngoan lắm nhé. Nhìn này, cái ảnh này chụp ở Hạ Long, hai bố con đi tắm biển, thuyền buồm bơi cạnh núi đá nhấp nhô, đẹp mê li. Nhìn này, cái ảnh này chụp ở Đà Lạt, hai bố con đi nghỉ mát, hồ Than Thở đấy, lãng mạn ơi là lãng mạn. Nhìn này, cái ảnh này chụp ở Hội An, hai bố con đi thăm quan, cầu Nhật một trăm phần trăm, Nhật hơn cả Nhật thật, tinh tế chưa từng thấy. Đã đói chưa? Liên gật đầu. ăn được cơm Tây chứ? Liên gật đầu. Tuyệt vời. Hai đứa đi dọc hành lang. Các phòng làm việc đã tắt đèn. Mọi người lục tục kéo ra thang máy. Tony gặp ai cũng chào, rồi bảo: ăn ngon nhé. Một ông đeo kính đi ngược chiều, môi bóng nhẫy, dừng lại vỗ vai Tony: nhanh chân lên Toto, hôm nay có thăn đà điểu đấy. Tony khoái chí quay sang Liên: chịu khó chạy một tẹo nhé. Vút một cái đã đến cuối hành lang. Đám đông đứng quanh một bà đứng tuổi giả giọng bắt chước thủ tướng Raffarin: tôi tin rằng, đã đến lúc, chúng ta phải cắt giảm ngân sách vẫn dành cho các viện nghiên cứu khoa học, chúng ta cũng phải cắt giảm ngân sách vẫn dành cho bảo hiểm xã hội, chúng ta cũng phải cắt giảm cả ngân sách vẫn dành cho giáo dục và y tế, chúng ta phải cắt giảm hết, không những thế tháng sáu chúng ta phải làm thêm một ngày, những người cao tuổi cần số tiền đó để mùa hè không bị chết thiêu, tôi thì không cần vì tôi và gia đình sẽ đi tắm biển ở Guadeloupe, tổng thống Chirac cũng không cần vì tổng thống và phu nhân sẽ đi trượt tuyết ở Canada. Mọi người vỗ tay tán thưởng, hai cô gái ôm bụng cười sặc sụa. Bà đứng tuổi phấn khởi quay ra bắt chước Chirac: phục vụ bao giờ cũng là niềm sung sướng đặc biệt đối với tôi... Năm phút thang máy vẫn chưa thấy đâu. Tony lắc đầu bảo Liên: chịu khó leo cầu thang nhé. Nói xong vút sang hành lang khác, rồi biến mất sau một cái cửa màu xanh. Hai đứa đứng trong căng-tin rộng mênh mông. Một hàng dài, mỗi người một khay nhựa. Tony bảo: cá hồi hun khói nhé. Liên gật đầu. Tony bảo: xa lát ngô nhé. Liên gật đầu. Tony bảo: phó mát nhé. Liên gật đầu. Tony bảo: bánh a tô kem nhé. Liên gật đầu. Tony bảo: rượu vang nhé. Liên gật đầu. Khay nhựa nặng trĩu. Hai đứa nhích mãi cũng đến quầy đồ ăn nóng. Tony sung sướng nháy mắt với Liên. Hai ông phục vụ, tạp dề trắng, mũ trắng, tươi cười. Tony chỉ Liên bảo một ông: cho cô này đùi gà nướng và đậu cô ve luộc. Quay sang bảo ông kia: cho tôi thăn đà điểu rán và cà rốt xào hành. Hai ông phục vụ hì hụi cắt thịt, chan nước xốt, múc rau, lại cho thêm mỗi đĩa một quả cà chua nướng. Khay nhựa nặng gấp đôi. Tony tung tăng đi trước. Liên ì ạch theo sau. Hai đứa tìm được một bàn cạnh cửa sổ. Đang ăn, Tony nhăn mặt. Thế là vứt dao dĩa, vút ra chỗ hai ông phục vụ, nói nói, cười cười, một phút sau vác về một miếng thịt mới, máu chảy ròng ròng. Thang máy đông nghịt. Tony nhìn Liên bảo: giời ơi, sao bỏ lại nhiều thế, hèn nào gầy là phải. Rồi vừa xoay người vừa giang tay sang hai bên: nhìn Toto này, chẳng tập tành gì mà mông to bụng bé. Toto ăn trưa nhiều, tối chỉ làm một quả táo là xong. Hai đứa đứng trước tủ tài liệu cao quá đầu người. Tony hỏi: biết soạn hồ sơ không? Liên gật đầu. Thuộc bảng chữ cái không? Liên gật đầu. Tuyệt vời, hai mươi báo cáo viên, mỗi người một hồ sơ, một tuần có xong không? Liên gật đầu. Chịu khó chia với Toto cái phòng này nhé. Nói xong, vút ra ngoài, đùi mông nhớn nhác. Ngày làm việc đầu tiên cũng kết thúc sau hai đợt uống cà phê. Một tuần liền sau đó Tony vắng mặt. Không để lại chữ nào. Một tuần đủ để Liên làm quen với ba nhân viên của Viện. Hôm đầu tiên, bà thư kí gọi điện tìm Tony, năm phút sau Liên được biết bà ấy sống một mình với đứa con gái mười chín tuổi, suốt ngày đòi ra ở riêng. Hôm thứ hai, Liên tìm xu lẻ mua cà phê, một con bé tròn tròn lại gần đổi cho một vốc to. Tên nó là Nát, làm kế toán, gốc Liban, mới lập gia đình, anh chồng cuối tuần phải đến nhà vợ cũ mang thằng con trai đi chơi. Hôm thứ ba, một ông mũ bê-rê lên tận phòng gõ cửa tự giới thiệu là nhân viên thư viện, đảng viên đảng Cộng Sản Pháp, quyết tâm làm một vòng phe xã hội chủ nghĩa trước khi về hưu, đã đi Việt Nam cách đây mười hai năm, hè vừa rồi sang Cuba, năm tới muốn qua Bắc Triều Tiên, xin mãi thị thực chưa được. Ông khoe từng tự nguyện làm tài xế cho đoàn đại biểu Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam tại hội nghị Paris. Hội nghị kết thúc, lại xếp hàng mua thịt cho đoàn làm nem chiêu đãi bạn bè quốc tế, tiệc kéo dài suốt đêm, khách tặng hoa, chủ nhà tặng nem. Ông hỏi thăm hai bà tướng họ Nguyễn. Liên im lặng. Ông bảo có biết bà Định, bà Bình không. Liên gật đầu. Ông sung sướng khen nắm vững lịch sử rồi ca thán thanh niên Pháp chỉ biết hưởng thụ, hỏi một trăm đứa thì cả trăm đều không rõ tổng bí thư đảng Cộng Sản là ai. Trước khi về ông bảo ông có tên Việt Nam là Tanh. Liên nhướn mắt. Ông lấy bút viết lên giấy. Hóa ra là Thành. Ông bảo thích được gọi tên Việt hơn tên Pháp. Liên gật đầu, hứa từ nay sẽ gọi ông là Tanh. Thứ hai, Liên đẩy cửa bước vào, một mái đầu chẻ ngôi xịt gôm đang cúi xuống chồng hồ sơ. Liên chạy ra ngoài vác về một cái ghế đẩu, ngồi trong góc phòng hai tiếng liền, tê hết cả chân, mấy lần suýt ngã vì ngủ gật, mở mắt ra vẫn thấy mái đầu chẻ ngôi xịt gôm cúi chăm c ú trên bàn. Góc tường, bốn cái ảnh Toto chụp với con trai nuôi bị gỡ ra lúc nào không biết. Đi ăn trưa về, phòng vắng ngắt. Ba giờ chiều, chuẩn bị xuống nhà mua cà phê thì mái đầu chẻ ngôi xịt gôm bước vào. Bên dưới là một bộ com lê là ủi thẳng đơ. Dưới nữa là đôi giày đánh xi bóng lộn. Có biết Tony đi đâu không? Liên lắc đầu. Tony có dặn gì không? Liên lắc đầu. Có ai gọi điện tìm Tony không? Liên lắc đầu. Nửa tiếng nữa sang phòng 707. Liên gật đầu. Mang cho tôi chồng hồ sơ. Liên gật đầu. Phòng 707 không ghi số chỉ dán một băng năm dòng chữ in đậm:
Michel Mignon
Tiến sĩ Xã Hội học, đại học Sorbonne
Giáo sư danh dự, đại học Tổng Hợp Québec
Trưởng phòng nghiên cứu Gia đình-Phụ Nữ-Trẻ em Thế giới thứ Ba
Giám đốc dự án Phụ nữ Đông Nam Á trước thềm thiên niên kỉ mới
Docteur Mignon đặt chồng hồ sơ lên bàn, ánh đèn nê-ông phủ một lớp bụi tím lên mái đầu chẻ ngôi xịt gôm và bộ com lê là ủi thẳng đơ. Docteur Mignon ra hiệu cho Liên ngồi xuống ghế đối diện. Cô Liên sang đây năm 2000? Liên gật đầu. Cô Liên tốt nghiệp đại học Mỏ-Địa Chất Hà Nội? Liên gật đầu. Cô Liên chuẩn bị luận án tại đại học Paris7? Liên gật đầu. Cô Liên nói được tiếng Anh? Liên gật đầu. Cô Liên biết chương trình Excel? Liên gật đầu. Cô Liên có thể xử lý ảnh màu bằng máy vi tính? Liên gật đầu. Cô Liên sử dụng tốt internet? Liên gật đầu. O.K, đây là địa chỉ e-mail của hai mươi báo cáo viên, còn đây là pass word, chiều nay cô Liên có viết xong thư giới thiệu không? Liên gật đầu. Một tuần liền sau đó, lại đến lượt docteur Mignon vắng mặt. Cũng không để lại chữ nào. Tony vẫn mất tăm tích. Bà thư kí đi ngang bảo: sướng nhỉ, tha hồ mà ngủ. Buổi trưa gặp Nát trong căng tin. Một mình một bàn. Làm xong một đĩa thịt bò rán và mì ống trộn bơ, chạy ra xin thêm nửa đĩa, ông phục vụ dẻo tay múc cho một muôi nước sốt kem. Vừa nhai vừa hỏi: mày có tin là càng bị stress càng ăn nhiều không? Liên gật đầu. Hồi ở Việt Nam mày đã biết stress là gì chưa? Liên lắc đầu. Từ ngày sang Pháp tao học thêm một đống thuật ngữ về sợ. Tiếng bọn tao chỉ có một từ, sợ là sợ, thế thôi. Liên im lặng. Mày hợp đồng chín tháng à? Liên gật đầu. Sau đó đã biết xin đi đâu chưa? Liên lắc đầu. Tao hợp đồng sáu tháng, thay kế toán của Viện nghỉ đẻ. Liên im lặng. Mang cái bằng Liban đi xin việc, chẳng công ty tư nhân nào chịu nhận, người ta bảo cố mà thi lại bằng tương đương của Pháp. Liên im lặng. Tao gốc Liban nhưng theo Thiên Chúa giáo, cưới người đồng hương khó lắm. Trước khi gặp chồng tao bây giờ, tao có mấy thằng bồ, cứ nói đến chuyện đăng kí là chúng nó biến mất. Thằng đầu tiên bảo tao lấy nó để có quốc tịch. Thằng thứ hai bảo tao lấy nó để đến nhà nó ở. Thằng thứ ba bảo tao lấy nó để mang cả họ sang Pháp. Thằng thứ tư bảo cho tiền cũng chẳng dám lấy vợ A-rập, thế nào cũng có ngày bị anh em nhà nó đón đường đánh. Liên im lặng. Chồng tao gốc Tiệp. Nhạc sĩ vĩ cầm. Kéo đàn trong bến tàu điện ngầm Châtelet. Tai bị tiếng tàu làm hỏng hẳn, tay cũng hỏng hẳn vì suốt năm kéo ngần ấy bài, thỉnh thoảng kéo theo yêu cầu khán giả Tình ca du mục và Người đàn bà yêu. Cách đây mấy hôm có một ông khách du lịch cho mười euro để nghe Quốc Tế Ca, thiếu tướng KGB về hưu, nghe xong khoái lắm bảo phải tâm hồn Đông Âu mới chơi được bài này, lại cho thêm mười euro nữa để nghe Ca-chiu-sa, trước khi chia tay, chồng tao chơi tặng Chiều Mát-xcơ-va, thiếu tướng cảm động, rút tờ một trăm mới coong ra tặng. Khán giả hào phóng hiếm như bạn tri kỉ, cả đời mới gặp một lần. Khi li dị, toà bảo chồng tao không có phiếu lương nên xử thằng con về ở với mẹ. Liên im lặng. Căng tin chẳng còn ai. Quán cà phê bên cạnh cũng trống ngoác. Thang máy chạy một mạch lên tầng bẩy. Hành lang thăm thẳm. Nát hoảng hốt hỏi Liên: mọi người đi đâu hết rồi. Vừa nói hết câu thì chuông báo động nổi lên. Hai đứa lao ra hành lang, cửa hành lang đóng chặt. Hai đứa quay lại thang máy, cửa thang máy đóng chặt. Nát mặt tái mét. Tuần trước nó ở lại làm phi ?lương cho Viện, tám giờ năm xuống đến tầng trệt, cửa chính khoá trái, cửa phụ khóa trái. Chồng nó kéo đàn xong về đến nhà mười một giờ đêm, không thấy vợ đâu, gọi điện cho cảnh sát, cảnh sát bảo mất tích quá bốn tám tiếng mới đủ tiêu chuẩn điều tra. Mười hai giờ đêm, chồng nó gọi lại, đòi nói chuyện với thanh tra cảnh sát, thanh tra hỏi tên, họ, quê quán, xong khuyên chồng nó liên lạc với bố mẹ vợ, khả năng tội phạm nghiêng về phía Liban nhiều hơn phía Pháp, cuối cùng đưa cho danh sách mười nhân vật khủng bố nguy hiểm nhất vùng Vịnh. Một giờ sáng, chồng nó vẫy tắc xi đến cổng Viện, đập cửa mười lăm phút, dân xung quanh chõ ra chửi tới tấp. Chồng nó vẫy tắc xi về nhà lấy vĩ cầm rồi quay lại. Kéo xong sô-nát cung son trưởng của Bach thì nó nhận ra. Nát bảo năm năm sống với nhau, nó biết chồng nó yếu ở nốt nào. Liên im lặng. Chuông báo động vẫn kêu điếc tai. Bỗng một nhân viên cứu hỏa, đồng phục đỏ au, nhẩy từ cửa sổ vào kéo hai đứa đến một cánh cửa mở sẵn, đẩy xuống cầu thang rồi hét: chạy đi. Thế là ù té. Tim mấy lần suýt rớt khỏi lòng ngực. Xuống tới mặt đất, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt. Đám đông quay lại trợn mắt nhìn hai đứa, một giây sau phá lên cười, nghiêng ngả, lăn lội. Bà lớn tuổi từng bắt chước thủ tướng Raffarin rạp cả lưng xuống đất. Hai cô tre trẻ ôm nhau rú rít. Bên cạnh, hai mươi bộ quần áo đỏ chạy rầm rập, hai xe cứu hỏa đang kéo vòi rồng và thang dây. Không một sợi khói. Bà thư kí nín cười chạy đến bảo: Viện vừa sửa chữa xong cực kì tốn kém, chiều nay muốn thử bộ còi báo động, nhân viên được lệnh sơ tán xuống sân, nhân tiện gọi cứu hỏa đến tập một thể, chúng mày không đọc thông báo à. Liên im lặng. Nát gườm gườm nhìn bà thư kí. Bà thư kí hãi quá, quay mặt đi. Những người khác cũng im thin thít. Liên nhận ra vũ khí tự vệ của mình. Bỗng thấy Nát như là bạn lâu ngày. Cả viện lại đi lên làm việc. Trong thang máy, Liên nắm chặt tay Nát. Mọi người né ra một bên. Chẳng ai nói năng gì. Năm giờ chiều, hai đứa chia tay ở trạm Nation. Nát bảo: mày ở phía Tây cơ à. Liên ngượng ngịu quay mặt đi...