Thứ phi Hoàng Hoa nhuốm bịnh vì đã quá lo lắng, sợ hãi. Sau hôm quan Thái giám đến gõ cửa ở Tây cung, nàng đã thao thức suốt đêm và lên cơn sốt nặng. Nàng mê sảng, nhìn đâu cũng thấy mấy chữ "hậu quả, hậu quả" nhảy múa, reo hò trước mặt mình, chung quanh mình. Những tiếng reo hò ấy làm cho vua Ðột Quyết nghe đưọc, khám phá ra tội lỗi của nàng và thiết trào ngay tại Tây cung để xử tội nàng. Nàng bị xử treo cổ trong chợ Kinh đô và Lý Bá bị xử trảm trước võ trường. Khi sợi dây thòng lọng bắt đầu siết cổ nàng, nàng kinh hoàng thét lên và tỉnh dậy.
Từ hôm đó, nàng sốt liên miên và nói mê sảng: "Xin đừng giết tôi! Xin đừng giết tôi!".
Cung nữ tín cẩn không dám tâu cho vua Ðột Quyết biết, nhưng mật báo cho Lý Bá hay. Hai hôm sau Lý Bá theo đường hầm đến thăm nàng trong đêm khuya. Nhìn thấy Lý Bá, nàng tỉnh lại, sùi sụt khóc và van xin người cứu thoát mình ra khỏi đường cùng.
Lý Bá an ủi nàng và hứa sẽ tìm phương cứu nàng. Chàng nghĩ nếu không còn cách nào, thì sẽ đem nàng cùng tẩu thoát qua ngã hầm bí mật. Nhưng giải pháp ấy là một giải pháp hạ sách, bất đắc dĩ mới phải dùng đến.
Là một người nhiều tham vọng, đầu óc chàng đang dự tính một kế hoạch lớn lao thâm độc hơn. Chàng tự bảo: "Có nhiều khi rủi mà thành may. Chuyện đời không biết đâu mà lường trước được. Miễn là khôn khéo và dám làm". Sau hôm được Hoàng Hoa cho biết nàng đã thụ thai hai tháng, Lý Bá ban đầu không khỏi giựt mình kinh hãi, nhưng sau đó, khi về tư thất, chàng nghĩ đến một âm mưu rất táo bạo. Nguyên là biết vua Ðột Quyết đang sủng ái một bà phi, mới được tuyển vào cung và nàng này cũng đang có thai vài tháng. Lý Bá dự tính sẽ mượn người thân tín trong cung chờ lúc này sinh nở thì sẽ đem con của Hoàng Hoa sang tráo và thủ tiêu hài nhi của nàng phi kia. Như thế vừa phi tang sự gian dối giữa chàng và Hoàng Hoa, vừa gây dựng cơ nghiệp cho con của chính mình sau này. Chàng mong ước nếu đó là một đứa con trai, thì chàng sẽ vận động cho nó kế nghiệp đế vương sau này. Chàng lại tự bảo: "Miễn là khôn khéo và dám làm thì mọi việc rồi sẽ chiều theo ý muốn của mình".
Nhưng mặc dù khôn khéo và thông minh, chàng không nghĩ đến sự lâm bệnh của Hoàng Hoa. Bệnh mê sảng của nàng có thể làm hỏng âm mưu của chàng. Cho nên chàng lại phải trù nghĩ thế nào để cho các quan ngự y đừng đến chữa bệnh cho nàng, vì nếu họ đến khám bệnh, thì sẽ biết ngay là nàng có thai, và mọi sự sẽ bại lộ.
Cũng may là lúc Lý Bá đến thăm thì Hoàng Hoa lại hết mê sảng. Có lẽ bệnh của nàng là một thứ bệnh thần kinh, vì lo sợ quá mà phát ra. Và nếu đã là một bệnh tinh thần, thì phải dùng tinh thần mà chữa. Nghĩ vậy, nên chàng dùng lời lẽ hết sức cả quyết để trấn an nàng, cam đoan với nàng thế nào nàng cũng sẽ được chàng bảo vệ, và đưa nàng ra khỏi ngõ bí hiện tại. Hoàng Hoa không rõ Lý Bá sẽ làm thế nào để cứu mình, nhưng nghe những lời khẳng khái của Lý Bá, nàng cũng đỡ lo một đôi phần.
Nhưng sau khi Lý Bá ra về, bệnh mê sảng của nàng lại trở lại. Những chữ "hậu quả, hậu quả" lại nhảy múa, reo hò chạy tung tăng khắp nhà. Rồi không phải những chữ ấy, mà chính đồ đạc, chén bát ly tách có ghi khắc bài học ngàn vàng đều động đậy, lắc lư, nhảy múa. Chúng như một bầy con nít mặc áo đỏ, áo xanh, áo vàng, áo trắng ... mang trước ngực một tấm bảng có ghi khắc bài học ngàn vàng, và nắm tay nhau làm thành nhiều vòng tròn chạy quanh nàng, vòng chạy ngược, vòng chạy xuôi làm nàng chóng mặt. Nàng tức giận đứng dậy thét bảo chúng đứng lại, nhưng chúng không để ý đến sự giận dữ của nàng, vẫn cứ vừa chạy nhảy reo hò. Nàng tức giận quá, trở đầu chiếc quạt đập mạnh vào đầu chúng, mỗi đứa mỗi cái. Thế là chén bát, ly tách vỡ tan tành, rơi loảng choảng xuống nền đá hoa. Tiếng ly tách chén bát vỡ làm nàng hồi tỉnh, giương đôi mắt kinh hãi nhìn! ... Bọn cung nữ cũng chạy vào, và rất đỗi lo sợ trước quang cảnh đổ nát của đồ đạc, chén bát trong phòng. Chúng tự bảo, nếu Hoàng Thượng biết được, thứ phi đã dám cả gan đập vỡ tất cả đồ đạc có ghi khắc bài học, thì chắc chắn ngài sẽ không tha thứ được tội phạm thượng của thứ phi, đã dám chống lại quyết nghị của vua, được xem như là một quốc sách. Cung nữ đang lúng túng chưa biết phải làm gì, thì quan Thái giám đã đứng sừng sững trước mặt. Ông nhìn quanh, quan sát một hồi rồi lặng lẽ đi ra. Thứ phi và cung nữ nhìn theo, rồi nhìn nhau lo lắng ...
Sáng hôm sau, vua Ðột Quyết và một số đình thần, trong đó có thừa tướng Hoàng Cái và đại thần Lý Bá, đi vào Tây cung. Mọi người đều im lặng, mỗi người theo đuổi một ý ghĩ riêng và không ai buồn nhìn đến bọn cung nữ đang phủ phục hai bên lối vào phòng thứ phi Hoàng Hoa.
Khi vua và đình thần vào phòng, Hoàng Hoa vẫn ngồi yên trên ghế tràng kỷ và phe phẩy chiếc quạt hoa. Nàng cười mai mỉa:
- Các ngươi hôm nay đến thăm ta đó chăng? Ta cám ơn nhé! Hãy kiếm ghế mà ngồi chơi.
Thừa tướng Hoàng Cái nói giọng gay gắt:
- Tội khi quân đến thế là cùng tột!
Lý bá chống chế:
- Ai lại chấp trách một người loạn trí?
Vua Ðột Quyết xoay lại hỏi Lý Bá:
- Có loạn trí thật không?
- Tâu, cứ nhìn cử chỉ và nhất là đôi mắt thất thần là biết ngay.
Trong khi vua quan đang bàn tán, thì Hoàng Hoa lại cất tiếng dõng dạc như phán bảo:
- Ta đã đập bể tất cả đồ đạc, chén bát có ghi khắc bài học tồi tệ kia hết rồi. Các ngươi hãy bảo đem các thứ đồ đạc khác cho ta dùng, nhưng nhớ đừng ghi khắc bài học kia vào nữa, ta không thích đâu nhé!
Vài ba tiếng cười khúc khích không kiềm chế nổi phía sau vua. Hoàng Cái lại gay gắt phê bình:
- Ðiên mà ăn nói không ngoan bằng mười tỉnh táo.
Lý Bá lại nói, nửa đùa nửa thực:
- Người điên có thể là rất khờ dại, mà cũng có thể rất khôn ngoan.
Vua phán:
- Ðiên mà khờ khạo thì đáng tha thứ, nhưng điên mà khôn ngoan hơn người thường thật nguy hiểm, phải trị ...
Lý Bá vội vã tiếp lời vua:
- Tâu, phải chữa trị thì đúng hơn.
Vua Ðột Quyết xoay lại hỏi Lý Bá:
- Khanh bảo chữa trị như thế nào?
Lý Bá như mở cờ trong bụng, tâu:
- Tâu, thần nghe đồn ở núi Bảo Trúc có đạo sĩ chữa bệnh điên hay lắm. Nếu bệ hạ muốn thử tài đạo sĩ ấy thì thần xin phụng mạng đi rước về.
Vua Ðột Quyết quay lại hỏi các triều thần:
- Các khanh nghĩ thế nào? Có nên mời đạo sĩ ấy không?
Hoàng Cái ngăn:
- Tâu Hoàng Thượng, nếu quả thật mắc bệnh dù là bệnh điên, thì nên chữa bằng y dược, và triều đình ta không thiếu gì lương y có tài. Còn đạo sĩ hay phù thủy thì chỉ chữa tà ma, thần tưởng không nên rước về đây làm gì.
Nhưng các đại thần khác, có khuynh hướng mê tín dị đoan, khi nghe có một đạo sĩ có tài xuất hiện thì rất mong muốn được biết tài năng ra sao, nên đều phụ họa theo với Lý Bá. Họ tâu:
- Bệnh điên có thể do nhiều nguyên nhân, có thứ điên do hỏa bốc trong tạng phủ lên đầu óc; nhưng cũng có thứ điên do ma qủy nhập vào. Lệnh bà là người bình thường khỏea mạnh, nay bỗng nhiên mất trí, thì đó có lẽ do ma quỷ khuấy rầy. Nếu có đạo sĩ có tài chữa trị, thì cũng không nên câu nệ.
Thế là vua đồng ý giao phó cho Lý Bá đi mời đạo sĩ ở núi Bảo Trúc về trào.