Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Suy ngẫm, Làm Người >> BÀI HỌC NGÀN VÀNG

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6838 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

BÀI HỌC NGÀN VÀNG
Thích Thiện Hoa

CHƯƠNG XXIV

Dưới triều vua Ðột Quyết nước Nhục chi, có quan Tham tri bộ Hộ là người thanh liêm trung chính, rất được dân chúng và bạn đồng triều kính nể. Quan sanh được bốn người con, ba  trai, một gái. Cô con gái đầu lòng đã có gia thất, theo chồng đi làm quan ở một tỉnh xa. Ba cậu con trai kế tiếp theo thứ tự là: Ðoàn Tín, Ðoàn Danh, và Ðoàn Hiệp.

Ba anh em suýt soát tuổi nhau, cùng học một trường, cùng sống với nhau dưới một mái nhà, nhưng tánh tình không giống nhau.

Ðoàn Tín, người anh đầu ỷ cha mẹ giàu có, thích chơi hơn ham học. Anh ta tin ở số phận đã an bài sẵn, cái gì cũng do tiền định cả, dù mình có nhọc công hao sức cần cù chăm chỉ mà số nghèo vẫn cứ nghèo. Trái lại, nếu mình có số giàu sang thì dù có hốt của đem đổ đi, của cũng cứ đến.

Ðoàn Danh, người con trai thứ hai, trái lại, cần cù, chăm chỉ học hành, nhưng hay đau ốm. Anh tin ở mồ mả họ hàng mình là dòng khoa bảng nên sau này thế nào anh cũng trở thành một người khoa bảng, làm rạng rỡ tông môn.

Ðoàn Hiệp, người con trai út, đúng như cái tên gọi, là một trang thanh niên hào hiệp. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng anh đã có chí lớn, hằng mong mỏi đem cái sở học để sau này phò vua giúp nước, chứ không muốn trở thành một con mọt sách, hay một cái đãy đựng chữ thánh hiền.

Do tánh tình khác nhau đó, mà ba anh em thường hay khích bác nhau, mỗi khi ngồi lại với nhau là thế nào cũng sanh sự cãi vã, không ai chịu cho ai là phải.

Quan Tham tri họ Ðoàn thực khổ tâm vì sự bất hòa của ba đứa con trai, và luôn luôn phải làm trọng tài để hòa giải sự xung đột của họ. Tuy vậy, quan cũng không hẳn vô tư, vì trong ba người con trai, quan có vẻ dành nhiều thiện cảm, nhiều quí mến đối với Ðoàn Hiệp, đứa con út mà tánh tình có nhiều điểm giống mình. Trái lại, bà vợ quan thì lại thường tỏ ra thiên vị người con đầu là Ðoàn Tín, vì quan niệm về cuộc đời lại có nhiều điểm giống bà.

Do đó, sự bất hòa giữa các con nhiều lúc trở thành nguyên nhân cho sự bất hòa giữa hai cha mẹ, vì ai cũng muốn binh vực cho đứa con “hạp tuổi” của mình.

Thế rồi một hôm Triều đình vua Ðột Quyết phát động chiến dịch phổ biến “BÀI HỌC NGÀN VÀNG” cho các quan trong triều và người ngoài dân chúng áp dụng.

Hôm ấy, sau khi bãi chầu, quan Tham Tri họ Ðoàn cũng như các vị triều thần khác đdều được vua ban cho một tấm biển có khắc “Bài học ngàn vàng” với mấy chữ: “Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó”.

Quan đem về đặt lên án thư và gọi ba con đến để giảng về ý nghĩa của bài học. Sau khi tường thuật sự xuất xứ và những lợi ích lớn lao thiết thực mà “Bài học ngàn vàng” đã đem đến cho nhà vua, quan cất cao giọng hỏi:

- Các con nghĩ thế nào về “Bài học ngàn vàng” này?

Ba anh em theo thứ tự lớn nhỏ, lần lượt trả lời. Ðoàn Tín nói:

- Theo con thì phàm mọi việc xảy ra trong đời đều do tiền định cả. Muốn làm giàu, mà số mình nghèo, thì dù có làm ra tiền vàng bạc bể, rồi tay trắng cũng hoàn tay trắng. Cho nên dù suy nghĩ cho chín chắn mọi việc mình làm, kết quả chưa chắc đã đúng như ý mình suy nghĩ.

Ðoàn Danh, người con thứ hai, cãi lại:

- Anh nói như vậy không đúng. Mọi việc không phải do trời sắp đặt, mà do phúc ấm của dòng họ, mồ mả của tổ tiên mà ra. Dòng họ mình có mồ mả đỗ đạt, làm quan thì dù có vất sách vào bụi, cũng cứ đỗ đạt làm quan. Trái lại, nếu không có mả, thì dù có văn chương chữ nghĩa hơn đời, cũng cứ phải nằm co trong xó bếp, chẳng làm nên được danh phận gì. Cho nên cũng không cần suy nghĩ về hậu quả của việc mình làm, làm gì cho mệt trí. Cứ lo tu bổ mồ mả, cúng vái ông bà cho thành kính, là được.

Ðoàn Hiệp, người em út, nghe hai anh nói, không dằn được sự bực tức, lớn tiếng cãi lại:

- Sai, sai bét tất cả! Nhà ta có thờ Phật, tin Phật mà hai anh nói nghe như là những kẻ mê tín dị đoan gì đâu! Ðức Phật dạy chúng ta tin thuyết nhân quả, gieo nhân nào, gặt quả ấy, chứ đâu có dạy chúng ta tin trời, tin đất, tin mả, tin mồ, tin, tin dòng, tin họ? Chúng ta có bổn phận cúng bái ông bà, săn sóc mồ mả là vì lòng tri ân đối với những vị đã sinh thành chúng ta , là vì lòng thương yêu tôn kính đối với các bậc trưởng thượng, chứ đâu phải để nhờ vả, cầu xin các ngài làm nên cửa, nên nhà, nên chức, nên tước cho chúng ta?

Quan Tham Tri nghe Ðoàn Hiệp nói tỏ vẻ tán thành, gật đầu luôn mấy cái. Ðoàn Hiệp càng thêm phấn khởi, định nói thêm nữa, nhưng vừa lúc ấy, mẹ chàng ở sau màn the bước ra, nghiêm nét mặt, mắng chàng:

- Mày ăn nói ngạo mạn, không biết giữ gìn, thật quá phạm thượng đối với trời đất, thánh thần, tiên tổ. Mày làm như trên đầu trên cổ không có ai hết. Mày phải chừa cái tánh tự tin, tự phụ của mày đi, thì may ra mới khá được.

Mắng con xong, bà quay sang quan Tham Tri, nói có vẻ trách:

- Ông cứ để cho thằng Hiệp ăn nói hỗn xược, không kể trời đất gì cả, có ngày mang họa cả gia đình. Ông cũng biết dòng họ mình là dòng họ mấy đời làm quan nhờ phúc ấm của Tổ tiên. Nay ông nghe nó nói như vậy mà không rầy la, còn tỏ vẻ tán thành, thì chẳng khác gì bắc thang cho nó leo; rồi tai họa xảy đến, không biết đâu mà lường.

Ðoàn Tín và Ðoàn Danh nghe mẹ mắng em, rất lấy làm hả dạ, nhưng vì có cha ngồi đó nên không dám tỏ vẻ hài lòng ra mặt. Quan Tham Tri nghe vợ trách, vẫn không đổi sắc mặt, ôn tồn nói:

- Bà đừng nên cả vú lấp miệng em như vậy. Mỗi người đều có những ý nghĩ và tư tưởng riêng của họ. Mình nên để cho con cái tự do phát biểu ý kiến, để mình hiểu rõ chúng nó hơn, chứ cứ bắt chúng nghĩ và nói theo khuôn rập của mình thì thật là hẹp lượng và rồi cũng chẳng biết được chúng nghĩ gì, mặc dù chúng vẫn ở sát nách bên cạnh chúng ta.

- Ông thì lúc nào cũng cứ cái kiểu tự do quá trớn ấy! Con cái mà không ngăn cản bớt bớt thì có ngày chúng leo lên đầu lên cổ mà ngồi.

- Bà có biết vì sao tôi để cho chúng tự do phát biểu ý kiến không? – Vì tôi muốn xem chúng nó có phản ứng như thế nào về “Bài học ngàn vàng”. Tôi muốn để cho chúng nó suy nghĩ tự do, rồi đứa nào suy nghĩ như thế nào, cứ làm như thế ấy. Ðứa nào nghĩ thế nào thì kinh nghiệm thực tế sẽ cho nó thấy là đúng hay sai. Như vậy hay hơn là cứ nhứt cử nhứt động bắt nó phải theo ý của mình, mà có nhiều khi ý của mình cũng chưa chắc là đúng. Quan Tham muốn ám chỉ đến cái lòng tin tưởng về mồ mả dòng họ của vợ, nhưng không muốn nói rõ hơn, sợ bà nổi giận, thêm ồn nhà ồn cửa.

Bà Tham, là người tinh ý, nhận thấy chồng muốn chỉ trích khéo mình, nói một cách bực tức:

- Ông có muốn thí nghiệm xem ý kiến của ông có đúng hay sai thì mặc ông, chứ còn ý kiến của tôi, thì không cần thí nghiệm cũng biết là đúng.

Nói xong bà ngoe ngẩy đi nhanh vào phòng. Quan Tham nhìn theo, mỉm cười mai mỉa ...

Quan xoay lại, nói với ba cậu con:

- Thôi cho các con về phòng. Còn “Bài học ngàn vàng”, các con muốn theo hay không tùy ý. 

<< CHƯƠNG XXIII | CHƯƠNG XXV >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 730

Return to top