Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Paris 11 tháng 8

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 15535 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Paris 11 tháng 8
Thuận

Chương 9
    Sau thảm họa gây nên cái chết của 15 000 người hè vừa qua, chính phủ Raffarin không nhắc lời nào đến sự vắng mặt của mình, đã lên tiếng ca ngợi ‘lòng tận tụy đặc biệt của các nhân viên y tế’, cùng với lời hứa về một phần thưởng ngoại lệ cho những nhân viên được tổng động viên. Đầu tháng 12, chính phủ thông báo rằng sẽ chuyển tiền thưởng ‘nếu có thể’ vào dịp Noel theo ba rem như sau: 90 euro cho những ai làm việc từ 1 đến 5 ngày trong trận nắng nóng và 130 euro cho người làm việc nhiều hơn. ít lâu sau, chính phủ đã đưa cho mỗi bệnh viện một phong bì chung, được tính áng chừng và trao nhiệm vụ cho ban giám đốc phân chia số tiền đó. Các bệnh viện tự dưng có quyền đặt ra những tiêu chuẩn chia tiền theo cách của mình và việc chia này đã được thực hiện khá là mất thời gian. Ví dụ, một y sĩ của bệnh viện thành phố Nice - một năm sau - nhận được 31,56 euro, cho 6 ngày làm việc liên tục, thật khác xa với lời hứa của chính phủ. Phần thưởng này là một cách để chính phủ trốn tránh việc giải quyết vấn đề sức khoẻ nhân dân đến nơi đến chốn. Khi mà lời hứa ấy được đưa ra, vào cuối tháng 8 năm 2003, nó đã gây nên sự phẫn nộ trong rất nhiều cơ sở y tế, người ta cho rằng cung cấp quạt và nhân viên cho các bệnh viện và nhà dưỡng lão thì cấp bách hơn nhiều. Hè 2004 chẳng khác gì năm ngoái : khắp nơi đều thiếu nhân viên và các phòng bệnh vẫn bị đóng im ỉm (báo Lutte ouvriere,13/08/2004)
Bến tàu điện ngầm chủ nhật vắng tanh. Một đầu tàu lừ lừ đi đến. Cửa tự động mở. Trong toa không một bóng người. Liên ngồi xuống băng đầu tiên. Thở mạnh. Khói trắng tỏa ra như đầu máy hơi nước. Liên đứng lên, chọn một ghế cạnh cửa sổ bên phải. Rồi lại đứng lên, chọn một ghế cạnh cửa sổ bên trái. Cuối cùng chọn một ghế giữa toa, có thể quan sát được nhiều nhất. Bấy giờ mới thấy toàn thân nóng ran. Lưng đẫm mồ hôi. Khăn quàng xiết mấy vòng quanh cổ. Có lẽ vì chạy khiếp quá. Tim Liên từ bé chưa bao giờ khỏe. Lúc mười tuổi, một lần chân bỗng co lại rất đau, bác sĩ bệnh viện Bạch Mai bảo thấp khớp lâu ngày chuyển lên tim. Từ đấy thấy tim đập mạnh hơn thật. Tàu lao vun vút. Nghe cả tiếng gió rít bên ngoài. Băng ghế trước mặt, một tờ họa báo nằm lim dim. Tom Cruise cầm tay Catherine Jeta-Jones. Liên thở dài, đặt lại chỗ cũ, có lẽ khu nhà Mai Lan đang náo loạn vì xe cấp cứu, con My không đọc được họa báo chắc tức lắm. Liên nhớ Pát. Lần đầu tiên gặp nhau, nó cũng bảo Liên: cà phê nhé. Nhưng lúc nói câu này, nó với con My chẳng có gì giống nhau. Nó nhoẻn miệng cười rất tươi. Hàm răng trắng và khỏe. Con My không thèm nhìn, cắm đầu xem Paris Match. Liên có cảm giác Pát là lửa còn con My là nước. Lạ thật, mới nhìn đã nghĩ ngay tới nước. Tàu chui vào một đường hầm kín bưng rồi chạy vụt ra ngoài, cao hơn hẳn mặt đất vài chục mét. Trời xẩm tối. Liên nhìn đồng hồ đã thấy năm giờ. Quang cảnh đìu hiu. Những dãy tập thể cao tầng giống hệt nhau, từ cái đu quay trẻ con đến bụi cây trước cổng, từ dãy thùng rác màu xám đến dây quần áo phơi trên ban công. Một ngôi nhà thấp nằm ven đường quốc lộ, mái đen kịt, nửa tường bên cũng đen kịt, có vẻ mới thoát khỏi một trận hỏa hoạn. Cạnh nhà là tấm biển treo dọc: Khách sạn Kì nghỉ đẹp, 25 euro một ngày, 150 euro một tuần. Không thấy sao nào. Tàu chạy một mạch, mười phút sau đỗ lại một ga rất to. Năm sáu đường tàu bắt chéo. Cột điện tua tủa. Dây điện chằng chịt. Mấy toa tàu im lìm một góc đằng xa. Vài ca bin bằng kính trống rỗng. Trên bến hai vợ chồng hai đứa con, măng tô len, mũ len, khăn len, tất cả cùng một màu xám. Liên bước ra. Chục mét lại có một tấm bảng dài chữ trắng trên nền xanh đậm. Đánh vần một lúc cũng đọc được một cái tên vô nghĩa. Chạy lại gia đình len xám. Bà vợ lắc đầu. Ông chồng lắc đầu. Bốn cánh tay xua xua, dọn lối cho hai đứa con, rõ là các vị phụ huynh kiểu mẫu. Liên trơ lại giữa ga dưới ánh đèn vàng nhạt. Tặc lưỡi ngồi đợi. Tính kiên nhẫn được những cái mụn trên mặt dạy cho miễn phí từ bé. Ngày là đơn vị thời gian nhỏ nhất. Mấy cột điện biến thành những trục tung đen thẫm còn toa tàu bỏ không là một trục hoành, còn đen hơn nữa. Giấc ngủ như trò chơi xếp hình, có khả năng mỗi tích tắc tạo nên một quái đản. Năm phút gục đầu trên thành ghế, hiện ra ba trăm quái đản khác nhau, từng cái một, nhịp nhàng, như thể một máy chiếu vô hình đã lắp sẵn ba trăm tấm phim, rồi vài giây tự động nhả một hình ảnh. Quái đản đầu tiên, nửa trên của Tom Crusie, nửa dưới của hà mã. Quán đản thứ hai, tóc và miệng của Pát, mắt của cô thư kí ANPE, mũi của bà gác cổng. Quán đản thứ ba trán hói của thày giáo vi tính, mũi đại bàng của Pedro, đôi môi dày của giáo viên. Quán đản thứ tư nửa trên của Mai Lan, nửa dưới của con chuột sạch đẹp tầng sáu. Quán đản thứ năm hoàn toàn của Tom Cruise nhưng tóc lại của Catherine Jeta Jones. Quán đản thứ sáu, hói đến tận đỉnh, nhưng mắt mũi miệng đều của bà váy đỏ. Quán đản thứ bảy, toàn bộ của bà già hàng xóm nhưng lắp miệng con My. Sau đó thì không nhớ gì nữa. Hình như Mai Lan nhăn nhở. Tom Cruise ngây ngô. Pedro hềnh hệch. Pát mếu máo. Thầy giáo vi tính rầu rĩ. Hà Mã bảnh bao. Giáo viên tủm tỉm. Đúng năm phút 0 giây một tích tắc, có tiếng phì phò bên cạnh. Liên mở mắt. Đã tưởng phải chứng kiến quái đản thư ba trăm linh mốt. Một cục thịt chìm nghỉm trong mũ lông, chừa ra hai lỗ rộng, liên tục phả những luồng khói đục. Liên đứng lên, bấu vào tay một cái thật đau, rồi quả quyết trước mặt là một con gấu. Liên quay lưng chạy. Con gấu giơ tay phải tóm đúng gáy. Buốt đến tận xương. Liên giơ chân đạp. Con gấu không nhúc nhích. Bàn chân Liên ê ẩm, như va phải thanh sắt cứng. Liên giơ tay đấm. Con gấu không nhúc nhích. Nắm tay Liên bật ra, như đấm phải đệm lò xo. Liên ngẩng lên gườm gườm nhìn con gấu. Cách đây hơn ba mươi năm khi Liên còn ở mẫu giáo, đau quặn bụng mà cô giáo không cho ngồi bô, lại phát cho một cái vào mông đau điếng khiến phân phụt ra ngoài. Cho đến hết năm học, Liên quyết định không nhả một lời, cô giáo nói gì chỉ gườm gườm nhìn lại. Cô giáo khó chịu lắm, thỉnh thoảng phát cho một cái vào mông, rồi bảo đồng nghiệp và bố mẹ là Liên có vấn đề tâm lý, mắc thói làm nũng bất thường. Hôm liên hoan trước khi nghỉ hè, cô giáo làm một vòng hôn cả lớp, đến gần Liên thì dừng lại rồi quay mặt đi, một lúc sau phàn nàn với cô hiệu trưởng sao tự dưng nhức đầu quá, cô hiệu trưởng cho một viên thuốc átxpi- rin cũng không đỡ, hết giờ phải nhờ đồng nghiệp đèo về. Cái nhìn gườm gườm từ đấy trở thành vũ khí tự vệ của Liên. Cũng như với cô mẫu giáo, nó làm người ta khó chịu vô cùng. Ai cũng bảo mặt đã đầy mụn mà mắt còn gườm gườm. Pát từng chứng kiến Liên gườm gườm bà tóc quăn hôm cả lớp cãi nhau về Hiến Pháp Châu Âu. Nó bảo: vũ khí tự vệ của mày dở lắm, bà tóc quăn muốn đuổi người nước ngoài ra khỏi Pháp thì mày phải hành động theo hai cách: cách côn đồ là xông vào tát cho một cái, cách lịch sự là yêu cầu mọi người làm chứng rồi kiện ra toà. Phân biệt chủng tộc là một vấn đề cực kì nhạy cảm ở phương Tây, không khác gì quấy nhiễu tình dục. Trong cả hai cách, chẳng đứa nào động được vào lỗ chân lông của mày. Thế mới gọi là tự bảo vệ. Cái gườm gườm của mày chỉ làm cho người ta ghét. Không khiến ai có thêm cái sẹo ở mặt. Không đưa được ai vào nằm nhà đá. Liên im lặng nghe Pát phân tích. Nó có lý nhưng hơn ba mươi năm, cái gườm gườm đã thành phản xạ, đến nỗi Liên không thể thay thế bằng một nụ cười, hay một cái phẩy tay, một cái nhếch mép, một cái bĩu môi, một cái cong mũi. Thế là vẫn gườm gườm. Con gấu cũng ngán, cụp mắt xuống, hỏi: về Paris không? Liên gật đầu. Con gấu không nói gì quay đầu bước, kéo Liên theo sau. Cả hai xuống thang máy, đi hết một hành lang rất rộng vắng tanh, lên một thang máy khác, lại một hành lang rất dài, cuối cùng dừng lại trước bãi để xe. Con gấu tiến lại một chiếc màu sáng, hai thành méo mó, một bên kính thủng một mảng to. Con gấu đưa chân đá mạnh. Cửa xe bật ra. Thoắt một cái, Liên đã thấy mình ngồi ở ghế trên. Thoắt một cái nữa, lại thấy dây bảo hiểm bó ngang lưng và ngực. Con gấu vòng qua mũi xe sang cửa bên kia, ngồi xuống ghế, mở khóa mô tơ, đạp chân hai cái. Xe kêu khè khè rồi lao đi, mùi xăng cháy khét lẹt. Con gấu một tay giữ vô lăng, một tay cởi áo, cởi mũ, liên tục than nóng. Liên không quay sang. Nhìn qua gương xe, thấy một khuôn mặt tròn vo và đỏ lựng. Toàn bộ bên dưới bị bóng tối che khuất. Liên nghĩ thế cũng đỡ phải nhìn bụng và đùi, rồi quay đầu ngó cảnh bên ngoài. Con gấu hỏi: có đói không? Liên lắc đầu. Có khát không? Liên lắc đầu. Có mệt không? Liên lắc đầu. Có lạnh không ? Liên lắc đầu. Một bài báo của tạp chí Phụ Nữ Hiện Đại được đặt tên rất khiêu khích: Béo phải chăng là dấu hiệu của bất lực? Tác giả bài báo đã hỏi ý kiến bẩy phụ nữ ở các lứa tuổi khác nhau, các tầng lớp xã hội khác nhau. Chị thứ nhất bảo: đàn ông béo lên giường chỉ để thở, tôi đã đạp một thằng tình nhân chín mươi tám cân từ giường xuống đất vì đợi đến hai giờ sáng mà nó không qua phần hành động. Chị thứ hai bảo: đàn ông béo lên giường chỉ để tâm sự, tôi có phải bác sĩ tâm lý học đâu mà nghe chúng nó than vãn sự đời. Chị thứ ba bảo: đàn ông béo lên giường chỉ để được ve vuốt. Tôi không phải là bà bô cũng không phải là gái làm tiền. Chị thứ tư bảo: đàn ông béo lên giường chỉ để có cảm giác an tâm. Chúng nó luôn bị chứng nhồi máu cơ tim ám ảnh nên rất cần có một người nằm cạnh. Tôi thà ngủ một mình còn hơn đang đêm phải gọi xe cấp cứu. Chị thứ năm bảo: đàn ông béo lên giường chỉ để ngủ, đã thế lại còn ngáy rất to, hơi thở hôi khủng khiếp, nếu phải chung chăn kề gối một thằng như vậy, tôi sẽ uống thuốc an thần. Chị thứ sáu bảo: đàn ông béo lên giường chỉ để nằm tiêu cơm sau khi đã nốc một đống thức ăn vào bụng, nhìn cái bụng của chúng nó là tôi đã hết khoái cảm. Chị thứ bảy bảo: đàn ông béo lên giường chỉ để ra vẻ với người khác là mình vẫn còn khả năng sinh lý. Thực ra mỡ đã lấp hết dây thần kinh cảm giác, kết quả là tay thì cứng quoèo, chân thì run rẩy, dương vật thì teo tóp, bụng thì như phụ nữ chửa tháng cuối cùng. Đầu giường bà già láu cá luôn luôn có một chồng tạp chí. Bà già đọc rất kĩ, dùng bút màu gạch dưới những bài báo nhạy cảm và xếp chúng theo một lô gích vô cùng mù mờ. Chẳng hạn, bài được đánh năm sao là: Những ngộ nhận khi chữa chứng liệt dương. Bài được đánh bốn sao là: ở phụ nữ, bất lực có đến cùng với tuổi già? Bài được đánh ba sao là: Vài mẹo nhỏ để tránh tình trạng khô âm đạo. Bài được đánh hai sao là: Nếu bạn chưa bao giờ đạt được cảm giác cực khoái. Bài được đánh một sao là: Hãy kiểm tra xem chàng đã hài lòng về bạn chưa. Béo phải chăng là dấu hiệu của bất lực? được bà già cắt rời khỏi tạp chí và xếp lên trên cùng, nhưng lại không được đánh sao. Liên đọc một lần và nhớ đến tận bây giờ. 
Xe chạy rất nhanh vì đường vắng và con gấu không bao giờ phân biệt đèn xanh đèn đỏ. Đi ngang tấm biển Kì Nghỉ Đẹp, Liên ngoái cổ lại. Căn nhà thấp thoáng trong bóng tối cùng mảng tường cháy. Trông xa như một con cóc khổng lồ. Con gấu lên tiếng: hỏa hoạn năm ngoái. Chẳng chết mống nào nhưng một thằng, một con bị bỏng nặng. Trần như nhộng. Không kịp mặc quần áo. Không dám nhảy cửa sổ. Trốn vợ trốn chồng quắp nhau trên đấy. Lúc mang ra xe cấp cứu, thằng mất dạy vẫn còn đeo bao cao su. Con gấu nhếch mép cười, hai má phình to, cằm núng nính, béo thảm hại. Liên nhớ đến ý kiến của chị thứ năm rồi lại quay ra cửa sổ. Con gấu bỗng đề nghị: nghe nhạc nhé. Liên không gật cũng không lắc. Serge Lama thống thiết : 
Anh không mơ nữa
Anh không hút nữa
Anh không còn gì cả
Anh cô đơn
Anh xấu xí
Khi em đi rồi
Anh là thằng mồ côi
Trong nhà ngủ nội trú
Anh ốm
Anh ốm thật rồi
Anh ốm lắm em ơi
Liên muốn nhảy ra ngoài khi con gấu đong đưa rồi lên giọng anh ốm, anh ốm thật rồi. Lúc ư ử, lúc the thé, lúc khàn khàn vịt đực. Xe phóng như điên. Gió thổi vù vù qua miếng kính vỡ. Xăng vẫn tiếp tục cháy khét lẹt. Serge Lama ngày càng làm con gấu lên cơn. Sau mỗi câu anh ốm, anh ốm thật rồi, nó lại đưa tay bấm còi loạn xị. May mà đường vắng nên không có tai nạn nào xảy ra. Cũng không có cảnh sát giao thông nào lái Honda đuổi theo phạt vi cảnh. Được một lúc con gấu cũng im. Liên nhắm mắt, nghe chân con gấu đá vào máy cát xét, nhạc tắt phụt, lời tỏ tình đầu tiên kết thúc. Mùi rượu nồng nặc và tiếng thở phì phò đưa Liên vào một giấc mơ khủng khiếp. Pát nằm trong một căn phòng trắng toát, chăn phủ kín cằm, hai tay giang hai bên, ống truyền ngang dọc. Trên đầu là hai chai chất lỏng lộn ngược, màu sắc rùng mình. Mặt nó buồn rười rượi. Tóc bết, buộc một túm sau lưng. Liên muốn chào nhưng môi dính chặt. Nó bảo Liên đừng nói, có nói âm thanh cũng không đến được tai nó. Liên chỉ biết mở mắt thật to, toàn thân run rẩy vì sợ. Pát bảo nó nhiễm HIV. Giai đoạn cuối. Thực ra nó bị từ lâu nhưng không biết. Cơ thể nó không phản ứng giống những người bệnh khác. Không mọc mụn. Không rụng tóc. Không chảy máu răng. Đặc biệt là sức khỏe tràn trề. Ăn, ngủ, làm tình đều đặn. Hôm nó xin Liên hai chục euro để đi đập phá, Pát gặp con bạn vừa từ Cuba sang. Con bạn kể năm thằng bồ của nó ở nhà máy may La Habana chết cả rồi. Thằng này sau thằng kia có mỗi ngày. Nằm chung một phòng trong bệnh viện. Bây giờ nằm chung một nghĩa trang. Trước khi chết thằng nào cũng gọi tên Pát. ảnh nó phóng to treo giữa phòng. Ai mang hoa đến cũng để bên dưới. Năm đám ma sát sạt là đề tài chính của truyền thông Cuba hai tuần vừa qua. Đảng bảo đó là hậu quả của cuộc sống tư bản phóng túng. Có nhiều bài báo loan tin Pát đã chết vật vã trong một nhà thương bố thí ở Paris. Bí thư đoàn thanh niên nhà máy may tuyên bố trước nhiều người: đáng kiếp cho đứa bỏ tổ quốc ra đi. Pát nghe con bạn nói xong thì sợ quá, sáng sớm hôm sau đi thử máu ngay. Ba ngày đến lấy kết quả, bị giữ lại luôn. Bác sĩ cũng ngạc nhiên vì sức đề kháng của nó. Nhưng bây giờ thì hết hy vọng rồi. Pát bảo nó sợ chết lắm. Nó không đời nào được lên thiên đường. Bao nhiêu thằng đã lừa vợ, lừa con vì nó. Bao nhiêu thằng đã bị vợ bỏ, con bỏ vì nó. Bao nhiêu thằng đã mất bạn, mất đồng chí vì nó. Liên cố an ủi nó một câu nhưng nó lại ra hiệu bảo đừng nói. Đang định giơ tay vuốt má nó thì ai đó đập vào vai: đến nơi rồi. Liên mở mắt ra hoảng hồn thấy con gấu ngồi cạnh. Lại tưởng là quái đản số ba trăm linh mốt. Nó nhăn ra cười. Răng nhờ nhợ. Trông còn sợ hơn lúc nãy. Liên đẩy cửa chạy về phía cổng. Nhà bà gác cổng đèn vẫn sáng. Trên hè, vài người đi đường đang tiến lại. Con gấu gọi từ đằng sau: quên túi à. Liên tiếp tục chạy. Con gấu chạy theo, toàn thân vẫn đồ sộ như một tảng thịt biết đi. Liên quay lại giật túi, bấm cốt cửa, chạy vào sân trong, leo một mạch bảy tầng không nghỉ. Bên ngoài, cánh cửa đập một tiếng chói tai. Cả ngày hôm nay là ba trăm linh mốt quái đản. 

<< Chương 8 | Chương 10 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 402

Return to top