Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Suy ngẫm, Làm Người >> BÀI HỌC NGÀN VÀNG

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6857 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

BÀI HỌC NGÀN VÀNG
Thích Thiện Hoa

CHƯƠNG XXXI

Sáng hôm ấy, quan Ðề Ðốc mang áo mão đại trào, cùng bọn tùy tùng và Lệ Thanh áp giải bọn gian phi và quan quân đi đến tư dinh của quan lãnh binh Trần Sơn. Quan Ðề Ðốc đường bệ oai nghi đã dẫn đầu, tiếp theo sau là ông Chánh quản, Lệ Thanh (phục sức theo kiểu tiểu thư) và hai viên tùy tùng. Rồi đến bọn gian phi và bọn lính, tay trói giật ra đàng sau và nối liền với nhau thành hai hàng dài. Cuối cùng là hai viên tùy tùng gươm tuốt sáng ngời đi tập hậu để đề phòng bọn tù nhân trốn thoát.

Dân chúng ở hai bên đường ùa chạy ra xem và vô cùng ngạc nhiên vì sự xuất hiện, đột ngột, không kèn trống của quan Ðề Ðốc, sứ giả triều đình ở một thị trấn nhỏ bé, heo hút này. Họ ngạc nhiên nhất là thấy đám tù nhân đông đảo bị dẫn đi, trong ấy một số là những bộ mặt quen biết tại địa phương, thường ngày đã đến tác oai tác quái ở nhà họ, bắt bớ đánh đập, hiếp đáp họ. Tánh tò mò bị khích động đến cực điểm, họ rủ nhau đi theo đoàn người xem coi việc gì sẽ xảy ra sau đó. Một đồn mười, mười đồn trăm, có thể nói gần hết dân chúng ở thị trấn này đều đổ xô đi theo quan Ðề Ðốc như một đám biểu tình.

Quan Ðề Ðốc tiến vào tư dinh quan lãnh binh, ở ngay giữa đồn binh ngoài thị trấn.

Quan lãnh binh Trần Sơn đang ngồi rung đùi uống trà bên sập gụ, nhìn ra thấy quan Ðề Ðốc cùng đoàn người đông đảo tiến vào, thì kinh ngạc chẳng khác gì đất bằng sóng dậy. Quan càng ngạc nhiên hơn nữa khi nhận thấy đoàn tù nhân bị dẫn theo, trong đó có vài tên thân tín của mình. Quan hoàn toàn không hiểu một tí nào cả, tưởng như mình đang chiêm bao.

Quan Ðề Ðốc tiến vào đến sân, truyền bọn tù nhân đứng lại, còn mình và đoàn tùy tùng thì tiến thẳng vào nhà. Quan lãnh binh lật đật vái chào quan Ðề Ðốc, lắp bắp nói mấy lời xin lỗi là mình không biết trước nên đã thất lễ không kịp đi nghinh đón. Dân chúng lợi dụng sự bối rối của quan lãnh binh và bọn lính canh cửa, nên đã ùa vào đứng chật ních cả sân đồn.

Sau khi chào hỏi xong, quan Ðề Ðốc hỏi quan lãnh binh:

- Quan lãnh có biết những tên gian phi đạo tặc này ở đâu không?

- Bẩm quan lớn, con thật hoàn toàn không rõ!

Quan Ðề Ðốc mỉa mai:

- Quan lãnh ra trấn giữ vùng này đã ba bốn năm trời mà không biết được bọn này cũng lạ thật: Vậy quan có hiểu vì sao chúng bị bắt không?

- Bẩm, hoàn toàn không biết

- Cái gì quan cũng không biết, hèn gì vùng này mỗi ngày mỗi mất an ninh, trộm cướp mỗi ngày mỗi lộng hành và nẩy nở nhiều như rạ! Vậy quan có biết bọn tù nhân đứng ở phía sau đó ở đâu ra không?

Quan lãnh binh nhận ra một số là quan quân dưới quyền của mình, nhưng cố làm ra vẻ xa lạ:

- Bẩm quan lớn, hoàn toàn không rõ!

Quan Ðề Ðốc cười mỉa mai:

- Quan lãnh hãy nhìn lại xem; có lý nào những người thuộc hạ dưới quyền của quan, mà quan cũng không biết nữa sao? Nếu vậy thì thật hoàn toàn bất lực!

Nói xong, quan truyền bọn tù nhân, mỗi toán đứng ra một chỗ, toan gian phi đứng bên trái, toán quan quân đứng bên phải. Ðoạn ngài dõng dạc tuyên bố với dân chúng:

- Hỡi đồng bào! Ðồng bào có biết vì sao bọn này đã bị triều đình bắt không? Vì chúng đã đến cướp phá, đốt nhà dân chúng. Bọn chúng thừa dịp chính quyền địa phương bất lực, đã ngang nhiên lộng hành, làm nhiều điều phi pháp, không còn đếm xiả đến luật pháp. Chính bọn chúng đã làm cho đồng bào ở địa phương này phải điêu đứng, nhà tan cửa nát, khốn khổ trăm bề. Hôm nay, bản chức vâng lịnh triều đình đến đây tảo trừ bọn chúng để cho đồng bào được an cư lạc nghiệp. Vậy đồng bào muốn xử trị bọn gian phi này như thế nào, thì hãy nói cho bản chức biết.

Trong đám dân chúng có tiếng nhao nhao:

- Chém đầu! Xin chém đầu tất cả.

Quan Ðề Ðốc trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Bọn cướp này sở dĩ lộng hành vì luật pháp không nghiêm minh. Nếu đem xử tử tất cả thì có phần nghiêm khắc, mà tha chết cho tất cả thì có phần bất công. Vậy ta sẽ truyền xử tên đầu đảng, con những tên khác thì truyền đánh 30 hèo rồi thả cho về nhà, cải tà quy chánh, nếu sau này chúng tái phạm thì sẽ không tha tội chết chém. Ðồng bào có bằng lòng như vậy không?

Trong đám đông dân chúng lại có tiếng nhao nhao:

- Xin tán thành! Xin tán thành! Thế là quan Ðề Ðốc truyền lịnh thi hành ngay bản án; tên đầu đảng bị dẫn ra chém đầu, còn bọn lâu la bị đem ra đánh 30 hèo rồi tha cho về nguyên quán.

Sau đó, quan lại quay sang phía 5 tên quan quân đang đứng đợi số phận của mình ở phía hữu. Quan tuyên bố:

- Còn bọn này là nhân viên của triều đình, có nhiệm vụ giữ gìn phép nước, bảo vệ đồng bào, nhưng đã không làm tròn phận sự lại còn kết bè lập đảng ngang nhiên đi cướp của đốt nhà của dân chúng, gây thêm bao cảnh điêu linh tang tóc, thì đồng bào nghĩ sao?

- Xin chém đầu tất cả để làm gương! Chính bọn ấy là nguyên nhân gây ra mọi sự loạn lạc ở vùng này. Hể bọn ấy còn, là chúng tôi còn điêu đứng, khổ cực.

Lại có tiếng khác cất lên:

- Xin thượng quan hãy thương con dân chúng tôi mà trừ cho hết hậu hoạn. Nếu thượng quan mà khoan dung cho bọn chúng thì chẳng khác thả cọp về rừng, chắc chúng tôi rồi đây sẽ bị sát hại hết cả.

Quan Ðề Ðốc dõng dạc tuyên bố:

- Lời các ngươi nói rất phải! Dân chúng ngu dốt, lầm lỡ còn có thể tha thứ được, chứ người ăn cơm vua, lãnh lộc nước có trách nhiệm bảo vệ đồng bào mà trở lại cướp giựt của đồng bào thì không thể tha thứ được. Vậy ta tuyên bố xử tử cả năm tên phạm pháp này, và án lệnh sẽ được thi hành trong nay mai.

Dân chúng nghe quan Ðề Ðốc nói, nhiệt liệt hoan hô, tỏ ra vô cùng thỏa mãn.

Quan chờ cho đám đông bớt reo hò, mới xoay lại phía quan lãnh binh nói:

- Quan lãnh binh nghĩ thế nào về cái án xử tử 5 tên quan quân can tội cướp của đốt nhà ấy?

Quan lãnh, tỏ vẻ lo sợ, thưa:

- Bẩm xử tử như vậy là công minh lắm!

- Nhưng quan lãnh có thấy mình có trách nhiệm gì về cái chết của 5 người ấy không?

- Bẩm vì tôi không giữ được quân kỷ nghiêm minh nên họ mới sinh ra cướp bóc, để đến nỗi phải mất mạng. Tôi có lỗi trong vụ này.

- Quan lãnh đã biết nhận lỗi lầm của mình như vậy là phải lắm. Vậy bắt đầu từ bây giờ, tôi phải thay mặt triều đình cất chức quan lãnh và gởi trả về kinh đô để triều đình xét xử.

Quan Ðề Ðốc quay lại phía dân chúng, nói lớn:

- Cùng đồng bào! Bản chức vâng lịnh triều đình đến đây điều tra tình hình và tìm phương pháp cải thiện cái vùng biên cương rối loạn này. Từ 4 năm nay, quan lãnh binh Trần Sơn trấn giữ vùng này, nhưng không đem lại được an ninh, trật tự, mà giặc cướp lại thêm nhiều, đồng bào lại thêm cơ cực. Bởi vậy, bắt đầu từ hôm nay, bản chức sẽ tạm đảm nhiệm việc cai trị vùng này, và trả quan lãnh binh Trần Sơn lại cho triều đình tùy nghi xét xử. Bản chức hứa sẽ đem hết tâm lực để cải thiện vùng này, đem lại an cư lạc nghiệp cho đồng bào. Ðể bản chức có thể làm tròn nhiệm vụ, bản chức chỉ yêu cầu đồng bào ghi tâm khắc cốt cho một điều này mà Hoàng thượng cũng như triều đình đã xem như khuôn vàng thước ngọc trong đời sống và đã  cho phổ biến khắp nơi trong nước là:

Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó"

Rồi xoay lại phía quân lính đang tụ tập ở đàng sau lưng mình, quan nghiêm nét mặt, tuyên bố một cách đanh thép:

- “Bài học ngàn vàng" ấy, không phải chỉ dành riêng cho dân chúng, mà các ngươi cũng phải nhớ lấy làm lòng. Ta biết trong số các người, có người hồi hôm đã đi theo đám quân đến cướp của đốt nhà của dân chúng nhưng may đã chạy thoát được. Lần đầu, ta làm ngơ không truy cứu, nhưng nếu các ngươi còn quen thói làm càn không nghĩ đến hậu quả đen tối của công việc mình làm, thì chắc sẽ bị nghiêm trị.

Nói xong, quan truyền cho giải tán tất cả. Dân chúng trở về bàn tán xôn xao và ai ai cũng tin tưởng rằng từ đây cuộc đời của họ sẽ hết đen tối.

<< CHƯƠNG XXX | CHƯƠNG XXXII >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 796

Return to top