Tại phố chợ Kinh đô nước Nhục chi, không ai là không biết gian hàng tạp hóa to lớn của bà Năm cây thị. Không rõ bà tên thật là gì, nhưng người ta thường gọi bà là bà Năm cây thị vì trước nhà bà có cây thị sum suê đồ sộ. Bà goá chồng từ khi mới 30 tuổi, nhưng bà không tái giá, ở vậy nuôi đứa con gái độc nhất cho đến bây giờ được ngoài năm mươi. Bà đến lập nghiệp ở cái phố này chưa đầy mười năm, mà bà đã giàu lớn. Khi mới đến bà chỉ là một cô hàng xén, làm chủ một gian hàng nhỏ tại hiên chợ. Không ai hiểu bà đã làm cách nào mà chỉ trong khoảng mười năm, từ hai bàn tay trắng, bà đã trở thành một đại thương gia như vậy. Có người bảo rằng bà hưởng được gia tài của một người qua đường nàm ngủ trọ trong quán bà và chết ở đấy. Có người bảo rằng bà được một viên ngọc rít và nhờ viên ngọc ấy mà bà phát tài lớn. Có người bảo rằng nhà bà có thờ vị thổ công rất linh thiêng, thường mách bảo cho bà món hàng nào nên nên mua trữ và món hàng nào không nên mua.
Thực ra đó là những lời đồn đãi để giải thích sự bộc phát của bà. Lý do chính sự giàu có của bà là những mánh khóe gian lận mà bà đã dùng trong sự mua bán. Phải công nhận là bà có tài ngoại giao ăn nói mềm mỏng dịu dàng, tiếp đón vồn vã khách hàng, nên ai cũng thích đến hàng bà. Nhưng sự khôn khéo miệng lưỡi ấy chưa đủ để tạo cho bà một sự nghiệp đồ sộ trong khoảng chưa đầy mười năm, nếu bà không áp dụng những mánh khóe gian lận như dùng trái cân già khi mua và trái cân non khi bán, trao đổi hàng hóa, phải tính phẩm vật, đầu cơ tích trữ, tóm lại không có một phương cách gì có lợi cho bà mà bà từ chối. Bà tự bảo làm nghề buôn bán mà thật thà, chất phác thì có nước bán nhà đi ở đợ. Cho nên bà đinh ninh rằng đã đi buôn thì phải biết dối trá và có nhiều mánh khóe. Và càng thu lợi nhiều, bà lại càng vững tâm tin rằng quan niệm trên của bà là đúng. Lúc mới đầu, mỗi lần giở thủ đoạn gian dối, bà còn e dè, sợ hãi, nhưng càng lâu, bà càng chai sạn, không thấy ăn năn hối hận nữa. Bà thản nhiên nấu lá chuối khô pha thêm vào nước mắm, đổ nước lạnh vào dấm, trộn mạt cưa vào cám, trận cám vào gạo, trộn gạo xấu vào gạo tốt, dán nhãn hiệu thượng hạng vào phẩm vật hạng trung, nhãn hiệu hạng trung vào phẩm vật xấu ...
Nhưng không phải với ai bà cũng áp dụng những mánh khóe như vậy. Bà xem mặt mà bắt hình dung: đối với người sành sỏi thì bà tỏ ra rất chân thật, nhưng với người khờ khạo thì bà bóc lột không tiếc thương. Bà thường bảo cô con gái: " Ở đời, khôn sống, bống chết", đứa nào dại thì đứa ấy thiệt ...
Sỡ dĩ bà thường dạy khôn dạy khéo cho cô con gái của bà vì trong sự mua bán, cô này chưa được thành thạo như bà, nghĩa là còn nhiều sơ hở đối với khách hàng, chưa áp dụng đúng nguyên tắc " khôn sống, bống chết" mà bà đề ra.
Thí dụ, thấy một đứa nhỏ đến mua hàng, theo nguyên tắc của bà thì cô phải lợi dụng sự khờ khạo của nó để bán thứ hàng đã "pha trộn" nhưng đôi khi cô lại bán thứ "nguyên chất" vì thấy đứa bé mặt mũi sáng sủa dễ thương.
Hay khi gặp một khách hàng nhà nghèo năn nỉ bán cho thứ hàng tốt, cô động lòng thương, lấy "thứ thiệt" đưa ra. Trong những trường hợp này, nếu bà Năm biết được thì thế nào cô cũng bị một trận mắng chửi vì bà cho là cô đã "vi phạm luật lệ mua bán" của bà. Bà bảo rằng làm như vậy là "gây xáo trộn" là "tạo khó khăn" về sau, vì lần này họ mua được thứ tốt với giá tiền phải chăng, thì lần sau họ lại đòi cho được thứ hàng ấy và "tuyên truyền" ra cho người khác biết. Thế là bà sẽ bị "chất vấn" và phải "giải thích" rất mệt, mà đôi khi còn "mất tín nhiệm" với khách hàng nữa.
Công việc buôn bán của bà đang thịnh vượng như vậy thì một việc xảy ra, đem lại cho bà nhiều khó khăn suy nghĩ.
Số là vua Ðột Quyết nước Nhục chi sau khi đem "Bài học ngàn vàng" áp dụng trong cung điện và trong triều đình thấy có được nhiều kết quả tốt, nên truyền lệnh đem bài học ấy phổ biến ra ngoài dân chúng.
Từ Kinh dô cho đến tỉnh quận, các quan sở tại có bổn phận phải làm thế nào cho dân chúng hiểu và áp dụng được bài học nói trên.
Sáng sớm hôm ấy, tại phố chợ Kinh dô, người hai bên phố rần rần đổ xô ra đứng hai bên đường xem một đám rước đi qua. Ðám rước gồm độ một trăm người lính phòng thành mặc áo dấu xanh, đỏ, mang trống, thanh la, ống loa và rất nhiều biểu ngữ có viết bài học ngàn vàng: "Phàm làm việc gì, trước phải nghĩ đến hậu quả của nó".
Ði một dặm, đám rước lại dừng lại, phóng loa nói cho mọi người biết tôn ý của vua, giải thích nguyên do và ý nghĩa của "Bài học ngàn vàng", và trước khi đi, họ lại phát cho mỗi người đứng xem một mảnh giấy hồng điều có chép bài học và bảo dân chúng đem về chép hay khắc lại để treo ở trong nhà. Ai không tuân, sẽ bị phạt vạ, và tái phạm sẽ bị phạt tù.
Cô con gái của bà Năm cũng nhận được một mảnh giấy có bài học đem về nhà. Như mọi nhà khác, bà Năm thuê người chạm bài học vào gỗ sơn son thếp vàng rồi treo lên trần nhà, như là một bức hoành phi.
Từ ngày "Bài học ngàn vàng" được treo trước mắt, bà Năm cảm thấy lúng túng khó chịu trong sự buôn bán của mình. Bà cảm thấy như có ai nhìn ngó cử chỉ, hành động của mình, mỗi khi mình bỏ quả cân già, lấy quả cân non, hay mỗi khi pha nước lá chuối vào nước mắm , trộn tấm vào gạo ...
Nhưng vốn tính gian tham bướng bỉnh, bà chắc lưỡi, tự bảo: "Hơi đâu bà thắc mắc cho mệt xác, hậu quả mình muốn là trở thành đại phú gia, thì mình phải trù nghĩ, tính toán làm sao thu lợi vào cho nhiều, cho nhanh. Muốn mau giàu to mà lại làm việc lương thiện thì thật là phi lý! Vả lại "có tiền mua tiên cũng được", miễn sao cho thật giàu có rồi mọi sự đều êm xuôi cả ...
Nghĩ vậy, bà thấy vững tâm đi theo con đường cũ. Nhưng để được bảo đảm hơn, bà đi thỉnh một tượng Phật Quan Âm về thờ ở trên gác. Mỗi đêm, sau khi cửa tiệm đã đóng, bà tắm rửa sạch sẽ lên gác thắp hương khấn vái với Phật Bà phù hộ cho bà được mua may bán đắt. Theo lệ thường ngày rằm, mồng một nào bà cũng làm một con gà để cúng Thổ công. Từ ngày có thờ thêm Phật bà, bà bảo con gái nấu thêm xôi chè để cúng Phật. Bà đứng trước pho tượng Phật Bà, khấn vái:
- Lạy Phật Bà! Xin Ngài phù hộ con mua may bán đắt một vốn mười lời, không có việc gì trắc trở xảy ra, thì ngày rằm, mồng một nào con cũng xin nguyện dâng cúng hương hoa quả phẩm và xôi chè.
Lạy xong, bà thiết tha niệm Phật lia lịa tỏ vẻ thành kính lắm rồi lê dép xuống nhà dưới, đánh một giấc ngon lành cho đến sáng.