Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Paris 11 tháng 8

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 15499 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Paris 11 tháng 8
Thuận

Chương 7
     Hè vừa qua, trận nắng nóng cao độ đã gây nên một con số tử vong bất thường ở những người cao tuổi. Chính phủ đã bị kết trách nhiệm, bị lên án là không có khả năng nhìn xa trông rộng, thậm chí cả tội vô ý sát nhân. Vụ án này đã được khuấy động, trên mọi phương tiện truyền thông, bởi các khoa cấp cứu, không phải là không mang ẩn ý chính trị (ông Patrick Pelloux, chủ tịch hội bác sĩ cứu thương là một người thân cánh tả đối lập)... Ông M. Chereque, tổng thư kí Công Đoàn Lao Động Pháp (CFDT) đã đổ hết trách nhiệm về số tử vong lên ‘sự suy sụp của của hệ thống y tế tự do. Điều này đương nhiên là vô lý vì các bác sĩ hành nghề tự do làm việc khoảng 60 tiếng một tuần, nghĩa là gần gấp đôi số giờ làm việc mà Công Đoàn Lao Động của ông ta bảo vệ... Trước khi phân tích những hậu quả của chế độ làm việc 35 giờ một tuần trong các bệnh viện, tôi nhắc lại rằng chế độ này lúc đầu chỉ được áp dụng cho bộ phận buôn bán (theo quan điểm Mal-tuýt kiểu mới của các nhà chính trị đảng Xã Hội thì công việc không nhiều nên phải chia xẻ cho nhau để không ai bị thất nghiệp). Sau đấy, dưới sức ép của các tổ chức công đoàn viên chức nhà nước đang nhìn thấy cơ hội nâng cao số lượng nhân viên, nâng cao ảnh hưởng và uy quyền của mình, chế độ làm việc 35 giờ một tuần đã được đem tặng cho toàn bộ giới công chức, trong đó có các bệnh viện công... Bệnh nhân cứ việc xếp hàng méo mặt, còn nhân viên bệnh viện ngồi nhà nghỉ ngơi.
Người ta đã nói nhiều về trách nhiệm trong bi kịch hè vừa qua. Nhưng ít người chấp nhận rằng bộ luật mà chính phủ trước đây đã thông qua về chế độ làm việc 35 giờ mới chính là thảm họa cho hệ thống y tế vốn đã hấp hối của chúng ta. (tạp chí IFRAP, 09/2003)
Cả tuần liền sau đó, giáo viên liên tục bận các cuộc họp khẩn cấp. Liên cũng liên tục có dịp gặp bà váy đỏ để tin chắc câu cửa miệng của bà ta là một cụm ba câu năng động, hơn cả các chính trị gia, hơn cả các luật sư, hơn cả các vị gác cổng. Cho đến một hôm, mọi việc thay đổi bất ngờ. Liên đến nơi đã thấy cửa phòng mở sẵn. Giáo viên mặc váy ngắn, áo len cổ lọ, khuyên tai màu đỏ, vòng cổ cùng màu có mặt hình trái tim. Máy vi tính đã bật. Quyển sách vừa to vừa dầy vẫn nằm bên cạnh, mở rộng. Một trang có bảng chia làm nhiều ô vuông, mỗi ô vuông chứa một chữ số thập phân. Một trang gồm những từ La tinh rất dài. Chỉ nhìn thôi đã đủ đau mắt. Giáo viên không gõ máy chữ, mặt cũng đỡ nghiêm trang. Liên ngồi xuống đọc bài thơ trên tường. Đọc hai lần vẫn chỉ nhớ mỗi câu: Hôm nay là ngày lễ gì? Giáo viên ngẩng lên, nheo mắt bảo: con trai tặng đấy. Liên im lặng. Giáo viên chỉ vào khung ảnh màu vàng bảo: con trai đây này, bên cạnh là con gái, còn đây là chồng. Liên gật đầu. Giáo viên lại bảo: cả nhà đi trượt tuyết. Liên lại gật đầu. Giáo viên nói tiếp: bây giờ chồng mất rồi. Liên không hiểu gì. Giáo viên lại nói tiếp: huyết áp cao. Liên vẫn không hiểu gì. Giáo viên bảo: nhồi máu cơ tim. Liên gật đầu. Một năm Liên chia tay vài cụ già nhồi máu cơ tim. Cụ nào cũng bất đắc kì tử. Giáo viên bảo: hai đứa con đã ra ở riêng, mỗi đứa một phòng trên tầng bảy. Liên im lặng. Giáo viên bảo: đi du lịch vịnh Hạ Long rồi, thuyền buồm bơi cạnh núi đá nhấp nhô. Liên vẫn im lặng. Liên chưa bao giờ đặt chân đến vịnh Hạ Long. Cả khóa đi thực tập mỏ than Quảng Ninh một tuần, trên đường về được lái xe chiếu cố cho thăm quan thị xã một vòng, dừng lại nhà khách ủy ban nhân dân ăn bát phở tôm tanh chưa từng thấy, bọn con trai tự trả tiền, thầy giáo chủ nhiệm trả thêm xuất của Liên, công vo gạo, nấu cơm, rửa bát tuần vừa rồi. Thế là cách vịnh Hạ Long có mấy cây số mà không biết hình thù thế nào. Sau này, sang Pháp, xem phim Đông Dương, vẫn không mường tượng được ra, chỉ nhớ mỗi thuyền buồm bơi cạnh núi đá nhấp nhô. Bến tàu điện ngầm, biển quảng cáo Vietnam Airlines cũng thuyền buồm bơi cạnh núi đá nhấp nhô. Trong hãng du lịch, chương trình Việt Nam Mười Ngày Không Quên, ảnh vịnh Hạ Long to nhất, lại thuyền buồm bơi cạnh núi đá nhấp nhô. Giáo viên bảo: anh chàng đen bóng, bụng phẳng lì, một ngày mấy lần không mệt. Liên chẳng hiểu gì. Giáo viên bảo: bơi, phơi nắng, làm tình, ăn ghẹ, mười ngày không quên, ôi thật không sao tin nổi. Liên giật mình. Câu nói yêu thích của bà già láu cá. Giáo viên lại bảo: anh chàng mới khiếp làm sao chứ, tay cứ như hai gọng kìm, còn đùi thì cứng như thép, quặp đến đâu lịm đến đấy. Liên im lặng, mắt nhìn quả bóng Versailles, tuyết rơi lả tả, tượng Louis XIV vẫn kiên trì bé như cái đầu tăm. Giáo viên bảo dịch vụ du lịch Hạ Long tốt lắm, rất biết chữ tín. Đặt chân đến sân bay Nội Bài, anh chàng ra đón tận nơi. Đẹp trai hơn cả quảng cáo. Bó hồng nhung rõ to. Mercedes mát lạnh, cửa kính đen, tài xế đồng phục trắng. Hai đứa quặp nhau luôn. Hai tiếng sau đến khách sạn lại quặp nhau tiếp. Một mạch cho đến bữa tối. Rồi cả đêm. Ngày hôm sau vẫn chưa thấy đủ. Ngày hôm sau nữa cũng vẫn chưa đủ. Chẳng hôm nào thấy đủ. Một tuần liền vẫn không thấy đủ. Hôm giáo viên về, anh chàng tiễn ra sân bay, quắp nhau đến phút cuối cùng. Hai tiếng đấy không nằm trong chương trình của công ty du lịch. Anh chàng thích thì đi chứ không ai bắt, cũng không được trả phụ phí. Anh chàng bảo nhân tiện đi chơi Hà Nội, vào cửa hàng tẩm quất cho bọn con gái nhà quê hầu hạ. Anh chàng bảo sức khỏe giống như tiền, tiêu xong phải tìm cách lấy lại. Mười ngày vừa rồi vất vả bằng hai tháng gánh gạch. Nên mỗi đợt phải cách nhau tám tuần. Công ty du lịch cũng không cho phép làm thêm. Sợ không bảo đảm chất lượng dịch vụ. Giáo viên bảo anh chàng thật thà, dễ thương. Hai đứa chia tay nhau ngậm ngùi. Dù sao cũng gắn bó mười ngày mười đêm. Quặp nhau mấy chục lần. Chỉ tiếc nói chuyện với nhau hay phải ra hiệu. Có lúc không hiểu gì. Mỗi cách nhìn nhau cười. Anh chàng bẽn lẽn hứa sẽ đi học thêm tiếng Anh. Giáo viên bảo thực ra cũng không cần thiết. Những anh chàng của khối Pháp ngữ chỉ giỏi tán róc và kể chuyện tiếu lâm. Mỗi ngày một lần, qua quít cho đúng hợp đồng. Chưa bao giờ lấy thêm được phút nào. Chưa bao giờ được đưa ra sân bay. Có lần về vào đúng ngày bão, máy bay không cất cánh được, phải ngủ lại một đêm ở khách sạn. Nằm nghe dế kêu, mãi không chợp mắt nổi, gọi điện cho anh chàng của công ty du lịch. Anh chàng lên giọng đòi trả phụ phí cao ngất ngưởng. Cung cách làm việc như thế là không linh hoạt. Người Việt đầu óc nhạy bén hơn. Ngoại ngữ hạn chế, trong trường hợp này, lại đắc dụng. Giáo viên càng phân tích càng hăng, tay không ngừng chặt vào không khí. Liên nghe câu được câu chăng. Có những đoạn không hiểu gì hết. Có những từ nghe lần đầu tiên. Không biết tiếng Pháp hay thổ ngữ nước nào. Có những từ giáo viên vẫn hay lẩm bẩm trong lúc gõ máy vi tính. Liên đã tưởng là vô nghĩa. May mà còi hú. Giáo viên tiễn ra cửa còn nhắc lại du dương: bãi biển Hạ Long, ôi thật không sao tin nổi. Bốn ngày sau Liên lại có dịp nghe thêm bốn kỉ niệm nữa của giáo viên, mỗi kỉ niệm gắn với một bãi biển, mỗi kỉ niệm chứa một người tình thổ dân. Bãi biển Varadero hàng cọ thẳng tắp, người tình Cuba bốc lửa. Bãi biển Ko Phi Phi nước xanh ngọc bích, người tình Thái Lan cần mẫn. Bãi biển Sen-gi-gi cát trắng tinh sương, người tình Nam Dương hoang dã. Bãi biển Gua-đơ-lúp gió mưa tơi bời, người tình Ăng-ti nồng nàn. Nhưng không đâu bằng bãi biển Hạ Long, thuyền buồm bơi cạnh núi đá nhấp nhô, người tình Việt Nam đùi cứng như thép, hai tay hai gọng kìm, ôi thật không sao tin nổi. Liên không bao giờ còn gặp lại giáo viên. Báo cáo giáo viên gửi lên ANPE, thuận lợi ít hơn bất lợi. Cô thư kí tỏ ra thất vọng ghê gớm, mấy trăm trường hợp mới chọn được một để bồi dưỡng, thời cơ như thế mà không biết nắm. Liên không nói gì. Cô thư kí bảo tháng sau là hết trợ cấp rồi đấy. Liên gật đầu. Cô thư kí bảo cố mà xếp hàng tìm việc. Liên gật đầu. Cô thư kí bảo cần thận không ốm, bảo hiểm xã hội không trả tiền bệnh viện đâu. Liên im lặng. Cô thư kí lôi hồ sơ của Liên ra ghi mấy chữ bên dưới, xong gạch chéo một đường rõ to. Thế là từ đấy thôi hẳn giấc mơ đi học. Tưởng như câu chuyện giáo viên đã được xếp vào chiếc sọt quá khứ. Rồi có một lần, tình cờ lạc vào diễn đàn internet: Bạn hãy bình chọn những bãi biển đẹp nhất thế giới, Liên đọc được câu trả lời của một độc giả vô danh: năm bãi biển đẹp nhất hành tinh là Guadeloupe, Ko Phi Phi, Varadero, Sen-gi-gi, và Hạ Long. Lý do: người tình Thái Lan bốc lửa, người tình Cuba hoang dã, người tình Nam Dương nồng nàn, người tình Việt Nam cần mẫn, nhưng người tình Ăng-ti tuyệt vời nhất, đùi cứng như thép, hai tay hai gọng kìm. Bãi biển Gua-đơ-lúp gió mưa tơi bời, ôi thật không sao tin nổi. Liên đọc xong thì hoang mang. Lẽ nào đấy là câu trả lời của giáo viên. Cây tím than thế mà mâu thuẫn tợn. Sau lại nghĩ nhưng người ta có quyền thay đổi ý thích. Người ta cũng có quyền thay đổi cách đối xử với quá khứ. Liên không còn dịp nào để nhớ đến giáo viên. Sau này, mỗi khi gặp lại câu ôi thật không sao tin nổi, Liên chỉ nghĩ tới bà già láu cá. Bà già nói câu đó một cách hoàn hảo, tay chắp vào ngực, mắt sáng long lanh, cứ như đứng dưới ánh đèn sân khấu và trước mặt là hàng nghìn khán giả. Chín mươi sáu tuổi, bà già đã trải qua một thế kỉ mới đạt được mức độ điêu luyện ấy. Giáo viên cùng lắm chỉ nửa thế kỉ. Bọn nhãi bây giờ thì còn khướt. Nói câu đó nhạt hơn cơm sống. Thế là may mắn hay bất hạnh?  

<< Chương 6 | Chương 8 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 780

Return to top