Kỳ thi đã đến.
Thí sinh các nơi tụ tập về kinh đông đảo lạ thường. Các đường phố, các quán trọ đâu dâu cũng đông đặc thí sinh, có người dẫn theo cả cha mẹ, vợ con, người hầu kẻ hạ, có kẻ hàn nho chỉ trơ trọi một mình, đơn phương độc mã, một mình một xó. Nhưng tất cả mọi người đều có một ước vọng giống nhau, là ngày mai, ngày kia cuộc đời mình sẽ do cuộc thi này mà rẽ sang con đường giàu sang vinh hiển.
Ba anh em con quan Tham họ Ðoàn sáng hôm ấy cũng vác lều chõng vào trường thi. Tối hôm trước, bà Tham đã thân hành đi đến nhà ông thầy tướng dạo nào để hỏi cho chắc trường hợp của Ðoàn Tín trong kỳ thi này. Thầy bảo nếu không có việc gì bất trắc xảy ra, thì Ðoàn Tín coi như đã đậu rồi. Bà cũng cho người về quê mình đưa tiền nhờ ông Trưởng tộc làm heo cúng trên mộ của vị tứ đại trong họ bà. Trong bữa cúng mộ, ông Trưởng tộc có xin một quẻ xăm về vụ thi cử của Ðoàn Danh; xăm dạy rất tốt: “Hoạn lộ hanh thông”. Bà Tham mừng rỡ vô cùng. Như vậy là hai đứa con trai đầu được coi như yên phận. Còn Ðoàn Hiệp vì còn nhỏ, có rớt cũng không can gì; vả lại thằng con cứng đầu cứng cổ ấy cũng cần cho nó trợt vỏ chuối một keo cho nó chừa cái tánh tự tác tự thọ của nó.
Rất tiếc là kết quả cuộc thi lại không xảy ra như ý bà Tham nghĩ! Khi kết quả được nêu lên, thì danh tánh hai cậu con đầu của bà được ghi vào bảng cót! Trái lại Ðoàn Hiệp, thí sinh nhỏ tuổi nhất trong trường thi, lại được đỗ phó bảng!
Kết quả ấy đã làm cho cả nhà quan Tham kinh ngạc, sững sờ, chỉ trừ quan Tham và Ðoàn Hiệp là không tỏ vẻ gì ngạc nhiên, vì họ đã đoán biết trước những gì sẽ xảy ra.
Kết quả cuộc thi làm cho gia đình quan Tham càng thêm gay cấn. Bà Tham đỗ lỗi cho quan Tham thiên vị, chỉ săn sóc thằng con Út, còn bỏ bê hai đứa con đầu. Quan Tham trách bà Tham đã khuyến khích con cái đi sâu vào con đường mê tín dị đoan, quên cả học hành. Ðoàn Tín bực tức ông thầy tướng đã đoán sai, hậm hực đến nhà ông để đòi tiền lại và mắng cho ông một trận. Nhưng đến nơi, thì ông đã chhuồn đi đâu mất, chỉ thấy lố nhố một bọn hỏng thi như chàng đang đứng la lối bâng quơ cho hả giận.
Ðoàn Danh thì vì buồn phiền, thất vọng nên chứng đau đầu lại trở lại. Nhưng bà Tham bây giờ cũng đã chán ngán, không dám nghĩ chuyện dời mả dời mồ của ai thêm nữa.
Ðoàn Hiệp là người sung sướng nhất trong nhà. Chàng mừng một phần vì được đậu cao làm rạng rỡ tông môn, một phần vì đã may sớm rời bỏ con đường trụy lạc.
Quan Tham thấy trong gia đình, sau cuộc thi, cái mầm chia rẽ lại càng thêm tăng trưởng, nên đã bảo gia nhân soạn một tiệc rượu, lấy lý do là để mừng Ðoàn Hiệp thi đỗ. Tiệc rượu đã diễn ra một cách buồn tẻ, vì mỗi người đều có những tâm sự riêng tư, khó nói ra lời.
Cuối bữa tiệc, bà Tham không dằn được cảm xúc, đã bật lên tiếng khóc. Bà trách:
- Ông thật nhẫn tâm, cố làm nhục ba mẹ con tôi. Hai đứa con đầu nó hỏng thi, có gì vui vẻ, mà ông bày đặt làm tiệc làm tùng, bắt chúng nó phải ngậm đắng nuốt cay mà ngồi vào bàn tiệc.
Quan Tham thấy rõ sự bất công vô lý của vợ, nhưng cố dằn cơn bực tức, ôn tồn bảo vợ:
- Bà đừng nói như vậy không nên. Con cái trong nhà, có đứa hỏng mà cũng có đứa đậu. Ðứa hỏng thì mình buồn, nhưng đứa đậu thì mình vui với nó. Không lẽ bắt thằng út cũng buồn lây với hai anh nó. Nó cố gắng học hành đỗ đạt thì mình phải khen thưởng nó chứ. Nó còn nhỏ, mới thi một lần đã đậu ngay, mà lại đậu cao, làm danh giá cho dòng họ thì cũng nên thưởng cho nó chứ.
Ông quay lại phía Ðoàn Hiệp, rót một chén rượu, trao cho chàng, nói:
- Cha thưỏng cho con chén rượu này. Con đã làm vinh dự cho gia đình chúng ta, làm rạng rỡ cho dòng học chúng ta, và làm được như vậy là vì con đã biết áp dụng “Bài học ngàn vàng". Từ đây về sau, con hãy tiếp tục áp dụng nó, xem nó như một kim chỉ nam, thì chắc chắn đời con sẽ đi đến vinh quang.
Ðoàn Hiệp nói mấy lời cảm ơn cha rồi sung sướng đưa chén rượu lên môi uống một hơi hết sạch.
Quan Tham quay lại phía hai đứa con đầu. Quan nghiêm giọng nói:
- Hai con đừng nghĩ rằng cha đã bỏ mặc hai con, không săn sóc đến như mẹ con đã nói. Hai con chắc chưa quên, gần một năm trước khi cha đem “Bài học ngàn vàng" về đây, cha đã nói cha để cho các con tự ý áp dụng hay không, vì cha nghĩ rằng trong việc giáo huấn, không nên ép buộc con cái nhắm mắt theo lời dạy của người lớn mà cần cho chúng thấy những lợi hại thiết thực trong các hành động của chúng. Có tự mình kinh nghiệm những công việc của mình làm, mới ý niệm sâu sắc điều phải quấy. Các con không còn nhỏ dại để cha mẹ phải dạy bảo từng ly từng tí nữa. Các con có đủ lý trí để suy xét những điều hay điều dở.
Trong quá khứ các con đã làm gì? Các con đã tin theo lời nói của những ông thầy bói, thầy tướng thầy số, thầy địa, thầy phù thủy, chứ không tin ở mình. Các con đã đặt tương lai của các con vào họ, chứ không vào công việc của các con.
Và kết quả đã xảy ra như thế nào, bây giờ các con đã biết. Ðáng lẽ các con phải dùng lý trí để suy luận, để thấy rằng nhân nào thì quả ấy. Các con không học, không hành, chỉ ăn ngủ chơi bời, thì chữ nghĩa đâu để mà thi cử. Các con đã thấy rõ cái tai hại của các ông thầy tướng thầy số chưa? Khi họ bảo con sẽ hỏng thì con tin chắc có học cũng học, nên không học; khi họ bảo con sẽ đậu, con tin thế nào cũng đậu, nên cũng không học. Rốt cuộc lại, trường hợp nào cũng khuyến khích các con lười nhác cả! Vả lại, học hành đâu phải chỉ cốt đậu đạt? Học nhiều thì giỏi, biết được điều hay lẽ phải, không học thì ngu dốt, không biết suy xét phán đoán việc đời, làm trò cười cho thiên hạ. Ðó là kết quả thiết thực của sự học, chứ đâu phải học chỉ để thi đỗ ra làm quan.
Vả lại, dù có gặp may mắn mà thi đỗ đi nữa, người ta cũng khi dể, chứ chẳng có danh vọng gì. Dốt mà đỗ đạt, dốt mà được làm quan to chức lớn lại càng làm bia cho người dèm pha, chế diễu.
Những điều đó, chắc chắn ngày nay các con đã thấy rõ. Và đã thấy thì phải làm sao? Cha để cho các con tự quyết định lấy.
Ðoàn Tín và Ðoàn Danh cúi đầu ngồi nghe, nhận thấy lời thân phụ mình nói rất phải. Hai chàng hối hận mình đã không biết nghe lời phụ thân từ trước, để hôm nay phải ra nông nổi như thế này. Ðoàn Tín đứng dậy thưa:
- Thưa cha con rất hối hận đã không nghe theo lời cha dạy bảo từ lâu. Con tin lời các ông thầy bói, thầy tướng hơn lời của cha. Họ đã phỉnh con. Họ làm cho con không tin vào luật nhân quả mà tin ở trời đất, quỷ thần đâu đâu. Nhưng từ nay con đã hối cải, và con quyết tâm áp dụng đúng theo lời dạy quý báu của “Bài học ngàn vàng".
Ðoàn Danh cũng đứng lên thú nhận sai lầm của mình:
- Con đã tin vào ảnh hưởng của dòng họ, mả mồ. Con nghĩ rằng có họ phát về khoa hoạn, có họ phát về nông nghiệp, có họ phát về thương nghiệp, nên con cháu không cần phải khổ công mà vẫn thành đạt như cha ông.
Quan Tham cắt lời của người con thứ:
- Thực ra có thực trạng như vậy: Có truyền thống họ hàng, có sự phát đạt riêng của dòng họ. Nhưng điều đó không phải do một mãnh lực, một ảnh hưởng huyền bí nào, mà là một điều có thể cắt nghĩa được.
Khi trong cả họ có khả năng, có kinh nghiệm, có xu hướng về một ngành sanh hoạt nào đó như sĩ, nông, công, thương, thì chắc chắn con cháu sẽ thụ hưởng được khả năng, kinh nghiệm, ý chí của các vị tiền bối. Do đó con cháu được dễ thành công trong ngành đó hơn. Nhưng như vây không có nghĩa là chỉ khoanh tay ngồi chờ, thì mọi sự tốt đẹp sẽ đến tay mình; mà trái lại phải làm việc, phải trau dồi, phải cố gắng nhiều mới được. Con thấy đó, dòng họ ta là dòng họ khoa bảng, nhưng hai con không chịu học hành thì cũng vẫn thi hỏng như những người khác.
Ðoàn Tín đứng dậy thưa:
- Thưa cha, nhờ kinh nghiệm bản thân, con đã thấy được điều đó. Vì vậy, con xin sám hối, và từ nay quyết tâm học hành. Con sẽ luôn luôn đặt “Bài học ngàn vàng" trước mặt con để nhắc nhở con nhớ rằng: Mình phải suy nghĩ chín chắn trước khi làm; Mình phải gieo nhân lành để hưởng quả tốt!
Quan Tham nghe hai con nói, lòng mừng khấp khởi; quan không ngờ hai con mình đã cải thiện mau chóng như vậy. Quan rót cho Ðoàn Tín, Ðoàn Danh mỗi người mỗi chén rượu và nói:
- Mặc dù hai con đã thất bại trong trường thi, nhưng cha vẫn thưởng cho mỗi con một ly rượu, vì các con đã chiến thắng được sự lầm lạc, biết quay lái thuyền đời về nẻo chính.