Những lời phát biểu, ít hay nhiều đều chậm trễ và thay đổi như khiêu vũ, chỉ có con số tử vong là không dấu đi đâu được (10 000, thậm chí 13 000). Thảm kịch xảy ra với nước Pháp hè vừa qua đã đặt người cao tuổi lên hàng đầu tiên của các sự kiện quan trọng. Sẽ còn được bao lâu như vậy? Pascal Champvert chủ tịch ADHPA và Luc Broussy chủ tịch SYNERPA, đã được phỏng vấn nhiều lần bởi giới báo chí, thậm chí cả vô tuyến truyền hình. Thật là đáng tiếc khi mà chúng ta phải mất quá nhiều công sức mới có thể khiến tình trạng thiếu thốn trong các nhà dưỡng lão được nhìn nhận và người cao tuổi được chú ý. Câu hỏi được đặt ra: tại sao những người cao tuổi lại bị qua đời đông như vậy trong đợt nắng nóng đặc biệt vừa qua? Nếu lấy lí do "nóng" thì rõ ràng là khiếm khuyết. Giải thích như thủ tướng Raffarin rằng vì "cô đơn và bị bỏ quên" thì dù sao cũng ít ngây ngô hơn. Ai mà chẳng thấy tỷ lệ tử vong ở thành thị cao hơn hẳn ở nông thôn. Nhưng báo Liberation trong bài xã luận ngày 18 tháng 8 lại nhấn mạnh điểm này như sau: "Raffarin bây giờ mới khám phá ra các cụ già... trong khi chính chính phủ của ông ta đã cắt giảm ngân sách vẫn giành cho lứa tuổi thứ ba"... Rất nhiều bài báo giờ đây đã đề cập đến người cao tuổi và những nhân viên phục vụ họ. Jacques Chirac và Hubert Falco thậm chí còn tuyên bố những biện pháp sẽ thực hiện trong mùa thu tới. Nhưng cũng không đưa chi tiết rõ ràng. Thế nên, chúng ta cần chú ý theo dõi. (tạp chí Vivre 100 ans, 12/02/2003)
Mai Lan đưa cho Liên gói ruốc, bảo: tao nhường cho mày chân trợ lí hội nghị 2005. Tao không đủ kiên nhẫn để làm việc chỗ nào lâu hơn hai tuần. Liên không nói gì đứng lên ra về. Đêm hôm ấy, mơ thấy Pát. Nó nằm trên giường, trắng từ đầu đến chân, bụng dính xuống đệm, tóc đã rụng hết, răng cũng không còn chiếc nào. Bên trên, hai cái chai treo ngược vẫn tí tách chuyển vào hai cổ tay những giọt nước màu sắc rất đáng ngờ. Giọng phều phào, môi trắng bợt, mỗi khi hé ra chỉ thấy một khoảng tối hun hút. Liên phải ghé sát tai vào miệng nó mới nghe được những từ rời rạc. Nó bảo nó chào Liên. Lần này là vĩnh biệt. Nó xuống địa ngục, thế nào cũng bị vứt vào chảo dầu sôi. Nó mơ thấy năm thằng bồ ở nhà máy may La Habana gọi tên nó, kêu khóc ầm ĩ. Cả một cụ già nó từng tắm trước đây. Một cụ già khá là tốt bụng. Hay cho nó tiền thưởng và hỏi chuyện Cuba. Sau đó, nó tuôn ra một tràng tiếng Tây Ban Nha. Không biết có phải vì mê sảng. Liên thức dậy từ năm giờ sáng. Mở danh bạ điện thoại gọi hết mười lăm bệnh viện đa khoa Paris. Đến bảy giờ, người ta vẫn bảo không có bệnh nhân nữ nào gốc Cuba. Chín giờ, đi làm việc, vừa đẩy cửa bước vào, đụng phải Mai Lan ngồi dưới sàn, lưng dựa đi văng, tóc chưa chải, mặt chưa rửa. Mai Lan nhìn Liên bảo: con My đi chơi hơn một ngày không về, gọi vào điện thoại cầm tay, chỉ có mỗi máy nhắn tin. Liên im lặng. Mai Lan lại bảo: cũng chẳng để lại chữ nào. Liên vẫn không nói gì. Mai Lan rủ: tao với mày vào phòng nó xem sao. Liên lắc đầu. Phòng con My, Liên thuộc lòng. Phòng nó, Liên mất nhiều thời gian lau dọn nhất. Tính nó cẩn thận. Nó bắt Liên hút bụi cả tủ đựng quần áo, lau từng đôi giày, xếp sách theo thứ tự chữ cái, giặt ga giường, vỏ chăn và áo gối hàng tuần, giặt xong phải là phẳng phiu, phải trình bày đúng phong cách Pháp. Lần đầu tiên, Liên dọn giường cho nó. Nó vào, khoanh tay nhìn một lượt rồi gọi, đưa cho quyển họa báo Marie Claire: cô Liên mang về nhà nghiên cứu. Liên đọc mất hai buổi tối. Lần sau gặp Liên, nó hỏi ngay: cô Liên đã nghiên cứu xong chưa? Liên gật đầu. Nó bảo: tốt lắm. Nói xong đi ra ngoài. Vừa khép cửa vừa nói: hai mươi phút nữa cháu quay lại. Đúng hai mươi phút sau, nó đẩy cửa vào, kéo khăn phủ giường ra, giở từng thứ bên trong rồi bảo: vẫn chưa hoàn toàn phong cách Pháp, nhưng bước đầu như thế cũng được. Liên không ưa con My, thỉnh thoảng lại nghĩ chưa ai làm Liên rơi giọt nước mắt nào, thế mà mới gặp nó, Liên đã phải chạy vào thang máy nức nở. Sau này, đối diện với nó, Liên mất cả thói quen gườm gườm mỗi khi muốn tự vệ. Mai Lan chịu khó tìm cách hòa giải Liên và con My. Cách đây không lâu, Mai Lan tặng Liên một chiếc khăn bằng len, màu hồng cánh sen. Vòng vào cổ Liên, Mai Lan bảo: soi gương xem, con My chọn đấy, để hai cô cháu lúc nào diện đi chơi. Liên mới đầu cũng khoái khoái, nghĩ bụng con My thế mà tình cảm. Hôm sau, quàng đến làm việc. Vừa thấy cái khăn, con My đã nhíu mày, vào phòng riêng sập cửa lại. Mai Lan chạy đến cười cười với Liên, lôi sang bếp chỉ nồi gà đông mới nấu hôm qua. Liên không nói gì, nhớ lần đầu tiên được Mai Lan cho ăn cỗ Hà Nội, gà đông vừa mềm vừa ngọt. Buổi tối, trước khi leo bảy tầng thang gác, Liên ghé phòng bà gác ổng, đưa cho cái khăn len. Bà gác cổng cảm động bảo: cô Liên hồi này còn cho cả quà, chắc mới tìm được việc lương cao. Liên im lặng. Bà gác cổng bảo tiếp: cô Liên chọn màu khéo ghê, sao biết thích hồng cánh sen. Liên mỉm cười bỏ đi. Mai Lan lại kéo tay Liên: mày vào phòng con My với tao, tự dưng tao lo quá, linh tính toàn điều quái gở. Liên vẫn không nói gì, vào buồng tắm cho quần áo bẩn vào máy giặt. Máy chạy mấy vòng thì kêu khùng khục. Bấm vào nút nào cũng không dừng. Sau phải rút điện. Cạy được cửa thì nước bên trong trào ra trắng xóa. Tìm một lúc thấy cái thắt lưng của con My quên chưa tháo. Mai Lan bước vào, đứng tránh một góc cho Liên lau sàn rồi bảo: tao chỉ lo con My đi tìm bố nó. Liên nhướn mắt. Mai Lan bảo tiếp: mụ vợ của bố nó ghê gớm lắm, con My làm sao lại được. Liên thở dài đi ra ngoài. Thang máy dừng ở tầng trệt mới nhớ máy giặt vẫn đang chạy. Định quay lên rồi lại thôi. Tàu điện ngầm giờ tan tầm. Liên rình mãi mới tìm được một ông già tháo kính, cất báo, đội mũ chuẩn bị đứng lên. Năm phút sau, vừa kịp đặt túi thì thằng tre trẻ ngồi cạnh vỗ vai xin đổi chỗ cho thằng bạn. Thằng bạn, áo da bóng lộn, cổ đeo dây chuyền, ngồi cách đấy vài hàng. Ba bà xồn xồn đang tán chuyện rôm rả. Liên không trả lời, mắt gườm gườm. Thằng tre trẻ quay đầu đi. Một lúc sau, vùng vằng bỏ họa báo ra đọc. Paris Match. Johnny Halliday đeo kính đen, cởi trần, bắp tay săm con đại bàng dang cánh, ôm con gái nuôi gốc Việt mặt tròn, mũi tẹt, mắt một mí. Xung quanh là nước biển xanh. Bên dưới có hàng chữ đỏ: nhờ Jade mà anh ấy thoát cơn bão kiện tụng. Thằng tre trẻ đóng phịch họa báo. Liên ngẩng lên ngó qua cửa sổ. Tàu đi ngang một đường hầm tối om, dây cáp chạm nhau tóe lửa. Lúc ra khỏi toa, Liên nghe hai thằng nói theo rất to: đồ gái già, mặt đã đầy mụn mà mắt còn gườm gườm. Liên không quay lại, không chạy theo phang túi vào hai thằng mất dạy, không giật lấy cái dây chuyền vàng rồi vứt xuống đường ray, tàu điện chạy qua thế nào cũng toé thêm tí lửa nữa. Liên đã quen câu này, cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Quen đến nỗi chẳng thấy giận mà còn hả hê, thế là vũ khí tự vệ cũng hiệu nghiệm. Liên ba mươi lăm tuổi, anh trai Liên về hưu. Thứ trưởng là một chức vụ quan trọng và danh giá. Anh kịp xây một vi-la ở Hồ Tây và một nhà nghỉ ở Đồng Mô. Anh cũng kịp gửi thằng con trai lớn đi thực tập ba năm ở Mỹ và đứa con gái út vào một viện khoa học quan trọng. Anh cơi cho bố mẹ hai mươi mét vuông trên nóc căn hộ tập thể. Anh mua cho vợ xe Dream đời mới. Em út của anh, người đã cùng anh lận đận vì ba mươi sáu tấm ảnh màu, cũng được anh thu xếp cho chân thư kí văn phòng bộ trưởng, nửa năm sau lấy một kĩ sư mới ra trường, lại được anh tổ chức đám cưới đâu vào đấy, cô dâu chú rể ngày hôm sau đến tận nhà cám ơn, tặng anh chị một cái chụp đèn ngủ Trung Quốc màu xanh lá mạ. Nói chung anh trả ơn, trả nghĩa rất thỏa đáng. Nghỉ hưu được nửa năm, anh buồn chán, mang giấy bút ra viết hồi kí. Dàn ý chính bắt đầu từ lúc lên năm, đi học vỡ lòng trường làng và kết thúc ở chiếc ghế thứ trưởng một bộ ngay giữa trung tâm thủ đô. Một tháng sau, anh kể đến thời gian học đại học: mười chín tuổi, tốt nghiệp phổ thông loại trung ình-khá, gia đình có công với cách mạng, đặc cách vào đại học Kinh tế-Kế hoạch, năm thứ nhất không có môn nào dưới năm, tham gia công trường nạo vét hồ Thủ Lệ, cắm trại rừng Cúc Phương, một cặp mắt to đen trong sáng; năm thứ hai, cả miền Bắc bước vào kháng chiến chống Mỹ leo thang, trích máu đòi được ra mặt trận, cận hai phẩy năm, gia đình có công với cách mạng, đặc cách ở lại học tập chuyên môn chuẩn bị cho công cuộc xây dựng hoà bình, tham gia tuần lễ đào hầm trú ẩn khu Hai Bà, thành viên đội tự vệ thanh niên thủ đô, những đêm trực gác súng ngắm trăng, một mái tóc thơm mùi ngọc lan. Anh viết hăng say và không thể không nhớ ông Thanh Hùng và lá quẻ đền Trần thị xã Hưng Yên. Rồi anh vỗ vào đầu mấy cái. Cô em gái, thần nữ cứu tinh của anh, ba mươi lăm mùa pháo nổ chưa cầm cổ tay ai. Cô em gái một thời anh vẫn rủ rỉ hứa trả ơn đầy đủ. Anh quyết tâm từ nay chăm sóc đến cô em. Anh tới xí nghiệp giày vải Yên Viên, gặp ban lãnh đạo. Nữ giám đốc, người từng có ý định phát triển Liên thành cán bộ công đoàn đầu ngành, đồng ý tiếp chuyện anh một tiếng. Nữ giám đốc bảo Liên đáp ứng mọi yêu cầu, từ cái bằng đại học đến tính kỉ luật, đi làm luôn đúng giờ, nghỉ phép không khi nào quá hạn, mỗi năm ba buổi trực đều thi hành nghiêm chỉnh, nhưng sao mà kiệm lời và mỗi khi không đồng ý điều gì, mắt cứ gườm gườm nhìn người đối diện. Nữ giám đốc bảo thật là đáng tiếc. Cán bộ đầu ngành, nhất là ngành công đoàn, phải đi sâu đi sát, hoạt ngữ là cái không thể thiếu. Anh trai Liên hỏi: thế còn chuyện kia. Nữ giám đốc không hiểu. Anh trai Liên hỏi lại: thế còn chuyện đồng nghiệp nam nữ. Nữ giám đốc lạnh lùng trả lời: ban lãnh đạo không có nhiệm vụ quản lý chuyện riêng của nhân viên. Thế rồi đứng lên bắt tay, xin lỗi có cuộc họp đột xuất. Đóng cửa phòng, sang phòng phó giám đốc bảo: anh trai cô Liên từng giữ chức thứ trưởng mà nguyên tắc lãnh đạo chẳng nắm gì cả. Phó giám đốc bảo: hưu non rồi, cũng vì ba cái chuyện trai gái. Anh trai Liên ra về, bữa cơm trưa không động đũa lần nào, vợ hỏi mãi cũng không nói. Buổi chiều, vợ sai ô-sin đi mua hai lạng gan rán và một gói nộm đu đủ, bầy cái bàn xếp lên sân thượng, trên để chai rượu Johnny Walker. Từ ngày anh về hưu, vợ anh cũng học được cách làm việc của các bà vợ có chồng thứ trưởng về hưu. Anh ngồi trầm ngâm. Gió từ Hồ Tây thổi lại càng khiến anh nghĩ ngợi. Một lúc anh lên tiếng gọi vợ. Vợ anh đang gật gù trong phòng ngủ, tay cầm tiểu thuyết Mạc Ngôn chạy ra. Anh làm hiệu cho vợ ngồi xuống bên cạnh. Rồi dốc lòng kể toàn bộ câu chuyện xung quanh lá quẻ đền Trần. Kể xong anh khóc sướt mướt, ngần ấy năm nước mắt dồn lại. Đến lượt vợ anh mếu máo, thế ra cả nhà này nợ ơn cô Liên. Mười lăm phút sau, cơn xúc động cũng qua, vợ anh sai ô-sin phóng xe máy ra vườn hoa Hàng Đậu mua một hộp bánh ngọt Pháp. Rồi bỏ tiểu thuyết Mạc Ngôn vào bếp pha một ấm chè. Hai vợ chồng vừa nhâm nhi vừa nghĩ cách đền bù cô em gái. Vợ anh buột miệng: anh xem mấy ông bạn cũ. Anh cũng buột miệng: lấy mấy thằng góa vợ với ly dị thì ở không còn hơn. Vợ anh nhớ lại buổi liên hoan mừng Liên nhận tháng lương đầu tiên, gần mười năm trước, cười cười bảo: mእy ông ấy bây giờ sáu chục cả rồi, cưới xin gì nữa. Hai vợ chồng sau đó cùng im lặng. Ô-sin lên hỏi tối nay nấu món gì, cả hai nhìn nhau ngơ ngác. Hóa ra tìm chồng cho cô em gái đau đầu thật. Vợ anh xua ô-xin xuống nhà, ra chợ mua mấy lạng thịt quay, hôm nay ăn uống phiên phiến, cả nhà đều bận. Anh nhìn chậu mẫu đơn rung rinh trong gió, đập vào đùi: cô có nhớ thằng Phước lái xe ngày xưa không? Vợ anh sung sướng bảo: a, chú Phước mình hay sai đi mua hoa tết. Anh gật đầu. Vợ anh bỗng cau mày: chú Phước vợ con đề huề cả rồi. Anh gắt: nhưng em trai nó bốn chín tuổi vẫn chưa có ai. Vợ anh hỏi: chắc không? Anh bảo: đứng lên tìm cho tôi sổ công tác 90-95. Điện thoại reo một lần đầu kia đã cầm máy. A lô, Phước hả, thủ trưởng cũ đây. Tình hình thế nào. Lên chức ông rồi chứ. Tổng cộng mấy đứa. Vậy hả. Tốt lắm. Này, cậu có nhớ con Liên em gái mình không. ừ, vẫn chưa chịu lấy ai. Không biết cầm tinh con gì mà cao số quá, chỉ ham công tiếc việc. Thằng em cậu lập gia đình chưa. Chưa hả. Tốt lắm. Hay để cho hai đứa chúng nó gặp nhau. Chủ nhật này. Được rồi, mình kiếm chai rượu lai rai. Thế là một ngày oi bức năm 2000 trở thành buổi ra mắt đầu tiên của Liên. Liên ba mươi lăm tuổi chín tháng bảy ngày. Tối hôm trước, chị dâu Liên gọi điện nhắn lại mỗi câu: chiều ngày mai lên anh có việc gấp. Liên bước vào phòng khách thấy anh trai đang ngồi giữa hai người đàn ông. Bên trái là anh Phước lái xe, đã từng mang chậu đào Nhật Tân đến nhà. Bên phải là một anh đeo kính đổi màu, đội mũ nồi, mặc quân phục tháo lon. Trên bàn bầy chai rượu Johnny Walker uống dở và bộ cốc in hình vũ nữ tăng-gô anh trai Liên mang về, sau một đợt công tác ngắn ngày ở Madrid. Anh Phước bảo: cô Liên còn nhớ tôi không? Liên gật đầu. Anh trai Liên bảo: cô em ngồi đây nói chuyện cho vui. Liên im lặng, không hiểu có dịp gì mà anh trai lại mời mọc cẩn thận thế. Anh Phước bảo: giới thiệu với cô Liên đây là Thước, em trai tôi, bộ đội chuyển ngành. Nói xong uống nốt cốc rượu rồi nháy mắt với anh trai Liên: chú Thước với cô Liên ngồi chơi, tôi tháp tùng thủ trưởng đi mấy việc. Anh trai Liên bảo: cậu Phước cứ nổ xe trước, tôi tìm cái cặp rồi ra ngay. Anh lên tầng hai, vào phòng ngủ, giật tiểu thuyết Mạc Ngôn từ tay vợ: cô xuống ngồi cạnh con Liên một tị. Chị dâu Liên tỉnh ngủ, vào toa lét, chải đầu, khoác thêm cái áo vét, giữ nguyên quần hoa và dép lê đi xuống nhà. Qua bếp, thấy ô-sin đang ngồi nhể ốc luộc thì dừng lại hỏi: mày mua ốc ở đâu đấy. Ô-sin ngừng tay bảo: cô ăn đi, ốc còn nóng nguyên, cháu vừa mua ở nhà hàng đặc sản Bảy Mẫu. Chị dâu Liên bảo: con này giỏi nhỉ, tao cũng chưa mò ra chỗ đấy bao giờ, đưa tao một con ăn thử. Thế là cởi áo vét, ngồi xuống nhể ốc với ô-sin. Bên cạnh vô tuyến chiếu phim tâm lý xã hội Hàn Quốc. Ngoài phòng khách, Liên im lặng nhìn hình vũ nữ tăng-gô trên cốc rượu trước mặt. Một lúc sau, phát hiện bông hoa trà cài trên tóc vũ nữ bị rơi gần hết cánh, chắc ô-sin xát xà phòng quá tay. Quay ra Thước, thấy Thước đã thiu thiu, đầu ngoẹo sang một bên, kính rơi xuống mũi, nước bọt trào ra hai mép. Chị dâu Liên nhể xong chỗ ốc luộc, sai ô-sin đi mua chè sen dừa về ăn cho đỡ tanh mồm. Ô-sin mang về hai túi chè, lại sáng kiến mua thêm bốn cặp bánh do. Vào trong bếp thì thào: cô Liên với chú Thước đang ngủ gật ngoài phòng khách, có lẽ say rượu ngoại. Chị dâu Liên rối rít: đưa tao cái khăn mặt ướt. Rồi chùi vội tay, khoác vội áo vét, đi ra ngoài, cổ áo còn chưa kịp bẻ, khăn mặt vứt vào bát nước chấm. Chạy ra giữa phòng khách e hèm một cái. Thước giật mình đứng phắt dậy, đưa tay vuốt quân hàm tưởng tượng, rồi nghiêm người: tôi, Nguyễn Đình Thước, thượng úy xuất ngũ. Đúng phong cách quân đội. Toàn thân là một khối vuông vắn màu xanh lá mạ. Chiếc mũ nồi đen như một cái núm không biết đậy vào đâu. Liên cũng giật mình, ngượng ngịu nhìn hai người. Chị dâu Liên bắt tay Thước rồi ngồi xuống đi-văng. Thước ngồi theo, tháo kính ra lau, lau xong giơ lại gần, cau mặt bảo: chết thật, lúc nãy ông Phước dục đi, cầm nhầm kính của thằng Đước, hèn nào cái gì cũng tối như đêm ba mươi. Chị dâu Liên quay sang cũng hốt hoảng bảo: mắt chú Thước bị ong đốt hay sao mà sưng thế kia. Rồi hét ô-sin mang cho chai cồn 90 và gói bông y tế. Liên cũng ngẩng lên nhìn thì thấy mắt phải của Thước phồng to như quả nhót, lòng trắng vằn vện những tia máu đỏ, lòng đen không hiểu biến đâu. Thước đứng lên rút từ túi ngực một cuốn sổ bìa đỏ bọc ni lông, dí sát vào bên mắt không sưng, rồi đằng hắng đọc: Nguyễn Đình Thước, thượng úy, thương binh năm trên bảy, chế độ đãi ngộ loại A. Đọc xong đút lại thẻ vào túi ngực, nghiêng người chào chị dâu Liên rồi đi về phía cửa. Chị dâu Liên vội vàng bảo: chú Thước hượm đã, mắt mũi thế kia đi đâu, con nhà quê chui vào chỗ nào mà lâu thế. Ô-sin tắt vô tuyến trong bếp chạy ra gắt gỏng: không phải lỗi tại cháu, ai bỏ chai cồn 90 ra nướng mực chiều hôm kia? Chị dâu Liên cười cười: ừ thì lỗi tại tao, bây giờ mày đèo chú Thước về nhà nhé. Ô-sin hất hàm: ở đâu? Thước dõng dạc: cửa hàng bách hoá Văn Điển rẽ phải năm trăm mét, gặp bưu điện Thường Tín rẽ phải tiếp, ba cây nữa gặp một bụi tre, rẽ phải lần nữa là đến nơi. Ô-sin quay sang chị dâu Liên: cô biết đi xe máy, cô đèo chú Thước về nhà, cháu chịu thôi, đường xá gì như mê cung. Chị dâu Liên lại cười cười: tao đi thì còn nói chuyện làm gì nữa. Chú mày dặn là xuống ngồi với cô Liên. Ô-sin bảo: cháu đưa chú Thước về tới nhà an toàn, cô phải trả công cháu. Chị dâu Liên bảo: được rồi, tao cho mày năm nghìn muốn mua gì thì mua. Ô-sin bảo: cô cho mười nghìn thì cháu đi. Chị dâu Liên bảo: mày thấy tao cần thì bắt bí nhỉ. Ô-sin bảo: cô có đồng ý không, cháu còn vào bếp xem nốt phim truyỊn Hàn Quốc, đang đoạn gây cấn. Chị dâu Liên tặc lưỡi: thôi không đôi co với mày, nhanh lên không chú Thước đợi. Ô-sin làu bàu ra cửa. Thước đi sau. Chị dâu Liên chạy theo dặn: chú Thước ôm người nó chặt vào, con này phóng kinh lắm đấy. Thước đưa tay quàng vào eo ô-sin. Ô-sin nhấn ga, đeo kính, thả tóc cho gió bay, trước khi đi còn ngoái lại bảo: tí nữa về cô phải trả cháu mười nghìn đấy nhé, có cô Liên làm chứng. Chị dâu Liên đi vào, ngồi phịch xuống đi-văng, thở dài: thời buổi này, có ô-sin cũng dở mà không có cũng dở. Cãi chủ như hát hay. Chỉ giỏi ăn quà. Nói đến đây, nhớ ra hai túi chè sen dừa, lại chạy vào bếp. Một lúc sau, mang ra hai bát ăn cơm, đưa cho Liên một bát: cô Liên ăn chè đi, con ô-sin lên tận phố hàng Điếu mua về, từ hồi anh nghỉ hưu, trong nhà lúc nào cũng phải có cái gì để sẵn. Liên cầm bát chè để lên bàn: hôm qua chị nhắn mẹ bảo em lên có việc gấp. Chị dâu Liên bảo: anh dặn thế, để gặp anh em nhà chú Phước. Liên bảo: em gặp rồi. Chị dâu Liên giật mình: cô gặp lúc nào? Liên bảo: anh Phước tháp tùng anh đi một số việc, còn anh Thước vừa ngồi đây xong. Chị dâu Liên ngơ ngác: ơ, thế chú Thước là em của chú Phước à? Liên gật đầu. Chị dâu Liên hốt hoảng: sao cô không bảo tôi? tôi cứ nghĩ là khách đến đợi anh. Liên im lặng. Chị dâu Liên hỏi: cô thấy chú Thước thế nào? Liên thở dài đứng lên: chị bảo anh là em về trước. Sau Thước, anh trai Liên còn tìm được hai ứng cử viên nữa. Người đầu tiên là một giáo viên thể dục bốn mươi bảy tuổi, góa vợ, gặp Liên một lần, hứa gọi điện thoại lại cho anh trai Liên, sau đó biệt tăm, chị dâu Liên sai ô-sin đến dò ô-sin nhà hàng xóm thì hay giáo viên thể dục đã tìm được một một giáo viên nữ công, trẻ hơn sáu tuổi, có một nốt ruồi to bằng hạt cơm trên gò má phải. Mấy tháng sau, có lẽ đã cưới hỏi xong xuôi, gọi điện cho anh trai Liên chỉ để bảo mỗi câu: cô Liên mặt đã đầy mụn, mắt còn gườm gườm. Người thứ hai là trưởng phòng kế toán-tài chính một xí nghiệp đánh cá Hải Phòng, bốn mươi lăm tuổi, chưa vợ, có tật nhẹ ở chân trái, gặp Liên mười lăm phút thì xin phép về có cuộc họp khẩn cấp, cuối tháng gửi giấy mời anh trai Liên đến dự đám cưới, cô dâu tên là Nguyễn Thị Xuân Lan, không hiểu bao nhiêu tuổi, làm nghề gì, hình thức ra sao, tất nhiên giấy mời không ghi, ô-sin cũng không lăn lội xe máy lên Hải Phòng mà điều tra, chẳng để làm gì. Sau đó ít lâu, gặp lại anh trai Liên trong một dịp về Hà Nội công tác, hỏi thăm Liên xong lắc đầu: cô Liên mặt đã đầy mụn, mắt lại còn gườm gườm. Anh trai Liên và vợ từ đó lại bắt đầu những buổi chiều trên sân thượng, nhâm nhi bánh ngọt Pháp với chè sen, tìm cách trả ơn cô em gái. Anh trai Liên giở bốn cuốn sổ công tác tương đương với hai mươi năm làm lãnh đạo, gọi đến vài chục số điện thoại, vừa lộ ý định kiếm chồng cho em gái, các cựu nhân viên cấp dưới đã tìm cách lảng, có người còn tỏ vẻ coi thường ra mặt. Phước là cựu nhân viên đầu tiên anh gọi điện, cũng là người duy nhất đáp lại gợi ý của thủ trưởng cũ. Anh chua chát nghĩ chẳng qua vì em trai Phước hâm hâm dở dở, lúc tưởng mình là thương binh hạng nhất, lúc tưởng mình là nhà khoa học trứ danh, cả hai đều bị thương ở m ?vì những lý do cao cả, gia đình hơn bốn mươi năm chịu đựng, tìm cách quẳng đi cho khuất mắt. Vợ anh rời tiểu thuyết Mạc Ngôn cũng vắt óc nghĩ ngợi. Cả tháng liền ô-sin được lệnh ra chợ mua cái gì cho nhanh, ăn uống phiên phiến, nhà hôm nay rất bận. Bánh ngọt Pháp chất đống trong tủ lạnh, anh chán đầu tiên, sau đến vợ, rồi ô-sin cũng lắc đầu lè lưỡi, chỉ bổ ô-sin nhà hàng xóm. Một hôm không chịu được anh bảo: khi tôi đương chức, đố thằng nào dám qua mặt. Vợ anh nhìn anh vật vã khổ sở thì bảo: thực ra lỗi chẳng tại mình, cô Liên mặt mũi như thế từ bao lâu nay, mười lăm năm trước kiếm chồng cũng khó. Anh im lặng không phản đối. Gió từ Hồ Tây vẫn làm anh áy náy không yên. Vợ anh một hôm nhể ốc luộc trong bếp với ô-sin, nghe ô-sin kháo chuyện cô Linh ba mươi chín tuổi được cả phố mệnh danh Thị Nở tân thời, đi Tây học tự túc chín tháng, về nghỉ hè vác theo một cậu bồ mắt xanh mũi lõ, trẻ hơn chín tuổi, cứ chín phút lại dằn ngửa nhau ra để nhè nước giãi vào mồm. Cô Linh bảo sẽ làm đám cưới thật to để cả phố lác mắt. Vợ anh thuê ô-sin sang hóng hớt nhà cô Linh. Ô-sin bảo: cô hợp đồng cháu chọn gói năm mươi nghìn năm ngày, may ra tình báo được tin hay. Vợ anh nghĩ ngợi một lúc gật đầu, lại dặn thêm: mày xong việc, tao có thưởng. Ô-sin đi biền biệt, nhà không dọn, bát không rửa, quần áo không giặt, buồng tắm ướt sũng, toa lét vàng khè. Đến ngày thứ sáu, chín giờ sáng vẫn chưa dậy. Vợ anh sốt ruột vào giật chăn. Ô-sin gắt: cô để cháu ngủ thêm tị nữa, hôm qua cháu phải tình báo cho cô đến mười hai giờ đêm. Vợ anh bảo: mười lăm phút nữa tao xuống, mày chưa dậy, tao trừ năm nghìn. Ô-sin bảo: được rồi, cô ở lại, cháu kể ngay bây giờ. Vợ anh đắc chí ngồi xuống đầu giường. Ô-sin vừa lấy khăn lau mặt vừa bảo: cuộc sống kiểu Tây đồi trụy thật cô ạ, hôm nào cháu sang dòm cũng thấy cô Linh với thằng ấy trần truồng vật nhau giữa nhà, cô Linh ngồi trên uốn éo, thằng ấy nằm dưới rên hừ hừ. Cháu nghe cô Linh khoe với bạn bè là thằng ấy mê cô Linh như điếu đổ, hàm răng vẩu của cô Linh cũng cho là có một không hai. Vợ anh bảo: mày nói thật hay đùa. Ô-sin bảo: cháu nói điêu cháu chết. Vợ anh đưa năm mươi nghìn cho ô-sin rồi lên phòng lay người anh. Vợ anh bảo: chỉ còn mỗi cách này thôi mình ạ. Anh mở mắt. Vợ anh bảo tiếp: làm sao cho cô Liên ra nước ngoài được thì tốt. Anh nhíu mày. Vợ anh lại bảo: cô Liên chẳng hy vọng lấy chồng được ở đây. Rồi bắt đầu kể chuyện cô Linh đầu phố. Kể đến đoạn cô Linh ngồi trên, cậu bồ nằm dưới, anh đờ đẫn, nhắm mắt lại, nôn nao nhớ em út bụ bẫm. Em út cũng thích ngồi trên, người cứ như không xương, hai bầu ngực nẩy tưng tưng, nước chảy ướt nhòe hết bụng. Vợ anh hỏi: ý mình thế nào? anh mở mắt, ngáp mấy cái rồi bảo: con Liên ra nước ngoài làm sao. Vợ anh nghĩ ngợi: hay xin cho nó đi học tự túc vậy. Anh bảo: cô bỏ tiền ra nhé. Vợ anh lắc đầu: không thì mình còn dằn vặt không yên. Anh quát: đi chỗ khác cho tôi ngủ, cái đó sẽ tính. Câu cửa miệng của anh bao giờ cũng có tác dụng kết thúc mọi cuộc tranh luận. Vợ anh im lặng ra ngoài. Anh nhắm mắt thả trí tưởng tượng theo hai bầu ngực nẩy tưng tưng của em út, quờ tay xuống dưới chạm phải dương vật cứn đơ, không ngờ gần lục tuần vẫn còn thèm khát. Chồng cầm tinh con tí, vợ cầm tinh con mão, hai mươi năm không còn nằm chung. Mới đầu anh bảo kê thêm cái giường đơn trong phòng làm việc, lúc nào đi họp về muộn đỡ phải đánh thức vợ. Về sau, phòng làm việc trở thành phòng riêng, giường đơn được thay thế bằng giường đôi, bên cạnh khẩu hiệu học, học nữa, học mãi, treo thêm một bộ loa, bên dưới là một dàn hi-fi gồm vô tuyến, đầu vi-đê-ô và máy nghe xi-đi. Ô-sin đến làm việc, tuần đầu tiên vớ được hai quyển Play Boy dưới gối. Tuần thứ hai, được ba cái băng con heo trong ngăn kéo tủ tường. Tuần thứ ba, được một đĩa nhạc kích động vẫn còn nằm trong máy. Ô-sin thích lắm. Từ đó rất chịu khó vào dọn dẹp. Một khi đã ở bên trong, đóng chặt cửa, bật đèn ngủ, nằm dạng chân trên đệm xem con trai con gái vật nhau. Trước khi ra ngoài để lại chỗ cũ. Vài lần quên, quyển Play Boy mở đôi giữa giường, phim con heo bước vào đoạn kết, anh về chẳng nói gì, thỉnh thoảng còn ngồi xuống xem tiếp. Vợ anh cũng chẳng nói gì, không biết có nhìn thấy không. Vợ anh trước gõ máy chữ cho đại sứ quán Việt Nam ở Bun, người Thái Bình, trình độ cấp hai, được chân ấy nhờ ông chú họ làm việc trong bộ Ngoại Giao. Biết chồng có em út, nóng giận một thời gian, lên hàm thứ trưởng phu nhân thì không bao giờ để ý tới chuyện cũ. Nhu cầu sinh lý chuyển thành nhu cầu ẩm thực, khám phá cơ thể đàn ông không xong, quay ra khám phá quán xá Hà Nội, đi làm về là lang thang ngõ ngách, từ ngày có ô-sin tìm được đồng minh, hai cô cháu thi nhau săn hàng quà, chán chê lại quay về ốc luộc, có ngày tiêu thụ vài cân. Ô-sin là đồng hương Thái Bình, ở lâu thành người trong nhà, nghĩ gì nói nấy, không biết giữ ý giữ tứ bao giờ. Mặc áo dây, vú nhảy ra ngoài gần một nửa, kêu oai oái khi anh trai Liên đi ngang quệt tay vào, lúc thì vô tình lúc thì hữu ý. Vợ anh nghe thấy chạy ra ngó một cái rồi quay đi. Lần sau đi siêu thị, thấy áo dây đại hạ giá, lại vác về cho ô-sin hai chiếc. Vô cảm như thế nhưng là độc giả tận tụy của tiểu thuyết Mạc Ngôn và khán giả trung thành của phim truyện Hàn Quốc. Vừa nhể ốc luộc vừa tranh luận với ô-sin, con nhân vật chính khôn ở đâu để con em họ cuỗm mất chồng chưa cưới, con em họ ghen thế mới gọi là ghen, tính cách phương đông thâm thật. Anh không hiểu vợ. Hơn ba mươi năm sống cạnh nhau anh không hiểu vợ đơn giản hay thâm cay, chỉ thấy nhiều bất ngờ. Bất ngờ thứ nhất là năm 1982 bảo nên rời sứ quán, về nước chạy chân vụ phó. Bất ngờ thứ hai là năm 1995 thuê thám tử theo sát cả tháng liền. Bất ngờ thứ ba là ba mươi sáu ngày sau, bí mật lên gặp bộ trưởng xin lại ba mươi sáu tấm ảnh màu. Bất ngờ thứ tư là đầu năm 2000 đồng ý đứng ra tổ chức đám cưới cho em út. Có thể giữa mười tám năm ấy còn những bất ngờ khác. Trí nhớ ít khi cùng chiều với thời gian. Nhưng bất ngờ cuối cùng thì anh không quên: cuối năm 2000 bán xe đờ-rim đời mới lo cho Liên thị thực vào Pháp học tự túc, hai tháng sau mở lọ thủy tinh dấu trong gậm giường lấy một nghìn đô-la mua cho Liên vé máy bay Hanoi-Paris. Bất ngờ cuối cùng được giữ đến phút cuối cùng. Hai anh em chia tay ở sân bay. Anh bảo: thôi em gái lên đường may mắn. Liên m lặng, trên lưng là một ba lô mì ăn liền, tay phải là túi du lịch đựng lạc rang và cơm khô, tay trái là túi du lịch đựng hai quyển từ điển Việt-Pháp và Pháp-Việt. Ô-sin bỗng dưng bảo: chín tháng nữa cô Liên mang về một cậu người yêu mắt xanh mũi lõ. Anh giật mình quay sang vợ. Vợ cười cười. Liên nhìn anh trai và chị dâu, không nói gì. Sau này, cũng không viết thư hỏi ai là người đã làm chuyện này từ A đến Z. Bốn năm thế mà cũng qua. Ô-sin có lẽ đã chán đợi xem mặt người yêu cô Liên. Anh trai và chị dâu cũng hết áy náy về cảnh độc thân của em gái. Anh trai Liên chịu đựng tuổi già một cách khó nhọc. Ba ngày lại lên một cơn nhớ em út. Play Boy bây giờ không còn dấu dưới gối mà lăn lóc khắp nhà, có quyển chạy cả vào toa lét. Phim con heo, khuân về từng chồng, phim nào cũng chỉ xem được mười lăm phút. Nhạc kích thích thì biến hẳn. Ô-sin cũng không nghe nổi một phần tư, đem cho con bé bán ốc luộc. Lần sau gặp lại, nó đưa trả bảo cho bảo tàng được rồi. Ô-sin ngượng, ném vào sọt rác. Chị dâu Liên vẫn chăm chỉ khám phá các hàng quà. Hình như được tuổi già bỏ quên. Một năm vài lần gửi cho Liên ô mai, táo dầm, mứt sen. Có khi còn kèm hai quả trứng vịt lộn chưa luộc cộng rau răm và gừng tươi thái nhỏ. Liên cúi đầu bước. Chẳng có điều kì lạ nào xảy ra. Trí tưởng tượng tồn tại còn điều kì lạ thì không.